— Hôm ấy em lang thang, chán ngán, ở một thị trấn khỉ ho cò gáy... thực ra cũng không hẳn... tóm lại nó ở miền núi. Trời nắng, có một chỗ có một cái ao rộng, gọi là hồ cũng được, ở trong một khu kiểu như khu chợ. Ở đấy cái gì cũng nham nham nhở nhở, nhưng cái ao thì đẹp. Bên bờ ao kê liền mấy cái bàn gỗ dài, cao gần đến ngực, kiểu bàn ăn đứng. Có mấy thanh niên địa phương đội mũ nồi... dân tộc, nó là mũ vải hình vuông bẹt bẹt màu sẫm ấy, đang nướng thịt bán, khói bốc xanh um. Em vừa đi ngang chỗ ấy thì đứng nghệt luôn ra... Tại nhìn thấy hai người rất là kỳ lạ.
— ...
— Người phụ nữ... gọi là cô gái cũng được, chắc chỉ hơi quá tí, mặc cái quần soóc cũ màu ễnh ương... tối hơn chút, bạc phếch, kiểu quần ka-ki có thể đút hai tay vào túi quần rồi phùng ra... với cái áo thun trễ hai dây, vằn vện hoa cà, cũng cũ, cả đều không tinh tươm lắm, dây chiêng trống lộn xộn thoải mái, tóc vàng nửa rơm nửa rạ buộc gấp một túm cẩu thả đằng sau, — y vừa kể vừa vui vẻ làm động tác mô tả, — đi dép tông, đại khái kiểu đang ở nhà hay nhà trọ ngay cạnh đấy, chỗ ấy cũng hay có khách du lịch, muốn ăn quà thì cứ thế chạy luôn ra.
— ...
— Người đàn ông... hì, thằng này trông ngon cực, một thằng nhóc bé tí, trắng trẻo mũm mĩm nhưng không chảy, cởi trần trùng trục, cổ đeo dây chuyền bạc, tí nở, bụng tròn, mặc một quả quần đùi trắng vải vũ ba lê in những hình hoạt họa nhỏ màu xanh lá cây và màu đỏ; mẹ nó để nó ngồi chễm chệ ngay trên mặt bàn, xếp bằng tròn, thò tay tự bốc thịt nướng mải mê gặm, xốt cà chua quệt đầy hai bên mép.
— ...
— Lý thú không tả được, em đang chán nản thế cũng không nhịn được phì cười; cười thật được, nên sảng khoái thật, cao hứng mới sán lại chỗ đấy, chủ yếu muốn ngắm nghía, cả có thể trêu nó chút...
— ...
— Mẹ thằng kia nhìn em cười cười, còn nó đang toàn tâm toàn ý mải ăn thịt, tuyệt không để ý gì đến xung quanh. Đến nỗi em ghé đầu xăm xoi, cu cậu cũng không biết, nhưng vô tình quờ tay vào cái khăn vải em quấn trên đầu, bèn cứ thế chùi lấy chùi để, thậm chí chả nhìn, cứ tiếp tục chăm chú gặm thịt nướng ở tay kia... Thành ra lúc ấy thế này: thằng bé thì vừa lau tay vào đầu em vừa gặm thịt nướng, mẹ nó thì chảy cả nước mắt, cứ nhìn hết em lại nó, một tay bịt mồm, một tay tì vào mặt bàn, còn em thì trố mắt nhìn lên đấy...
— ...
— Miếng thịt nướng to, mẹ nó phải cắt bớt ra, tưới thêm xốt cà chua, rồi bày riêng vào một cái đĩa giấy để trước mặt cu cậu. Và... cô ấy đã cắt thịt đúng bằng con dao ấy.
— ...
— Nhưng em đờ đẫn ra lúc ấy là vì quá bất ngờ, nó là phản xạ bản năng, chứ tuyệt không có một chút cảm giác vui mừng nào hết. Nếu bây giờ bảo em làm sao diễn tả chính xác nhất cái gì là tuyệt vọng, có lẽ em sẽ chọn đúng cảm giác lúc ấy. Khi mà... cái mà mình thật muốn đã sờ sờ ngay trước mắt, nhưng trong tâm trí, không phải là không tin... tin hẳn hoi, tuyệt đối không lăn tăn đấy chính là nó, nhưng có cái gì đấy cứ trơ ra, giống như nó đã có một lý lẽ hoàn toàn chắc chắn khẳng định mặc dù chính là cái đấy rồi đấy, nhưng ngay cả thế cũng sẽ chả thể đem lại một kết quả gì khả dĩ đâu.
— ...
— Thực ra cảm giác ấy không sai, chỉ là hình dung nó lạ lùng. Căn bản... từ việc tình cờ nhìn thấy một vật, cho đến tìm hiểu được xuất phát điểm của một vật giống với vật ấy, rồi lại tiếp cận được xuất phát điểm ấy, và khai thác được thông tin, và trong đó lại phải có thông tin có ích... thực tế cũng không quá khác so với trăng ở dưới nước.
— ...
— Em bơi chắc giỏi hơn cụ Lý Bạch... Nhưng vậy là may không phải bơi lội gì. Con dao ấy được bán ở quán tạp hóa của ông lão Kha-gu-txư-ra ở ngay trong thị trấn. Lúc ấy tay em cứ run bần bật. Cũng không biết đấy là suy nghĩ hay bản năng, nhưng em cứ tự động lóng cóng cởi cái đồng hồ Rô-lếch ra lồng vội vào tay thằng bé, rồi bất giác chắp hai tay vào trước ngực cúi chào mẹ, hay là mẹ con, nó, lúc ấy em đã nghĩ là người Nhật chào như thế; hình như cô ấy đã nói hay làm gì đấy, nhưng đều đã ở đằng sau, cách em một đoạn.
— ...
— Em nhớ lúc bước đi lập cập trên đường, em đã có một mong muốn rất lớn là được trở thành một trong số Bạc Vương. — Y cười, nhưng lại nhăn nhó. — Em biết, mấy người đấy, họ có dự cảm rất tốt, kiểu dự cảm không còn hoàn toàn là bản năng, đối với "dây đỏ", "dây đen". Còn em thì lúc ấy cực kỳ rối ruột... có hy vọng khấp khởi cùng với một cảm giác rất sợ, chắc không phải sợ vỡ mộng mà là sợ không dám hy vọng, hai thứ đấy nó cứ lộn tùng phèo trong người.
— ...
— Và ở cửa hàng không có ông lão Kha-gu-txư-ra. Cũng không có con dao ấy.
— ...
— Đứa cháu ông Kha-gu-txư-ra cho biết cửa hàng của họ đã bán loại dao như vậy trong suốt một thời gian; em cũng tìm thấy nó trong sổ bán hàng. Cậu ta nhăn trán, rồi lắc đầu, gần như quả quyết, khi em đưa ảnh ông Mút-đờ-rốp.
"Ông lão Kha-gu-txư-ra tới chỗ người bà con, còn chưa về ngay. Em xuýt nữa thì đã vội đuổi theo, rồi sợ... Chị biết, đuổi kiểu đấy, mỗi người đi một chiều, rồi phát sinh, có thể ngẫu nhiên lung tung cả, cả lúc ấy em biết em cũng chả có khả năng tính toán thật chặt chẽ được nữa, chỉ có một mường tượng rất lùng bùng, nên em bụng bảo dạ chi bằng cứ ngồi yên ở chỗ mà người kia thế nào cũng sẽ phải tới, cho chắc.
"Nhưng hóa ra việc ngồi đợi ông lão, cho đến khi ông ấy về, thực chất đã không còn nhiều ý nghĩa nữa.
"Chị biết không, càng ngày em càng có cảm giác, là trong những gì em làm, rõ ràng luôn có một cái gì đó, không phải em, và luôn đi trước em.
"Hôm ấy em đang vừa đuổi theo một thằng bé trong một khu phố ngoằn ngoèo... — y cười — chơi chơi thôi, vừa nghĩ đến cảnh Chu Bá Thông đang đuổi theo Cừu Thiên Nhận, thì nhìn thấy từ trong một quán hàng bán đồ lưu niệm ở bên mặt phố có một người khách du lịch đang đi ra, vừa đi vừa chăm chú ghi chép gì đó vào một quyển sổ con. Lúc ấy chỉ nhìn thoáng thế thôi. Nhưng sau đó, có một lúc ngẫu nhiên, việc này chợt trở lại trong đầu, và em ngẩn ngay ra vì sự dốt nát của mình... — Y ngửa bàn tay, hất lên chênh chếch, vẻ bực bội.
"Em vội gọi ngay cho anh Ác-tua, anh Ác-tua cũng vội vàng làm ngay việc em bảo, lại bới hết đống đồ đạc của ông Mút-đờ-rốp lên, cố tìm cho được thứ gì có vẻ giống như sổ ghi chép.
"Tìm được sổ ghi chép thật, thậm chí — nhưng — rất to, phải cỡ... "Chiến tranh và Hòa bình" — ông giáo sư, không hẳn là nhật ký, nhưng hóa ra có thói quen ghi chép rất đều đặn hầu như không ngắt quãng. Anh Ác-tua, — cũng là một cao thủ thuộc loại thể lực thâu đêm suốt sáng nếu cần, không hơn, mà chắc khó hơn, thì cũng không kém em bao nhiêu, — đã ngồi hì hục bới quyển đấy suốt cả đêm...
"Nhưng không tìm được gì hết.
"Em đã tự trách mình ngu và bắt đầu có cảm giác thật sự lo lắng nghĩ là sẽ phải tự xem xét lại tính lô-gích trong cách suy nghĩ của mình suốt cả giai đoạn ấy... thì chợt nghĩ đến một chuyện, lại vội vội vàng vàng gọi cho anh Ác-tua.
"Thằng cu Vô-va con anh Ác-tua là một thằng bé rất "cứng". Nó thích nhất các trò đánh đấm ly kỳ bắt gián điệp, nhưng mẹ nó bắt và kèm bằng được nó vào trường chuyên toán, anh Ác-tua ở nhà thì rất hiền, nhưng lại có uy, ít can thiệp nhưng hay ủng hộ vợ, cho nên cu Vô-va mặc dù đến giờ trông vẫn không giống lắm, nhưng lại chính thị là dân trường chuyên lớp chọn hàng hiệu từ bé; và nó khá máy tính ra phết... — Thấy cô gái cười cười, lấy ngón tay chỉ chỉ, y hơi ngớ ra, rồi cũng cười, nhưng lại nhíu mày. — Không, hoàn cảnh nó đâu có... chị biết em khác mà.
"Em chỉ cách cho nó vào mạng lấy cái chương trình của nhị ca... — Y trao đổi với cô gái một cái nhìn nhanh. — Bản tối thiểu, pót-tây-bần, từ chỗ của em. Em biết bên kỹ thuật chỗ anh Ác-tua họ cũng có chương trình của họ, nhưng theo mức độ bây giờ, thậm chí nếu có nhỉnh hơn so với phần mềm dân dụng, thì với kiểu sổ ghi chép bằng tay, chắc cũng chẳng ăn thua gì. Hơn nữa tâm trạng lúc ấy, em không thể... không có khả năng dừng lại để đặt ra các phương án rồi cân nhắc. Chỉ thấy có cái gì mà vạn nhất hy vọng được... là theo luôn thôi. Nên em hướng dẫn thằng Vô-va cách quét dữ liệu từ quyển "Chiến tranh Hòa bình" của ông Mút-đờ-rốp, quét ngược từ dưới lên, cứ được trang nào thì côn-tờ-rôn "F" tìm ngay theo địa danh chỗ ấy hoặc tên con dao như đã được ghi trong sổ bán hàng, nếu không thấy thì đơn giản tìm thử từ "dao".
"Đêm hôm ấy em đang ngủ thì thằng Vô-va gọi.
"Nhấc máy thì cả em với nó đều nói rất to về cùng một thứ. Nó tìm thấy tên cái thị trấn ấy, và ngay bên cạnh: "dao săn A-kun-la, giá 1,387.00 rúp."
"Vậy là xong, nhưng em dặn nó: "Bảo bố đợi chú về."
"Căn bản em vẫn muốn chờ ông lão Kha-gu-txư-ra.
"Ông lão về, thấy ảnh ông Mút-đờ-rốp thì nhớ ra ngay, còn nhăn nhó... Hóa ra ông Mút-đờ-rốp đã là một vị khách hàng không mấy dễ chịu, có khi có phần giống em, — hồi đi mua dao. Em giải thích lý do rồi xin phép rước ông lão về chơi thủ đô một chuyến; ông lão vui vẻ nhận lời ngay. Vì sao đó mà với chó, với bọn con gái, và với người già, trước giờ em luôn gây được thiện cảm. Với mèo thì lại hoàn toàn ngược lại! Cho nên nhiều người cứ hay ví gái với mèo, em thấy hình như rất ngu... — Thấy cô gái nhìn mình, y cười, lần này thì có vẻ vui vẻ thật. — Không phải mình em thấy thế nhá! Chị cũng thấy, "Con mèo con của anh blah blah..." xuất hiện ở biết bao nhiêu chỗ, rồi cũng chả ai nhớ những chỗ ấy là chỗ nào, đến Trê-khốp, chỉ một phát "Gái và Chó", thì lập tức để đời!..
Đang vui vẻ, giữa hai chân mày y chợt thoáng một nét trầm ngâm, và vẻ trầm ngâm thoảng qua ấy chắc không phải vì y cũng đã nhận ra một biểu hiện tương tự trên nét mặt người ngồi cạnh, nhưng y tiếp tục ngay:
— Nhưng sau đấy nghĩ lại, em nghiêng về giả thiết là ngay cả nếu em không đợi ông lão Kha-gu-txư-ra, mà bỏ về ngay, thì chắc em cũng chưa thể về được.
Y có vẻ chờ đợi, nhưng ở cô gái không có dấu hiệu gì khác ngoài biểu hiện rất chăm chú, nên y đành nói tiếp:
— Vì sẽ có người tìm cách để giữ em lại.
— ...
— Chỉ để nói một câu chuyện.
— ...
— Để giao phó một việc.
— ...
— Và người đó là...
— ...
— Chính là...
— ...
— E-quin Pờ-rao vĩ đại!
— ...
— Chị thậm chí..!
— Kể tỉ mỉ chị nghe, đừng bỏ sót.
Y đã ngửa một bàn tay, hất lên trời, giương mắt ném vào cô gái một cái nhìn vừa ngạc nhiên vừa tức tối... thì cô gái chống một bàn tay lên trán, cúi xuống, người rung lên, rồi bàn tay bật ra, khuôn mặt xinh đẹp ngẩng lên, rạng rỡ, cùng với một nụ cười khó có thể tươi vui hơn được nữa, và tiếng cười trong trẻo, giòn tan, giống như đã làm cho không chỉ ánh trăng trên mặt nước hồ chung quanh, mà cả ánh trăng khắp trên lòng thuyền, trên hai người, nhất là hai mái tóc, đều không ngừng lấp lánh lay động. Cô gái hỏi với một vẻ sốt ruột trông thấy:
— E-quin Pờ-rao thật á?! Kể đi, kể ngay đi!..
Nhưng suốt cả câu chuyện, cô không giục giã thêm lần nào nữa. Chỉ đến lúc đã nghe hết, cô mới như đang đối thoại với suy nghĩ của chính mình:
— E-quin Pờ-rao vĩ đại... E-quin Pờ-rao... chỉ ngoại trừ một chút nhầm lẫn về phiên bản chương trình... mà... cũng không quan trọng lắm.
— ...
— Em định thế nào?
Y không trả lời, chỉ làm một điệu bộ, cô gật đầu:
— Ừ, phần sau.
— Em... chưa định gì cả. Không định được. Biết là không định được. Cho nên em... bây giờ gặp được chị rồi, mọi thứ... trong người em mọi thứ nó mới yên bình lại.
"Mai em sẽ bắt đầu quyết định!"
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...