BBC Tiếng ViệtViệc xử lý phạt vì lời comment mặt thằng Thạnh này trên Facebook tại Việt Nam
đang gây tranh cãi vì yếu tố pháp lý mơ hồ
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng tiếp tục xôn xao chuyện một cô giáo ở TP Long Xuyên bị phạt 5 triệu đồng vì bình luận "nhìn cái mặt kênh kiệu" trong một đoạn đăng trên mạng xã hội có hình chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh.
Hôm 21/11, trao đổi với BBC, luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy - Trinh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc xử phạt này là “một tiền lệ hết sức nguy hiểm”.
“Người dân chỉ chê "kênh kiệu" mà bị phạt 5 triệu/người, rồi kỷ luật đảng, thuyên chuyển công tác thì thật oan uổng. Nếu vậy, chắc cả mấy chục triệu người dân Việt Nam sử dụng tài khoản mạng xã hội sẽ bị phạt hết, chỉ trừ một số người”, ông Bình nói.
Luật sư phân tích: “Hiến pháp và pháp luật quy định người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền giám sát, đánh giá năng lực, phẩm chất, phong cách của người được dân bầu, dân cử nên không thể cho rằng họ đánh giá ông chủ tịch này ‘kênh kiệu’ là xúc phạm danh dự, nhân phẩm... của ông ấy”.
Theo ông Bình, uy tín và danh dự của ông chủ tịch bị ảnh hưởng hay không là do kết luận của cơ quan chức năng chứ người dân chê ‘kênh kiệu’ chưa ăn nhằm gì cả. Chừng nào người dân cho rằng ông này “ngoại tình, nhũng nhiễu, ăn chơi trác táng, bỏ mặc gia đình…” mà không có căn cứ thì mới có thể kết luận họ “vi phạm hành chính hoặc phạm tội”.
Ông nói thêm: “Muốn kết luận có xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người thì phải làm rõ người này còn có danh dự, nhân phẩm, uy tín hay không”.
“Trấn áp không đúng luật”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng hành xử của ông chủ tịch UBND là “không được”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc được
báo Thanh Niên dẫn lời hôm 20/11 cho biết: “Xử lý thì phải theo luật. Nếu tôi nhớ không lầm thì bình luận đó không có gì vu khống cả mà chỉ là bình luận mang tính chất cảm nhận thôi. Họ có thể khen ông đẹp hay chê ông xấu thì đó là quyền người dân chứ.
"Tại sao lại gắn chuyện đó vào lý do ‘sắp Đại hội Đảng’ để xử lý. Lẽ ra cần thấy chính cái đó là thuốc thử. Nếu số đông không tán thành với những bình luận ấy thì đó là ủng hộ cho lãnh đạo. Không nên dùng quyền lực trấn áp không đúng luật”.
Nhà sử học cũng bình luận, “khi chúng ta đang kêu gọi việc gần dân, nghe dân mà ông chủ tịch lại hành xử như thế thì không được”.
“Dùng Facebook nói xấu lẫn nhau, nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son
Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh giải thích trên
VietnamNet hôm 18/11 rằng không chỉ đạo xử lý cô giáo chê mình “vì như thế dễ bị cho là trù dập cán bộ”.
“Chuyện này xảy ra trước Đại hội Đảng bộ của tỉnh, phía công an tỉnh đã phát hiện chuyện này trên Facebook nên báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy. Tỉnh ủy giao Đảng ủy Khối cơ quan dân chính Đảng và công an kiểm tra, làm việc với những người có liên quan và sau đó giao cho đơn vị chủ quản của những cán bộ, nhân viên này cùng Sở Thông tin & Truyền thông xử lý. Tôi không có ý kiến gì về chuyện đó cả”, ông Thạnh được dẫn lời.
Hôm 21/11, báo
Dân Việt hé lộ một tình tiết bất ngờ: gia đình cô giáo chê ông Thạnh trên Facebook cũng là hàng xóm của ông. "Giữa hai gia đình có xích mích về việc ông Thạnh xây nhà gây lún nứt; sơn nhà, rác thải sinh hoạt, đậu xe tràn qua nhà hàng xóm... đôi khi dẫn đến lời qua tiếng lại", báo này viết.
"Do đó, khi thấy trên Facebook có đăng tải lại bài nói về ông chủ tịch, người hàng xóm đã vào bình luận là “kênh kiệu, xa dân”, Dân Việt tường thuật.
Trước đó, hôm 17/11, một người dùng Facebook tên Hoàng Dũng đăng tải trên mạng cuộc gọi điện thoại cho người mà ông này nói là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, để hỏi bộ trưởng về việc nói xấu sẽ bị xử lý ra sao.
Trong cuộc điện thoại được ghi lại và tung lên Facebook cũng như YouTube, facebooker Hoàng Dũng hỏi về một tình huống nói xấu, có tiếng trả lời: "Không sao cả" và "Nói xấu phải có địa chỉ cụ thể".
Ông cũng nói: "Sẽ nói với anh em để xem xét việc này" sau khi Hoàng Dũng nêu tên địa chỉ của người bị cho là đã nói xấu ông Nguyễn Bắc Son.
BBC không có điều kiện kiểm chứng liệu đây có thực là cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Son hay không.
Hôm 16/11, báo Thanh Niên trích lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời báo chí trong nước về chuyện nói xấu trên Facebook: "Trang tin xã hội nên được sử dụng để đăng tải thông tin tốt, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội".
"Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện, dùng Facebook nói xấu lẫn nhau, thậm chí nói xấu cả cô giáo, thầy giáo mình; làm việc sai trái..., nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Nguồn:
(Bài viết của tác giả bauxitevn)