Câu chuyện của phu nhân N. N.

CÂU CHUYỆN CỦA PHU NHÂN N. N.

(An-tôn Trê-khốp)


Khoảng 9 năm trước, một buổi chiều vào kỳ cắt rạ, tôi và Pi-ốt Xéc-gây-ích, lúc ấy làm dự thẩm ở một toà án, cùng cưỡi ngựa ra ga lấy thư về.


Hôm ấy trời rất đẹp, nhưng trên đuờng về bỗng có tiếng sấm ầm ì, và chúng tôi nhận thấy một đám mây đen hung dữ đang lừ lừ tiến tới gần chúng tôi.


Nổi lên trên nền mây đen xám ngắt thấp thoáng màu trăng trắng của ngôi nhà chúng tôi, những cây phong cao óng ánh bạc. Không khí thoang thoảng mùi mưa và mùi rạ mới cắt. Anh bạn của tôi đang cao hứng lắm. Anh ta cười như nắc nẻ và nói đủ chuyện vu vơ. Anh ta bảo là ví thử bây giờ trên đường đi của chúng tôi thoáng hiện lên một toà lâu đài trung cổ với những ngọn tháp răng cưa có rêu phủ, có cú đêm, thì hay quá, chúng tôi sẽ trú mưa và rồi sẽ bị sét đánh chết.


Nhưng kìa trên đám lúa mì đen trên cánh đồng đại mạch đã tràn qua đợt sóng đầu tiên của giông tố. Gió đã nổi và cuốn bụi lên thành từng cột xoáy tít. Pi-ốt cười vang và cựa giầy thúc ngựa.


— Thích thật! — Anh reo lên — Thích quá!


Tôi cũng vui lây. Và khi nghĩ rằng chỉ lát nữa tôi sẽ bị ướt như chuột lột và rất có thể bị sét đánh chết, tôi cũng cười phá lên.


Gió bấc xoáy rất mạnh. Hai con ngựa phi vun vút, khiến cho người ta có cảm giác khó thở, trong lồng ngực chúng tôi thấy hồi hộp, nôn nao. Khi chúng tôi cưỡi ngựa về đến sân nhà, gió đã lặng, những chùm mưa lớn đổ rào rào xuống đám cỏ và mái nhà. Quanh chuồng ngựa không có lấy một bóng người. Pi-ốt tự tay tháo yên cương cho hai con ngựa, dắt chúng vào tàu, trong khi chờ anh xong việc, tôi đứng ở ngưỡng cửa nhìn những làn mưa chênh chếch đổ xuống, cái mùi rạ ngòn ngọt hăng hăng ở đây như thể nồng đượm hơn ở ngoài đồng; mây đen và làn mưa làm cho trời tối mờ đi.


— Sét đánh dữ quá! — Pi-ốt vừa nói vừa đến cạnh tôi sau một tiếng sét rất dữ dội, mở đầu cho một đợt sấm đổ hồi. Lúc bấy giờ có thể tưởng tượng như trời đã nứt làm đôi.


Anh đứng cạnh tôi trên ngưỡng cửa chuồng ngựa, vẫn còn thở mạnh vì chuyến phi ngựa rất nhanh vừa rồi. Tôi nhận thấy anh đang nhìn tôi mê mải.


— Na-ta-li-a Vờ-la-đi-mia-rốp-na ạ, — anh nói — tôi sẵn sàng hiến dâng tất cả chỉ để được đứng thế này lâu hơn nữa và nhìn cô. Hôm nay cô đẹp quá!


Mắt anh hân hoan và van vỉ, mặt anh tái xanh, trên bộ râu anh có những giọt nước mưa lóng lánh, và hình như mấy giọt mưa ấy cũng âu yếm nhìn tôi. — Tôi yêu cô. — Anh nói — Tôi yêu cô, và tôi sung sướng được nhìn thấy cô. Tôi biết cô không thể thành vợ tôi đuợc. Nhưng tôi không muốn gì hết, tôi không cần gì hết, chỉ xin cô biết một điều rằng tôi yêu cô. Cô đừng nói, đừng lưu ý làm gì, cô chỉ cần biết là tôi rất quý cô, hãy cho phép tôi, được nhìn cô!


Tâm trạng hân hoan của anh cũng chuyển sang tôi. Tôi nhìn gương mặt phấn khích của anh, lắng nghe giọng nói của anh hòa lẫn với tiếng mưa, mà như bị thôi miên, không sao cử động được.


Tôi muốn nhìn mãi đôi mắt sáng long lanh ấy, nghe mãi giọng nói ấy, muốn vô cùng.


— Cô im lặng, như thế là rất hay! — Pi-ốt nói — Cô cứ im lặng như thế đi.


Tôi thấy thích quá. Tôi cười to lên vì sung sướng và chạy ra giữa cơn mưa đang đổ xuống như trút để vào nhà; Pi-ốt cũng cười phá lên và nhảy nhót chạy theo tôi.


Hai chúng tôi, như hai đứa trẻ, ồn ào, ướt át, thở hổn hển, nện gót ầm ầm trên thang gác và chạy ùa vào trong nhà. Cha tôi, vốn không quen thấy tôi vui cười như thế, kinh ngạc nhìn tôi rồi cũng cười phá lên.


Những đám mây giông tố đã kéo đi hết, tiếng sấm đã lặng nhưng trên râu của Pi-ốt vẫn còn long lanh mấy giọt mưa. Suốt buổi chiều hôm ấy, mãi đến bữa ăn tối, anh ca hát, huýt sáo, đùa nghịch ầm ĩ với con chó, đuổi theo nó chạy khắp các phòng, thành thử có lúc suýt xô phải một người nhà đang bưng ấm lò đi ra. Trong bữa tối, anh ăn rất nhiều, nói toàn những chuyên ngớ ngẩn và quả quyết hễ mùa đông mà ăn dưa chuột tươi thì trong miệng sẽ sực nức hương bị mùa xuân.


Khi đi ngủ, tôi thắp đèn nến lên và mở toang cửa sổ, và một cảm giác mơ hồ khó hiểu tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi nhớ ra rằng tôi tự do, khoẻ mạnh, quyền quý, giàu sang, — quyền quý và giàu sang, — trời ơi, thích biết chừng nào!.. Sau đó, người co ro trong giường vì hơi lạnh thoang thoảng từ vườn đưa vào phòng cùng với sương đêm, tôi cố tìm hiểu xem mình có yêu Pi-ốt Xéc-gây-ích không... Rồi không hiểu được chút gì, tôi ngủ thiếp đi.


Và sang hôm sau, khi trông thấy những vệt nắng rung rinh và bóng những cành bồ đề chờn vờn trên đệm, trong ký ức tôi sống dậy những cảnh hôm qua. Tôi thấy cuộc sống sao phong phú, muôn màu muôn vẻ, tràn đầy một vẻ đẹp diệu kì. Tôi vừa hát vừa khe khẽ nhanh nhẹn mặc áo quần và chạy ra vườn...


Rồi sau đó chuyện gì đã xảy ra? Sau đó chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mùa đông, gia đình tôi ở trong thành phố, Pi-ốt Xéc-gây-ích vẫn thỉnh thoảng đến chơi. Những người quen ở nông thôn chỉ thú vị khi mình ở nông thôn, vào mùa hè, nhưng ở thành phố, vào mùa đông thì họ mất hẳn đi một nửa phần thú vị. Ở thành phố, khi dọn trà cho họ uống, người ta cứ có cảm giác như chiếc áo họ đang mặc trên người là áo đi mượn của ai, và họ dùng thìa khuấy trà quá lâu. Dạo ở thành phố đôi khi Pi-ốt cũng có nói chuyện yêu đương, nhưng lời lẽ của anh gây một ấn tượng khác hẳn hồi ở nông thôn. Ở thành phố chúng tôi cảm thấy rõ rệt hơn bức tường ngăn cách chúng tôi: tôi thì con nhà quyền quý và giàu sang, anh ấy thì nghèo; anh là con một ông thầy giúp lễ, đảm đương chức vụ dự thẩm ở một tòa án, và chỉ có thế thôi. Hai chúng tôi — tôi thì vì tuổi trẻ quá, còn anh ấy chẳng biết tại sao — đều cho rằng bức tường ấy quá cao và dày. Cho nên những khi đến chơi nhà chúng tôi, anh thường mỉm cười gượng gạo, và hay lên tiếng phê phán giới thượng lưu hay quý tộc. Và nếu trong phòng có khách, ngoài anh ra còn có một người nào khác, anh thường im lặng và lầm lì. Không làm gì có được bức tường nào không thể đập thủng được, nhưng các nhân vật trong tiểu thuyết ngày nay, vốn quá rụt rè, nhu nhược, lười biếng và dễ chạnh lòng, họ quá nhanh chóng cam tâm chấp nhận cái ý nghĩ cho mình là kẻ bất đắc chí, mình bị cuộc đời riêng lường gạt; đáng lẽ đứng dậy đấu tranh thì họ chỉ bình phẩm phê phán, gọi xã hội thượng lưu là tầm thường dung tục, và quên mất rằng chính những lời phê phán của họ cũng dần dần chuyển sang tầm thường dung tục.


Tôi được yêu, hạnh phúc đến với tôi rất gần gũi, tưởng như đang sống vai kề vai bên tôi; tôi sống trong tiếng hát giọng cười, không cố gắng hiểu mình, không biết mình chờ đợi gì và ước mong gì ở cuộc sống, trong khi đó, thời gian cứ trôi đi, trôi đi... Đã bao nhiêu người đã qua cuộc đời tôi với mối tình của họ, những ngày quang đãng và những đêm ấm áp tiếp theo nhau lướt nhanh qua trong tiếng hót của chim họa mi và trong mùi hương của rơm rạ, và tất cả những hình ảnh, những chuỗi ngày đã để lại bao nhiêu kỷ niệm đáng yêu, huyền diệu ấy, ở tôi cũng như ở mọi người khác, đều trôi qua rất nhanh, không để lại dấu tích gì, không được quý trọng và đều tan biến đi trong sương mù. Những chuỗi ngày êm đẹp ấy nay còn đâu...


Cha tôi mất, tôi già đi; tất cả những gì đã làm cho tôi yêu thích, đã mơn trớn tôi, đã cho tôi hi vọng — tiếng mưa rơi, tiếng sấm rền, những ý nghĩ về hạnh phúc, những câu chuyện về tình yêu — tất cả đều chỉ còn là kỉ niệm. Và trước mắt tôi là một khoảng không gian xa tắp, phẳng lặng, vắng vẻ; trên đồng bằng không có lấy một sinh linh, và ở chân trời sao tối tăm, khủng khiếp quá.


Có tiếng chuông reo ngoài cổng... Ấy là Pi-ốt đến chơi. Mùa đông, cứ mỗi khi tôi nhìn bóng cây và nhớ lại màu xanh rờn của nó dạo hè, tôi lại thì thầm:


— Ôi, người bạn yêu dấu của tôi!


Và mỗi khi tôi gặp lại những người đã ở bên tôi, hồi tôi đang sống qua mùa xuân của đời mình, tôi lại thấy buồn buồn và âm ấm trong lòng, và tôi lại thì thầm câu ấy.


Từ lâu nhờ sự che chở của cha tôi, anh ấy đã được đổi về thành phố. Anh hơi già đi, dáng người như hơi trĩu xuống. Anh đã từ lâu không bày tỏ tình cảm, không nói chuyện lẩn thẩn nữa, anh không ưa thích gì công việc ở sở, sức khoẻ anh sút giảm vì một chứng bệnh gì đấy, anh thất vọng về một nỗi gì không rõ, anh đã khoát tay phó mặc đời và sống một cách miễn cưỡng.


Giờ đây anh ngồi bên lò sưởi, im lặng nhìn ngọn lửa bập bùng. Không biết nói chuyện gì, tôi hỏi anh:


— Có chuyện gì không?


— Chẳng có gì... Anh đáp.


Lại im lặng. Ánh lửa đỏ rực chập chờn trên gương mặt rầu rầu của anh.


Tôi nhớ lại dĩ vãng, và vai tôi chợt run lên, đầu tôi cứ gục xuống và tôi khóc òa lên cay đắng. Tôi thấy xót xa không sao chịu nổi, xót cho mình, xót cho người ấy, và tôi thấy thèm khát vô cùng những gì đã qua mà giờ đây cuộc sống đã khước từ không chịu trả cho chúng tôi. Và bây giờ tôi không còn nghĩ đến chuyện mình quyền quý và giàu sang nữa.


Tôi khóc nức nở, hai bàn tay ép lên thái dương và lẩm bẩm:


— Trời ơi, trời ơi, còn gì là đời nữa...


Anh ngồi yên, lặng thinh, không nói với tôi: "Cô đừng khóc." Anh hiểu rằng tôi cần khóc và bây giờ đã đến lúc phải khóc như vậy. Nhìn mắt anh tôi thấy rõ anh thương tôi; tôi cũng thấy thương anh, và cũng giận con người rụt rè kia, đã không biết cách thu xếp cho đời tôi mà cũng chẳng biết cách thu xếp cho đời mình.


Khi tôi tiễn anh về, ra đến phòng ngoài tôi có cảm giác như anh cố ý mặc áo khoác rất lâu. Anh im lặng hôn tay tôi hai ba lần và hồi lâu nhìn đăm đăm vào khuôn mặt ướt đẫm nước mắt của tôi. Tôi chắc lúc ấy anh nhớ lại cơn giông, những làn mưa chênh chếch, tiếng cười của hai đứa chúng tôi, khuôn mặt tôi hồi ấy. Anh muốn nói với tôi một điều gì, mà giá nói được chắc anh sẽ mừng lắm, nhưng rồi anh chẳng nói gì, chỉ lắc đầu và xiết chặt tay tôi. Thôi, cầu Chúa phù hộ cho anh ấy!


Tiễn anh về rồi, tôi trở vào phòng sách và lại ngồi xuống tấm thảm trải trước lò sưởi. Những súc than đỏ đã phủ tro và bắt đàu toàn lụi dần. Băng giá kêu răng rắc trên cửa sổ càng giận dữ hơn, và gió hát một giai điệu mơ hồ trong ống khói lò sưởi.


Người hầu gái bước vào, tưởng tôi đã ngủ thiếp đi, liền cất giọng gọi.



1887

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...