Một câu chuyện chưa kết thúc






MỘT CÂU CHUYỆN CHƯA KẾT THÚC

(O. Henry)






Chúng ta không còn rền rẫm và tự bôi tro trát trấu lên đầu chúng ta nữa khi có ai nhắc đến lửa Hỏa Ngục. Vì, ngay cả đến các giáo sĩ cũng đã bắt đầu dạy chúng ta rằng Chúa Trời là chất ra-đi, hay ê-te hay một hợp chất khoa học gì đấy, và điều tồi tệ nhất mà chúng ta những kẻ xấu xa có thể phải chờ đợi là một phản ứng hoá học. Đó là một giả thiết làm cho chúng ta hài lòng; nhưng vẫn còn vương vấn vài nỗi khiếp sợ to lớn, lâu đời của chính giáo.


Chỉ có hai vấn đề mà chúng ta có thể thả sức tưởng tượng bàn đến mà không sợ bị phản đối. Bạn có thể nói đến các giấc mơ của mình; và có thể kể lại bạn đã nghe con vẹt nói gì. Cả thần Mo-phi-ét và con chim đều là những nhân chứng không có giá trị pháp lý; và người nghe bạn sẽ không dám công kích câu chuyện bạn kể. Cái cơ cấu vô cứ của một giấc mơ, vậy thì, sẽ cung cấp đề tài cho tôi — đã được lựa chọn với tất cả sự ân hận và những lời xin lỗi vì đã bỏ không dùng đến lĩnh vực hạn chế hơn của những chuyện phiếm của Prét-ti Pon-li.


Tôi đã có một giấc mơ thoát hẳn khỏi sự phê phán cao hơn đến nỗi nó lại liên quan đến lý luận của vành móng ngựa tòa án, cổ kính, đáng trọng và bị than phiền nhiều.


Gếp-bri-en đã thổi chiếc kèn của mình; và những người trong chúng ta mà không thể theo kiện đều bị đưa ra thẩm vấn. Tôi để ý thấy có một nhóm người túm tụm vào một bên gồm toàn những tay nô lệ chuyên nghiệp, trịnh trọng trong bộ đồ đen, cổ áo cài cúc ở đằng sau nhưng hình như có cái gì rắc rối về danh hiệu đẳng cấp của họ và họ có vẻ không gỡ được tội cho bất cứ ai trong chúng ta.


Một tên cớm bay — một thiên thần cảnh sát — bay đến chỗ tôi và tóm lấy tôi bằng cánh bên trái. Ngay bên cạnh là một nhóm linh hồn trông có vẻ rất giàu có, bị kiện và sắp đưa ra xét xử.


— Anh có cùng với đám này không? — Viên cảnh sát hỏi.


"Họ là ai?" đã là câu trả lời của tôi.


— Sao, — anh ta nói, — họ là…


Nhưng chuyện vớ vẩn không đâu này đang choán mất chỗ đáng lẽ phải dành cho câu chuyện sắp kể.


Đăn-ki làm việc ở một cửa hàng bách hoá. Cô bán đồ ren Hem-bớc, hoặc ớt nhồi thịt, hoặc xe hơi, hoặc những hàng lặt vặt khác thường bán ở các cửa hàng bách hoá. Từ những gì cô đã kiếm được, Đăn-ki lĩnh sáu đô-la mỗi tuần. Chỗ còn lại đã là "bên có" cho cô và "bên nợ" cho tài khoản của một ai đó khác trong cuốn sổ cái được giữ bởi G — Ôi, năng lượng cơ bản, ngài nói, thưa Tiến Sĩ Tôn Kính — Vậy thì, trong cuốn Sổ cái Năng lượng Cơ bản.


Trong năm đầu của cô ở cửa hàng, Đăn-ki được trả năm đô-la một tuần. Sẽ là điều đáng học hỏi để biết cô sống thế nào với số tiền đó. Bạn không quan tâm? Rất tốt; có thể bạn hứng thú với những món tiền lớn hơn. Tôi sẽ nói với bạn cô ấy đã sống như thế nào với sáu đô-la một tuần.


Một buổi chiều vào lúc sáu giờ, lúc Đăn-ki đang cài chiếc ghim mũ của cô trong khoảng một phần tám in-xơ cách tiểu não của mình, cô đã nói với người bạn thân là Xét-đi — cô gái luôn luôn xuất hiện trước mặt bạn bằng phía bên trái của cô.


— Nói xem, Xét-đi, tớ đã hẹn đi ăn tối nay với Pích-ghi.


— Thật là không ngờ! — Xét-đi kêu lên đầy thán phục. — Vậy đấy, cậu không phải một người may mắn sao? Pích-ghi là một chàng thật là tốt; và y luôn đưa một cô gái đến những chỗ sang trọng. Y đã rước Blen-chơ đến Tòa nhà Hốp-men vào một tối, ở đấy họ nghe thứ âm nhạc đặc sắc, và cậu nhìn thấy rất nhiều những thứ xài sang. Cậu sẽ có một dịp sang trọng, Đăn-ki ơi.


Đăn-ki hối hả về nhà. Mắt cô sáng long lanh, má cô ửng lên màu hồng phơn phớt của buổi bình minh đang tới của cuộc đời — cuộc đời thật sự. Hôm ấy là thứ sáu và tiền lương tuần trước của cô chỉ còn có năm mươi xu.


Ngoài phố đông nghịt những dòng người của giờ cao điểm. Đèn điện ở Broát-uây rực sáng, như kêu gọi những con bướm đêm từ xa hàng dặm, hàng hải lý, hàng trăm hải lý, từ bóng tối chung quanh tới đó và tham dự một trường phái thiêu thân. Đàn ông y phục chỉnh tề, khuôn mặt như được những tay đi biển lão luyện ở nhà dưỡng lão của thủy thủ tạc trên hột anh đào — quay đầu lại nhìn Đăn-ki chòng chọc khi cô không để ý, bước nhanh vượt qua họ. Men-hét-ần, bông hoa quỳnh nở ban đêm, đã bắt đầu mở ra những chiếc cánh trắng nhợt, nặng mùi của mình.


Đăn-ki dừng lại ở một cửa hàng bán đồ rẻ tiền và mua một cái cổ đăng ten giả với số tiền năm mươi xu của cô. Tiền đó đáng lẽ phải dùng vào việc khác — mười lăm xu cho bữa ăn tối, mười xu cho ăn điểm tâm, mười xu ăn bữa trưa. Lại còn phải bỏ thêm một hào vào tiền để dành và năm xu vào cái khoản hoang phí chi cho kẹo cam thảo — loại làm má trông như sưng lên vì đau răng, và rất lâu tan. Kẹo cam thảo là một sự xa xỉ — hầu như một sự phung phí — nhưng cuộc sống mà không có vui thú thì là cái gì?


Đăn-ki sống trong một căn phòng thuê có cả đồ đạc. Có sự khác biệt này giữa một căn phòng thuê có đồ đạc và một quán trọ: ở một căn phòng thuê có đồ đạc, lúc bạn bị đói thì những người khác không biết.


Đăn-ki đi lên phòng mình — tầng bốn ở phía sau trong một tòa nhà mặt lát đá nâu khu Phía Tây. Cô đốt đèn ga. Các nhà khoa học bảo chúng ta rằng kim cương là chất rắn nhất được biết. Họ nhầm. Các bà chủ nhà biết đến một hợp chất mà ở bên cạnh nó kim cương chỉ như vữa lỏng. Họ nhét cái hợp chất ấy vào đầu vòi ga; và một người có thể đứng lên ghế mà cậy một cách vô vọng cho đến khi ngón tay đỏ lên, choét ra. Một chiếc trâm cài tóc cũng sẽ không cậy được nó ra; cho nên chúng ta hãy gọi nó là bất khả di dịch.


Vậy là Đăn-ki đốt đèn ga. Dưới ánh sáng rực rỡ một phần tư công suất ngọn nến của nó, ta hãy quan sát căn phòng.


Giường đi văng, chạn bát đĩa, bàn, chậu rửa mặt, ghế — về sự nhiều nhặn này, bà chủ nhà là kẻ có tội. Còn lại là của Đăn-ki. Trên mặt chạn bát đĩa là tất cả các của quý của cô — một bình sứ mạ vàng của Xét-đi tặng, một quyển lịch do một xưởng sản xuất nước sốt phát hành, một cuốn sách đoán mộng, một ít phấn bột gạo đựng trong một chiếc đĩa thủy tinh và một chùm anh đào giả buộc băng hồng.


Bày cạnh tấm gương rạn là những bức ảnh chụp Tướng Kít-tren-nơ, Uy-li-am Mon-đun, Quận chúa Man-brâu và Ben-vê-nút-tô Xê-li-ni. Trên tường có treo một bức phù điêu bằng thạch cao đổ theo bản của Pa-ri, tạc hình một gã Ô-Ca-la-hân nào đó đội mũ trụ La Mã. Cạnh đó là một bức tranh sơn dầu lòe loẹt vẽ một đứa trẻ màu vàng chanh đang vồ một con bướm đỏ rực như lửa cháy. Đó là quan điểm tối hậu của Đăn-ki về nghệ thuật nhưng không hề bao giờ bị đảo lộn. Giấc ngủ của cô chưa bao giờ bị khuấy động bởi những tiếng thì thầm của những bầu trời vụng trộm; cũng không có nhà phê bình nào nhướng cặp lông mày trước nhà côn trùng học nhỏ bé của cô.


Pích-ghi hẹn đến đón cô lúc bảy giờ. Đang lúc cô vội vàng sửa soạn, chúng ta hãy kín đáo quay đi và tán gẫu một chút.


Căn buồng này Đăn-ki trả hai đô-la một tuần. Những ngày trong tuần, bữa điểm tâm của cô mất mười xu, cô pha cà phê, luộc một quả trứng trên bếp hơi trong lúc mặc áo. Sáng chủ nhật thì cô ăn một bữa sang trọng, có sườn bê và dứa tẩm bột ở tiệm ăn Bin-li, hết hai mươi xu và boa cho cô hầu bàn mười xu. Niu Yoóc có biết bao cái cám dỗ người ta đi đến chỗ ngông cuồng! Cô ăn bữa trưa ở hiệu ăn của cửa hàng bách hóa, mất sáu mươi xu cho cả tuần, các bữa ăn tối hết một đô-la năm xu. Mua báo buổi chiều — các bạn hãy chỉ cho tôi một người dân Niu Yoóc nào mà không mua báo hàng ngày! — hết sáu xu và hai tờ báo ra ngày chủ nhật — một để xem mục dành cho những chuyện tâm tình riêng tư, còn tờ kia để đọc — mất mười xu. Tổng cộng hết 4 đô-la bảy mươi sáu xu. Lại còn phải mua sắm quần áo và...


Tôi chịu không thể kể tiếp được nữa. Tôi có nghe đến những cuộc mặc cả rất phi thường liên quan đến vải vóc, và những chuyện thần kỳ được thực hiện bằng kim chỉ, nhưng tôi không tin. Quản bút tôi cầm cứ ngập ngừng mãi khi tôi muốn ghi thêm vào cuộc đời của Đăn-ki vài niềm vui do những sắc lệnh không thành văn, thiêng liêng, tự nhiên nhưng vô hiệu của tạo hoá chí công vẫn dành cho phụ nữ. Cô đã đi chơi đảo Co-ni hai lần và đã cưỡi ngựa gỗ đu quay. Có một thứ mệt mỏi là phải đếm những thú vui của bạn theo những mùa hạ chứ không phải theo những giờ đồng hồ.


Pích-ghi thì chỉ cần một từ. Khi các cô gái đặt tên cho y, một vết nhơ không đáng có được ném lên dòng dõi quý phái của loài lợn. Bài học những từ có ba chữ cái trong quyển học vần cũ màu xanh bắt đầu bằng tiểu sử của Pích-ghi. Y béo (fat); y có tâm hồn của một con chuột (rat), những thói quen của một con dơi (bat), và tính hào hiệp của một con mèo (cat). Y mặc những bộ quần áo đắt tiền; và là một tay sành sỏi về sự đói ăn. Y có thể nhìn một cô gái bán hàng rồi nói với bạn chính xác tới đơn vị giờ là đã bao lâu kể từ khi cô ấy đã ăn một thứ gì đó bổ dưỡng hơn là thục quỳ và nước chè. Y luẩn quẩn ở các khu cửa hàng và lượn lờ tại các cửa hàng bách hoá, sẵn sàng mời một cô gái nào đó đi ăn hiệu. Những người dắt chó đi dạo phố coi khinh y. Y là một mẫu người đặc biệt, tôi không thể nói thêm được nữa về hắn, ngòi bút của tôi không phải loại dành cho y, tôi không phải thợ mộc.


Vào lúc bảy giờ kém mười, Đăn-ki đã sẵn sàng. Cô ngắm mình trong chiếc gương rạn. Hình ảnh phản chiếu thật đáng hài lòng. Áo màu xanh thẫm vừa khít không nếp nhăn, mũ cài chiếc lông chim màu đen ngộ nghĩnh, đôi tất tay chỉ hơi bẩn một chút — tất cả biểu hiện một sự quên mình, thậm chí cả quên ăn nữa — trông thật hài hoà.


Trong giây lát, Đăn-ki quên hết thảy, trừ một điều là mình đẹp và cuộc đời đang vén lên một bức màn bí mật cho cô được ngắm những kỳ quan của nó. Trước đây, chưa hề có người đang ông lịch sự nào mời cô đi chơi. Giờ đây, chỉ một lát nữa thôi, cô sẽ bước vào dự một cuộc trình diễn huy hoàng vẫn được ca ngợi ấy.


Các cô gái kháo nhau rằng Pích-ghi là một tay tiêu hoang. Có lẽ sẽ là một bữa thịnh soạn đây, sẽ có âm nhạc, sẽ được thấy các bà cô ăn vận cực kỳ sang trọng và sẽ được ăn những thứ cứ kể ra các cô gái cũng trẹo cả quai hàm đi một cách lạ lùng. Chắc chắn cô sẽ lại được mời đi chơi nữa.


Có một bộ đồ lụa xanh da trời trong một khung kính cửa hàng mà cô biết — nếu để dành mỗi tuần hai mươi xu chứ không phải mười thì trong — xem nào — Ồ, như thế thì phải mất bao nhiêu năm! Nhưng ở đại lộ thứ bảy có một cửa hàng đồ cũ, ở đó...


Ai đó gõ vào cánh cửa. Đăn-ki mở nó ra. Bà chủ nhà đứng đó với nụ cười giả tạo, mũi hít hít, đánh hơi mùi nấu ăn bằng ga đốt trộm.


— Dưới nhà có một quý ông muốn gặp cô. — Bà ta nói. — Tên là Ngài Uých-ghin.


Cái tên này, chỉ những người không may phải coi trọng Pích-ghi thì mới biết được.


Đăn-ki quay về phía tủ để lấy chiếc khăn tay, bỗng cô đứng sững lại, cắn mạnh vào môi dưới. Lúc nãy nhìn vào gương cô đã trông thấy cảnh bồng lai và bản thân cô là một nàng công chúa vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Cô đã quên khuấy mất một người đang nhìn cô bằng đôi mắt buồn, đẹp và nghiêm khắc — người duy nhất có mặt ở đây để khen chê mọi việc cô làm. Người thẳng tắp, dong dỏng cao, với một nét quở trách buồn rầu trên khuôn mặt đẹp, sầu tư, Tướng Kít-tren-nơ đang chăm chú dõi đôi mắt tuyệt vời của ông vào cô, từ khung ảnh thiếp vàng đặt trên chạn bát đĩa.


Như một con búp bê máy, cô quay lại phía bà chủ nhà.


— Bảo ông ấy tôi không thể đi được, — cô nói một cách buồn tẻ. — Bảo ông ấy tôi ốm, hoặc cái gì đó. Bảo ông ấy tôi không đi chơi.


Sau khi đã đóng và khoá cửa lại, Đăn-ki nằm lăn ra giường, đè gãy cả chiếc lông chim màu đen cắm trên mũ, và khóc mất mười phút. Tướng Kít-tren-nơ là người bạn duy nhất của cô. Ông là lý tưởng của Đăn-ki về một con người hào hùng mã thượng. Trông ông như có một nỗi buồn thầm kín, bộ ria tuyệt vời của ông là một giấc mơ, và cô hơi sờ sợ cái nhìn nghiêm khắc mà vẫn dịu dàng ấy trong đôi mắt ông. Cô quen có những sự tưởng tượng nho nhỏ là ông sẽ đến ngôi nhà này vào một lúc nào đó, và hỏi cô, với thanh gươm của ông, đập lách cách vào đôi ủng cao. Có một lần, nghe thấy một thằng bé khua loảng xoảng một sợi dây xích vào cột đèn, cô đã mở cửa sổ nhìn ra. Nhưng vô ích. Cô biết tướng Kít-tren-nơ còn đang ở mãi tận bên Nhật để chỉ huy quân đội chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ hung bạo, và ông sẽ không bao giờ bước ra khỏi khung thiếp vàng vì cô. Vậy mà một cái nhìn của ông đã thắng được Pích-ghi tối hôm ấy. Phải, hiện là tối hôm ấy.


Khi đã thôi khóc, Đăn-ki trở dậy cởi cái áo đẹp nhất của cô ra, mặc chiếc áo ngủ cũ màu xanh. Cô chẳng muốn ăn tối nữa. Cô ngâm hai câu thơ của “Xem-mi”. Rồi cô bỗng mải mê để ý đến một vệt đỏ nhỏ trên cánh mũi mình. Lo xong chuyện đó, cô kéo ghế lại trước cái bàn ọp ẹp và bói số phận của mình bằng một bộ bài cũ.


— Đồ kinh tởm, đồ vô liêm sỉ! — Cô nói to. — Mà mình có nói gì với hắn, có nhìn hắn bao giờ đâu để hắn nghĩ thế!


Đến chín giờ tối, Đăn-ki lấy một hộp thiếc đựng bánh bích quy và một lọ nhỏ mứt mâm xôi ra khỏi chạn, ăn rất ngon lành. Cô mời tướng Kít-tren-nơ một ít mứt phết trên một mẩu bánh, nhưng ông chỉ nhìn cô như con Xphanh sẽ phải nhìn một con bướm — nếu như có những con bướm ở sa mạc.


— Đừng ăn nếu ông không muốn, — Đăn-ki nói. — Và đừng có thêm nhiều những thái độ và sự mắng mỏ đến như thế vào đôi mắt ông. Em tự hỏi liệu ông có còn trịch thượng và cộc cằn như thế được không nếu ông phải sống bằng sáu đô-la một tuần.


Đăn-ki mà vô lễ với tướng Kít-tren-nơ như thế là điềm không may. Rồi cô vùng vằng lật ảnh Ben-vê-nút-tô Xe-li-ni úp xuống. Nhưng chuyện đó không phải là không tha thứ được; vì cô vẫn luôn nghĩ đấy là Hen-ri VIII và cô không tán thưởng ông này.


Đến chín giờ rưỡi, Đăn-ki nhìn lại các bức ảnh trên chạn bát đĩa một lần cuối rồi tắt đèn, nhảy lên giường. Đi ngủ mà chỉ có đưa mắt chào tướng Kít-tren-nơ, Uy-li-am Mo-đun, quận chúa Man-brâu và Ben-vê-nút-tô Xe-li-ni thế thôi thì thật là dễ sợ.


Câu chuyện này thật sự hoàn toàn không đi đến đâu cả. Phần còn lại của nó đến muộn hơn — một lúc nào đó khi Pích-ghi lại mời Đăn-ki đi ăn tiệm với mình, và cô đang cảm thấy cô đơn hơn mức bình thường, và Tướng Kít-tren-nơ tình cờ trông lại khang khác; và rồi...


Như tôi đã nói ở trên, tôi mơ thấy mình đang đứng cạnh một đám thiên thần trông có vẻ thành đạt và một viên cảnh sát tóm lấy tôi bằng cánh và hỏi tôi có cùng bọn với họ không.


— Họ là ai? — Tôi hỏi.


— Sao, — anh ta nói, — họ là những người đã thuê các nữ công nhân trẻ, và trả cho họ năm hay sáu đô-la một tuần để sinh sống. Anh là một người trong đám này à?


— Không, xin thề trên sự bất tử của ngài, — tôi nói. — Tôi chỉ là một gã đã phóng hỏa một trại mồ côi, và đã giết một người mù vì những đồng xu của anh ta thôi.

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...