CHUYỆN NGƯỜI TÌNH TRUNG HOA
(dao_hoa_daochu)
Đối với một người thích viện dẫn châm ngôn, vả còn là người Việt Nam, thì không biết tiếng Trung Hoa quả là một sự thiệt thòi lớn. Anh Lãn cảm thấy rất rõ điều đó khi bắt đầu viết Chương Hai, truyện Lập Trình Viên II.
— Thế này thật là đáng sợ quá đi! — Anh vừa nói vừa thở khó nhọc (anh Lãn quyết bỏ thuốc lá, nên những lúc nghĩ ngợi, hoặc "tâm trạng", không có bạn Ni-cô-tin vào trong mạch máu an ủi vuốt ve, anh thường gặp phải triệu chứng hơi khó thở). — Kinh khủng thật đấy! Èo, một người đẹp giai phóng khoáng ngoan hiền thủy chung như mình mà lại không biết tiếng Trung Hoa thì khác gì là chim không cánh?! Còn viết với lách nỗi gì chứ?! Xếp xó thôi!
Anh quyết định bằng mọi cách khắc phục tính lười vốn vẫn được tự đánh giá là năng khiếu bẩm sinh của mình để học tiếng Trung Hoa. Nhưng vì chất lười thiên bẩm sau nhiều năm tu dưỡng đã sắp trở thành một thứ thần khí uyên nguyên, nên dù quyết tâm lắm lắm, anh vẫn đành phải bỏ đi một sở thích, cũng vẫn luôn được tự đánh giá là năng khiếu bẩm sinh của mình, là sở thích tự học.
Xắn tay mở khóa động đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai
Đám thiết bị mạng bẩn bụi thời gian nhà anh Lãn lâu lắm rồi mới lại có dịp nháy xanh nháy đỏ tưng bừng.
Anh Lãn online, — bắt đầu tìm kiếm giáo viên.
Hà Nội.
Mùa Thu.
Buổi trưa.
Anh Lãn đang ngồi nhấm nháp cà-phê ét-xprét-xô, hút xì-gà, nhìn lá rơi — một lúc mà không có lá nào rơi, thì tự cầm cái que dài, chọc một cái, cho rơi, — ngâm nga:
Rượu ngon, thì sẵn đấy,
Gái xấu, đã làm sao?
Đèn tắt, ngói gianh lẫn,
Chả yêu, cũng thích nào!
Và loay hoay dùng cây kéo cắt xì-gà để sửa móng tay — đã qua rồi thời gào thét gây ồn ào bằng đàn điện và phơ, nhưng giờ anh Lãn vẫn cần một ít móng tay phải, để thỉnh thoảng chơi một hai bài ghi-ta cổ điển, cho đỡ nhớ, nhưng những móng này nếu dài quá một chút thì lại gây phiền hà cho anh khi gõ máy tính, — thì Lan Cải gõ vào khung cửa:
— Có một tiểu thư tìm anh!
Lan Cải về phép, đi chơi chán, giờ hay qua nhà anh Lãn, lục lọi tủ sách ra, nằm đọc.
— Hấn hảo... à quên hân hạnh... cái gì nhở... à "xin xin". — Anh Lãn lủng củng phun ra, làm đứt mất vòng khói tròn xanh ngát. — Mời bạn ấy vào đi.
Một người con gái trẻ, mặc chiếc sơ-mi tay ngắn đến khuỷu, cổ thấp, bẻ và cài cúc đính mép, áo may bằng loại vải trắng, mỏng, hơi nhăn, và hơi trong trong, vạt trước chiết hai ly, bó hờ vào thân hình trẻ trung — eo hơi to, nên là trông lại khỏe mạnh, — vào hai bờ vai thon, và hai nửa trên của hai cánh tay; dưới vận quần soóc trắng ngà, tương đối bó và ngắn, hai túi quần chìm, miệng kéo phéc-mơ-tuya ngang, bằng đồng, thắt lưng nhựa to bản màu đen sọc trắng, có khóa hình vòng tròn to cũng bằng nhựa đen; và đi một đôi guốc gót không cao, có bộ quai rắc rối lẫn lộn hai màu cá vàng và nước dưa; bước vào.
Chân cô, đùi đẫy đà, đầu gối hơi bạnh và bắp dưới hơi teo theo cấu hình xương và cơ chân điển hình của phụ nữ Châu Á, nhưng hoàn toàn có thể gọi là chân dài và thẳng và trắng.
Mái tóc đen trung thực, dài cũng phải hết lưng, những sợi tóc — một cách tự nhiên — hơi vòng vèo, có một ít được túm lên cho đỡ vướng tai, trông thoải mái, mềm mại, nữ tính. Cặp kính đen, thuộc loại mắt to không có gọng viền, treo vào khuy áo trước ngực.
Mặt đầy đặn, có vẻ hiền lành.
Cô bảo cô là Trung Anh, và nói rằng có một người bạn của cô ở trên mạng đã bảo cô đến đây.
— Trung Anh là... — Anh Lãn ngớ ra. — À, mà em ngồi đi, uống gì nhỉ? Có uống cà-phê không? À, đây là chị Lan Cải, ô-sin nhà anh. Là nick dao_hoa_daochu bảo em đến đây thật à? Trung Anh tức là...
— Tên em là Trung Anh. — Cô gái hơi đỏ mặt.
— Ừ, đúng là danh phù kì thực, em có dạy cả tiếng Anh chứ?
— Dạ... không. — Cô gái lắc đầu, mặt vẫn đỏ.
— À, danh phù kì thực nói bằng tiếng Tàu là thế nào? — Anh Lãn háo hức.
— Dạ, míng phù txí sứ. — Cô gái bớt rụt rè hẳn hơn.
Anh Lãn kín đáo đưa mắt nhìn Lan Cải, Lan Cải cố mở to hết mắt ra, rồi chớp mạnh một cái, anh Lãn có vẻ hài lòng lắm.
Trong khi chuyện trò với Trung Anh, anh Lãn nhìn cô với vẻ tò mò pha lẫn rụt rè. Đó là một cô gái Bắc Ninh chính gốc, xinh và trẻ ơi là trẻ. Nhìn gương mặt hơi xanh xao và mệt mỏi — ít nhiều tương phản với vóc dáng khỏe mạnh, — nhìn mái tóc và cái eo lưng chân phương, có thể cho rằng tuổi cô không quá mười tám; nhưng nhìn đôi vai tròn lẳn, bộ ngực nở nang, đường cong nhìn ngang rất đẹp của sống lưng, và ánh mắt nghiêm túc, anh Lãn nghĩ chắc cô tối thiểu cũng phải hai mươi ba, thậm chí dễ đến hai mươi lăm rồi; nhưng được một lúc, thì anh lại cảm thấy cô chỉ độ mười tám thôi. Gương mặt cô có vẻ lạnh lùng, đúng như mặt một người đến — chỉ — để bàn công việc. Cô không cười, cũng không chau mày lần nào, chỉ có một lần trên gương mặt cô đã thoáng một vẻ băn khoăn, khi biết ở đây người ta không mời cô đến để dạy trẻ con, mà là dạy một người lớn, mặc dù đẹp trai và có cách nói chuyện rất dễ chịu, nhưng lại hơi góc cạnh và có vẻ bí hiểm.
— Bây giờ thống nhất thế này đi, Trung Anh nhá. — Cuối cùng anh Lãn bảo. — Mình sẽ học hàng ngày từ bảy đến mười giờ tối, tức là ba tiếng liền, chứ không phải hai; học một lèo như vậy hiệu quả sẽ cao hơn nhiều đấy. Còn về kinh phí... ba trăm ngàn hai giờ à... thôi, anh gửi em năm trăm ba giờ. Hà Nội giờ hơi nhiều trẻ trâu, mười giờ về có muộn quá... không sao hả, thế thì thật tốt. À, mới cả việc học, rất quan trọng là không nên đứt đoạn, hôm nào mưa gió, anh sẽ gửi em phụ cấp tắc-xi.
Cô giáo Trung Anh — cô giáo tên là Trung Anh — ra về, để lại trong nhà một mùi hương tương đối dễ chịu thường vẫn có ở những cô gái trẻ. Sau đó một lúc tương đối lâu, anh Lãn vẫn không đốt lại xì-gà, cũng không cầm que chọc cho rơi thêm một chiếc lá nào, cứ ngồi yên và nghĩ ngợi: "Kể ra thấy một bạn gái trẻ tự mình kiếm lấy miếng ăn cũng thú ra phết. Nhưng từ góc độ khác, thì lại chẳng thú vị quái gì cả, khi mà thấy cái vòng mưu sinh luẩn quẩn chả hề trắc ẩn tẹo nào trước những bạn gái trẻ xinh xẻo như bạn Trung Anh này. Bạn ấy cũng phải rao giá, phải mặc cả, cố kiếm lấy miếng ăn... Bất hạnh thật đấy! Mình hồi bằng tuổi bạn ấy, thì đang đi du học, thanh niên xa mẹ, bằng tiền của bố, có phải làm lụng gì đâu?.."
Đã lâu không từng tiếp xúc với những cô gái — nhất là gái trẻ — có phẩm hạnh, anh Lãn còn nghĩ thêm là bạn Trung Anh mặc quần soóc này, ngoài việc dạy học ra, hẳn là còn làm thêm nghề gì khác nữa.
Tối hôm sau, đồng hồ chỉ bảy giờ kém năm thì Trung Anh đến, hai gò má ửng hồng vì mùa Thu ngoài đường.
Cô mở cuốn "Tiếng Trung hiện đại" mà cô mang theo ra, và bắt đầu giảng luôn:
— Tiếng Pháp là thứ tiếng thuộc loại phức tạp nhất cũng chỉ có hai mươi sáu chữ cái, còn tiếng Trung có tới năm mươi ngàn chữ. Nhưng một người chỉ cần biết khoảng ba ngàn chữ là có thể giao tiếp, đọc sách báo một cách bình thường. Những người trí thức thì cần biết khoảng năm ngàn chữ...
— Anh xin lỗi... — Anh Lãn rụt rè ngắt lời cô. — Có khi dạy anh, em phải thay đổi phương pháp đi một chút. Căn bản anh tương đối giỏi tiếng Nga và tiếng Anh, và cũng ít nhiều tinh thông các vấn đề ngôn ngữ và ngữ pháp...
Rồi anh Lãn giải thích cho Trung Anh biết cách học ngoại ngữ của một người lớn đẹp trai phóng khoáng ngoan hiền thủy chung, và cuối cùng anh nói:
— Như chị Lan Cải ô-sin nhà anh, lúc đầu biết mỗi tiếng Nga, muốn học tiếng Anh và Pháp, chị ấy bèn đặt ba quyển Kinh Thánh bằng tiếng Nga, Anh, Pháp trước mặt, rồi đồng loạt đọc cả ba quyển, vừa đọc vừa suy diễn. Chị ấy đã xớp oép thoải mái bằng cả hai thứ tiếng kia sau chỉ một năm. Anh em mình có khi cũng nên làm na ná như vậy. Mình sẽ tìm một tác giả Trung Quốc nào đó, rồi sẽ đọc cùng nhau.
Trung Anh nhìn anh Lãn với vẻ hồ nghi và khó hiểu. Có vẻ cô thấy đề nghị của anh hơi lẩn thẩn và ngô nghê. Nếu cái đề nghị ấy là của một đứa học trò trẻ con, chắc cô đã nổi cáu và quát cho nó một trận, nhưng đây lại là một người lớn, thỉnh thoảng hình như còn bị khó thở, không thể quát mắng anh ta được, nên cô chỉ khẽ nhún vai, rồi nói:
— Tùy anh thôi.
Anh Lãn lục lọi tủ sách của mình một lúc, rồi lấy ra một cuốn sách tiếng Tàu nhàu nát.
— Quyển này có được không? — Anh hỏi.
— Quyển nào cũng được.
— Thế thì bắt đầu đọc thôi. Ơn giời. Bắt đầu từ tên sách nhá.
— Đgin píng mấy. — Trung Anh đọc, và dịch luôn, — Kim Bình Mai.
— Kim Bình Mai. — Anh Lãn ngoan ngoãn nhắc lại.
(Còn nữa)
Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...