Chuồn chuồn Ngô

CHUỒN CHUỒN NGÔ

(Dựa theo một chuyện có thật)






Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.


"Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm, mưa nhiều và có gió mùa thổi..." — Những câu như thế, đến bây giờ tôi vẫn nhớ gần như in, — hồi phổ thông chúng tôi được dạy học gạo. Ở một nước như nước ta, một nước có độ ẩm không khí rất cao, thì một ngày nắng chang chang mà lại không nóng nực như ngày hôm nay không thể nói không phải là một thứ xa xỉ. Trời thật xanh, thật cao, và thật trong veo veo. Mây thật ít, thật trắng, và thật mỏng manh. Nếu như không có gió mát thổi đều đều và nhè nhẹ, thì hoàn toàn có thể tưởng là mình đang sống ở trong chân không.


Tất nhiên, nếu trời đẹp thế, nhẹ như thế mà vẫn phải phơi nắng để đi làm, vẫn bị chen chúc, vẫn bị nhin-gia thập diện mai phục, vẫn bị tắc đường, vẫn bị xếp chửi, vẫn ngấm ngầm chửi xếp, rồi hết giờ làm vẫn lại bị chen chúc, vẫn lại bị tắc đường tiếp, — thì đời đương nhiên vẫn tiếp tục nhục như thường. Người mà tự nhục thì trời cũng chả giúp được.


Nhưng nếu trời đẹp như thế mà lại không phải đi làm, lại được nằm trong bóng râm mát mẻ và có nhiều gió thổi qua trên bãi cỏ dưới một bụi cây to, quờ tay sang phải thì có thể vặt cọng lá cho vào mồm lơ đãng nhai nhai, quờ tay sang trái và nhoai về phía trước một tí thì có thể hái được những bông hoa vàng vàng có mật ở cuống và có thể mút được, ngọt lừ; chưa hết, ở trước mặt là một ao nước nông, rộng, sạch, trong, lấp lánh, gợn gợn, liu diu; bên bờ kia ao là bãi cỏ rộng xanh mát rượi trải dài rộng đến tít những rặng cây chỉ thấy mờ mờ ở đằng xa đối với một người mắt cận mà không cần đeo kính; vẫn chưa hết, mình nằm ườn ra, lười nhác ở đó, và đọc một cuốn truyện mà đã rình mua từ lâu và vừa mới mua được: "Truyện ngắn đặc sắc. — O. Henry"; và ở ngay bên cạnh mình, nghe rõ cả tiếng thở nhè nhẹ, — thỉnh thoảng chuyển thành phì phò, những lúc chăm chú quá, — còn có một người khác cũng đang nằm, chân vắt chữ ngũ, và đang mê say đọc "Truyện cổ Gờ-rim" — một quyển được in xanh đỏ rất đẹp, không khác gì sách Liên Xô; và cái người ấy, bé nhỏ và vô cùng dễ thương, mình lại vô cùng mến yêu... — Tôi nghĩ cuộc sống như thế ổn.


Nhưng vẫn còn có thể ổn hơn nữa: Bỗng có một vị khách đến thăm chúng tôi, khách quý, — một nhân vật rất quen, và đã rất lâu tôi chưa có dịp gặp lại, — ở ngay đầu một cành hoa vàng có mật ngọt, ở phía ngoài: một chú Chuồn Chuồn Ngô.


Tôi biết nhiều tuổi thơ bây giờ không được bắt chuồn chuồn, — biết thôi, chứ không thể nào hình dung được.


Lựa hướng nắng, tránh sấp bóng, gượng nhẹ, rón rén, gần như không thở, thò hai ngón tay run run... Tóm đuôi!


Một tuổi thơ mà lại không được bắt chuồn chuồn, thì nó sẽ như thế nào? — Tôi sẽ không bao giờ hiểu được.


Bé nhất là chuồn kim, — nghe cái tên đủ biết bé. Loại này tôi cũng bắt, nhưng chỉ bắt cho bọn con gái và bọn tần ngần, — bọn này lúc nào cũng đông, thường là bé, nhưng vẫn có cả lớn, và lúc nào cũng đau khổ, buồn tủi, háo hức và hi vọng đợi chờ, mắt đau đáu đứng ngồi chầu rìa những trò hay ho mà tôi và mấy thằng ngổ ngáo khác hay đầu têu; thi thoảng cũng có đứa được chúng tôi ban phát cho chút ân huệ, thì được vào làm "bình vôi", — như vậy cũng đã là mãn nguyện, sung sướng lắm rồi, có thằng đến cả tháng sau vẫn còn đi khoe khắp nơi là "được cùng bên với anh Quang" — Quang là tôi.


Rồi đến chuồn vàng, chúng là bọn nhiều nhất. Cái câu "chuồn chuồn bay thấp..." không hiểu sao tôi luôn nghĩ chính là nói về bọn này; cứ giở giời, là chúng ùa về cả đàn cả lũ, có lúc quờ tay nhanh trong gió cũng bắt được. Đông thế, cái loại quờ tay nhanh cũng bắt được, — cái đấy đủ nói lên một sự tầm thường, nên tôi chả bao giờ để ý đến chúng.


Nhưng nếu người ngợm cũng y như thế, mà lại rực đỏ toàn thân, thì lại là một chuyện khác hẳn, — chuồn ớt hiếm hơn và là một loại chuồn chuồn rất khó bắt. Chúng cứng cáp, nhanh nhẹn, và căn bản là không ngu như bọn chuồn vàng. Chúng như có mắt ở sau lưng. "Anh Quang đã bắt sống được một con chuồn ớt!" — tôi có thể trở thành huyền thoại của vài ngày.


Nhưng đấy chỉ là quan điểm của bọn con gái và bọn tần ngần, vì ngay cả nhỉnh như thế, thì chuồn ớt cũng vẫn bị liệt vào hàng đàn bà trẻ con, — tức là cũng không khác chuồn vàng và chuồn kim.


Cái mà tôi thực sự quan tâm, tối thiểu cũng phải là Chuồn Chuối. Nó mới là người lớn, đàng hoàng. Lúc tóm vào đuôi nó, cánh nó đập không rối rít nhưng mạnh, mình cảm thấy rõ ràng lực đập hẳn hoi. Nó cong người, cắn vào tay mình, mình sợ hẳn hoi, — vì nó có thể cắn đau, cắn chảy máu, không như bọn đàn bà trẻ con kia. Chưa kể màu sắc nó trông như bộ đội. Hơn nữa, chơi chán, có dùng chuồn chuồn để làm mồi câu cá rô, hay để nuôi bọ ngựa, thì tối thiểu cũng phải là Chuồn Chuối, — xé nó ra, nhìn thấy thớ thịt, cơ bắp rõ ràng, Arnold Schwarzenegger.


Nhưng tôi thì chưa bị chuồn chuối cắn chảy máu bao giờ. Con chuồn chuồn duy nhất từng cắn được chảy máu tôi, — không phải chảy máu tay ("Anh Quang bị chuồn chuồn cắn chảy máu tay...", — đấy là một vấn đề danh dự, tôi không thể để chuyện đó xảy ra), mà chảy máu rốn, và là tôi chủ động cho nó cắn, vì tôi tin vào truyền thuyết, và muốn biết bơi nhanh hơn những đứa khác, — là một con Chuồn Ngô. Nếu Chuồn Chuối là bộ binh, thì Chuồn Ngô là đặc công. Nó là đẳng cấp trên, có phong cách, và đĩnh đạc hẳn hơn. Mặc dù thân thể nó cường tráng hơn hẳn Chuồn Chuối, nhưng tôi chưa bao giờ dùng Chuồn Ngô để câu cá rô, hay nuôi bọ ngựa. Những con Chuồn Ngô hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, tôi luôn mai táng trọng thể, — thậm chí có con hy sinh trong dịp Tết Nguyên Đán, còn được một dàn ba khẩu thần công đốt đít, bằng ống đồng, vẫn dùng để bắn pháo con, đồng loạt nổ vang đưa tiễn.


Một tuổi thơ mà lại không được bắt chuồn chuồn, — nó sẽ như thế nào?


Lựa hướng nắng, tránh sấp bóng, gượng nhẹ, rón rén, gần như không thở, thò hai ngón tay run run...


Tôi vừa tóm được đuôi chú Chuồn Ngô, thì rộ lên tiếng vỗ tay giòn giã cùng những tiếng cười reo trong trẻo... Tôi giả vờ khiêm tốn:


— May quá, xuýt nữa thì bắt hụt, — giả vờ tần ngần, tóm cánh con Chuồn Ngô, xoay qua xoay lại, ngắm nghía bàn tay, — dạo này thật là vụng về quá!


— Cháu đã chết rồi, chú còn cứu sống được; bắt một con Chuồn Ngô thì có gì?!.. — Thằng bé đã ngồi dậy, xếp bằng tròn, hai tay xo vào nhau; "Truyện cổ Gờ-rim" đặt bên cạnh, vẫn để mở, trên cỏ xanh; miệng cười, nụ cười hiểu biết của một ông cụ non; cặp mắt đen láy nhìn tôi với một vẻ ngưỡng mộ sâu sắc và hết sức chân tình và muốn tôi cũng nhìn thấy sự ngưỡng mộ đó.


Cháu đã chết rồi, chú còn cứu sống được...


Nó mới năm tuổi, năm ngoái, lúc nó ngồi ngay ngắn trước mặt tôi...


(Còn nữa)


Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Linh Hoàng bi bô...

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...