Vê-rơ-trờ-ka

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






VÊ-RƠ-TRỜ-KA
(A. P. Trê-khốp)






I-van A-lếch-xê-ê-vích A-gờ-nhép còn nhớ chiều tối hôm đó một ngày tháng tám, anh đẩy mạnh cánh cửa kính và bước ra ngoài hiên. Anh khoác một chiếc áo choàng mỏng rộng, đội chiếc mũ rơm rộng vành, chiếc mũ mà giờ đây đang nằm lăn lóc trong đám bụi dưới gầm giường cùng với đôi ủng cao cổ. Một tay anh ôm bọc sách vở lớn, còn tay kia cầm một chiếc gậy to, nhiều mấu.

Đứng đằng sau cửa soi đèn cho anh đi là ông chủ nhà Ku-dờ-nhét-xốp, một ông già đầu hói, có bộ râu trắng dài và mặc một chiếc áo vét-xtông vải trắng muốt như tuyết. Ông già cười đôn hậu và gật gật đầu.

— Tạm biệt cụ! — A-gờ-nhép nói to với ông già. Ông già Ku-dờ-nhét-xốp đặt chiếc đèn lên cái bàn nhỏ rồi đi ra ngoài hiên. Hai cái bóng dài và hẹp chạy qua mấy bậc thềm tới gần những bồn hoa, chao qua chao lại rồi tựa đầu lên những thân cây già.

— Tạm biệt và một lần nữa xin cảm ơn cụ?— I-van A-lếch-xê-ê-vích nói. — Cảm ơn cụ đã đối xử với cháu rất niềm nở, dịu dàng và đầy tình thương... Không bao giờ, mãi mãi không bao giờ cháu quên được lòng mến khách của cụ. Cụ là người rất tốt, con gái cụ cũng là người rất tốt, cả gia đình cụ đều là những người hảo tâm, vui tính, hào hiệp... Toàn là những người tất tuyệt diệu, không còn biết nói thế nào nữa.

Do tình cảm quá dạt dào và do ảnh hưởng của cốc rượu mới uống, A-gờ-nhép nói giọng trầm bổng như một cậu học trò chủng viện, và anh xúc động đến mức không phải chỉ biểu lộ những tình cảm của mình bằng lời nói, mà còn bằng những cái nhấp nháy mắt, nhún nhún vai. Ông già Ku-dờ-nhét-xốp cũng vừa uống rượu xong và cũng đang xúc động mạnh, ôm choàng lấy chàng trai trẻ và hôn anh.

— Cháu đã thân quen với gia đình cụ quá rồi! — A-gờ-nhép nói tiếp. — Hầu như ngày nào cháu cũng mò đến đây, ngủ lại đây có dễ đến chục lần, rượu thì uống nhiều đến mức bây giờ chỉ nhớ lại không thôi cũng đã rợn cả người. Nhưng cái chính mà cháu phải cảm ơn cụ, là vì sự cộng tác và giúp đỡ của cụ. Không có cụ thì có lẽ phải đến tháng mười may ra cháu mới làm xong công việc thống kê của mình. Cho nên thế nào cháu cũng viết trong lời tựa cuốn sách nay mai của cháu rằng: tôi thấy có nghĩa vụ phải bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với vị chủ tịch Hội đồng tự quản huyện N. là Ku-dờ-nhét-xốp, người đã sốt sắng cộng tác với tôi. Ngành thống kê có một tương lai rất rực rỡ! Xin trân trọng chào cô Vê-rơ-trờ-ka, xin nhờ cụ nói với các vị bác sĩ, với cả hai viên dự thẩm và anh thư ký của cụ rằng không bao giờ cháu quên được sự giúp đỡ của họ? Còn bây giờ thì ta ôm nhau và hôn nhau lần cuối cùng.

Người đã mệt nhừ, A-gờ-nhép một lần nữa ôm hôn ông già rồi bước xuống mấy bậc thềm. Xuống đến bậc thềm cuối cùng, anh quay lại và hỏi:

— Liệu chúng ta còn gặp lại nhau nữa không hả cụ?

— Trời mà biết được? — Ông già trả lời. — Chắc là chẳng bao giờ nữa.

— Vâng, đúng thế đấy! Cụ thì có lẽ đem vàng ra dụ dỗ cụ cũng chẳng lên Pê-téc-bua, còn cháu thì cũng chắc gì có dịp về huyện này nữa. Thôi, xin tạm biệt cụ.

— Này, có lẽ anh để cái đống sách đó lại thì hơn! — Ông già Ku-dờ-nhét-xốp gọi với theo anh. — Việc gì mà anh phải mang theo cái của nặng như vậy? Cứ để lại ngày mai tôi sẽ cho người mang lên cho anh.

Nhưng A-gờ-nhép không còn nghe thấy gì nữa, anh nhanh nhẹn rời xa ngôi nhà. Anh đang chếnh choáng hơi men, có cái gì vừa vui vui, vừa ấm áp, vừa buồn buồn... Anh bước đi và nghĩ rằng sao trong cuộc đời lại hay gặp những người tốt thế và thật đáng tiếc là những cuộc gặp gỡ ấy chẳng để lại gì hơn ngoài những kỷ niệm. Có khi anh thấy thấp thoáng phía chân trời những cánh sếu, một ngọn gió nhẹ thoảng đưa đến những tiếng kêu rầu rầu và rộn rã của chúng, rồi chỉ một phút sau, dù anh có căng mắt ra mà nhìn về khoảng xa xanh kia đến đâu, anh cũng sẽ chẳng thấy một chấm đen nào, không nghe thấy một tiếng kêu nào nữa — cũng hệt như vậy những con người với gương mặt và giọng nói của họ thoáng hiện trong cuộc đời rồi chìm lấp đi trong quá khứ của chúng ta, không để lại gì hơn ngoài những dấu vết nhỏ nhoi của ký ức. Sống ở huyện N. này từ đầu mùa xuân và hầu như ngày nào cũng đến chơi với gia đình Ku-dờ-nhét-xốp mến khách, I-van A-lếch-xê-ê-vích đã trở nên thân quen như người nhà với ông già, với cô con gái, với người hầu, anh đã thuộc lòng mọi ngõ ngách trong nhà, hàng hiên xinh xinh, những khúc đường uốn cong giữa hàng cây, bóng cây trùm trên mái bếp và nhà tắm; nhưng bây giờ khi anh bước ra ngoài phía cổng, thì tất cả những cái đó đã biến thành kỷ niệm và mất đi mãi mãi cái ý nghĩa thực đối với anh, rồi một hai năm tới, tất cả những hình ảnh thân yêu ấy sẽ nhòa dần trong tâm trí anh cùng với những điều mà anh đã tưởng tượng ra.

"Trong cuộc đời không có gì quí hơn những con người?” — A-gờ-nhép xúc động nghĩ, chân bước dần theo con đường chạy giữa hai hàng cây đến phía cổng. — “Không có gì quí hơn!"

Trong vườn vắng lặng và ấm áp, thoang thoảng mùi hương hoa cỏ mộc tê, hoa vòi voi, hoa thuốc lá, những thứ hoa còn chưa kịp nở rộ trong vườn.

Khoảng giữa những khóm bụi cây và thân cây bàng bạc hơi sương mỏng manh, mềm dịu, trong suốt qua ánh trăng, và điều này A-gờ-nhép còn ghi nhớ mãi, ấy là những đám sương mờ mờ, như những cái bóng, nhẹ nhàng nhưng trông rất rõ đang bay theo nhau bên những hàng cây. Trăng mọc cao trên vườn cây, và dưới trăng có những dải sương trong suốt đang bay về một nơi nào ở phía đông. Dường như cả thế giới chỉ hợp lại bằng những bóng đen và những cụm sương mờ trăng trắng đang bay lang thang, còn A-gờ-nhép khi ngắm nhìn những đám sương bay trong đêm trắng tháng tám này' có lẽ lần đầu tiên trong đời nghĩ rằng, không phải anh đã nhìn thấy thiên nhiên mà là nhìn thấy một cảnh bài trí, trong đó những người đốt pháo bông vụng về định làm sáng cả khu vườn bằng một thứ ánh sáng trắng xanh, đã ngồi nấp sau những bụi cây và đã làm khói trắng bay lên cùng với ánh sáng.

Khi A-gờ-nhép đi đến gần cổng khu vườn, từ bên hàng giậu thâm thấp bỗng có một bóng đen bước ra và đi ngược lại phía anh.

— Cô Vê-rơ-trờ-ka! — Anh sung sướng thốt lên. — Cô đấy ư? Thế mà tôi cứ tìm cô mãi, tôi muốn chia tay... Tạm biệt cô nhé, tôi đi đây!

— Sao sớm thế? Bây giờ mới là mười một giờ.

— Không, đến lúc phải đi rồi! Đường dài năm cây, lại còn phải ngủ nữa chứ. Sáng mai còn dậy sớm...

Trước mặt A-gờ-nhép là con gái ông già Ku-dờ-nhét-xốp, cô Vê-rơ-trờ-ka, một cô gái hai mươi mất tuổi, vẻ mặt lúc nào cũng buồn buồn, ăn mặc xuềnh xoàng, và rất có duyên. Những cô gái hay mơ mộng, suốt ngày ưa nằm đọc một cách uể oải tất cả những cuốn sách gì tiện tay vớ được, những cô gái hay buồn buồn, rầu rĩ thường không hay chú ý đến cách ăn mặc. Đối với những ai trong số đó mà lại được tạo hóa phú cho khiếu thẩm mỹ và sự linh cảm về cái đẹp thì sự tuềnh toàng sơ sài trong cách ăn mặc đó lại đem đến cho các cô ấy một vẻ quyến rũ đặc biệt. Ít ra thì sau này, khi nhớ lại Vê-rơ-trờ-ka xinh xắn, A-gờ-nhép không thể nào hình dung ra cô mà lại không nhớ đến cái áo ngắn mặc ngoài nhăn nhúm nơi eo lưng thành những nếp gấp sâu mà không chạm vào thân mình cô, không nhớ đến món tóc quăn quăn lòa xòa trên trán từ mái tóc chải cao, chiếc khăn đan màu đỏ lấm tấm những quả cầu nhỏ nơi gờ mép, chiếc khăn vào những buổi tối vẫn vắt ngang vai Vê-rơ-trờ-ka như lá cờ khi hết gió và ban ngày thì nhàu nát để ở buồng ngoài bên cạnh mấy chiếc mũ đàn ông, hay là vứt trên mặt rương trong buồng ăn, nơi con mèo già vẫn thường ngủ một cách ngang nhiên. Cái khăn ấy, những nếp gấp nơi chiếc áo ngắn mặc ngoài ấy như tỏ ra một vẻ gì uể oải thoải mái nhàn nhã và khoan hoà. Có lẽ vì A-gờ-nhép có cảm tình với Vê-rơ-trờ-ka nên trong từng cái cúc áo, từng nếp gấp áo của cô, anh đều có thể thấy một cái gì đầm ấm, dư dật, thơ ngây, một cái gì thật tốt đẹp, thật nên thơ, chính những cái không có ở những người phụ nữ giả dối, lạnh lùng, thiếu cảm xúc về cái đẹp.

Vê-rơ-trờ-ka có một thân hình cân đối, một dáng nhìn nghiêng rất xinh và món tóc quăn tuyệt đẹp. Đối với A-gờ-nhép, một người trong đời biết không nhiều phụ nữ, thì Vê-rơ-trờ-ka thật là một cô gái đẹp.

— Tôi đi đây! — Anh nói, chìa tay với cô gần bên cổng. — Có gì không phải thì bỏ quá cho tôi! Cảm ơn cô về tất cả những gì tốt đẹp cô đã đem đến cho tôi.

Cũng vẫn bằng cái giọng trầm bổng như học trò chủng viện mà lúc nãy anh đã nói với ông già, cũng vẫn những cái nhún vai và nhấp nháy đôi mắt, A-gờ-nhép cảm ơn Vê-rơ-trờ-ka về lòng mến khách, thái độ dịu dàng, niềm nở của cô.

— Thư nào gửi cho mẹ, tôi cũng đều nhắc đến cô, — anh nói. — Nếu ai cũng như cô và ông cụ nhà đây thì cuộc sống trên thế giới này không phải là một cuộc sống bình thường nữa mà là một ngày hội. Gia đình cô thật toàn là những người tuyệt diệu! Thật giản dị, chân thành, nhiệt tình.

— Bây giờ anh đi đâu? — Vê-rơ-trờ-ka hỏi.

— Bây giờ tôi đi về chỗ mẹ tôi ở buôn, ở lại đấy khoảng hai tuần rồi trở về Pê-téc-bua làm việc.

— Rồi sau đó?

— Sau đó ư? Sẽ làm việc suốt cả mùa đông đến mùa xuân lại về một huyện nào đó thu thập tài liệu. Thôi nhé, chúc cô hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi... có gì không phải thì bỏ quá cho tôi. Chúng ta sẽ không gặp nhau nữa.

A-gờ-nhép cúi xuống và hôn tay Vê-rơ-trờ-ka. Sau đó, trong lòng xúc động lặng lẽ, anh đưa tay sửa chiếc áo khoác ngoài đang mặc, đổi cách cầm gói sách cho thuận, im lặng một lát rồi nói:

— Sương xuống nhiều quá nhỉ?

— Vâng, anh không để quên cái gì lại chứ?

— Cái gì kia? Có lẽ là không quên gì...

A-gờ-nhép đứng im lặng mấy giây không nói, sau đó anh vụng về quay người đi lại phía cổng rồi đi ra khỏi vườn.

— Khoan đã, tôi sẽ tiễn anh đến cánh rừng của chúng tôi, — Vê-rơ-trờ-ka vừa nói vừa bước theo anh.

Hai người cùng đi trên đường. Bây giờ những tán cây không còn che mắt nữa, và có thể nhìn thấy bầu trời cao rộng. Cảnh vật xung quanh phủ một lớp sương trắng trong suốt như ẩn sau một tấm voan, cái đẹp của thiên nhiên qua tấm voan này trông thật vui mắt, những đám sương dày hơn, trắng hơn quẩn quanh bên những đống rơm, bụi cây hoặc đang tha thẩn bay qua mặt đường, sà xuống mặt đất như không muốn che khuất những khoảng trời xa. Qua làn khói sương mờ, cả con đường dẫn đến cánh rừng hiện ra với những con mương màu sẫm, chạy dọc hai bên, những bụi cây mọc trên bờ mương ngăn không cho những đám sương bay qua. Cách cổng vườn chừng nửa vét-xta, cánh rừng của nhà Ku-dờ-nhét-xốp nổi lên thành một vệt dài đen sẫm.

"Cô ấy đi cùng với mình làm gì? Vì thế thì mình lại phải tiễn cô ấy quay trở lại?" — A-gờ-nhép nghĩ vậy, nhưng rồi liếc nhìn gương mặt Vê-rơ-trờ-ka, anh mỉm cười dịu dàng và nói:

— Ra đi vào lúc đẹp trời như thế này thật chẳng muốn chút nào! Buổi tối hôm nay thật đầy vẻ mơ mộng, có ánh trăng, có vẻ vắng lặng, có tất cả những gì cần thiết cho một đêm như thế. Cô Vê-rơ-trờ-ka, cô có biết không? Tôi sống trên đời này đã hai mươi chín năm rồi, nhưng trong đời tôi, tôi chưa từng trải qua một chuyện tình duyên nào cả. Cả đời chưa từng một lần yêu đương, vì thế mà đối với rendez-vous [1], những chuyện tình tự, những cái hôn... tôi chỉ được biết qua lời kể. Thật là không bình thường! Ở thành phố khi ngồi trong căn phòng của mình, cũng khó thấy chỗ trống ấy, nhưng rồi đây dưới bầu trời thoáng đãng, cái khoảng trống ấy hiện ra thật rõ... Nghĩ lại cứ thấy nuối tiếc làm sao ấy...

— Sao anh lại thế?

— Tôi cũng không biết nữa. Chắc là cả đời tôi chưa có lúc nào rỗi rãi, cũng có thể là do tôi chưa từng được gặp người phụ nữ mà tôi... Nói chung là tôi có rất ít người quen, tôi chẳng hay đi đâu cả.

Chừng ba trăm bước, hai người trẻ tuổi im lặng bước đi. A-gờ-nhép nhìn lên mái đầu để trần, nhìn lên chiếc khăn của Vê-rơ-trờ-ka, trong trí anh nối tiếp nhau hiện lên những ngày xuân và những ngày hè, đó là thời gian anh ở cách xa căn buồng Pê-téc-bua màu xám của mình, sung sướng hưởng sự chiều chuộng dịu dàng của những người tốt bụng, hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và cái vui của công việc mình yêu thích, anh không kịp nhận ra những buổi hoàng hôn đã đến thay những buổi bình minh ra sao, không để ý đến những con chim họa mi, chim cun cút, những con cuốc đồng đã lần lượt theo nhau thôi hót, báo hiệu mùa hè đã hết... Thời gian trôi đi nhẹ tênh, và thế có nghĩa là anh đã sống thật yên lành và thoải mái...

Anh gợi lại với Vê-rơ-trờ-ka rằng, lúc đầu hồi cuối tháng tư năm nay, một người chẳng giàu có gì, không quen xê dịch và giao thiệp như anh, đã miễn cưỡng đi về huyện N. này như thế nào, anh đã sẵn sàng chờ đợi gặp gỡ một sự tẻ nhạt, cô đơn và thái độ thờ ơ dửng dưng đối với thống kê học, một ngành mà theo ý anh hiện nay đang chiếm một vị trí hàng đầu trong các ngành khoa học. Đến huyện lỵ N. vào một buổi sáng tháng tư, anh dừng chân lại quán trọ của ông Ri-a-bu-khin, một tín đồ cựu giáo, tại đây anh trả mỗi ngày hai mươi kô-pếch và được ở thuê một buồng sáng sủa sạch sẽ với điều kiện rằng anh chỉ được hút thuốc ngoài trời. Nghỉ lại đây ít lâu và dò hỏi xem ở huyện này ai là chủ tịch Hội đồng tự quản huyện, anh lập tức đến nhà Ku-dờ-nhét-xốp. Anh phải đi bốn cây số qua những bãi cỏ rộng sặc sỡ màu hoa dại và những rừng thông non. Dưới tầng mây, những đàn chim sơn ca rót đầy khoảng không những âm thanh lấp lánh màu bạc, và trên những thửa ruộng đang lên màu xanh, những con quạ oai vệ vỗ cánh bay lượn.

Trời, — lúc ấy A-gờ-nhép đã ngạc nhiên thốt lên. — Chẳng lẽ lúc nào không khí cũng đều thoáng đãng như thế này sao, hay là chỉ có hôm nay cảnh vật mới đẹp thế và là để mừng tôi đến?

Chờ đợi một thái độ tiếp đón khô khan, anh bước vào nhà Ku-dờ-nhét-xốp một cách rụt rè, không dám nhìn thẳng, tay ngượng nghịu vân vê bộ râu. Ông già Ku-dờ-nhét-xốp mới đầu nheo mày không hiểu Hội đồng tự quản huyện thì có thể giúp ích gì cho chàng trai trẻ này với cái nghề thống kê của anh ta, những khi anh giải thích cặn kẽ cho ông già nghe thế nào là tài liệu thống kê và những tài liệu ấy thu thập được ở đâu thì ông già thấy hào hứng hẳn lên, ông mỉm cười và ghé mắt nhìn vào những cuốn sổ ghi chép của anh với vẻ tò mò như con trẻ. Ngay buổi tối hôm đó, A-gờ-nhép đã ngồi ăn cùng với gia đình Ku-dờ-nhét-xốp, đã nhanh chóng say vì uống rượu mạnh và, nhìn những gương mặt bình thản, nhìn những cử động chậm chạp của những người mới quen, anh thấy tỏa khắp thân thể một cảm giác uể oải ngọt ngào, mơ màng khi con người ta muốn được ngủ, được duỗi thẳng chân tay và mỉm cười. Còn những người mới quen thì xởi lởi nhìn anh và hỏi rằng bố mẹ anh có còn sống không, lương tháng anh được bao nhiêu, anh có hay đi xem hát không?

A-gờ-nhép nhớ lại những chuyến đi về các tổng, những cuộc đi chơi rừng cùng bạn bè, những buổi đi câu cá, cái lần tất cả đi thăm bà quản nhà tu kín Mác-pha — bà Mác-pha đã tặng cho mỗi người khách thăm một túi nhỏ hạt cườm; anh nhớ lại những lần tranh cãi sôi nổi vô tận, đặc kiểu Nga, khi mà những người tranh luận vung tay đấm mạnh xuống bàn, không hiểu nhau, ngắt lời nhau, chẳng hề để ý rằng tự mình mâu thuẫn với mình trong từng câu, luôn luôn thay đổi về đề tài tranh luận, và cuối cùng sau hai ba tiếng đồng hồ cãi vã, bèn cười xòa:

— Có họa là quỉ mới biết được vì lý do gì mà chúng ta đã cãi nhau! Thật là đầu voi đuôi chuột.

— Cô có còn nhớ lần tôi với cô cùng bác sĩ cưỡi ngựa đi Sét-xtô-vơ không? — A-gờ-nhép nói với Vê-rơ-trờ-ka khi cùng với cô đi đến cánh rừng. — Lần ấy chúng ta gặp một tay ngây dại. Tôi cho hắn ta đồng năm kô-pếch, hắn làm dấu ba lần rồi ném đồng năm kô-pếch tôi cho vào ruộng lúa mạch đen. Trời, tôi mang theo nhiều ấn tượng quá, đến nỗi nếu có thể cô đặc chúng lại thì tôi đã có một thỏi vàng mười! Tôi không hiểu tại sao những người thông minh và giàu xúc cảm lại chen chúc nhau ở các thủ đô mà không đi tới đây? Lẽ nào ở đại lộ Nhép-xki và trong những ngôi nhà ẩm thấp đồ sộ lại thênh thang hơn, nhiều chân lý hơn ở đây? Cứ thực bụng mà nói thì những căn buồng trọ chỗ tôi ở suốt từ tầng trên xuống tầng dưới đều có những họa sĩ, nhà khoa học, nhà báo thuê, những căn buồng ấy bao giờ cũng là một thứ định kiến đối với tôi.

Cách rừng khoảng hai mươi bước, có một chiếc cầu nhỏ bốn góc có cột trụ ngang qua đường, chiếc cầu ấy bao giờ cũng là một nơi dừng chân cho gia đình Ku-dờ-nhét-xốp và khách khứa trong những lần dạo chơi buổi tối. Từ chỗ ấy những ai muốn nghe rừng vọng lại tiếng mình đều có thể nghe được, và có thể trông thấy rõ con đường biến dần đi trong khoảng rừng đen sẫm.

— Thôi, cầu đây rồi! — A-gờ-nhép nói. — Đến đây thì cô trở lại được rồi...

Vê-rơ-trờ-ka dừng lại, thở vào thật sâu rồi thở ra.

— Ta ngồi xuống đây một lúc đi, — Vê-rơ-trờ-ka vừa nói vừa ngồi xuống một trụ cầu. — Trước khi ra đi, lúc chia tay, thường thường người ta vẫn ngồi lại với nhau ít phút.

A-gờ-nhép để gói sách của mình bên cạnh Vê-rơ-trờ-ka, ngồi xuống đó và tiếp tục nói. Vê-rơ-trờ-ka khó nhọc thở vì vừa đi bộ một quãng xa, cô không nhìn A-gờ-nhép, mà đưa mắt về một phía khác, cho nên anh cũng không nhìn thấy mặt cô.

— Nếu bất ngờ sau mười năm nữa chúng ta gặp nhau, — anh hỏi. — Lúc đó chúng ta sẽ là những người như thế nào? Cô lúc ấy sẽ là người mẹ đáng kính của một gia đình, còn tôi là tác giả của một tuyển tập thống kê đáng trọng nào đấy mà chẳng cần cho ai cả, dầy cộp như bốn chục nghìn tập khác. Chúng ta sẽ gặp nhau và sẽ cùng nhớ lại ngày xưa... Còn bây giờ thì chúng ta đang cảm thấy hiện tại, hiện tại đang chứa đầy trong ta và làm ta xúc động, nhưng đến lúc ấy, khi gặp lại, chúng ta sẽ không còn nhớ ngày tháng, thậm chí không nhớ đến cả năm chúng ta gặp nhau lần cuối, trên chiếc cầu nhỏ bé này, sẽ thay đổi nhiều... Cô có nghe không, cô sẽ thay đổi nhiều chứ?

Vê-rơ-trờ-ka rùng mình và quay mặt lại phía anh.

— Cái gì cơ? — Cô hỏi.

— Tôi vừa hỏi cô rằng...

— Xin lỗi anh, tôi không nghe rõ anh vừa nói những gì.

Đến lúc ấy A-gờ-nhép mới nhận ra nét mới lạ nơi Vê-rơ-trờ-ka. Gương mặt cô tái nhợt, cô thở gấp, hơi thở run run của cô truyền đi khắp cánh tay, hiện rõ trên đôi môi, mái tóc cô xòa ra trên trán nhiều hơn thường ngày... Hình như cô tránh không nhìn thẳng vào mặt anh và, để che giấu niềm xúc động của mình, khi thì cô sửa lại cổ áo như đang cứa đau cổ cô, khi thì vắt lại chiếc khăn màu đỏ của mình từ vai này sang vai kia...

— Hình như cô bị lạnh phải không? — A-gờ-nhép hỏi. — Ngồi trong sương không tốt lắm đâu. Thôi để tôi đưa cô nach Hause [2] nhé.

Vê-rơ-trờ-ka im lặng.

— Cô làm sao thế? — A-gờ-nhép mỉm cười hỏi. — Cô cứ làm thinh và chẳng trả lời gì cả. Cô bị mệt hay là tức giận điều gì? Phải thế không?

Vê-rơ-trờ-ka đưa lòng bàn tay áp chặt vào bên má đang quay về phía A-gờ-nhép và ngay lập tức cô lại giật mạnh bàn tay ra.

— Thật là một tình cảnh kinh khủng... — Cô thì thào nói, vẻ đau đớn hiện rõ ra trên nét mặt. — Thật kinh khủng?

— Có gì kinh khủng làm vậy? — A-gờ-nhép hỏi, nhún nhún hai vai, không che giấu sự ngạc nhiên của mình, — có chuyện gì vậy?

Vê-rơ-trờ-ka vẫn thở nặng nhọc, đôi vai run lên, cô quay lưng lại phía anh, ngẩng đầu lên nhìn trời một lát rồi nói:

— Tôi cần nói chuyện với anh, anh I-van A-lếch-xê-ê-vích ạ...

— Tôi nghe đây.

— Có thể rằng anh sẽ thấy điều đó là lạ lùng... anh sẽ ngạc nhiên, nhưng mà đối với tôi thì đằng nào cũng thế...

A-gờ-nhép lại một lần nữa nhún vai và chờ đợi lắng nghe.

— Thế này anh ạ... — Vê-rơ-trờ-ka bắt đầu nói, đầu hơi cúi thấp xuống, tay vân vê mép khăn. — Anh có biết không, tôi muốn nói với anh một điều... như thế này... Anh sẽ cảm thấy lạ lùng, và... ngu xuẩn, nhưng tôi, tôi... thì không thể giấu được nữa.

Lời Vê-rơ-trờ-ka nói nghe không rõ, rồi bỗng bật thành tiếng khóc. Cô gái lấy khăn che mặt, đầu cúi thấp xuống nữa, và nghẹn ngào khóc tiếp. A-gờ-nhép hắng giọng lúng túng, vừa kinh ngạc vừa không biết phải nói gì, làm gì, anh đưa mắt nhìn chung quanh mình một cách tuyệt vọng. Vì chưa từng quen với tiếng khóc và nước mắt, chính anh cũng cảm thấy mình rưng rưng lệ.

— Sao lại thế? — Anh lắp bắp, bối rối. — Cô Vê-rơ-trờ-ka, thế là làm sao? Vê-rơ-trờ-ka thân mến, cô... cô bị ốm đấy ư? Hay là có ai xúc phạm tới cô? Cô hãy nói đi, có thể là tôi... sẽ giúp được gì cho cô chăng...

Và khi anh định an ủi cô gái, nhẹ nhàng gỡ bàn tay che mặt cô ra, thì cô mỉm cười qua nước mắt và nói:

— Tôi... tôi yêu anh!

Lời nói giản dị, bình thường ấy thốt lên bằng thứ ngôn ngữ giản dị của con người, nhưng lại làm cho A-gờ-nhép cảm thấy hết sức bối rối, anh quay mặt đi, đứng thẳng dậy và, tiếp liền với cảm giác bối rối, anh bỗng thấy sợ hãi.

Tâm trạng buồn buồn, ấm áp, một chút đa cảm đến với anh lúc uống rượu và chia tay bỗng biến mất, nhường chỗ cho một cảm giác bối rối khó chịu. Một cái gì mới mẻ đảo lộn cả lòng anh, anh liếc nhìn Vê-rơ-trờ-ka; bây giờ, sau khi tỏ tình với anh, cô không còn vẻ cao xa, không thể nào với tới được — cái điều vẫn thường làm phong phú hơn cho người phụ nữ, đối với anh hình như cô trở nên thấp hơn một chút, giản dị hơn, bình thường hơn.

"Thế này là thế nào?" — Anh sợ hãi nghĩ thầm. — "Nhưng mà không biết mình có yêu... Vê-rơ-trờ-ka không? Vấn đề là ở chỗ ấy!"

Còn Vê-rơ-trờ-ka thì, sau khi đã nói được ra cái điều chính nhất, khó nói nhất ấy, cô cảm thấy nhịp thở của mình trở lại thanh thản, nhẹ nhàng. Cô cũng đứng lên và, nhìn thẳng vào mặt A-gờ-nhép, cô nói với anh một cách sôi nổi, trơn tru, không gì ngăn lại được. Giống như một người bị hoảng hốt bất ngờ không thể nhớ lại sau đó trình tự diễn biến của cái tai họa làm anh ta choáng váng, A-gờ-nhép cũng không nhớ được những lời nói của Vê-rơ-trờ-ka. Anh chỉ còn nhớ được nội dung những điều cô nói, nhớ được chính bản thân cô lúc ấy ra sao và cái cảm giác mà lời nói của cô đã đem tới cho anh. Anh nhớ giọng nói của Vê-rơ-trờ-ka lúc ấy như nghẹn lại, hơi khàn khàn vì xúc động, một nhạc điệu lạ lùng, sôi nổi toát ra từ giọng nói của cô.

Vừa khóc, vừa cười, những giọt lệ sáng long lanh trên hàng mi, Vê-rơ-trờ-ka nói rằng ngay từ những ngày đầu quen nhau, anh đã làm cô kinh ngạc vì vẻ độc đáo, sự thông minh, vì đôi mắt phúc hậu, lanh lợi, vì những nhiệm vụ và mục tiêu trong cuộc đời, rằng cô yêu anh say đắm, hết lòng, yêu đến mất trí; rằng có lần từ dạo hè, khi đi từ ngoài vườn vào trong nhà, nhìn thấy chiếc áo choàng rộng của anh treo nơi mắc áo nhà ngoài hay nghe giọng nói của anh thì tim cô thắt lại một niềm linh cảm hạnh phúc; ngay cả những câu nói đùa vô thưởng vô phạt của anh cũng làm cô cười phá lên, cô đọc thấy mỗi chữ số trong cuốn sổ của anh là một cái gì hợp lý phi thường, một cái gì rất to tát; đối với cô, cái gậy nhiều mấu anh cầm còn đẹp hơn mọi thứ cây trên đời này.

Cả cánh rừng, cả những cụm sương và những dòng mương đen sẫm nằm hai bên đường, dường như đều yên ắng lắng nghe Vê-rơ-trờ-ka nói, nhưng A-gờ-nhép thì lại cảm thấy trong lòng có cái gì đó không hay ho và kỳ quặc...

Lúc bày tỏ tình yêu của mình đối với anh, Vê-rơ-trờ-ka trông thật hấp dẫn, cô nói bằng những lời rất đẹp và say sưa, nhưng anh không cảm thấy một nỗi mừng, một niềm khoái lạc nào như anh muốn, anh chỉ cảm thấy một niềm thương cảm đối với Vê-rơ-trờ-ka, đau xót và ái ngại rằng vì anh mà một người tốt như thế đã phải khổ. Có trời mà biết được, không hiểu có phải cái lý trí sách vở đã trỗi lên trong anh, hay là cái thói quen nhìn mọi vật một cách khách quan không thể cưỡng lại được đã lại đến với anh — một thói quen thường làm cho người ta thấy khó sống mà anh chỉ thấy niềm say mê và nỗi đau khổ của Vê-rơ-trờ-ka là một cái gì quá đa cảm ngọt ngào, không thật chân thành, và đồng thời một tình cảm mới vụt đến xáo động trong anh, mách thầm với anh rằng những gì anh đang nhìn thấy và nghe thấy bây giờ, nhìn từ góc độ của tạo vật và hạnh phúc riêng tư, còn hệ trọng hơn rất nhiều so với mọi thứ thống kê học, mọi thứ sách vở mọi thứ chân lý... và anh cảm thấy tức bực, anh tự trách mình mặc dầu không hiểu rõ rằng lỗi của mình là ở đâu.

Anh hết sức lúng túng và hoàn toàn không biết mình phải nói gì, mà lúc này lại rất cần phải nói. Nói thẳng rằng "tôi không yêu cô" thì anh không đủ sức, mà nói "yêu" thì lại không nói được, bởi vì dù có tìm bới đến thế nào đi nữa, anh cũng không thể kiếm được trong lòng mình một chút tình yêu nào...

Anh im lặng, còn Vê-rơ-trờ-ka lúc ấy thì nói rằng, đối với cô không có hạnh phúc nào lớn hơn là được nhìn thấy anh, được đi theo anh, dù là đi luôn bây giờ, đến nơi nào mà anh muốn, trở thành người vợ, người trợ giúp cho anh, rằng nếu anh bỏ cô mà đi thì cô sẽ chết vì buồn rầu ...

— Em không thể ở lại đây được nữa! — Cô vừa nói vừa bẻ bẻ tay. — Em chán ngấy cái nhà này, cánh rừng này. Em không thể chịu được cái yên tĩnh thường xuyên và cuộc sống vô mục đích này, không thể chịu được những con người tẻ nhạt, ai cũng giống hệt nhau như hai giọt nước! Tất cả bọn họ đều nhiệt thành tốt bụng bởi vì họ lúc nào cũng no nê, không phải đau khổ, không đấu tranh vì một cái gì... Mà em thì lại muốn đến những ngôi nhà nặng nề, ẩm thấp, nơi người ta đau khổ, người ta trở nên tàn nhẫn, vì lúc nào cũng phải làm việc và lúc nào cũng túng bấn.

Cả lời này nữa, A-gờ-nhép cũng thấy có vẻ tán tụng ngọt ngào, không thật chân thành. Khi Vê-rơ-trờ-ka nói xong rồi, anh vẫn chưa biết phải nói gì, nhưng mà không thể im lặng được nữa, anh đành lắp bắp nói:

— Cô Vê-rơ-trờ-ka ạ, tôi rất biết ơn cô, mặc dầu tôi cảm thấy rằng tôi chẳng có gì tốt đẹp để xứng đáng được... hưởng tình cảm mà cô vừa bày tỏ. Thứ hai là, với tư cách là một người trung thực, tôi phải nói rằng... hạnh phúc được xây dựng trên sự cân bằng, có nghĩa là khi mà cả hai bên... cùng yêu ở mức độ như nhau...

Ngay lúc ấy A-gờ-nhép thấy ngượng với những lời mình vừa ấp úng nói và anh im lặng. Anh cảm thấy bộ mặt anh bây giờ chắc ngu độn, đầy vẻ hối lỗi, hời hợt, đang căng ra và dài thườn thượt. Chắc là Vê-rơ-trờ-ka đã nhận ra được sự thật trên gương mặt anh, vì vậy cô bỗng nghiêm trang trở lại, mặt tái nhợt đi và cúi đầu xuống.

— Cô tha lỗi cho tôi. — A-gờ-nhép không chịu nổi sự im lặng, lại ấp úng nói. — Tôi kính trọng cô đến mức rằng tôi cảm thấy... đau đớn!

Vê-rơ-trờ-ka vụt quay lại và rảo bước đi về phía trang trại. A-gờ-nhép đi theo sau đó.

— Đừng, không cần đâu! — Vê-rơ-trờ-ka nói, hất bàn tay ra hiệu. — Anh đừng đi theo, tôi tự đi về được...

— Không, dù sao thì... không thể không đưa tiễn...

Bất kể A-gờ-nhép nói gì, chữ nào anh cũng tự cảm thấy ghê tởm và tầm thường. Mỗi bước đi anh lại càng thấy ân hận hơn. Anh giận dữ, nắm chặt tay lại, thầm rủa sự lạnh lùng của mình, thầm rủa rằng mình không biết cách đối xử với phụ nữ. Cố thức tỉnh lòng mình, anh nhìn lên tấm thân đẹp đẽ của Vê-rơ-trờ-ka, nhìn bím tóc và dấu vết đôi chân nhỏ của cô in lại trên mặt đường đầy bụi, anh nhở lại những lời nói, nước mắt của cô, nhưng tất cả những cái đó chỉ làm cho lòng anh mềm dịu lại, chứ không làm anh phấn chấn.

"Ôi, đúng là không thể cưỡng bức yêu được." — Anh tự thuyết phục mình và đồng thời nghĩ. — "Đến bao giờ thì tôi mới yêu một cách tự nguyện? Bây giờ tôi đã gần ba mươi tuổi rồi. Chưa bao giờ tôi gặp được người phụ nữ tốt hơn Vê-rơ-trờ-ka và sẽ không bao giờ gặp nữa... ôi, sự già nua chó má? Sự già nua vào tuổi ba mươi!"

Vê-rơ-trờ-ka đi đằng trước anh mỗi lúc một nhanh hơn, cô không nhìn lại, cúi đầu xuống. Anh có cảm tưởng rằng, vì đau khổ mà người cô gầy đi, vai cô so lại...

"Thử hình dung xem cái gì đang diễn ra trong lòng cô!" — Anh nhìn vào sau lưng cô gái và nghĩ. — "Chắc là cô ấy vừa đau khổ, vừa xấu hổ đến mức tưởng muốn chết? Trời ơi, có biết bao nhiêu sự sống, chất thơ, bao nhiêu ý nghĩ ở đây, đến đá cũng phải xúc động, thế mà mình... mình thật ngu xuẩn và kỳ cục!"

Đến bên cổng, Vê-rơ-trờ-ka thoáng nhìn lại anh rất nhanh, khom mình xuống, phủ khăn kín đầu, rồi đi nhanh vào giữa hàng cây.

A-gờ-nhép đứng lại một mình. Quay trở lại phía rừng, anh đi chậm rãi, chốc chốc lại dừng chân và ngoái đầu nhìn cổng trại với cái vẻ toát ra từ toàn thân anh như là anh không tin mình nữa. Anh đưa mắt tìm trên đường đi những dấu chân của Vê-rơ-trờ-ka và không tin được rằng, cô gái mà anh đã có cảm tình nhường ấy vừa tỏ tình với anh và anh đã "từ chối" cô ấy một cách vụng về, lỗ mãng! Lần đầu tiên trong đời, anh nghiệm thấy rõ qua trường hợp của chính mình rằng con người ta phụ thuộc ít ỏi thế nào vào thiện chí của mình, rằng một người đứng đắn và chân thành, ngược với ý muốn của mình, đã gây cho người thân thiết của mình những nỗi đau khổ tàn nhẫn và không đáng có ra sao.

Lương tâm anh cắn rứt, và khi Vê-rơ-trờ-ka đi khuất hẳn, anh bắt đầu cảm thấy mình đã mất đi một cái gì đó rất quí, rất gần gũi, một cái gì anh không thể tìm lại được nữa. Anh cảm thấy rằng cùng với Vê-rơ-trờ-ka, một phần tuổi trẻ của anh đã trôi đi, rằng những phút mà anh vừa sống một cách hoài phí như vậy sẽ không bao giờ lặp lại nữa.

Đến chiếc cầu nhỏ, anh đứng lại nghĩ ngợi. Anh muốn tìm ra nguyên nhân của sự lạnh lùng kỳ quặc của mình. Anh thấy rõ rằng, sự lạnh lùng ấy không phải là sự tồn tại bên ngoài anh, mà chính ở trong tâm can anh. Anh thành thật thú nhận với lương tâm mình rằng, đó không phải là sự lạnh lùng của lý trí — điều mà những người thông minh vẫn thường tự phụ, không phải là một sự lạnh lùng của một tên ngu xuẩn vị kỷ, mà đó chỉ là sự bất lực của tâm hồn không còn khả năng tiếp nhận sâu xa cái đẹp, là sự già nua trước tuổi, kết quả của một cách giáo dục, của cuộc vật lộn xô bồ giành giật lấy miếng ăn, của một cuộc đời ở thuê, không người thân kẻ thuộc.

Rời khỏi cầu, anh bước chậm vào rừng như không muốn đi. Ở đây, giữa những khoảng rừng tối sẫm ánh trăng in loáng thoáng đó đây, anh không cảm thấy gì khác ngoài những ý nghĩ của chính mình và anh bỗng thiết tha muốn lấy lại những gì vừa mất.

Và A-gờ-nhép nhớ rằng anh đã quay lại trang ấp. Tự kích thích mình bằng những hồi tưởng, cố ép mình hình dung ra Vê-rơ-trờ-ka trong trí tưởng tượng, anh bước nhanh về phía vườn. Trên đường đi vào trong vườn sương đã hết, trăng dọi chiếu từ trên trời như vừa được rửa sạch, chỉ có phía đông che phủ một lớp mây u ám... A-gờ-nhép nhớ lại bước chân dè dặt của mình, nhớ lại những khung cửa sổ tối đen, mùi hương ngào ngạt của hoa vòi voi và hoa cỏ mộc tê. Con chó Ka-rô quen thuộc thân thiện vẫy vẫy đuôi đến gần bên anh và ngửi ngửi tay anh... Nó là sinh vật duy nhất nhìn thấy anh đã hai lần đi quanh nhà, đứng lặng dưới khung cửa sổ tối đen của Vê-rơ-trờ-ka, khoát tay một cái, thở dài và đi ra khỏi vườn.

Một giờ sau, anh đã ở huyện lỵ, người mệt nhoài phờ phạc; anh tựa thân mình và đôi má nóng hổi vào cánh cổng quán trọ và gõ cửa. Có con chó nhà ai ngái ngủ sủa ầm lên một lúc, và như để đáp lại tiếng gõ cửa của anh, chiếc kẻng gang gần nhà thờ vang lên ngân nga...

— Cứ tha thẩn chơi khuya mãi thôi... — Ông chủ tín đồ cựu giáo mặc chiếc áo sơ mi dài như áo đàn bà vừa lầu bầu vừa mở cổng. — Đi chơi làm gì, ở nhà mà cầu nguyện có tốt hơn không.

Bước vào căn phòng của mình A-gờ-nhép ngồi phịch xuống giường và nhìn rất lâu, rất lâu lên ánh lửa, sau đó anh lắc đầu rồi ngả mình xuống giường ngủ...


[1] rendez-vous — việc hẹn hò (tiếng Pháp)
[2] nach Hause — về nhà (tiếng Đức)

Tuổi Mười Bảy - Phần Ba (Cả bộ 3 phần)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TUỔI MƯỜI BẢY
(Tiểu thuyết — Ghéc-man Mát-vê-ép)

PHẦN BA

HAI NỮ ĐỐI THỦ
NHỮNG VỊ KHÁCH BẤT NGỜ
CÔNG VIỆC
NGÀY THỨ BẢY
SAU KỲ NGHỈ
LỄ KỶ NIỆM
SỰ CÔ ĐỘC
NHỮNG BỨC THƯ

TUỔI TRƯỞNG THÀNH

...

— Anh I-go ạ, đây là chiếc bánh ga-tô thứ tư đấy! — Xvét-la-na giải thích.

— Ôi, hóa ra là thế! Không sao, cú đấm này của số phận chúng ta sẽ chống đỡ một cách dũng cảm. Và bây giờ thì chúc mừng em, cô gái mười tám tuổi ạ! Anh chúc chân thành mà... Em là một cô em gái tốt nhất trần gian... Còn quà, — thì xin lỗi em: như Khờ-lét-xta-kốp đã nói, — "anh đã tiêu hết tiền trên tàu điện rồi"...

— Ôi lại còn thế nữa... Cám ơn anh I-go.

I-go bắt đầu chào hỏi các cô gái, trong lúc đó A-li-ô-sa tiến gần đến Xvét-la-na. Trong tay anh cầm một gói nhỏ.

Họ đứng đối diện nhau, lòng tràn đầy hạnh phúc, quên hết mọi thứ trên đời, nhìn vào mắt nhau và không có đủ sức nói một lời nào.

Xvét-la-na ra hiệu cho A-li-ô-sa. Anh hiểu nên cũng đi về phía chiếc bàn học của cô.

— Đây... — A-li-ô-sa thốt lên một cách khó khăn và chìa ra một cái tách được gói kín. — Cái này để làm kỷ niệm. — Anh hít một hơi đầy ngực và nói tiếp. — Chúc mừng em. Chúc em hạnh phúc... — Và bỗng anh thì thầm một cách sôi nổi. — Xvét-ta... Nếu việc làm cho em hạnh phúc dù là chỉ một chút, mà phụ thuộc vào anh, thì anh... anh... anh đã viết cho em rồi. Hãy tin, là nó như thế...

— Em tin, A-li-ô-sa, — cúi đầu, Xvét-la-na nói khẽ.

Cô cảm thấy, là mắt mình đầy nước mắt, và, để che giấu sự xúc động của mình, cô bỏ đi về phía sau tấm bình phong...

CUỘC HỌP KAM-XA-MÔN
Ở CHỖ BÍ THƯ KHU ĐOÀN
ĐANG LÀ MÙA XUÂN
SAI LẦM

TRƯỚC KỲ THI

...

— Li-đa Ve-rsi-nhi-na, em chuẩn bị xong chưa?

— Rồi ạ.

— Em trả lời đi.

Li-đa lên bảng, quay mặt xuống lớp và bắt đầu trả lời:

— Mi-khai-in A-lếch-xan-đrô-vích Sô-lô-khốp — là người ka-dắc sông Đông. Ông sinh năm một nghìn chín trăm linh năm tại ấp Ve-sen-xkai-a. Ông sống ở đó cho đến ngày nay...

— Sao bạn lại biết? — Ta-ma-ra thốt lên.

— Tôi đọc trong báo. Sô-lô-khốp học ở trường trung học nam. Trong nội chiến ông làm công tác phân phối lương thực và có tham gia trong cuộc chiến đấu chống bọn cướp trên sông Đông...

Kôn-xtan-chin Xê-mi-ôn-nô-vích nghe Li-đa nhưng lại nghĩ về việc khác. Về khóa tốt nghiệp đầu tiên sau chiến tranh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông như những con chim đủ lông cánh các em rời bỏ tổ ấm bay về muôn ngả. Cuộc sống các em sau đó ra sao? Số phận đưa các em về đâu? Việc thi cử của các em không làm anh phải lo lắng mấy. Tất cả các em đều được chuẩn bị tốt và đang tiếp tục học tập hết sức mình. Xvét-la-na I-va-nốp-va và A-nhi-a A-lếch-xê-ép-va thì chắc chắn sẽ được huy chương vàng rồi nếu không có sự cố gì bất ngờ xảy ra. Va-li-a Ben-lốp-va thì khó có khả năng nhận huy chương vàng. Trong thời gian em ốm nên thua các bạn, nhưng huy chương bạc thì chắc chắn là em sẽ được cùng với các bạn Ta-ma-ra Kráp-tren-kô, Giê-nhi-a Xmia-rnốp-va và Nhi-na Kô-xin-xkai-a...

Anh đưa mắt nhìn những em sẽ nhận được huy chương và nghĩ là kiến thức thì các em có và cái vốn đó không phải là ít, — nhưng như vậy lẽ nào đã đủ? Lẽ nào thầy giáo có thể yên tâm cho ra trường những con chim mỏ còn vàng như các em được?

Mong con mình hạnh phúc thì đừng bao giờ chuẩn bị cho chúng sẽ có một cuộc đời hạnh phúc mà ngược lại làm sao cho chúng có đủ sức để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Chỉ có những người được rèn luyện, lanh lợi, dũng cảm mới không bị mất tinh thần khi gặp phải những trở ngại không lường trước.

Thí dụ như Nhi-na Kô-xin-xkai-a chẳng hạn... Trường học đã làm gì và có thể làm gì để cô bé ấy khi rời khỏi ghế nhà trường không còn là một đứa bé bất lực thế kia? Kôn-xtan-chin Xê-mi-ôn-nô-vích chăm chú nhìn cô gái xen lẫn đôi chút thương hại. Nhi-na đang lo lắng cho cô bạn đang trả lời hay lo đến lượt mình bị gọi lên. Trong mắt em như ngưng đọng lại một cảm giác sợ hãi và sự đăm chiêu lo lắng. "Một cô bé có nhiều năng lực bẩm sinh." — Kôn-xtan-chin Xê-mi-ôn-nô-vích nghĩ thế. — "Giá như em sống trong một gia đình khác, trong những điều kiện khác thì ta đã có một Xvét-la-na nữa. Xvét-la-na — là của hiếm. Đó là cô gái đi theo nghĩa vụ thiêng liêng, những cô gái như vậy trong trường hợp cần thiết có thể biến thành Dôi-a Kô-xmô-đem-mi-an-xka-a hoặc U-li-an-na Grôm-mô-va được. Khó mà có thể hình dung Xvét-la-na sống trong cảnh chán chường của bọn hoài nghi, bọn vô công rồi nghề hoặc những kẻ đê tiện. Và nếu như vô tình cô rơi vào cảnh sống đó thì cô cũng không chịu được bao lâu. Còn Nhi-na — đó là một vật hy sinh của lòng thương mù quáng của bố mẹ cô. Cũng may mà cô không trở thành một đứa ích kỷ độc ác như Va-li-a Ben-lốp-va — hậu quả tất nhiên của những loại tình thương như vậy. Nhi-na nhẫn nại, chịu khó, hiền lành nhưng không có nghị lực, không chủ động và không được chuẩn bị đầy đủ để có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Nguyên soái Kô-xin-xki đã hai lần đến trường để xin ý kiến về việc giúp con gái thi tốt nghiệp như thế nào để môn nào cô cũng có thể đạt điểm năm. Có cần thầy giáo dạy kèm không và cần dạy thêm những môn nào? Chắc đây là một người hiếu danh và huy chương có ý nghĩa đối với chính ông hơn là đối với con gái ông. "Không biết ông ta chuẩn bị con gái ông để sau này làm gì mà ông cố gắng che chở không cho nó va chạm với cuộc sống như thế?"

Kôn-xtan-chin Xê-mi-ôn-nô-vích đưa mắt nhìn Ka-chi-a và nhớ lại lời cô phát biểu về những chiếc phao, anh mỉm cười. Em này thì chẳng chìm được, — anh nghĩ thế. Có thể hớp vài ngụm nước, nhưng sẽ bơi vững vàng và ngay thẳng. Không biết sao anh lại muốn nghĩ và cũng đã từng nghĩ rằng Ka-chi-a sau khi tốt nghiệp đại học sẽ quay về trường tiếp tục sự nghiệp của thầy Va-xi-li Va-xi-lê-vích.

Còn đây, Ác-xen-nốp-va Ta-nhi-a. Năm qua em đã lớn lên hẳn so với các bạn, đã đường đường là một cô gái. Không biết sự lười biếng, ngái ngủ và bàng quan của em vụt biến đi đâu mất. Ta-nhi-a vẫn dễ tính như xưa, thường châm chước những hành động nóng vội, thiếu suy nghĩ của các bạn, nhưng nào cô có chịu thua kém các bạn trong những việc "dại dột" đó, cô còn có khả năng "vượt" cả họ cơ đấy. Nhưng bây giờ thì Ta-nhi-a đã học được cách làm việc tự lực và rất cần mẫn. Nhưng "cơn" chịu khó đó, hoặc nói theo lời cô "làm một việc đột xuất theo cảm hứng" đó chỉ là những hiện tượng hiếm hoi và hy vọng là cuối cùng thì Ta-nhi-a cũng sẽ rèn luyện được những đức tính cần thiết để làm công tác khoa học...





TIẾNG CHUÔNG CUỐI CÙNG

...

Giê-nhi-a kiềm chế đến cùng, nhưng đến lúc các em học sinh lớp một đến tặng những bó hoa xinh xắn thì cô không gắng được nữa. Cô ôm lấy em bé mắt đen có cái nơ trắng to tướng trên đầu hôn và tự nhiên nước mắt trào ra như suối.

Tất cả các cô học sinh lớp mười đều khóc sụt sịt, ôm lấy các em bé, thầm thì gì đó với các em và cả gian phòng vang dậy tiếng vỗ tay, đây đó thấp thoáng những chiếc khăn tay...

Mỗi mình Ta-ma-ra kìm được nước mắt. Cô cầm lấy hoa, bắt tay em học sinh lớp một và trịnh trọng cám ơn em bé vì sự quan tâm đó.

Bà Na-ta-li-a Da-kha-rốp-na xem đồng hồ và gật đầu ra hiệu cho các em học sinh đang đứng gần cửa. Cánh cửa mở, cô trực nhật chạy đến cầu thang nhìn xuống vẫy tay.

— Các em thân mến! Giờ học cuối cùng của các em đã kết thúc, — bà hiệu trưởng nói. Tôi xin phép được thay mặt tất cả trường một lần nữa chúc các em lên đường bình an...

Đúng lúc đó ở khắp các tầng tiếng chuông quen thuộc thân thương làm sao lại vang lên, khiến cho những giọt nước mắt, bất kể đến ý chí, trào ra từ mắt Ta-ma-ra.

Đây đã là tiếng chuông cuối cùng. Và nó không còn gọi đi đâu cả. Tiếng chuông đã thông báo với các nữ sinh lớp mười, rằng những giờ học ở trường đã mãi mãi kết thúc.

HẾT

Download truyện "Tuổi Mười Bảy" — Phần Ba, đầy đủ:
Bản tiếng Việt (548KB):

Bản song ngữ "Việt — Nga" (1MB):

Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me(): Tủ sách của Chương trình me()

Trăn trở về phát triển Viện Bướm

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Hiệu ứng Bướm To
(Một trong những kết quả nghiên cứu đầu tay của Viện Bướm)
Ngày 9/8, PTT CP đã tới thăm và làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp về Bướm. Giáo Sư Bướm NBC — Giám đốc Khoa học Viện Bướm — đã có dịp bày tỏ những trăn trở của mình về phát triển Viện Bướm.

Viện nghiên cứu cao cấp về Bướm (VIAS-Bướm) hiện đang thuê tại thư viện ĐHBK HN. Tại buổi làm việc, GS NBC cho hay, mặt bằng hiện tại quá nhỏ, không đủ để làm nhà chứa hết Bướm của Viện, nên lãnh đạo Viện đã làm việc với UBND TP về vấn đề cơ sở hạ tầng cho Viện. Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ cấp đất cho Viện để tha hồ muốn làm nhà chứa bao nhiêu Bướm thì chứa tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.

Sau hơn một năm hoạt động, VIAS-Bướm đã thu hút nhiều nhà Bướm học, sinh viên trong và ngoài nước tới đăng ký nghiên cứu Bướm và học tập Bướm. Trong hai tháng Sáu và Bảy năm 2012, Viện thường xuyên có khoảng 50 học viên tới dự các bài giảng Bướm; nhiều hội thảo khoa học chuyên biệt về các chủ đề trong Bướm do Viện tổ chức cũng được nhiều nhà khoa học, sinh viên hì hục tham gia.

Trong thời gian thăm và làm việc, PTT và Hội đồng Khoa học Viện Bướm đã cùng nhau thưởng thức màn biểu diễn nghệ thuật "Múa Bướm": Múa Bướm — Thật là tuyệt vời!

Tại buổi làm việc, PTT khẳng định: "Đây là cơ sở nghiên cứu Bướm đặc biệt lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam với nhiệm vụ đẩy mạnh, phát huy tiềm năng lợi thế tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học Bướm, nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu Bướm ở Việt Nam. Với quy chế hoạt động đặc biệt Bướm, Viện Bướm học cao cấp sẽ trở thành trung tâm Bướm xuất sắc của Việt Nam và khu vực, tạo môi trường làm việc tốt tương đương ở các nước có Bướm phát triển, để tiến hành trao đổi Bướm thuật giữa các nhà Bướm học trong nước và nước ngoài, đồng thời là mô hình nghiên cứu Bướm đầu tiên theo hướng nâng cao sự tự chủ của các nhà Bướm học. CP sẽ cùng HN theo dõi Bướm và triển khai việc xây dựng nhà chứa Bướm mới cho Viện Bướm học cao cấp. Đặc biệt, tìm khách hàng mới cho Viện Bướm."

Cảm ơn chuyến thăm của PTT, GS NBC cho biết, trong thời gian tới, Viện cố gắng triển khai hướng nghiên cứu tìm ứng dụng Bướm mới, tràn cả ra ngoài lãnh vực Bướm. Theo đó, Hội đồng Khoa học của Viện sẽ nghiên cứu một số ứng dụng Bướm mới như Bướm ở trong vũ trụ, Bướm ở trong chất lỏng, Bướm ở trong truyền thông, lạm phát Bướm, điều chỉnh giá Bướm, giảm lãi xuất Bướm, biện pháp cứu Doanh nghiệp Bướm v.v...

Lập Trình Viên II (34)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ấn vào tay tôi cây đàn ghi-ta lấy của một anh nhạc công đang đứng cười ở bên cạnh, ông anh "trước học cùng trường với tôi ở một nơi rất xa và rất lạnh" vội vàng lùi lại đằng sau, để mặc tôi ôm cây ghi-ta đứng chơ lơ cạnh mi-crô.



Đứng chơ lơ cạnh mi-crô ở trên sân khấu thì tôi cũng đứng rồi, vả lại không chỉ một lần. Nhưng kể cả chơ lơ hay không chơ lơ thì bao giờ cũng là tôi chủ ý đứng đó.



Nếu có những gì đó mà tôi rất không thích, thì trong chúng nhất định phải kể đến các tình huống bị động, — thậm chí, hình như, đôi lúc, ngay cả khi đấy là những tình huống mà chỉ có hai người, và người kia là A-nhi-a. Nói gì thì nói, trong già một thập kỷ rưỡi, tính tình của tôi đã được định dạng mà hoàn toàn không liên quan gì đến A-nhi-a cả.



Nhưng sự bị động lần này không gây khó chịu. Hoàn toàn không gây khó chịu.



Thậm chí ngay cả không tính đến chuyện gặp lại người đàn anh rất mực hào sảng là anh Trung Anh, thì tôi biết là nhiệt tình trong tôi vẫn sẽ tự động dâng lên như thế.



Đã lâu tôi không đánh đàn.



Nói cho đúng... thì tôi mới đánh tuần trước thôi, — lúc đến ăn tối ở nhà Mai Phương. Ở đấy có một cái đàn pi-a-nô mua cho Mai Phương — ngày xưa, — và một cây ghi-ta cũ, của chú Trí để lại, cô Lan bảo là đàn "Nhạc Sơn", chú Trí tự đi đặt làm ngoài Hà Nội, hình như ở Khâm Thiên, mang về. Cô Lan rất yêu văn nghệ, nên những lúc không vội vàng, thế nào cũng bảo tôi đánh đàn và hát cho nghe, — và hát theo, nhất là mấy bài của Phú Quang.



Nhưng đánh đàn như vậy, trong một bối cảnh "gia đình", đại khái sẽ hơi giống như ngoài cửa sổ tuyết rơi thật dày, còn tôi ngồi với Xéc-giô, hai thằng nhâm nhi rượu cô-nhắc Ác-mê-ni, — với cà-phê, hoặc là mút vỏ chanh.



Còn ở đây thì đang đúng là một đám đàn đúm.



Chuyên đề đàn đúm của tôi — từng — phong phú lắm, và trong tôi lúc này, cả một đám rất đông các tác phẩm "thành danh" đang xúm nhau ùa đến và nhao nhao giơ tay đòi phát biểu. Theo một phản xạ "chuyên nghiệp", tôi nghiêng tai xuống, quào nhẹ một phát Mi thứ.



Tiếng đàn tốt quá, cây ghi-ta này có khi là Ai-ban-nia-dư.



Nhưng cũng đúng vào lúc những dây đàn rung lên, thì tôi hiểu là cái nhiệt tình đàn đúm của tôi lần này, khởi đầu thì "được dịp" hăm hở, rốt lại sẽ chỉ đến thế mà thôi.



Vì vốt-ka đến trước, và đã làm tốt công việc của nó.



Vốt-ka, chỉ có hai người uống, với nước, và nói những chuyện "khe khẽ", — nó sẽ dẫn người ta về phía nội tâm.



Phía đó ngược với phía đám đông.



Và ở đó — của tôi, bây giờ — có một cái hồ.



Cho nên tôi thấy mình đã đến trước mặt anh nhạc công chơi cây đàn Ai-ban-nia-dư, và hỏi anh:



— Cái đàn pi-a-nô — tôi ra hiệu về phía nó — vẫn đánh chứ ạ?



— Đàn tốt. — Anh đón lại cây ghi-ta, nhìn tôi, cười vui và lành lành, và cười nhiều bằng mắt; trong nụ cười, tôi cảm nhận có cái gì đó giống như một sự cảm thông nhẹ nhàng.



Anh nhạc công lớn tuổi hẳn hơn tôi, như tôi nhìn thấy, thì anh là dân học nhạc chuyên nghiệp, tức là kiểu "nhạc viện". Ở những người này luôn có điểm khác so với những người cũng chơi nhạc trên sân khấu — thậm chí là chơi chuyên nghiệp — nhưng không học tập chuyên nghiệp. Tôi giao du với loại sau nhiều hơn, theo cả nghĩa đen và bóng — thứ nhạc chúng tôi (tôi và những đứa na ná như tôi) hay nghe, có lẽ có xu thế xuất phát điểm "không chuyên" hơn, như nhạc Nga, thì chúng tôi nghe tương đối nhiều nhạc của những người học kiến trúc, — nhưng ở tôi lúc nào cũng có một sự kính trọng sâu xa đối với những người "nhạc viện".



Hãy hình dung, một người, từ lúc còn là trẻ con, theo một nền nếp tương đối khắt khe, phải gần gũi và gắn bó trong nhiều năm với một cây đàn, và sự gắn bó ấy còn không chỉ vật lý, mà rất tâm hồn, — tôi nghĩ ở đây trước sau sẽ phải hình thành một tình cảm đậm tính người, không giống như trong một mối quan hệ "người — đồ vật" thông thường.



Và hình dung này còn đem đến cho tôi những cảm nhận rõ ràng về sự tu dưỡng. Từ một lúc nào đó, tôi chợt ý thức được, là một quá trình như vậy, sẽ để lại những nét đẹp đẽ độc lập — tức là không còn nhất thiết phải liên quan cụ thể đến quá trình đó nữa, — có thể nhìn thấy bằng mắt, ở trên ngoại diện của một con người.



Cho nên những người "nhạc viện", trong thái độ của họ, với cây đàn, với tiếng nhạc, hay ngay cả khi gạt hết chuyện đàn nhạc qua một bên, có điểm đẹp hơn so với nhiều những người khác, — người được cấp chứng minh thư, rồi đủ tuổi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái thì nhiều lắm, nhưng người được trải qua và trải qua được một quá trình học tập tu dưỡng thật sự tử tế, theo hình dung của tôi, thì ít lắm lắm.



Cây đàn pi-a-nô không có bụi.



Nhưng đây là quán, cho nên không bụi cũng không hẳn đã được chơi nhiều.



Chữ ghi trên đàn là "KAWAI", hình như là đàn Nhật, — hiểu biết về đàn pi-a-nô và kỹ năng chơi pi-a-nô của tôi đều là do Vê-rôn-na (đứa em ở cạnh nhà, học năm dưới, mà tình cảm nó dành cho tôi... và tôi dành cho nó, mỗi lần nghĩ đến, đều làm cho tôi có một cảm giác băn khoăn) chỉ dạy, đại khái chỉ ở mức đệm hát không sai không lỗi những bài không quá phức tạp.



Tôi hiểu hát thế này không cẩn thận sẽ thành hơi nhố, vì đây, nếu xét từ khía cạnh phương thức, thì cũng không hẳn là đàn đúm; nhưng căn bản tôi cũng không cưỡng được.



Nhưng ngồi xuống, và chạm mấy ngón tay phải vào phím đàn, thì tôi thấy thoải mái ngay. Im lặng chung quanh, — có lẽ một phần vì tò mò, — và nhiều những nguồn sáng nho nhỏ, phát ra những tia sáng trong veo, trên nền bóng tối, tôi hiểu ngay là như thế này chắc là tôi sẽ có thể "mời kỷ niệm ra sàn nhảy, và cùng nhau xoay tròn. Và cùng với chúng tôi, ngôi nhà cũ này sẽ trẻ lại một chút", — đấy là lời một bài hát khác.



Còn bài tôi đang muốn hát, bài hát đã lâu tôi không hát, nhưng nó, tất tần tật, đang rất rõ ràng trong tôi, nó sẽ hay hơn nếu được đệm bằng pi-a-nô, và những ngón tay "không chuyên" của tôi mạnh dạn gõ những nốt đầu tiên.



Phím đàn nhẹ hơn so với đàn nhà Vê-rôn-na và đàn ở "phòng Lê-nin" trong ký túc xá tôi, nhưng tôi nghĩ tôi chơi ổn.



"Trong mỗi chúng ta, trên thế gian có những chỗ,

Nơi ta đến, để trong khoảnh khắc, được tách riêng ra,

Ở nơi đó kỷ niệm, giống như dòng chữ trên tờ giấy viết thư,

Sẽ chữa trị trái tim cho ta, lúc mà nó mệt mỏi..."



Và hát cũng ổn... cái bài này đúng là phải được hát như thế.



Tôi hát gần hết lời hai, xung quanh vẫn yên lặng, — đây là quán, tức là ổn; đằng kia, anh nhạc công "nhạc viện" của tôi nhìn tôi đầy khích lệ; phấn khởi, tôi mạnh dạn làm một việc mà lúc đầu tôi đã quyết định là sẽ không làm, vì sợ sẽ làm sai ở trên cái đàn gõ phím này: chuyển tông ở đoạn ba.



"Một lần em đi qua Vành đai Đại lộ,

Và trong ký ức của em, chúng mình sẽ gặp nhau, chắc thế."



Sáu ngón tay gõ phím, không sai ngón nào!.. Phải rồi, mười cái đại lộ nối nhau liên tiếp thành một cái vòng to gần như tròn, có tên riêng, tâm đặt — gần như chính xác — ngay giữa Quảng Trường Đỏ. Chiều nhập nhoạng nhưng trong trẻo, rất khó gọi tên mùa cho đúng, vì đang là giữa hai mùa Thu và Đông; trong ánh đèn đường vàng nhạt và loãng nhưng rõ ràng, tức là làm rất tốt công việc chiếu sáng của mình, tôi vội vàng — theo hướng từ trong ra ngoài — băng qua cái đại lộ nằm ở hướng đông bắc, là "Đại lộ đầm nước sạch".



Như bây giờ chắc chả ai gọi cái này là đại lộ cả, nhất lại là trong một thành phố kỳ vĩ như thành phố này; nhưng nó là phố cổ, nó giống Lê-nin-grát hơn Mát-xcơ-va, — Mát-xcơ-va ngày nay.



Một cái hàng rào chắn ngang, thấp, sơn đen, loại hàng rào cổ kính được đúc bằng sắt dày dặn, với những họa tiết hoa văn tỉ mỉ; ở những đầu cột chính hình trụ cách quãng đều, có những nắm tròn bóng loáng hiền lành, to cỡ một bụm tay người lớn, nhô lên, — nếu dựng hàng rào với mục đích "rào", người ta hẳn đã không đúc tròn xoe như thế.



Giẫm chân nhảy qua hàng rào, thì đứng xuống những xác cỏ chết trên mặt đất khô, cạnh một cái cột kim loại tròn, chắc là cột điện, ở bên tay phải; quá về bên ấy một chút nữa, là một gốc cây, — cái cột điện đứng hơi nhô về phía trước so với những thân cây đứng cách quãng tương đối thưa ven theo phía bên này của hàng rào sắt.



Còn ngay trước mặt là một cái "ghế đá" dài, chỉ với tay ra là chạm vào lưng tựa của nó, — "ghế đá" là gọi theo kiểu Việt Nam, vì ở quê tôi "đá" (thực ra là bê tông cốt sắt, mặt mài nhẵn, làm lốm đốm kiểu "đá hoa") là vật liệu chủ yếu được sử dụng để làm các loại ghế dùng để ngồi ở những chỗ công cộng ngoài trời.



Loại ghế với chức năng ấy (như cái ghế đang ở trước mặt này) ở đây, đại khái đều cùng hình dạng và kích thước, là loại ghế băng rất dài, có tựa; khung ghế đúc bằng sắt — "hoa văn" cổ kính, với những đường nét cong cong, — mặt ghế liền theo một đường cong liên tục không đứt không gãy với tựa ghế, "lợp" bằng những thanh gỗ hình chữ nhật hẹp và dày dặn, ghép sát nhau, mỗi thanh đều chạy suốt hết chiều dài băng ghế, và được sơn cùng màu, trắng, hoặc xanh da trời...



Tôi không với tay ra, mà cố giữ cho nhẹ nhàng, bước vài bước qua phải, giẫm lên mặt ghế từ đầu bên ấy, nhòm nhòm, rồi giẫm lên tựa ghế, rồi cố không cần dang tay ra, đi chênh vênh ở trên ấy, về phía đầu ghế bên kia.



Chỗ này được chiếu sáng rất tốt, nên những sợi tóc vàng ánh lên.



— Cô gái ơi, sao lại ngồi một mình, cạnh cái thùng rác thế? — Dưới gốc cây, cách đấy một quãng, có một thùng rác, loại to, sơn màu xanh lá cây, thật.



— Bạn em ra sân bay, không cho em đi cùng! — Dãy "ghế đá" nằm men theo lối đi nhỏ, bên kia lối đi là bờ cỏ — cỏ đã chết — thoải xuống; trên bờ cỏ có những thân cây không to lắm nhưng có vẻ già, trông khô khan, và mọc ít nhiều thiếu ngay ngắn; rồi đến mặt nước hồ yên lặng như một mặt băng mỏng; cô gái đang ngồi nhìn nó, và vẫn ngồi nguyên như thế lúc nói.



— Bỏ nó đi em... — Tôi nhảy xuống mặt ghế, rồi ngồi xuống trên tựa ghế, cạnh cô. — Chơi với anh này! Anh sẽ mang em theo khắp nơi...



— H... — Cô gái uể oải xo vai, bật tiếng cười khẽ. — Cái đồ bốc phét!



Cô nghiêng người vào tôi, tôi ấp lấy hai bàn tay ở trên đùi cô, đặt lên đùi mình; chắc phải gần không độ, nhưng cô và tôi đều không đi găng, nhưng tay cô lạnh, còn tay tôi ấm áp hơn, có lẽ vì cô ngồi yên, còn tôi vừa đi bộ một cách vội vã. Tôi nhìn mảng sáng xanh rực rỡ phía bên kia hồ, đối diện chỗ chúng tôi ngồi: mặt tiền được nhiều đèn chiếu sáng của nhà hát "Người Đương Thời", và bóng của nó ở dưới hồ, tạo thành một hình lục giác bị kéo hơi dài theo phương thẳng đứng.



Không bốc phét, thì nói gì?



Nói là ông bác họ của tôi qua đây công tác bằng hộ chiếu ngoại giao, và bố mẹ tôi, hai nhà giáo, đã "nhờ" ông, và ông vừa mang về trót lọt một cái túi da màu đen, trong đấy tôi đã nhồi nhét chật căng được gần nửa va-li thuốc tây? Còn cả va-li thuốc đấy là do các vị giáo sư Việt Nam đi dạy học ở châu Phi, đã mua lậu để mang về Việt Nam, không may quá cảnh bị thuế quan ở đây lừa, chặn lại, không mang ra được? Và số thuốc trong túi, vừa về đến nhà tôi, là sẽ có ngay một anh tên là Thành, một thanh niên có khuôn mặt thông minh với đôi mắt sáng, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, cử chỉ đúng mực, nhã nhặn, dễ chịu, nhà ở phố Hàng Đào, đi một cái xe máy gọi là xe cúp tám mươi máy cánh màu ốc bươu vào, và mang hết đi ngay? Còn giá trị bằng tiền mà anh Thành sẽ quy đổi số thuốc ấy ra, đại để có thể đem lại cho một gia đình Việt Nam điển hình một cảm giác rất là hạnh phúc?..



"Những Đầm Nước Sạch, những cây liễu e ấp, như bọn con gái im lặng bên bờ nước.

Những Đầm Nước Sạch, giấc mơ xanh của những thế kỷ, bến bờ xa lắc của tuổi thơ tôi, nơi vang lên tiếng đàn ắc-coóc-đê-ông."



Không biết nói gì, nên lúc ấy tôi cũng hát đoạn này, — rủ rỉ, khe khẽ thôi, và không có pi-a-nô, — rồi chỉ tay chênh chếch qua phải, sang phía bờ hồ bên kia, bảo cô:



— A-nhét-trờ-ka à, ở chỗ mà em bảo, có đúng là có cây liễu thật chứ?



— Thật mà. — Cô vui vẻ. — Hồi nhỏ em đã nhiều lần ngồi cạnh nó.



— Ăn kem?..



— ... — Cô gật đầu.



— Và cầm một quả bóng bay?..



— ... — Cô cười. — Tóm lại là xinh vô cùng.



Cái hồ này có tên là "Những Đầm Nước Sạch"; ở đây mọi người yêu mến nó, nên có nhà thơ làm thơ về nó; bài thơ hay, nên có nhạc sĩ viết nhạc cho bài thơ, — là bài tôi đang hát. Không nhìn thấy "những cây liễu e ấp", tôi đã hỏi A-nhi-a ngay, cô bảo ở chỗ ấy (chỗ mà tôi vừa chỉ) chắc chắn có một cây; tôi bảo ngồi ở cái hồ này tôi mới nhìn kỹ, và thấy nước mùa thu ở đây trong hơn nước mùa thu ở Hà Nội, cô nhún vai:



— Chắc chỉ là cảm giác.



— Không, trong hơn thật đấy. Mùa đông hồ ở đây đóng băng, cũng giống như em cởi hết quần áo rồi chui vào chăn ngủ một giấc ngon lành... còn anh cứ để nguyên thế, lăn ra sàn, uể oải hút thuốc, và xem ti-vi...



— H... — Cô phì cười. — Chắc thế thật. Nhưng ngắm một cái hồ, có cần suy luận nhiều thế không?



Có ít nhiều phiền phức không, khi chơi với một người "suy luận" như thế, nhỉ?



— Lâu rồi em mới thấy hát theo kiểu thật. — "Cánh hồng Ma-la-ga" tên là Dung này, chắc cũng thuộc loại "suy luận", nên đã bảo tôi như thế, lúc hai anh em ngồi ăn phở ở phố Hải Triều.



Chỉ có hai anh em, — anh Trung Anh mới lấy vợ, nên ở chỗ uống rượu, đánh đàn kia ra, thì "xin phép" về nhà luôn; anh Quân thì đã về từ trước, sau khi bàn giao tôi lại cho anh Trung Anh; thấy tôi ở Hà Nội, Dung chở tôi đến đấy ăn phở.



— Theo kiểu thật? — Tôi hơi nhướng mắt lên.



— Hi... — Cô cười, duyên dáng phô chiếc răng khểnh. — Anh ráng đi hát theo xkê-đun miết một hồi coi, coi có giống máy hát không?..



"Cục cục cục..."



Có tiếng gõ nhẹ, — Dung đang học vi-ô-lông ở nhạc viện, một cô gái Sài Gòn từ gót chân đến ngọn tóc; nhà cô ở quận Ba, cô chở tôi, nhưng tôi tiễn cô, rồi tôi vẫy tắc-xi về "nhà", — ở ngoài có một đôi trai gái đèo nhau bằng xe máy, cô gái vai trần ngồi sau, đang nhoai người nhòm vào trong, và thò tay gõ lên kính cửa.



— Kệ nó, gái điếm đấy anh. — Tôi đang định quay kính xuống, thì anh lái xe bảo tôi. Anh lái xe tuổi đứng hơn tôi, chắc đã khoảng hơn ba mươi, có lẽ hơi nhăn nheo so với tuổi, hình như mồ hôi dầu vì mặt bóng lên trong ánh đèn đường lấp loáng; anh có một ít ria mép thưa, trông anh lành lành, tử tế; chắc anh cũng thấy tôi "tử tế".



(Còn nữa)



Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):



Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):



Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Tuổi Mười Bảy - Phần Hai (Cả bộ 3 phần)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TUỔI MƯỜI BẢY
(Tiểu thuyết — Ghéc-man Mát-vê-ép)

PHẦN HAI

SAU NHỮNG NGÀY HỘI
Ở NHÀ
ĐIỂM BA ĐẦU TIÊN
SỰ BẤT HẠNH
MÓN QUÀ
BÍ MẬT CỦA TUỔI TRẺ

TRÊN SÂN BĂNG

... Những ngày gần đây, một tâm trạng khác thường không rõ đã làm cô xốn xang trong lòng — Một cảm giác lo lắng lẫn chút đề phòng. Trước đây Li-đa chưa hề cảm thấy tâm trạng tương tự bao giờ.

Nhỡ ra đây là tình yêu và là một mối tình chân chính thì sao? Cô tự hỏi mình và mỉm cười hạnh phúc đáp: "Ừ, thì càng tốt!.. Thì cứ yêu."

Cô thử mường tượng trong óc hình ảnh A-li-ô-sa, đôi môi lẩm bẩm nhắc những lời đã đọc được trong sách: "Anh thân yêu", "Anh yêu thương", "Anh yêu duy nhất của em", nhưng giờ đây tự nhiên cô cảm thấy khó chịu. Đấy là những lời nói của người khác, xa lạ. Những câu nói ấy chẳng ăn khớp với tình cảm của cô.

"Không phải như thế, không phải như thế," — Li-đa buồn rầu nghĩ, — "trời ơi, sao mà mình ngu ngốc thế".

Li-đa không thể nào hiểu được tại sao lại như thế. Tại sao cô lại không thể tin được những lời lẽ đầm ấm cần thiết mà người ta phải nói trong trường hợp tương tự? Bởi vì các nhà văn có bịa ra những câu nói ấy đâu? Cô muốn được tâm sự với một người nào đó. Nhưng với ai mới được cơ chứ? Chẳng lẽ lại tâm sự với thầy Kôn-xtan-chin Xê-mi-ôn-nô-vích? Ồ, không đời nào! Bây giờ thì nhất định là không rồi, Li-đa hiểu rất rõ rằng nếu như lần trước cô có thể nói một cách rõ ràng và hầu như dễ dàng với thầy thì giờ đây cô không thể nói lên được một lời. Lưỡi cứ líu lại. Để tìm ra câu trả lời, hết câu này lại đến câu khác, cô cố nhớ lại câu chuyện lần đó và chợt hiểu:

"Tình yêu tự nó sẽ đến. Chớ có đi tìm nó và đừng vội vã. Chớ có đi trước trong cuộc đời... Cái gì cũng phải có lúc."

"Ừ... phải! Mình vội vã. Mình đã đi trước. Hay là chẳng có gì cả? Chỉ thế thôi... ".

Nghĩ thế, cô thấy thương hại cho mình.

"Chẳng có gì cả và chẳng qua chỉ là mình tưởng tượng cả thôi ư?"

Ngoài cửa có tiếng chân ai lê giày.

— Li-đa vẫn còn ngủ đấy à? — Bác Pa-sa dừng trước cửa hỏi khẽ.

— Không ạ.

— Cháu có điện thoại gọi đấy.

— Ai đấy ạ?

— Chả biết được. Giọng đàn ông.

"A-li-ô-sa rồi?" — Một ý nghĩ vụt lên trong óc, Li-đa ngồi bật dậy.

— Cháu ra ngay bây giờ?

Choàng vội áo khoác, cô chạy vụt ra khỏi buồng. Cầm ống nghe lên, Li-đa thấy tay mình run bần bật vì hồi hộp:

— Tôi nghe đây?

— Li-đa đấy à? — Cô nghe thấy một giọng nam...

TỰ PHÊ
ĐIỂM HAI
CUỘC THĂM HỎI
MỐI TÌNH ĐẦU
CUỘC HỌP CHUNG
SỔ ĐIỂM
TRÁI TIM NGƯỜI MẸ
BẢN BÁO CÁO
PHÁ HỎNG
NHỮNG NGƯỜI BẠN GÁI
CHUẨN BỊ CHO BUỔI DẠ HỘI
VŨ HỘI

Download truyện "Tuổi Mười Bảy" — Phần Hai, đầy đủ:
Bản tiếng Việt (766KB):

Bản song ngữ "Việt — Nga" (1.42MB):

Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me(): Tủ sách của Chương trình me()