Ấn vào tay tôi cây đàn ghi-ta lấy của một anh nhạc công đang đứng cười ở bên cạnh, ông anh "trước học cùng trường với tôi ở một nơi rất xa và rất lạnh" vội vàng lùi lại đằng sau, để mặc tôi ôm cây ghi-ta đứng chơ lơ cạnh mi-crô.
Đứng chơ lơ cạnh mi-crô ở trên sân khấu thì tôi cũng đứng rồi, vả lại không chỉ một lần. Nhưng kể cả chơ lơ hay không chơ lơ thì bao giờ cũng là tôi chủ ý đứng đó.
Nếu có những gì đó mà tôi rất không thích, thì trong chúng nhất định phải kể đến các tình huống bị động, — thậm chí, hình như, đôi lúc, ngay cả khi đấy là những tình huống mà chỉ có hai người, và người kia là A-nhi-a. Nói gì thì nói, trong già một thập kỷ rưỡi, tính tình của tôi đã được định dạng mà hoàn toàn không liên quan gì đến A-nhi-a cả.
Nhưng sự bị động lần này không gây khó chịu. Hoàn toàn không gây khó chịu.
Thậm chí ngay cả không tính đến chuyện gặp lại người đàn anh rất mực hào sảng là anh Trung Anh, thì tôi biết là nhiệt tình trong tôi vẫn sẽ tự động dâng lên như thế.
Đã lâu tôi không đánh đàn.
Nói cho đúng... thì tôi mới đánh tuần trước thôi, — lúc đến ăn tối ở nhà Mai Phương. Ở đấy có một cái đàn pi-a-nô mua cho Mai Phương — ngày xưa, — và một cây ghi-ta cũ, của chú Trí để lại, cô Lan bảo là đàn "Nhạc Sơn", chú Trí tự đi đặt làm ngoài Hà Nội, hình như ở Khâm Thiên, mang về. Cô Lan rất yêu văn nghệ, nên những lúc không vội vàng, thế nào cũng bảo tôi đánh đàn và hát cho nghe, — và hát theo, nhất là mấy bài của Phú Quang.
Nhưng đánh đàn như vậy, trong một bối cảnh "gia đình", đại khái sẽ hơi giống như ngoài cửa sổ tuyết rơi thật dày, còn tôi ngồi với Xéc-giô, hai thằng nhâm nhi rượu cô-nhắc Ác-mê-ni, — với cà-phê, hoặc là mút vỏ chanh.
Còn ở đây thì đang đúng là một đám đàn đúm.
Chuyên đề đàn đúm của tôi — từng — phong phú lắm, và trong tôi lúc này, cả một đám rất đông các tác phẩm "thành danh" đang xúm nhau ùa đến và nhao nhao giơ tay đòi phát biểu. Theo một phản xạ "chuyên nghiệp", tôi nghiêng tai xuống, quào nhẹ một phát Mi thứ.
Tiếng đàn tốt quá, cây ghi-ta này có khi là Ai-ban-nia-dư.
Nhưng cũng đúng vào lúc những dây đàn rung lên, thì tôi hiểu là cái nhiệt tình đàn đúm của tôi lần này, khởi đầu thì "được dịp" hăm hở, rốt lại sẽ chỉ đến thế mà thôi.
Vì vốt-ka đến trước, và đã làm tốt công việc của nó.
Vốt-ka, chỉ có hai người uống, với nước, và nói những chuyện "khe khẽ", — nó sẽ dẫn người ta về phía nội tâm.
Phía đó ngược với phía đám đông.
Và ở đó — của tôi, bây giờ — có một cái hồ.
Cho nên tôi thấy mình đã đến trước mặt anh nhạc công chơi cây đàn Ai-ban-nia-dư, và hỏi anh:
— Cái đàn pi-a-nô — tôi ra hiệu về phía nó — vẫn đánh chứ ạ?
— Đàn tốt. — Anh đón lại cây ghi-ta, nhìn tôi, cười vui và lành lành, và cười nhiều bằng mắt; trong nụ cười, tôi cảm nhận có cái gì đó giống như một sự cảm thông nhẹ nhàng.
Anh nhạc công lớn tuổi hẳn hơn tôi, như tôi nhìn thấy, thì anh là dân học nhạc chuyên nghiệp, tức là kiểu "nhạc viện". Ở những người này luôn có điểm khác so với những người cũng chơi nhạc trên sân khấu — thậm chí là chơi chuyên nghiệp — nhưng không học tập chuyên nghiệp. Tôi giao du với loại sau nhiều hơn, theo cả nghĩa đen và bóng — thứ nhạc chúng tôi (tôi và những đứa na ná như tôi) hay nghe, có lẽ có xu thế xuất phát điểm "không chuyên" hơn, như nhạc Nga, thì chúng tôi nghe tương đối nhiều nhạc của những người học kiến trúc, — nhưng ở tôi lúc nào cũng có một sự kính trọng sâu xa đối với những người "nhạc viện".
Hãy hình dung, một người, từ lúc còn là trẻ con, theo một nền nếp tương đối khắt khe, phải gần gũi và gắn bó trong nhiều năm với một cây đàn, và sự gắn bó ấy còn không chỉ vật lý, mà rất tâm hồn, — tôi nghĩ ở đây trước sau sẽ phải hình thành một tình cảm đậm tính người, không giống như trong một mối quan hệ "người — đồ vật" thông thường.
Và hình dung này còn đem đến cho tôi những cảm nhận rõ ràng về sự tu dưỡng. Từ một lúc nào đó, tôi chợt ý thức được, là một quá trình như vậy, sẽ để lại những nét đẹp đẽ độc lập — tức là không còn nhất thiết phải liên quan cụ thể đến quá trình đó nữa, — có thể nhìn thấy bằng mắt, ở trên ngoại diện của một con người.
Cho nên những người "nhạc viện", trong thái độ của họ, với cây đàn, với tiếng nhạc, hay ngay cả khi gạt hết chuyện đàn nhạc qua một bên, có điểm đẹp hơn so với nhiều những người khác, — người được cấp chứng minh thư, rồi đủ tuổi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái thì nhiều lắm, nhưng người được trải qua và trải qua được một quá trình học tập tu dưỡng thật sự tử tế, theo hình dung của tôi, thì ít lắm lắm.
Cây đàn pi-a-nô không có bụi.
Nhưng đây là quán, cho nên không bụi cũng không hẳn đã được chơi nhiều.
Chữ ghi trên đàn là "KAWAI", hình như là đàn Nhật, — hiểu biết về đàn pi-a-nô và kỹ năng chơi pi-a-nô của tôi đều là do Vê-rôn-na (đứa em ở cạnh nhà, học năm dưới, mà tình cảm nó dành cho tôi... và tôi dành cho nó, mỗi lần nghĩ đến, đều làm cho tôi có một cảm giác băn khoăn) chỉ dạy, đại khái chỉ ở mức đệm hát không sai không lỗi những bài không quá phức tạp.
Tôi hiểu hát thế này không cẩn thận sẽ thành hơi nhố, vì đây, nếu xét từ khía cạnh phương thức, thì cũng không hẳn là đàn đúm; nhưng căn bản tôi cũng không cưỡng được.
Nhưng ngồi xuống, và chạm mấy ngón tay phải vào phím đàn, thì tôi thấy thoải mái ngay. Im lặng chung quanh, — có lẽ một phần vì tò mò, — và nhiều những nguồn sáng nho nhỏ, phát ra những tia sáng trong veo, trên nền bóng tối, tôi hiểu ngay là như thế này chắc là tôi sẽ có thể "mời kỷ niệm ra sàn nhảy, và cùng nhau xoay tròn. Và cùng với chúng tôi, ngôi nhà cũ này sẽ trẻ lại một chút", — đấy là lời một bài hát khác.
Còn bài tôi đang muốn hát, bài hát đã lâu tôi không hát, nhưng nó, tất tần tật, đang rất rõ ràng trong tôi, nó sẽ hay hơn nếu được đệm bằng pi-a-nô, và những ngón tay "không chuyên" của tôi mạnh dạn gõ những nốt đầu tiên.
Phím đàn nhẹ hơn so với đàn nhà Vê-rôn-na và đàn ở "phòng Lê-nin" trong ký túc xá tôi, nhưng tôi nghĩ tôi chơi ổn.
"Trong mỗi chúng ta, trên thế gian có những chỗ,
Nơi ta đến, để trong khoảnh khắc, được tách riêng ra,
Ở nơi đó kỷ niệm, giống như dòng chữ trên tờ giấy viết thư,
Sẽ chữa trị trái tim cho ta, lúc mà nó mệt mỏi..."
Và hát cũng ổn... cái bài này đúng là phải được hát như thế.
Tôi hát gần hết lời hai, xung quanh vẫn yên lặng, — đây là quán, tức là ổn; đằng kia, anh nhạc công "nhạc viện" của tôi nhìn tôi đầy khích lệ; phấn khởi, tôi mạnh dạn làm một việc mà lúc đầu tôi đã quyết định là sẽ không làm, vì sợ sẽ làm sai ở trên cái đàn gõ phím này: chuyển tông ở đoạn ba.
"Một lần em đi qua Vành đai Đại lộ,
Và trong ký ức của em, chúng mình sẽ gặp nhau, chắc thế."
Sáu ngón tay gõ phím, không sai ngón nào!.. Phải rồi, mười cái đại lộ nối nhau liên tiếp thành một cái vòng to gần như tròn, có tên riêng, tâm đặt — gần như chính xác — ngay giữa Quảng Trường Đỏ. Chiều nhập nhoạng nhưng trong trẻo, rất khó gọi tên mùa cho đúng, vì đang là giữa hai mùa Thu và Đông; trong ánh đèn đường vàng nhạt và loãng nhưng rõ ràng, tức là làm rất tốt công việc chiếu sáng của mình, tôi vội vàng — theo hướng từ trong ra ngoài — băng qua cái đại lộ nằm ở hướng đông bắc, là "Đại lộ đầm nước sạch".
Như bây giờ chắc chả ai gọi cái này là đại lộ cả, nhất lại là trong một thành phố kỳ vĩ như thành phố này; nhưng nó là phố cổ, nó giống Lê-nin-grát hơn Mát-xcơ-va, — Mát-xcơ-va ngày nay.
Một cái hàng rào chắn ngang, thấp, sơn đen, loại hàng rào cổ kính được đúc bằng sắt dày dặn, với những họa tiết hoa văn tỉ mỉ; ở những đầu cột chính hình trụ cách quãng đều, có những nắm tròn bóng loáng hiền lành, to cỡ một bụm tay người lớn, nhô lên, — nếu dựng hàng rào với mục đích "rào", người ta hẳn đã không đúc tròn xoe như thế.
Giẫm chân nhảy qua hàng rào, thì đứng xuống những xác cỏ chết trên mặt đất khô, cạnh một cái cột kim loại tròn, chắc là cột điện, ở bên tay phải; quá về bên ấy một chút nữa, là một gốc cây, — cái cột điện đứng hơi nhô về phía trước so với những thân cây đứng cách quãng tương đối thưa ven theo phía bên này của hàng rào sắt.
Còn ngay trước mặt là một cái "ghế đá" dài, chỉ với tay ra là chạm vào lưng tựa của nó, — "ghế đá" là gọi theo kiểu Việt Nam, vì ở quê tôi "đá" (thực ra là bê tông cốt sắt, mặt mài nhẵn, làm lốm đốm kiểu "đá hoa") là vật liệu chủ yếu được sử dụng để làm các loại ghế dùng để ngồi ở những chỗ công cộng ngoài trời.
Loại ghế với chức năng ấy (như cái ghế đang ở trước mặt này) ở đây, đại khái đều cùng hình dạng và kích thước, là loại ghế băng rất dài, có tựa; khung ghế đúc bằng sắt — "hoa văn" cổ kính, với những đường nét cong cong, — mặt ghế liền theo một đường cong liên tục không đứt không gãy với tựa ghế, "lợp" bằng những thanh gỗ hình chữ nhật hẹp và dày dặn, ghép sát nhau, mỗi thanh đều chạy suốt hết chiều dài băng ghế, và được sơn cùng màu, trắng, hoặc xanh da trời...
Tôi không với tay ra, mà cố giữ cho nhẹ nhàng, bước vài bước qua phải, giẫm lên mặt ghế từ đầu bên ấy, nhòm nhòm, rồi giẫm lên tựa ghế, rồi cố không cần dang tay ra, đi chênh vênh ở trên ấy, về phía đầu ghế bên kia.
Chỗ này được chiếu sáng rất tốt, nên những sợi tóc vàng ánh lên.
— Cô gái ơi, sao lại ngồi một mình, cạnh cái thùng rác thế? — Dưới gốc cây, cách đấy một quãng, có một thùng rác, loại to, sơn màu xanh lá cây, thật.
— Bạn em ra sân bay, không cho em đi cùng! — Dãy "ghế đá" nằm men theo lối đi nhỏ, bên kia lối đi là bờ cỏ — cỏ đã chết — thoải xuống; trên bờ cỏ có những thân cây không to lắm nhưng có vẻ già, trông khô khan, và mọc ít nhiều thiếu ngay ngắn; rồi đến mặt nước hồ yên lặng như một mặt băng mỏng; cô gái đang ngồi nhìn nó, và vẫn ngồi nguyên như thế lúc nói.
— Bỏ nó đi em... — Tôi nhảy xuống mặt ghế, rồi ngồi xuống trên tựa ghế, cạnh cô. — Chơi với anh này! Anh sẽ mang em theo khắp nơi...
— H... — Cô gái uể oải xo vai, bật tiếng cười khẽ. — Cái đồ bốc phét!
Cô nghiêng người vào tôi, tôi ấp lấy hai bàn tay ở trên đùi cô, đặt lên đùi mình; chắc phải gần không độ, nhưng cô và tôi đều không đi găng, nhưng tay cô lạnh, còn tay tôi ấm áp hơn, có lẽ vì cô ngồi yên, còn tôi vừa đi bộ một cách vội vã. Tôi nhìn mảng sáng xanh rực rỡ phía bên kia hồ, đối diện chỗ chúng tôi ngồi: mặt tiền được nhiều đèn chiếu sáng của nhà hát "Người Đương Thời", và bóng của nó ở dưới hồ, tạo thành một hình lục giác bị kéo hơi dài theo phương thẳng đứng.
Không bốc phét, thì nói gì?
Nói là ông bác họ của tôi qua đây công tác bằng hộ chiếu ngoại giao, và bố mẹ tôi, hai nhà giáo, đã "nhờ" ông, và ông vừa mang về trót lọt một cái túi da màu đen, trong đấy tôi đã nhồi nhét chật căng được gần nửa va-li thuốc tây? Còn cả va-li thuốc đấy là do các vị giáo sư Việt Nam đi dạy học ở châu Phi, đã mua lậu để mang về Việt Nam, không may quá cảnh bị thuế quan ở đây lừa, chặn lại, không mang ra được? Và số thuốc trong túi, vừa về đến nhà tôi, là sẽ có ngay một anh tên là Thành, một thanh niên có khuôn mặt thông minh với đôi mắt sáng, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, cử chỉ đúng mực, nhã nhặn, dễ chịu, nhà ở phố Hàng Đào, đi một cái xe máy gọi là xe cúp tám mươi máy cánh màu ốc bươu vào, và mang hết đi ngay? Còn giá trị bằng tiền mà anh Thành sẽ quy đổi số thuốc ấy ra, đại để có thể đem lại cho một gia đình Việt Nam điển hình một cảm giác rất là hạnh phúc?..
"Những Đầm Nước Sạch, những cây liễu e ấp, như bọn con gái im lặng bên bờ nước.
Những Đầm Nước Sạch, giấc mơ xanh của những thế kỷ, bến bờ xa lắc của tuổi thơ tôi, nơi vang lên tiếng đàn ắc-coóc-đê-ông."
Không biết nói gì, nên lúc ấy tôi cũng hát đoạn này, — rủ rỉ, khe khẽ thôi, và không có pi-a-nô, — rồi chỉ tay chênh chếch qua phải, sang phía bờ hồ bên kia, bảo cô:
— A-nhét-trờ-ka à, ở chỗ mà em bảo, có đúng là có cây liễu thật chứ?
— Thật mà. — Cô vui vẻ. — Hồi nhỏ em đã nhiều lần ngồi cạnh nó.
— Ăn kem?..
— ... — Cô gật đầu.
— Và cầm một quả bóng bay?..
— ... — Cô cười. — Tóm lại là xinh vô cùng.
Cái hồ này có tên là "Những Đầm Nước Sạch"; ở đây mọi người yêu mến nó, nên có nhà thơ làm thơ về nó; bài thơ hay, nên có nhạc sĩ viết nhạc cho bài thơ, — là bài tôi đang hát. Không nhìn thấy "những cây liễu e ấp", tôi đã hỏi A-nhi-a ngay, cô bảo ở chỗ ấy (chỗ mà tôi vừa chỉ) chắc chắn có một cây; tôi bảo ngồi ở cái hồ này tôi mới nhìn kỹ, và thấy nước mùa thu ở đây trong hơn nước mùa thu ở Hà Nội, cô nhún vai:
— Chắc chỉ là cảm giác.
— Không, trong hơn thật đấy. Mùa đông hồ ở đây đóng băng, cũng giống như em cởi hết quần áo rồi chui vào chăn ngủ một giấc ngon lành... còn anh cứ để nguyên thế, lăn ra sàn, uể oải hút thuốc, và xem ti-vi...
— H... — Cô phì cười. — Chắc thế thật. Nhưng ngắm một cái hồ, có cần suy luận nhiều thế không?
Có ít nhiều phiền phức không, khi chơi với một người "suy luận" như thế, nhỉ?
— Lâu rồi em mới thấy hát theo kiểu thật. — "Cánh hồng Ma-la-ga" tên là Dung này, chắc cũng thuộc loại "suy luận", nên đã bảo tôi như thế, lúc hai anh em ngồi ăn phở ở phố Hải Triều.
Chỉ có hai anh em, — anh Trung Anh mới lấy vợ, nên ở chỗ uống rượu, đánh đàn kia ra, thì "xin phép" về nhà luôn; anh Quân thì đã về từ trước, sau khi bàn giao tôi lại cho anh Trung Anh; thấy tôi ở Hà Nội, Dung chở tôi đến đấy ăn phở.
— Theo kiểu thật? — Tôi hơi nhướng mắt lên.
— Hi... — Cô cười, duyên dáng phô chiếc răng khểnh. — Anh ráng đi hát theo xkê-đun miết một hồi coi, coi có giống máy hát không?..
"Cục cục cục..."
Có tiếng gõ nhẹ, — Dung đang học vi-ô-lông ở nhạc viện, một cô gái Sài Gòn từ gót chân đến ngọn tóc; nhà cô ở quận Ba, cô chở tôi, nhưng tôi tiễn cô, rồi tôi vẫy tắc-xi về "nhà", — ở ngoài có một đôi trai gái đèo nhau bằng xe máy, cô gái vai trần ngồi sau, đang nhoai người nhòm vào trong, và thò tay gõ lên kính cửa.
— Kệ nó, gái điếm đấy anh. — Tôi đang định quay kính xuống, thì anh lái xe bảo tôi. Anh lái xe tuổi đứng hơn tôi, chắc đã khoảng hơn ba mươi, có lẽ hơi nhăn nheo so với tuổi, hình như mồ hôi dầu vì mặt bóng lên trong ánh đèn đường lấp loáng; anh có một ít ria mép thưa, trông anh lành lành, tử tế; chắc anh cũng thấy tôi "tử tế".
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...