— "Âm" và "Thanh" giống như là hai vợ chồng. Tức là không phải là cùng một thứ. Là hai thứ khác nhau, nhưng lại rất liên quan. "Âm" thì không quan trọng cao độ, "Thanh" thì có. "Đồ" và "Đố" là một âm, nhưng là hai "Thanh" khác nhau...
— Cái này hay đấy, nói mọi người cùng nghe đê. — Mai Phương với Phi Long đang ngồi xếp bằng ở trên giường trông như đang cùng luyện nội công tâm pháp gì đấy, Đim-ma ngồi trên sàn bên cạnh, bò khuỷu tay lên giường, gối đầu lên đấy, chầu rìa, ý kiến ý cò.
— Cái này nói bằng tiếng kia hơi khó, cả Mai Phương...
— Em nghe tương đối tốt rồi. — Mai Phương bảo.
— Ừ... — Phi Long chuyển ngữ — "Âm" và "Thanh" giống như là hai vợ chồng. Tức là không phải là cùng một thứ. Là hai thứ khác nhau, nhưng lại có liên quan. "Âm" thì không quan trọng cao độ, "Thanh" thì có. Ví dụ: Đồ, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si, Đố... "Đồ" và "Đố" là một âm, nhưng là hai "Thanh" khác nhau...
— Cái gì đấy Phi Long? — Xéc-giô đang ngồi gõ lạch cạch ngoái lại hỏi.
— Thơ Đường. Đường là một triều đại hồi xưa của Tàu. Đang nói về thơ tiếng Việt được làm theo luật thơ Đường.
— Hị hị... Phi Long giờ còn làm cả thơ. Cái gì nhỉ... à:
Tôi đã yêu nàng: tình yêu, có lẽ,
Vẫn còn đang âm ỉ trong lòng;
Nhưng để tình tôi không bất an nàng nữa;
Tôi không muốn nàng buồn, một chút cũng không.
Tôi đã yêu nàng âm thầm, vô vọng,
Mỏi mòn vì e ngại, ghen tuông;
Tôi đã yêu nàng thật chân thành, êm dịu,
Như cầu Chúa nàng được yêu bởi hiện hữu khác tôi.
Không biết bao giờ thì sẽ đấu súng đây? — Kốt-xchi-a tầm chương trích cú.
A-nhi-a đang ngồi ở ngoài bàn kê gần tủ lạnh, vừa nhòm nhòm, lật lật quyển sách dày cộp để mở trên mặt bàn, vừa ghi ghi chép chép xuống tập giấy viết ở trước mặt, vừa uống nước trà, ăn bánh kếch, lúc đấy cũng đã xoay hẳn người lại, tay trái khoanh trên mặt bàn, tay phải chống khuỷu đỡ lấy khuôn mặt, nhìn Phi Long chăm chú, xuýt phì cười vì câu đùa của Kốt-xchi-a. Kốt-xchi-a càng ngày càng có xu hướng học giả nặng, hàn lâm, đầy một bụng chữ, nói năng thì văn vở, ý tứ.
— Tiếng Tàu đơn điệu hơn tiếng Việt, nên lúc làm thơ này, chỉ chia ra có Tứ Thanh, là: Bình Thanh, Thượng Thanh, Khứ Thanh, Nhập Thanh. — Phi Long chỉ cười cười, nói tiếp.
Phi Long nhìn đâu cũng hay tìm thấy có một cái gì đó muốn học. Hình như anh cứ đánh dấu hết cả lại, xong rồi có dịp thì tìm hiểu dần. Học được cái gì, học được đến đâu, cái gì hiểu, cái gì còn thắc mắc, nếu có người gần gũi, anh thích mang ra chia sẻ, trao đổi. Hồi anh mới sang đây, nhu cầu tìm hiểu của anh tập trung nhiều vào môi trường mới ở đây. Người mà anh hay cùng rủ rỉ, là cô. Rồi có Vê-rôn-na, rồi Đim-ma, bây giờ thì có Mai Phương. Anh hay ngồi cầm tay Mai Phương, hai người trao đổi khe khẽ bằng thứ tiếng của họ, thỉnh thoảng Mai Phương cười rạng rỡ, gật gật đầu, cô gái có vẻ rất hiểu ý Phi Long. Đã lâu rồi anh không còn chia sẻ gì với cô như ngày xưa.
— Khi các tiền bối mình làm thơ tiếng Việt theo kiểu trên, đã chia tiếng Việt ra thành tám thanh độ: ...
Máy tính vây chung quanh, một chiếc mặt bàn gấp đã ngả ra giữa sàn, thày trò cùng ngồi quây "vòng trong", uống nước trà nóng, ăn bánh mì trắng phết bơ với mứt dâu đặc quánh màu hồng ngọc, ngọt khé cổ. Mai Phương ngồi ngay cạnh, bên phải thày Đét-lam, thày đang nắm bàn tay cô, vui vẻ hỏi:
— Mai Phương đã "nhìn...
— Cháu không cần dùng tiếng Anh nữa. — Cô vội vàng khoe.
— Đã "nhìn thấy" anh chàng Phi Long chưa? — Thày hơi ngạc nhiên, chuyển ngữ.
— Dạ vẫn chưa ạ.
— Còn đọc, viết trên màn hình?
— Hôm qua nó báo là bảy phần trăm không biết, tám phần trăm lẫn lộn.
— Các chàng trai, lẫn lộn... là thiếu dữ liệu hay là sai chính tả? — Thày quay sang mấy anh học trò...
— Bác có phải là cái bác mà... "Tất cả đều là sách của tôi" không? — Đim-ma, ban nãy đã vội vàng len vào chầu rìa, ngồi ngay cạnh, bên trái thày Đét-lam, giờ tự nhiên hỏi.
— Đúng rồi đấy. — A-li-ô-sa ngồi cạnh vò đầu nó, quay sang thày giáo, giải thích. — Anh chàng này rất ngưỡng mộ cái chuyện đầu năm học thày đọc cả danh sách tài liệu cần sử dụng xong rồi bảo không cần phải ghi tên tác giả, tất cả đều là sách của tôi.
— Bạn này cũng muốn thi vào trường mình, như bọn em đấy, thưa thày. — Phi Long thêm.
Đim-ma với ánh mắt ngưỡng mộ đang ngước nhìn vị giáo sư "tất cả đều là sách của tôi" mặc bộ com lê màu xa-phia tối sẫm cắt may vừa vặn đang cùng ngồi ăn mứt dâu uống trà với các học trò. Giáo sư cũng ngắm nghía anh chàng:
— Anh chàng này... — Ông hơi nghiêng ngó.
— Bạn ấy có một nửa đồng hương với em, bên ngoại, thưa thày. — Phi Long giải thích...
Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (15)" đầy đủ:
http://www.mediafire.com/?qffgk93sa43oadd
http://www.megaupload.com/?d=N8U1YB9P
Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN":
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...