Một NHÂN DÂN lớn

Ngày 11/1/2014 tròn 100 ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ lúc ông mất, tới hôm nay, ngày nào cũng thế, mưa hay nắng, thậm chí là những ngày bão lũ, từ sáng đến tối mịt, từng dòng người và xe vẫn lặng lẽ tới Vũng Chùa viếng mộ Người.
Làm thế nào, một con người như Đại tướng, nghỉ công việc, rời bỏ chức vụ gần 40 năm, mà khi ông mất đi, ông vẫn kéo hàng triệu con tim về mình, như sóng cuộn?
Làm thế nào, một con người như Đại tướng, vắng mặt trên chính trường mấy thập niên, không mấy xuất hiện trên báo chí, nhưng lòng người Việt, mà không chỉ là người Việt, cả hàng triệu người nước ngoài vẫn luôn nhớ đến ông, và khi ông mất, hình bóng, chân dung, phẩm chất, nhân cách ông vẫn lừng lững như thế, không thay đổi, làm chuyển động cả một dân tộc, chuyển động ý thức của nhiều thế hệ?
Dân tộc gọi ông với danh xưng rất giản dị: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thế giới ngưỡng mộ gọi ông là Tướng Giáp-Naponeong Đỏ.
Nhân cách của ông lúc sống vẫn ở vị trí cao nhất, lúc mất đi,nhân cách ấy vẫn thế, vẫn ở vị trí cao nhất, cho mọi người nhìn lên, ngưỡng mộ.
Tôi đã ra khu mộ của ông hàng chục lần và lần nào cũng như lần nào, nườm nượp người và xe nối chân nhau viếng mộ ông.
Lâu lắm rồi, dân tộc mới có một khoảnh khắc đứng bên nhau trong đám tang ông, đứng bên nhau, đoàn kết, cùng một hướng, cùng một nỗi đau, cùng một niềm tự hào, hàng triệu, hàng triệu con người Việt đã đi sau quan tài ông, như lần nữa cho thế giới biết thêm một sức mạnh Việt, một sức mạnh Việt luôn như thế, luôn như thế, cùng một khối, theo ông, hướng về ông là hướng về sự thánh thiện, hướng về sự khao khát, hướng về sự mong muốn đất nước có những vĩ nhân, đất nước thêm những vĩ nhân, đất nước có những lãnh tụ, đất nước có những người đi đầu tầm vóc, đất nước có những vị lãnh đạo nhân văn và tử tế.
Nhân dân im lặng theo quan tài ông, không nói, nhưng phía sau hàng triệu ánh mắt biệt ly ấy, là thông điệp lớn, một thông điệp gửi tới những vị lãnh đạo của nhân dân một đòi hỏi, một yêu cầu, một mệnh lệnh: Hãy là những vị lãnh đạo thực sự của nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân không quên ơn ai, nhân dân không phụ lòng ai, nhân dân bao dung, nhân dân độ lượng, nhân dân che chở, nhân dân hy sinh, chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận nước mắt chỉ những mong người lãnh đạo ai cũng như tướng Giáp, ai cũng thế, sống vì dân, thương dân, đứng về phía nhân dân, đứng về phía nhân dân là đứng về lẽ phải, là đứng về phía đạo đức, đạo đức cách mạng suy cho cùng là làm sao cho nhân dân no ấm, nhân dân hạnh phúc, làm thật, hành động thật, không dối trá, không vòng vo, không phe nhóm, không vô ơn bạc nghĩa với nhân dân, không quay lưng với nhân dân, không lòe bịp nhân dân mình, thủy chung với nhân dân tức là đạo đức của quan chức.
Nhân dân tiễn chân Đại tướng về cõi vĩnh hằng nhưng trái tim thổn thức ấy của nhân dân luôn mong ngóng, chờ đợi, rạo rực một niềm mong mỏi có những vị lãnh đạo hiện tại và tương lai, sống như thế, như tướng Giáp, “dĩ công vi thượng”, dù ở cương vị lãnh đạo nào, dù chỉ là anh trưởng thôn hay Thủ tướng, nghĩ điều gì là nghĩ trước hết cho cộng đồng, cho nhân dân, cho dân tộc. Nhân dân sẵn sàng ủng hộ “kéo pháo ra” nếu cần thiết phải kéo pháo ra để chuẩn bị cho kỹ, để trung thực với chính mình, để đi một bước đi mới, một trận chiến đấu mới, một chiến thắng mới, mang cả dân tộc tới phồn vinh và hạnh phúc.
Giá như từ đám tang Đại tướng, sẽ có ngay những cuộc hội thảo với các quan chức, để phân tích, để so sánh, để luận bàn, tìm cho ra, bàn cho tới cái giá trị chân chính của người lãnh đạo vì nhân dân, để tất cả cùng nắm tay nhau, hướng về vong linh Đại tướng mà thề với nhân dân một lời thề giản dị mà cao cả “vì nhân dân quên mình”.
Giá như từ Đám tang Đại tướng, sẽ có những bài viết, những tâm sự của chính giới lãnh đạo, như là sự tự kiểm về mình, như là phép so sánh với chính mình, như là một cam kết với nhân dân, học nhân cách Đại tướng để mãi xứng danh là người lãnh đạo của nhân dân. Nhân dân chỉ mong một điều thôi,với các vị lãnh đạo của mình, hãy tử tế cả trong ý nghĩ,trong quyết sách, trong ứng xử, trong lối sống, tử tế như Đại tướng.
Không dễ lấy được nước mắt chân thành của nhân dân, nhưng lại quá dễ để làm mất niềm tin của nhân dân, nếu những người lãnh đạo giấu diếm khuyết điểm, bao biện sai lầm, trù dập lòng tốt, che chở thói xu nịnh, cơ hội, câu kết vì lợi ích nhóm, coi nhân dân là phương tiện để tung tác chính sách, tung tác lợi ích, chà đạp nhân phẩm và công lý. Cuộc đời mỗi người đại thọ như Đại tướng cũng là quá đại thọ, cố gắng để lại những dấu ấn, những bước chân, những hành động mà hậu thế nhìn vào nể nang và trân trọng, con người khi mất đi, ánh sáng còn để lại, nhất là với các vị trí lãnh đạo, ánh sáng cuộc đời họ là gương mặt của dân tộc, là bước tiến của một dân tộc, là bát cơm manh áo đủ đầy của nhân dân, là niềm hạnh phúc rạng ngời của nhân dân, thế là đủ, như Đại tướng, thế là đủ, ông đã để lại cả một gia sản tinh thần to lớn, để lại cả một ý chí vĩ đại, để lại chân dung, vóc dáng, tâm thế, khí chất của một người ĐÀN ÔNG VIỆT mà cả thế giới phải kính trọng.
Từ Đám tang khổng lồ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lại nghĩ, sẽ không có một sự huy động nào,mệnh lệnh hành chính nào, một sự ép buộc nào cho người dân ra đường tiễn đưa, chỉ có trái tim gọi những trái tim, chỉ có những tiếng lòng gọi những tiếng lòng, chỉ có những bàn tay tự nguyện nắm lấy những bàn tay, chỉ có những ánh mắt tự nguyện cùng nhìn về một hướng, dân tộc xuống đường tiễn đưa Người, dân tộc minh chứng cho mọi thế hệ biết về sức mạnh vô cùng vô tận của nhân dân, một khi đã đồng lòng, một khi đã đoàn kết, sức mạnh cá nhân một người được nhân lên thành sức mạnh cả nước Việt, và ngay cả khi nỗi đau mất mát cũng có sức mạnh phi thường của nó, sức mạnh nỗi đau sẽ biến thành sức mạnh thăng hoa trong hành động, tạo ra một hành động của toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần. Sức mạnh Việt ấy dành cho những vị lãnh đạo biết nắm lấy, biết trân trọng, biết phục tùng. Niềm tin, lòng kiêu hãnh của người dân Việt là vô cùng lớn lao. Hãy vì họ, hãy nâng niu phẩm chất quý giá đó, hãy nuôi sức mạnh vô biên đó, để dẫn dắt đất nước tiến những bước tiến ngoạn mục.
Cái vĩ đại của một con người như Đại tướng chính là ông tự tỏa sáng trước khi ánh sáng cuộc đời ông lan tỏa đến mọi người, đến cả dân tộc.
Cái vĩ đại của một con người như Đại tướng chính là từng phút từng giây ông hướng ý nghĩ của mình về nhân dân mình, ông biết đặt lòng tự trọng và phẩm chất của ông nằm trong lòng tự trọng và phẩm chất cao cả của nhân dân, ông luôn biết ông là MỘT NHÂN DÂN trong muôn triệu nhân dân.
Cái vĩ đại của một con người như Đại tướng là ông không quên ơn ai, không phụ bạc với ai, ông biết rõ nhờ ai ông nên người, nhờ ai ông sống, nhờ ai ông trưởng thành, nhờ ai ông trở thành Đại tướng, đó là nhân dân, sự hy sinh của nhân dân, sự che chở của nhân dân, sự giúp đỡ của nhân dân, sự đoàn kết của nhân dân toàn dân tộc Việt.
Cái vĩ đại của một con người như Đại tướng là ông đã làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, người ông trong gia đình, người con của làng, không một phút giây sao lãng, ông biết đặt gia đình trong hàng triệu gia đình, và ông đã trọn vị trí, bổn phận của một thành viên gia đình, thành viên đứa con của làng mình.
Cái vĩ đại của một con người như Đại tướng là ông không bao giờ coi mình là vĩ đại, suốt đời ông cần mẫn, chăm chỉ, phụng sự nhân dân trên tư cách của một người lính, người lính của nhân dân.
Nhiều thập kỷ nữa, nước Việt luôn có một tên tuổi đồng hành cùng mình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(Nguồn cuvinhkhoailang)

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Unknown bi bô...

Dân yêu Cụ Hồ, yêu Cụ Giáp quá, lại làm cho một số đồng chí của các Cụ - những người mà không được dân yêu lắm - thành ra ghen tức và cực kỳ cay cú: đồng chí Lê Đức Thọ này, đồng chí Lê Duẩn này, đồng chí Lê Đức Anh này, đồng chí Đỗ Mười này, cả các đàn em của các đồng chí ấy này, nhiều lắm... Đến nỗi Cụ Giáp mất, dân đã đề nghị mà Quốc Hội họp cũng không mặc niệm Cụ được, - mặc niệm làm sao được khi mà trong lãnh đạo thậm chí còn có đồng chí (to, mặt dày lắm) thắc mắc "Sao ở Hoàng Diệu tụ tập đông người thế mà công an không có ý kiến gì?"

PS: Còn các Đại biểu Quốc hội phải thừa nhận là cũng hèn. Nhiều người muốn mặc niệm Đại Tướng, mà cũng không dám, - cả hội trường chỉ cần một người đứng lên, nói một câu, chắc chắn tất cả đều đứng. Căn bản cũng không ai dám phải làm cái người đó, - sợ mà!

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...