Lập Trình Viên II (61)

— Còn hơn cả đơn giản! — Y nâng bàn tay phải lên quá vai, ngón trỏ chỉ hơi chênh chếch từ trên xuống, về phía mảnh giấy trong tay tôi, nhấn nhấn theo từng từ được nói ra rất thong thả và đều rõ trọng âm. — Trò...ò chơ...ơi đầ...ầu tiê...ên ở...ở tro...ong da...anh sá...ách là "Mê...ê cu...ung Ghê...ê-ra...a-xi...i-mố...ốp"!



*
*     *


"Cộc cộc... cộc cộc cộc"
— Vào đi! — Tôi uể oải đáp theo phản xạ có điều kiện.
— Chào!
— ...
— Cậu biến đi đâu vậy?
— Hả?!...
— Đã mấy ngày không thấy cậu ở trường, có bị ốm không...
— A... à không không...

- Киллер? (Giết người à?)
- Круче, хакер! (Ngầu hơn, hách-cơ!)

"НЕ ЗАБУДY МАТЬ" (I WILL NOT FORGET MOTHER)
"НЕ ЗАБУДY MOTHER-BOARD РОДНУЮ" (I WILL NOT FORGET DEAR MOTHER-BOARD)

Và tôi biết được là phản xạ có điều kiện có khi sẽ rất không tốt, — tôi đang cởi trần trùng trục, ngay thắt lưng và cúc quần cũng đang cởi, phéc-mơ-tuya thậm chí kéo ra quá nửa, cho khỏi bó bụng trong tư thế nửa nằm nửa ngồi ở trên giường...
Vội vàng nhổm dậy, lại định ngồi xuống ngay, rồi lại thôi, tôi vừa hấp tấp cài quần, vừa lúng ba búng búng:
— Tớ... chỉ... tớ có vài việc đang phải làm dở. — Dồn nhanh những thứ giấy má đang bừa bộn đầy giường cho gọn vào một góc, tôi vỗ vỗ lên khoảng đệm trống mới được giải phóng. — Cậu ngồi đi, cậu... thế nào?
— Tớ... — Đôi mắt trong veo mở to nhìn tôi, vừa đầy tò mò, vừa đầy buồn cười. — Tớ... ra lấy nước uống!
Tôi nhìn theo chiếc mũ liền áo vừa đang được hất ngược ra đằng sau, vừa đang bị cánh cửa đóng vào lấp đi. Tôi ngơ ngác liên tục hai lần: lúc đầu suy nghĩ đang hút vào tập giấy in cầm ở tay, tôi không bắt ngay được sang hoạt cảnh "có người vào nhà"; và ngay sau đó là một cảm giác phân vân, — thoạt nhìn tôi đã hình dung ngay đấy là Vê-rôn-na, vì con gái mà mặc đồ thể thao "dáng" như thế... thường vẫn là Vê-rôn-na.
Mũ có phéc-mơ-tuya kéo dính vào áo; áo không bo nhưng không dài, chỉ quá hông một chút, và dù là áo thể thao mùa đông, nhưng dáng eo vẫn duyên ơi là duyên; quần không chẽn gấu đồng bộ với kiểu áo, — nguyên bộ thể thao mới, có khi mới cứng, màu xanh ngọc, tăng thêm một chút sắc trời cũng được, những chỗ viền, nẹp, tạo nét nhấn, thì là màu đen các-bon. Giày và găng tay thể thao cũng đều đồng màu các-bon. Và một người có một thân thể mạnh khỏe, mà vừa "thể thao mùa đông" thật mê say về thì tất cả mọi thứ trên toàn thân, nhất là làn da, đều sẽ tươi sáng lắm... Nếu bây giờ Bụt, hay Ông già Khốt-ta-bít, hiện ra và bảo tôi hãy chọn hoặc cuộc sống như bình thường, hoặc một cuộc sống mà không phải làm gì cả, chỉ suốt ngày ngồi xem Cla-ra đi "thể thao mùa đông" về, xuya là tôi sẽ chọn ngay cái thứ hai không hề phân vân...
— Đây là những gì thế?
Cla-ra lấy nước nhanh quá, hoặc mọi thứ ở tôi đều đang quá chậm, nên tôi giật thót người đúng như bị bắt quả tang, — tôi lại đang nghĩ đến chuyện hai đứa hôn nhau... đến nỗi cái áo phông có cổ, màu xanh rừng già, có vằn kẻ chỉ trắng đục, tôi vẫn cầm nguyên ở tay. "Những gì thế"... là Cla-ra nói bãi giấy trên giường. Cố giữ vẻ ngoài điềm tĩnh nhất, tôi vừa thong thả chui hai tay, rồi chui đầu vào áo, vừa kể lể:
— À, không có gì đâu. Tớ chỉ... tớ đang cố để biết nhiều thứ về người đã làm ra cái trò chơi máy tính... trò "Nhiệt hạch" ấy. Có khi... để dò ra được mật khẩu bí mật...
— Dò làm gì? — Đã móc áo thể thao lên mắc áo sau cánh cửa, chỉ còn mặc một chiếc may-ô... chiếc thun không tay thì đúng hơn, màu cá vàng, cho trong quần, mềm mại ôm lấy thân hình uyển chuyển và ơn giời là có mặc áo con, Cla-ra đang rót nước lã mới lấy, từ cái siêu điện vào chiếc cốc bảy xu.
— Sao lại làm gì? Cái trò...
— Sao lại quan trọng cái chuyện chơi ghêm với một cái máy tính ở đâu còn chả biết...
— Ây, không không... — Tôi vội vã. — Không phải đơn giản chỉ là một cái máy nào đó đâu. — Tôi nhìn đôi mắt đẹp mê hồn đang giương lên ở trên cái vành miệng cốc. — Qua đây, tớ cho xem!
Nhưng hình như nó cứ đứng im... tôi quay lại, thì thấy mắt nó tròn xoe.
Gần giống như mắt bác Di-na lúc tôi xếp đồ vào hộp để vác về đây. Lúc ấy tôi cũng không giải thích nhiều, vì tôi biết bác Di-na có thể là người đáo để, nhưng với tôi, thì đấy không phải cái nhìn nghi hoặc, mà là bác lo, ít nhiều lo lắng cho tôi, — dù trước kia tôi học hành chểnh mảng, còn uống rượu, hút thuốc.., nhưng trong các mối quan hệ gia đình, tôi vẫn luôn là đứa bé ngoan được mọi người mến yêu; vả lại tôi ở với anh An-tôn, mà anh tôi thì ghét nhất những gì không đĩnh đạc.
Cái đầu vi-đi-ô màu đen hiệu "Sharp" này, tôi biết là thứ xa xỉ đối với nhiều người, nhưng nhiều thế chứ kể cả nhiều nữa, thì cũng không phải là với người hút xì-gà Cô-hi-ba và đi xe Bê-em-vê như anh An-tôn; cho nên tôi cố sử dụng những cử chỉ mà theo tôi là điềm đạm nhất, khi thao tác với thiết bị.
Lần này tôi quay lại thì Cla-ra đã đến ngồi bên mép giường, — đúng chỗ mà A-nhi-a hay ngồi. Tôi quả thật đã lưỡng lự lắm, cuối cùng ngồi xuống thảm sàn, tựa lưng vào giường, cách Cla-ra một ít về phía bên trái, ngồi đấy gần màn hình ti-vi hơn, — chứ không dám ngồi "đúng chỗ mà Phi Long hay ngồi".
Màn hình cái ti-vi "to nhất Liên Xô" (theo lời anh Xéc-giô) còn lằng nhằng thêm một ít, rồi khuôn hình đầu tiên với một chùm dây điện tỏa từ trên xuống hiện ra, — dây đậm và dây nhạt, vì băng hình trắng đen...
— Băng này tớ sao được ở Thư viện Khoa học... Đấy đấy!.. Ghê-ra-xi-mốp đấy!..
— Ghê-ra-xi-mốp... nào cơ?
— Người mà tác giả chương trình "Nhiệt hạch" đấy... — Tôi hơi chán. — Anh này hóa ra chính là người đã cùng làm ra Tê-tờ-rít... — nhìn Cla-ra, tôi úp ngang hai nắm tay vào nhau, hai ngón cái làm động tác bấm bấm — là trò xếp gạch ấy. Anh này giỏi máy tính lắm và là một tay đánh ghêm có hạng. Anh ấy nghiên cứu một cái máy tính biết chơi cờ và đánh bài tú-lơ-khơ...
— Bây giờ ngoài phố có nhiều máy đấy mà...
— Không... không phải đâu! Không phải mấy cái tầm th... mấy máy đơn giản ấy. Cái máy này có thể tự học và rút kinh nghiệm từ chính những khuyết điểm của mình, để sau đó biết chơi tốt hơn... Nên là cái trò "Nhiệt hạch", nếu tớ mà vào được...
— Èo, đẹp giai quá!
Đây là khuôn hình trực diện đầu tiên của anh Ghê-ra-xi-mốp, ở trong phòng máy tính, đầy đủ com-lê cà-vạt, đang đứng vịn tay vào một cái — chắc là — máy tính to và tươi cười trao đổi gì đó với mấy người nữa. Tôi nản, — thực ra anh Ghê-ra-xi-mốp không hẳn là ấn tượng lắm, nếu nói về "đẹp giai".
— Sao cậu không tìm gặp anh ấy mà hỏi? — Cla-ra đặt vấn đề có vẻ rất nghiêm túc.
— Không gặp được. Anh ấy sang Mĩ...
— Ga-ga-rin này!
Nó reo lên, — trên màn hình anh Ghê-ra-xi-mốp kính cận mặc quần bò tàu và áo phông cá sấu đang đứng đưa tay sờ sờ một cái màn hình ti-vi, trên đó đúng là đang cận cảnh Ga-ga-rin trong mũ du hành vũ trụ... lửa phụt ào ào, khói mù mịt, rồi cả cái tên lửa dài đầu đen thân trắng lừ lừ bay thẳng đứng từ dưới lên...
— Hồi trước bố tớ xuýt nữa thì cũng...
— Tên là gì?.. — Tôi bỗng nghe rõ tiếng mình.
— Hả... Bố tớ á?
— Không!.. — Cả người tôi bất giác đã hơi nhoai về phía trước... tôi biết bố Cla-ra làm phi công. — Cái tàu này, — tôi chỉ màn hình, — "Rạng đông", có phải "Rạng đông"?
Cla-ra cười:
— Không phải! "Rạng đông" là cái chiến hạm. Còn cái này, cái này là... — nó nhìn tôi với một vẻ hài lòng, và phát âm hơi kéo dài ra, thong thả — "Phư...ơ...ng đô...ô...ng".
Sau "12345678" thì mật khẩu đầu tiên tôi đã nhập thử — đương nhiên — là "gerasimov".
Cái thứ hai: "gerasimovs-maze", và đồng bọn của nó: "gerasimovs_maze", "gerasimovsmaze".
Tất cả những lần ấy cái máy tính bí hiểm kia đều trả về:

INDENTIFICATION NOT RECOGNIZED BY SYSTEM
--CONNECTION TERMINATED--

Cùng với một tràng "È..." rất ngứa tai.

Ở Thư viện Trung tâm số 122, — thư viện to nhất khu này, và căn bản là nằm cách bến tàu điện ngầm gần trường đại học chỉ một quãng đường đúng bằng đoạn từ trường ra đến tàu điện ngầm, — tôi tìm được một bài báo của tác giả Gerasimov: "Game Over: How Nintendo Conquered The World". Mật khẩu "nintendo" cũng trả về "È...", nhưng ở bài ấy tôi biết được anh Ghê-ra-xi-mốp học khoa Toán Ứng dụng trường Lô-mô-nô-xốp.
Ở Thư viện Khoa học trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp, tôi tìm được một bài báo nữa của anh: "Bài Xì phé và thảm họa — Vai trò của tháu cáy trong thế cân bằng hạt nhân". Nhưng cả "poker" lẫn "armageddon" đều "È..." như nhau.
Và đến lúc đó thì có vẻ đã không còn xác định được nữa, là giữa hai mong muốn chơi trò chơi và truy cập được hệ thống, — đơn thuần là vào được thôi, vào xong không cần làm gì hết, — thì mong muốn nào lớn hơn; và tôi đã mò vào tận khoa Toán Ứng dụng trường Em-ghê-u (tên viết tắt của trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp) để tìm anh Ghê-ra-xi-mốp. Nhưng anh không còn ở đấy, — trên văn phòng khoa tôi được biết anh tốt nghiệp rồi, và (hình như) đã sang Mĩ để làm nghiên cứu sinh...
Đọc kỹ các bài báo thì không khó nhận ra tác giả có sự quan tâm tương đối rõ đến vũ trụ, nhất là trong bài báo thứ hai, — Xi-ôn-kốp-xki và Ga-ga-rin đều được nhắc đến. Nhưng cả "tsiolkovsky" với "gagarin" cũng đều không thể giúp tôi tránh không phải thưởng thức cái tiếng "È..." thật sự phản cảm ấy.
Bác Ga-ra-rin được tuyên truyền đại chúng một cách rành mạch hơn, nên bọn trẻ chúng tôi tự nhiên sẽ để ý đến hơn so với vũ trụ và cụ Xi-ôn-kốp-xki, nhưng chuyện như chuyện bác Ga-ga-rin, thật sự tôi cũng chẳng biết nó là quan trọng hay không, mà nếu có thì quan trọng tới đâu nữa; còn những người lớn thì tôi thấy nhìn nhận có khác nhau. Anh A-li-ô-sa với anh Kốt-xchi-a thì hâm mộ nhất hệ thống điều khiển "không thể có lỗi", và "không biết sẽ phải tét kiểu gì". Phi Long thì bảo hay nhất là Liên Xô bắn được Ga-ga-rin lên quỹ đạo thì khoa học Mĩ bị nhục quá, bèn cố tìm cách nối cho bằng được hai cái máy tính vào nhau, nên bây giờ mới có mạng máy tính. Còn anh Xéc-giô gật gù, làm mặt nghiêm túc, và giơ ngón tay cái: "Đấy là một ghêm đỉnh cao!"
Vội vàng, tôi nhổm ngay dậy và hấp tấp ngồi xuống trước bàn phím, nhanh chóng trở lại khuôn màn hình quen thuộc, với dòng chữ "LOGON:" nằm chơ lơ, và hơi lửng lơ trên màn hình trống trơn. Tay hơi run, tôi gõ: east

LOGON: east

"Enter"! — "Rư rư... rư rư..."

INDENTIFICATION NOT RECOGNIZED BY SYSTEM
--CONNECTION TERMINATED--

"È..."

Tôi im lặng, nhập tiếp: orient

LOGON: orient

"Enter"! — "Rư rư... rư rư..."

INDENTIFICATION NOT RECOGNIZED BY SYSTEM
--CONNECTION TERMINATED--

"È..."

Tôi bặm môi, — tôi chỉ còn một phương án nữa, và hồi hộp hẳn hơn. Chậm chạp như đánh vần, tôi gõ: vostok

LOGON: vostok

"Enter"! — "Rư rư... rư rư..."

INDENTIFICATION NOT RECOGNIZED BY SYSTEM
--CONNECTION TERMINATED--

"È..."

Sau vài lần bị "È...", thì tôi đã thôi không còn văng ra những từ ngữ phản cảm mỗi bận như vậy, nhưng lúc này, rời ra, thả chùng người vào tựa ghế và thõng hai tay xuống, thì một cảm giác chán nản, thất vọng và rất là buồn bã lập tức xâm chiếm hết cả con người tôi, — có lẽ trước đó, tôi chưa từng hết hy vọng. Tôi cứ ngồi im thế cho đến lúc tiếng lạo xạo khe khẽ nhắc tôi là cái băng "Ghê-ra-xi-mốp" tuy vẫn còn chạy, nhưng tín hiệu hình ảnh thì không có nữa. Chán nản, tôi đứng dậy định tắt...
— Vát-xtốc là xê-ri...
— Hả... — Tôi giật mình, và gần như đồng thời lại băn khoăn không hiểu sao mình lại bị giật mình.
— Vát-xtốc là xê-ri, — Cla-ra nhìn tôi, nhắc lại, và nhún vai, — còn con tàu thì có số: Vát-xtốc một.
Tưởng chuyện gì... Tôi xuýt đã phẩy tay, và bảo Cla-ra là ăn thua quái gì, thôi tốt nhất là vứt phéng ba cái chuyện mất thì giờ này đi... Nhưng nhìn vào cặp mắt nó đang mở to đầy một vẻ quan hoài sâu xa, và nhất là "dòng sông xưa mát trong in bóng mây trời" duyên dáng không thể tả... tôi lại miễn cưỡng ngồi vào bàn phím và gõ như cái máy: vostok1

LOGON: vostok1

"Enter"! — "Rư..."

Vừa dợm nhổm dậy để tắt băng, tôi tự níu mình lại ghế ngay lập tức theo một phản ứng cấp kỳ, — con trỏ nhảy xuống đầu dòng dưới, rồi cứ nằm im... Tôi vừa đăng nhập hỏng ba lần liên tục, chắc nó treo...

"Rư... rư rư rư... rư rư... rư rư rư rư rư..."

Chữ, số, và những thứ oẳn tà roằn không phải chữ không phải số vun vút quét dòng trên màn hình, và màn hình trôi ngược lên, nhanh quá, tôi chỉ loáng thoáng nhìn kịp những gì đó như: "STATUS", "CONTR", "ALL PORTS"...
Mắt vẫn giương lên, miệng tôi thốt ra một âm thanh hoàn toàn vô thức, hình như bị gây ra bởi một cảm giác giống như hoảng sợ:
— A!..
— Sao thế?!
— Hình như... — Tôi líu lưỡi. — Vào được.
"Tút"! — Cả một màn hình đầy ký tự vụt trôi một phát sạch sành sanh, rồi trên khoảng trống tinh khôi hình chữ nhật đó, ở sát góc trên, từ phía bên trái, thong thả "bò ra", — hoặc chỉ là tôi đã tự cảm thấy nó "thong thả" như thế:

GREETINGS PROFESSOR GERASIMOV.

Tôi reo tướng lên:
— Vào được rồi!!!
Và phì cười, — vì mừng quá, tất nhiên rồi; và vì theo những gì tôi đã tìm hiểu, thì anh Ghê-ra-xi-mốp chưa bao giờ là "Giáo Sư" cả.
— Nó... nó nghĩ tớ là Ghê-ra-xi-mốp! — Tôi ngoảnh lại, Cla-ra nhìn tôi cười, nhưng mặt mũi hơi ngơ ngác. Tôi vừa cười tươi rói vừa nói theo một phản xạ tự nhiên, và cứ thuận tay gõ theo lời nói. — Hello!

"Rư rư..."

HOW ARE YOU FEELING TODAY?

— Sao nó lại hỏi được như thế? — Tóc Cla-ra văng nhẹ một cái vào ngay bên má phải tôi.
— Nó... — tôi tự thưởng cho mình bằng cách ghếch má về bên ấy... — được lập trình như thế. Để tớ hỏi nó...
Tôi gõ:

I'm fine. How are you?

"Rư rư..."

EXCELLENT. IT'S BEEN A LONG TIME. CAN YOU EXPLAIN THE REMOVAL OF YOUR USER ACCOUNT ON JULY 23?

Tôi nghệt ra, đã định nhìn Cla-ra theo phản xạ "cầu viện", may kịp phanh lại, nhưng vẫn không kìm được mấy ngón tay bên phải cứ vân vê vào nhau... rồi tôi gõ đại, không chắc lắm phải viết "sometimes" hay "sometime", và "mistakes" hay "the mistakes":

People sometimes make mistakes.

"Rư rư..."

YES, THEY DO.

Cla-ra cười thích thú bên tai tôi, tôi cũng cười, phớn phở vì nhiều lý do phức hợp, dù đang phải gồng mình hội thoại bằng tiếng Anh, và ngay lúc này đang bí không biết phải viết gì tiếp đây... Nhưng tôi nghĩ chưa ra, thì cái máy tính đã "nhanh nhảu":

"Rư rư..."

SHALL WE PLAY A GAME?

— Hình như nó nhớ cậu... à... nó nhớ đấy! — Tóc Cla-ra ngả hẳn vào má tôi.
Phấn khởi lắm, và có một cảm giác rất vững tin là cái máy thể nào cũng sẽ hiểu được mình, tôi gõ mà không còn lo về lỗi chính tả:

Love to. How about Global Thermonuclear War?

(Vẫn nhớ trong nguyên bản đã chép ra giấy hình như không phải "War" mà là "War..." cái gì đó nữa, nhưng tôi cũng không băn khoăn thêm).

"Rư rư..."

WOULDN'T YOU PREFER A GOOD GAME OF CHESS?

Cla-ra cười khúc khích, tì hẳn cằm lên vai tôi; tôi cố ngồi thật ngay ngắn, bặm môi, và gõ:

No! Let's play Thermonuclear War!

Có vẻ như — mặc dù tôi cảm thấy rõ lắm — nó đã nghĩ ngợi một chút, trước khi đáp:

FINE.

Clara giật mình, má cọ vào má tôi... chắc cả tôi cũng giật mình, — cái máy tính trước giờ vốn chỉ biểu cảm bằng "Rư rư..." và "È...", cùng lắm là "Tút", bỗng phát ra một đường giai điệu âm u, trang nghiêm, và xa vắng, từ cao xuống thấp, hơi gây nên cảm giác về âm nhạc ở trong nhà thờ, nhưng như là thiếu tự nhiên một cách cố tình, và ít nhiều có một đặc trưng cơ khí. Giai điệu cất lên, thì bắt đầu từ mép trên cùng màn hình máy tính, hiện dần xuống những đường nét khúc khuỷu, — kiểu vẽ bằng cách ghép ký tự.
Giai điệu dừng lại ở nốt trầm cuối cùng, kéo dài ra, và nhỏ dần đến tắt, thì ở khoảng một phần ba phía trên của màn hình đã vẽ xong hai bên hai cái hình méo mó, rỗng và được viền kín xung quanh, cái bên trái trông hơi giống một con vịt béo có cổ ngắn và ngỏng, cái bên phải na ná như một con bò rừng gân guốc, hai cái cao bằng nhau nhưng cái bên phải rộng gần gấp đôi cái bên trái, — từ trái qua phải, căn đều phía dưới mỗi hình: "UNITED STATES", và "SOVIET UNION".
Tôi phì cười, — anh Ghê-ra-xi-mốp chắc thuộc số người vẫn yêu Liên Xô cũ, bây giờ số này hình như cũng đông, và có nhiều nghệ sĩ, trí thức...

"Rư rư..."

Ở màn hình phía dưới tiếp tục hiện lên:

WHICH SIDE DO YOU WANT?

1. UNITED STATES
2. SOVIET UNION

PLEASE CHOOSE ONE:

Tôi còn chưa nghĩ gì, thì từ phía sau, có một ngón tay trỏ xinh xinh đã với lên — và gần như chạm vào — màn hình...
Tôi gõ: "1", và "Enter".
Dòng chữ "1. UNITED STATES" nháy hai cái, với hai tiếng "bíp" khe khẽ.

"Rư rư..."

AWAITING FIRST STRIKE COMMAND
PLEASE LIST PRIMARY TARGETS BY
CITY AND/OR COUNTY NAME:

Con trỏ nhảy cách ra một dòng, rồi đứng im, nháy nháy tại chỗ ở đầu dòng.
Tôi gõ liền:

BAKU

Cla-ra cười phì bên tai tôi. Bặm môi, tôi gõ tiếp:

KIEV

Lần này không thấy Cla-ra cười nên không biết nó có đồng cảm với tôi không.
Đội bóng đá Đi-na-mô Ki-ép có thể nói là đội dày thành tích nhất, họ mặc đồng phục trắng, có ba sọc dọc màu xanh lính thủy ở hai bên mép tay áo và mép quần đùi, và ba sọc như vậy nhưng viền ngang ở mép tất. Còn màu sắc thân thương của tôi... của chúng tôi, thì là đỏ và trắng: áo đỏ, tất đỏ, và quần đùi trắng, — Xpác-tác Mát-xcơ-va!
Gần như — hay là tuyệt đối — không nghĩ ngợi gì cả, tôi gõ như một cái máy nhưng với một cảm giác hơi lạ lùng thế nào đó:

MOSCOW

"Enter", con trỏ nhảy xuống đầu dòng dưới, tôi "Enter" tiếp luôn, trong tiếng la lên (nhưng vui vẻ) khe khẽ (nhưng thất thanh) của Cla-ra.

"Bíp!" — Màn hình phía dưới các bản đồ vụt xóa sạch.

"Rư rư..."

Con trỏ vùn vụt chạy từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, loáng cái vẽ xong một cái bảng trên phần màn hình mới xóa, — không có các dòng kẻ, nhưng đúng là cái bảng, vì chữ và số được căn ngay ngắn theo hàng và cột.
Có bốn cột, ô trên cùng mỗi cột đều viết bằng chữ in có gạch chân: "TRAJECTORY HEADING"
Cách ra một hàng, rồi ở dưới là liên tục năm hàng — mỗi hàng bốn ô — chữ số; lại cách ra một hàng, rồi tiếp tục năm hàng chữ số nữa.
Các ô chữ số này đều có định dạng giống nhau: một chữ cái ở đầu — lần lượt theo các hàng từ trên xuống dưới "A", "B", "C", "D", "E", (năm hàng dưới cũng thế) — cách ra một dấu trống, đến ba chữ số, lại cách một dấu trống, lại ba chữ số nữa.
Tất cả các ô đều có chữ số, và chữ số trong một số ô bắt đầu nhấp nháy, — các ô thay phiên nhấp nháy lác đác một cách ngẫu nhiên (dù chắc là phải có quy luật), và hình như chỉ nháy thôi, chứ giá trị trong ô không hề thay đổi...
— Cái gì đây? — Giọng Cla-ra nghe rất là hớn hở.
— Tớ... cũng không biết, có lẽ là quỹ đạo tên lửa, mà có mang đầu đ...

"Bíp!" — Màn hình... tức là cái bảng vụt xóa sạch, rồi hai cái bản đồ liên tục nhấp nháy... thực ra không phải nhấp nháy, mà giống như đang rung lên theo một cách nào đó...

Và có tiếng nước sôi... tức là tiếng cái siêu bắt đầu "huýt còi" lúc nước sôi.
Vừa nhìn màn hình và loáng thoáng suy đoán về cơ chế "rung" bản đồ, tôi vừa nghĩ là ở gần đây có cái siêu đang sôi, còn Cla-ra lúc đi thể thao về... à là lúc đi lấy nước uống vào, đã khép cửa không kín, và tôi cứ nghĩ đến cái siêu tiếp, cho đến lúc chợt hiểu tiếng "nước sôi" này là do máy tính phát ra... tôi lại chờ nó "tu" lên đến chỗ cao nhất, và sẽ kêu tướng lên ở chỗ đấy, cho đến lúc đột ngột xỉu đi theo một cách rất cụt hứng, — tức là có người tắt lửa. Một phác đồ như thế đã tự hình thành trong ý nghĩ, nên theo một phản xạ tự nhiên, đầu tiên là mắt tôi cứ giương dần lên; hết cỡ, thì cằm tôi chầm chậm hất lên; lại hết cỡ tiếp, thì cả người tôi từ từ rướn lên theo; cũng hết cỡ nốt, thì tôi thầm ngân nga trong vòm họng, theo cao độ tiếng "huýt còi"... cho đến lúc tôi nghĩ là tôi đã lên đến nốt "son thăng", — tức là dây "mí", bấm phím thứ tư, trên đàn ghi-ta, là nốt cao nhất mà tôi có thể hát, — thì tôi đột ngột "rũ" cả người xuống, vừa cười vừa thở như ngoi dưới nước lên, và vẫn lắng tai chờ tiếng "huýt còi" kia kết thúc.
Nốt cao nhất trên cây ghi-ta "Stratocaster" sáu mươi của tôi là "đố thăng", tức là dây "mí", bấm phím cuối cùng về phía tay gảy, — đến lúc tôi hình dung là tôi đã bấm vào đấy, rồi đẩy căng dây lên đến hết mức có thể... thì tiếng "huýt còi" vẫn cứ tiếp tục cao lên. Tôi không học thanh nhạc, ước lượng cao độ của tôi (nhất là không có đàn) sẽ không được chuẩn xác lắm, nhưng ngay cả thế thì vẫn có thể khẳng định (dù cũng không phải không có chút phân vân, vì thứ âm thanh này tuy nghe rõ, nhưng đồng thời lại gây ra một cảm giác không tự tin lắm về chính việc "nghe rõ" đó...) là cái tiếng còi này đã vút lên thừa sức "hết đàn", nên tôi khẽ thổi bật hai môi ra nhẹ một cái "p-hù", — đứt dây!
Và đã xuýt cười, một phần tích tắc trước khi có một cảm giác hoảng hốt đã ập đến rất nhanh và tương đối choáng ngợp, — cái này hơi giống như khi trượt xuống một cái cầu trượt tương đối dốc và thật dài, đến nỗi tới giữa chừng, cứ chờ mãi mà vẫn không thấy nó sắp hết. Đang hoảng, thì tôi thấy có một điểm đau nhói ở giữa (bên trong) đầu, rồi cảm giác đau — hình như — không tỏa ra nhưng tăng lên nhanh lắm theo đà âm thanh... loáng nhoáng những ý nghĩ vụt đến một cách hỗn loạn, về tự kỷ ám thị, về giới hạn tần số âm thanh, về tai... rồi có lẽ theo một phản xạ cơ khí vô điều kiện, cuống và sợ, tay tôi quờ ra tìm nút nguồn máy tính.
Nhưng tôi vừa cử động, thì cả cái bàn bỗng nghiêng đi... đúng ra là cả mặt bàn ở phía bên phải bất chợt cứ cao hẳn lên. Tôi định vịn vào ngay để giữ nó lại, thì lại lập tức hình dung ra là mình đang bị ngã... nhưng cảm giác từ phía sau, tức là từ Cla-ra lại vẫn y nguyên, nên tôi lại bụng bảo dạ là đúng là cái mặt bàn đang dâng lên thật... còn chưa kết luận thì có một cái màn đỏ lừ nhưng — hình như — trong suốt kéo vụt qua mắt tôi, gò má bên phải của tôi đột ngột đau dội lên theo một kiểu đau thô tháp và rất tê tái, mà những ý nghĩ nháo nhào lên ngay theo phát đau điếng người ấy thì không hiểu sao lại cứ loanh quanh ở mỗi phía đầu bên trái...

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...