Tướng Ka-lát-snhi-kốp gửi Giáo Chủ toàn Nga

Gửi Đức Giáo Chủ
Mát-xcơ-va và Toàn Nga
Ki-rin

Thưa Cha rất thánh!

Con đã dành nhiều năm cho công việc thiết kế. Tính vào phần việc của con có hơn 150 mẫu súng, được chế tạo ra với một mục đích duy nhất — đảm bảo một sự bảo vệ đáng tin cậy cho Tổ Quốc chống lại những sự xâm phạm của kẻ thù.

Không ai có thể làm con thay đổi được quan điểm đối với đạo lý dân gian "hãy giữ thuốc súng cho khô" và "hãy chuẩn bị xe trượt tuyết vào mùa hè", bởi vì con đã được biết rất rõ, thuốc súng của chúng ta và xe trượt của chúng ta là như thế nào trong những năm hai mươi, những năm ba mươi, rồi sau đó là ngay trước cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Con là một người lính đã bị số phận thử thách vào năm 1941, ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh kinh khủng và đầy tai họa đối với dân ta. Ơn Chúa, con đã sống sót, dù bị bầm dập và thương tích, những vết thương mà đã suốt 70 năm luôn nhắc người ta phải nhớ đến chúng.

Vâng, thân thể phải chịu đau, nhưng nỗi đau thân thể chẳng là gì cả so với những vết thương lòng, mà chúng con nhận được trong cuộc đời. Vết thương lòng năm 1941 của con không để cho con được yên cả đêm lẫn ngày. Sao lại thế được, một cường quốc như thế, một nền công nghiệp quốc phòng hùng hậu như thế, một trường phái thiết kế giỏi như thế, bao nhiêu là mẫu súng tuyệt vời có ở trong kho, vậy mà lúc lâm trận ngoài chiến trường, con và những người bạn chiến đấu của con đã không thể bảo vệ được mình. Chúng con đã không có tiểu liên và súng máy, còn loại súng trường Mo-xin-na huyền thoại thì ba người mới có một khẩu. Và vận mệnh đã phân phó sao cho một anh chàng người An-tai dạo trước, — con trai của những địa chủ bị truất quyền sở hữu và bị đày vào rừng tai-ga Xi-bia-ri, một lính xe tăng và thượng sĩ, — sẽ trở thành một nhà thiết kế vũ khí, người mà sau bốn năm khó khăn nhất đã biết cách hiện thực hóa ước mơ của mình trong một loại vũ khí kỳ diệu, — súng tiểu liên AK-47.

Sau đó, từ sau chiến tranh cho đến mới cách đây không lâu thôi, con đã lao động nhiều và vất vả, con đã không thể dừng lại được, ngày cũng không, đêm cũng không, không dời được khỏi bệ máy, nếu chưa chế tạo được mẫu vũ khí với các đặc tính đã được cải tiến. Chúng con luôn theo kịp với thời gian, trong vấn đề nào đó chúng con đã đi trước những người Mĩ đối thủ chính của chúng ta và đồng thời trong quan hệ người với người cũng đã là những người bạn, dù chúng con đã phục vụ cho những hệ thống xã hội khác nhau và không khoan nhượng lẫn nhau, trong những năm đó.

Và thế giới cho đến năm 1991 đã như nó là như thế — lung lay, hung tợn, mâu thuẫn. Nhưng nó đã tồn tại, bất chấp những cuộc chiến tranh và những xung đột, trong đó có bắn lẫn nhau, có những người hy sinh, là chuyện mà cả khẩu tiểu liên của con cũng có lỗi...

Vết thương lòng của con là không chịu đựng được, vẫn là một câu hỏi không có lời giải đáp: nếu như khẩu tiểu liên của con đã tước đi những mạng sống của con người, thì có phải, là con, Mi-khai-lô Ka-lát-snhi-kốp, — chín mươi ba tuổi tính từ sinh nhật, một người theo Đạo Thiên Chúa và theo tín ngưỡng Chính thống Giáo, con trai của một nữ nông dân, — có lỗi trong cái chết của mọi người không, cho dù ngay cả đấy là kẻ thù?

Con càng sống, thì câu hỏi đó càng thường xuyên xoáy vào đầu óc con hơn, thì con càng đào sâu hơn vào những sự ngẫm nghĩ và những suy đoán của mình về việc, Đấng Tối Cao đã để cho con người có những mong muốn độc ác — ghen ghét, tham lam, xâm lăng, — để làm gì; vì sao Người lại cho phép những ý nghĩ về việc giết hại anh em và về sự dã man vuột được ra khỏi giới hạn bản tính con người và trở thành thứ có đủ mọi thẩm quyền, được nâng lên bởi ai đó và ở đâu đó tới mức chuẩn mực thông thường về chính trị và đạo lý? Vì sao Chúa Trời và con trai người là đấng Giê-xu Khrít-xtốt, người đã đến với thế gian và chịu khổ nạn, và chết vì thế gian, lại đã để lại mọi thứ như đã như thế và đang để cho mọi thứ như là vẫn thế? Mọi thứ xung quanh đang thay đổi, chỉ không có thay đổi gì đối với con người và tư duy của anh ta: anh ta vẫn ganh ghét, ác độc, nhẫn tâm, không biết kiềm chế, y như cũ!

Nhà thờ Chính thống Giáo Nga đem đến cho thế gian những bảo vật thiêng liêng của điều thiện và lòng nhân từ. Trong những năm khắc nghiệt của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, khi sự vững vàng về tinh thần là đòi hỏi cần thiết với người dân Xô-viết hơn bao giờ hết, nhà nước vô thần đã thay đổi quan điểm đối với tín ngưỡng chính thống: những nhà thờ mở cửa trong các xóm làng và các thành phố, những tiếng chuông báo động lan tỏa trong không gian, những lời cầu nguyện vang lên từ miệng những người dân vô tín ngưỡng...

Đã 20 năm chúng con sống trong một đất nước khác. Dường như có cái gì đó đã bị xé rách ở bên trong, có một sự trống rỗng nào đó ở trong lòng, có một sự mất mát không thể nào tìm lại được ở trong tim... Lại còn cả sự bất an về tương lai của con cháu... Và một lần nữa, giống như trong những năm của giai đoạn chiến tranh gian khổ, người dân lại hướng về với Chúa, hướng đến với sự nhận thức về chỗ đứng của mình trên trái đất và trong vũ trụ. Nhà thờ và đức tin trở nên vững chắc hơn trong xã hội nước Nga. Và điều đó thật đáng vui mừng! Nhưng có chuyện vẫn không thể không lo lắng. Đúng, là số lượng đền chùa tăng lên trên đất đai của chúng ta, nhưng sự độc ác thì dù thế nào vẫn không giảm đi. Sự độc ác tìm được những hình dạng khác, tinh vi hơn. Dưới lá cờ của lòng nhân từ và sau mặt nạ của điều thiện nhiều khi lại xuất hiện sự độc ác, sự độc ác giống như một tên trộm đêm lén lút lẻn vào trong ngôi nhà của chúng con, vào các gia đình chúng con và làm ô uế những nền tảng tâm hồn và đức hạnh của những gia đình ấy. Điều thiện và sự độc ác sống, kề cận bên nhau, tranh đấu với nhau và, chuyện đáng sợ nhất, hòa giải với nhau ở trong tâm hồn con người — đấy là cái mà con đã đi đến trong buổi hoàng hôn của cuộc đời trần thế của mình.

Kết quả là một động cơ vĩnh cửu nào đó, mà con đã rất muốn phát minh ra trong những năm tuổi trẻ. Ánh sáng và bóng tối, điều thiện và sự độc ác — hai sự đối lập của một nhất thể, không có khả năng tồn tại mà thiếu nhau được hay sao ạ? Và không lẽ Đấng Tối Cao đã xếp đặt mọi thứ như thế? Và loài người cứ vĩnh viễn phải sống lay lắt trong một mối tương quan như vậy?

Trong những suy tư đầy tội lỗi của mình, con trông cậy vào Cha, vào lời nói mục sư và sự anh minh sáng suốt của Cha. Con xem và nghe những lời thuyết giáo và những câu trả lời của Cha với những bức thư của những người không theo đạo, những người mà tâm hồn cư ngụ trong những bối rối của cuộc sống. Cha đã giúp đỡ nhiều người bằng Lời của Chúa, con người rất cần chỗ dựa về tâm hồn.

Thưa Cha rất Thánh, cả đời con làm việc với những thứ bằng sắt, con đã xay chúng với nhau, làm cho sự kề cận giữa chúng dễ chịu hơn, và cho ra những phẩm chất mới. Tất nhiên, cả những con người cũng luôn luôn, và vào mọi lúc, đòi hỏi có sự xay xát, đòi hỏi có nhà thiết kế của mình, người mà có thể điều chỉnh, hỗ trợ họ trong sự giao thiệp với nhau. Và những người trung gian hòa giải tốt bụng đó, theo con, là những người phụng sự Nhà thờ Chính thống giáo Nga. Trên vùng đất U-đmu-rchi-a của chúng con có một cái nhà thờ, nằm ở trung tâm của I-giép-ckờ và mang tên Thiên Thần Mi-khai-in, cái nhà thờ ấy đặc biệt gần gũi với trái tim con, với tấm lòng con, ở nhà thờ đó có những vị linh mục thông tuệ và tuyệt vời cầu nguyện cho chúng con, cho những kẻ tội lỗi.

Khi mà ở tuổi 91 con bước qua ngưỡng cửa nhà thờ này, trong lòng con đã có một sự bất an và một cảm giác... mà, dường như là con đã từng ở đây... Cảm giác đó, có lẽ là, chỉ sẽ có đối với những người đã chịu lễ đặt tên thánh, và con đúng là đã được đặt tên thánh năm 1919 tại nhà thờ nhỏ của làng Ku-ri-a ở khu Ku-rin, thuộc vùng An-tai. Ơn Chúa, bây giờ cái nhà thờ làm lễ đặt tên thánh cho con ở ngôi làng quê hương cũng đang được trùng tu và cảm ơn số phận, vì con cũng có khả năng ủng hộ cho công việc thiêng liêng này. Nhiều năm đã trôi qua, mà lòng con vẫn nhớ, vì nó vẫn hồi tưởng lại được giọng nói của vị linh mục, hồi tưởng lại lời cầu nguyện, nó vẫn cảm thấy thật dễ chịu với ánh nến lung linh và mùi trầm hương... Thật là tốt quá, — lúc đó ở trong đầu con đã lướt qua ý nghĩ, về chuyện con đã từ chối việc xây dựng một nhà bảo tàng mang tên con ở chỗ, mà bây giờ đang là nhà thờ Thánh Mi-khai-in, cái nhà thờ đã bị phá hủy vào những năm 30. Mà nhà thờ này thì có một lịch sử tận hơn hai thế kỷ.

Đặc biệt quý giá còn có một dịp, mà con được cho phép, vào mùa xuân năm ngoái, được trồng ở ngay cạnh nhà thờ một cây tuyết tùng Xi-bia-ri, được đem đến từ quê hương yêu dấu của con, từ làng Ku-ri-a vùng An-tai. Cầu Chúa, để từ cái cây con sẽ mọc lên một cái cây thật xứng đáng, làm đẹp thêm cho đời sống tâm hồn những người đồng hương của con. Mọi người sẽ nhìn nhà thờ và nhìn cái cây và nghĩ về sự cận kề này của hai biểu tượng vĩnh hằng cho điều thiện và sự sống. Và tâm hồn con sẽ vui mừng, mà quan sát vẻ đẹp và sự phong túc ấy từ độ cao của bầu trời.

Con hiểu bây giờ Cha đang gặp khó khăn như thế nào, trong thời kỳ của những sự công kích không chính đáng vào Nhà thờ Chính thống Giáo, những sự công kích phá hủy niềm tin trong con người và làm nhơ bẩn phẩm hạnh của họ. Thật muốn tin, là sức mạnh của ánh sáng và trí tuệ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

Cha hãy tiếp nhận lời chúc sức khỏe tốt của con. Thưa Cha rất thánh, cầu Đấng Tối Cao sẽ giúp Cha trong công việc của Cha nhân danh loài người và nhân danh phúc lành của các công dân nước Nga.

Kẻ tôi tớ của Chúa,
Nhà thiết kế Mi-khai-in Ka-lát-snhi-kốp.

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...