Lập Trình Viên II (43)






ĐIM-MA





— Èo, tao thì sẽ chả bao giờ đánh được thế!
Giọng thằng Mê-chi-a vừa có vẻ trầm trồ, lại vừa chán nản, — nó đang đỏ lừ khắp toàn thân. Chi tiết, thì cả người nó hiện chỉ có hai màu đen và đỏ: Tóc, lông mày, lông mi, hốc mắt, nửa sống mũi, ria, chỗ hở giữa hai môi, khoảng cổ dưới cằm, khóe cổ áo, thì đen sì; còn những chỗ khác thì đỏ lừ, một sắc đỏ hết sức lợt lạt và u ám, gọi là ma quái cũng được.
Vả mọi thứ quanh nó lúc này đều thế cả, kể cả tôi, cả thằng Phê-đi-a, với thằng Giê-nhi-a, lẫn cái khay nước to tướng đang hơi sóng sánh ngay bên cạnh chỗ tôi ngồi, — đây là đang ở trong phòng rửa ảnh của trường tôi.
— Chơi được tất! — Lấy một ngữ điệu khẳng định, tôi bảo nó.
Tôi vừa chơi một đoạn — từ chỗ "Anh muốn em, anh muốn em, anh muốn em..." — trong bài "Michelle" của ban nhạc "Beatles", bằng cái đàn ghi-ta "mậu dịch" của thằng Mê-chi-a, — tôi chơi theo kiểu "bán cổ điển" học theo táp nhạc cho ghi-ta mà Phi Long đã chép lại.
Theo cách thằng Mê-chi-a ngoảnh nhìn hai thằng kia, thì đầy vẻ thiếu tin tưởng, nên tôi thêm:
— Tao chỉ học mò theo táp cũng đánh được, giờ mày vừa có táp, vừa có tao...
— Táp là gì? — Nó hỏi.
— Táp là kiểu na ná như khuông nhạc, — tôi nhìn sang thằng Phê-đi-a, nó không có vẻ băn khoăn, — nhưng theo cách đơn giản là vẽ cả sáu cái dây đàn ra, rồi đánh dấu chỗ bấm... phím bấm ở trên đấy bằng số.
— Nhưng mà... — Thằng Mê-chi-a gãi đầu, chắc là nhăn nhó nữa, tôi hình dung ra vẻ nhăn nhó của nó, nhưng không nhìn rõ, vì chỉ có hai màu đỏ đen. — Tay bấm lủng củng quá, kiểu như... — nó giơ tay trái, tự nhòm nhòm bàn tay đang ngửa ra, mấy ngón tay cùng vặn vẹo — không đủ ngón.
— Đủ! — Tôi phì cười. — Mà... kể cả là không đủ... một thằng không đủ, thì ở đây có bốn thằng cơ mà!
Giờ thì đến lượt thằng Phê-đi-a phì cười, nhưng vừa bắt đầu cười, thì nó nghệt ra ngay:
— Ờ... bốn thằng, bốn cái đàn, thì đánh thế nào? Đánh cùng một lúc... đồng... như hát đồng ca à?
— Phải chia nhau ra chứ! — Tôi nói, vẻ thành thạo. — Một thằng đánh bát, một thằng đánh lít, với một thằng... à còn hai thằng thì quạt ch... — tôi đang nói "quạt chả", thì nhớ ra là mấy thằng này hoàn toàn chẳng biết ở Hà Nội nướng chả ra sao, nên tôi vung tay lên xuống mấy nhịp, như đang đệm đàn, nhưng không chạm vào dây — thì đánh chát bùm bùm... đại khái thế.
Tôi nói còn chưa hết câu, thì đã có hai câu hỏi vang lên cùng một lúc:
— Bát là gì?
— Chia nhau thế nào?
Câu đầu là thằng Mê-chi-a, câu sau là thằng Phê-đi-a.
Nếu cứ tiếp tục thế này, thì uy tín — chủ yếu là do thằng Mê-chi-a tạo dựng cho — của tôi chẳng mấy mà sẽ bị suy suyển một cách nghiêm trọng. Lúc đầu, thật bụng tôi chẳng hề nghĩ đến chuyện "uy tín" này, nhưng bây giờ nếu làm mất nó, tôi lại ngại bẽ mặt, vả lại tôi cũng tiếc lắm chứ, tiếc thật lòng.
Thằng Mê-chi-a gặp tôi ở Nhà Văn Hóa trường A-nhi-a hôm trước, thì hôm sau, hầu như cả lớp đều biết chuyện "Đim-ma lớp mình đánh đàn với Mác-tin Na-di-mốp hẳn hoi". Mấy đứa con gái An-giê-lích-ka, La-ri-xa... đều nhìn tôi với ánh mắt rất khác, — Cla-ra thì khỏi nói rồi. Mà khoái nhất, là bọn Giê-nhi-a với Phê-đi-a hai thằng đều tỏ ra rất là hưng phấn, — nên mới có buổi hẹn hò "ra mắt" hôm nay.
Tôi nhăn mũi, phẩy tay:
— Ngón tay thì chả sợ thiếu, những thứ bát, táp, vân vân... tập thì khắc biết, tất nhiên, nói gì, cũng phải tập tương đối. Nhưng mà, — tôi lại nhăn mũi, phẩy tay thêm phát nữa, — đấy không phải là cái quan trọng nhất đâu. Quan trọng nhất là... — Chuyện này tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tử tế, nhưng hiện phải có cái để nói, mang máng cũng được, đâm lao là thằng Mê-chi-a, nhưng thằng phải theo lao bây giờ, là tôi. — Phải có cái gì đó... một cái ý gì đó của mình... để mà thể hiện ra.
— Cụ thể... thì là ý gì của mình? — Thằng Phê-đi-a hỏi.
— Thì... — Tôi ngắc ngứ. — Cụ thể... Tao cũng chưa biết. Chỉ cảm thấy phải có cái gì đấy, nó phải... chứ nếu không thì...
Tôi so vai, xòe cả hai bàn tay ra, nhưng quả thật không biết nói gì nữa, may mà thằng Giê-nhi-a đã hỏi:
— Thế có chỗ nào, như ở trường nhạc ấy, dạy về cái này, cái của mình này không?
— Đấy, — tôi quyết định nói đại, — chuyện ở chỗ là không có!
Tôi nói quả quyết lắm, nhưng chỉ thế có lẽ chưa đủ, bây giờ phải có chuyện để phân tán sự chú ý của chúng nó ra khỏi cái khẳng định không chắc chắn lắm này; từ đầu, tôi vẫn cố không "viện dẫn" anh Mác-tin để khỏi mang tiếng là phải "về gọi anh", nhưng cố gắng nào e là cũng đều có những giới hạn cả...
Hình như tôi vẫn đang phân vân, thì mồm tôi đã tự nói:
— Anh Mác-tin bảo, lúc đầu họp nhau được một nhóm, tập chơi; chơi, chủ yếu cố nhại theo băng, thấy xuôi xuôi, thì thích lắm, mặc dù tiếng Anh có bài toàn hát nhại, không hiểu lời; rồi ở trường hễ có dịp này dịp khác, thì luyện kỹ một hai bài rồi lên "biểu diễn"; diễn vài lần, hóa ra cũng hoàn toàn không tệ, được mọi người hâm mộ hẳn hoi. — Tôi thở dài, cắn môi. — Nhưng như thế được một ít, thì chán, không còn thấy có nhiệt tình tập tành gì nữa...
— Rõ rồi! — Giọng thằng Mê-chi-a mừng rỡ; vừa nói, nó vừa cầm ngón cái và ngón trỏ tay phải vào nhau, dứ dứ về phía trước. — Họ không tìm được đường nét sáng tạo riêng!
Thằng Phê-đi-a nhìn nó, miệng đã bắt đầu ngoác ra, nhưng nụ cười dừng ngay ở đấy, rồi chuyển thành giống như một cái nhếch mép rộng, — thằng Giê-nhi-a đang nói bằng giọng nghiêm túc:
— Chuyện này rất khó. Có cái của mình để nói đã khó. Để người khác muốn nghe còn khó nữa. Mình phải biết được thứ hay hơn so với nhiều người. Về bản chất, tự chính mình phải là những người thật hay.
Nó nhìn thằng Phê-đi-a, — đây là kiểu hỏi bằng mắt, rõ ràng hai thằng quen thảo luận với nhau, — thằng kia giống như trong lúc nghe đã đón ý và chuẩn bị xong câu trả lời, nên nói ngay như không cần nghĩ:
— Sợ gì! Khó dễ, thì cũng phải bắt tay vào để có hình dung cụ thể. Phải lao động chứ. Mình sẽ luyện tập. — Nghiêng người, hớt bàn tay trái lên ngang tầm mặt, ngón cái vểnh lên, ngón trỏ duỗi thẳng, như khẩu súng lục, đầu ngón trỏ lồng trong một vòng dây mềm, cuối vòng dây lủng lẳng một cái chìa khóa ống to cồ cộ, nó cười. — Xtu-đi-ô hoàn toàn nằm trong quyền hạn phân phó của chúng ta...
"Kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch".
Tôi nhớ Phi Long, lúc nói chuyện về thơ Trung Quốc đời Đường, đã bảo: "Tai người, nếu nghe bảy tiếng đều đều liền tù tì, hình như sẽ tự động đặt trọng âm vào tiếng thứ tư", — lúc này tôi đang nghe thấy đúng như vậy.
Bảy cái gõ dõng dạc lên cánh cửa gỗ làm cho chúng tôi cả bọn — chắc thế — bốn đứa cùng giật nảy mình; nụ cười, một lần nữa lại tắt đi giữa chừng trên môi thằng Phê-đi-a; rất nhanh, thằng Mê-chi-a nhổm dậy, nhoài người lên mặt bàn, một tay vịn vào đùi thằng Phê-đi-a đang ngồi trên đấy, tay kia với qua mép bàn phía trong, sát tường, — ánh sáng đỏ phụt tắt.
"Kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch".
Lần này là chín tiếng liền, nhanh và mạnh hơn, còn vang lên trong bóng tối tuyệt đối, nên dù không còn làm giật mình nữa, nhưng lại khiến cho hoàn cảnh bị một không khí khủng bố bao trùm; lẫn vào với hai tiếng cuối là một giọng đàn ông:
— Mở cửa ngay!
Nghe tiếng — chắc là — thằng Mê-chi-a thì thào gì đó rất nhanh và lộn xộn, tôi đang cố phân biệt, thì một khoảng sáng dựng đứng hình chữ nhật đã bừng lên, trong đấy có một bóng đen giống như bóng trẻ con, nhưng to.
— Họ đang rửa ảnh cơ đấy!
Thằng Mê-chi-a chắc đã không quên treo cái biển "Đang rửa ảnh" ra ngoài cửa.
Những tiếng này vang lên cùng với một tiếng "tách" nhỏ, và theo phản xạ tự nhiên, tôi đã có một cảm giác phấn khởi, vì ánh sáng bừng lên và mọi thứ bỗng thật là sáng sủa.
— Ảnh gì vậy, hả, các cậu? Ảnh hút thuốc chứ gì? — Câu hỏi không có vẻ khủng bố, nhưng bác Bô-rít đang nhìn chúng tôi bằng cái nhìn đầy cân não.
Tuổi năm mươi — cộng trừ, — tóc nâu, thực ra thì là đang bắt đầu hói, nhưng trông lại giống như trẻ con đang mọc tóc máu; quần nâu nhờ nhờ, cũ rồi, nhưng — chắc là mới — được là cháy li; áo bay màu ô-liu sẫm cài kín cổ, cùng thời hạn với quần; ngoài khoác một chiếc áo len không cổ, hai vạt, không cài cúc, màu lính thủy đánh bộ nhưng tối gần như đen, hai khuỷu tay có hai miếng da chắc đúng là đen, hình quả trứng; mọi đường nét ở bác Bô-rít đều có vẻ tròn tròn, mặc dù bác chỉ hơi bụ thôi, không gọi là béo tròn được.
Bác Bô-rít có vẻ thuộc loại lành, nhưng lành chắc là thường đi đôi với dát, mà những người dát thì hay sợ những thứ mơ hồ; và "Có nên tha cho những học sinh vi phạm kỷ luật — dù là vi phạm nhỏ, nhưng lại rành rành ra — hay không?" thì quả là một chuyện đúng sai rất mơ hồ; còn nếu như đã sợ kiểu thế, thì lại dễ sinh phản ứng; cho nên bác Bô-rít lúc này, dù trông vẫn hiền lành — vì người lành thật, thì có muốn làm ra dữ tợn cũng không dễ — nhưng rõ là không có nhiều thiện cảm.
Trong mấy đứa bọn tôi, không lạ lắm là thằng Mê-chi-a là thằng thạo môn thanh minh thanh nga nhất:
— Dạ không, bác Bô-rít. — Đứng tì mông vào mép bàn, người chùng xuống, tay trái buông thõng, tay phải chống nạnh, mặt mũi đầy vẻ oan ức, nó đáp.
Bác Bô-rít đảo mắt nhìn quanh, môi mím lại, mũi hít hít mấy cái, thành hẳn tiếng "xịt xịt...", rồi cất giọng đầy nghi hoặc:
— Tin các cậu được không, hả?
— Dạ được ạ, — thằng Mê-chi-a ghếch ghếch bàn tay trái, cứ ghếch một cái thì vai bên đấy lại nhún một cái, — bọn cháu hút thuốc trong toa-lét ạ.
Bác Bô-rít đút hai tay vào túi quần, bước mấy bước lại gần, miệng cười cười, kiểu cười "thành thạo":
— Còn giờ học thì sao? Sao các cậu dám bỏ tiết?
Thằng Mê-chi-a nhíu mày, mắm môi, nhìn xuống mũi bàn chân, thế là phải đến lượt thằng Phê-đi-a:
— Giờ Sinh Vật ạ, hôm nay làm ở phòng láp, bọn cháu quên không ghi lại lịch.
— À. — Bác Bô-rít gật gù. — Chơi rong hóa ra là tốt hơn làm thí nghiệm Sinh Vật, hả?
— Dạ... Theo quan điểm lý thuyết thì đúng là không tốt, nhưng thực nghiệm lại chứng tỏ rằng trong một số trường hợp thì đây là phương án tối ưu và đem đến một hiệu quả học tập tương đối cao, vì ở phòng láp thì thực tế cho thấy là ít nhiều sẽ khó nhận ra những người vắng mặt hơn, và thủ tục điểm danh nói chung diễn ra hoàn toàn không mang tính thường xuyên, nhưng nếu như có mặt, ngồi lù lù ở đấy, thì lại rất dễ gây chú ý, dễ bị nhận ra, chỉ cần lóng cóng một chút, là mặc định có thể coi như cầm chắc điểm hai...
Thằng Phê-đi-a tuôn ra liền một mạch một đống trơn tru về câu từ và ngữ điệu nhưng tương đối bát nháo và loanh quanh về nội dung, là nó phải có chủ ý của nó, nhưng bác Bô-rít hóa ra không phải chỉ biết cười theo kiểu "thành thạo", — hai tay vẫn đút túi quần, bác theo dõi bài diễn văn của thằng Phê-đi-a một cách chăm chú, vừa nghe vừa gật gật đầu... bất ngờ bác bước tới một bước, hơi cúi người, vòng tay trái ra phía sau lưng thằng Phê-đi-a, và tóm ngay trúng cần của chiếc đàn ghi-ta mà tôi đang tì một tay lên ngọn để giữ cho đứng thẳng — núp — ở phía sau thằng Phê-đi-a.
— Cậu... định khua môi múa mép đánh lạc hướng tôi à? Các cậu đang làm cái gì ở đây? Hả? — Giọng bác Bô-rít chưa đến nỗi gay gắt, nhưng ngữ điệu rõ ràng đã "cứng" hẳn hơn, nhất là tiếng "Hả" cuối cùng.
Giờ thì phải tới lượt thằng Giê-nhi-a:
— Bác Bô-rít, thực ra là bạn Đim-ma Grút-skốp — nó ra hiệu về phía tôi — đang giảng cho chúng cháu về âm nhạc hiện đại...
— Ồ... — Bác Bô-rít nghiêng hẳn đầu qua một bên để nhìn tôi "toàn cảnh" hơn phía sau lưng thằng Phê-đi-a. — Vậy là giảng viên cơ đấy! Như các cậu à... thì còn phải nghe bài giảng của người khác nhiều, rồi hãy tính chuyện giảng bài của mình! Bài của các cậu, những thứ mà các cậu nghĩ, trước mắt chả có ai thèm quan tâm đâu!
Không biết ba thằng "ma cũ" kia thế nào, chứ tôi thì quả thực chưa bao giờ tôi hình dung bác Bô-rít lại có thể "đáo để" như thế.
— Bác Bô-rít I-u-rê-vích, — dù đã hình dung hay chưa, thì thằng Giê-nhi-a cũng rõ ràng là không thích chuyện này, — ở lứa tuổi bọn cháu, tuy chưa phải người lớn, nhưng có nhiều thứ, cũng không hoàn toàn còn là trẻ con nữa...
— Như Gri-ba-e-đốp đấy bác, — tôi đang muốn nghe thằng Giê-nhi-a nói tiếp, thì thằng Mê-chi-a, chắc nghĩ mình đã đón được ý thằng kia, vội lanh chanh xen vào, kiểu theo voi hít bã mía, — bằng tuổi bọn cháu đã học xong đại học, và biết những năm ngoại ngữ rồi...
— Còn Pút-skin, — thằng Phê-đi-a, có lẽ đã nhận ra ngay chiều hướng có lợi, nên tiếp tục ngữ điệu diễn giả, nhưng còn cao giọng hơn trước, chồng chéo tiếp thông tin lên, — thì từ lâu đã được cụ Đê-rờ-gia-vin để ý tới, và ủng hộ một cách vô cùng nhiệt liệt...
— Bằng tuổi bọn cháu, — không nhịn được, tôi cũng té nước theo mưa, — Giôn Lê-nân đã lập ban nhạc riêng, chỉ vài năm sau thì đã thành Bít-tơn danh bất hư truyền... đấy ạ!
Tôi không chủ ý, nhưng có lẽ lòng tự ái của tôi đã bị động chạm ít nhiều khi bác Bô-rít có ý bỉ bai "giảng viên âm nhạc hiện đại", cho nên nó đã tự động "kích hoạt" Giôn Lê-nân.
Nhưng trái với kỳ vọng của thằng Phê-đi-a — nếu như đúng là nó đã kỳ vọng như thế, — bác Bô-rít, Bô-rít I-u-rê-vích, tuyệt chẳng có biểu hiện gì là bị bối rối trước lối tấn công dồn dập từ nhiều hướng của chúng tôi, — mắt sáng lên đầy hứng thú, và với một vẻ hoàn toàn không ngán đương đầu, bác giơ cao mấy ngón tay phải lên trước mặt, lưng bàn tay nhấn nhẹ một cái về phía chúng tôi:
— Thế đấy! Những ví dụ của các cậu mới hay chứ! — Bác cười. — Các cậu lưu ý cho. — Tay phải bác lại nhấn một cái. — Họ toàn là những thiên tài cả đấy!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Nhưng thằng Mê-chi-a, không hiểu có ngỡ ngàng tí nào không, nhưng rõ ràng mải "theo lao", nó đang rơi vào tình trạng điếc không sợ súng:
— Thế bác biết gì về chúng cháu nào? — Khoanh hai tay lên trước ngực, nó hếch cằm, nhìn bác Bô-rít như nhìn một người nông dân. — Có khi sau này, bác sẽ tự hào vì đã từng quen biết với bọn cháu!
— Hứ... — Nhắm tịt hai mắt, chân mày kéo lại thành một nét hoạt kê, bác Bô-rít vừa cười không thành tiếng nhưng hồng hết cả đôi má bụ bẫm, vừa lắc lắc đầu.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Đã có 3 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Lập trình viên bi bô...

Em làm sách điện tử (dạng epub) cho bạn gái em đọc bằng mấy cục cầm tay, nhân thể em up cả lên đây, ai thích thì dùng. (Không biết ý các bác "philong58..." thế nào, nếu không thích thì em xin lỗi, các bác cứ xóa đi)

Lập trình viên II, Chương 1
Lập trình viên II, Chương 2
Lập trình viên II, Chương 3

Nhật Linh bi bô...

Tác giả bảo "Thiện tai!", vô tư, bác ạ.

Tv bi bô...

Thank các anh chị, còn truyện Lập trình viên phần 1 anh có làm ebook không anh Ltv ơi?

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...