Di như thế, chủ yếu không phải để tắt thuốc, — anh Ngạn tiễn tôi lên tận đây, hẳn nhiên không chỉ để hút thuốc và búng đầu lọc vào tường.
Hơi cuối đã phải là một hơi dài, nên anh Ngạn phì hết khói trong phổi ra thì được một vầng mù mịt; cắn môi, khịt mũi nhẹ một cái, cuối cùng anh — cũng — mới cất lời:
— Tất cả những chuyện này... — Anh thở nằng nặng. — Nếu có thể... giá chú Cao không biết, là tốt nhất.
— Anh yên tâm, em không...
Hơi lạ, là tôi quả thật hoàn toàn chẳng thấy thắc mắc chút nào chuyện sao lại phải "thiếu rõ ràng" như thế, mà chỉ muốn nói gì đó ngay, và thật dễ nghe, để anh Ngạn không bị cảm thấy khó xử; nhưng anh Ngạn đã ngắt lời tôi:
— Chú Cao đã cẩn thận dặn anh, là không được để em... phải biết tới những chuyện này. Đây là tự anh. — Anh Ngạn nhìn tôi, rồi lại nhìn xuống khoảng tối bên dưới ở phía ngoài sân thượng. — Tại anh lo lắm.
— ...
— Trận bài tuần tới, tiếng là hơn thua có vẻ như nặng về danh dự, nhưng muốn nói thế nào, thì không có tiền, thật nhiều tiền, làm sao chơi được canh bạc như vậy. Đánh kiểu đó, thì tiền tố coi là vô hạn định, và không chỉ để thanh toán, mà trực tiếp là một thứ quân bài luôn. Đó là chưa nói, loại người như họ, có nhiều thứ là quan trọng với người khác, nhưng họ thì sẵn sàng bất chấp; sát phạt tới lúc đỉnh điểm, chỉ cần có chút tỉ lệ cơ hội, là họ sẵn sàng mang cả tay chân mắt mũi ra đặt cược để ép nhau ngay; nếu cần nhiều tiền, cần giấy tờ thế chấp tài sản, đất đai, thì phải có người chống lưng, đảm bảo cho họ về tài chính. — Anh Ngạn thở dài. — Lần này, chú Phiên phải nhờ đến chú Cao.
Lúc về, anh Ngạn bảo tôi:
— Anh về nghen, hảo hán.
Không biết có phải vì là "hảo hán" hay không, mà anh Ngạn về đã được một lúc, tôi vẫn không thấy buồn ngủ chút nào. Bây giờ mà rượu nữa... mồm miệng e đã lợt lạt mất rồi; may vẫn có hai bao Marlboro đỏ dính ở đầu tút, tôi bóc một bao đem ra chỗ hai anh em vừa đứng, ngồi lên gờ bê tông, thõng hai chân ra ngoài, châm thuốc hút.
Hồi còn bé, có lần Hà Nội bị động đất nhẹ, tôi và mấy đứa "chiến hữu" đã háo hức kéo nhau ra trạm xá xem một anh sinh viên Lào bị gãy chân, — anh này đang ngồi "thõng hai chân ra ngoài" trên lan can tầng hai, nên bị rơi tọt xuống lúc động đất.
Sau vụ đấy, bọn trẻ con chúng tôi có xu hướng tranh nhau ngồi "thõng hai chân ra ngoài" ở trên nhà gác hơn, — trẻ con thích mình dũng cảm.
Về sau tôi vẫn hay ngồi như thế, nhưng tôi đã được học toán xác suất, và xác định là con người ta không nên sợ những gì có xác suất rất thấp.
Sau những chuyện lạ lùng xảy ra với tôi, Kốt-xchi-a — vốn cũng đồng quan điểm "không tránh xác suất thấp" với tôi — đã bảo tôi ngay, và rất nghiêm túc, là trường hợp của tôi có khi lại rất phải để ý những xác suất kiểu này. Tôi ừ hữ cho chúng nó đỡ lo, — thực ra, liên quan đến "trường hợp của tôi", đầu óc tôi đã mệt mỏi lắm, hầu như không còn khả năng nghĩ tiếp nữa.
Anh Ngạn đã bảo "loại người như họ".
Có thể nói tất cả mọi người, mỗi người đến một lúc nào đó đều sẽ phải đối mặt với vấn đề mưu sinh. Chú Phiên khi đó, phấn khởi với tài năng bài bạc trời phú của mình, đã nghĩ đấy sẽ là một cách mưu sinh rất tốt. Những người bài bạc cứ việc sát phạt lẫn nhau, ai tính toán giỏi hơn thì thắng, kiếm được tiền, và không làm ảnh hưởng gì đến những người — không bài bạc — khác. Đến lúc hiểu ra việc có thể tồn tại trong giới cờ bạc chỉ với khả năng tính toán thuần túy chân phương, là hoàn toàn viễn tưởng, thì chú Phiên đã phân vân. Nhưng sự phân vân đó, như chú nói, chẳng qua cũng giống như một chiếc lá khô giật mình xoay ngang ra giữa dòng nước chảy. Sau nữa, cứ khách quan mà nói, thì kỳ nghệ đúng là một môn kiến thức tổng hợp bao hàm nhiều hiểu biết tế vi khó thể phủ nhận là tuyệt hay và rất có sức hấp dẫn, — nó là thứ kiến thức "gây nghiện".
Và chú Phiên thì lại đúng là một con nghiện chân chính, thuộc hàng phải lâu lâu mới có một.
Nên "chiếc lá" quả thật không thể dừng lại được, theo đúng nghĩa đen. Nhưng cuối cùng cũng chính nhờ thuộc tính "bất khả dừng" này mà ngành kỳ bẽo mới bị thiếu vắng đi một tay cự phách.
"Chuyện này cũng giống như một người chạy đua," chú Phiên đã kể với tôi, "tới lúc gần cán đích, thì trong thâm tâm lại nổi lên một mong muốn "phá đám" không thể nào kiềm chế được. Cái đó như một thứ bản năng, mạnh hơn mọi năng lực tự chủ. Khi đó mọi cảm giác đều vô cùng linh mẫn, giống như mình có thể làm chủ được mọi thứ, tất cả đều theo ý mình muốn, và việc theo đuổi tới tận cùng thứ cảm giác linh mẫn đó trở thành việc duy nhất mà mình sẽ làm, tất cả những chuyện khác đơn giản là không còn tồn tại nữa.
"Một người chạy đua tới lúc sắp sửa cán đích chợt nhận thấy đó mới là lúc mình đang chạy đúng theo cách chạy mà mình thích nhất từ trước tới giờ, có thể đạt tới tốc độ cao nhất chưa từng có, và điều duy nhất anh ta muốn, ngay lập tức và không thể cưỡng lại được, là chạy theo cách đó và đạt tốc độ. Không còn vạch đích, không còn cuộc thi, không còn đối thủ, không còn kỷ lục, không còn trọng tài, không còn điền, không còn kinh, không còn khán đài...
"Một người chạy đua gần tới đích thì bỏ đường chạy, chạy lung tung khắp sân bãi, lên cả khán đài, quệt ngã mọi thứ trên lộ trình... thì có lẽ sẽ bị nhốt vào nhà thương điên. Còn một tay kỳ bẽo trong một trận chơi lớn... cậu hình dung thử coi."
Tôi lại cười ảo não, nhưng lần này thoải mái hơn, vì được ảo não một cách công khai, không phải âm thầm như lúc đang nghe chuyện.
Chú Phiên, dù là thông tuệ và lịch duyệt thế, nhưng hẳn có nằm mơ thì cũng chẳng bao giờ chú ngờ được, là trong số — chắc rất không nhiều nếu có — những người từng nghe chuyện của chú, thì tôi chính là người hiểu chuyện hơn cả.
Tôi chưa từng coi cuộc sống là thứ đơn giản — nếu có, thì chuyện đó hẳn cũng phải đã lâu lắm. Tôi, một cách rất cá nhân, còn gặp phải — hay gặp được (?) — một chuyện, mà ngay cả con người quảng bác tuyệt vời nhất là thày Đét-lam yêu quý của tôi cũng phải cho là chuyện phức tạp khó hiểu số một. Nhưng ngay lúc này đây, cảm nhận rất rõ ràng là mình đang lều phều trên một bề nước mặt nông choèn còn cuộc sống với những gì đang diễn ra ở quanh tôi là một cái biển không biết còn sâu tới đâu nữa, vẫn gây cho tôi một ấn tượng lạ lùng đến thảng thốt.
Và lẫn trong trực giác "lều phều", chới với vì bị cách tương đối xa những gì — có thể — đang tồn tại ở những chiều sâu và những góc cạnh bên dưới, giữa sự phân vân xa gần thật giả đầy lạ lẫm và vô lý so với các chuẩn mực tôi vẫn quen lấy để định hướng, có một nỗi bất an lúc đầu chỉ rất mơ hồ giống như một nhận thức là nó đang tồn tại đâu đó ở đấy, nhưng rồi nó lớn lên rất nhanh, vượt lên mọi thứ khác, và hầu như tức khắc choán hết tâm trí tôi...
Mai Phương.
Tôi nhìn thấy Mai Phương rất rõ: áo dài trắng, gương mặt trắng xanh đang cáu giận, lông mày nhíu lại, quai hàm động đậy, môi trên nhướng lên... giữa đám đông nhốn nháo... Và tôi chợt hiểu là nỗi bất an thực chất vẫn luôn ở đấy, chỉ là chưa bao giờ tôi nhìn nhận nó một cách rõ ràng và đầy đủ như lúc này.
Trong cái quang cảnh đó, và không có tôi bên cạnh, Mai Phương sẽ thế nào?
Từ trong thâm tâm, ở tôi chưa bao giờ xuất hiện suy nghĩ mình là cái gì đó quan trọng lắm, chưa nói một chỗ dựa gì đó, đối với nó, chỉ đơn giản tôi rất hiểu là nó đã quen với sự có mặt của tôi, — cũng như tôi, với sự có mặt của nó. Tôi luôn thấy thật dễ chịu khi ở bên nó, và nó — chắc — cũng vậy (ít ra tôi chưa từng nhận thấy biểu hiện khác). Như ngay hiện giờ đây, ngày ngày gặp nó, cùng nói những chuyện, cùng làm những việc mà cả hai anh em đều rất quan tâm, và đều có thể — và rất hiểu cách — chia sẻ với nhau, thì cả hai anh em tôi đều thấy thích lắm. Chúng tôi — từ lâu — đã quen như vậy, và hình như cả hai đứa — hay chỉ mình tôi (?) — đều chưa bao giờ nghĩ là đến một ngày nào đó chúng tôi sẽ vĩnh viễn không còn có thể tiếp tục như vậy được nữa. Và đó thực ra là một ngày rất xác định, — độ nửa năm nữa tôi đi, và Mai Phương và tôi...
" Anh... với em sau này cũng thế."
Giật mình, tôi lắc vội đầu mấy cái; hôm ấy nghe nó nói thế, tôi đã phấn khởi về chuyện Sao Hôm, Sao Mai, còn ngay lúc này đây, tôi tuyệt chả còn muốn hôm mai gì sất, — tôi đang thật sự hoảng hốt. Sao có thể thế được? Tôi với nó, và không bao giờ còn gặp, không bao giờ ngồi cạnh, và cầm tay nhau, và ngó nghiêng, nghe ngóng, và rủ rỉ, và cười thích thú nữa? Không, chuyện này... Tôi sẽ bị nhớ nó lắm, sẽ buồn lắm, chuyện buồn này thì tôi đã rất biết...
Đột ngột, như bất ngờ bị đập một cái, tôi bỗng hình dung rõ ràng một chuyện, và hình dung này đã đến cùng với một xúc cảm bối rối sâu xa, — bối rối vì khó xử, khó xử vì không hiểu, và sự không hiểu này, rất cụ thể và trực tiếp, nhắc nhở về một thứ giống như lỗi lầm cá nhân, hoặc là thiếu sót, hay chí ít, là sự kém cỏi trong nhận thức.
Tôi chưa bao giờ thấy lo lắng cho A-nhi-a cả.
Trước giờ, thật vậy, luôn là A-nhi-a lo lắng cho tôi. Sao có thể thế?!
Tất nhiên, tôi sang nước A-nhi-a học, đại khái đã na ná như một người Mèo khăn gói ra Hà Nội học trường Bách Khoa, — một người Mèo, "Giàng A Long", ở Bách Khoa Hà Nội, nói chung, và hoàn toàn đúng đắn thôi, sẽ gây quan tâm hơn so với một người Hà Nội ở Bách Khoa Hà Nội. Rồi còn chuyện những người Mèo ở Hà Nội hay bị công an mang súng đến kiểm tra chỗ ở, kiểm tra giấy tờ, bắt nằm úp mặt xuống đất, hay đứng úp mặt vào tường... Và sau tất cả, là những chuyện rất lạ lùng đã xảy đến với tôi...
Những cái đó không có gì là khó hiểu. Khó hiểu, là tình cảnh "lo lắng đơn phương" này đã tồn tại trong suốt từng ấy thời gian, mà tôi hoàn toàn không hề để ý đến nó.
Chỉ vừa rồi, khi cảm nhận rõ, là nếu phải xa Mai Phương lâu, thì trên tất cả những chuyện buồn, nhớ... ở tôi sự lo lắng bất an sẽ là nỗi niềm lớn nhất, là tôi thật sự muốn luôn có thể ở bên nó vào những lúc cần thiết... thì theo một phản xạ so sánh nào đó, tôi mới chợt ý thức rành mạch đặc trưng vô ưu đến mức thảm hại trong tình cảm của mình đối với A-nhi-a.
Tôi rất muốn nghĩ tiếp chuyện này, nghĩ cho thật ngay ngắn. Nhưng vừa muốn như vậy, vừa thở ra một hơi dài, đuổi hết khói thuốc ở trong phổi ra, thì dường như, cùng với luồng khói thuốc có mùi hơi khen khét, y như đã được thỏa thuận từ trước, mọi kiểu sức lực: cơ học, tinh thần, cảm tính, lý tính... cũng cùng nhau đồng loạt rời bỏ thân thể — và những gì tôi và những người khác đều không nhìn thấy nhưng lúc nào cũng phải luôn có ở đấy, và có liên quan mật thiết với thân thể — tôi. Trùm lên tất cả mọi cảm giác, suy nghĩ, mong muốn.., trùm lên và đè xuống bằng một sức nặng hình như không gì cưỡng lại được, là một sự mỏi mệt vô biên.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...