Chú Phiên gật đầu, nâng chén rượu nhấp một ngụm nhỏ, mím môi thở sâu một hơi, rồi cố định ánh mắt vào tôi, chú hỏi:
— Vậy người khác có thể dạy được không?
Tôi thở dài, — mô-đun "dạy — học" vốn trước giờ chỉ là chương trình sử dụng "nội bộ" của mấy đứa chúng tôi, nên hoàn toàn không có mật mã truy cập gì hết; chưa kể cả hệ thống đều là chúng tôi vừa dùng vừa tự phát triển tiếp, nên dù phần này Kốt-xchi-a làm là chính, nhưng đứa nào cũng cũng có thể mở xuộc-cốt ra mày mò nếu tự thấy cần, rồi nói lại với những đứa khác.
— Người khác có thể sử dụng chương trình dạy, — tôi bảo chú Phiên, — nhưng còn có dạy được không... Chuyện này thực ra rất phức tạp. Nếu không được hướng dẫn... cháu cũng không hình dung là có ai đó lại có thể tự mày mò mà làm được. Chỉ có điều, — tôi thở dài thêm lần nữa, — trên ổ cứng cũng có tài liệu hướng dẫn, không chi tiết lắm, nhưng tương đối đủ về chức năng. A... mà tài liệu không phải bằng tiếng Việt, là tiếng Nga.
Tôi không nói với chú Phiên chuyện có thể sửa trực tiếp xuộc-cốt, — hệ thống này, nói gì thì cũng chi chít những thuật toán đĩnh đạc, có những thứ quả thật không phải ai cũng làm cho chạy ở trên máy tính được, nó không phải chương trình "Chào Thế Giới!", ngay bọn tôi tự đọc lại mã chương trình do chính mình viết, nhiều khi còn chả hiểu gì, nên tôi nghĩ có đứa dở hơi mới đi vùi đầu vào tìm cách "làm chủ" cái đống mã nguồn đấy.
Chú Phiên gật gù, nhưng theo bối cảnh thì chắc không phải là tâm đắc hay tán đồng gì, có lẽ chỉ xác nhận đã nghe đủ nội dung được nói. Rồi chú hỏi:
— Còn những gì đã có, dữ liệu có sẵn đó, đã có gì liên quan tới...
Vừa nói, chú vừa làm động tác xòe bài, nên thấy tôi gật đầu thì chú không nói hết câu.
Tôi lại thở dài, tôi đang nhìn thấy gương mặt thật thà với cặp mắt trong xanh màu nước biển, đang ngơ ngác, — giật mình vì bị làm phân tán bất chợt giữa lúc đang mải lóc đóc với những hàng chữ màu xanh lá cây đang phát sáng dày đặc trên khắp màn hình tối đen, — của chàng Xéc-giô, bạn tôi.
Hệ thống này có "hiểu biết" về bài bạc, dĩ nhiên rồi! Nhưng hiểu biết tới đâu, thì quả thực tôi cũng không biết.
Và tôi vừa thở dài, thực ra là vì "hiểu biết" này của hệ thống, hay vì tôi đang nhớ Xéc-giô, nhớ các bạn của tôi?
Hay còn vì một nguyên do mơ hồ nào khác nữa, mà tôi ít nhiều đã cảm nhận được, có lẽ là theo một cơ chế cảm quan đối lập hay là tương phản nào đó, lúc tôi vừa gặp lại đôi mắt xanh, trong sáng như mắt trẻ con của Xéc-giô?
Vẫn ý thức được như thế là vô lý, nhưng rất rõ ràng, tôi thấy mình như người có lỗi, tôi bảo chú Phiên, mà vẫn nghĩ tiếp về cảm giác thiếu lô-gích này:
— Chú đến phòng máy đi, — tôi nhìn anh Ngạn, không thấy có dấu hiệu phản đối, — cái chương trình ấy tất cả bọn họ cộng lại cũng không bằng cháu, mình có thể vừa sửa, vừa nâng cấp chương trình tập trung vào môn này, và thử nghiệm trước các thứ...
Chú Phiên cười, nụ cười có vẻ vui, nhưng chú lại lắc đầu, xua tay:
— Không cần phải vậy, và không... à không, cậu chớ hiểu lầm, là mới gặp thiệt, nhưng với người như cậu, tôi... tất tần tật sẽ không vòng vo một chút nào hết. Có điều, mình thật sự không cần, và không nên làm như vậy.
— ... — Sao lại "không nên" nhỉ? Tôi thắc mắc lắm, và dù không nói, nhưng biểu hiện chắc là rất rõ ràng.
— Ở đây sẽ có hai chuyện đáng lưu ý. Thứ nhất, đối với hệ thống này, cậu là sư phụ, người khác có ai làm cho hệ thống này hoạt động tốt như cậu được. Còn không thể không tính thêm chuyện về phương diện tâm lý, thì cậu sẽ luôn muốn làm cho nó làm việc càng tốt hơn, đặc điểm tâm lý này không phải lúc nào cũng có thể làm chủ được. Nên nếu cậu giúp tôi làm các thực nghiệm, thì giữa hệ thống thực nghiệm và hệ thống mình phải đối đầu sẽ có một mức độ chênh lệch, và sẽ là theo chiều hướng bất lợi đấy.
Tôi hiểu tinh thần, nhưng chưa kịp suy nghĩ chi tiết để dẫn tới một khẳng định "thông suốt", nhưng tôi vẫn gật đầu, — với tôi, chú Phiên đã là một người rất có uy tín.
— Thứ hai, — tôi gật đầu, chú Phiên mới tiếp, — ở đây mình nên tránh cách tiếp cận trực tiếp "kỹ thuật". Làm như vậy là tự mình chủ động đặt mình vào thế bị động. Chỉ trừ phi bất đắc dĩ lắm, mà tình thế đó, — chú Phiên xua tay, — khi nào mới tới lượt chứ.
Vẫn hiểu là so với một người như chú Phiên, thì về phương diện này, khả năng phân tích của tôi là non nớt, và như thế là hoàn toàn bình thường, nhưng tôi vẫn lúng túng, và tôi thấy mình nói:
— Nhưng đã biết là có ca-mê-ra như thế, thì mình có thể vô hiệu hóa nó bằng cách... om bài... chỉ nhìn chân thôi, hay là... — tôi làm động tác như vừa đè sấp mấy quân bài xuống mặt bàn, vừa vén mép lên xem — một cách kín đáo thôi.
Tôi nói, mà vẫn hình dung được văn cảnh nhuốm màu sắc "luyên thuyên", cầm đèn chạy trước ô-tô của mình. Nhưng chú Phiên theo dõi rất chăm chú, rồi vừa cười một cách thoải mái, vừa gật gật gù gù, chú bảo:
— Có câu "Không muốn người ta biết, trừ phi mình đừng làm". Mình dù không hành nghề, nhưng ít nhiều đã có tham gia, thì nhất cử nhất động đều sẽ lưu lại dấu vết ở nơi này, nơi khác. Họ là kỳ bẽo thứ thiệt, thậm chí... — chú Phiên nhướng mắt một cái — thứ dữ, có gốc có danh có môn có phái, có thực lực hẳn hoi; những nơi đó thể nào cũng dắt dây tới được mạng lưới hành nghề của họ; nếu muốn, họ hoàn toàn có thể thu thập được mọi thông tin, và tìm hiểu về mình. Thói quen của tôi thế nào, tác phong bài bạc ra sao, lúc này có lẽ họ đều đã nắm rõ cả. Chưa nói chuyện mình đối phó một cách lộ liễu, chỉ cần biểu hiện của mình có dấu hiệu ít nhiều sai khác, là họ sẽ cảnh giác đề phòng và thay đổi phương cách đối phó ngay.
— Phải đổi cách, thì họ cũng bị... mất thế rồi.
— Trừ phi tình thế phải phát sinh bất ngờ lắm, còn không, có đổi cách này, cách khác, thì cũng đều là những chiến thuật đã được họ nghiên cứu trù bị trước cả rồi. Cho nên trong trường hợp đó, khả năng người bị động nhất, sẽ là mình.
Thế này không được, thế kia không được... cảm giác giống như người có lỗi lại dâng lên, làm tôi rất không thoải mái. Và không biết có phải chú Phiên đoán được tâm trạng của tôi không, hay đấy là do tôi bị tác động ám thị, nhưng tôi nghe giọng chú Phiên giống như đang an ủi:
— Giờ thì cậu cứ yên tâm. Quan trọng nhất là đã có đủ thông tin, và có thể phân tích để xác định đúng bản chất sự việc. Mà đã xác định được, thì kiểu gì sẽ có cách đối phó. Chỉ còn một điểm mấu chốt, là phải cân nhắc lựa chọn cho được một cách thật sự... — chú Phiên nhún vai, xòe hai tay, nói như thốt lên — Nó phải tựa như một giai nhân vậy!
Trông chú Phiên quả thật đang như một người có tâm trạng thoải mái vì đã giải đáp được hết những thắc mắc, thậm chí đã thông suốt cả cách giải quyết. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, sau cả câu chuyện dài chú đã kể tôi nghe, thì bộ dạng như vậy của chú lại làm tôi lo lắng. Vẫn biết nội tình những chuyện này mình hoàn toàn không thạo, nhưng không kìm được, tôi hỏi:
— Chú Phiên, thực ra chuyện... đánh nhau này có thật cần thiết không ạ?
Chú Phiên tròn mắt nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên, rồi trầm ngâm chút ít, rồi chú nói, thì tôi có cảm giác thực ra chú có sẵn câu trả lời, nhưng đã phải tìm cách để trả lời:
— Cần hay không cần, nên hay không nên, những chuyện này nhiều khi không thể cân nhắc thật... cho đến ngọn nguồn được đâu cậu.
Tôi sợ chú Phiên đã không thật hiểu ý tôi:
— Đúng ra ý cháu là... Nếu chú thắng họ, thì liệu... có gì nguy hiểm không ạ? Ý cháu là... — Bàn tay phải tôi lúng túng làm một điệu bộ chỉ chỉ vào mình, tôi muốn nói đến chuyện "nguy hiểm tính mạng", nhưng thấy khó diễn đạt thẳng ra như thế.
Nhưng chú Phiên có lẽ đã hiểu ngay ý tôi, mặc dù chú không trả lời trực tiếp vào câu hỏi:
— Sau chuyện này, bất kể thắng bại gì, thì chuyện đứng chân ở quận Tư của Trúc Liên Bang cũng đâu thể như trước nữa. — Chú nhìn tôi, như có điều cân nhắc. — Yên ả, ở chừng mực nào đó thì đi một nhẽ. Còn như đã bắt đầu chủ động làm một chuyện có thể gây ra sự chú ý, thì bản chất bạo phát đặc trưng của họ sớm muộn gì... rồi lại chứng nào tật nấy thôi. Mà như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều người khác. "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", Sài Thành này, nói gì thì cũng đâu đã phải chỗ ai muốn vô thì vô, muốn làm chi thì làm?
Ánh sáng lợt lạt, mặt trăng bềnh bệch vẫn còn hơn nửa vầng bên trái, nhưng chỉ hơn được một chút, nên trông rất méo, và vẫn chưa thẳng ở trên đầu. Nghe rõ tiếng gió, nhưng không nghe tiếng xe, — đã một lúc rồi.
Đêm hẳn phải muộn đáng kể.
Sân thượng lát gạch mộc, viên gạch vuông, rộng, hàng gạch sau so le nửa viên so với hàng trước; bụi bặm nhiều phen ướt đi khô lại, và rêu nhiều, nên trông như sân ở nhà cũ, dù nhà này không cũ; mặt sân khô khốc, — cơn mưa hồi chiều đã không quệt vào khu vực này.
Anh Ngạn búng mẩu thuốc xuống chân gờ bê tông — sân thượng này xây không chủ ý để lên sinh hoạt, nên không có lan can, chỉ có một gờ bao bê tông vuông cạnh, dày cỡ tường đôi, có thể hơn, cao tới khoảng nửa bắp chân, viền quanh, — mẩu thuốc đập vào thành bê tông đứng, bật xuống đất, bắn tung tàn đỏ, lăn ra, anh Ngạn đưa mũi giày di di.
Di như thế, chủ yếu không phải để tắt thuốc, — anh Ngạn tiễn tôi lên tận đây, hẳn nhiên không chỉ để hút thuốc và búng đầu lọc vào tường.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...