Lập Trình Viên II (44)

— Hứ... — Nhắm tịt hai mắt, chân mày kéo lại thành một nét hoạt kê, bác Bô-rít vừa cười không thành tiếng nhưng hồng hết cả đôi má bụ bẫm, vừa lắc lắc đầu.

Má vẫn còn hồng lên lúc mắt đã mở dần được ra, bác vừa cười vừa lắc lắc đầu y như thế lúc cánh cửa phòng thí nghiệm Sinh Vật khép lại sau lưng thằng Phê-đi-a — đúng là bác lại không nhịn được cười, chứ không phải bác cố tình "diễn", — và với một thái độ trịnh trọng phải (vì sự hoạt kê vẫn chưa thể hết hẳn) gia tăng thêm bằng một động tác tay chìa ra trước ngực (tay phải, vì tay trái còn xách đàn ghi-ta), bác cất lời, vẫn phải cố giữ để không thành vừa cười vừa nói:
— Tha lỗi cho tôi, thưa thày Vích-to... ờ...
Tức thì, cả bọn lớp tôi quay hết lại, và đồng thanh, cùng nhấn mạnh từng chữ một, kéo dài ra:
— Xi-i-i ghi-i-ít dmu-u-un đô-ô-ô vi-i-ích!
Bác Bô-rít thì chắc không phải một người hay quên, nhưng việc bác luôn bị ngắc ngứ khi phát âm phần phụ danh theo tên cha, của các thày cô trong trường, thì từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng có lẽ đã không còn là của cá nhân bác, mà là của cả trường tôi, đến nỗi bây giờ chắc không phải chỉ có bọn nó, mà ngay cả chính bác Bô-rít cũng tự cảm thấy thích thú với trò xướng họa này.
Nên bác có vẻ hài lòng:
— Phải rồi! Vậy thày cho phép... Ở đây có bốn bạn học sinh này thành ra là...
— Đang tắm nước lạnh! — Một giọng nói ông ổng cất lên, là thằng Gô-sa, thằng ôn vô duyên và nhạt như nước ốc; rồi cũng có mấy đứa cười ồ lên theo.
Bác Bô-rít đưa mắt về phía ấy, nhưng gần như không để ý gì tới thằng ôn:
— ... thành ra là đang vắng mặt trong giờ Sinh Vật. Vậy xin phép thày, để cho các trò này được vào lớp.
Phòng Sinh Vật đại thể thì cũng như các phòng học, nhưng ở trên mỗi mặt bàn học gần như luôn thường trực sẵn một chiếc kính hiển vi, và còn sẽ có các loại những ống với lọ gì đó — thay đổi tùy theo nội dung bài học.
Điểm khác nữa là bàn giáo viên, — bàn này ở đây cao hơn và dài thượt, còn dài hơn cả bảng, nên mặc dù mặt bàn cũng rộng nhưng trông vẫn giống như quầy rượu. Ở đầu cùng bên phải — nhìn từ phía chúng tôi — mặt "quầy", cũng có một cái vòi nhỏ cong cong như cái cán ba-toong nhưng uốn vòng rộng hơn, mạ kền sáng loáng, nhưng chỉ là vòi nước thường, chứ không phải vòi bia. Còn trên mặt quầy cũng có những đồ đựng bằng thủy tinh, nhưng không phải cốc tách hay ly, mà là những bình và lọ có nắp, to bé khác nhau, bên trong ngâm những tiêu bản động thực vật gì đó bằng một thứ dung dịch trong suốt, có thể là cồn, hoặc phoóc-môn, hay một loại chất lỏng bí hiểm nào đó khác. Những lọ này vì sao đó luôn gây cho tôi một cảm giác bệnh hoạn không thoải mái, nên tôi không thích bằng mấy cái hộp mi-ca trong suốt hình chữ nhật, mỗi hộp đựng một bộ xương khô — chắc là làm bằng nhựa, màu ngà ngà, giả vờ là xương — của một trong mấy con: cá, cóc (hoặc ếch), khủng long (bé thôi), chim (hoặc gà, khả năng nhất là gà chọi, vì có chân dài)...
Nhưng thứ mà tôi thích nhìn nhất trong phòng này, là những bức ảnh râu ria, — có hai bức như vậy trong số nhiều ảnh người, thú, chim, cá, cây, cỏ... được treo hoặc dán trên khắp các mặt tường.
Bức thứ nhất là ảnh một ông lão có bộ râu giống hệt Lép Tan-xtôi, và tóc có thể cũng giống, nhưng không nhìn thấy, vì ông đội mũ phớt đen. Nhưng mũi ông nếu so với Lép Tan-xtôi thì lép vế hẳn, và nhìn vào ảnh thì rất có cảm giác là chính vì lý do "mũi bé hơn" này mà ánh mắt ông mặc dù thông minh, nhưng lại mang một nét buồn rười rượi.
Mắt ông lão trong bức ảnh thứ hai thì không hề buồn, dù râu ông chỉ ngắn bằng nửa, có khi chỉ bằng một phần ba, râu Lép Tan-xtôi. Mũi ông cũng không hề to hơn mũi ông buồn rầu, nhưng cái nhìn của ông vui vẻ và sáng suốt, — rất đồng gam với vầng trán rộng và mái tóc bạc trắng chải ngược ra sau, — trông có vẻ như ông hiểu, phấn khởi, và ít nhiều hãnh diện, vì dù rằng râu ông ngắn hơn, nhưng ria mép của ông lại dày dặn, đường nét, và vểnh lên hai bên thật oách, oách hơn nhiều so với cả hai ông kia.
Hình như ông là ông Páp-lốp, còn ông buồn rầu kia là Đác-uyn.
Cứ theo một cách "râu tóc" mà nói, thì thực ra ở trong phòng này còn có một ông râu tóc nữa, mà theo một cách cục bộ, thì còn nổi tiếng hơn cả hai ông kia, — ông này là ông Vích-to Xi-ghít-dmun-đô-vích, thường gọi là ông Vích-to "Kinh Kông", chính là ông thày dạy Sinh Vật quý hóa của chúng tôi.
Tuổi ngoại tứ tuần, hầu như luôn mặc những bộ vét may bằng loại vải dày sẫm màu và không cài cúc áo, với những chiếc sơ mi màu sáng nhưng không phải trắng, và không thắt cà-vạt; tóc nâu, dày, vừa đủ bờm xờm (dù đã chải) kín tai, kín gáy; lúc nào cũng đầy đủ cả ria lẫn râu quai nón, đều cùng màu với tóc, râu dài đủ để mượt, ôm lấy quai hàm; ông Vích-to "Kinh Kông" thật ra là một thày giáo giỏi. Ở gần như bất kỳ một trường nào đó khác, hẳn ông hoàn toàn có thể trở thành một nhân vật danh giá. Nhưng ở trường này, một cách hồn nhiên trong sáng và đầy oan ức, tự dưng ông bị rơi vào cảnh lấy lẽ. Ở đây, chỉ trừ loại dở thằng dở ông, đang học phổ thông đã hì hục tính chuyện xây dựng "sự nghiệp", kiểu như thằng ôn Lu-ka, còn tất cả những đứa khác thì chả đứa nào coi môn Sinh Vật của ông "Kinh Kông" là môn học chính hết, — ngay thằng "thần đồng" Giê-nhi-a cũng không phải ngoại lệ.
Còn ông "Kinh Kông", nếu như để Phi Long nhận xét, thì sẽ là loại người "Chất thắng văn tắc dã", — khi mà chất phác thì nhiều, còn văn nhã thì ít, thì con người thành ra cục mịch và thô kệch.
Người như thế mà ở vào chỗ thuần phác thì có khi cũng ổn, nhưng nếu lại bị "kẻ đắp chăn — kẻ lạnh lùng", thì sẽ dễ có những biểu hiện đơn giản và cụ thể nhất của sự tức giận, và nếu chuyện đó kéo dài, thì con người ấy dễ trở thành lỗ mãng và ưa mỉa mai.
Được cái ông "Kinh Kông" nói gì thì cũng là thày giáo, nên ông không bị lỗ mãng trong điều kiện thông thường.
Lúc ấy, đứng đúng chính giữa, phía sau "quầy ba", ông "Kinh Kông", thày Vích-to đã có vẻ cáu, — chắc vì hôm nay thày đã không làm thủ tục điểm danh, — nhưng thày vẫn giữ được một ngữ điệu tương đối ôn tồn:
— Tại sao lại "thành ra" như vậy, hả bác Bô-rít? — Thày nhấn mạnh hai chữ "thành ra".
Thái độ của bác Bô-rít giống như một nhân viên đang báo cáo tiến độ công việc với thủ trưởng:
— Theo như hiện trạng... tức là hiện trường, và theo như tự khai của họ, thì em này... học trò này — bác Bô-rít, đã chuyển cây ghi-ta qua tay phải, đứng tránh một chút sang trái, đưa tay trái chỉ rõ vào tôi — đã giảng bài giảng về âm nhạc.
— Vậy ư? — Thày Vích-to rõ ràng đang cố tạo ra một vẻ tiếc rẻ kịch tính. — Có cần phải thế không?! Đáng bực thật, khi hai bài giảng của chúng ta lại trùng thời gian, đồng chí đồng nghiệp thân mến! Bây giờ hay là... đồng chí sẽ làm quen chúng tôi với đề cương bài giảng của đồng chí, hay đồng chí sẽ tham gia vào giờ học của chúng tôi?
Trong suy nghĩ của tôi lúc này, tôi đang thấy cái nhìn trầm tĩnh của anh An-tôn tôi, tôi đáp, giọng lạnh nhạt:
— Sẽ tham gia.
— Cảm ơn đồng chí nhiều, — thày Vích-to, chắc đã phải ít nhiều cụt hứng vì vẻ điềm nhiên của tôi, nhưng vẫn tiếp tục diễn, — đồng chí không hình dung được tôi mừng đến thế nào đâu! Vậy mời... các đồng chí ổn định chỗ ngồi.
Bác Bô-rít nhìn thày Vích-to, nét mặt bác rất tươi tỉnh, nhưng sẽ khó hình dung được đấy là do mọi chuyện này có vẻ như đã có một kết cục ổn thỏa, hay vì lúc này, cuối cùng bác lại đã có thể quay trở lại với trò xướng họa mà bác vốn yêu thích:
— Một lần nữa, xin lỗi đã làm phiền thày, thưa thày Vích-to... ờ...
— Xi-i-i ghi-i-ít dmu-u-un đô-ô-ô vi-i-ích! — Bọn lớp tôi lại đồng thanh.
— Vâng, đúng như vậy! — Hài lòng ra mặt, bác Bô-rít xách cây ghi-ta "mậu dịch" của thằng Mê-chi-a rời khỏi phòng học.
Với tâm trạng của một "đồng chí đồng nghiệp thân mến", ở tôi lúc này, mọi thứ đều ít nhiều bị thong thả hơn so với bình thường, nên khi tôi nhìn quanh để "ổn định chỗ ngồi", thì ở đằng trước chỉ còn lại có một chỗ trống, — bên phải, bàn thứ hai, dãy trong cùng. Vẫn còn các chỗ khác phía mạn cuối lớp, nhưng như hiện tại mà nói, thì đương nhiên chả đời nào mà tôi lại chịu "lẩn" xuống dưới đấy cả.
Hơn nữa, còn có người đang nhô bàn tay lên để chỉ chỗ cho tôi, — Cla-ra đang ngồi bên trái, bàn đầu, ngay trên bàn kia, cùng với một đứa nữa là cái Na-ta-sa. Hai đứa này mà ngồi cùng, thì chuyện cứ phải là như ngô rang pháo nổ, — ngồi sờ sờ ra ở ngay bàn đầu, nhưng lại giúi vào góc trong như thế, là cả một chiến thuật.
Vậy là trước mặt tôi là Na-ta-sa, Cla-ra, sau lưng là thằng Lu-ka, với cái Lu-i-da, còn cạnh tôi, thì là con bé nhà quê Ta-nhi-a Pê-tờ-rốp-na.
Tôi mới ngồi xuống, thì nghe giọng con gái từ đằng sau:
— Làm ơn cho hỏi, muốn nghe bài giảng của ngài, thì phải ghi danh ở đâu, thưa giáo sư?
Tôi thong thả quay lại, nhìn đứa vừa léo nhéo (cái Lu-i-da), thì thấy cái Ta-nhi-a đã quay lại trước tôi, và cũng đang nhìn đứa kia; tôi quay lại thì nó chuyển cái nhìn sang tôi, rồi mắt nó có một vẻ sợ sệt, — chắc là cách tôi nhìn con kia không được hiền lành cho lắm.
Lu-i-da là một con bé xinh xắn có mái tóc vàng sáng chớm vai, đường ngôi rẽ ở giữa, cả đuôi tóc phía dưới và tóc mái đều ôm vào trong, tròn tròn; hình như nó con nhà giàu, và nó có vẻ khôn ranh. Lúc này tôi trông nó như một bà già tinh quái. Tôi cất giọng khinh mạn:
— Ghi cái gì, ranh con!
Cặp mắt ốc của nó — đang phấn khởi với trò đùa của mình — lập tức đờ ra, nó vội hít một hơi dài, như vừa bị dìm nước, — cả đời nó chắc chưa bao giờ bị kém vỗ về đến như vậy. Ánh mắt nó rụt lại, sượng sùng, rồi lấm lét chuyển sang thằng Lu-ka đang ngồi bên cạnh.
Tôi vừa quay lên, thì nghe thằng kia nói, — sau lưng, nhưng tôi cũng hình dung ra cái vẻ chững chạc và đầy tự tin của thằng ôn:
— Thưa ngài nhạc trưởng, tại cơ sở đào tạo của chúng ta, kiểu đối đãi như vậy với phái đẹp không được khuyến khích đâu.
Chậm rãi quay lại, nhìn thấy cặp môi dày của nó, nghĩ đến khóe miệng giống hệt A-lanh Đê-lông của mình, tôi cười khảy một cái bằng mũi, rồi khẽ lắc đầu một cách ngạo mạn, tôi lẳng lặng quay lên.
Nhưng tôi còn chưa kịp thưởng thức hết cảm giác hài lòng, thì đã nghe từ phía sau quầy ba vọng xuống:
— À... còn tên họ của đồng chí là gì, thưa giáo sư?
Nhìn lên bảng, tôi biết ngay là chuyện này rốt cục vẫn chưa thể chấm dứt ở đây.
Ở phía bên phải, cách mép bảng một quãng, đã có bốn hình người to khoảng gần bằng bàn tay, được vẽ viền bằng phấn trắng, — theo kiểu vẽ bóng người, có đầu tròn và chân tay tù, như trên biển báo giao thông (hay trên cửa toa-lét công cộng?), bốn hình xếp dọc từ trên xuống. Bên cạnh (bên phải) mỗi hình, tính từ dưới lên, lần lượt (đã) là "Va-rva-rin", "Ko-ren-nhép", "Xa-vít-xki", — tên họ của các thằng Mê-chi-a, Giê-nhi-a, và Phê-đi-a.
Đang gí cục phấn vào bên cạnh hình "thằng người" trên cùng, và chăm chú nhìn tôi, quả thật khó hình dung là lão Vích-to này còn muốn giở thêm trò ngớ ngẩn gì nữa.
Lão nói "thưa giáo sư", thì xung quanh có nhiều đứa cười ồ lên. Tôi thong thả đứng dậy, (cũng) chăm chú nhìn lão, nhưng không nói gì.
Cứ đứng nhìn nhau với học sinh như thế, ắt là vô duyên, nên lão quay sang dãy bên kia, và hỏi bằng ngữ điệu cố làm ra vẻ hóm hỉnh:
— Xa-vít-xki, đồng chí làm ơn nhắc đồng chí giáo sư, xem tên họ của đồng chí ấy là gì.
Thằng Phê-đi-a đứng ngay dậy...

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...