Lập Trình Viên II (45)

Thằng Phê-đi-a đứng ngay dậy...

Lập tức tôi có một cảm giác vui vui, nhưng mới nhìn mặt nó, thì tôi phải vội vàng lên tiếng ngay, — nếu như cần phải "chơi cứng", thì tốt nhất nên để tôi:
— Thưa thày Vích-to Xi-ghít-dmun-đô-vích, — đúng là tôi chẳng có cảm xúc gì cả, khi bắt đầu gọi tên lão này, — sao thày không hỏi em một cách đơn giản, đúng như một thày giáo, hỏi một học sinh, ạ?
Lão Vích-to có vẻ như chỉ chờ có thế:
— À, là tại sau sự kiện quen biết trực quan và ngắn ngủi vừa rồi, em đã gây cho tôi một ấn tượng không hề đơn giản.
Tôi nhìn lão:
— Tên họ em là Grút-skốp.
— À, có phải em... là học sinh... ở chỗ khác chuyển về đây?
— Dạ đúng, trước em học...
— Tôi hiểu, tôi hiểu rồi... — Lão ngắt lời tôi. — Vậy là ở trường cũ, em đã quen tiêu khiển theo cách như vừa rồi?
— Thưa thày, đấy không phải là tiêu khiển ạ.
Lão dang hai tay:
— Tôi hiểu, tôi hiểu... Nhưng chúng tôi ở đây không quen giải trí theo lối vô tổ chức như vậy. Em ngồi xuống... — Lão hướng ngón trỏ tay trái về phía thằng Phê-đi-a, rồi chúc ngón tay, nhấn một cái, chỉ xuống đất. — Xa-vít-xki, ngồi xuống.
Tất cả những chuyện đứng lên ngồi xuống và đối đáp của tôi đều diễn ra trong sự quan hoài sâu xa của Cla-ra, — nó đã ngồi quay hẳn lại, dõi nhìn tôi chăm chú. Còn tôi đã phải cố không nhìn nó, cũng như không nhìn vào bất kỳ chỗ nào xung quanh, — nhìn như thế nói gì thì cũng sẽ gây nên một ngữ cảnh "cầu viện".
Còn bây giờ mà không nhìn thì lại tệ.
Tôi quay về phía nó, nó liền nghiêng đầu nhẹ một cái sang phải, rồi ghếch mắt về phía bên trái, — lão Vích-to đang cặm cụi viết tên họ của tôi, "Grút-skốp", vào chỗ còn trống bên cạnh hình thằng người trên cùng, ở trên bảng, — nó nhăn mũi một cái, vẻ đầy khó chịu. Tôi nhìn nó, cười mỉm, rồi, cũng ghếch mắt về phía lão Vích-to, tôi chuyển nụ cười ấy thành một nụ cười nhếch mép đầy khiêu khích, rồi lại nhìn nó, tôi gật đầu hai phát; nó nở nụ cười rất tươi, dù là không thành tiếng, rồi vui vẻ quay lên.
Nhớ đến vẻ sợ sệt ban nãy của cái Ta-nhi-a, thấy buồn cười ở trong bụng, tôi quay sang nhìn nó. Nhưng nó, giống như đã quên hẳn những chuyện lủng củng vừa rồi, — và sự có mặt của tôi bên cạnh, — đã đang cắm cúi làm gì đó với một chiếc lọ đựng nước.
Hóa ra tóc nó bản chất là có màu cỏ khô, tức là lạt hơn, so với trong ý nghĩ của tôi, — vì cái đuôi sam dày như một bông lúa mì to và chín của nó thỉnh thoảng lọt vào trong vùng mắt tôi nhìn. Bây giờ nhìn nghiêng thì không rõ nữa, nhưng từ lúc cùng quay lại bàn sau, tôi đã nhớ được như in là mắt nó trong lắm, và cực kỳ xanh, mà xanh hơi lạ, xanh như chỗ sọc đậm nhất trên vỏ của một quả dưa hấu (mà phải là dưa già khụ), nhưng còn thẫm hơn, sẫm hẳn lại, nên có thể sẽ có một ý nghĩ mang máng, như đấy là một màu sắc phi tự nhiên, — cho nên tôi mới dễ nhớ ngay, và nhớ rõ như thế, có lẽ thế. Má của nó, da mỏng và trắng và rất mịn màng; khóe miệng nó hơi hé mở, không biết có cười tí nào thật không, nhưng trông tươi như cười; mắt nó chăm chú, lông mi cong cong và nhìn nghiêng thế này thì thấy mát rười rượi (chắc vì dày, nhưng chắc không chỉ vì dày), lông mày nó vẽ thành một nét hơi gãy nho nhỏ vì nó đang nhíu mày lại một chút, cả mi và mày đều cùng một tông màu như tóc, nhưng đậm đà hơn...
Tôi đang tự khen mũi nó xinh và ngây thơ, thì bất ngờ nó quay lại.
Theo một phản xạ nào đó rất nhanh, tôi đã nghĩ ngay là mặt nó bây giờ sẽ phải đỏ lên. Nhưng trái với suy nghĩ đầy "kẻ cả" của tôi, nó nhìn thẳng vào tôi bằng một ánh mắt yên bình, trong vắt, ở trong đấy dường như đang khe khẽ xôn xao những tia sáng thanh thanh nhè nhẹ... Hay tại tôi và nó đang ngồi theo hướng cửa sổ, và ở ngoài kia đang là một ngày đông trong sáng, và tôi vừa chui ở trong phòng tối ra... đằng nào thì tôi cũng sẽ không phân biệt được, — tôi đang bị bối rối rất nặng nề...
Còn nó, trông thì "Thiện tai!" thế, hóa ra lại ác... mà cái kiểu "đánh người ngã ngựa" thế này, thì phải gọi là cùng hung cực ác: Trong lúc tôi đang phải rất cố để — và cố hy vọng là — niềm bối rối của mình không bị "lên sóng truyền hình", thì nó nhoẻn cười với tôi, — cười có một ít thôi, nhưng nom duyên kinh khủng. Tức thì sống chết mặc bay, — đê vỡ tan tành! Hai bên cổ tôi rôm cắn râm ran, mặt tôi hẳn phải đỏ vụt lên, nhục quá... may quá, nó chỉ cười mỉm một cái... một cú nốc-ao vùi dập như thế, rồi quay đi ngay, lại tiếp tục chăm chú với cái lọ đựng nước bằng thủy tinh của nó.
Nhưng nội tình tôi vẫn tiếp tục nhốn nháo toàn diện, — liệu nó có phải là đang chăm chú thật không đây, hay là nó lại đang có những suy luận xoi mói nào đó có trời mà biết ở bọn con gái, về cái bộ dạng lục thần vô chủ, ngẩn ngơ (chắc là) đến tội nghiệp của tôi...
— Trong lịch sử đầy biến động của khoa học, — vẻ như rất hài lòng vì đã bôi bôi trát trát hoàn chỉnh được bốn "thằng người" với tên họ đầy đủ (chuyện này hẳn đã phải gây được những xúc cảm khoan khoái bệnh hoạn và cục bộ), lão Vích-to đang thăng hoa với "khoa học" Sinh Vật của lão, — những khái niệm mới đôi khi nảy sinh một cách hoàn toàn tình cờ...
Đang dang rộng hai cánh tay dài thô kệch để giúp cho "khoa học" Sinh Vật thêm sinh động, chợt lão dừng phắt lại, mắt lão trố ra như đang gặp được một điều kỳ thú, miệng lão cười, trông vui vẻ, nhưng đầy nét gian:
— Cô... vâng, thưa cô Đa-ra-phê-ép-va!
Những lời này của lão vang lên với âm hưởng của một tiếng sập cầu dao, khiến cho cả hai cái đài đang rôm rả một cách có kiềm chế — nhưng e có phần tin tưởng thái quá về năng lực tự điều chỉnh vô-lum — ở ngay trước mặt tôi, ngay tức khắc bỗng trở nên câm lặng không khác gì là hai mớ sắt phế liệu.
Năm nay Cla-ra lớn phổng hẳn lên nhưng tóc vẫn tiếp tục dài quá vai, mái tóc có màu quả thông khô và kể cả có buộc lại hay không thì trông vẫn rất là xốp ấy lúc này đang xõa gần hết sang phía mái đầu bên trái, — tóc xõa như vậy, đầu ngoảnh sang phải, khuỷu tay trái trên mặt bàn, những ngón tay trái lùa vào khu vực tai và chân tóc ở thái dương, rồi ngả đầu lên bàn tay ấy, đấy vốn là một tư thế "nói chuyện riêng trong giờ học" thuộc hàng kinh điển, (cái Na-ta-sa cũng đang "kinh điển" theo chiều ngược lại).
Bị tóm cổ và "tắt đài" như thế, nhưng Cla-ra quả không hổ là "thân trải trăm trận", — thong thả một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, tuyệt không bất thường trong cử động, nó quay mặt về phía quầy ba, hàng mi dài không trang điểm chớp chớp mấy cái, rồi mở to cặp mắt màu dưa chuột muối (mắt Cla-ra hay cái là ngay cả lúc mở to, trông vẫn có vẻ như hơi nheo nheo), nó ngước nhìn lão Vích-to không khác gì là Xcác-lét đang ngước nhìn Rét Bất-lơ.
Nhưng Rét Bất-lơ bảo:
— Đây là nội dung bài học lần trước, cô hãy cho chúng tôi biết, tại sao những nốt sần ni-tơ lại bám vào rễ cây?
Xcác-lét nói gì đây?
Xcác-lét cắn môi, rồi — giống như — nhoẻn cười, "cho biết":
— H... có thể là... Tình yêu ạ!
Gái quá! — Có lẽ không khí láo nháo, và, nói gì thì nói, dù là theo một cách lạt lẽo và gượng gạo, vẫn ít nhiều có sắc thái hài hước, đã làm cho nó sinh chủ quan mà không hình dung ra bản chất đầy gian nguy của hoàn cảnh... Thật là nhờn không phải lúc!
Bọn nó cười ồ hết cả lên.
Nhưng lão Vích-to rõ ràng đã không lường tới tình huống này, — lão bị bất ngờ, mặt lão nghệt ra, rồi lão giương mắt lên, hỏi lại:
— Tình yêu?!
— ...
— Đa-ra-phê-ép-va, em hãy giải thích rõ hơn. Rất có thể, là còn có những điều gì đó giữa các nốt sần và rễ cây, mà em biết, còn chúng tôi thì không.
Có vẻ như lão Vích-to đã cố làm chủ được tình thế, còn Cla-ra thì bắt đầu hoảng, — nó vẫn cười cười, nhưng gượng gạo:
— Dạ, không ạ.
— Em không biết? Phải rồi, em không biết câu trả lời, vì trong giờ học em đã không chú ý nghe giảng. Đa-ra-phê-ép-va, hai điểm!
Tôi thở phào, — thực ra tôi đã ang áng đến một kết cục bi thảm hơn. Còn Cla-ra, có lẽ nó vẫn nghĩ chuyện này sẽ không nhất định là phải dẫn đến một kết cục không có hậu nào đó, nên nó đã bị bất ngờ; nhưng bất ngờ thì cứ bất ngờ thôi, chứ hai điểm Sinh Vật ở trường này, nói chung sẽ khó có thể khiến cho loại như Cla-ra phải cóng, — nên nhìn lão Vích-to và nhún nhẹ vai một cái, nét mặt nó thật ra đúng là còn có những dấu hiệu vui vẻ.
— Trở lại với bài học ngày hôm nay, đã có đủ nhiều những sự lẫn lộn về một vấn đề lớn của Sinh Vật học: Vấn đề sinh sản vô tính. — Sau khi cho được một điểm hai, có vẻ lão Vích-to đang hưng phấn tợn. — Có em nào ở đây có thể cho tôi biết, ai đã là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về sự sinh sản vô tính..?
Tự bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ với chính bản thân, tôi thấy từ miệng mình đã văng ra hai từ.
Nhỏ, gần như lẩm bẩm thôi, nhưng cái Ta-nhi-a ngồi cạnh tôi đã vội vàng cúi mặt xuống, mím môi lại, và má nó hồng lên rất nhanh, còn ở bàn trên, cơ khổ, hai đứa Na-ta-sa và Cla-ra thì gần như ngay tức khắc đã rung hết cả người lên. Mà cười như thế... thậm chí còn nhanh hơn ý nghĩ của tôi, cái Na-ta-sa vừa "phì phì...", thì Cla-ra đã phát thành tiếng ròn tan.
"Sinh sản", — đang viết (chắc thế) dở tiêu đề "Sinh sản vô tính" lên bảng, lão Vích-to vội vàng quay lại:
— Ai đang cười gì vậy..? Đa-ra-phê-ép-va, có gì đáng buồn cười ở đây?!
Vậy là xẵng giọng thật? — Đến như thế này thì lão Vích-to hẳn không còn mảy may khát khao sáng tạo thêm ra một ngữ cảnh hài hước châm biếm dớ dẩn nào đó của lão nữa.
Còn Cla-ra thì phải hết nhờn rồi, nhưng... tôi nhớ anh Xéc-giô có lần từng quả quyết rằng cười là theo một cơ chế thần kinh thực vật, còn anh Kốt-xchi-a lại khẳng định đấy là do vô thức, hai người cãi nhau, thì Phi Long, theo thói quen mà anh vốn ưa thích, bèn lôi giấy bút ra, hì hục ngồi vẽ một cái lưu đồ "cười" tương đối phức tạp theo quan điểm của mình, cãi nhau như vậy thì nói chung sẽ không dẫn đến một kết luận nào, hay đúng hơn, sẽ dẫn đến ba kết luận liền, nhưng cười, rốt cuộc, cho dù về bản chất có là theo cơ chế nào đi nữa, thì trong đấy cũng đều sẽ có những khu vực mà người ta không thể tự điều khiển được... cho nên Cla-ra có cố lắm thì cũng chỉ có thể dừng lại được một tí ti, và rất gượng gạo, rồi lại tiếp tục cười thành tiếng, mà còn ròn rã hơn.
Nhưng nó vẫn hình dung được cười như thế thì sẽ buồn cười, nên nó bị khó xử, và nó nhìn xuống mặt bàn, nhìn lên bảng, rồi lại nhìn xuống, rồi — là tất lẽ dĩ ngẫu thôi — nó đưa mắt về phía "đồng chí nấp trong đống rơm", tức là tôi...
— Vậy đấy! — Không rõ "Vậy đấy!" này là lão nói với Cla-ra, hay với tôi nữa. — Được rồi... Grút-skốp, có thể cậu sẽ cho chúng tôi biết, ai là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về sinh sản vô tính?
Là lão tự chuốc lấy thôi... bọn Cla-ra, Na-ta-sa, và — nhất là (?) — Ta-nhi-a đều đã nghe rõ cả, tôi còn làm gì khác được... ai bảo lão thích hỏi đích danh?
Nên tôi thản nhiên, giương mắt nhìn lão, và nhắc lại hai từ kia, nhưng theo ngữ điệu câu hỏi:
— Vợ thày?
Tức thì, ầm lên một cái, bọn lớp tôi nhất loạt cười phá ra như vỡ chợ, tiếng thằng ôn Gô-sa nghe còn rõ hẳn "Ha ha..."
— Grút-skốp! — Phản ứng chậm hơn một nhịp so với học sinh, lão Vích-to xỉa ngón tay chỉ thẳng vào mặt tôi, rồi xỉa ra cửa. — Ra khỏi lớp! Hai điểm! Ra khỏi lớp ngay!!

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...