Lập Trình Viên II (33)

Và tôi biết giọng hát này.

Cho nên tôi rất ngạc nhiên, — giọng này vốn là không bao giờ hát tiếng nước ngoài.

Bài trước là nữ hát. Hát xong, cô ca sĩ gầy gầy, có gương mặt xương xương, và mái tóc dài quá vai, xoăn "quấn đũa", bồng lên xôm xốp, cứ đứng lại nguyên tại chỗ. Cô mặc một cái váy trần hai vai, vải đen mỏng, dài gần đến đầu gối; đội một chiếc mũ nan rộng vành, nhưng chỗ đội vào đầu có hình dạng giống như mũ phớt; đi một đôi ủng da màu vàng, ống hơi rộng rộng, và có những dây da và tua da trang trí.

Cô cứ đứng đấy, chuyển chân trụ, mắt nhìn không vào đâu cả, và làm điệu; còn giọng nam đang hát bài này thì phải lượn lờ xung quanh, và ve vãn cô. Tùy hứng, cô bước vài bước, chuyển qua chỗ khác, thì anh kia lại vội vàng bám theo.

Nhưng bây giờ cô lại đang di chuyển, và anh không đuổi theo cô nữa, — cô len lỏi đi về phía trong gian trên kia, vừa bước những bước uyển chuyển, vừa duyên dáng khoát tay làm điệu bộ giống như cô đang mặc một chiếc váy di-gan nhiều nếp, sặc sỡ, quét đất, và cô đang cầm gấu váy tốc lên theo một vũ điệu di-gan nào đó; có tiếng vỗ tay ở trên đấy, nhưng lúc này tôi bị khuất không nhìn thấy cô; vắng đi một lát, rồi cô xuất hiện ở phía đầu cầu thang, "xách váy" men theo những bậc thang, đi xuống tầng một; ban nhạc có vẻ bắt đầu chơi ngẫu hứng, và ở dưới này, có vài người cũng vỗ tay.

Nhưng cô đi qua họ, đến thẳng bàn chúng tôi, nhìn chúng tôi từ trên xuống — cô cao ra phết, — và giữ nguyên cái nhìn như vậy, nhún chân chứ không cúi lưng, cô đặt xuống trước mặt chúng tôi cái đĩa cô đã cầm trên tay từ lúc cô xuất hiện trở lại ở trên kia.

Trên đĩa có những lát dưa chuột muối to, trong mờ mờ, xếp van vát lên nhau, và những miếng thịt mỏng màu vàng cam nhàn nhạt nhưng ưng ửng, — là thịt cá hồi, chắc là muối.

— Đây là món mời, để uống với... — cô búng nhẹ móng tay dài vào chỗ bị râu tóc che khuất nhưng bên trong phải là tai của Rasputin, ở trên cổ chai — rượu vốt-ka.

Giọng cô không trong, nhưng thanh thanh, và vui, nhưng mặt cô, ngoài môi ra thì chẳng có chỗ nào động đậy cả.

Không phải chủ xị, cũng không thạo ở đây, nên tôi chỉ đưa mắt nhìn anh Quân, thì thấy anh đã điềm nhiên thò tay bốc hai lát dưa chuột muối, đưa lên miệng cắn "cặp díp" một miếng gần nửa, nhíu mày, hít vào một hơi, rồi nhai ngon lành, nhìn cô gái, cười cười, gật gù, có vẻ thích thú lắm, nhưng vẫn không nói gì cả; nên tôi nhìn cô:

— Hồng Ma-la-ga... có uống với bọn anh một...

Tự nhiên tôi không biết gọi cái cốc nhỏ hình trụ trơn trên dưới bằng nhau, bằng thủy tinh trong suốt này — hay đúng hơn: cái lượng rượu sẽ đựng trong cái cốc ấy — là gì, vì nó nhỏ hẳn hơn so với cái "xtốp-ka", là cái cốc đựng một "phát" vốt-ka chuẩn (một trăm gam) mà tôi với Xéc-giô vẫn dùng; nên tôi chỉ nâng cốc rượu đang đầy nguyên của tôi lên lưng chừng, và đưa mắt nhìn cô.

Vẫn "không động đậy", cô lẳng lặng đón lấy cốc rượu trên tay tôi, đưa lên miệng; tôi trố mắt nhìn theo tay cô, — thì tôi mời cô, vì tôi chỉ có mỗi thứ này để mời, nhưng con gái, ở Việt Nam, mà uống vốt-ka "ực" như thế này, kể cả là không phải cốc một trăm...

Nhưng cốc rượu đã dừng lại ở ngay trước bờ môi đậm đà; cô nhăn mũi, duyên dáng quay mặt qua một bên, vội vàng đặt lại cốc rượu xuống bàn, rồi cười thoải mái ra một nụ rộng rãi, để lộ toàn bộ những chiếc răng ở phía trước và hơi chếch hai bên của hàm răng trắng đều tăm tắp, trừ một chiếc khểnh ở ngách miệng phía trên, bên phải.

Tôi vừa phì cười theo cô, thì bị hơi bất ngờ vì bàn tay cô — xương xương, cứng cáp — đã nắm lấy bàn tay tôi.

Nhìn bạo dạn thẳng vào mắt tôi, tiếp tục cười, nhưng vẫn không nói gì, cô hơi nâng bàn tay ấy lên, còn bàn tay kia cô ngửa ra, — một động tác mời. Tôi không hiểu cô muốn gì, nhưng mắt cô đẹp, và tôi cứ đứng lên mà không hề để ý đến chuyện đứng lên ấy.

Xung quanh có người vỗ tay, và cô dẫn tôi len lỏi giữa họ, đi về phía lối lên tầng hai; đến nơi, cô quay lại, đối diện với tôi, chuyển sang đi giật lùi, cô kéo tôi lên cầu thang, làm tôi vừa bước lên những bậc thang không đều, vừa phải chuẩn bị tinh thần để can thiệp, — nhỡ cô có thể lùi ra ngoài thang, vì thang này trụi thùi lụi, không hề có tay vịn.

È-rè lìn-ín-... — giọng hát nam lại đầy uẩn ức chuyển vút sang một cao độ "giả", nằm ở cao hơn vùng tần số âm thanh của giọng nói bình thường, rồi cứ tiếp tục ngân rất dài ở nốt rất cao ấy; và chắc là theo phản xạ tự nhiên khi nghe một bài nhạc đến chỗ cao trào, cô gái đi phía trước tôi lại vung cánh tay không bị bận kéo tay người khác, làm động tác như đang phe phẩy một vạt váy rộng tưởng tượng, chúng tôi đã đang ở trên tầng hai, — ...-đá i-e-chi-xê-ra-à e-re lin-đa i-e-chì-xề-ê-ra... ("Em thật xinh đẹp và đầy ma lực, em thật xinh đẹp và đầy ma lực...")

Cô gái dẫn tôi đến trước "sân khấu", thì giọng ca, một lần nữa, lại vừa đến chỗ "ai oán", lần này là hát "vo", không có nhạc đệm:

Cồ-mồ èn can-đô-ố-ố-... — trống đánh: "bùm chát bùm chát chát bùm chát chát bùm chát bùm!", kết gọn, dứt khoát, — đề ú-na rô-ô-ồ-xà-à...à, ("Như sự ngây thơ trong trắng của một bông hồng"), — nhạc kết: "té te, tè té te, tẻ te!", cũng gọn và dứt khoát.

Tiếng vỗ tay rộn lên khắp trên dưới.

Ca sĩ nở một nụ cười rạng rỡ, dang rộng hai cánh tay chếch về phía trước và phía trên, — một động tác đa nghĩa: chào, cùng hưởng ứng, tự hưởng ứng...

Và anh xoay nguyên như vậy về phía tôi.

Chiếc mũ anh đang đội trên đầu có vành rất rộng và hơi uốn cong đều lên, lại đội ngửa lên nữa, nên cả phần vành mũ bên dưới phô hết ra, màu đen "cẩm y", mép vành có viền (chắc là đính những hạt nhỏ gì đó, vì trông không mịn đều) lấp lánh; có, theo tỷ lệ phân bố đều thì chắc là sáu "viên kim cương" to bự (cũng làm bằng chất liệu gì đó cứng và lấp lánh, bẹt, hình "rô" ở quân bài tú-lơ-khơ), đính ở mặt dưới này của vành mũ, hướng từ tâm ra ngoài.

Nên mặt người đội mũ ở giữa trông như mặt trời, có điều "mặt trời" như vậy thì sẽ không được tròn trịa và bụ bẫm cho lắm.

Vì khuôn mặt này rất thanh tú, mắt rõ ràng và sáng, mũi dọc dừa, miệng đẹp và cởi mở.

Mũ rộng vành này chắc là Me-ri-a-chi, nhưng áo quần thì hình như không phải.

Áo là sơ-mi dài tay, may bằng loại vải bóng, mềm nhưng hình như không mỏng, cổ áo rộng và hồ cứng, màu nâu non nhàn nhạt, tay áo đen "cẩm y", cài măng-sết, hai vạt áo đằng trước cùng màu với cổ áo; quần ống rộng, cũng cùng màu ấy, cũng vải bóng nhưng dày dặn hơn; thắt lưng to bản, có nhiều đinh vít lấp lánh.

Anh nhìn tôi và cười, thì tôi thấy trong lòng dâng lên một cảm giác cực kỳ thoải mái. Bất giác, tôi cũng dang tay ra, và trước khi khoác tay qua cổ anh, tôi đã có ý nghĩ là người Việt Nam hình như không chào hỏi kiểu ôm nhau như thế này.

— Anh Trung Anh!

— "Bao nhiêu mùa đông, bao nhiêu mùa hè", Phi Long!

Câu chào "mùa đông, mùa hè" vẫn được nói bằng thứ ngoại ngữ chuẩn.

Lần đầu Xéc-giô dẫn tôi ra sân băng, thì anh Trung Anh đang chạy vòng vèo ở đấy. Tôi ngã cú đầu tiên, — một cú "nên thân", vì tôi không phải loại dát, nếu không muốn nói là còn có phần tự tin thái quá đối với những việc tập tành kỹ năng kiểu như thế này, — thì anh Trung Anh là người lướt nhanh đến, nhẹ nhàng "phanh chết" ngay tại chỗ, cầm tay kéo tôi dậy, rồi cười một nụ mịt mù hơi nước, bảo:

— Chú mày ngã đúng truyền thống dân tộc.

— ...

— Ờ... nhìn kia kìa, mấy thằng Cu-ba đấy, lúc mới tập, bọn nó toàn ngã sấp. Còn "cộng" mình thì toàn ngã mông.

Dạo ấy anh Trung Anh đang làm luận án tốt nghiệp.

Đến lúc tôi cũng có thể "lướt nhanh đến" và "nhẹ nhàng phanh chết ngay tại chỗ", rồi "cười một nụ mịt mù hơi nước" được, thì anh Trung Anh lại ngã, — lúc đang chơi khúc côn cầu với "mấy thằng Cu-ba đấy".

Và cú này không đơn giản chỉ là ngã sấp hay ngã mông.

Vì giày trượt băng là loại giày làm bằng da cứng, và bó cứng gần như cố định cổ chân lại, cho nên thay vì trẹo chân bong gân nếu ngã một cú như thế trong điều kiện thông thường — đá bóng chẳng hạn, — thì anh Trung Anh bị gãy xương ống chân, xương gãy còn đâm cả ra ngoài chân.

Xương thanh niên, còn là hạng "vận động viên", gãy, cho dù là gãy đâm cả ra ngoài, thì bó bột cũng chóng liền, và liền rồi thì vẫn thừa khỏe. Nhưng trượt băng tiếp, theo tôi hình dung, sau một cú nên thân như thế, thì "cóng" là chuyện đương nhiên, nên anh Trung Anh bỏ trượt băng; nhưng với một vận động viên thiên bẩm, thì thể thao mùa đông luôn cực cuốn hút, nên anh Trung Anh lại theo "mấy thằng Nga" đi ra hồ, cùng nhau hì hục đục vài cái lỗ to trên băng, rồi mặc quần bơi nhảy xuống, lặn từ lỗ này sang lỗ kia, rất là hào hứng.

Anh rủ tôi, tôi bỏ bát nước vào ngăn đá, chờ cho có màng băng, rồi thò tay vào ngâm thử. Không tự tin lắm, nên tôi rủ thêm đồng bọn. A-li-ô-sa và Kốt-xchi-a lắc đầu quầy quậy, chỉ có Xéc-giô định đi với tôi, thì A-nhi-a lại bảo "Hai thằng điên!", nên là thôi cả.

Nên tôi chưa bao giờ kể với A-nhi-a chuyện anh Trung Anh một lần đi tắm lỗ băng về thì bị cảm, sốt đùng đùng, nhiệt độ cao vút, vào bệnh viện bị họ đè ra cắt mất một bên phổi, còn bảo sau này có muốn về Việt Nam thì cũng còn phải xem, nhỡ mà khí hậu ở nhà ẩm quá, thì việc thở một phổi e là sẽ bị trục trặc lắm đấy.

Thêm nữa, anh Trung Anh bị nhà nước phân công học điện nguyên tử, nếu về nhà, thực sự cũng không biết sẽ làm việc gì.

Cho nên trong thời gian làm nghiên cứu sinh, anh Trung Anh đã cố hỏi han, thư từ trao đổi, và xin được một việc làm theo đúng chuyên môn, hình như là tại một viện nghiên cứu, ở tận bên Thụy Điển.

Cho nên cho đến lúc ngồi ở dưới kia và nghe thấy giọng hát rất quen, thì nếu như có ai nhắc đến anh Trung Anh, tôi vẫn sẽ đinh ninh là lúc này anh đang ở Thụy Điển.

Và người không hiểu sao lại đang không ở Thụy Điển này đang hồ hởi khoác vai tôi dong đến chỗ mi-crô, ghé vào đấy, nói:

— Hoàn toàn tình cờ, hôm nay, ở đây lại gặp cậu em tôi, cậu này trước học cùng trường với tôi ở một nơi rất xa và rất lạnh, — anh nhắm tịt mắt lại, đầu lắc lắc nhanh, làm bộ rùng mình, — và cậu này đàn hát hoàn toàn không tệ...

Ấn vào tay tôi cây đàn ghi-ta lấy của một anh nhạc công đang đứng cười ở bên cạnh, ông anh "trước học cùng trường với tôi ở một nơi rất xa và rất lạnh" vội vàng lùi lại đằng sau, để mặc tôi ôm cây ghi-ta đứng chơ lơ cạnh mi-crô.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...