— Mình vào đây làm gì, hả anh?!
Những câu hỏi hơi chơ chơ thế này tôi ít khi hỏi, và nếu hỏi thì thường đã phải nghĩ ngợi ít nhiều, nhưng câu hỏi lần này đơn giản là bật ra.
Và chắc hẳn trên ngoại diện của tôi phải có những gì đó nhất quán đang được tự diễn đạt theo một cách rất dễ nhận ra, nên trong cái cách anh Quân nhìn tôi, chỉ một thoáng rất nhanh sau khi anh bị giật mình — hình như câu hỏi của tôi đã được phát âm hơi to — quay lại và trố mắt nhìn tôi như nhìn một thằng hâm, tôi đã cảm nhận lại được ngay có lẽ là đúng những gì mà tôi từng cảm nhận được khi tôi với mấy đứa cũng vừa chân ướt chân ráo sang học năm thứ nhất, lần đầu gặp anh ở trường.
Nhưng tôi lại bỗng thấy lo là mình đang kỳ quặc một cách bất lịch sự, nên tôi đang định cười trừ, rồi sẽ vịn tay anh, đẩy vào phòng... thì anh đã giơ ngón tay trỏ lên, nhịp nhịp, và cách anh nói rõ ràng mang một vẻ đồng lõa:
— Để anh vào chào hỏi chúng nó một câu, nhanh thôi... A... — Anh tròn mắt, vui vẻ. — Hôm nay là thứ Năm, lát anh em mình đến chỗ này, em sẽ gặp một người rất quen, cho xem.
Đã nói như thế, mà lại cố hỏi cho rõ, thì ít nhiều sẽ mất hay. Nên tôi không hỏi; nhưng rõ ràng, trong suốt khoảng thời gian còn lại của buổi chiều, tôi đã rất muốn hỏi, — và chuyện này là tương đối lạ, bằng vào những gì tôi vẫn biết về mình. Có lẽ việc chuyển về gần đường xích đạo từ một chỗ lạnh lẽo băng giá mà tôi ở đã tương đối lâu, đã gây ra những ảnh hưởng nhất định lên tâm tính của tôi.
Và lên cả tâm tính anh Quân.
Có thể thế, một phần; cũng có thể là lúc ở quán ka-ra-ô-kê, thứ gì đó vô hình vẫn luôn vướng víu trong dung môi giao tiếp giữa anh và tôi — hai thế hệ "anh — em" với cùng một phân loại giống nhau về tính chất trong việc học hành — rốt cuộc cũng đã bị tiêu tan; nên cả buổi chiều, anh Quân đã nói với tôi những chuyện — mà tôi thấy — "thân thiết" hơn.
— Hai đứa này là tử tế nhất, bọn nó còn đến trao đổi thẳng thắn... gọi là tâm sự với anh cũng đúng. Nhưng sau khi nói chuyện với chúng nó, thì anh thấy mình y như một lão thày đồ đang ở giữa một xã hội quốc ngữ.
Nếu là ai đó khác, có lẽ tôi đã phản đối cách so sánh này, vì theo tôi thì chữ quốc ngữ rõ ràng tốt hơn chữ nho; nhưng đây là anh Quân, nên tôi chỉ thầm lưu ý mình là sẽ tìm hiểu thêm chuyện "nho — quốc ngữ" này. Hồi mới về nước, — tức là như tôi bây giờ, khác là với tấm bằng Tiến Sĩ, và đã xác định là về hẳn, không "tây quay" gì nữa, — anh Quân đã vào làm ngay ở một viện nghiên cứu, và được giao phụ trách ngay một nhóm nghiên cứu, anh đang kể tôi nghe chuyện "viện sĩ" này.
— Anh không biết bọn em về sau thế nào, chứ anh hồi đấy, lúc còn ở trường mình, anh chỉ quan tâm đến khoa học. Và chỉ phải quan tâm đến khoa học. Mọi thứ anh cần để "khoa học", như ở trường mình, mặc nhiên là nó phải có ở đấy, phải như thế; mặc nhiên đến nỗi mà mình chẳng từng nghĩ đến nó nữa.
"Ngay thày giáo cũng vậy. Tự nhiên mình có thày, thày cực giỏi, và tự thày chọn mình, hướng dẫn mình. Như thày Đét-lam em, bọn sinh viên... "sinh viên thật" ấy, của trường mình, đứa nào chả mong được làm trò ông ấy? Chỉ cần mình giỏi, thể nào cũng có thày giỏi chọn mình; và nếu mình không đủ giỏi để theo, thày có thể loại mình khỏi những hướng nghiên cứu chính, hoặc loại hẳn.
"Cho nên trong môi trường ấy mình sợ nhất dốt, mình muốn theo cho được; chuyện này giống như một thách thức, và một kích thích về trí tuệ; và tất cả các động cơ của mình, đều liên quan đến khoa học, khoa học của thày. Mình hiểu rất rõ việc ấy không phải ai cũng theo được, là mình là trong số người may mắn có khả năng tham gia và đang duy trì tốt, là đấy là việc mà mình thích làm nhất.
"Và anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải làm việc ấy để mưu sinh.
"Cho đến lúc ấy, chưa bao giờ anh phải mưu sinh cả!
"Thật ra, thì làm Tiến Sĩ, như anh, ở bên ấy, thì đã đúng là mưu sinh rồi. Vì khoa học ấy thực sự có đóng góp cho xã hội ấy. Cái xã hội ấy, ở mức độ phát triển ấy, nó hiểu được, và nó thực sự cần những giá trị như thế. Cho nên ở xã hội ấy những người như thày mình là không thể không có. Và thày chọn mình, nên mình được tham gia làm cái khoa học có giá trị mưu sinh ấy.
"Nhưng thày hiểu chuyện ấy, còn mình, — ngay cả nghĩ về nó, mình cũng chưa từng.
"Cho đến khi mình được đặt vào một vị trí hơi giống như thày mình, nhưng vị trí ấy lại bị đặt vào trong một xã hội, xã hội ấy không hiểu, không biết cần phải làm gì với, và không thực sự cần những người như thày mình, thì mình mới ngã ngửa ra, và bắt đầu suy nghĩ về tất cả những bối cảnh này.
"Nó không phức tạp để hiểu, chỉ là trước giờ mình chưa hề nghĩ đến nó."
Anh Quân dừng lời, quan sát tôi, — nhanh thôi, — và dường như hài lòng thấy tôi "biết nghe" thật, anh mới tiếp:
— Xã hội không hiểu nó cần gì ở khoa học, nhưng một ý thức mơ hồ nào đó vẫn nhắc nhở nó là nó không thể không có cái đấy, cho nên vẫn tồn tại các viện nghiên cứu. Bản chất như thế, thì các viện nghiên cứu hẳn nhiên phải làm ký sinh trùng, phải ăn bám.
"Viện nghiên cứu thì không phải một người, không phải đơn giản là một đám người; nó là một tổ chức, một cơ cấu, được có sự tồn tại chính thức ở trong lòng xã hội; nên ăn bám thì nó cũng phải ăn bám theo một cơ chế công khai hẳn hoi.
"Xin Cho. Cơ chế Xin Cho.
"Xin cho để làm khoa học, nhưng cả xin và cho đều không cần "khoa học" gì lắm.
"Môn xin kiểu đấy anh dốt, mà cũng chưa xác định là có định giỏi hay không... — nhất là ở đấy. Còn bọn nó... thì phải miếng cơm manh áo.
"Hai đứa đấy bỏ anh nốt, thì anh cũng bỏ việc luôn. Lúc đầu..."
Chắc anh Quân đã nhận thấy ngay là tôi đang giỏng tai lên nghe một thứ khác.
Ở chỗ ka-ra-ô-kê kia ra, anh Quân đưa tôi đến đây. Hai anh em đã ngồi uống rượu vốt-ka "Rasputin" với nước đá suốt cả buổi chiều. Anh Quân trông nhỏ con thế, nhưng dạo trước tửu lượng cũng thuộc hàng có số má. Tôi chưa uống kiểu thế này với anh bao giờ, nhưng theo những gì tôi biết về chuyện này, thì việc uống của anh bây giờ chỉ có hơn, chứ không hề kém ngày xưa. Uống kiểu này làm tôi nhớ đến A-lếch, một chuyên gia đàn đúm, học dưới tôi hai năm. Buổi tối A-lếch hay la cà uống hút trong ký túc xá, và thỉnh thoảng đến gõ cửa phòng tôi vào lúc một, hai giờ đêm. Nếu thò đầu vào, và thấy tôi chỉ có một mình, thì anh chàng vào, thường là xách theo một chai vốt-ka, nếu không thì việc đầu tiên là tự mở tủ lạnh và tìm vốt-ka ở trong ngăn đá. A-lếch và Xéc-giô bạn tôi có điểm giống nhau, là loại rượu "Rasputin" này, cả hai đều thích đổ ra đĩa rồi đốt lên để nướng mực — mực Việt Nam của tôi, — hoặc nướng bong bóng cá vốp-bla, hơn là thích uống. Loại vốt-ka này hình như đốt dễ cháy hơn các loại khác thật, còn tại sao hai đứa chúng không thích uống loại này lắm, thì tôi cũng không rõ.
Chỗ chúng tôi đang ngồi này tối om, — cả cái quán này tối, và chỗ này có vẻ tối nhất, — và hai anh em mải chuyện, nên không để ý lắm đến thì giờ; trong quán bây giờ đèn, và nến, đã thắp lên nhiều hơn, người cũng đông hơn, nhưng khách ở đây hình như đều có cùng một vẻ khẽ khàng, ánh mắt ai cũng vui vui, nhẹ nhàng, và nhìn nhau giống như nhìn người quen; loáng thoáng, có vài đầu tóc vàng của những người nước ngoài.
Chỗ này bài trí giống như trong một hầm tàu cướp biển từ hồi thế kỷ mười chín; tương đối rộng rãi, hai tầng; tôi với anh Quân đang ngồi ở góc trong cùng (thực ra là ngoài cùng, theo hướng mặt phố), sát tường, bên phải, ở tầng dưới; hai tầng, nhưng không chui dưới nhau, nên ngồi đây nhìn lên tầng hai giống như cái bờ cao, hơi vồng ra, meo méo, ven bờ có trồng cẩu thả những chiếc cột sắt tròn xiêu vẹo, và có những dây xích mắc chùng chùng, võng xuống, từ đầu cột này qua đầu cột khác; đi từ tầng trên xuống tầng dưới thì theo một đường bậc thang thoai thoải chạy ven tường, ở phía góc đối diện với chỗ chúng tôi đang ngồi; đường bậc thang không có gầm, không có tay vịn, xây bằng đá, với những bậc thang hẹp và nông, nằm lệch lạc.
Rượu, nước đá, thuốc lá của chúng tôi đều đang nằm trên mặt một thùng rượu "cướp biển" tròn, xinh xinh, đặt dựng đứng, bằng gỗ sẫm màu, ngoài đóng những đai sắt đen, như thật; các bàn xung quanh cũng đều một phong cách như vậy, có mấy bàn đã thắp lên một ngọn nến nhỏ leo lét. Ngồi đây lẽ ra phải uống rượu Rum mới phải, nhưng là anh Quân ngồi với tôi, thì rượu Rum, ngoài chuyện cái quán ra, thì lại chả liên quan gì cả.
Ở chỗ tầng hai vồng ra nhất có kê một chiếc đàn pi-a-nô loại không có đuôi, quay hông bên phải ra ngoài; trên khoảng sàn trống, ở giữa mặt tường đối diện với chiếc pi-a-nô này, lúc vào — vì cửa quán ở trên ấy, gần chỗ đầu đường bậc thang bên kia — tôi đã thấy có những chân mi-crô lổng chổng, dây dợ, và thiết bị trang âm; bây giờ đúng là có một nhóm đang chơi nhạc ở đấy, — họ mới chơi được một lát, — nhưng ngồi ở chỗ chúng tôi nhìn lên thì bị khuất nhiều (anh Quân, nếu hay đến đây, chắc cũng không đến để nghe nhạc, mặc dù quán này theo tôi hiểu thì đã được thiết kế âm thanh bởi tay thợ chuyên, tôi thấy mặt tường nhiều chỗ giống như được xếp — lát thì đúng hơn — củi lên, cấu trúc như thế hẳn là hút âm tốt).
Nhưng thứ nhạc được chơi ở đây thì mặc dù tôi nghĩ là rất hợp với khí hậu nóng ẩm ở nước sở tại là Việt Nam ta, lại cũng đúng là thứ nhạc đàn đúm kiểu tương đối bình dân thật, nhưng e là vẫn còn quá nhã so với nhĩ âm của các đại ca "cướp biển".
Nếu tôi không nhầm, thì ban nhạc — ít ra là cả buổi tối hôm nay — sẽ chơi toàn nhạc Phờ-la-men-cô.
Thực ra thì đối với tôi, "Phờ-la-men-cô" là cái tên tôi vẫn dùng để gọi chung, những lúc mà tôi không phân biệt được mấy loại nhạc sau, nếu chỉ nghe trực tiếp bằng tai: nhạc Di-gan, nhạc Hu-a-pen-gô, nhạc Me-ri-a-chi, và bản thân nhạc Phờ-la-men-cô.
Nhưng bài hát này thì tôi không phải nghe chỉ trực tiếp bằng tai; tôi biết nó, và họ chơi nhái theo đúng giai điệu (cả nhạc dạo) nguyên bản, nên lúc một cây ghi-ta vừa tỉa "vo" câu nhạc dạo đầu tiên thì tôi đã nhận ra ngay, — bài này thì tôi biết là Hu-a-pen-gô của Mê-hi-cô, — mặc dù ở đây họ đang chơi bằng những âm sắc và tỉ lệ tham gia của các nhạc cụ không giống với bản Hu-a-pen-gô mà tôi biết lắm.
Nhưng lời hát — nghe — thì rất giống.
Thực sự là lúc nhạc dạo lên, tôi đã có cảm giác lo lo là họ sẽ hát bằng một lời tiếng Việt nào đó, — vì ở đây mọi người vẫn hay hát kiểu như thế. Phần vì tôi rất muốn nghe "đúng" bài này, phần vì tôi vốn không thích bài hát dịch lời, — ngoài việc lời dịch gần như không thể tránh được "xuyên tạc", thì từ một lúc nào đó, tôi đã luôn nghĩ là giữa ngôn ngữ và thể loại nhạc phải có một mối liên hệ hữu cơ, mà nếu bị phá vỡ, thì kết quả sẽ thành một thứ méo và ngọng.
Như nghe nhạc rốc, tôi chỉ thích nghe nhạc rốc hát bằng tiếng Anh chính thống; hát bằng tiếng Mỹ, là tôi "nghe" thấy mấy anh tá điền đang bày đặt nói chuyện triết lý sâu xa. Cái này có lẽ cũng giống như cải lương hát bằng tiếng Bắc; chèo hát bằng tiếng Nam; chuyện món ngon Hà Nội nói bằng tiếng Hải Phòng, Hà Đông; hay bất kỳ chuyện gì nói ở một chỗ có đông những người ở địa phương khác, rồi hồn nhiên cười phá lên, bằng tiếng Nghệ An.
Nhưng đây đúng là tiếng Tây Ban Nha.
Tôi không biết thứ tiếng bắng nhắng này, nhưng tôi biết tiếng này "ở bài này", — có một chị thực tập sinh người Ý đã dịch nghĩa bài này cho tôi nghe, tôi còn nhớ chị bảo là, người Ý, ngay cả không biết tiếng Tây Ban Nha, thì nghe tiếng Tây Ban Nha vẫn hiểu được một phần. Chị thực tập sinh hay đội mũ lưỡi trai, có thân hình rất đẹp, mềm mại và uyển chuyển, theo cái cách mà có lẽ từ lúc sinh ra chị đã luôn như thế; mái tóc sẫm màu, dài, mượt mà và khoáng đạt; đôi mắt nâu luôn mở to, và dường như là có thể đọc rõ được mọi cảm xúc ở trong đó. A-nhi-a cũng khen chị đẹp, nhưng bảo là tôi khiêu vũ với chị ở nhà văn hóa thì trông hơi bé.
Tôi còn biết cả kỹ thuật hát đặc trưng của bài này, kỹ thuật ngân không vấp chuyển từ giọng thật, sang giọng giả, khi chuyển từ một nốt thấp, vút sang một nốt cao hẳn lên khoảng một quãng tám, — hát kiểu này sẽ gây nên một sắc thái âm thanh nghe vô cùng là ai oán.
Và bằng vào cách hát, tôi biết người đang hát không hát "nhại âm" một cách máy móc, mà đã học hiểu tiếng hẳn hoi, ít ra là tiếng "ở bài này", — tôi cũng hay hát kiểu như vậy.
Đôi mắt em mới đẹp làm sao,
Dưới hai hàng lông mày!
Dưới hai hàng lông mày,
Đôi mắt em mới đẹp làm sao!
Chúng muốn anh nhìn chúng,
Nhưng nếu em không cho,
Nhưng nếu em không cho,
Em chả thèm chớp mắt.
Ôi những cánh hồng Ma-la-ga,
Anh muốn hôn lên môi em...
Và tôi biết giọng hát này.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...