Thời sự VTV1: Sao lại dùng tiếng địa phương?

7 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Chương trình Thời sự Trung Ương
Phát thanh viên vẫn đường đường: "eng kheng".


Em đọc thơ "Nàng Thi" của bác Đào Phò, mới để ý ra cái này.

Sao lại mất nết thế?

Chương trình Thời Sự của Trung Ương, sao lại cho phát thanh viên nói tiếng địa phương?

Quản lý ở truyền hình, có nhiều bác tây học hẳn hoi, thậm chí học hẳn ở Lô-mô-nô-xốp, sao cái nền nếp cơ bản như thế mà cũng cố tìm cách phá cho được, là sao?

Nàng Thi (01)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Nàng Thi

Hà Nội năm ấy, mùa xuân,
Trời làm rét đậm nên không có đào.
Giá vàng nhảy, giá đô cao,
Cấm mua, cấm bán, nháo nhào chợ đen.
Những người nơm nớp thành quen,
Da vàng, chân ngắn, mon men hái tiền.
Thân thừa mỡ, óc tá điền,
Thói quen lao động đang quên dần dần.
Phố phường chật ních nông dân,
Í a í ới như sân hát tuồng.
Chương trình Thời sự Trung Ương
Phát thanh viên vẫn đường đường: "eng kheng".
Giấy rách, lề muốn tan hoang.
Anh Ngô Ngạn Tổ oang oang tây bồi.
Sinh viên mong ước thảnh thơi,
Cắt đầu bạn gái, lên đời Vai-ô.
Xưa Đuốc Sống vì tự do,
Ngày nay đuốc sống vì trò đỏ đen.
Thương ôi một dải đất liền
Non xanh nước biếc bên miền đại dương.
Có người thợ ở viễn phương
Phải xa nơi ấy, tìm đường sinh nhai.
Đi từ ruộng lúa, đồng khoai,
Tên Ngô Bảo Thái, tuổi ngoài bốn mươi.
Khi đi phải mượn tiền người,
Đến đây vừa mới quen nơi nước ngoài.
Những tưởng có một tương lai,
Ngờ đâu chinh chiến một mai cận kề.
Li-bi lửa cháy bốn bề,
Trên trời, dưới đất, sáng lòe sát thương.
Bom rơi, đạn nổ khắp phương,
Ngoại nhân dáo dác tìm đường về quê.
Bôn ba những nẻo đường về,
Một chiều tị nạn bỗng nghe tiếng người,
Vui mừng gọi: "Chú Thái ơi!"
Nhìn qua thì thấy một người cùng quê.
Mới hay những cảnh bộn bề
Nhiều khi xảo hợp nhiêu khê khác thường.
Phan Thị Kim Thắm dễ thương,
Tuổi vừa đôi tám, nõn nường, ngây thơ.
Tấm thân non trẻ bấy giờ
Phải cơn hỗn loạn, bơ vơ thật tình.
Vốn nàng có một người anh,
Mẹ cha mất cả, phải đành nuôi nhau.
Cố sang được đến Phi Châu,
Tưởng rằng bĩ cực bắt đầu thái lai.
Biết đâu tình cảnh nước ngoài,
Gió mưa bất chợt chẳng ai mà ngờ.
Trong cơn nước lửa tràn bờ,
Anh nàng kịp hẹn chỗ chờ gặp nhau...
Chẳng dè chiến sự quá mau,
Người người thất lạc trong màu lửa rơi.
Đến được đây cũng mừng rồi
Nhưng anh nàng, biết nổi trôi nơi nào?
Hay cho đất rộng trời cao,
Khéo bày cảnh huống, áp vào người ta.
Là hay, là dở, hay là?
Phải qua những ấy, mới ra dị hình.
Vốn là lúc mẹ cha sinh,
Hình hài ai cũng một mình, rất riêng.
Nổi chìm trong bể nghiệp duyên,
Mấy ai chân tính không quên tài bồi?
Bảo Thái nghe chuyện, nở cười:
"Anh cô, chú mới gặp... hồi cách đây,
Bảo rằng ly loạn thế này,
Ngẫu nhiên mà thấy, nhắn ngay hộ là
Nếu không chạm mặt đường xa
Cứ về Hà Nội, dần dà tìm nhau."
Cô hỏi: "Còn chú đi đâu?"
"Tính... qua dốc Bưởi, quãng đầu... đường đê."
Vậy là hai kẻ cùng quê
Một nhớn, một trẻ, cùng về thủ đô.
Hà Nội mới mở bản đồ,
Toàn người nói ngọng, y như cái làng.
Bầu ơi, thương bí chung giàn,
Râu tôm bí đỏ, hoang mang vợ chồng.
Mồ hôi mà đổ xuống đồng,
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương;
Mồ hôi mà đổ xuống đường,
Những giờ cao điểm, đau thương còn dài.
Chẳng thơm cũng biết chọn bài,
Dẫu không thanh lịch cũng tài hát to.
Giui quá đi mấc thôi mờ!
Phố làng Cầu Diễn bên bờ dòng sông.
Nao nao dòng nước uốn cong,
Nhịp cầu nho nhỏ hai lòng bắc ngang,
Nối liền hai nửa con đàng,
"Con đường đau khổ" ngổn ngang công trường:
Năm trăm sáu chục tỷ đồng,
Sáu năm đào bới, chẳng xong được nào;
Hai bảy cây số hầm hào,
Đi mà không khéo, lao vào ổ trâu.
Sáu năm oành oạch kêu đau,
Đường Ba Hai vẫn một màu đa truân.
Lại thêm hai kẻ đầu quân,
Vào lũ bịt mặt chen chân thành hàng.
Nhà thuê, một khoảnh tồi tàn,
Nắng mưa che chắn, lo toan hằng ngày.
Chiều chiều én liệng trong mây,
Cảm thương nàng Thắm bị vây giữa đời.
Ngày lại qua, ngóng tìm người...
Bặt vô âm tín, anh ơi có về?
(Lần sau còn nữa, hay ghê!)

Phim: Những cánh buồm đỏ thắm (4, 5 /7)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Như là đàn bà, cô đã không được lòng mọi người ở Ka-pê-rna, tuy nhiên có nhiều người đã hoài nghi, dù theo một cách bản năng và mơ hồ, là cô đã được trời cho nhiều hơn những người khác — chỉ là theo một ngôn ngữ khác. Dân làng Ka-pê-rna say mê những người đàn bà chắc nịch, to khỏe với làn da bóng mỡ trên những bắp chân mập mạp và những cánh tay vạm vỡ; ở đây mọi người tán tỉnh nhau, bằng cách vỗ bộp bàn tay vào lưng và xô đẩy nhau, giống như ở ngoài chợ. Kiểu cảm giác này nhắc ta nhớ đến sự giản đơn cục mịch của một tiếng rống. A-xôn cũng phù hợp với môi trường không thể thay đổi đó, giống như những người có một hệ thần kinh mẫn cảm tinh tế có thể phù hợp được với một đám hồn ma...



Phần 4/7

Phần 5/7

Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (XI)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tiếng máy nổ không to, tới nỗi có lẽ để nghe được thấy thì ngoài chuyện phải thính tai, còn phải chăm chú, và phải biết cách nghe nữa.


Và nếu đã thính tai, chăm chú, biết cách nghe, lại còn đang rất mong đợi, thì hẳn sẽ còn dễ nghe thấy hơn.


Nghe thấy, thì trái tim như chìm hẳn xuống.


Nhưng vừa nghe thấy, thì lại không nghe thấy nữa.


Không nghe thấy, nhưng thuyền vẫn trôi thẳng băng.


Vì thuyền có một người chèo; lại nữa, còn chèo rất giỏi.


Thuyền tới, thì khách đã đứng sẵn ở ngoài ánh trăng. Cao, thẳng, mảnh mai, gió thổi tóc phất phơ.


Không ai nói gì, như đã có ký ước, khách chỉ lặng lẽ xuống thuyền, lặng lẽ ngồi xuống, thuyền chỉ lặng lẽ bơi đi, đi đến khoảng chỗ đã tắt máy ban nãy thì máy lại nổ, thuyền tăng tốc, rồi giữ nguyên tốc độ, căn trái, vạch một đường vòng cung đều đặn, cũng dường như đã có ký ước.


Một lúc, vòng cung giống như đã đạt ý người vẽ, nên nét vẽ chậm dần, khách vẫn ngồi lặng lẽ như từ đầu, nhưng nếu tinh ý một chút, thì cái cách ngồi đó không thể coi là lặng lẽ chút nào.


Đấy là cách ngồi mà thân thể thì ngồi ở đấy, nhưng tất cả những thứ không bị ràng buộc về mặt cơ học thì đang hoàn toàn đặt nơi chỗ khác.


Ở chỗ đó có một hình thù có phần kỳ dị đang lềnh bềnh trên mặt nước, còn mặt nước ở đấy đang đều đặn lăn tăn và phản quang, giống với lớp vẩy của một con cá thật to.


Nếu là thuyền, thì thông thường sẽ không rộng bè bè.


Nếu là bè, thì thông thường lại không nhọn đầu đuôi.


Vả chăng dù là thuyền hay bè, lại thuyền bè chỉ để bơi trên hồ, thì thông thường đầu và đuôi đều sẽ không ngỏng quá cao như vậy.


Nhưng thứ này nổi được trên nước, và theo như bộ dạng nhìn thấy thì thừa nổi để nổi thêm được hai người nữa.


Nên một người thì đang ngồi sẵn trên đó, ngồi ngập trong ánh trăng sáng bạch, lưng quay về phía chiếc thuyền nhỏ bơi lại, như không hề nhận ra nó tới.


Còn một người cao, thẳng, mảnh mai, gió thổi tóc phất phơ, thì vừa mới bước lên. Người bước lên, thì chiếc thuyền nhỏ đi đón lặng lẽ vòng ra xa, rồi tăng tốc lao đi, giống như vội đi trốn.


Người ngồi ngồi ngay chính giữa khoảng rộng bè bè, mặt quay về hướng so le một chút so với chiều dọc khoảng này, ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, giống như loại ghế vẫn thường ngồi ở quán cóc, hoàn toàn có thể chính là một chiếc ghế đã lấy từ một quán cóc thật. Và không chỉ lấy một chiếc.


Một chiếc ghế cùng loại như thế để ngay bên cạnh, bên tay trái.


Không có ai nói, thuyền đi trốn cũng đã đi hẳn, nhưng ở đây không yên tĩnh...


"Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi

Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt

Mây í... ... í..."


Tiếng sáo vốn có thể coi là mượt mà, — ngay cả người biết sáo, chắc cũng chỉ sẽ nhận thấy một chút chấp chới có phần đáng yêu, — tự dưng biến thành chua loét, khê nồng, đuối tông, xơ ra... rồi tịt hẳn.


Người đến lặng lẽ đến gần, nhưng không ngồi xuống ngay, chỉ chậm chạp đưa bàn tay phải ra, lại tựa hồ phân vân, nên dừng lại một chút, rồi mới đặt tay lên vai người kia.


Một bàn tay như đang đợi sẵn, đã lập tức ở ngay trên bàn tay vừa đặt xuống. Người đang đứng lúc ấy mới thở phào, thở nghe thấy được, rồi gấp gáp sà xuống chiếc ghế bỏ trống, nghiêng người tì cằm lên hai bàn tay trên vai.


— Em làm chị lo quá! — Nói vậy, nhưng giọng nói lại trong veo, giòn giã, và vui tươi.


— Lo?.. — Bàn tay để trên cùng nhè nhẹ chuồi ra, rồi những ngón tay lặng lẽ sờ lên gò má, rồi chầm chậm chuyển dịch xuống theo viền xương quai hàm đang tì trên vai. — Có gì mà phải lo nhỉ? Chữ em viết...


— Chị vẫn nhận ra... Nhưng em biết... — Hai bờ vai so lại như bị lạnh. — Nàng hãy chờ ta nơi bờ biển, nếu cánh buồm rực đỏ, là ta... còn nếu họ kéo lên một cánh buồm đen... Những chuyện như thế, mình đều đã đọc cả.


— H...


— Mà tự dạng thì là của ai? Tâm cơ y thế nào?.. Chạm vào em rồi chị mới nhẹ cả người! Vậy Biển Đông là sao?


— Là em.


— Vậy là em làm được rồi?


Người kia chỉ khẽ gật gật đầu:


— Có điều cái bài tét ấy bảo hoành tráng bao nhiêu thì hoành tráng bấy nhiêu, nhưng... quá tốn. Một trăm cân tê-en-tê, tám cân xi-pho. Theo số liệu trên mạng, — y khẽ cười, — thì đến hàng không mẫu hạm cũng còn thổi được, nữa là cái tàu tuần tiễu Tàu. Thổi sạch bách! Mà... Em giờ cũng sạch bách...


— Còn những người khác ở trên con tàu cá ấy?.. Họ đã đăng cả một danh sách.


— Thuyền phó là trung úy cảnh sát giải nghệ lâu rồi. Anh ấy bị nhiễm thứ bệnh chết ấy do... lúc còn làm nhiệm vụ. Những người khác cũng có... "cảnh ngộ" cả. Những gì họ còn phải lo thì em... Cho nên em mới nói... thuê nốt chiếc thuyền này, — y nhịp bàn chân xuống sàn gỗ, — em còn mỗi bộ quần áo, — y nhún nhún vai, ngọ nguậy. Rồi y bỗng cười rộ. — Không thì em tìm chị mà làm cái quái gì?!


Người kia vụt ngồi thẳng lại, tách ra:


— Là vậy?.. Người như thế đấy... Đến cái... "tấm nổi" như thế này mà cũng tìm thuê cho được.


— "Tấm nổi"?.. Thuyền rồng xịn cho du khách đấy... À, là em đã bảo họ phá hết phần trên.


— Mà họ cũng phá?!


— Thích phá là khác. Cho nên giờ em mới trên răng dưới... "tấm nổi" thế này... À đâu... vẫn còn cây sáo, cả cái diều. — Y hai tay trịnh trọng nâng ngang cây sáo "bèo dạt mây trôi" lên. Cây sáo dài nghêu ngoao, phải dài bằng một cánh tay, thẫm màu, hình như nâu, một đầu giống như gốc sậy, một đầu có chùm tua chỉ vàng phất phơ. Rồi y cầm cây sáo bằng một tay, dứ dứ "gốc sậy" chênh chếch về phía trước mặt. — Diều sáo xịn đấy.


— Có thấy sáo đâu?


— Nghe cho kỹ đi!


— Không có.


— Cứ nghe kỹ đi!


— ...


— Có thấy có tiếng kêu xè xè không?


— Có... nhưng sao lại...


— Vội quá, không khoét kịp sáo, em làm bằng lá dứa dại... — Y dùng một tay cầm sáo và một tay rỗi để mô tả. — Khoét một cái lỗ, rồi gập lại, kẹp vào một cái lá cúc tần, — y kẹp ngón trỏ ngón cái làm động tác đưa cái lá gấp tưởng tượng vào miệng thổi, — nó sẽ kêu tè tè. Quên, không để lại một cái đề-mô. Đấy... — y lại chỉ gốc sậy lên trời. Hướng y chỉ, trong ánh trăng sóng sánh, có một hình cánh cong cong, chớp chớp, hình như có đính kèm những dải mỏng mảnh... Bất chợt có tiếng vỡ "rắc", rồi cây sáo bay vút đi, sáo bay xẹt qua đầu con rồng bằng gỗ, sơn màu vàng, đang ngỏng lên ở mũi thuyền phía trước, thì ở trên cao, cánh diều nhún một cái, bỗng chới với, là là dạt đi, những dải mỏng mảnh đính kèm nhăn nhúm lại, lộn xộn, loáng lên dưới ánh trăng, tiếng xè xè cũng im bặt...


Y ngồi, hai bàn tay đã đan lại, hai cùi tay tì lên hai đầu gối, đầu rũ xuống.


Người kia ngồi cạnh, hơi lùi hơn một chút, một bàn tay lại đã đặt lên vai y — vai kia, — còn cộng với dáng vẻ nữa, nên nhỏ nhắn hơn, mà trông lại lớn hơn.


— Em cứ thế mãi thôi. Lần trước em còn chưa biết thổi sáo... Rồi lại vứt sáo đi.


— Tiễn bạn bên tây Hoàng Hạc Lâu

Tháng Ba đàn đúm xuống Dương Châu

Buồm xa lẻ bóng chân trời biếc

Chỉ thấy Trường Giang chảy mãi đâu.


Thơ hay, vốn là thơ hay, nhưng âm điệu nhanh, chậm, ngắt quãng lộn xộn, còn lẫn vào những tiếng thở dài thườn thượt...


Nhưng thơ đọc xong, thì giọng nói lại tỉnh queo:


— Biết làm sao được. May mà chị ở đây.


Y xoay người lại, một tay đỡ nhẹ cằm người con gái kia, thơm nhẹ vào môi cô, rời ra, cứ để tay thế, chăm chú ngắm nghía một lát, rồi lại ngồi lại như cũ, nhưng không còn ủ rũ, và nhìn về mặt hồ xa đằng trước.


— Chị trẻ hơn, xinh hơn. Em cứ nghĩ, nếu không có chị, em sẽ thế nào?


— ...


— Không có chị, em sẽ tuyệt đối một mình. — Ngữ cảnh, thì là câu trả lời. Nhưng ngữ điệu, thì là câu kể.


Cô gái ngồi im lặng, chỉ nhẹ nhàng vuốt vuốt lại những sợi tóc bị bời lên trên đầu y, nhưng khi chúng đã gần chỉn chu hết, bất chợt cô thở dài, bàn tay nhỏ nhắn nắm chặt lại, rồi bung ra, năm ngón tay lại lùa sâu vào chân tóc, lại tự làm bời chúng lên. Một lát, cô mới nói:


— Em biết không, những chuyện em ở đâu, em làm gì... chị luôn không phải là người biết nhiều nhất...


— Chị lại bắt đầu đấy. — Y ngắt lời cô, nhưng nhẹ nhàng, còn có phần vui vẻ. — Chị biết không, lần này em vướng vào một chuyện phải nói là hỗn loạn truyền kỳ.


— Chị tưởng cậu em ấy...


"Chị tưởng cậu em ấy..." vang lên cùng một lúc với "Mà sao họ lại đồn..." Cô cười:


— Em nói trước đi.


Thì "Em nói trước đi" lại cùng vang lên với "Chị nói trước đi".


Nên cả hai cùng cười, nhưng đều không nói gì nữa, chỉ cùng đưa ra hai nắm đấm; các nắm đấm nhịp nhịp ba cái, đến cái thứ ba thì cô chìa ngón trỏ và ngón giữa, còn tay y vẫn để nguyên.


— Vô vi nhi vô bất vi. Sao họ lại đồn là chị có cái gì mà... — Y táp nhanh ngón giữa tay phải vào trán. — À, Kim Ti Hộ Thể?


— Ai đồn?


— Trong ngành.


Cô làm một điệu bộ trịnh trọng giống như trẻ con đang kể lại một chuyện phim ly kỳ, giơ bàn tay phải ra như thanh kiếm trước mặt, nhưng giữa chừng lại bối rối rụt lại, rồi lại giơ ngay ra, nhưng lần này là tay kia, bàn tay thẳng băng quay trở lại đâm vào mé sườn bên phải, chạm vào áo thì bàn tay ưỡn cong cong, trượt theo thân người, rẽ ra.


— Chị bị nhuyễn kiếm đâm.


— Hí hí... Kim Ti Hộ Thể! Tên mới ly kỳ quá đi! Mà này, chị bảo, rồi liệu họ có biết được không?


— Chị vốn vẫn yên tâm, nhưng... giờ thì chị đang lo lắm. — Cô đấm nhè nhẹ vào lưng y.


Y không nói gì, chỉ hờ hững chìa ra bàn tay trái, cô ấp bàn tay đang đấm lưng lên, y đặt lên đấy bàn tay phải, rồi đặt tất cả lên đùi mình.


— Em mới nói, em đang sạch bách. Trước mắt chị chả có gì phải lo lắng cả!


— Riêng cái "trước mắt" của em, chị cũng lo rồi.


— Đến lượt chị rồi đấy. Thằng Đim-ma Nhỏ ấy thoát tội rồi. Vụ đấy đơn giản là kết thúc. Có điều trong lúc đi lấy bằng cớ cho nó, em đã vô tình gặp được một...


— Khoan đã, cậu ấy đã thoát tội như thế nào?


— Hì, chị bây giờ chuyên nghiệp nhở.


— Kể tỉ mỉ chị nghe, đừng bỏ sót. — Cả giọng nói và nét mặt đều lặng lẽ và chăm chú.


— Có hai thằng, một già, một trẻ, thằng già đáng tuổi làm thày thằng trẻ. Thằng trẻ là thằng Đim-ma Nhỏ em em, nó như em em; một thằng trí thức tử tế, thông minh, nghiêm túc, có phần nghiêm túc quá, nhưng nó có nguyên tắc của nó; con nhà lành. Còn thằng kia là lão Mút-đờ-rốp... — y vội làm nhanh một dấu "cha và con và thánh thần" — ông ấy cũng là một trí thức, nhưng... hơi cũ.


"Hai người này ghét nhau như ch... họ cực kỳ ác cảm với nhau. Chị cứ thoải mái tưởng tượng xem hai con người có thể ghét nhau đến mức độ nào, thì hai người này vẫn ghét nhau thừa sức nhiều hơn thế.


"Bọn ở trường oái oăm, không hiểu có phải cố ý hay không, đã cử họ, chỉ hai người họ đi công tác biệt phái với nhau trong suốt hơn hai tháng ở một chỗ khỉ ho cò gáy.


"Lạ là thằng Đim-ma, một thằng trước nay chỉ chuyên về xu hướng đầu óc, lại lẳng lặng đến... em không có nhà, đến lấy súng săn của em mang theo. Thậm chí xuýt nữa còn đem nốt cả con chó Bin..."


— Con Bin khỏe không?


— Mới vừa rồi... — bàn tay y khẽ vuốt nhẹ — lúc chị chưa tới đây, nó còn khỏe hơn em. Nó nhớ chị đấy.


— ...


— Còn ông Mút-đờ-rốp, không hiểu có phải cứ nhất định là "không thể kém cạnh" hay không, lại cũng kiếm đâu được một khẩu.


"Vậy là hai thằng, cả đời đều chưa từng bắn một phát, mỗi thằng nghền nghễn một khẩu xoáy nòng phân khối lớn..."


...


"Một con dao đâm ngập vào mắt bên trái, lút đến cán!"


...


"Con dao đâm vào mắt với một lực kinh kh... nguyên văn trong hồ sơ pháp y là: "Con dao đã được đâm vào mắt bằng một lực không phải của con người."


"Đúng từng chữ là "một lực không phải của con người". — Y có vẻ cân nhắc, rồi khẳng định. — Chính xác là vậy!"


Y dừng lời, rồi ngồi im, chăm chú quan sát nét mặt người nghe.


Một lúc, thấy cô gái nhíu mày, khẽ lắc lắc đầu mấy cái, nhìn y, y mới tiếp:


— Em bập vào, lúc đầu thấy hóc, nên rất hăm hở; nhưng chỉ được một hồi, thì tự đáy lòng giác ngộ là em chẳng thể hiểu quái gì cả, chẳng thể hình dung ra gì hết. Thúc thủ. Nhưng thằng con nhà lành này nó như em em, nên em rốt cuộc đã phải phá lệ... đến cầu viện anh Ác-tua...


— Ác-tua... Bảy viên ngọc rồng?


— Chính thị.


— ...


— Anh Ác-tua, — y cười, — dù là dân chuyên nghiệp thứ dữ, nhưng lúc ấy cơ hồ còn bị rối ruột hơn em. Căn bản, em chắc thế, anh ấy trong bụng, ít ra là lúc đầu, chắc sẽ còn phải nghi ngờ cả em nữa.


— ...


— Anh Ác-tua ở đấy... chỉ nội cái tên thì thừa nặng, khỏi cần bình luận gì thêm. Cái gì bới lên được thì hai anh em đã bới lên hết. Nhưng rốt cuộc thì vẫn thế. Trắng phớ. Tuyệt không có một manh mối.


— ...


— Mãi đến lúc gần như đã buông tay, thậm chí trong đầu em em đã bắt đầu nhận thấy những triệu chứng manh nha các ý tưởng rất không tốt, thì thằng cu Vô-va, con anh Ác-tua, một thằng bé thông minh lanh lợi, có máu trinh thám gia truyền, té ra cu cậu đoán biết bố và chú đang có "vụ" gì đó chắc là bí hiểm lắm, nên đã tìm cách lỏn theo vào khu vật chứng để "theo dõi", bị em phát hiện, trong lúc luống cuống, nó làm rơi một vật từ trên bàn xuống...


— ...


— Thoạt nhìn, thì em liền nhận ra ngay...


— Khoan đã...


(Còn nữa)

Libya: Obama bị kẹp giữa háng

8 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Barack Obama, ứng cử viên Tổng Thống, tháng Chạp 2007: "Tổng Thống không có quyền lực trong Hiến Pháp để đơn phương cho phép một cuộc tấn công quân sự trong một hoàn cảnh không bao hàm việc phải ngăn chặn một mối đe dọa thực sự hoặc sắp xảy đến cho quốc gia... Lịch sử đã chỉ ra cho chúng ta hết lần này tới lần khác, dù thế nào, rằng hành động quân sự là thành công nhất khi nó đã được cho phép và đã được ủng hộ bởi ngành lập pháp. Luôn luôn là thích hợp hơn để có sự ưng thuận khi đã nắm được tình hình của Quốc Hội trước khi có mọi hành động quân sự bất kỳ."


Kucinich đã yết thị một thông điệp vi-đi-ô trên trang web chiến dịch tranh cử của ông này vào Thứ Hai, trong đó ông này tuyên bố quyết định của Chính quyền Obama can thiệp vào Li-bi đã "vi phạm Hiến Pháp của Tạp Chủng Quốc Hoa Kỳ."


"Bạn thích Tổng Thống Obama hay không không thành vấn đề," Kucinich nói trong thông điệp. "Vấn đề là: bạn có còn thích Hiến Pháp không. Và Hiến Pháp thì đặt rất vững chắc vào tay Quốc Hội việc quyết định những việc như có hoặc không đưa đàn ông và đàn bà trong lực lượng vũ trang của chúng ta vào một cuộc xung đột, hoặc đưa tài sản vật chất của Tạp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột."


Thông điệp vi-đi-ô của Kucinich xuất hiện là ví dụ đầu tiên khi một ứng cử viên (2012) đề cập tới xung đột ở Li-bi. Các thành viên của cả hai đảng đều đã đưa ra những sự chỉ trích của họ đối với Obama trong việc can thiệp vũ trang vào Li-bi, họ tranh luận là Quốc Hội phải có một vai trò lớn hơn trong tiến trình ra quyết định.

Pút-tin: Lô-gích và lương tâm ở đâu vậy?

2 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Thủ Tướng Nga Vờ-la-đi-mia Pút-tin, đang trong một chuyến công tác ở U-đờ-mu-rchi, trong lúc chuyện trò với các công nhân nhà máy Vốt-kin-xki đã bình luận qua về bối cảnh ở Li-bi:



"Không theo một tham số nào chế độ ở Li-bi lại phù hợp với tiêu chí của một đất nước dân chủ — đấy là một thực tế rõ ràng. Và ở đây không có gì để thêm thắt cả.


"Đây là một đất nước phức tạp. Trong nền tảng của nó là mối quan hệ giữa các bộ tộc. Đương nhiên, cái đó đòi hỏi một sự điều hành đặc biệt. Bối cảnh chính trị nội tại đã mang đặc điểm đấu tranh vũ trang. Nhưng chuyện này, tất nhiên, không có nghĩa, là ai đó được phép can thiệp vào mâu thuẫn chính trị nội bộ, thậm chí là can thiệp vũ trang, từ bên ngoài, để bảo vệ một trong các bên. Đây là phần thứ nhất.


"Phần thứ hai liên quan đến nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, dựa trên cơ sở của nó mà sự can thiệp ngày hôm nay đang diễn ra, mà trước hết là can thiệp vũ trang. Nghị quyết này của Hội Đồng Bảo An, không còn gì phải nói nữa, là phế phẩm và suy đồi. Nếu nhìn vào những gì được viết ở đó, thì lập tức rõ ràng ngay, là nó cho phép tất cả mọi người được áp dụng tất cả mọi thứ, mọi hành động bất kỳ, trong mối quan hệ với một quốc gia có chủ quyền. Nói chung, tất cả những chuyện này nhắc tôi nhớ đến một lời hô hào từ thời trung cổ kêu gọi tham gia một cuộc thập tự chinh, khi mà ai đó kêu gọi ai đó đi đến một chỗ xác định nào đó và giải phóng một cái gì đó. Đây là phần thứ hai.


"Bây giờ về bản chất của chính sự kiện. Rõ ràng, đây là can thiệp vũ trang từ bên ngoài. Nhưng điều làm tôi lo lắng thậm chí không hẳn chính là sự việc can thiệp vũ trang (đụng độ vũ trang có nhiều, chúng thường xuyên xảy ra và, thật tiếc, chắc là, sẽ còn xảy ra lâu nữa), mà là sự đơn giản nhẹ nhõm, mà với nó, những quyết định về việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề quốc tế hôm nay, đã được chấp thuận. Nói ngay, trong nền chính trị của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ việc này đã trở thành một xu thế vững vàng và một khuynh hướng. Dưới thời Bin Cờ-lin-tơn họ bỏ bom I-u-gơ-xla-vi-a và Ben-grát, Bút đưa quân vào Áp-ga-nít-xtăng, rồi với một lý do bịa đặt, hoàn toàn dối trá, đưa quân vào I-rắc, thủ tiêu hoàn toàn sự lãnh đạo I-rắc — ngay cả những đứa trẻ trong gia đình Xa-đam Hút-xen cũng bị chết.


"Giờ đến lượt Li-bi — viện cớ bảo vệ thường dân. Nhưng trong những cuộc đánh bom trên lãnh thổ thì chính những thường dân này lại chết. Lô-gích và lương tâm ở đâu vậy? Không có lô-gích, cũng không có lương tâm. Đã có những nạn nhân là thường dân, mà vì họ, tuồng như, những cuộc đánh bom này đã được tiến hành, đấy. Tôi mong muốn nói gì nhỉ? Rằng chúng ta chuẩn bị và mong muốn sống trong hòa bình với tất cả mọi người. Chúng ta không muốn xích mích với ai cả, đánh nhau thì lại càng không, ơn Chúa. Nhưng những sự kiện ngày hôm nay, cả chuyện ở Li-bi, thêm một lần nữa khẳng định tính đúng đắn trong những gì chúng ta đang làm để tăng cường khả năng quốc phòng của nước Nga."

Libya: Thứ Bảy, ngày 19 tháng Ba, năm 2011

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tổng thống Barack Obama dẫn vợ con đến Rio de Janeiro, Bờ-ra-xin, vào Thứ Bảy, ngày 19 tháng Ba, năm 2011. Obama đến Bờ-ra-xin bắt đầu chuyến thăm ba nước, trong năm ngày ở Mĩ La-tinh.



Những người phụ nữ Li-bi ủng hộ Moammar Gadhafi tổ chức biểu tình trước cổng chính khách sạn Rixos chỗ ở của các nhà báo nước ngoài tại Tripoli, Li-bi, vào Thứ Bảy ngày 19 tháng Ba, năm 2011.


Moammar Gadhafi đã cảnh báo các lực lượng quân sự nước ngoài rằng họ sẽ "hối tiếc" về hành động can thiệp ở Li-bi, và quân đội của ông vào ngày Thứ Bảy đã bắt đầu tấn công vào tâm điểm của cuộc nổi dậy, — nơi tập trung lực lượng tại thành phố đầu tiên đã bị những phần tử phiến loạn chiếm đóng, — bằng đại bác, hỏa lực và máy bay chiến đấu.

Libya: Bọn hùng hổ hôi dầu quên nhục nhanh thật

8 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Một đại đội lính Mỹ đến Mỹ Lai vào một buổi sáng đầy nắng. Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng. "Mệnh lệnh là bắn vào bất cứ thứ gì động đậy", một quân nhân Mỹ về sau kể lại, khi chuyện về vụ thảm sát vỡ lở gây chấn động cả thế giới.

Mỹ Lai là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ giết dân thường thảm khốc xảy ra ngày 16/3/1968, khi binh lính Mỹ xả súng giết đàn ông già cả, đàn bà, trẻ con, cả những con bò con chó. Những cơ thể phụ nữ còn hằn dấu vết bị làm nhục. 504 người dân thường thiệt mạng. Không một ai trong số lính Mỹ bị bắn.

Quân đội Mỹ đã che đậy vụ việc trong hơn một năm rưỡi, cho đến khi nhà báo Seymour Hersh điều tra ra và cho công chúng cả thế giới biết sự thực.

(vnexpress.net)

Mát-xcơ-va, ngày 19 tháng Ba: Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev đã nói với các bộ trưởng vào ngày Thứ Sáu là chính phủ phải bảo đảm sự an toàn của các nhà ngoại giao Nga ở Li-bi trong biểu hiện khả thi của sự can thiệp quân sự của NATO.


Hội Đồng Bảo Thái Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố Li-bi là khu vực cấm bay và đã ủng hộ "mọi mức độ cần thiết" để bảo vệ các thường dân Li-bi. Vào sáng Thứ Sáu, NATO cho biết liên quân đã sẵn sàng không kích chống lại Li-bi.


"Chúng ta cần phải thảo luận vấn đề này ngay lập tức và nghĩ về sự an toàn của các nhà ngoại giao của chúng ta vẫn đang ở Li-bi," Medvedev đã nói.


Nước Nga, luôn là một thành viên nắm quyền phủ quyết của Hội Đồng Bảo Thái Liên Hợp Quốc, đã không tham gia bỏ phiếu.


Gaddafi lúc đầu đã phản ứng một cách giận dữ với quyết định của Liên Hiệp Quốc, nhưng những người có thẩm quyền Li-bi cũng đã công bố một sự ngừng bắn sau vài ngày chiến dịch bỏ bom các lãnh thổ phía đông của quân nổi loạn.


Nước Nga đã phản ứng là "rất tiếc" vào Thứ Bảy đối với sự bắt đầu hành động quân sự quốc tế ở Li-bi, và đã thúc giục việc kết thúc hành động bạo lực từ tất cả các phía.


Nga đã nói rằng nghị quyết của Liên Hợp Quốc cho phép dùng sức mạnh đã được "chấp thuận một cách hấp tấp."


"Chúng tôi một lần nữa thúc giục tất cả các bên thuộc Li-bi, cũng như những người đang tham gia hành động quân sự, làm mọi thứ họ có thể ngăn cản thiệt hại đối với những thường dân vô tội và bảo đảm một sự ngừng bắn ngay lập tức và một kết thúc cho các hành động bạo lực," Bộ Ngoại Giao Nga tuyên bố.


"Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng để có một giải pháp lâu dài đối với xung đột nội bộ ở Li-bi, để đảm bảo tương lai dân chủ bền vững của nó, thì cần thiết phải ngay lập tức ngừng đổ máu và bắt đầu một cuộc đối thoại trong nội bộ Li-bi," Bộ Ngoại Giao nói.


Nước Nga đã không tham gia bỏ phiếu ở Hội Đồng Bảo Thái Liên Hiệp Quốc vào đêm Thứ Năm để áp đặt một khu vực cấm bay ở Li-bi. Trung Quốc, Đức, Ấn-độ, và Bờ-ra-xin cũng không tham gia.


10 thành viên khác trong 15 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết cho phép lực lượng quân sự liên quân của Hội Đồng Bảo Thái Liên Hiệp Quốc áp đặt khu vực cấm bay và bắt đầu hành động không kích chống lại quân đội trên bộ của Li-bi.



Wikipedia Việt Nam: "Nhà văn là bọn viết dốt"

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Hị hị... Hóa ra năm 2011 trên đời vẫn tồn tại một niềm tin chân thành là các nhà văn chính là những người viết lách mù mờ và khó hiểu hơn những người khác.

PS: Tội nghiệp các đại ca, bị anh gì Admin của wikipedia Việt Nam chốt cho phát, đỏ hết cả mặt vì nhục.
Giờ thì thật sự biết thế nào là mê tín dị đoan rồi, nhá!

Công nghệ hạt nhân của Nhật Bản?

24 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Ngày 16 tháng Bảy năm 2007, một trận động đất lớn đã đánh trúng Nhật Bản ở ngoài khơi đảo Honshu, hòn đảo lớn nhất nước Nhật, đã gây cháy ở tổ hợp lò phản ứng hạt nhân thương mại lớn nhất thế giới và đã đập vỡ bảy bể làm mát chất thải nhiên liệu của nó nặng đến mức tất cả chúng đã tràn ngập và một bể đã để rò rỉ nước bị nhiễm phóng xạ ra Biển Nhật Bản.


Động đất đã làm vỡ tung ít nhất là 40 thùng chất thải phóng xạ, đã làm hỏng vòi bơm 300 tấn trên trần hầm lò và đã làm cho các chất phóng xạ cô-ban, i-ốt và cờ-rôm bị phun vào bầu không khí.


Phần lớn những hậu quả này đã bị giữ bí mật hoặc đã diễn ra mà không bị phát hiện trong nhiều ngày.


U.S. Geological Survey đã cho biết trận động đất được xác định là 6.8 độ rích-tơ, là mạnh gấp 2 lần rưỡi mức độ mà những lò phản ứng có thể chịu được theo thiết kế.


Tổ hợp Kashiwazaki-Kariwa, cách 150 dặm về phía tây bắc Tô-ki-ô (lớn nhất thế giới về công suất), được vận hành bởi công ty TEPCO (Tokyo Electric Power Company). Bốn trong số bảy lò phản ứng của nhà máy (số 2,3,4 và 7) đang vận hành khi động đất xảy ra và chúng may mắn đã ngừng được hoạt động — vừa đúng lúc khói cuộn lên từ một máy biến thế ở lò phản ứng số 3. Máy biến thế này rõ ràng đã bị cháy khi động đất đã gây ra một cú đoản mạch lớn.


Lò phản ứng số 2 đã được khởi động lại trong lúc vẫn còn động đất, còn lò số 1, 5 và 6 đã bị ngừng hoạt động trước đấy để kiểm tra.


Một số công nhân của TEPCO đã bị trúng nước nhiễm phóng xạ, và CNIC (Citizens Nuclear Information Center) tại Tokyo đã tường trình là nước trong những bể làm mát của tất cả 7 lò phản ứng đã tràn ngập. Và một ít nước làm mát ở lò số 6 đã tràn ra biển.


U.S. NRC (Nuclear Regulatory Commission) là người đầu tiên phản ứng với tai họa tiềm năng, đã làm tầm thường hoá mối nguy hại.


Eliot Brenner của NRC ở Oa-sinh-tơn đã kết luận cùng ngày là đám cháy và sự tràn chất phóng xạ "đã được đặt thành những vấn đề thứ yếu và không tới mức một vụ việc nguyên tử bất ngờ đáng kể." Sự đánh giá nhanh nhảu này — một bài hát ru tương đối tốt lành luôn được hát lại trước sự phản ứng của dư luận đối với mỗi tai nạn phóng xạ — đã được chứng minh là sai, khi những thông tin mới vẫn tiếp tục được đưa ra trong sáu tuần sau đó.


Công ty TEPCO rốt cuộc đã phải đưa ra một danh sách bao gồm 64 trục trặc đã được biết, những khiếm khuyết và những chỗ nứt vỡ, bao gồm sự việc thật là những nền bục làm việc bằng thép nặng được treo phía trên các bể làm mát ở các lò phản ứng số 4 và số 7 đã rơi lên trên bộ phận nhiên liệu bị chìm. CNIC đã lưu ý là việc phóng thích ra môi trường những chất cô-ban-60 và i-ốt-131 một cách tự động làm dấy lên những mối nghi ngờ về bộ phận nhiên liệu đã bị hỏng.


Sau đó công ty TEPCO đã thừa nhận là khoảng 2,000 tấn nước biển đã tràn ngập hầm lò phản ứng số 1 qua một ống dẫn dây cáp điện đã bị vỡ toác; là 400 thùng chất thải phóng xạ đã bị va đập bởi động đất (TEPCO trước đấy đã nói là 100 thùng) và ít nhất 40 thùng trong số đó đã bị vỡ toang.


TEPCO đã tiết lộ thêm là một vòi bơm 300 tấn được gắn tới trần hầm lò ở lò phản ứng số 6 đã bị vỡ. Mặc dù nó nặng tới hơn 12 triệu pao, TEPCO đã cho rằng vòi bơm không có nguy cơ bị rơi xuống. Báo Yomiuri Shimbun đã tường trình là trong số 13 nguồn rò rỉ bức xạ đã được biết, có ít nhất là năm ống thông gió (những ống trích khí từ hầm lò phản ứng ra và gửi chúng đến ống thoát khí chính) đã bị bật ra vì động đất. Nếu những ống này đã bị vỡ toang ra trước khi những lò phản ứng được đóng lại, các loại khí đốt phóng xạ sẽ bị thoát ra ngoài không khí.


Tin tức về việc thoát khí phóng xạ đã làm lung lay ngành du lịch nội địa. Khách du lịch, nghi ngại những lời cam đoan của TEPCO, đã rời khỏi những bãi biển và đã huỷ bỏ 48,000 đăng ký đặt phòng khách sạn trong năm ngày sau động đất.


Giáo sư Katsuhiko Ishibashi, một chuyên gia động đất ở Kobe University, đã kêu ca là những nguyên tắc chỉ đạo mới của việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân — đã được chuẩn y vào tháng Chín (trước tai nạn) bởi một ủy ban mà bản thân ông đã được bổ nhiệm vào đấy — là mơ hồ, đầy những lỗ hổng nguy hiểm và cấp cho quá nhiều sự tự do làm theo ý mình cho những người sở hữu và vận hành lò phản ứng. Ishibashi đã từ chức để phản đối lại việc thiếu tranh luận bên trong uỷ ban này.


Nước Nhật nằm trên đỉnh bốn tầng kiến tạo địa chất và là một trong những khu vực có nguy cơ động đất nhiều nhất thế giới.

Vụ nổ hạt nhân Trép-nô-bưn

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook


Vụ nổ chụp từ vệ tinh


Lò phản ứng số 4 sau vụ nổ

Thảm họa Trép-nô-bưn là một tai nạn hạt nhân đã xảy ra vào ngày 26 tháng Tư năm 1986 tại Nhà máy điện Hạt nhân Trép-nô-bưn ở U-cờ-rai-na (lúc đó thuộc Liên Xô cũ). Đây được coi là một tai nạn nhà máy điện hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, và nó là trường hợp duy nhất đã được phân loại hậu quả cấp độ 7 trên Độ đo Hậu quả Hạt nhân Quốc tế.


Tai họa đã xảy ra trong thời gian kiểm tra hệ thống vào ngày 26 tháng Tư năm 1986 tại lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Trép-nô-bưn, nằm ở gần thành phố Pri-pi-át. Hiện tượng trào năng lượng đã xảy ra một cách bất thình lình, và khi thủ tục đóng khẩn cấp lò hạt nhân được áp dụng, thì một cú trào năng lượng cực độ mạnh mẽ hơn đã xảy ra, dẫn tới làm vỡ vỏ lò phản ứng hạt nhân và một loạt các vụ nổ. Việc này đã phơi những thành phần điều tiết bằng than chì của lò phản ứng ra ngoài không khí, khiến cho chúng bị bốc cháy. Vụ cháy nổ đã khuyếch tán luồng phóng xạ nguyên tử vào không khí qua một lãnh vực địa lý rộng lớn về phạm vi, trong đó có cả thành phố Pri-pi-át. Luồng phóng xạ đã trôi qua những khu vực rộng lớn phía tây Liên Xô, Đông Âu, Tây Âu, và Bắc Âu. Những khu vực rộng lớn ở U-cờ-rai-na, Bê-la-rút, và Nga đã buộc phải bỏ trống, và trên 336,000 người đã phải tái định cư. Theo dữ liệu chính thức thời hậu Xô Viết, khoảng 60% bụi phóng xạ đã đổ bộ xuống Bê-la-rút.


Không kể đến tai nạn, U-cờ-rai-na vẫn tiếp tục vận hành những lò phản ứng còn lại ở Trép-nô-bưn trong nhiều năm. Lò phản ứng cuối cùng ở đó đã được dừng hoạt động vào năm 2000, — 14 năm sau thảm họa.


Tai nạn này đã dấy lên những mối lo ngại về sự an toàn của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Xô Viết cũng như năng lượng hạt nhân nói chung, làm chậm sự phát triển nó trong một số năm và buộc chính phủ Xô Viết phải trở nên ít giữ bí mật hơn về các thủ tục của nó.


Nga, U-cờ-rai-na, và Bê-la-rút đã tiếp tục phải chịu gánh nặng với các vấn đề giải quyết hậu quả tai nạn Trép-nô-bưn: khử độc, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người dân. Năm mươi người chết, tất cả đều là người làm việc trực tiếp ở lò phản ứng và những người có trách nhiệm xử lý tình trạng khẩn cấp, trực tiếp đã liên quan (liên đới) tới tai nạn đã xảy ra.



Thành phố bỏ hoang Pri-pi-át

Thiên địa bất nhân

7 ý kiến, và ý kiến từ facebook



天地不仁,以萬物為芻狗。

Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu.
Trời đất không có tính người, lấy vạn vật làm chó rơm.

Trên từng cây số - Tập 3

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TRÊN TỪNG CÂY SỐ
(Tập 3)
Bộ phim "Của Một Thế Hệ"

DANH SÁCH DOWNLOAD TẤT CẢ CÁC TẬP PHIM
(định dạng mp4)

01. Chiếc xà lan
02. Hai cây đàn Ghi-ta
03. Chiếc đồng hồ chuông
04. Ba dấu chấm than
05. Những đoàn tàu ngược chiều
06. Tám giờ kém mười
07. Lối đi của con lừa
08. Cô gái di-gan
09. Trên từng cây số
10. Lễ Phục Sinh
11. Người chết sống lại
12. Cây thập tự Hiệp sĩ
13. Ngày đầu tiên

Phần 3.1/6


Dịch phụ đềBạn giai Yến Lan (Bun - Anh)
Chương trình me()
Đim-ma (Cu Nhỏ)
Dàn dựng, kỹ xảoNhật Linh
Thanh Thư
Giám đốc sản xuấtdao_hoa_daochu (Đào Phò)
Uất ức không được tham giaPhi Long (Ông Huyện)
Lười nhác, giễu cợt người khácMinhCQ (Lãn Ông)

Phần 3.2/6

Phần 3.3/6

Phần 3.4/6

Phần 3.5/6

Phần 3.6/6

LẬP TRÌNH VIÊN (24)

19 ý kiến, và ý kiến từ facebook






"Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...", "khăn quàng bay cuối thu, mẹ đưa em qua phủ Tây Hồ", em đã thấy mùa thu Hà Nội chưa?


— Hai lần, một lần hồi còn nhỏ, một lần hồi học cấp hai... à, với cả một lần hồi mới biết anh, nhưng lúc đấy em không còn thấy nữa.


— Trước em đã thấy tranh "Mùa thu vàng"...


— "Mùa thu vàng" của Lê-vi-tan, lẽ ra phải dịch là "Mùa thu hoàng kim", em xem rồi. Anh, màu sắc trong đấy có ít nhiều... cách điệu không?


— Em thấy nó vàng quá?


— Hà Nội không vàng thế.


— Màu sắc của Lê-vi-tan là màu sắc thiên tài. Mọi người có vẻ như được nghe nói nhiều đến “Mùa thu vàng” nhất. Còn thực ra hai bức mà anh mê mẩn nhất là “Sau cơn mưa” và “Trên sự yên tĩnh đời đời”. Những bức ấy, anh thấy nó có thể làm cho người ta thay đổi cả một nhân sinh quan. Tiếc là anh không thể nào tả lại cho em được... À, còn “Mùa thu vàng”, cái tranh đấy là còn xanh đấy. Chỗ em và anh đang đi bây giờ, còn vàng hơn đấy nhiều. Dưới chân em là thảm lá vàng rực, như ở chỗ này thì không thấy đất đâu, trên đầu em là thảm lá vàng rực, như ở chỗ này thì không thấy trời đâu, khắp xung quanh em, ngoại trừ những thân cây... và anh ra, thì cũng vàng rực tất, toàn lá vàng. — Chợt cô thấy anh để tay lên hai bên vai, xoay người cô lại. — Cái áo vét này, vai vuông, vạt bên phải cả tấm to có ngù thêu kín ngực, như là quân phục kỵ binh, em mặc đi chơi trong vườn này, tự nhiên lại quá hợp luôn...


— Kỵ binh? Cái này là Michael Jackson đấy.


— Vườn này gọi là "Khu vườn không buồn chán", từ thế kỷ mười tám, là sở hữu của nữ hoàng Ê-ka-tê-rin-na đệ nhị, đấy là thời phong kiến quý tộc ở đây, hồi đấy sĩ quan của họ anh nhớ là mặc kiểu áo như này với cả quần... dệt kim đông xuân trắng...






— Không, nó đang nằm ngủ ở trên cái viền bờ này. Bây giờ mình đi về phía bên phải là đi xuôi theo dòng sông. Đẹp lắm, bên trái là cái viền bờ bê tông tròn tròn thấp thấp này nhá, bên phải là một băng thềm bê tông cao đến khoảng đùi mình, gờ của thềm này cũng vồng tròn ra na ná như vồng tròn kia, lá vàng rắc đầy dưới chân, cây ở bên bờ dốc bên tay phải liên tục vươn cành qua đầu mình, vàng rực rỡ, có chỗ tán lá thòng chạm cả xuống nước. Trong vườn này có một cái nhà hát gọi là "Nhà hát Không khí", ngày xưa Pút-skin với vợ chưa cưới đến đấy một lần, nên sau này nhân kỷ niệm một trăm năm ngày Pút-skin bắn nhau, cái bờ sông mình đang đi này được đặt tên là "Bến bờ Pút-skin".


— Bến bờ Pút-skin... "Đêm dài qua dưới mưa rơi em mong chờ anh tới...", anh này, cái lời dịch này vênh nhiều so với bản gốc.


— Ừ, dịch lời bài hát thì khó sát.


— Nội dung như thế, nếu mà dịch sát được sang tiếng Việt chắc sẽ hay lắm...


— Có muốn anh dịch thử cho nghe?


— Anh..? Anh dịch được á?


— Đêm đã trôi dưới làn mưa như trút

Những ngọn cỏ mềm sũng ướt trong đêm...


— Tiếp đi anh... — Cô ngả đầu vào vai anh.


— Tất cả mọi người đều nói rằng em

"Cô gái ấy là một người hạnh phúc!"

Và em cũng tin đấy là sự thực


— ...


— Mặc trái tim mỗi lúc lại thì thầm:


— ...


— "Hai người — đôi bờ của một dòng sông."


Những chú vịt từng đôi lội chơi với sóng

Sóng cũng tung bọt rắc... cùng nhau

Những cô gái những chàng trai, chụm đầu

Chỉ riêng em là một mình đơn lẻ

Em vẫn tin, vẫn đợi chờ như thế

Mặc trái tim luôn khe khẽ thì thầm:

"Hai người — đôi bờ của một dòng sông."


Đêm đã qua và bình minh trải rộng

Nhưng dường như vẫn tối sẫm đâu đây

Một mình em, một nỗi nhớ dâng đầy

Em chẳng có ai, chỉ một mình đơn lẻ

Em vẫn tin, vẫn đợi chờ như thế

Mặc trái tim luôn khe khẽ thì thầm:

"Hai người — đôi bờ của một dòng sông."


— ...


— Người mẫu ơi, ngay bên phải mình đang có một chiếc ghế gỗ công viên e ấp dưới chân một ngọn đèn đường cổ kính, ngồi nhá.


— ...


— Vườn thượng uyển, cũng là vua chúa... em đã thấy Đại nội Huế chưa?


— Vâng, sao anh? — Cô vẫn dính chặt một bên vai anh...






Download bản "LẬP TRÌNH VIÊN (24)" đầy đủ (685KB):

http://www.mediafire.com/?36wbpbb2280rex4

http://www.megaupload.com/?d=4KQ1AZQY


Hướng dẫn cách dùng sách "LẬP TRÌNH VIÊN":

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lap-trinh-vien-2.html

Trên từng cây số - Tập 2

10 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TRÊN TỪNG CÂY SỐ
(Tập 2)

Bộ phim "Của Một Thế Hệ"

DANH SÁCH DOWNLOAD TẤT CẢ CÁC TẬP PHIM
(định dạng mp4)

01. Chiếc xà lan
02. Hai cây đàn Ghi-ta
03. Chiếc đồng hồ chuông
04. Ba dấu chấm than
05. Những đoàn tàu ngược chiều
06. Tám giờ kém mười
07. Lối đi của con lừa
08. Cô gái di-gan
09. Trên từng cây số
10. Lễ Phục Sinh
11. Người chết sống lại
12. Cây thập tự Hiệp sĩ
13. Ngày đầu tiên

Phần 2.1/5


Dịch phụ đề
Bạn giai Lan Cải (Bun - Anh)
Chương trình me()
Đim-ma (Cu Nhỏ)
Dàn dựng, kỹ xảo
Nhật Linh
Thanh Thư
Giám đốc sản xuất
dao_hoa_daochu (Đào Phò)
Uất ức không được tham gia
Phi Long (Ông Huyện)
Lười nhác, giễu cợt người khác

MinhCQ (Lãn Ông)

Phần 2.2/5

Phần 2.3/5

Phần 2.4/5

Phần 2.5/5

Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (X)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Đêm.


Hồ Tây.


"Lập thân làm nên khanh tướng, trong bụng phải có thi thư"


Thế kỷ mười sáu, mà yêu tri thức hơn thế kỷ hai mốt.


Thế kỷ mười sáu có ông già bảy mươi đi sang Trung Quốc, lúc về đến Lạng Sơn, đi qua một ngôi chùa nhỏ. Chùa nhỏ nên sân chùa mát rười rượi mặc dù chỉ có đúng ba cái cây không to. Sân mát rười rượi lại có một người con gái đẹp rười rượi đang ngồi gảy đàn mà hát rằng:


Mây đơn độc bay ngang, núi cao chót vót,

Chim buồn bã bay ra bay vào, rừng xanh yêu kiều,

Hoa nở đầy bờ, hương nhẹ nhàng bay,

Thông reo muôn khe núi, tiếng vi vu,

Bốn phía không người, xa nơi đông đúc,

Gảy đàn ca vang, một mình tiêu dao,

Than ôi điệu nhạc của núi rừng, có làm cho trời bớt cao.


Người, dù là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, mà gặp cảnh như vậy, mà không buột mồm bi bô, thì mới là lạ.


Người, còn là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, dù là buột mồm bi bô, thì vẫn sẽ khác nhiều so với văn vở của sất phu.


Nên người bèn bi bô rằng:



Thì người con gái bèn buông đàn mà ứng thanh đáp rằng:



Ba ("tam") chữ "mộc" hợp thành chữ "sâm". Chữ "nữ" với chữ "tử" hợp thành chữ "hảo".

Lặp ("trùng") chữ "sơn" hợp thành chữ "xuất". Chữ "lại" với chữ "nhân" hợp thành chữ "sứ".


Người bị giật mình!


Nhưng người, còn là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, thì dù là bị giật mình, cũng không bị cuống. Nên người bi bô tiếp:



Thì người con gái lại đáp:



Chữ "sơn" với chữ "nhân" hợp thành chữ "tiên". Chữ "nhất" với chữ "kỷ" hợp thành chữ "phàm".

Chữ "văn" với chữ "tử" hợp thành chữ "học". Chữ "trường" với chữ "cân" hợp thành chữ "trướng".


Người, còn là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, mà gặp một nữ tử như vậy, mà trong lòng không rung động, thì mới là lạ.


Không chỉ rung động, mà còn bội phục.


Người bèn bước lên, cúi đầu thi lễ.


Nhưng ngẩng đầu lên, thì đã chẳng thấy ai.


Cả người, cả đàn, đều đã biến đi đâu.


Chỉ thấy trên một thân cây có đề bốn chữ:


卯口公主

Mão khẩu công chủ

Công chúa miệng mèo.


Còn trên một cây khác có bốn chữ khác:


冫馬已走

Băng mã dĩ tẩu

Ngựa nước đá bỏ đi.


Chơ lơ!


Nhưng người, dù là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, thì lại không thấy chơ lơ. Người bèn nghĩ, rồi bảo:


— Cái cây, là chữ "mộc" (木), thêm chữ "mão", thì thành chữ "liễu" (柳); thêm chữ "khẩu", thì thành chữ "hạnh" (杏). "Công Chúa Liễu Hạnh".


Rồi lại nghĩ, rồi lại bảo:


— Chữ "băng" với chữ "mã" hợp thành chữ "phùng" (馮). Chữ "dĩ" với chữ "tẩu" hợp thành chữ "khởi" (起). "Phùng khởi". "Phùng" là họ Phùng, — là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ta. Xiêu đổ mà dựng lại thì gọi là "khởi". Nhị Công Chúa muốn ta dựng lại chùa này để thờ Người.


Bèn xuất tiền cho dân làng sửa sang lại ngôi chùa.


Một năm trôi qua.


Thoa lạp ngũ hồ vinh bội ấn — Áo tơi nón lá chơi ngũ hồ còn vinh hơn đeo ấn làm quan

Tang ma tế dã thắng phong hầu — Dâu gai đầy đồng còn hơn được phong tước hầu


Ngày mùa hạ, sắc trời phơi phới, nắng nhè nhẹ, gió man mát, nước mênh mang, sóng lăn tăn, lấp lánh, Trạng Bùng, lúc này đã là Thượng Thư Bộ Hộ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu, cùng hai người bạn là Ngô Cử Nhân Ngô Tường Sinh và Lý Tú Tài Lý Hạ cùng nhau rong thuyền uống rượu làm thơ trên Hồ Tây, lúc đó đã gọi là Tây Hồ, thay cho tên Dâm Đàm cũ, để tránh tên húy của nhà vua lúc đó là Duy Đàm.


Thuyền cập bán đảo Tây Hồ; ba người tha thẩn dạo chơi, chợt thấy xa xa, dưới bóng cây hòe, có một nếp nhà mới; bèn nhanh chân rảo bước tới gần, thì ra là một quán rượu đơn sơ mới cất bên hồ, biển treo:


"Tây Hồ phong nguyệt"


Ba người theo nhau bước vào, thì nhìn thấy trên tường có một bài thơ, nét mực hãy còn tươi:


Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt

Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,

Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,

Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.


Khổng Tử dạy: "Quân tử vô hữu bất như kỷ giả" — Quân tử không có bè bạn không như mình. Lý Tú Tài đợi một tí, không thấy hai bạn nói gì, mới bảo:


— Hai quan bác khiêm tốn quá. Chủ nhân dùng lối chiết tự, là muốn thử chúng ta đây.


"Môn nội chiếu minh nguyệt — chữ "môn" (門) có trăng (月) sáng chiếu ở bên trong là chữ "nhàn" (閒),

"Nhân bàng lập thổ khuê — chữ "nhân" (人) có chữ "khuê" (圭) đứng cạnh là chữ "giai" (佳),

"Tam tinh câu nguyệt đối — một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời, là chữ "tâm" (心),

"Nhất mộc lưỡng nhân đề — một chữ "mộc" (木), có hai chữ "nhân" (人) đè lên, là chữ "lai" (來).


"Điếm phương nhàn — Quán nhàn nhã

Thời chính giai — Thời tiết đẹp

Khách hữu tâm — Khách có lòng

Huệ nhiên lai — Mời vào chơi"


Phùng và Ngô cùng gật gù khen giỏi. Thấy có rượu đã bày sẵn trên bàn, hai người bèn thưởng cho Lý một chén đầy.


Rượu được vài tuần, tửu hứng, Lý Tú Tài nói vọng vào:


— Chủ nhân đã có ý mời, sao nỡ để khách ngồi suông?


Thì từ trong nhà có một người hầu gái nhỏ ứng tiếng bước ra, tay bưng chiếc đĩa, trên có tờ giấy hoa tiên, đề:


"Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên" — Tây Hồ chiếm riêng một bầu trời.


Hiểu là thi đề, ba người bạn cùng im lặng nghĩ ngợi, rồi lại là Lý Tú Tài bắt đầu trước:


Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên

Túng mục càn khôn tận khoát nhiên — Phóng mắt trời đất cao rộng đến hết tầm nhìn

Cổ thụ viễn trang thanh tịch mịch — Cổ thụ vườn xa xanh lặng lẽ


Phùng Công ngâm tiếp:


Kim ngưu khoát thủy lục quyên quyên — Trâu vàng nước rộng xanh lấp lánh

Sinh nhai hà xứ sổ gian ốc — Sinh sống chỗ nào, vài gian nhà


Rồi đến Ngô Cử Nhân:


Hoạt kế thùy gia nhất chích thuyền — Mưu sinh nhà ai, một chiếc thuyền

Cách trúc sơ ly văn khuyển phệ — Qua rặng trúc thưa nghe tiếng chó sủa


Cứ thế, ba người làm được bốn mươi câu, thì từ trong nhà có tiếng nữ nhân vẳng ra:


Đắc nguyệt ứng tri ngã thị tiên ­— Trăng tròn biết được ta đúng là tiên.


Phùng Công vỗ đùi thích chí:


— Hay! Câu kết thật là hay quá đi!


Hết hạ sang thu.


Chẳng hẹn mà cùng một ý nguyện, ba người bạn lại cùng nhau trở lại quán thơ.


Lạ thay, gốc hòe còn đó, quán cũ nay đâu, bên tai vẫn còn tiếng ve kêu, trước mắt chỉ thấy mây nước mênh mang một màu, vài chiếc thuyền câu ở ngoài xa tít tắp...


Ba người đang lúc bâng khuâng, thì nhận thấy trên thân cây có chữ đề:


Vân tác ý thường phong tác xa,

Tiên du đâu suất mộ yên hà,

Thế nhân dục thức ngô danh tính,

Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa.


Lý Tú Tài trầm ngâm một lát, lắc đầu, rồi nhìn Phùng Công:


— Chẳng hay quan bác..?


Thì Phùng Công buồn bã mà rằng:


— Ba câu đầu, ý tứ rõ ràng, hai quan bác hẳn cũng nhìn ra. Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe. Sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du mây khói. Người đời ai muốn biết tên ta... đến đó, chữ "nhất" (一) với chữ "đại" (大) hợp thành chữ "thiên" (天), chữ "sơn" (山) với chữ "nhân" (人) hợp thành chữ "tiên" (仙). "Tiên trên trời Ngọc Quỳnh Hoa".


— Là Công Chúa Liễu Hạnh?! — Họ Lý và họ Ngô cùng sửng sốt.


Một lát Lý Tú Tài ngẩn ngơ:


— "Ngọc dễ tìm, tiên khó gặp", chẳng biết còn có cơ may nào không?


Phùng Công, tuy dáng vẻ buồn rười rượi, nhưng ngữ điệu lại yên ổn:


— Nếu có duyên kỳ ngộ, chắc cũng không phải chờ lâu lắm đâu. Như tôi đây, năm ngoái vừa hạnh ngộ, năm nay lại tương phùng. Năm trước, tôi mới được gặp Công Chúa ở miền biên ải...


Rồi Phùng Công đã cho dựng lên trên nền đất cũ "Tây Hồ phong nguyệt" một ngôi đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh, để ghi nhớ lần thứ hai được gặp Công Chúa ở ngay bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, cảnh quan thơ mộng của kinh thành Đông Kinh.


Ngôi đền đó, trải qua biết bao nhiêu thay đổi của cảnh, vật, người, và mình, nay là Phủ Tây Hồ.


Phủ Tây Hồ không mở cửa vào ban đêm.


Tức là không đón khách.


Nhưng vẫn có khách.


Tức là khách không mời.


Có thể chính vì vậy, nên khách ngồi hoàn toàn trong bóng tối dưới đám lá si rậm rạp bò lê la phía trên đầu, ngồi bó gối ở trên bậc thềm đá vuông viền theo mép sân phủ, cũng là ngay trên bờ nước, ở về hướng phía trước tòa tiền tế.


Mà cơ hồ cũng không phải vì vậy, vì nếu như muốn cố tình che dấu, thì khách đã không mặc đồ toàn bộ trắng tinh trắng tang như thế.


Nước vỗ lõm tõm dưới chân.


Trăng sáng vằng vặc trên đầu.


Nhưng ngồi thế thì tuyệt đối không chạm vào nước, cũng không chạm vào trăng. Nếu không phải vì muốn che dấu, thì rất có thể khách là một kẻ "sành trăng".


Bởi vì ngồi như vậy để ngắm ánh trăng, thì thật sự lại dễ hòa mình vào trăng hẳn hơn so với phơi mình ra dưới trăng để mà ngắm ánh trăng. Ở trong rạp, lúc chiếu phim, người ta vẫn không bật đèn.


"Tây Hồ phong nguyệt" — Khách đang nghĩ ngợi. — "Trên tam quan bây giờ ghi là "Phong đài nguyệt các". Còn... còn trên báo thì giật tít: "Xẻ thịt Hồ Tây làm dịch vụ".


"Bây giờ gọi những chuyện ngày xưa là truyền thuyết, còn khi đó thì gọi là gì? Mà thực sự có khi đó không? Nhưng Phùng Công và Phủ Tây Hồ đều là thật. Rốt cuộc chuyện gì thì cũng phải có một chỗ để thật sự bắt đầu chứ? Năm trăm năm nữa, những người khi đó liệu có cũng sẽ nhớ, cũng sẽ nói về một chuyện gì đó mà đã được bắt đầu vào bây giờ, và gọi đấy là truyền thuyết không?


"Mà truyền thuyết làm thế nào tồn tại?


"Thì... truyền thuyết thì là mọi người phải muốn ghi nhớ trong lòng. Mà nói thế cũng không đúng. Cái chuyện "người muốn ghi nhớ trong lòng" ấy. Vì thực ra, những thứ này chắc là "lòng" nó tự ghi nhớ, người muốn nhớ mà lòng nó không chịu, thì cũng chịu thôi. Còn lòng nó sẽ muốn nhớ cái gì, thì chắc người cũng không thể mà biết được. Nó là riêng.


"Đêm mùa đông

Ngày mùa hạ

Sau trăm năm

Trở về nhà


"Sau trăm năm, người mục ra, tiêu đi hết, còn lòng người thì "trở về nhà". "Hà xứ" — nhà đấy là ở chỗ nào?


"Mà lòng người, liệu nó có chịu về không không?


"Liệu nó có mang về nhà một bài chát-tinh tiêu biểu hix hix he he nào đó trên Yahoo hay không?


"Liệu nó có mang về nhà một vài chuyện thực khách ăn nhậu và thưởng thức nghệ sĩ mặc váy ngắn đến bẹn nhảy ngoáy đít hát ầu-ía trên du thuyền nhà hàng nổi ở Hồ Tây hay không?


"Nếu không có Thánh Gióng và Ngựa Sắt, liệu nó có chịu mang về nhà chuyện một ai đó đi một chiếc xe có gắn động cơ đốt trong và đã tài tình vượt qua được một nút giao thông ngay giữa giờ cao điểm hay không?


"Có lẽ là không đâu...


"Vậy là mình có thể cả đời có một công việc mưu sinh tốt, thậm chí rất tốt, như người ta vẫn bảo thế, còn lòng mình thì vẫn có thể cả đời thất nghiệp như thường.


"Thế thì phải làm sao đây... đây rồi..."