Ai đã giết ông Mút-đờ-rốp (X)

Đêm.


Hồ Tây.


"Lập thân làm nên khanh tướng, trong bụng phải có thi thư"


Thế kỷ mười sáu, mà yêu tri thức hơn thế kỷ hai mốt.


Thế kỷ mười sáu có ông già bảy mươi đi sang Trung Quốc, lúc về đến Lạng Sơn, đi qua một ngôi chùa nhỏ. Chùa nhỏ nên sân chùa mát rười rượi mặc dù chỉ có đúng ba cái cây không to. Sân mát rười rượi lại có một người con gái đẹp rười rượi đang ngồi gảy đàn mà hát rằng:


Mây đơn độc bay ngang, núi cao chót vót,

Chim buồn bã bay ra bay vào, rừng xanh yêu kiều,

Hoa nở đầy bờ, hương nhẹ nhàng bay,

Thông reo muôn khe núi, tiếng vi vu,

Bốn phía không người, xa nơi đông đúc,

Gảy đàn ca vang, một mình tiêu dao,

Than ôi điệu nhạc của núi rừng, có làm cho trời bớt cao.


Người, dù là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, mà gặp cảnh như vậy, mà không buột mồm bi bô, thì mới là lạ.


Người, còn là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, dù là buột mồm bi bô, thì vẫn sẽ khác nhiều so với văn vở của sất phu.


Nên người bèn bi bô rằng:



Thì người con gái bèn buông đàn mà ứng thanh đáp rằng:



Ba ("tam") chữ "mộc" hợp thành chữ "sâm". Chữ "nữ" với chữ "tử" hợp thành chữ "hảo".

Lặp ("trùng") chữ "sơn" hợp thành chữ "xuất". Chữ "lại" với chữ "nhân" hợp thành chữ "sứ".


Người bị giật mình!


Nhưng người, còn là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, thì dù là bị giật mình, cũng không bị cuống. Nên người bi bô tiếp:



Thì người con gái lại đáp:



Chữ "sơn" với chữ "nhân" hợp thành chữ "tiên". Chữ "nhất" với chữ "kỷ" hợp thành chữ "phàm".

Chữ "văn" với chữ "tử" hợp thành chữ "học". Chữ "trường" với chữ "cân" hợp thành chữ "trướng".


Người, còn là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, mà gặp một nữ tử như vậy, mà trong lòng không rung động, thì mới là lạ.


Không chỉ rung động, mà còn bội phục.


Người bèn bước lên, cúi đầu thi lễ.


Nhưng ngẩng đầu lên, thì đã chẳng thấy ai.


Cả người, cả đàn, đều đã biến đi đâu.


Chỉ thấy trên một thân cây có đề bốn chữ:


卯口公主

Mão khẩu công chủ

Công chúa miệng mèo.


Còn trên một cây khác có bốn chữ khác:


冫馬已走

Băng mã dĩ tẩu

Ngựa nước đá bỏ đi.


Chơ lơ!


Nhưng người, dù là người già bảy mươi, mà trong bụng có thi thư, thì lại không thấy chơ lơ. Người bèn nghĩ, rồi bảo:


— Cái cây, là chữ "mộc" (木), thêm chữ "mão", thì thành chữ "liễu" (柳); thêm chữ "khẩu", thì thành chữ "hạnh" (杏). "Công Chúa Liễu Hạnh".


Rồi lại nghĩ, rồi lại bảo:


— Chữ "băng" với chữ "mã" hợp thành chữ "phùng" (馮). Chữ "dĩ" với chữ "tẩu" hợp thành chữ "khởi" (起). "Phùng khởi". "Phùng" là họ Phùng, — là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ta. Xiêu đổ mà dựng lại thì gọi là "khởi". Nhị Công Chúa muốn ta dựng lại chùa này để thờ Người.


Bèn xuất tiền cho dân làng sửa sang lại ngôi chùa.


Một năm trôi qua.


Thoa lạp ngũ hồ vinh bội ấn — Áo tơi nón lá chơi ngũ hồ còn vinh hơn đeo ấn làm quan

Tang ma tế dã thắng phong hầu — Dâu gai đầy đồng còn hơn được phong tước hầu


Ngày mùa hạ, sắc trời phơi phới, nắng nhè nhẹ, gió man mát, nước mênh mang, sóng lăn tăn, lấp lánh, Trạng Bùng, lúc này đã là Thượng Thư Bộ Hộ kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu, cùng hai người bạn là Ngô Cử Nhân Ngô Tường Sinh và Lý Tú Tài Lý Hạ cùng nhau rong thuyền uống rượu làm thơ trên Hồ Tây, lúc đó đã gọi là Tây Hồ, thay cho tên Dâm Đàm cũ, để tránh tên húy của nhà vua lúc đó là Duy Đàm.


Thuyền cập bán đảo Tây Hồ; ba người tha thẩn dạo chơi, chợt thấy xa xa, dưới bóng cây hòe, có một nếp nhà mới; bèn nhanh chân rảo bước tới gần, thì ra là một quán rượu đơn sơ mới cất bên hồ, biển treo:


"Tây Hồ phong nguyệt"


Ba người theo nhau bước vào, thì nhìn thấy trên tường có một bài thơ, nét mực hãy còn tươi:


Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt

Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,

Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,

Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.


Khổng Tử dạy: "Quân tử vô hữu bất như kỷ giả" — Quân tử không có bè bạn không như mình. Lý Tú Tài đợi một tí, không thấy hai bạn nói gì, mới bảo:


— Hai quan bác khiêm tốn quá. Chủ nhân dùng lối chiết tự, là muốn thử chúng ta đây.


"Môn nội chiếu minh nguyệt — chữ "môn" (門) có trăng (月) sáng chiếu ở bên trong là chữ "nhàn" (閒),

"Nhân bàng lập thổ khuê — chữ "nhân" (人) có chữ "khuê" (圭) đứng cạnh là chữ "giai" (佳),

"Tam tinh câu nguyệt đối — một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời, là chữ "tâm" (心),

"Nhất mộc lưỡng nhân đề — một chữ "mộc" (木), có hai chữ "nhân" (人) đè lên, là chữ "lai" (來).


"Điếm phương nhàn — Quán nhàn nhã

Thời chính giai — Thời tiết đẹp

Khách hữu tâm — Khách có lòng

Huệ nhiên lai — Mời vào chơi"


Phùng và Ngô cùng gật gù khen giỏi. Thấy có rượu đã bày sẵn trên bàn, hai người bèn thưởng cho Lý một chén đầy.


Rượu được vài tuần, tửu hứng, Lý Tú Tài nói vọng vào:


— Chủ nhân đã có ý mời, sao nỡ để khách ngồi suông?


Thì từ trong nhà có một người hầu gái nhỏ ứng tiếng bước ra, tay bưng chiếc đĩa, trên có tờ giấy hoa tiên, đề:


"Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên" — Tây Hồ chiếm riêng một bầu trời.


Hiểu là thi đề, ba người bạn cùng im lặng nghĩ ngợi, rồi lại là Lý Tú Tài bắt đầu trước:


Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên

Túng mục càn khôn tận khoát nhiên — Phóng mắt trời đất cao rộng đến hết tầm nhìn

Cổ thụ viễn trang thanh tịch mịch — Cổ thụ vườn xa xanh lặng lẽ


Phùng Công ngâm tiếp:


Kim ngưu khoát thủy lục quyên quyên — Trâu vàng nước rộng xanh lấp lánh

Sinh nhai hà xứ sổ gian ốc — Sinh sống chỗ nào, vài gian nhà


Rồi đến Ngô Cử Nhân:


Hoạt kế thùy gia nhất chích thuyền — Mưu sinh nhà ai, một chiếc thuyền

Cách trúc sơ ly văn khuyển phệ — Qua rặng trúc thưa nghe tiếng chó sủa


Cứ thế, ba người làm được bốn mươi câu, thì từ trong nhà có tiếng nữ nhân vẳng ra:


Đắc nguyệt ứng tri ngã thị tiên ­— Trăng tròn biết được ta đúng là tiên.


Phùng Công vỗ đùi thích chí:


— Hay! Câu kết thật là hay quá đi!


Hết hạ sang thu.


Chẳng hẹn mà cùng một ý nguyện, ba người bạn lại cùng nhau trở lại quán thơ.


Lạ thay, gốc hòe còn đó, quán cũ nay đâu, bên tai vẫn còn tiếng ve kêu, trước mắt chỉ thấy mây nước mênh mang một màu, vài chiếc thuyền câu ở ngoài xa tít tắp...


Ba người đang lúc bâng khuâng, thì nhận thấy trên thân cây có chữ đề:


Vân tác ý thường phong tác xa,

Tiên du đâu suất mộ yên hà,

Thế nhân dục thức ngô danh tính,

Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa.


Lý Tú Tài trầm ngâm một lát, lắc đầu, rồi nhìn Phùng Công:


— Chẳng hay quan bác..?


Thì Phùng Công buồn bã mà rằng:


— Ba câu đầu, ý tứ rõ ràng, hai quan bác hẳn cũng nhìn ra. Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe. Sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du mây khói. Người đời ai muốn biết tên ta... đến đó, chữ "nhất" (一) với chữ "đại" (大) hợp thành chữ "thiên" (天), chữ "sơn" (山) với chữ "nhân" (人) hợp thành chữ "tiên" (仙). "Tiên trên trời Ngọc Quỳnh Hoa".


— Là Công Chúa Liễu Hạnh?! — Họ Lý và họ Ngô cùng sửng sốt.


Một lát Lý Tú Tài ngẩn ngơ:


— "Ngọc dễ tìm, tiên khó gặp", chẳng biết còn có cơ may nào không?


Phùng Công, tuy dáng vẻ buồn rười rượi, nhưng ngữ điệu lại yên ổn:


— Nếu có duyên kỳ ngộ, chắc cũng không phải chờ lâu lắm đâu. Như tôi đây, năm ngoái vừa hạnh ngộ, năm nay lại tương phùng. Năm trước, tôi mới được gặp Công Chúa ở miền biên ải...


Rồi Phùng Công đã cho dựng lên trên nền đất cũ "Tây Hồ phong nguyệt" một ngôi đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh, để ghi nhớ lần thứ hai được gặp Công Chúa ở ngay bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, cảnh quan thơ mộng của kinh thành Đông Kinh.


Ngôi đền đó, trải qua biết bao nhiêu thay đổi của cảnh, vật, người, và mình, nay là Phủ Tây Hồ.


Phủ Tây Hồ không mở cửa vào ban đêm.


Tức là không đón khách.


Nhưng vẫn có khách.


Tức là khách không mời.


Có thể chính vì vậy, nên khách ngồi hoàn toàn trong bóng tối dưới đám lá si rậm rạp bò lê la phía trên đầu, ngồi bó gối ở trên bậc thềm đá vuông viền theo mép sân phủ, cũng là ngay trên bờ nước, ở về hướng phía trước tòa tiền tế.


Mà cơ hồ cũng không phải vì vậy, vì nếu như muốn cố tình che dấu, thì khách đã không mặc đồ toàn bộ trắng tinh trắng tang như thế.


Nước vỗ lõm tõm dưới chân.


Trăng sáng vằng vặc trên đầu.


Nhưng ngồi thế thì tuyệt đối không chạm vào nước, cũng không chạm vào trăng. Nếu không phải vì muốn che dấu, thì rất có thể khách là một kẻ "sành trăng".


Bởi vì ngồi như vậy để ngắm ánh trăng, thì thật sự lại dễ hòa mình vào trăng hẳn hơn so với phơi mình ra dưới trăng để mà ngắm ánh trăng. Ở trong rạp, lúc chiếu phim, người ta vẫn không bật đèn.


"Tây Hồ phong nguyệt" — Khách đang nghĩ ngợi. — "Trên tam quan bây giờ ghi là "Phong đài nguyệt các". Còn... còn trên báo thì giật tít: "Xẻ thịt Hồ Tây làm dịch vụ".


"Bây giờ gọi những chuyện ngày xưa là truyền thuyết, còn khi đó thì gọi là gì? Mà thực sự có khi đó không? Nhưng Phùng Công và Phủ Tây Hồ đều là thật. Rốt cuộc chuyện gì thì cũng phải có một chỗ để thật sự bắt đầu chứ? Năm trăm năm nữa, những người khi đó liệu có cũng sẽ nhớ, cũng sẽ nói về một chuyện gì đó mà đã được bắt đầu vào bây giờ, và gọi đấy là truyền thuyết không?


"Mà truyền thuyết làm thế nào tồn tại?


"Thì... truyền thuyết thì là mọi người phải muốn ghi nhớ trong lòng. Mà nói thế cũng không đúng. Cái chuyện "người muốn ghi nhớ trong lòng" ấy. Vì thực ra, những thứ này chắc là "lòng" nó tự ghi nhớ, người muốn nhớ mà lòng nó không chịu, thì cũng chịu thôi. Còn lòng nó sẽ muốn nhớ cái gì, thì chắc người cũng không thể mà biết được. Nó là riêng.


"Đêm mùa đông

Ngày mùa hạ

Sau trăm năm

Trở về nhà


"Sau trăm năm, người mục ra, tiêu đi hết, còn lòng người thì "trở về nhà". "Hà xứ" — nhà đấy là ở chỗ nào?


"Mà lòng người, liệu nó có chịu về không không?


"Liệu nó có mang về nhà một bài chát-tinh tiêu biểu hix hix he he nào đó trên Yahoo hay không?


"Liệu nó có mang về nhà một vài chuyện thực khách ăn nhậu và thưởng thức nghệ sĩ mặc váy ngắn đến bẹn nhảy ngoáy đít hát ầu-ía trên du thuyền nhà hàng nổi ở Hồ Tây hay không?


"Nếu không có Thánh Gióng và Ngựa Sắt, liệu nó có chịu mang về nhà chuyện một ai đó đi một chiếc xe có gắn động cơ đốt trong và đã tài tình vượt qua được một nút giao thông ngay giữa giờ cao điểm hay không?


"Có lẽ là không đâu...


"Vậy là mình có thể cả đời có một công việc mưu sinh tốt, thậm chí rất tốt, như người ta vẫn bảo thế, còn lòng mình thì vẫn có thể cả đời thất nghiệp như thường.


"Thế thì phải làm sao đây... đây rồi..."

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...