Những con rối






NHỮNG CON RỐI

(O. Henry)






Anh cảnh sát đang đứng tại ngã tư giữa Đường Số 24 và một con hẻm tối tăm, nơi tầu điện vượt trên đường ô tô. Đã là hai giờ sáng, thời khoảng của màn đen lạnh lẽo, lâm râm, không ai giao du với ai, kéo dài cho đến sáng.


Một người đàn ông, trong áo choàng dài, với chiếc mũ kéo sụp về đằng trước, mang vật gì đấy trong tay, đi nhẹ nhàng nhưng nhanh nhẹn ra khỏi con hẻm. Anh cảnh sát bước đến ông với sự nghiêm túc, cùng vẻ tự tin của một quyền hạn có ý thức. Với giờ giấc này, con hẻm nổi tiếng với những chuyện khả nghi, dáng điệu hấp tấp của người bộ hành, cái món gì đấy ông đang mang — tất cả dễ gộp thành “những tình huống khả nghi” cần được công quyền làm sáng tỏ.


“Nghi can” dừng lại, kéo chiếc mũ về phía sau, để lộ ra trong ánh đèn điện nhấp nháy một gương mặt không cảm giác, trơn tru với một sống mũi khá dài và đôi mắt đen, đăm đăm. Ông thọc một tay mang găng vào áo choàng, rút ra một tấm danh thiếp trao cho anh cảnh sát. Anh đưa lên ánh đèn, đọc cái tên “Tran Xpen-xơ Giêm, Bác sĩ Y khoa”. Địa chỉ thuộc về một khu đáng kính như thế trấn áp ngay cả tính tò mò. Anh cảnh sát liếc xuống vật người đàn ông mang trên tay — một chiếc hộp y khoa sang trọng bằng da, mầu đen, với đường viền bạc — và thấy nó phù hợp với nghề nghiệp ghi trên tấm thiệp. Anh cảnh sát bước qua một bên, với giọng thân mật bệ vệ:


— Được rồi, bác sỹ ạ. Tôi được lệnh phải cẩn thận hơn. Gần đầy có nhiều vụ trộm cướp. Khổ với đêm thế này khi ra đường. Không lạnh lắm, nhưng… ẩm ướt.


Khẽ gật đầu trang trọng và sau vài lời đồng ý với anh cảnh sát về thời tiết, bác sỹ Giêm tiếp tục bước đi. Ba lần trong đêm ấy, cảnh sát tuần tra đã chấp nhận tấm danh thiếp và chiếc hộp y khoa như là bằng chứng cho con người và mục đích lương thiện. Nếu ngày hôm sau có anh cảnh sát nào muốn kiểm tra thêm — miễn là anh đừng đến sớm quá, vì bác sỹ Giêm dậy muộn — anh sẽ thấy cũng tấm danh thiếp ấy được gắn trên một khung cửa sang trọng; cũng vị bác sỹ này, điềm đạm, ăn mặc chỉnh tề, trong phòng mạch trang bị đầy đủ; và sẽ nghe lời xác minh của những người xung quanh về một công dân lương thiện, một người gắn bó với gia đình, một sự thành công trong nghề nghiệp trong hai năm ông sống ở đấy.


Vì thế, nếu có một nhà bảo vệ sự an bình vì quá năng nổ muốn xem xét bên trong chiếc hộp y khoa này, anh sẽ vô cùng ngạc nhiên. Vì món đầu tiên mà anh thấy là một bộ đồ lề tinh xảo của một “chuyên gia két sắt” — như kẻ trộm két sắt tài tình bây giờ tự đặt tên cho mình. Thêm những món này nọ được thiết kế và chế tạo đặc biệt — các chìa khóa, mũi khoan và dùi đục bằng thép tôi cứng nhất — đủ sức ăn sâu vào thép như con chuột gặm mẩu pho mát, và mấy cái kẹp có thể kéo cánh cửa một két sắt ra nhẹ nhàng như nha sỹ nhổ một cái răng. Trong một cái túi ở mặt trong chiếc hộp là một ống hóa chất ni-tờ-rô-gờ-li-xê-rin, chỉ còn phân nửa. Dưới bộ đồ lề là dăm tờ giấy bạc nhàu nát và vài đồng tiền vàng, tất cả gồm tám trăm ba mươi đô la.


Trong nhóm rất nhỏ bạn bè, bác sỹ Giêm còn được biết đến với danh hiệu “The Swell Greek” — Người Hy Lạp Xuất Sắc. Phân nửa cái tên kỳ bí này là do phong thái trầm tĩnh và thượng lưu của ông, phân nửa kia chỉ một nhà lãnh đạo, nhà quy hoạch, người mà nhờ vào vị thế và địa chỉ uy tín, nắm đầy đủ thông tin theo đấy có thể định những kế hoạch và chuyến làm ăn táo bạo. Trong băng đảng nhỏ này, có hai thành viên khác là Xkít-xi Moóc-gan Găm Đéc-cơ, đều là hai “chuyên gia két sắt” lành nghề, có thêm Lê-ô-pôn Prét-phen-đơ, buôn bán nữ trang ở trung tâm thành phố, người giúp tiêu thụ “hàng lấp lánh” do bộ ba thu được. Tất cả đều là bạn tốt và trung tín với nhau, không hề ba hoa, luôn luôn kiên định.


Chuyến làm ăn đêm ấy xem như không đáng công khó nhọc của băng đảng. Một cái két sắt kiểu cũ hai ngăn với khóa bên hông, trong một văn phòng tồi tàn của một công ty buôn bán quần áo rất giàu, đáng lẽ phải cung ứng nhiều hơn hai nghìn năm trăm đô la trong đêm thứ bảy này. Nhưng bọn ba người chỉ được có thế, và theo thói quen, họ chia đồng đều tại chỗ. Họ hi vọng có có được mười đến mười hai nghìn đô. Nhưng một trong những người chủ đã quá cổ hủ: ngay khi chiều xuống ông dã mang về nhà phần lớn số tiền trong hộp đựng áo sơ mi.






Bác sĩ Giêm đi ngược lên Đường Số 24 lúc ấy đang vắng người. Ngay cả dân đi xem hát, vốn thường xem quân này như nơi trú ngụ, đã đi ngủ thừ lâu. Cơn mưa phùn đã tích tụ tên mặt đường; từng vũng nước đọng giữa các hòn đá nhận ánh đèn và phản chiếu lại, vỡ vụn thành hang trăm nghìn mảnh lỏng bỏng. Một ngọn gió ẩm ướt và giá lạnh hắt ra từ giữa các ngôi nhà.


Khi vị bác sĩ đều nhịp bước quanh góc một ngôi nhà gạch cao, cánh cửa trước mở toang, và một bà người da đen chạy rầm rập theo những bậc thang xuống đường. Bà lẩm bẩm những tiêng rối rít như không tự nói với mịnh, thói quen của dân da đen khi có một mình và đối đầu với quỷ dữ. Bà trông giống như lớp gia nhân người miền Nam — lắm lời, quen thuộc, trung thành cứng cỏi; vóc dáng bà biểu hiện điều đấy — to béo, tề chỉnh, mang tạp dề, mang khăn tay. Chạy nhanh ra khỏi ngôi nhà im lìm, bà xuống đến bậc thang cuối cùng vừa lúc bác sĩ Giêm đi đến. Đầu óc của bà chuyển mọi năng lượng từ âm thanh qua hình ảnh, bà im bặt, dán tay lên chiếc hộp của ông bác sĩ:


— May phước quá! Ông có phải là bác sĩ không ạ?


Bác sĩ Giêm dừng chân:


— Vâng, tôi là bác sĩ y khoa.


— Vậy mời ông bác sĩ làm ơn vô thăm bệnh cho ông Tran-đlơ. Ổng bị lên cơn đau tim hay là cái gì đó. Ổng nằm như chết. Cô A-mi biểu tui đi tìm bác sĩ. Có Trời biết già Xin-đi này tìm ở đâu, nếu không có ông bác sĩ đi qua đây. Cô A-mi, thiệt là tội nghiệp…


Bác sĩ Giêm đặt chân lên bậc thềm:


— Dẫn đường cho tôi nếu muốn tôi làm nhiệm vụ bác sĩ.


Bà da đen dẫn ông vào ngôi nhà, lên một tầng cầu thang lầu trải thảm dầy. Lên hết tầng thứ hai, người dẫn đường hào hển đi đến một cánh cửa và mở ra.


— Cô A-mi, tui mời bác sĩ tới nè.


Bác sĩ Giêm đi vào phòng, khẽ cúi chào người phụ nữ đứng bên cạnh giường. Ông đặt chiếc hộp y khoa trên một chiếc ghế, cởi áo choàng ra, ném nó phủ lên chiếc hộp và thành ghế, rồi tiến đến thành giường với vẻ tự tin trầm tĩnh. Một người đàn ông đang nằm gần đấy, sóng soài sau khi ngã xuống — một người đàn ông mặc bộ quần áo giàu có theo thời trang bấy giờ, chỉ có đôi giày là được cởi ra, nằm im lìm như chết. Bác sĩ Giêm toát ra một sức mạnh trầm lặng. Nhất là phụ nữ, luôn bị phong thái trong phòng mạch của ông hấp dẫn. Đấy không phải la thái độ mềm mỏng của một pháp sư thời thượng, mà là phong thái từ tốn, chắc nịch, cung cách của năng lực đối đầu với số phận. Trong đôi mắt nâu, đăm đăm và long lanh của ông có mãnh lực thu hút; một quyền lực tiềm tàng trong sự trầm tĩnh của khuôn mặt cạo chỉnh tề, hợp với vai trò của một người mà con bệnh có thể thổ lộ bí mật và nhận sự an ủi. Đôi lúc, khi đến thăm với tư cách nghề nghiệp thứ nhất của ông, phụ nữ có thể cho ông biết họ đã dấu kim cương ở đâu để phòng trộm đạo.


Với con mắt lành nghề, đôi mắt của bác sĩ Giêm không cần đảo qua lại nhưng cũng nhận ra vẻ lịch sự và chất lượng đồ đạc trong căn phòng. Các món đều đắt giá. Cùng với cái nhìn thoáng qua, ông cũng nhận ra ngoại hình của người phụ nữ. Cô nhỏ nhắn, không đến hai mươi. Gương mặt cô xinh xắn, tuy bị che phủ (bạn có thể nói như thế) bởi vẻ u uất lâu ngày hơn là chuyện buồn lo bất ngờ. Trên trán cô là một vết bầm mà mắt chuyên môn của ông bác sĩ nhận ra là chỉ mới xảy ra trong vòng sáu giờ đồng hồ. Các ngón tay của Bác sĩ Giêm sờ lên cổ tay người đàn ông. Đôi mắt ông có ý dò hỏi người phụ nữ. Cô trả lời, với âm giọng miền Nam:


— Tôi là bà Tran-đlơ. Chồng tôi thình lình bị bịnh chừng mười phút trước khi ông tới. Anh ấy bị mấy cơn đau tim lúc trước — có khi bị năng lắm.


Dường như bộ quần áo khuya sang trọng của người đàn ông và giờ giấc khuya khoắt khiến cô giải thích tiếp:


— Anh ấy đi… ăn tối về, tôi nghĩ vậy.


Bác sĩ Giêm bây giờ hướng sự chú ý về người bệnh. Trong bất cứ nghề nào của ông, ông đều chú tâm hết mực vào cái “ca” hoặc “phi vụ” của ông.


Người bệnh tuổi khoảng ba mươi. Gương mặt anh mang vẻ táo bạo và phóng đãng, nhưng không thiếu nét cân đối cùng những dáng vẻ sành điệu và đam mê. Thoang thoảng mùi rượu vang đổ trên quần áo.


Vị bác sĩ mở áo vét tông anh ta ra, rồi với một con dao nhỏ rạch chiếc áo sơ mi một đường từ cổ áo xuống đến thắt lưng. Ông đặt tai lên vị trí quả tim, chăm chú lắng nghe. Khi ông đứng dậy, ông nói:


— Nhồi van tâm thất trái.


Câu nói chấm dứt với vẻ không chắc chắn. Ông lại cúi xuống nghe một hồi lâu, và lần này ông kết luận:


— Suy tâm thất trái.


Ông nói, với giọng trầm tĩnh vốn thường xoa dịu nỗi âu lo:


-Thưa chị, có khả năng là…


Khi ông từ từ quay lại nhìn người phụ nữ ông thấy cô ngã xuống, tái nhợt, bất tỉnh, trong vòng tay của bà quản gia người da đen.


— Khổ quá! Khổ quá! Bộ ông trời muốn hại cháu gái của dì Xin-đi hay sao? Cầu trời tru đất diệt cái đứa nào muốn hại cổ, cái đứa làm cho cổ khổ, cái đứa...


Bác sĩ Giêm cắt ngang, đưa tay giúp đỡ hộ tấm thân đã mềm nhũn:


— Nâng hai chân cô ấy lên. Phòng cô ấy ở đâu? Cần đặt cô ấy nghỉ trên giường.


Người đàn bà hất mặt về phía một cánh cửa:


— Đằng kia kìa, thưa ông bác sĩ. Đó là phòng cô A-mi.


Họ mang cô đến đấy, đặt cô nằm trên giường. Mạch của cô yếu, nhưng đều đặn. Từ cơn bất tỉnh cô không tỉnh lại, mà chìm luôn vào giấc ngủ mê mệt.


Ông bác sĩ nói:


— Cô ấy chỉ mệt thôi. Ngủ là liều thuốc tốt. Khi cô tỉnh dậy, cho cô uống tí rượu ấm, thêm một quả trứng nếu cô dùng được. Làm thế nào mà cô ấy bị vết thương trên trán như thế?


— Cổ sơ ý, ông bác sĩ. Thiệt tội nghiệp, cổ té — mà không phải, ông bác sĩ.


Giọng điệu của bà thình lình trở nên khinh bỉ:


— Già Xin-đi này không muốn nói láo cái chuyện lôi thôi. Ảnh gây ra đó, ông à. Cầu Trời ra tay — nhưng mà không, Xin-đi hứa với cổ không nói. Cô A-mi bị thương trên đầu đó, thưa bác sĩ.


Bác sĩ Giêm bước đến cây trụ đèn với cái bong đang cháy sáng, vặn nhỏ xuống. Ông ra lệnh:


— Bà ở đây với cô ấy, giữ yên tĩnh cho cô ấy ngủ. Nếu cô ấy thức dậy, cho uống tí rượu. Nếu thấy cô yếu thêm thì cho tôi hay. Có điều gì đấy lạ lùng trong việc này.


— Còn có chuyện quái chiêu hơn trong nhà này.


Nhưng ông bác sĩ đã nhắc bà giữ yên tĩnh, với tính cương quyết ít thấy, với giọng tập trung mà ông vẫn thường xua đuổi cơn sợ hãi. Ông đi ra, nhẹ nhàng đóng cánh cửa lại rồi đi trở vào phòng kia. Người đàn ông trên giường vẫn chưa cử động nhưng hai mắt đã mở. Môi anh mấp máy như muốn nói gì đấy. Bác sĩ Giêm cúi xuống để lắng nghe. Người bệnh chỉ có thể thì thầm: “Số tiền! Số tiền!”


Ông bác sĩ hỏi nhỏ, nhưng rành rọt:


— Anh có nghe tôi nói không?


Cái gật đầu yếu ớt.


— Tôi là bác sĩ, chị gọi tôi đến. Tôi được nghe giới thiệu anh là Tran-đlơ. Người anh khá yếu. Anh không nên để bị phấn khích hoặc buồn khổ gì cả.


Đôi mắt người bệnh dường như muốn ra hiệu. Ông bác sĩ cúi xuống để cố bắt những tiếng rất nhỏ:


— Số tiền… Số tiền hai mươi ngàn đô… tiền của cô ấy…


— Số tiền ở đâu? Trong ngân hàng phải không?


Đôi mắt tỏ dấu hiệu là không phải. Giọng nói càng trở nên yếu ớt thêm:


— Bảo cô ấy… hai mươi ngàn đô… của cô ấy…


Đôi mắt người bệnh đảo quanh căn phòng.


Giọng Bác sĩ Giêm nghiêm nghị như thể muốn khai thác bí mật từ người đàn ông với trí óc đang suy sụp:


— Anh đã để tiền ở đâu đấy phải không? Trong phòng này phải không?


Ông bác sĩ nghĩ ông đã thấy ý công nhận trong đôi mắt đờ đẫn. Mạch của người bệnh dưới các ngón tay ông mỏng manh như sợi tơ. Đến đây, bản năng của ngón nghề kia trỗi dậy trong đầu óc và lòng dạ của ông. Ông quyết định nhanh chóng — trong cái nghề nào ông cũng nhanh chóng như thế — là phải tìm ra nơi cất giữ món tiền, với giá một mạng người có tính toán.


Ông rút ra một tập giấy nhỏ, nguệch ngoạc ít chữ một công thức pha chế món thuốc nào đấy thích hợp nhất đối với người bệnh, theo khả năng nghề nghiệp cho phép. Ông đi đến cửa phòng kia, khe khẽ gọi bà quản gia, đưa toa thuốc cho bà, bảo bà đi đến một hiệu y dược để mua loại thuốc ghi trên toa. Khi bà đã đi, càu nhàu một mình, ông bác sĩ bước đến bên giường cô gái. Cô vẫn ngủ say, mạch có phần rõ hơn, vầng trán mát ngoại trừ nơi có vết bầm, có chút ẩm ướt. Nếu không bị quấy rầy, cô có thể ngủ hàng mấy giờ. Ông tìm thấy chiếc chìa khóa, ông dùng nó khóa cánh cửa lại sau khi ông bước ra.


Bác sĩ Giêm nhìn đồng hồ của ông. Ông có thể có nửa giờ cho riêng mình, vì bà quản gia khó lòng về kịp trong thời gian ấy. Rồi ông đi lấy một cái vò, cho một ít nước vào đấy, và một chiếc cốc vại thủy tinh rỗng. Ông mở chiếc hộp y khoa, lấy ra cái ống nhỏ chứa ni-tờ-rô-gờ-li-xê-rin — chất “dầu” theo như mấy bạn giang hồ của ông gọi. Ông nhỏ chất lỏng hơi sánh, vàng nhạt vào cái lọ. Ông lấy ra một ống tiêm, gắn một kim tiêm vào đấy. Cẩn thận đo dung lượng từng ống theo những vạch đo bên ngoài, ông đang pha giọt kia với gần nửa cốc vại nước.


Hai giờ đồng hồ trước, bác sĩ Giêm đã dùng cùng cái ống tiêm để bơm cùng loại hóa chất, nhưng không pha loãng, qua một lỗ khoan vào ổ khóa của cái két sắt. Với một tiếng nổ nhỏ, ông đã phá hủy cơ chế kiểm soát sự vận hành của cái ổ khóa. Bây giờ ông dùng cùng cách thức ấy với ý đồ phá tung bộ máy một cơ thể — để tiêu hủy con tim của nó, và mỗi cơn sốc là để đoạt được món tiền hiện ra tiếp theo sau đấy. Cùng một cách thức, nhưng với mục đích khác nhau. Trong khi cách kia là sức mạnh dữ dội, cách này êm thấm hơn, bằng bàn tay không kém chết chóc nhưng được nhung gấm che đậy. Vì giọt hóa chất trong chiếc cốc vại và trong cái ống tiêm ông đã cẩn thận rút lên bây giờ trở thành dung dịch gla-no-in, một chất kích thích tim rất mạnh. Vài chục phân khối có thể mở toang một cánh cửa két sắt, chỉ bằng một lượng ít hơn năm mươi lần ông có thể làm ngưng hẳn cơ chế tinh vi vủa một mạng sống con người. Nhưng không phải làm ngưng lập tức. Ý đồ không phải là như thế. Trước hết là phải vực sự sống lên, gây hưng phấn mạnh mẽ cho mọi cơ quan và chức năng. Quả tim sẽ đáp ứng một cách dũng cảm theo cơn kích thích chết người; máu trong các tĩnh mạch sẽ nhanh chóng trở về cái nguồn của nó. Nhưng, bác sĩ Giêm đã biết rõ, sự kích thích tột độ trong cơn bệnh tim như thế này chắc chắn đem lại một cái chết, cũng chắc chắn như cái chết do một phát súng trường. Khi các động mạch đã bị nghẽn, lại bị quả tim bơm mạnh thêm máu vào do ảnh hưởng từ thứ “dầu” của giới đạo chích, chúng sẽ trở thành “đường cấm”, và suối nguồn của sự sống sẽ ngừng chảy.


Ông bác sĩ vạch trần ngực bệnh nhân đã mê man. Với thao tác dễ dàng và khéo léo, ông tiêm dung dịch hóa chất vào những bắp cơ xung quanh vùng tim. Đúng theo thói quen của cả hai cái nghề, ông cẩn thận lau khô mũi kim, luồn vào đấy sợi dây kim loại mỏng để kim không bị nghẽn khi không dùng đến. Trong vòng ba phút, Tran-đlơ mở mắt ra và, với giọng yếu ớt nhưng rõ ràng, hỏi ai đã chăm sóc anh. Một lần nữa, bác sĩ Giêm giải thích về sự hiện diện của ông. Người bệnh hỏi:


— Vợ tôi đâu?


— Chị ấy đang ngủ, vì mệt và lo âu. Anh muốn đánh thức chị không, ngoại trừ…


— Không… cần. Cô ấy sẽ không…, cảm ơn, đừng làm phiền cô ấy… vì tôi…


Tiếng nói của Tran-đlơ bị ngắt quãng bởi hơi thở quá gấp gáp, gấp gáp do bị một con quái vật nào đó thúc đẩy. Bác sĩ Giêm kéo một chiếc ghế đến bên giường. Không nên để ai quấy rầy. Ông nói với giọng trầm trầm, chân thật của cái nghề kia:


— Ít phút trước, anh có đề cập đến món tiền gì đấy. Tôi không muốn chen vào chuyện riêng của anh, nhưng tôi có bổn phận khuyên anh là lo lắng khiến anh khó khỏi bệnh. Nếu anh có thể thổ lộ chuyện… để giúp tâm tư anh được thanh thản về chuyện… hai mươi nghìn đô la — tôi nghĩ đấy là con số anh nói — thì anh nên nói cho tôi nghe.


Tran-đlơ không thể lắc đầu được, nhưng có thể hướng đôi mắt về người nói:


— Tôi có nói… món tiền… ở đâu không?


— Không, anh nói tôi không nghe rõ, tôi chỉ đoán là anh lo lắng về món tiền. Nếu nó ở trong căn phòng này…


Bác sĩ Giêm ngừng lại. Có phải ông đã thấy người bệnh chớp mắt rồi thoáng hiện ánh nghi ngờ trên nét mặt vì đã hiểu ra ý đồ của ông? Liệu ông có tỏ ra quá sốt sắng không? Liệu ông có nói quá nhiều không? Nhưng câu kế tiếp của Tran-đlơ đã vãn hồi sự tự tin của ông:


— Nó phải ở đằng kia… nhưng có phải ở trong… cái két… kia?


Với đôi mắt, anh chỉ đến một góc phòng. Bây giờ ông bác sĩ mới nhìn thấy một cái két sắt nhỏ ở đấy, bị tấm màn cửa sổ che đi một nửa. Ông đứng dậy, nắm lấy cổ tay người bệnh. Mạch nhảy dồn dập, nhưng với chút ít ngắt quãng ngắn — triệu chứng đe dọa. Ông bác sĩ nói:


— Giơ tay lên.


— Bác sĩ biết… tôi không cử động được.


Ông bác sĩ bước nhanh về cánh cửa hành lang, mở ra, nghe ngóng. Tất cả đều im lìm. Không chần chừ gì nữa, ông đi đến cái két sắt, xem xét. Kiểu cổ lỗ và đơn giản, chỉ tạo thêm chút ít an toàn đối với gia nhân ngứa tay. Với tài khéo léo của ông, đây chỉ là món đồ chơi. Xem như món tiền đã nằm sẵn trong tay ông. Với các món đồ lề, ông có thể mở cái két trong hai phút. Với cách khác, có lẽ chỉ một phút. Ông quỳ xuống sàn, ép tai vào cái ổ khóa kết hợp, xoay từ từ cái chốt. Đúng như ông đã đoán, chỉ có một số khóa. Cái tai thính của ông bắt được một tiếng “cách” nhỏ, rồi ông theo đấy mà xoay cái chốt lại. Ông mở toan cánh cửa.


Phía trong cái két trống rỗng, ngay cả một mẩu giấy cũng không có. Bác sĩ Giêm đứng dậy, bước trở lại cái giường. Một màn sương mù dày đã bao phủ lông mi của người bệnh, nhưng có một nụ cười giễu cợt trên đôi môi và đôi mắt. Anh nói một cách mệt nhọc:


— Tôi chưa từng thấy… y học và trộm cắp kết hợp. Cái kết hợp có đáng tiền không, hở bác sĩ thân yêu?


Tài năng của bác sĩ Giêm chưa bao giờ bị thử thách đến thế. Tràn ngập trong hoàn cảnh khôi hài quỷ quái, nạn nhân rơi vào tình trạng cảm thấy vừa buồn cười lẫn mệt nhọc, mà vẫn cố duy trì tính tự tôn và đầu óc sáng suốt.


— Ông tỏ ra quá… lo lắng… đến tiền. Nhưng nó không bao giờ… bị ông đe dọa… bác sĩ thân yêu à… Nó được an toàn… tuyệt đối an toàn. Nó đều ở… trong tay… bọn cá độ thuê. Hai chục nghìn… tiền của A-mi. Tôi nướng ở trường đua… thua tất. Tôi tệ hại, ông ăn cắp, xin lỗi, bác sĩ à, nhưng tôi chơi đàng hoàng. Tôi không ngờ… lại có ngày gặp… một tên đốn mạt mạ vàng như bác sĩ, xin lỗi, tên ăn cắp này… Nếu ông cho nạn nhân, xin lỗi, bệnh nhân này một hớp nước, thì có vi phạm… đạo đức nghề nghiệp… của băng đảng ông không?


Bác sĩ Giêm mang đến cho anh cốc nước. Anh uống không được bao nhiêu. Phản ứng của chất thuốc mạnh mẽ đã xảy đến từng đợt như sóng vỡ. Nhưng trí óc đang hấp hối của anh đang cố sức lần nữa:


— Cờ bạc… bét nhè… bủn xỉn… tôi làm hết, nhưng chưa bao giờ làm… bác sĩ kiêm ăn cắp!


Ông bác sĩ không muốn buông thả mình theo câu trả lời nào cho những châm chọc nhức nhối. Ông cúi xuống thấp để bắt lấy tia mắt của Tran-đlơ đang nhanh chóng sánh đặc, ông chỉ vào căn phòng của cô gái đang ngủ với cử chỉ nghiêm khắc khiến người bệnh phải cố gượng hết sức tàn nghiêng đầu nhìn. Anh không thấy gì, nhưng anh bắt được những tiếng sắc lạnh của ông bác sĩ, những âm thanh cuối cùng anh nghe trong đời:


— Tôi chưa bao giờ… đánh đập phụ nữ.


Hai người đối mặt nhau như thế — một kẻ sát nhân kiêm trộm đạo, đứng bên nạn nhân của hắn; kẻ kia còn hạ cấp hơn tuy phạm luật nhẹ hơn, nằm đấy, bị phỉ nhổ, trong căn nhà của cô vợ đã bị hắn hành hạ, bị tan nát cuộc đời, bị ruồng bỏ — một tên là con hổ, tên kia là chó sói; mỗi tên đều miệt thị sự độc ác của tên kia, và từ cặn bã bùn lầy mỗi tên đều cố tỏ ra mình đạt tiêu chuẩn cao quý — tiêu chuẩn theo cung cách hành động nếu không phải theo danh dự con người.


Câu trả đũa của bác sĩ Giêm hẳn đã đánh trúng vào những gì còn sót lại của hối hận và nam tính; đấy là phát súng ân huệ. Một màu đỏ vì xấu hổ lan cả khuôn mặt, hơi thở nhẹ dần và, chỉ với chút xíu cử động, Tran-đlơ thoát trần. Theo sát sau hơi thở cuối cùng là bà quản gia người da đen, mang thuốc trở về. Với bàn tay nhẹ nhàng vuốt trên mi mắt đã khép kín, bác sĩ Giêm báo cho bà tin buồn. Không phải với nỗi khổ đau mà chỉ do thói quen di truyền cận kề với cái chết khiến bà sụt sịt, rồi vẫn với giọng cố hữu:


— Vậy là bây giờ có bàn tay ông Trời sắp đặt. Ông Trời xét xử người có tội, phù hộ độ trì người khổ đau. Giờ ông Trời đã phù hộ ta. Xin-đi này đã tận tụy hết mức mà không có lợi lộc gì.


— Theo tôi hiểu, bà Tran-đlơ không có tiền phải không?


— Tiền hả, ông bác sĩ? Ông có biết tại sao cô A-mi bị té và yếu ớt như vậy không? Bị bỏ đói đó, bác sĩ à. Trong nhà này hổm rày không có thứ gì ăn ngoại trừ ít miếng bánh vụn. Mấy tháng trước cổ đem nhẫn với đồng hồ của cổ đi bán. Căn nhà này, với thảm đỏ và bàn viết bóng láng, đều là đi thuê, mà cái tên đó cứ cằn nhằn hoài về tiền thuê. Quỷ thần, xin lỗi, ông Trời thật là có mắt.


Sự im lặng của ông bác sĩ khuyến khích người đàn bà tiếp tục. Qua những lời lẽ lộn xộn, ông dần dà hiểu ra. Câu chuyện xưa như trái đất, câu chuyện về ảo ảnh, ngang tang, đại họa, tàn nhẫn và tự trọng. Dần dần ông nhìn ra các hình ảnh — quang cảnh một ngôi nhà lý tưởng tận miền Nam xa xôi, một cuộc hôn nhân với hối tiếc nhanh chóng, một mùa trong năm trôi qua không hề có hạnh phúc mà chỉ đầy những bê tha và hành hạ, và, cuối cùng, khoản tiền do di chúc để lại nhưng bị tên chồng lòng lang dạ sói thu giữ và tiêu phí trong hai tháng vắng mặt khỏi nhà, rồi đến một đêm khuya hắn lết về say khướt. Chen vào đấy là tình thương giản đơn, nhẫn nhục, thuần khiết của bà quản gia người da đen, luôn luôn theo chân cô chủ không sờn bước để cùng nhau chịu đựng mọi nỗi niềm cho đến lúc cuối.


Khi cuối cùng bà ngưng lại, ông bác sĩ hỏi bà trong nhà có whisky hoặc thứ rượu gì khác không. Bà cho biết còn nửa chai cô-nhắc của tên chó sói uống dở dang. Ông bảo bà:


— Pha ít rượu như tôi đã nói. Đánh thức cô chủ dậy, cho cô ấy uống, rồi báo tin cho cô ấy biết.


Khoảng mười phút sau, cô Tran-đlơ bước vào, được nâng đỡ trong vòng tay của Xin-đi, trông khá hơn sau giấc ngủ và chút rượu ấm. Bác sĩ Giêm đã lấy một tấm vải đậy cái thân người trên giường. Cô đảo đôi mắt tang tóc qua đấy một lần, tia nhìn nửa sợ hãi, nép mình thêm vào người che chở cho cô. Đôi mắt cô khô và sáng. Nỗi đau buồn dường như đã đến cùng cực. Không còn nước mắt, cảm giác tự nó đã tê liệt.


Bác sĩ Giêm đứng gần cái bàn, ông đã mặc lại áo choàng, chiếc mũ và cái hộp y khoa trên tay. Gương mặt ông trầm lặng, không cảm giác — nghề nghiệp đã khiến ông không còn xúc cảm đối với đau khổ của con người. Chỉ có đôi mắt nâu của ông biểu lộ niềm thông cảm kín đáo theo nghề nghiệp. Ông nói từ tốn và ngắn gọn là, vì đã quá khuya và không còn có thể giúp gì được, ông sẽ gửi người đến lo những thủ tục cuối cùng. Ông chỉ vào cái két sắt với cánh cửa mở toang:


— Còn một việc để kết thúc, chị Tran-đlơ ạ. Chồng chị, trước khi qua đời đã biết mình không qua khỏi, nên cho tôi biết con số của khóa kết hợp, nhờ tôi mở cái két sắt này. Trong trường hợp chị cần dùng nó, chị nên nhớ con số bốn mươi mốt. Xoay ít vòng về phía tay phải, rồi xoay về tay trái một lần, dừng lại ở số bốn mươi mốt. Anh ấy không cho phép tôi đánh thức chị, dù phút cuối đã gần kề. Anh ấy bảo trong két sắt anh ấy có một món tiền, không lớn lắm, nhưng đủ để chị thực hiện lời yêu cầu cuối cùng của anh. Đấy là: chị nên trở về ngôi nhà cũ của chị, và sau đấy, khi thời gian đã giúp chị nguôi ngoai, chị hãy tha thứ cho những tội lỗi của anh ấy.


Ông chỉ về cái bàn, trên đấy là một xấp giấy bạc xếp thẳng thớm, với hai chồng đồng tiền vàng.


— Món tiền ở đây, tám trăm ba mươi đô. Tôi xin để lại danh thiếp, trong trường hợp chị cần tìm đến tôi sau này.


Thế là, cuối cùng anh đã nghĩ đến cô, một cách nhân hậu. Quá muộn! Tuy thế, lời nói dối đã nhóm lại trong cuộc đời cô một tia lửa dịu dàng cuối cùng khi cô nghĩ tất cả đã thành tro bụi. Cô khóc òa lên “Rob! Rob!”. Cô quay người, nép vào lòng bà quản gia trung hậu, với những dòng nước mắt pha loãng nỗi thảm sầu. Trong những năm về sau, lời dối trá của tên sát nhân tỏa sáng như một ngôi sao nhỏ trên nấm mồ của tình yêu, an ủi cô, nhận được sự tha thứ — như thế cũng tốt dù đã có xin tha thứ hay không.


Được an ủi vỗ về như một đứa trẻ, với niềm cảm thương lắp bắp từ bà quản gia, cuối cùng cô ngẩng đầu lên, nhưng ông bác sĩ đã đi.






THE MARIONETTES

(O. Henry)






The policeman was standing at the corner of Twenty-fourth Street and a prodigiously dark alley near where the elevated railroad crosses the street. The time was two o'clock in the morning; the outlook a stretch of cold, drizzling, unsociable blackness until the dawn.


A man, wearing a long overcoat, with his hat tilted down in front, and carrying something in one hand, walked softly but rapidly out of the black alley...






Truyện "Những con rối" cho tủ sách của me():

Bộ tiếng Việt: http://www.mediafire.com/?kfc43qq3yvanqny

Bộ song ngữ Việt — Anh: http://www.mediafire.com/?2ebeukbl6dsgbni


Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me():

http://philong58.blogspot.com/2010/08/lac-giua-am-dieu-hanh.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...