Thật khó có thể hiểu nổi, khi người dân VN quyết liệt tuyên ngôn "Dứt khoát bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, dứt khoát không chịu hèn chịu nhục!" thì con cháu chúng ta lại có "tuyên ngôn" riêng của họ: Không thích học Lịch Sử?
I
Rồi đây, cái ngày 1/5/2014 sẽ đi vào lịch sử gian truân dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, như một thương tổn sâu sắc, khi cái giàn khoan Hải Dương 981 nghênh ngang chiếm đóng trong vùng đặc quyền lãnh hải của nước Việt. Hoàng Sa - Trường Sa, và nỗi đau những người lính Việt vĩnh viễn nằm lại dưới biển xanh, nỗi đau những ngôi mộ gió nhớ nhà.., chưa bao giờ lấp đầy được trong con tim người dân Việt, nay lại chất chồng nỗi đau mới, nhức nhối, dù đây là mùa biển lặng, không phải mùa của trái gió trở trời.
Người viết bài thực sự rưng rưng khi đọc lá thư của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó CT nước viết gửi bè bạn quốc tế, đăng trên VietNamNet ngày 04/6. Đằng sau những câu chữ chọn lọc, khúc triết của nữ chính khách từng trải qua những cay đắng ngọt bùi trên bàn đàm phán 04 bên tại Hội nghị Paris hơn 40 năm trước đây, quá hiểu cái giá của chiến tranh, cái giá của hòa bình, quá hiểu khát vọng độc lập, tự do dân tộc của người dân Việt, là con tim chân thành, đau đớn của một người phụ nữ, trước chủ quyền đất nước đang bị khiêu khích trắng trợn:
"Nhìn thấy hình ảnh các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp?"
Phía TQ lại đổ lỗi việc đang xảy ra là do VN khiêu khích. Ai có thể tin một nước VN dân số bằng 1/15 của TQ, thu nhập GDP nhỏ hơn TQ 50-60 lần, đang cố gắng vượt qua tình trạng một nước nghèo, chậm phát triển lại có thể khiêu khích TQ?
Không ai có thể tin được, nếu người đó có trí tuệ trung bình trở lên. Vậy mà một quốc gia như TQ, mạnh cả kinh tế, quốc phòng, cả mưu sâu kế hiểm, lại tin điều đó! Thật là ngây thơ cụ... kiểu Đại Hán!
Không riêng gì bà Nguyễn Thị Bình, bất cứ người dân Việt nào có lòng yêu nước đều nhói tim khi nhìn những hình ảnh ngông cuồng và hung hăng vô lối ấy. Người viết bài đã không kiềm chế nổi lòng mình, không cầm được nước mắt: Nước đau, tim đau biết mấy.
Cũng vì thế, những ngày này, lòng yêu nước, nỗi đau của một dân tộc bị xâm lấn chủ quyền độc lập đã khiến các đại biểu QH tại kỳ họp QH khóa XIII bày tỏ mạnh mẽ ý chí, tấm lòng mình trước nghị trường, đồng cảm với sự bức xúc và phẫn nộ của nhân dân. Người viết xin được trích phát ngôn ấn tượng của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa):
"Dứt khoát bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, dứt khoát không chịu hèn chịu nhục!"
Liệu có thể coi đó như tuyên ngôn sống của dân tộc VN ở thời khắc đau xót nhưng đầy quyết liệt trước vận mệnh sinh tử quốc gia?
Chia sẻ những lo toan cho biển đảo, ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thắt lưng buộc bụng. Ông tự làm gương với lời hứa chân thành trước QH, "đến hết nhiệm kỳ, nếu trời để sống, tôi dứt khoát không đi nước ngoài". Lời hứa của ĐB Đỗ Văn Đương liệu có thể biến thành lời hứa và việc làm của rất nhiều đại biểu QH khác, của các cơ quan công quyền Nhà nước trong thời cuộc đất nước cần không chỉ dũng khí, mà rất cần cả tấm lòng, lẫn ý thức trách nhiệm chung trong sử dụng... tiền chùa?
Nếu biết rằng bài báo của VnExpress, ngày 02/ 6 mới đây cho biết, tại một phiên họp trực tuyến với các địa phương, người đứng đầu CP đã phải cảnh báo việc nhiều chuyến công tác nước ngoài của cán bộ Nhà nước chi phí nhiều, không hiệu quả.
Tỷ như, năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài, năm 2013, dù có giảm vẫn có hơn 3.200 đoàn. Tính ra mỗi ngày, hơn 08 đoàn đi nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của những chuyến "cậu, mợ nó đi Tây" thế nào, mà người đứng đầu CP thấy "xấu hổ khi có quá nhiều đoàn VN sang nước bạn công tác nhưng trùng lặp nội dung nghiên cứu, trao đổi, gây tốn kém và lãng phí ngân sách".
Xã hội ta dễ dàng lên án quyết liệt quốc nạn tham nhũng, vì đó là tội ác. Nhưng dường như lại dễ thỏa hiệp với tệ nạn lãng phí. Bởi lãng phí thời gian, lãng phí tiền chùa nó không có hình hài của tội lỗi, mà nó lại có diện mạo của... bạn đồng hành?
Dấu hiệu tích cực nhất trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp QH chính là quyết định đúng đắn, kịp thời - QH dự kiến dành 16.000 tỉ đồng cân đối ngân sách năm 2013 để chi hỗ trợ cảnh sát biển, hỗ trợ các ngư dân luôn phải đối mặt với hiểm nguy, với các các đội tàu của TQ. Sự dấn thân của họ ngoài biển đảo đang rất cần sự "chia lửa" trong đất liền, cho họ đủ sức mạnh, chí khí và cả sự bình an tinh thần. Song con số 16.000 tỷ đó, theo nhiều đại biểu, vẫn là chưa đủ. Đại biểu Trần Du Lịch còn đề nghị làm mạnh mẽ vấn đề quản lý tài chính công, từng bị các cử tri phản ánh, phê bình.
Quan trọng hơn cả, lòng yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc ở thời khắc đầy thách thức này, liệu có biến thành trí khôn xây dựng và phát triển nội lực kinh tế- xã hội đất nước? Phải đặt câu hỏi đó, bởi điều đáng buồn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng hỏi trước nghị trường:
"Tôi không hiểu sao 90% dự án nguồn điện, 80% dự án giao thông các nhà thầu TQ đều trúng thầu. Rồi thì sau đó xảy ra tình trạng tiến độ chậm, chất lượng không đảm bảo, tăng giá thành, đặc biệt là không sử dụng nhân công VN?" Và câu tự trả lời của ông mang ý nghĩa thực chất đến đắng lòng: "Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 04 tốt!" (Lao động, ngày 02/6)
Không ai phủ nhận, sự giao lưu kinh tế giữa các quốc gia là điều bình thường, nhưng bi kịch sẽ đến với quốc gia nào, mà sự chọn lựa cả công nghệ, lẫn nguyên liệu, nhân công rẻ mạt đi kèm với chất lượng công trình thấp. Ở góc độ kinh tế, đó là sự đầu tư giá... đắt. "Bi kịch" này đã diễn ra khá lâu với kinh tế nước Việt, liệu đến bao giờ sẽ được... mở nút?
Số liệu thống kê trên báo Người lao động, ngày 04/6 cho thấy tính đến hết năm 2013, TQ có 977 dự án đầu tư tại VN, đứng thứ 09/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào VN. Hoạt động FDI cũng gia tăng thông qua việc TQ đứng thứ 03/50 quốc gia và khu vực có dự án đầu tư cấp phép mới vào VN. Hiện, đại đa số dự án lớn của VN do TQ thắng thầu, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Còn Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) vừa công bố cho biết, VN hiện có 20 dự án năng lượng, trong đó 15 dự án do tổng thầu TQ thực hiện với tỉ lệ nội địa hóa là... 0%.
Đáng chú ý, ý kiến của ông Mai Thanh Hải - nguyên Phó Tổng GĐ Cty Liên doanh Cáp điện VinaDaesung, Phó CT Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, trước hết cần phải sửa Luật Đấu thầu theo hướng loại bỏ những gói thầu chất lượng tồi, không làm lợi, thậm chí gây tổn hại đến kinh tế - xã hội của VN.
Bài toán "hóc búa" - xây dựng nội lực kinh tế nước Việt chưa thể có lời giải, chừng nào nước Việt không quyết liệt dấn thân trong cuộc trường chinh "lột xác". Đó là cải cách thể chế kinh tế, mà nòng cốt là tái cơ cấu kinh tế, gắn với tiếp tục đa phương hóa các nguồn vốn FDI. Là diệt trừ giặc tham nhũng vẫn nhởn nhơ trong... xã hội. Là CP có chính sách thắt lưng buộc bụng, thức tỉnh lòng yêu nước toàn xã hội, và đi đầu gương mẫu phải là các quan chức, cán bộ, đảng viên, động viên toàn xã hội ưu tiên dùng hàng VN.
Sự không chịu sống hèn, sống nhục, trước hết, là cần không tham nhũng, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, và biết "ưu tiên dùng hàng Việt".
II
Nhưng thật khó có thể hiểu nổi, khi người dân VN quyết liệt tuyên ngôn "Dứt khoát bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, không chịu hèn chịu nhục!" thì con cháu chúng ta lại có "tuyên ngôn" riêng của họ: Không thích học Lịch Sử? Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có câu thơ giản dị, thấm thía: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Không tường gốc tích, không hiểu gốc tích, thì tình yêu đó liệu có đủ sức nặng khiến con người biết yêu nước sâu sắc, và khi cần - biết dấn thân?
Người viết phải đặt câu hỏi đó, bởi sau hàng ngàn điểm 0 môn thi Lịch sử kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nào, tiếp đến, hiện tượng học sinh một trường THPT reo hò sung sướng xé đề cương môn Sử khi biết không phải thi, và năm nay, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ có 11,52% tổng số học sinh dự thi chọn thi môn Sử, thua xa cả môn Địa lý (chiếm 36,22%).
Đã đành, Sử là môn thi tự chọn. Luật thi không bắt buộc, thì tùy ý chọn của người thi. Nhưng đặt cái tỷ lệ phần trăm ít ỏi đó trong bối cảnh liên tục môn Sử luôn "bết bát" trong các môn thi, ngành GD, và cả xã hội liệu có thể "vô tư", coi đó là chuyện bình thường?
Cũng chính vì số học sinh chọn thi môn Sử ít ỏi, dẫn đến sự bi hài và lãng phí sức người, sức của: Có những hội đồng thi tới 19 cán bộ, thậm chí có hội đồng thi có tới 59 người đủ các thành phần túc trực phục vụ 01 thí sinh thi Sử.
Và cho dù đề thi môn Sử năm nay được đánh giá là "nóng hổi tính thời sự biển đảo", tiếc thay, tình yêu của học sinh với môn Sử - môn học dạy về dũng khí, khí phách dân tộc, dạy về nhân cách làm người một cách trực quan, sinh động nhất, vẫn tiếp tục... nguội lạnh.
Các em học sinh không có lỗi. Vậy ai có lỗi trong hiện trạng này?
Có một sự trùng hợp, tháng 3/2013, báo chí, mạng xã hội ồn ào tranh luận ý kiến về Cuộc chiến biên giới 1979 cần được đưa vào SGK mới, mà theo GS.TS Đỗ Thanh Bình (Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm HN) cho rằng: Cuộc chiến bảo vệ biên giới nay đã được hơn 30 năm, đủ chín muồi để đưa vào SGK dạy cho học trò biết. Vì đó là sự thật lịch sử. Trong khi SGK Lịch sử hiện nay viết quá khiêm tốn về vấn đề này. Sách "nâng cao" viết 13 dòng, SGK đại trà chỉ viết khoảng 10 dòng và chỉ nêu sự kiện chính... Không biết đến thời điểm này, câu chuyện trên ngã ngũ ra sao?
Nhưng sự thật lịch sử bao giờ cũng là một thách thức lớn với nhân cách người viết sử nói chung, người viết chương trình, SGK lịch sử nói riêng.
Trong Sử ký Tư Mã Thiên, người đời xưa cho đến đời nay còn thấm thía câu chuyện thời Xuân Thu, bốn anh em quan Thái sử Bá, Thái sử Trọng, Thái sử Thúc, lần lượt bị chém đầu bởi dám viết sự thật là tướng quốc nước Tề - Thôi Trữ giết vua, không chịu viết như lệnh của Thôi Trữ - "Tiên Vương chết vì bệnh nặng". Đến người em thứ tư Thái sử Quý, vào thay, vẫn viết: "Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân". Thái sử Quý đã có câu nói khảng khái với Thôi Trữ để muôn đời con người phải nghĩ về "phẩm cách" của lịch sử: "Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật!"
Sự thật lịch sử mạnh như vậy đó. Mạnh hơn cả cái chết! Đó là chuyện của đời xưa.
Nhưng cũng vì sự thật lịch sử, mà đời nay, cái khó của người viết sử cũng vẫn... khó. Trong bài viết Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Tổ Quốc, tháng 1/1988), GS Sử học Hà Văn Tấn đã từng viết: "Biết sự thật không dễ, và dám nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Muốn viết sử phải biết phương pháp sử học và trước hết phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội.
... "Hiện nay nhiều công trình nghiên cứu sử học của chúng ta đã sử dụng những nguồn sử liệu gián tiếp một cách thiếu thận trọng. Sử liệu gián tiếp bao gồm cả những lời kể về sau của những người đã chứng kiến sự kiện. Các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương hay lịch sử hiện đại, lịch sử Đảng thường sử dụng nguồn tài liệu này.
"Tình hình càng xảy ra là nếu người thông tin là người hiện có uy lực chi phối ở địa phương thì lịch sử sẽ được viết theo cách nhìn nhận của người đó."
Lịch sử, sự thật và sử học là ba phạm trù liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng ở đó, sự thật càng được tôn trọng bao nhiêu, thì tính hấp dẫn, tính giáo dục nhân cách càng cao bấy nhiêu, với người lớn, và với cả trẻ em. Bởi sự thật lịch sử một dân tộc có bi thương, hào hùng, có thắng có thua, có hay có dở, có những trang sử rạng rỡ, nhưng hẳn cũng có những trang sử u ám, tổn thương, mất mát. Như số phận một con người trên hành trình của đời sống vậy. Và cũng bởi trong thế giới phẳng ngày nay, con người có rất nhiều cơ hội để tiếp nhận sự thật thông tin.
Trong khi, bản lĩnh cùng thái độ khách quan, tôn trọng lịch sử tùy thuộc vào nhân cách người viết sử - từ đời xưa cho chí đời nay.
Như nước Nhật, đã dạy trẻ em Nhật nhìn thẳng vào sự nghèo nàn của tài nguyên cha ông để lại, mà vực dạy cả chí khí người Nhật, cùng với những quyết sách đúng đắn, đặt lợi ích dân tộc Nhật lên trên, họ đã thành công. Không chỉ giỏi giang, mạnh mẽ, mà họ đã thành công trong việc dạy cho người Nhật trẻ chí khí không sống hèn, sống nhục.
Và hôm nay, vào những thời khắc đau thương của nước Việt, trước hiểm họa xâm lấn chủ quyền dân tộc, ngành GD, những nhà viết Sử, những nhà giáo, sẽ dạy cho con trẻ chúng ta học môn Sử ra sao, để không bao giờ chấp nhận sống hèn, sống nhục, mà trước hết, còn là các em không "quay lưng" với môn Sử?
Câu trả lời thuộc về các nhà sử học VN, các nhà sư phạm và các nhà giáo, thuộc về ngành GD.
Tác giả gửi Quê Choa
(Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...