1. Không biết rồi xã hội mình sẽ đi về đâu, thế hệ trẻ biết bám víu vào điều gì để hình thành nhân cách khi mà cán cân giữa cái xấu và cái tốt đang dường như nghiêng về bên xấu.
Không ngày nào là không nghe nói đến chém giết hay người ta vì lợi nhuận sẵn sàng đầu độc đồng loại bằng những hóa chất độc hại bỏ vào thực phẩm. Người ta cũng sẵn sàng trao cho nhau những thứ giả dối để trục lợi cá nhân. Cả một thế hệ tương lai sẽ èo uột về sức khỏe.
Chúng ta thường nghe nói đến nghệ thuật, trong đó có âm nhạc là những sản phẩm giải trí. Đó là một nhận thức hết sức nguy hiểm bởi nghệ thuật là căn nguyên, bao trùm và hình thành nên văn hóa xã hội, tác dụng giải trí chỉ là một hệ quả của nó mà thôi.
Khi nghệ sĩ sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm này sẽ tác động lên tâm tư tình cảm của người thưởng thức. Nếu tác phẩm đó có chiều hướng xấu sẽ tác động xấu. Nếu quá nhiều tác phẩm xấu tác động sẽ tới một lúc người ta sẽ dễ dàng chấp nhận cái xấu đó như một điều bình thường trong cuộc sống.
Âm nhạc có khả năng thu hút được sự chú ý của rất nhiều người, có khi là cả xã hội. Vậy nên nếu nền âm nhạc không được kiểm soát tốt, để gây định hưởng xấu đến tâm tư tình cảm của khán giả thì chắc chắn nó sẽ dẫn dắt cả một thế hệ trẻ mất phương hướng...
Thế hệ trẻ bây giờ đa phần thực dụng quá, ăn nói thì đốp chát, nữ sinh thì đánh nhau như... "giang hồ". Để xảy ra tình trạng này một phần trách nhiệm thuộc về nghệ sĩ thời nay. Chính họ đã gieo vào lòng các em quá nhiều hình ảnh phản cảm được tung hê. Những cảm xúc thực dụng đốp chát thông qua những bài hát lạc điệu rẻ tiền được phổ cập rộng rãi trên mạng internet. Những "ông hoàng", "bà hoàng", "hoàng tử"... có khi được xây dựng nên từ trơ trẽn và giả dối. Những nhân vật được chú ý có khi được đánh giá bằng sự khoe khoang nhà cửa vật chất xe cộ mà không phải bằng trình độ, tài năng nào cả.
Từ đây dẫn các em tới sự ngộ nhận về giá trị nghệ thuật và nhân cách, những thứ "rẻ tiền" sai trái thì các em được truyền thông giáo dục rằng là... nghệ thuật. Trách nhiệm của chính người lớn, phụ huynh khi đã im lặng để cho tình trạng này dày xéo tâm hồn con em mình quá lâu như vậy.
2. Có người sẽ bảo rằng, xu hướng thế giới cũng thế. Nước Mỹ cũng có những thứ "rẻ tiền" như vậy. Hãy nhìn lại xem. Họ là những "gã khổng lồ", thân thể nghệ thuật cường tráng. Họ đào tạo nghệ thuật cho cả thế giới này, nên một vài những hình ảnh nhân vật phản cảm hay dăm ba ca khúc "rẻ tiền" chỉ như những vết xước ngoài da nhằm làm tăng thêm sức đề kháng cho nền nghệ thuật của họ thôi. Còn nhìn lại nền ca nhạc của ta như một thân thể bị lở lói... Vả lại bao nhiêu cái tốt đẹp của họ sao không bắt chước, mà lại bắt chước toàn cái xấu?
Tôi tạm chia giới nhạc ra làm 2 nhóm: tốt và xấu. Nhóm nghệ sĩ tốt thì bản chất tâm hồn họ rất đẹp và dễ rung động. Họ chuyên tâm làm đẹp cho đời. Họ hy sinh rất nhiều thứ, thời gian, vui chơi, đôi khi cả gia đình, tuổi trẻ để xây dựng một nền âm nhạc và xã hội ngày càng đẹp hơn. Trong họ luôn thôi thúc cho ra những tác phẩm đẹp
Nhóm xấu thì thực chất không phải là nghệ sĩ, nhưng họ từ rất nhiều những giới khác khi nhìn thấy miếng mồi béo bở là cả một nền nghệ thuật không được khai thác thành tiền mà chỉ được tích góp ngày càng đồ sộ. Và họ lên kế hoạch khai thác, nào là chiến dịch PR, công ty truyền thông, và rất nhiều những "trò lố" nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Và vì bản chất là khai thác nên họ sẽ đào bới nghệ thuật làm cho nền nghệ thuật ngày càng nát tan và nghèo nàn đi chứ họ không có tâm huyết đóng góp và xây đắp cho nền nghệ thuật.
Báo chí đưa tin rất nhiều về nghệ sĩ hở hang, bán dâm, côn đồ, thiếu văn hóa... Vậy thì tội nghiệp cho nghệ sĩ quá. Sao không hiểu rằng chính những giới mại dâm, ma cô, côn đồ... đang chen chân vào đội lốt nghệ sĩ để tư lợi?
Và khi đã đạt được mục đích, tiền và danh vọng. Nhóm nghệ sĩ xấu lại tủm tỉm cười sao những tài năng thực thụ lại yếu kém đến thế, không biết PR bản thân, không biết khoe khoang tiền bạc, nhà cửa xe cộ để gây chú ý, không biết gào lên rằng ta là số một, để cả đời chỉ biết rút ruột nhả tơ cống hiến cho người khác. Thật tình thì những nghệ sĩ chân chính đủ và dư trình độ để có thể làm tất cả những trò lố đó. Nhưng chính vì họ là nghệ sĩ nên danh tiếng ấy hơn tất cả tiền tài danh vọng trên thế gian này, họ không thể trở nên "vô liêm sỉ" để lừa dối khán giả, nói không thành có, gian dối đưa ra những sản phẩm "rẻ tiền" nghèo giá trị mà tung hê lên là số 1 nhằm thu lợi cá nhân.
TP. HCM, ngày 31/8/2013
Thụy Vũ (ca sĩ)
Nguồn: Thể thao Văn hóa
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...