Cái thứ khí sắc lạ lùng ở trước trán Mai Phương, không hiểu sao lại đang "rực rỡ" ngay ở trên đỉnh đầu tôi.
Trên-ến đỉnh Trường-ường Sơn ta hát bài-ài ca...
Gưi tới quê nhà bao la...
Biển xanh sóng vô-ỗ hiền hòa...
Anh Quân bỗng hát, và tôi bỗng có cảm giác thật lạ lẫm.
Vì anh và tôi đang đứng trong thang máy; ba bên (trừ cửa) là gương, gương từ nửa người lên đến trần; cả gương, cả loại vật liệu bóng (loang lổ vàng, đen, nâu đỏ, — chắc muốn bắt chước vân đá) lát tường bên dưới gương, cả tay vịn tròn (bằng gỗ vàng bóng lộn, hai đầu bịt đồng sáng loáng) chạy ngang dưới các mép gương, cả sàn lát đá màu đen các-bon — mặt sàn có ba hình tròn (với những họa tiết phức tạp bên trong) được ghép bằng đá nâu nhạt, — và các chi tiết ghép nối, viền... ở bên trong thang máy đều hết sức kỹ càng và tỉ mỉ; nhưng buồng thang máy nông choèn: rộng bình thường, nhưng dẹt có một tí, hai người đứng dọc là đã hơi phải ních nhau.
Và anh Quân vốn không hát và — vì — không biết hát; tôi thấy anh hát đây là lần đầu tiên.
Và trong thang máy ngoài hai anh em tôi ra còn có một người nữa, — người lạ.
Một cậu thanh niên tuổi chừng mười sáu, mười bảy, đứng cao hơn anh Quân nửa cái đầu, chắc cậu cao khoảng trên mét sáu; nước da cậu hơi tối, nhưng mắt cậu sáng, gọi là long lanh cũng được, chỉ không biết vì sao, tôi lại có cảm giác hoàn toàn không thoải mái khi nhìn thấy ánh mắt long lanh ấy, có thể là nó long lanh quá, hay thế nào đó; đầu tóc cậu bờm xờm và hơi có sắc đỏ, nhưng cả bờm xờm và đỏ đều không tự nhiên, chắc là gôm, xịt, nhuộm; cậu mặc áo sơ-mi cộc tay màu trắng vẽ hoa lộn xộn màu xanh cô-ban và màu mắm tôm, trông rất "bèo tây", do chất vải và cách may nên áo sơ-mi nhưng mặc trông giống áo thun, chỉ là có đủ hai vạt cài cúc và có đuôi tôm; chiếc quần bò xanh thẫm và bạc không đều của cậu có hai chiếc túi sau tụt hẳn xuống phía dưới mông, tôi nhìn không quen nhưng không biết đấy là kiểu quần như thế, hay vì cậu mặc trễ quá nên trông như thế; chân cậu đi giày lười màu đen, không tất.
Có một cái gì đó meo méo rất rõ, khi vừa nhìn cậu trai này. Có lẽ tại lưng cậu hơi dài, đầu gối hơi thấp, và bắp chân hơi cong, — hình như hồi nhỏ cậu phải lao động nặng.
Còn bây giờ cậu làm ở đây.
Dưới tầng một, cậu chờ chúng tôi ở cửa thang máy, và nói — thực ra là hô lên — với chúng tôi:
— Em chào các anh ạ!
Cậu mời chúng tôi vào thang máy, rồi vào cùng và bấm cho chúng tôi lên tầng năm.
Cửa thang máy mở, tôi tưởng cậu sẽ ra cùng, nhưng tôi thấy anh Quân chìa tay cho cậu, trong tay loáng thoáng màu xanh công nhân, — là tờ hai chục ngàn; gần như cùng một lúc với động tác tay của anh Quân, cậu vừa hô:
— Em chúc các anh chơi vui ạ!
Vừa hai tay lễ phép đón lấy tờ tiền.
Hóa ra từng công đoạn đã được phân nhiệm rõ ràng, ai có việc nấy, — ở ngoài cửa thang máy đã đang đứng sẵn một cậu khác, bộ dạng na ná, nhưng sơ-mi là sơ-mi dài tay màu đen may bằng loại vải sợi hóa học có dệt lẫn — một ít — những sợi kim tuyến bạc lấp lánh, và trông cậu có phần tự nhiên hơn cậu trong thang, cả cách nói năng cũng vậy:
— Chào hai anh, mời hai anh đi lối này. — Vừa nói cậu vừa chìa tay dọc theo hành lanh chạy ngang qua, về phía bên phải thang máy.
Đầu hành lang phía đằng này tối lờ mờ.
Lúc cửa thang máy mở ra thì những tiếng nhạc, tiếng hát í ới đã nghe văng vẳng, be bé thôi nhưng tương đối nhiều và láo nháo, có những đám tiếng lộn xộn bất ngờ to hẳn lên, rồi lại bé ngay đi.
Lại vừa có tiếng to hẳn lên, nhưng to hẳn hơn, vì cánh cửa vừa được mở ra ở ngay trước mặt chúng tôi.
Mai Phương, anh Ngạn, và tôi, ba anh em vừa ở Cà Mau về được vài ngày; sáng nay anh Quân gọi điện thoại đến văn phòng, bảo hôm trước gọi, nhưng tôi không có nhà, và hẹn tôi đi ăn trưa.
Hồi còn ở trường, những lúc vui chuyện, tôi vẫn nghe mọi người kể về tính phàm ăn của anh Quân, nhưng mãi đến hôm nay hai anh em đi ăn trưa cùng, tôi mới thực sự có được trực quan cụ thể. Chuyện bông lơn cũng có thể làm cho người ta nhớ lâu, nhưng nhớ kiểu đấy chỉ là nhớ khái niệm; còn trực quan, nếu làm cho người ta nhớ lâu, thì là nhớ những chi tiết thật, và vì những chi tiết ấy gây được ấn tượng.
Anh Quân hẹn tôi đến một cái quán ở trên đường Điện Biên Phủ, hình như — tư duy địa lý của tôi dốt nói chung, và dốt đường nói riêng — ở quận Bình Thạnh. Bữa trưa tương đối nhiều bia và đặc biệt — ít ra là với tôi — nhiều thịt; nhiều về lượng, về chủng loại, và về độ khác thường — (có lẽ lại) ít ra là với tôi.
Một bữa ăn thịt ba con thì chắc tôi đã ăn rồi, nhưng ba con cùng lạ lẫm kiểu như thế này thì chưa.
Con thứ nhất là chuột đồng.
Hình như tên đầy đủ là "Chuột đồng Cao Lãnh"; năm con, đều to tương đối, làm lông, mổ bụng vứt ruột, chặt cẳng chân tay, chặt bớt đuôi chỉ còn một mẩu, phanh bẹt ra, nướng vàng, rồi đặt nằm sấp dàn hàng ngang trên một chiếc đĩa to, dưới lót mấy lá rau xanh, hình như là lá diếp ngô.
Anh Quân ướm ướm bàn tay nhỏ nhưng đầy đặn dọc theo vết chém ngang nách năm con chuột — có hai vết chém ngang như vậy, một vết ngang hông, — nhìn người đàn ông quãng tuổi trung niên, là người đã bưng đĩa chuột ra, lắc lắc đầu:
— Đã bảo đừng chặt.
Bác kia cười vẻ biết lỗi:
— Em xin lỗi, nhà bếp nó quên.
Lúc anh Quân bảo chuột đồng, tôi nghĩ ngay đến "gà đồng", nên đã hỏi theo kiểu đấy, nhưng anh Quân giương mắt lên:
— Chuột tức là chuột, gà vịt ếch nhái gì?!
Được cái thịt con "chuột tức là chuột" này cũng dễ ăn, gần gần như thịt gà.
Con thứ hai là kỳ nhông. Anh Quân nhớ chuyện "gà đồng", nên đã giải thích ngay:
— Đúng cái con đổi màu ấy.
Sáu con mà trước đấy nghe đồn là có thể đổi màu, giờ cũng nướng, nằm tồng ngồng — không hiểu sao trông tồng ngồng hẳn hơn bọn chuột, có khi vì bị lột da, — cong queo, chen chúc nhau trên đĩa, thân hình mảnh mảnh như cá, nhưng dài thượt, vì đuôi chúng to, và cả đuôi và chân sau đều rất dài.
Không biết có phải là nhờ lần này nhà bếp đã không quên hay không, nhưng bọn này đều được toàn thây, không bị chém ngang nách hay hông.
Anh Quân có vẻ hài lòng lắm, còn tôi chỉ nhớ thịt con này hơi xơ xơ, cũng không phân biệt được là giống con gì hơn: cá, hay thú?
Con thứ ba thì anh Quân khỏi cần lăn tăn "chặt" với "đừng chặt", — con này chúng tôi phải ăn "đụng" với nhiều người khác, không bày cả con lên đĩa được, một con cũng không, đừng nói năm, sáu.
Tại con này là cá sấu, "cá sấu tức là cá sấu", "đúng là cái con cá sấu ấy".
Bác trung niên bưng ra hai đĩa to; một đĩa thịt nướng, trông bộ dạng thì chắc là nướng cả miếng rồi thái, rồi bày lên đĩa cùng với một củ tỏi to nguyên vỏ, chắc cũng được nướng cùng, và một đĩa nhỏ xíu đựng mù-tạc chua; đĩa to kia thì đầy thịt sống, sống nguyên, trên có rắc nhiều gừng và ớt, đều thái chỉ, và một ít rau mùi, thịt sống này cũng chấm mù-tạc, nhưng là mù-tạc hăng.
Cá sấu, cả cá sấu nguyên con và thịt cá sấu, tôi đều chưa từng nhìn thấy — không tính trong phim, — nên tôi giương mắt lên ngắm hai đĩa thịt này.
Đại khái miếng thịt, thớ thịt trông na ná như thịt bò, hình như đĩa thịt sống sáng màu hơn thịt bò một chút, nhưng đĩa thịt nướng thì lại thâm sì.
Anh Quân bảo "Bổ lắm!", tôi ăn mấy miếng thịt nướng thì thấy dai dai như thịt bò già, còn vị thì không rõ rệt, tôi cũng không biết là có giống thịt bò nướng hay không, vì thịt bò già dai thì tôi nhớ theo kiểu "khái niệm quen", còn thịt bò nướng thì quả thực đã rất lâu rồi tôi không ăn, — kể từ cuộc "Ngoại ô muôn năm!" đầu tiên, Xéc-giô đã giương mắt lên với tôi: "Dở hơi à, mà đi nướng bò với lợn, trong khi có cừu?!", và cả chuyện dã ngoại nói chung và chuyện thịt nướng nói riêng này, thật sự tôi hết sức khâm phục chàng Xéc-giô bạn tôi.
Còn thịt sống thì tôi không dám ăn; anh Quân gọi tôi là "thằng nhà quê về tỉnh".
Trong câu chuyện lúc trưa, anh Quân mấy lần bảo tôi "như chú bây giờ là vững đấy, có cái nhà băng to tướng bên mình", tôi nghe không hiểu lắm, tôi có nghĩ ngay đến chuyện tôi với Mai Phương và gia đình nó, nhưng chú Cao, theo những gì tôi biết và hình dung, thì không giống một cái nhà băng to tướng lắm, nên tôi nghĩ anh Quân bây giờ là người làm ăn, có thể đấy là một kiểu thuật ngữ làm ăn gì đó mà các anh hay dùng ở đây, tôi cũng không thấy tò mò, nên không hỏi gì cả, nhưng không hiểu sao trong nhiều chuyện đã nói, có vẻ tôi lại nhớ chuyện này, có khi phải gần nhớ bằng chuyện anh Quân đã một mình ăn hết cả đĩa thịt sống.
Cửa vừa mở, thì cảm giác là ca nhạc không chỉ ập ngay vào tai, mà là ập ngay vào cả người.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...