— Lúc gặp anh Ngạn ở bờ biển, ông đang là Thượng Tọa, còn anh Ngạn đang là... hơn chín phần là một xác chết, có khác, chỉ một chút hơi thở như có, như không.
Đêm.
Trời đen và sạch.
Trăng rất cao nhưng nhìn hơi xiên vẫn thấy.
Trăng trông như miệng tách cà-phê ca-pu-chin-nô kiểu Pháp đánh bằng kem va-ni, dưới ánh sáng đèn đường và đèn hắt ra vỉa hè từ những cửa sổ to của một căn quán rộng được chiếu sáng bằng đèn điện dây tóc.
Trăng như thế thì nước nhiều.
Nước ngập cao lên những chân chòi dựng ở mép nước, nước kêu lõm bõm không ngừng, và trong tiếng rào rào lúc to lúc bé của cả ban đêm thì tuy không thể tách bạch ra được nhưng cảm nhận vẫn rất rõ là có tiếng nước.
Ngày mai ba anh em tôi sẽ về thành phố.
Đợt "Nghỉ cái đã!" — theo chỉ đạo của chú Cao — này tuy không dài, nhưng chắc sẽ làm tôi nhớ lâu.
Chơi ở đây thoải mái quá! Nhất là từ lúc tôi bắt đầu thích "nghịch bùn".
Nhưng khi nhìn trăng mà đã tự động liên tưởng đến cà-phê vỉa hè trong tranh của Van Gốc, thì chắc là lòng người cũng bắt đầu nhớ phố rồi.
Cái gì "Tùy ngộ nhi an", tức là biết thuận theo chuyện gặp phải mà yên ổn, quả là không hề đơn giản! Trừ phi người ta sinh ra đã phải thật là cục mịch; không thì muốn "Tùy ngộ nhi an" nhất định phải tập. Mà tập thì... không hề đơn giản!
Cho nên câu hỏi của tôi bây giờ bật ra một cách hầu như hoàn toàn tự động:
— Ông ơi, sao hồi ấy ông lại bỏ chùa?
Ông đang ngồi trên sàn đước, chân co chân khoanh, một phần chân khoanh và cánh tay trái đặt trên đấy nằm trong ánh trăng.
Thực ra tôi luôn có một cảm giác ái ngại khi hỏi ai đấy những câu như thế, — tôi thấy nó có vẻ giống như thò tay vào nội tâm của người khác, chạm thẳng vào những chỗ mà rất có thể người ta hoàn toàn không muốn chạm đến, và như thế thô bạo.
Nên tôi đã rất thoải mái trong lòng khi nghe ông nói, vì ông không hề trầm ngâm như tôi đã ngại, và cách ông nói đơn giản:
— Anh Ngạn đi theo chú Cao một thời gian, thì việc tu tập theo pháp môn của ông bị trục trặc.
Câu chuyện — chủ yếu là ông kể và tôi nghe — giữa hai ông con tôi, đã bắt đầu ở chỗ sàn đước bên bờ nước này, rồi cứ thong thả chắp nối các đoạn vào với nhau, bây giờ cũng đã tương đối dài và phong phú — phức tạp nữa, nhưng cũng đã ít nhiều trọn vẹn — về tình tiết, từ cái hôm mà lần đầu tiên trong đời tôi đã bắt được cua bể nói chung, và cua "gạch son" nói riêng ấy.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong quãng thời gian cuối của một giai đoạn thuộc loại khốc liệt nhất trong lịch sử nước tôi. Những người lớn ở nước tôi, sau cả một tệp dày toàn những trang sử yếu đuối, đến giai đoạn này, cuối cùng cũng đã tập trung được nhau lại, và cùng khơi dậy được một ít sức lực, tạm đủ để giành lấy chính quyền từ tay bọn người đến từ nước khác, gắng gỏi cố chống lại thù trong giặc ngoài, rồi tiếp tục bồi dưỡng chút sức lực ấy, mà tổ chức trường kỳ kháng chiến thành công, rồi lại buộc phải bước vào, và đã bước ra như những người chiến thắng trong một cuộc chiến mới, một cuộc chiến ác liệt chưa từng thấy (thậm chí là trong lịch sử nước tôi), để đánh đuổi một lũ người bẩn thỉu, — bọn man dợ vô nhân tính này lại đến từ một nước khác nữa, nước này chuyên lấy việc đi ăn cắp, ăn cướp của người khác làm kế mưu sinh, — và thống nhất đất nước.
Bố mẹ tôi đều là những điển hình cơ bản của lớp trí thức trưởng thành từ sau cuộc cách mạng, nhưng lại đều xuất thân từ lớp người có tôn ti trật tự ở trong xã hội cũ. Cho nên trong bối cảnh vất vả nhọc nhằn mang tính lịch sử của cả một dân tộc ấy, tôi vẫn lớn lên giữa các yếu tố có thể tạo nên ý nghĩa hầu như đầy đủ nhất của khái niệm "Gia Đình". Và với một đứa trẻ con, thì đây có lẽ là thứ quan trọng nhất. Còn chuyện ấm ức vì đòi cái này cái kia không được, thì trẻ con ở hoàn cảnh nào hình như cũng đều sẽ như vậy, — tất nhiên tôi vẫn hiểu là phải có sự khác nhau, nhưng, như tôi đã nói, chắc nó không phải quan trọng nhất.
Cho nên làm trẻ con tôi thấy rất thích!
Chắc một phần vì cả hai việc chủ yếu nhất, vất vả, nhọc nhằn, và gian khổ nhất ở nước tôi hồi ấy, là kiếm sống và đánh giặc, thì tôi đều không phải trực tiếp tham gia.
Thực ra, về việc kiếm sống khi ấy, thì tôi đã bắt đầu có những cảm nhận, cũng có thể coi là trực tiếp được, về sự nhọc nhằn của nó, nhưng mới rõ được một ít, thì tôi đã đi học ở nước ngoài, mà ở đấy thì lại rất đầy đủ, ít ra là theo nhu cầu và suy nghĩ của tôi bấy giờ.
Còn việc đánh giặc, thì mọi suy nghĩ của tôi về nó chỉ được hình thành từ những thông tin gián tiếp, những thông tin này có được từ những nguồn mà đến lượt chúng nói chung cũng lại gián tiếp tiếp, cho nên mặc dù năm cuối phổ thông tôi được giải nhì học sinh giỏi lịch sử của thành phố, nhưng đến lúc vào đại học, và theo học thày Đét-lam yêu quý của tôi được một thời gian, bắt đầu hiểu được cách học kiến thức, thì tôi biết ngay là hình dung về việc đánh giặc ấy của tôi là tương đối lơ mơ.
Cho nên mới bắt đầu câu chuyện, thì tôi nhận ra ngay những cảm giác rất "trực tiếp".
Anh Ngạn đã trực tiếp tham gia vào cả hai việc ấy.
Học giỏi, và rất giỏi Anh ngữ, còn chưa học hết phổ thông, anh Ngạn đã đi làm phiên dịch cho quân đội Mỹ.
Mỹ thua năm 1975, Kít-xinh-giơ rủa: "Why don't these people die fast?" ("Sao những người này không chết cho nhanh?"), — "những người này" là những người Việt Nam Cộng Hòa.
Kít-xinh-giơ nhận giải Nô-ben Hòa Bình năm 1973 vì đã có công đưa quân Mỹ ra khỏi Miền Nam Việt Nam; còn anh Ngạn vào trại cải tạo, ở đấy ai may mắn thì đi làm ruộng, không may thì đi gỡ mìn.
Anh Ngạn may.
Một buổi sáng, các trại viên mắt mũi còn kèm nhèm đang đứng xếp hàng — hàng lố nhố thôi — điểm danh, để chuẩn bị ra đồng, thì một chiếc xe tải to thông thốc chạy vào trong sân, trên thùng xe có một người quản giáo đầu đội mũ cối, tay đeo băng đỏ, vai khoác AK.
Một nhóm trại viên — đứng ở hàng đầu, được chỉ định nhanh — đến khiêng từ trên thùng xe xuống hai người chết và một người thoi thóp — chắc cũng sắp chết, — đều máu me đầm đìa.
Chiếc xe đã chở họ về từ bãi mìn.
Ba trại viên được chỉ định ngay tại chỗ để thay: một người đang bị phạt, và hai người đến điểm danh muộn.
Hôm ấy trại viên "1007" đến điểm danh muộn, — anh này tên Phước.
Hồi ấy tên anh Ngạn là Phước.
Mìn có rất nhiều loại.
Có quả như một cục sắt gỉ, trông hơi giống — ngắn hơn — một bắp ngô to, nhưng có cuống dài, nửa bắp ngô được trồng thẳng xuống đất, và có một sợi dây thép căng là là mặt đất, móc vào cuống ngô, — chắc để chờ Việt Cộng không biết, đi đá vào dây, là nổ banh xác; — lúc gỡ quả này, phải nhẹ nhàng lần theo sợi thép, đến được chỗ cuống ngô, rồi khéo léo gỡ sợi thép ra khỏi chỗ móc vào cuống.
Có quả là một cái hộp tròn và bẹt, màu xanh nước biển thẫm, được chôn nông ở ngay dưới cỏ và lớp đất mặt, — quả này chắc Việt Cộng phải đạp trúng lên trên, thì mới nổ banh xác; — phải nhẹ nhàng bới được quả này lên, nâng niu, rồi cẩn thận vặn một cái chốt ở bên thành hộp, kêu "pạch" một cái.
Học — "hành" — cho được cách gỡ hai quả đấy, thì anh Ngạn thật sự cóng.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ):
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...