Lập Trình Viên II (26)

Anh Ngạn bảo mấy cái xà-di ấy là để bắt cá thòi lòi.


Tất nhiên là tôi lại hỏi tiếp về cá thòi lòi; anh Ngạn đang lúng túng, thì Mai Phương đã bảo:


- Con đấy không tả được đâu, bắt được thì khắc biết.


Và tôi biết ngay đấy là cá thòi lòi.


Ba con, bị que đước xỏ vào mồm, rồi xỏ dọc thân, đang nằm ngay đơ không tự nhiên trên một tấm lưới sắt hình tròn, — có một chỗ sợi sắt tròn và mảnh (khoảng bằng nan hoa xe đạp) ở mép lưới uốn vòng ra, kéo dài một đoạn, rồi lại vòng vào, song song, thành cái cán cầm, — còn tấm lưới đang nằm trên một lò than đỏ, hình dạng thì giống nhưng phải to gấp đôi cái lò ở các quán lẩu dê.


Con cá thòi lòi trông hơi giống — đầu to hơn — cá chuối, nhưng chỉ to cỡ hơn nửa cổ tay tôi là cùng. Đuôi và vây nó hình như dài hơn, và trông có vẻ "bướng" hẳn hơn cá chuối; đặc biệt là hai vây trước, không chỉ dài hẳn hơn, mà trông còn lạ lạ thế nào đó. Mắt nó cực kỳ lồi; trong tất cả những con cá vàng (là loại cá có mắt lồi nhất mà tôi biết) hồi bé tôi từng nuôi, chưa có con nào mắt lại lồi được như mắt con này; nhưng mắt nó không lồi sang hai bên như mắt cá vàng, mà gần như nằm hẳn bên ngoài đầu, thành hai hột tròn ở trên trán. Ờ... nên mới gọi là thòi lòi, chắc thế.


Ba con thòi lòi chỉ nằm chưa hết nửa tấm lưới, nửa còn lại lổm ngổm sáu, bảy con ngao to kệnh, vỏ đầy bùn.


Lò than để trên sàn gỗ đước. Trên sàn, bên cạnh, vương vãi một lớp nhiều những phoi gỗ mỏng, mảnh, và dài, là phoi rơi ra lúc vót đũa đước, — ở đây hình như cái gì bằng gỗ cũng đều là đước. Trên đám phoi đước có một cái đĩa nhỏ trắng tinh, đựng đầy một lớp mỏng muối trắng tinh; và một nắm đũa đước.


Anh Ngạn xem ra có phần sốt ruột.


Suốt thời gian từ lúc tôi vào Sài Gòn, tôi luôn thấy anh Ngạn là một người trầm tĩnh, kiệm lời, kín đáo, và nói thế còn là vì tôi không muốn dùng từ "lạnh lùng"; tôi thậm chí vẫn nghĩ là anh không mấy cảm tình với tôi. Nhưng lần này đi chơi, tôi thấy anh hoàn toàn giống như một người khác, và hình như còn có vẻ quý tôi.


— Phi Long sát cá nhỉ, bắt được cả cua gạch son đấy.


Tôi đang ngồi ngắm mấy con thòi lòi, và hít hít mùi khói nướng bốc lên, nghe anh Ngạn nói thế, tôi chẳng biết cua gạch son là cua gì, nhưng cũng thấy rất khoái, đang định hỏi thì anh Ngạn lại bảo:


— Ăn được rồi, ăn đi, lấy lò nướng cua.


Giọng anh Ngạn rất phấn khởi; Mai Phương hình như cũng thế, tôi thấy nó vội vàng ngửa ngay bàn tay ra; tôi còn đang lúng túng, thì anh Ngạn đã cầm que đước có con cá, đặt vào tay nó, cầm tay nó, rồi lấy một cái đũa đước quẹt liên tục vào con cá, cho những chỗ bị cháy thành than rụng bớt, chấm cá vào muối, bảo "Muối", rồi dặn:


— Nóng nguyên đấy.


Tôi vừa định bắt chước, thì anh Ngạn giơ ngón tay trỏ lên, khua khua, thò thêm ngón giữa lên, rồi chúc cả hai ngón xuống, làm điệu bộ cắp cắp. Tôi làm theo anh, nhặt đôi đũa đước, cầm xiên cá lên, lấy đũa gắp thịt cá, — rất mềm, — chấm ăn.


Chưa bao giờ tôi ăn con này.


Tôi thấy thịt nó nạc nhưng không bã, thơm, và...


— Hơi tanh, nhưng em chờ nó nguội, sẽ hết ngay. — Anh Ngạn bảo tôi.


— Ăn tanh được đấy! — Tôi chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã lên tiếng. — Ở Liên Xô uống rượu, còn có con cá muối nguyên cả lòng ruột, tanh hơn con này nhiều.


Con cá của nó trông đã hơi giống như vừa bị bổ dọc, rồi vứt một nửa đi.


Không biết cái này có đúng vẫn được gọi là "phởn chí" không, nhưng giữa hai miếng thòi lòi nướng thật ngon, tôi bỗng thấy mình cố lấy giọng Nam Bộ, và ngâm nga tương đối to:


Gió lơn rồi căng bùm cho khoái

Gác chèo lơn ta nưứng ngô khoai!..


Anh Ngạn phì cười:


— "Khô khoai"!


Tôi ngớ ra, thì Mai Phương, cũng đang cười, bảo:


— Đúng đồ tiểu nông, con... cái gì... à "Con trâu đi trước cái cày đi sau", ra sông biển rồi còn ngô với khoai.


— "Khô khoai"..? — Tôi nhăn nhó.


— Cá khoai, phơi khô. — Nó rành rẽ cắt nghĩa.


Cua gạch son hóa ra là con cua cái đúng lúc chửa to nhất, lúc ấy nướng lên, trứng — "gạch" (hay là trứng có màu "gạch"?) — của nó có màu đỏ đẹp nhất, đỏ "son".


Trên lò vẫn còn hai con ngao ế; tôi với anh Ngạn đã giải quyết gần xong hai con "gạch son" nướng, cua mà to như hai con này, tôi chưa từng ăn; tôi đang hăm hở giơ cao một cái vỏ ngao, để đánh xuống một cái càng cua kếch xù, cái cuối cùng, là của Mai Phương, — nó được cả hai cái càng to, tôi với anh Ngạn mỗi người chỉ được một cái bé, — thì thấy nó vịn nhẹ vào vai tôi, bảo:


— Để phần ông.


Tôi nhìn theo tay nó chỉ, ra lối đi làm bằng những thanh gỗ đước tròn (mỗi thanh dài chừng một mét, ghép ngang), cao cách mặt đất khoảng gần bằng sàn chòi, chạy dài từ đây — về phía đối diện với hướng mặt nước, len lỏi giữa những thân cây đước — về nhà chúng tôi.


Chẳng có gì ở đấy cả.


Lối đi trống trơn; lông mày tôi tự động nhăn lại, tôi vội quay lại nhìn nó, nhưng còn chưa kịp nói gì, thì anh Ngạn đã lại vỗ nhẹ vào vai tôi.


Đúng là ông đang đi đến đây thật, ông vừa bước ra khỏi chỗ con đường "sạn đạo" ngoặt lấp vào sau cây.


Nếu như chưa biết ông, thì nhìn từ đây chắc sẽ không bảo đấy là "ông", còn lúc ông đến rồi, đã có thể nhìn rõ mái tóc — chắc là hay được bàn tay vuốt ngược ra phía sau, vẫn gọn gàng dù đã lâu chưa cắt — ấy đúng là "tiêu muối", và từ hai đuôi mắt đúng là đang tỏa ra những nếp nhăn sâu, thì sẽ bảo đấy là "ông", nhưng trong lúc nói thế thực ra lại đang nghĩ về một "ông" trẻ hơn "ông" ở trước mặt phải đến hơn chục tuổi là ít.


Vì mắt người không bị bạc đi như tóc.


Và ánh mắt của ông thì còn mới tinh, giống như một cái cây nhỏ xanh tươi ở ngoài vườn. Còn làn da sáng và mịn, như da của một thanh niên Hà Nội có nước da đẹp, thì rất thiếu đồng bộ trong một tổng thể "lão nhân", cho dù là làn da ấy vẫn không thể tránh không bị nhăn lại ở khóe mắt, ở nếp miệng, ở trán, ở giữa hai chân mày... là những chỗ mà con người — có thể vô tình, nhưng cũng nhiều khi là hữu ý — hay có xu hướng làm cho nó nhăn đi, để biểu cảm.


Mà con người này thì đã làm nhăn những chỗ đấy để biểu cảm trong suốt hơn bảy mươi... — chắc cũng phải được một lúc lâu rồi — năm.


Và ông già hơn bảy mươi một lúc lâu rồi này lại mặc quần áo bò.


Áo sơ mi bò rộng, màu xanh cô-ban sáng nhạt, cúc cài nghiêm chỉnh, đuôi tôm, bỏ ra ngoài quần bò rộng, đồng màu; dép xăng-đan da, đúng màu da bò đậm, dày dặn và có quai hậu.


Và bộ bò dài rộng này lại rất đồng bộ với một vóc dáng dong dỏng cao, — phải đến mét tám, — gọn gàng, và thẳng tắp.


Một chàng trai phố hơi đứng tuổi, có lẽ sẽ là khái niệm dễ tiếp nhận hơn, là một ông già đang sống trong rừng đước ở Miền Tây Nam Bộ.


Và chàng trai phố hơi đứng tuổi vịn một tay vào khung cửa, nói bằng kiểu giọng mũi, mảnh, nhưng sâu và tròn đầy, nên gây một cảm giác cứng cỏi:


— Mấy đứa ăn đi, ông chờ ăn bánh xèo...


— Chị Sương về rồi hả ông, — Mai Phương hớn hở reo lên, — có củ khóm không ông?


— Có khóm, thì mới có bánh xèo chứ. — Ông cười, mắt ông nheo nheo, vui vẻ. — Chị Sương bảo ông gọi tiểu Phương về giúp chị làm nước cốt dừa.


— Để con về hái đọt xoài. — Anh Ngạn giơ cao một tay lên quá đầu, kiểu giơ tay xin phát biểu, rồi nhổm ngay dậy, giục. — Đi, về đi Phương đi!


Anh nhìn ông, rồi nhìn tôi:


— Phi Long ở lại hầu chuyện ông.


Mai Phương cầm cái càng cua tôi vừa bóc sẵn, vừa đi vừa ăn, không hiểu lại nói chuyện gì với anh Ngạn, chắc là thích chí, còn vung cái càng cua lên; ông nhìn theo nó, nói khẽ:


— Tốt quá!


Rồi ông ngoảnh lại, nhìn tôi, — ông lão này hình như luôn có một nụ cười hiền hậu ở sẵn trong ánh mắt và giọng nói:


— Phải không sư phụ?


— Dạ... — Tôi hơi ngơ ngác.


— Cháu chẳng phải sư phụ của em là gì?


— À... dạ, tại... mà... sao cháu... hình như cháu không lúc nào nghĩ thế...


— Tại mọi chuyện đều thật tự nhiên.


— ...


— Hai anh em con, vậy là phải có duyên với nhau lắm đấy... — Chắc nhận thấy một nét biểu cảm theo phản xạ bình thường nào đó ở tôi, ông khẽ xua tay. — Không, không phải...


Nhưng ông lại dừng lại luôn, rồi ông nhìn tôi, cái nhìn lần này không "cười":


— Tiểu Phương chưa kể cháu nghe chuyện Giác Ni Hòa Thượng?


Tôi nhíu mày lạ lẫm, lắc đầu; ông lại cười:


— Ừ, chuyện này cũng dài dòng lắm đấy.


Tôi im lặng, chỉ nhìn ông, và chờ. Hình như đã có một nét chắc vẫn được gọi là "nét trầm tư" thoáng qua, rồi ông bảo tôi:


— Ông bảo hai anh em con có duyên, là ông nói chữ "duyên" của nhà Phật, không phải chuyện tình duyên nam nữ.


— ...


— Giác Ni, là pháp danh của ông ngày xưa.


Chắc là mắt tôi chưa bao giờ trố như thế; và có một câu hỏi mặc dù còn chưa rõ ràng gì cả nhưng hầu như đã bật ra đến nơi, nhưng ý thức của tôi liên tục bảo tôi là đừng có hỏi gì bây giờ cả, nên tôi cố giữ nó lại. Ông nhìn tôi, nhướng mày một cái, rồi ông nói tiếp:


— Lúc gặp anh Ngạn ở bờ biển, ông đang là Thượng Tọa, còn anh Ngạn đang là... hơn chín phần là một xác chết, có khác, chỉ một chút hơi thở như có, như không.


(Còn nữa)



Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II - Chương 2):

http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html


Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II - Chương 1):

http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html


Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I - Cả bộ đầy đủ):

http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...