Lập Trình Viên II (25)

Chú Cao nhìn tôi, cười bảo:


— Nghỉ cái đã!


Rồi nhìn anh Ngạn:


— Ba anh em dẫn nhau đi chơi.


Anh Ngạn còn chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã giòn giã:


— Đi! Đi Cà Mau đi!


Đất Mũi Cà Mau.


Thật ra làm gì có buồm?


Xuồng ba lá thì lấy đâu ra buồm, mà "giong"?


Trước giờ, trong quan niệm của tôi, "xuồng", tức là phải có máy; cho nên tôi vẫn nghĩ phải gọi "thuyền ba lá" mới đúng, nhưng thấy mọi người đều "xuồng ba lá", nên tôi cũng "xuồng ba lá", nhưng tôi đã "đánh dấu" lại, để rồi lúc nào đó sẽ xem xét kỹ càng lại cái hình dung "thuyền, xuồng, ca-nô, tàu thủy..." này của mình.


Chèo xuồng này tôi thấy dễ hơn nhiều so với chèo loại thuyền thể thao hẹp và dài và nhọn hoắt hai đầu ở Công viên Lê-nin ngoài Hà Nội, hay loại thuyền bầu bầu và tương đối rộng trong Công viên Văn Hóa ở Mát-xcơ-va, hoặc trên sông Đờ-nhép ở Ki-ép. Tôi vừa cúi người khua một chèo xuống mặt nước có màu nhàn nhạt lẫn lộn giữa xanh rêu và gỉ sắt ở mạn thuyền bên trái, thì nghe tiếng Mai Phương ở đầu thuyền:


— Mặt em bẩn à?


Tôi mới dừng chèo, hơi nhoai về phía trước để nhìn cho rõ, thì "Ùm!" một cái nữa, — lần này nhỏ thôi, — nó đã lại nhảy xuống nước; cách nhảy của nó giống như bọn trẻ con tắm ao.


Hai tay nó đằm xuống nước, rồi hất vung lên, làm cho nước bay lên tung tóe; rồi trong đám bụi nước vẫn còn rơi, nó cúi xuống vục nước rửa mặt, và khoát nước lên, vuốt vuốt hai bên vai áo...


Nó đã quen chỗ này. Nó đã quen rửa mặt như thế. Ngày xưa.


Nhưng bây giờ không giống ngày xưa, — tôi vẫn phải để ý chèo thuyền ở giữa nước rộng, và lúc nào lại gần bờ, thì luôn nhớ "mô tả" ngay với nó.


Lên xuồng bơi thêm một lúc, sống mũi nó chợt nhăn lại:


— Thơm quá!


Tôi vội chăm chú hít ngửi. Chắc tôi đã hít thành tiếng, nên nó xo vai, vẻ khoái chí:


— Mùi khói thật là thơm!


Tôi dừng chèo, ngoảnh nhìn kỹ càng khắp xung quanh, rồi làm bộ cáu — mà chắc cũng có cáu một ít thật, — cao giọng:


— Tiểu Phương, đừng có bá đạo quá chứ, ở khắp quanh đây làm gì có khói?


Mặt nó nghênh nghênh và đăm chiêu, giọng nó đều đều, vô cảm:


— Huynh đài có chăm chỉ đeo kính râm, với miệt mài ngồi phòng tối mà luyện tai, luyện mũi, thì cũng chẳng ăn thua gì đâu.


Nó lặng lẽ cúi xuống, khoát tay trái xuống mặt nước, khỏa nước nhè nhẹ, và... nó chỉ nhịn được đến thế:


— Em đã bảo anh rồi! Chỉ có một cách thôi! — Nó cười phá lên, hắt nước vào tôi, lần này thì trúng ngay.


Nó vẫn cười tôi chuyện muốn "bắt chước" nó để luyện tai, mũi cho tinh. Còn cái cách mà nó đang nói...


Em muốn được nhìn thấy bầu trời... à quên...

Em muốn được nhìn thấy biển cả

Màu xanh, màu xanh

Em muốn được nhìn thấy biển cả

Anh hãy mang em theo cùng anh...


Nó lại hát nho nhỏ, nhưng rõ ràng, một đoạn trong một bài hát tiếng Nga quen thuộc, đoạn này từ khi tôi ở bệnh viện về nó bắt đầu mang ra hát mỗi khi đả động đến những chuyện này. Thực ra đây là lời của một con sếu con nói với mẹ, nhưng tiếng Nga dùng chung đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và thứ hai, nên nó hát như thế, thì trong ngữ cảnh này sẽ là "em" và "anh". Đã hát lời một: "bầu trời", thì chợt nhớ ra, nó chuyển ngay sang lời hai: "biển cả", — vì ở đây đang là ngay sát biển.


Hình như là nó đã quen thật, — dù tôi sẽ không bao giờ khẳng định được. Còn tôi thì vẫn chưa thể — mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ — quen được. Nếu như nó nhìn thấy — tức là biết được — bộ dạng của tôi vào những lúc như thế này, hẳn là nó sẽ không hát nữa. Có nhiều lúc, nó càng vui, thì tôi lại càng cảm thấy khổ sở. Tôi là con út, nhưng Mai Phương bây giờ, nó đúng như là đứa em trong nhà của tôi. Tất cả những chuyện này, trong đấy có một sự bất công vô lý đến mức tôi không thể nào chịu được.


Tôi cắm cúi chèo.


Nhưng xuồng vừa thò ra khỏi khúc quẹo trái, thì tâm trạng của tôi ngay lập tức đã phấn khởi hẳn lên.


Phía trước, chênh chếch, ở bờ bên phải, từ trong rừng đước nhô ra, đến sát mép nước, có một căn chòi gỗ xinh xắn.


Sở dĩ tôi gọi là "chòi", tại vì tôi không biết gọi là gì khác, chứ cái "chòi" thật sự trong ý nghĩ tượng hình của tôi tương đối nhỏ, còn căn này phải to gấp đôi, có khi gấp hai lần rưỡi cái "chòi" đấy. Nhưng nó không có tường, chỉ có lan can đóng bằng những thanh gỗ đước tròn to bằng cẳng chân, viền quanh bốn phía mặt sàn, cũng là sàn đước; lan can chỉ cao khoảng đến đùi, sàn cũng cách mặt đất một khoảng như vậy.


Hớ hênh như thế thì không gọi là "nhà" được.


Và, có một đám khói loãng, xanh um, đang phả ra từ khoảng trống bên dưới mái chòi lợp bằng lá dừa nước, về phía quay ra mặt nước.


Một khuôn mặt cũng đang phả khói xanh um thò ra từ trong đám khói, nhìn xuống chúng tôi: tóc ngắn nhưng mai dài, da ngăm ngăm, mũi dọc dừa, mắt hai mí nhưng trông như một mí, môi rõ nét, và hàm răng đang cười trắng như răng da đen.


— Hà, bắt được cua thật à?


Có một chiếc thang rộng khoảng nửa mét, năm bậc, cũng đóng bằng những thanh đước tròn, bắc từ mép nước lên đến sàn (chỗ lan can bỏ trống một quãng ở giữa, — "mở cửa"). Áo sơ mi đen không cài cúc, buộc túm hai vạt trước, quần soóc bò, xắn một gấu, hai cẳng chân bê bết bùn, anh Ngạn ngồi nhấp nhổm ở chỗ đầu thang, miệng phì phèo điếu Marlboro (lúc ở trong bệnh viện, anh lấy Marlboro của tôi hút, tự nhiên thấy rất thích, và hút sang Marlboro luôn; anh Ngạn hút thuốc nhanh hơn tôi, nên lúc hút trông rất nhiều khói). Theo như giọng nói thì đúng là anh đã không nghĩ tôi có thể bắt được cua.


Tôi hí hửng:


— Chỗ anh thế nào?


Anh Ngạn mới giơ tay phải, chổng ngón cái lên, chưa kịp nói gì, thì Mai Phương đã vội vàng:


— Có bắt được thòi lòi không?


Sông, rừng, và biển gặp nhau ở chỗ này.


Và cuộc quan hệ tay ba ấy đã tạo ra một sinh cảnh hết sức hoang sơ, cảm giác tựa hồ còn hoang sơ như thời mở đất suốt từ nhiều trăm năm trước. Thuở ấy, đi suốt từ Hà Nội vào, chỉ đến đây, chân người đi mở đất mới thật sự lấm bùn, bẩn như chân anh Ngạn bây giờ.


Quả thật chưa ở đâu tôi từng thấy nhiều bùn như vậy. Đúng hơn, tôi còn chưa bao giờ nghĩ có thể có một chỗ lại có nhiều bùn đến thế.


Anh Ngạn đã rủ tôi đi "nghịch bùn" với anh, — anh bảo ở đây chẳng có gì thích bằng bùn cả, — thấy tôi nhăn nhăn, anh cười:


— Bùn sạch lắm, không như bùn thành phố.


Tôi cười theo, nhưng vẫn nhăn, nên anh có vẻ chán:


— Thôi thì đi dập cua vậy.


Tôi thương anh:


— Đi với anh, em còn làm gì được, em muốn đi dập cua một mình, mới thích.


Anh Ngạn thò tay khoác nhẹ vai tôi, chắc là muốn tỏ lòng biết ơn.


Rồi anh chỉ cho tôi cách dập cua.


Thấy anh có mấy túm lá hơi dài dài, trông như những cái chai to, tôi tò mò lắm; anh bảo đấy là "xà-di", tôi nghệt ra; anh giải thích là "ống trúm", tôi nhớ câu "Lươn nằm cho trúm bò vào", nhưng dụng cụ bắt lươn thì tôi chỉ biết mỗi cái ống lươn, không biết đấy có phải là cái "trúm" gì đó không, vả lại ống lươn là một cái ống nứa dài thì trông hoàn toàn khác mấy cái chai to làm bằng lá xanh này, nên tôi lại nghệt ra tiếp; anh Ngạn đành phải giải thích cấu hình chi tiết, thì tôi hiểu ngay, cái này là cái lờ, nhưng làm bằng lá dừa nước, "cổ chai" thì buộc túm lại, kín, còn "đít chai" thì có cái hom hình phễu, là cái cửa một chiều, vào thì được nhưng ra không được.


Anh Ngạn bảo mấy cái xà-di ấy là để bắt cá thòi lòi.


Tất nhiên là tôi lại hỏi tiếp về cá thòi lòi; anh Ngạn đang lúng túng, thì Mai Phương đã bảo:


— Con đấy không tả được đâu, bắt được thì khắc biết.


(Còn nữa)


Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ):
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...