THÁNG NĂM THẮM THIẾT
(O. Henry)
Bạn làm ơn vỗ vào mặt nhà thơ líu lo với bạn những ngôn từ ca ngợi tháng Năm. Đó là một tháng thống trị cái hiểm độc đen tối nhất và cái điên rồ.
Vào tháng Năm, Cupidon ném những mũi tên dò dẫm. Các nhà triệu phú cưới các nàng nhân viên đánh máy chữ. Những giáo sư thông thái tán tỉnh mấy cô hầu bàn mặc tạp dề trắng nhai kẹo cao su đàng sau các quầy bán hàng tự động. Những cậu choai choai rón rén băng qua bãi cỏ và đi trồng cây thang dưới cửa sổ viền dây trường xuân, nơi đó nàng Juliette lắp đặt kính viễn vọng và đang ngóng đợi họ. Những cụ già 60 tuổi đeo ghệt trắng dạo chơi loăng quăng gần ngôi trường sư phạm của các thiếu nữ xinh tươi mơn mởn. Đám đàn ông có vợ sẽ thể hiện lòng dịu dàng và tình cảm bất thường với vợ họ bằng cách vỗ lưng các bà mà lẩm bẩm: “Sao rồi bà, có khỏe không?”
Tháng Năm này không phải là thiên thần, mà là một ác thần. Tháng này làm cho chúng ta điên loạn.
Lão Coulson hơi càu nhàu và nhổm dậy trên chiếc ghế tàn tật của lão. Lão mắc bệnh thống phong, có một căn nhà gần công viên Grammercy, nửa triệu đô-la và một đứa con gái. Lão cũng có một bà giúp việc nhà — đó là bà Widdup. Tất cả chỉ ngắn gọn có thế thôi.
Lão thường ngồi bên cửa sổ trông ra những đám hoa thủy tiên, huệ, dạ hương, mơ hạc và hoa pensée. Tức thì rộ lên một cuộc chiến dai dẳng giữa hương thơm các loài hoa và thứ hơi thuốc bôi rất mạnh và hiệu quả để chữa bệnh thống phong của lão. Hơi thuốc mang đến sự dễ chịu cho lão, nhưng hương hoa thoang thoảng lại có đủ thì giờ để chui thẳng vào mũi Ngài Coulson. Tác phẩm quyến rũ của tháng Năm, người phù phép khắt khe và gian xảo, vừa được hoàn thành. Các sợi dây thần kinh của ngài Coulson phải đương đầu với các dấu hiệu không thể lầm lẫn được xuất phát từ công viên, những mùi hương chào mời từ mùa xuân, đặc biệt cho thành - phố - lớn - bên - trên - tàu - điện - ngầm, thành phố của mùi nhựa đường nóng, của mùi các hang xe điện ngầm, của xăng, hoa hoắc hương, vỏ quả cam, hơi cống rãnh, của mùi những điếu thuốc lá Ai Cập, của xi-măng và mực ẩm trên các tờ báo. Không khí ùa vào căn phòng ấm cúng và êm dịu. Bọn chim líu lo cuống quýt trên các hè đường. Bạn hãy coi chừng tháng Năm!
Lão Coulson vuốt hai đầu ria mép trắng bạc của mình, rủa cái chân chết tiệt của thân thể và lay động quả chuông nhỏ đặt trên chiếc bàn gần đó.
Bà Widdup bước vào. Tóc vàng, 40 tuổi, bận rộn và ranh mãnh, bà rất sẵn sàng có mặt.
— Higgins đi rồi, thưa ông, — bà nói với nụ cười vuốt ve rung động, — hắn đi bỏ thơ ngoài bưu điện. Tôi có thể làm được gì cho ông đây?
— Đã đến giờ lo cho cây phụ tử của ta rồi, — ngài Coulson trả lời, — mang thuốc giọt đến đây cho ta. Cái chai ở đàng kia. Rỏ 3 giọt vào nước. Trời tru đất diệt cái thằng Higgins này. Chẳng ai trong căn nhà này lo lắng xem ta có chết không trong cái ghế của ta, chẳng săn sóc gì cả!
Bà Widdup thở dài sườn sượt.
— Đừng nói thế, thưa ông. Có người còn lo cho ông hơn cả mạng sống của mình nữa kìa. Ông bảo 13 giọt à?
— 3 giọt, lão Coulson nói.
Lão cầm ống nhỏ giọt và cùng lúc ấy cầm luôn cả bàn tay bà Widdup. Bà đỏ ửng mặt. Ô đúng rồi, có thể lắm chứ!
— Bà Widdup này, — ngài Coulson nói, — chúng ta cảm thấy mùa xuân sắp đến với chúng ta, hử?
— Quả vậy, — bà Widdup trả lời, — trời nóng rồi đấy. Đã có những bảng quảng cáo bia hơi ở từng góc đường. Còn công viên thì rực một màu vàng, hồng, xanh của hoa. Tôi thì bị chuột rút kinh khủng ở hai chân và như có kiến cắn khắp châu thân.
— Mùa xuân, ngài Coulson nói vừa hếch ria mép lên, một sự trẻ trung... tôi muốn nói đến một người đàn ông có những ý nghĩ tình ái lướt qua đầu.
— A! — Bà Widdup hô lên, — thêm một ý hay! Người ta bảo khí trời đất tụ lại.
— Mùa xuân, — ngài Coulson tiếp, — một sắc cầu vồng rực rỡ trên thân con bồ câu láng mịn.
— Chà, có thể nói là dân Ái Nhĩ Lan hoạt bát gớm, — bà Widdup trầm tư nhận xét.
— Bà Widdup này... — lão Coulson tỉnh lại, nhăn mặt nhớ lại cái bệnh thống phong của mình, — không có bà chắc căn nhà này sẽ trống trải. Tôi là... là lão già. Nhưng tôi đáng nửa triệu đô-la...
Cô Van Meeber Constantia Coulson bất ngờ xuất hiện, cứng nhắc như quan tòa. Dáng cao xương xẩu, thô cứng, mũi dài, lạnh buốt, học vấn cao, 35 tuổi, đấy là một mẫu mực của khu công viên Grammercy.
— Tôi tưởng Higgins ở đây với các người chứ, — cô Van Meeber Constantia nói.
— Higgins đi vắng rồi, — cha nàng giải thích, — và bà Widdup. Tôi chẳng cần gì nữa đâu.
Bà giúp việc rút lui, đỏ người dưới cái nhìn lạnh cóng và dò xét của cô Coulson.
— Thời tiết mùa xuân tuyệt vời chứ con gái của ta? — Lão già hỏi, ngầm hiểu ra một sự khó chịu gì đó.
— Tuyệt đối đúng, — cô Van Meeber Constantia Coulson đáp lời với vẻ hơi tăm tối, — Khi nào bà Widdup đi nghỉ mát?
— Một tuần nữa thôi, — ngài Coulson đáp.
Cô Van Meeber trù trừ một chút bên cửa sổ, dán mắt vào khu công viên nhỏ ngập ngụa nắng vàng buổi chiều. Bằng con mắt của một nhà thực vật học, ả đánh giá những bông hoa này, thứ vũ khí hùng mạnh của tháng Năm, lắm mưu mẹo. Khí chất lạnh băng như một trinh nữ xứ Cologne, ả xua đi những đợt tấn công của màu xanh êm dịu. Những sợi nắng êm ái rơi xuống, đông lại sau khi va phải bộ vũ khí lạnh buốt của một bộ ngực kiên cố. Hương hoa không gợi dậy được một âm hưởng nào trong các hang hốc chưa được thăm dò của con tim say ngủ của ả. Tiếng hót líu lo của bọn chim sẻ chỉ tổ làm ả đau đầu. Ả chế nhạo tháng Năm.
Nhưng dù ả có thể chống lại mùa màng, ả không ngầm hiểu được sức mạnh của nó. Ả biết rằng các lão già và đám đàn bà mũm mĩm nhảy cỡn, như đám bọ chét thông thái trong cỗ xe kỳ cục tháng Năm, bông lơn nhất trong các tháng. Ả từng nghe nói chuyện các ông già ngu đần đi cưới người đàn bà giúp việc nhà của họ. Thật là mỉa mai nhục nhã cho cái tình cảm được tôn xưng là tình yêu này!
Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, khi thợ làm nước đá đi ngang nhà, bà làm bếp nhắn gã rằng cô Coulson muốn gặp gã ở tầng hầm.
Do tình thế, gã phải hạ ống tay áo sơ mi xuống, quăng cuốc vào bụi cây sơn mai rồi đi xuống tầng hầm. Gã cởi mũ lưỡi trai khi cô Van Meeber Constantia nói với gã:
— Tầng hầm này có một lối vào đằng sau, có thể đến được bằng lối đi qua bãi đất hoang, ở một bên, nơi người ta đào mống cho một căn nhà. Tôi muốn anh đi theo đường đó mang đến đây 500 kí-lô nước đá trong vòng 2 giờ nữa. Anh có thể tìm thêm một hay hai người nữa giúp sức. Tôi sẽ chỉ chỗ cho anh để nước đá và cứ thế suốt bốn ngày và giao cùng một cách như vậy. Hãng của anh sẽ gửi giấy tính tiền đến cho tôi. Còn đây là phần cho anh.
Cô Coulson đưa cho gã tờ 10 đô-la. Gã cúi người từ biệt, hai tay cầm mũ lưỡi trai.
— Cảm ơn bà. Mọi sự sẽ theo ý bà!
Than ôi, tháng Năm khốn khổ!
Khoảng giữa trưa, lão Coulson đánh đổ hai ly nước ra bàn, bẻ gãy lò xo chuông, vừa hét gọi Higgins.
— Mang cái rìu ra đây, — lão ra lệnh thật cay độc, — hay mang đến cho ta một ca acide, hoặc gọi một nhân viên cảnh sát đến đánh ta. Sao cũng được, còn hơn là để ta phải chết cóng!
— Thưa ông, hình như trời bắt đầu trở lạnh, — Higgins nói, — trước đây tôi không chú ý! Tôi đóng cửa sổ ngay thưa ông.
— Đóng lại đi, — lão Coulson nói. — Vậy mà cũng là mùa xuân! Nếu sự thể còn tiếp diễn, ta sẽ quay về Palm Beach. Nhà này giống như nhà xác!
Chập sau, cô Coulson đến xem có cần nhỏ thuốc không.
— Stantia này, — lão già nói, — thời tiết bên ngoài thế nào?
— Tươi tắn nhưng khá mát, — cô Coulson đáp lời.
— Ta thì chắc rằng mùa đông đây!
— Có lẽ, — Constantia nói và ném một cái nhìn lơ đễnh ra cửa sổ.
Chập sau nữa ả đi dọc theo công viên, theo hướng Đông ra Broadway để mua hàng.
Một chập sau nữa, bà Widdup bước vào phòng lão già tàn tật.
— Ông gọi tôi à? Tôi nhờ Higgins đi gặp người bán thuốc và tôi có nghe tiếng chuông.
— Ta đâu có lắc chuông?
— Tôi e là hôm qua ông bị quấy rầy trong khi ông muốn nói gì đó.
— Trời, sao mà tôi thấy quá lạnh trong căn nhà này?
— Lạnh à, thưa ông? Để tôi nói ông nghe, hình như trời lạnh trong căn phòng này. Nhưng bên ngoài, thưa ông, trời đẹp và nóng như tháng 6. Lúc này ông phải vui lên chứ! Còn dây trường xuân ở góc nhà ông đang ra lá. Cây đàn thiên nhiên đang rung, bọn trẻ nhảy nhót ngoài vỉa hè, đây đúng lúc phải cởi mở. Hôm khác ông sẽ...
— Thôi đi! — Lão Coulson gầm lên, — bà điên rồi. Ta mướn bà để chăm sóc căn nhà này. Ta lạnh cóng muốn chết trong phòng mà bà cứ nhét vào tai ta đủ chuyện ấy. Đưa áo khoác cho ta mau. Coi chừng giữ kín cửa cái, cửa sổ đó. Người tối tăm như bà mà cứ huyên thuyên về mùa xuân, bông hoa giữa mùa đông này! Nhớ khi Higgins về, bảo nó mang đến cho ta một cốc rượu đun sôi. Còn bây giờ, bà ra đi!
Nhưng ai sẽ bẽ mặt giữa tháng Năm sáng rực này?
Đó là một kẻ ranh mãnh? Đúng, và hắn quấy rối đầu óc những người đàn ông khôn ngoan. Nhưng không có sự mưu mô, không có cái lạnh nào được tích giữ trong con tim của trinh nữ khôn ngoan có thể chỉnh ả giữ lễ độ cho được trong dải thiên hà sáng rực của các tháng.
Mà chuyện đến đây chưa dứt!
Một đêm trôi qua. Sáng hôm sau Higgins giúp lão Coulson ra chỗ ghế ngồi gần cửa sổ. Cái lạnh đã biến mất khỏi phòng. Những mùi hương tuyệt vời lại ngập mũi lão.
Bà Widdup đi vào phòng như cơn gió, tiến lại bên ghế. Lão Coulson chìa bàn tay xương xẩu tóm lấy bàn tay béo tròn.
— Bà Widdup, — lão nói, — không có bà thì căn nhà này sẽ không là tổ ấm. Tôi có nửa triệu đô-la. Vậy thì, sự trìu mến của con tim tuy không còn xuân sắc nữa nhưng đã không còn lạnh lẽo, có thể...
— Tôi đã tìm ra nơi phát ra cái lạnh, — bà Widdup nói, vừa tỳ tay vào ghế. — Đó là nước đá, hàng tấn nước đá dưới tầng hầm, trong nồi hơi, ở khắp nơi. Tôi đã đóng các vòi đưa hơi lạnh này vào phòng ông, thưa ông chủ tội nghiệp của tôi. Còn bây giờ, tháng Năm trở lại rồi.
— Một con tim tốt đẹp, — lão Coulson nói, rồi do dự một chút, — đã làm sống lại mùa xuân... nhưng bà Widdup này, con gái tôi sẽ nói sao?
— Ông đừng lo, — bà Widdup trả lời vui vẻ, — cô Coulson đã bỏ trốn cùng với gã làm nước đá vào đêm qua rồi!
Đã có 7 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),
Những con người đẹp trai thông minh anh tuấn nhàn nhã chắp tay sau đít cưới các cô giáo trường làng.
Mà hồi đấy lại chưa đọc truyện này. Tiếc quá!
Tiếc cho ta, tiếc cho em, và tiếc cho bọn nhà máy nước đá!
Tiếc!
Thôi để anh đền Lan Cải cái này
Nghe lại nhạc này, nhớ nhớ là. Bác có "How can you mend a broken heart", cho em xin luôn.
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...