... Ti-mua và đồng đội

Chiếc ô tô vận tải lao vun vút trên con đường rộng, ngập nắng. Ôn-ga ngồi trên một chiếc ghế mây, tựa mình vào chiếc tay đẫy mịn và đặt chân lên chiếc va-li. Con mèo con sắc hung nằm gọn trong lòng chị, chốc chốc lại đưa đôi chân trước ra vờn mấy cánh hoa mua.

Đến cây số ba mươi có một đoàn xe ô tô đi diễn tập của Hồng quân đuổi kịp chiếc ô tô vận tải. Các chiến sĩ Hồng quân ngồi thành hàng trên những chiếc ghế dài kê đều đặn trong xe, nòng súng ghếch lên trời, hát ca vang rộn.

Nghe tiếng hát, các cửa sổ, cửa lớn hai bên đường đều vội mở. Các em nhỏ hớn hở ùa ra cổng, trèo lên các hàng rào. Các em vẫy tay chào và ném cho các chú Hồng quân những quả táo còn chưa chín hẳn. Đoàn xe đã đi khuất, các em vẫn còn cố reo hò với theo, mãi sau mới chịu quay trở về và lập tức kéo nhau chơi trận giả. Các em cũng chiến đấu, cũng xung phong ồ ạt và phi ngựa cả vào những bụi gai, thậm chí cả vào bụi lá han nữa.

Chiếc ô tô vận tải rẽ vào khu trại nghỉ của các gia đình rồi dừng lại trước cửa một ngôi nhà nghỉ nhỏ có dây leo rủ xuống lòa xòa.

Bác lái xe và anh phụ lái mở thùng xe, dỡ đồ đạc xuống, còn Ôn-ga thì chạy ra mở tấm cửa kính ăn thông vào một hành lang.

Từ đây có thể nhìn thấy rõ cả một khu vườn rộng bỏ hoang. Tận cuối góc vườn đằng kia có một cái nhà kho hai tầng ọp ẹp. Trên mái thấp thoáng một mảnh cờ đỏ đang nhè nhẹ bay.Ôn-ga trở lại xe.

Có một bà lão tất tưởi chạy đến. Đó là bà bán sữa bên hàng xóm. Bà ta tự sang đây dọn dẹp nhà cửa, cọ sàn và lau cửa kính giúp.

Trong lúc bà hàng xóm bận sắp chậu, kiếm giẻ lau thì Ôn-ga ôm con mèo sắc hung đi ra vườn.

Những thân cây anh đào bị chim sẻ đến mổ lỗ chỗ, vết nhựa mới chảy ra óng ánh. Những vòm cây phúc bồn, cúc dại và ngải hoa tỏa hương ngào ngạt. Mái nhà kho phủ đầy rêu mốc. Nhiều chỗ đã bị thủng. Có rất nhiều sợi dây gì mảnh mảnh xuyên qua những lỗ thủng đó, len lỏi trong các vòm lá rồi biến mất.Ôn-ga lách qua đám cây dẻ, gỡ vội những tơ nhện vương trên mặt, trên đầu.

Sao lại như thế nhỉ? Lá cờ đỏ trên mái nhà không thấy bóng dáng đâu nữa. Ở chỗ đó chỉ còn trơ lại có mỗi cái cán thôi.

Thoáng có tiếng ai thì thầm vội vàng, lo lắng. Thế là "rầm" một cái, chiếc thang gỗ nặng đang kê sát bờ tường, ghếch lên cửa gác xép rơi xuống làm gãy mấy cành khô và bốc bụi bay mù mịt.Những sợi dây căng trên mái nhà rung lên. Con mèo sắc hung cào vào tay chủ, rồi nhảy biến vào bụi lá han. Ôn-ga ngơ ngác đứng dừng lại nghe ngóng. Nhưng chị không hề thấy có một động tĩnh gì trong đám cây xanh, sau bờ rào bên hàng xóm và ngay trong cái ô cửa đen ngòm trên gác xép nhà kho cũng vậy.Bà bán sữa giảng giải:

- Bọn trẻ con chuyên môn đi phá vườn đấy, cô ạ. Hôm qua chúng nó đến rung hai cây táo rồi đánh gãy cả một cây lê của nhà người ta. Trẻ con bây giờ như thế đấy... đúng là một bầy du côn. Tôi vừa mới tiễn thằng con trai đi Hồng quân rồi đấy, cô ạ. Ra đi mà nó chẳng uống rượu. Nó chỉ bảo: "Tạm biệt mẹ". Thế là nó đi luôn, vừa đi vừa huýt sáo, trông đến là thương. Chiều đến tự nhiên tôi buồn đến chảy nước mắt ra. Ban đêm, chợt tỉnh giấc, tôi nghe thấy như có ai sục sạo ở ngoài sân. Tôi nghĩ thầm, bây giờ mình sống lẻ loi, cô độc, chẳng còn ai che chở cho nữa... Tôi già rồi, chỉ cần một hòn gạch nhỏ nện vào đầu là cũng đủ chết. Cũng phúc là chúng nó vào đấy, nhưng chẳng lấy một thứ gì. Chỉ quanh quất một chốc rồi lảng đi. Có mỗi cái thùng tô-nô bằng gỗ sồi tôi để giữa sân là bị chúng lôi ra cách cổng đến hai chục bước rồi vứt lại ở đấy. Cái thùng to dễ đến hai người khiêng không nổi. Đấy, vậy đấy. Nhưng bọn chúng là ai, mà việc làm thật ám muội.

Gần tối, dọn dẹp nhà cửa xong, Ôn-ga bước ra thềm. Chị đem cây đàn khảm xà cừ trắng óng ánh của bố gửi tặng hôm sinh nhật ra chơi.

Chị mở bao da lấy đàn đặt lên lòng, quang dây đeo qua vai và bắt đầu lựa nhạc cho một bài hát mới nghe được gần đây:

Ôi, nếu chỉ một lần
Được gặp anh trở lại
Ôi, đâu chỉ... một lần...
Hai, ba... và mãi mãi...
Trên đường bay mê mải
Anh nào hiểu cho em
Chờ anh, chờ anh mãi
Đến khi trời nắng lên.
Hỡi anh!
Chàng phi công! Súng đạn!
Tung cánh bay xa vời
Đến khi nào trở lại?
Biết làm sao, anh ơi
Miễn là anh trở lại
Một lần thôi... đủ rồi.

Ngay khi đang hát, chị Ôn-ga vẫn đưa nhanh mắt nhìn về phía bụi cây tối mọc sát tận hàng rào vườn nhà. Hát xong chị vụt đứng dậy quay người về phía đó, quát to:

- Này, ai trốn ở kia đấy? Và định làm gì vậy?

Có một người mắc quần áo trắng giản dị từ phía sau bụi cây bước ra. Anh ta cúi đầu lễ phép đáp:

- Tôi có trốn đâu. Tôi vốn người có tí chút nghệ sĩ. Tôi không muốn làm phiền chị, nên mới đứng im ở đây nghe thôi.

- Được thôi, nhưng anh có thể đứng nghe ở ngoài đường, chứ việc gì lại trèo qua hàng rào như vậy?

- Tôi ấy à? Trèo qua hàng rào à?...-Anh thanh niên phật ý.-Xin lỗi, tôi có phải là con mèo đâu mà trèo được. Ở chỗ hàng rào này có mấy tấm ván bị gãy, nên tôi bước qua đó thôi.

- Hiểu rồi!-Ôn-ga nhếch mép- Nhưng nhà tôi còn có cổng nữa kia mà. Vậy xin anh hãy làm ơn bước qua cái cổng đó ra ngoài đường cho.

Người kia nghe theo. Anh ta không nói nửa lời, lẳng lặng bước qua cổng ra đường, cài then lại cẩn thận.

Việc làm đó làm cho Ôn-ga ưa thích.

- Khoan đã!- Ôn-ga chạy xuống thềm, giữ người kia lại. - Thế anh là ai? Diễn viên à?

- Không, - người kia trả lời, - tôi là kỹ sư cơ khí, nhưng những lúc rảnh rang tôi cũng có chơi đàn và hát trong đội ca kịch nhà máy.

- Này anh, - đột nhiên Ôn-ga đề nghị người kia với một thái độ hết sức tự nhiên, - anh dẫn tôi ra ga nhé. Tôi đi đón đứa em gái. Trời tối rồi mà mãi chưa thấy nó đến. Tôi không sợ ai đâu, nhưng tôi chưa biết đường. Mà anh mở cổng vào làm gì? Cứ đợi tôi ở ngoài ấy cũng được.
Ôn-ga cất đàn, quàng khăn lên vai rồi đi ra đường, con đường mờ mờ tối phảng phất hương vị của hoa lá và sương chiều.

Suốt dọc đường Ôn-ga chỉ nói dăm ba câu qua quít với người dẫn đường vì đang tức Giê-nhi-a. Còn anh thanh niên mới quen thì đã kịp giới thiệu cho chị biết anh tên là Ghê-oóc-ghi, họ Ga-ra-ép, làm kỹ sư cơ khí tại nhà máy chế tạo xe hơi.

Hai chuyến tàu qua rồi mà hai người vẫn chưa thấy Giê-nhi-a đâu. Đến chuyến thứ ba, chuyến cuối cùng cũng vẫn không thấy.

- Sống với con bé tai hại này đến là khổ!- Ôn-ga buồn rầu thốt lên. - Giá như tôi bốn mươi, hoặc ba mươi tuổi thì chẳng nói làm gì. Đằng này nó mười ba mà tôi thì mới có mười tám. Nó có thèm nghe lời tôi bao giờ đâu.

- Cần gì phải bốn mươi, - anh Ghê-oóc-ghi nói giọng quả quyết, - mười tám không hơn à! Cô chẳng nên phí sức lo lắng làm gì. Thế nào sớm mai em gái cô cũng đến.

Sân ga vắng vẻ. Anh Ghê-ooc-ghi rút hộp thuốc lá ra. Vừa lúc đó có hai thằng bé bước lại, chờ anh bật lửa lên, liền thò thuốc lá vào châm.

- Này anh bạn, - anh Ghê-oóc-ghi giơ que diêm lên soi tận mặt thằng lớn, - trước khi chìa thuốc lá ra ít nhất cũng phải chào nhau một cái đã chứ. Tôi đã có dịp hân hạnh được làm quen với anh ở công viên rồi đấy. Các anh là chỉ quen cậy ván hàng rào nhà người ta thôi. Anh tên là Mi-sơ-ca chứ gì?

Thằng bé đó khịt mũi rõ to và lủi mất. Anh Ghê-oóc-ghi tắt diêm, khoác tay Ôn-ga, đưa chị về nhà.

Hai người vừa đi khỏi thì thằng bé thứ hai gài điếu thuốc lá nhàu nát lên mang tai, láo xược hỏi:

- Cái tay tuyên truyền nào ấy nhỉ? Có phải người ở đây không?

- Người ở đây đấy, - Mi-sơ-ca miễn cưỡng trả lời,- chú cái thằng Ti-mua Ga-ra-ép đấy.

Tao mà bắt được thằng Ti-mua thì phải dã cho nó một trận mới được. Nó vừa mới lập được một bọn định chống lại bọn ta.

Vừa lúc đó, chúng chợt trông thấy một cụ già lịch thiệp chống gậy đi xuống cầu thang, chỗ có cây đèn hiệu ở cuối sân ga.

Đó là bác sĩ Cô-lô-côn-tri-cốp, người địa phương. Cả hai đâm bổ về phía ông cụ, vừa chạy theo vừa la ầm lên xin lửa. Song cái điệu bộ và cái lối hỏi của chúng làm cho cụ già lịch thiệp mất cảm tình. Cụ quay lại giơ gậy lên đe chúng rồi thong thả bước đi.


(...)

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Phi Long bi bô...

Linh bốt bài ẩu, không có khoảng cách giữa các paragraph, thơ còn không xuống dòng. Anh vừa phải sửa lại đấy.

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...