Vạch trần thủ đoạn “đội lốt kỹ sư” của lao động Trung Quốc



(ĐSPL)- "Luật của chúng ta có, công cụ chúng ta có, nhưng các cơ quan quản lý không làm đến nơi đến chốn và để lao động Trung Quốc tràn ngập tại các dự án hợp tác thì chúng ta phải "chịu trận" thôi", GS Nguyễn Mại nhận định.
Việc UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận cho một doanh nghiệp Trung Quốc tuyển trên 2.100 người lao động bản địa đến làm việc tại công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 đang gây ra những tranh cãi nảy lửa và bức xúc trong dư luận xã hội.
Rõ ràng, lý do không tuyển được lao động Việt mà công ty này đưa ra là không hề thuyết phục. PV báo Đời sốngPháp luật đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ hơn vấn đề nêu trên.
 
Vạch trần thủ đoạn “đội lốt kỹ sư” của lao động Trung Quốc - Ảnh 1
GS. Nguyễn Mại
 
Ưu đãi không có nghĩa là đánh mất quyền tự chủ
Thực trạng lao động Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều ở những dự án hợp tác Việt - Trung đang gây ra những lo lắng cho dư luận xã hội. Vậy thì, hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bắt buộc phải sử dụng nguồn lao động từ nước chủ đầu tư hay không, thưa ông?
Quy định trong Bộ luật Lao động chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tuyển lao động bản địa trong trường hợp lao động có những kỹ năng mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là những nhà đầu tư đó sẽ phải đào tạo lao động Việt Nam để thay thế dần.
Đối với những lao động phổ thông thì nhà đầu tư không được phép tuyển lao động bản địa, mà phải sử dụng nguồn lao động tại những nước, những tỉnh mà mình đầu tư vào. Tôi nghe câu chuyện tuyển 2.100 lao động Trung Quốc tại Trà Vinh thì rất lấy làm lạ. Bởi lẽ, lao động Trung Quốc ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề đại sự. Rất nhiều nơi từ Kiên Giang, Ninh Thuận, Trà Vinh... các chủ đầu tư Trung Quốc đã lợi dụng việc trúng thầu để đưa lao động của mình vào Việt Nam, núp dưới danh nghĩa là những kỹ sư tay nghề cao. Tuy nhiên, chúng ta đã phát hiện ra rằng, những lao động đó thực chất chỉ là những lao động phổ thông mà thôi. Lao động Trung Quốc sang Việt Nam để làm những việc mà lao động phổ thông Việt Nam làm tốt, thậm chí còn tốt hơn. ấy thế mà, thông tin báo chí đưa rằng, họ tuyển người Trung Quốc là vì không tuyển được lao động Việt Nam. Lạ ở chỗ đó.
ông có cho rằng, trong các dự án ODA của Trung Quốc ở Việt Nam, chúng ta phải có những ưu đãi nhất định đối với nhà thầu Trung Quốc, trong đó có vấn đề người lao động?
Thống kê mới đây về con số đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thì khoảng 80% các dự án điện là do các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ. Trong những dự án này thì một phần là do vốn ODA của Trung Quốc.
Đồng ý là chúng ta phải có những ưu đãi nhất định với những dự án ODA đó, thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta đánh mất quyền tự chủ. Hiện nay, chúng ta đã tỏ ra quá dễ dãi với các nhà thầu Trung Quốc và chúng ta cũng đã phải chịu những hậu quả đau đớn. Tổng kết mới đây của cục Giám sát xây dựng (bộ Xây dựng) cho biết, nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng "ba không". Thứ nhất, ta cần họ đưa vào những lao động có kỹ năng nhưng họ lại đưa vào những lao động không có kỹ năng. Thứ hai, ta muốn họ sử dụng những công nghệ hiện đại thì họ sử dụng những công nghệ lạc hậu. Thứ ba, ta muốn họ làm nhanh, hiệu quả thì họ làm chậm, không hiệu quả. Tuy tổng kết này không phải là con số tuyệt đối, nhưng nó cho thấy chất lượng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam như thế nào?
Mổ xẻ nguyên nhân lao động Việt Nam "thất trận" trên sàn nhà
Có ý kiến cho rằng, việc chúng ta phải sử dụng lao động người Trung Quốc là do sức ép của nhà đầu tư. ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Tổng vốn đăng ký đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tính đến tháng 5/2014 là khoảng 7,2 tỉ USD, trong đó khoảng 3,3 tỉ USD là vốn thực hiện. Nếu tính tổng vốn đầu tư của các nước vào Việt Nam thì vốn đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% mà thôi.
Vì thế, đầu tư của Trung Quốc không có tác động gì nhiều lắm đối với kinh tế Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất là doanh nghiệp Trung Quốc không làm và rút hết vốn thì kinh tế của chúng ta cũng chẳng sao.
Con số thứ hai mà tôi đưa ra sau đây cũng rất quan trọng. Năm tháng đầu năm 2014, tổng vốn đăng ký đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam  là 132 triệu USD và toàn là những dự án nhỏ. Nếu so với Nhật Bản, Hàn Quốc thì con số này không có ý nghĩa gì cả. Nêu hai con số trên để thấy rằng, chúng ta không thể nói nhà đầu tư Trung Quốc ép chúng ta về chuyện tuyển lao động vào làm việc được. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do chính chúng ta mà thôi.
Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến cho lao động Trung Quốc thắng lao động Việt ngay trên sân nhà, thưa ông?
Lao động Trung Quốc vào Việt Nam thông qua hai con đường. Con đường thứ nhất là thông qua hoạt động đấu thầu. Con đường thứ hai là thông qua các dự án đầu tư.
Rõ ràng, luật của chúng ta có, công cụ chúng ta có, nhưng các cơ quan quản lý không làm đến nơi đến chốn và để lao động Trung Quốc tràn ngập tại các dự án hợp tác thì chúng ta phải "chịu trận" thôi. Đây là một thực tế không thể chấp nhận được, dù có nói gì đi chăng nữa. Vấn đề không chỉ nằm ở việc lao động Việt thất thế ngay trên sân nhà mà đằng sau chuyện có quá nhiều lao động Trung Quốc ở Việt Nam sẽ kéo theo không biết bao nhiêu chuyện, đặc biệt là liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế, lỗi chủ yếu vẫn nằm ở các cơ quan quản lý mà cụ thể là sở Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương không giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ (như bằng cấp, khả năng tay nghề của lao động Trung Quốc...). Chính vì vậy mới có tình trạng lao động Trung Quốc làm việc chui, làm việc dưới danh nghĩa kỹ sư có tay nghề cao nhưng lại là lao động phổ thông...
Cần khắc phục từ 3 vấn đề
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho lao động Việt thất thế là do các doanh nghiệp Việt bị "ghẻ lạnh" trong các dự án hợp tác Việt - Trung. ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Đây là một thực tế. Trung Quốc tỏ ra rất giỏi trong vấn đề mua chuộc, lấy lòng những đối tác của mình. Chỉ cần vài mưu mẹo nhỏ (mà ai cũng biết) là họ có thể mua chuộc và thực hiện được những điều mình cần. Chính vì thế, đừng nói tới chuyện người ta gây sức ép mà quan trọng nhất vẫn xuất phát từ chính chúng ta. Tôi cho rằng, có ba yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp Việt khi tham gia đấu thầu. Thứ nhất là tinh thần dân tộc, ý thức độc lập tự chủ của đơn vị đứng ra tổ chức đầu thầu. Thứ hai là chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp trong nước. Thứ ba là khả năng hợp tác, đoàn kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước (yếu tố này rất quan trọng vì có hợp tác lại với nhau thì nhiều doanh nghiệp mới đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn thầu). Vì thế, nguyên nhân lao động Việt, doanh nghiệp Việt "thất trận" ngay trên sân nhà là do không được tạo điều kiện để đấu thầu (nguyên nhân thì rất nhiều, trong đó có vấn đề "lại quả") và không biết cách hợp sức lại với nhau. Hơn nữa, việc giao thầu cũng đòi hỏi tinh thần dân tộc rất cao, nếu chỉ vì đồng tiền thì với khả năng luồn lách của nhà thầu Trung Quốc, doanh nghiệp Việt thua là phải thôi.
Theo ông, giải pháp nào để hạn chế tình trạng lao động Trung Quốc tràn lan như hiện nay?
Tôi cho rằng, nhân có chuyện căng thẳng Biển Đông, các nhà quản lý của chúng ta cần phải nhìn nhận lại ba vấn đề. Một là phải lấy lợi ích quốc gia làm đầu. Hai là, trên cơ sở ý thức dân tộc ấy, chúng ta phải biết tổ chức lại quá trình hợp tác trong từng ngành hàng để tạo nên những tổ hợp doanh nghiệp đủ sức thắng được trong những cuộc đấu thầu, thậm chí là những gói thầu mà các nước viện trợ ODA cho mình. Ba là phải có những ưu tiên (nhất là về tín dụng) cho doanh nghiệp trong nước. Tôi lấy ví dụ, việc ưu tiên cho vay để đóng tàu vỏ sắt là một chính sách hay. Tuy hơi chậm nhưng rõ ràng nó giúp thúc đẩy nội lực kinh tế đất nước hơn là phụ thuộc vào bên ngoài. Nếu thực hiện tốt được những vấn đề trên, tự khắc tình hình chung sẽ được cải thiện, trong đó có vấn đề người lao động.
Xin chân thành cảm ơn ông!
 
PHẠM THIỆU - NGÂN GIANG
http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/vach-tran-thu-doan-doi-lot-ky-su-cua-lao-dong-trung-quoc-a43692.html

(Bài viết của tác giả nguoilotgach)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...