Thực ra từ trước đấy, trước khi chúng tôi tới Đường hầm một lúc, Bộ Quốc phòng đã ra lệnh cho bộ đội rút ra khỏi thành phố.
Đến cuối năm, ông Goóc-ba-trốp thôi chức Tổng Thống; hôm sau, ngày hai mươi sáu tháng Mười Hai, nước Liên Xô — Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết — chính thức chấm dứt sự tồn tại kéo dài sáu mươi chín năm của mình.
Phi Long từng kể lể với A-nhi-a — chắc cũng có nịnh, — là ngoài chị ra, thì thứ hay nhất mà anh học được trong những năm đại học ở đây cũng không liên quan đến cái bằng tốt nghiệp, — đấy là truyện "Chiến tranh và hòa bình", mà anh đã có thể đọc "thông suốt" được bằng ngôn ngữ nguyên bản. Phi Long bảo Lép Tan-xtôi từng so sánh đất đai với một thứ của cải nguyên thủy khác mà người ta chỉ cần có mặt trên đời là mặc định sẽ được tạo hóa ban cho quyền sử dụng một cách hoàn toàn không phân biệt ai với ai, đó là không khí; và bản thân ông suốt cả đời đã trăn trở vì không hiểu thấu đáo được sự vô lý trong chuyện mình — theo quyền thừa kế — lại mặc nhiên là một chúa đất.
Nhưng trăn trở thì trăn trở, cho dù đấy không phải trăn trở thường, mà là trăn trở của một đại văn hào hẳn hoi, thì Lép Tan-xtôi vẫn cứ là một đại địa chủ, một chúa đất, một Bá Tước, một vị mà vào bối cảnh đương thời, lúc nào cũng luôn rất có thể đem vài gia đình nông nô, hay một gia sư người Đức, đổi cho vị chúa đất láng giềng, để lấy con chó săn mình thích, vì nó có cặp mông rộng. Còn nước Nga ngày xưa — hay đúng hơn (khi ấy cả từ "Nga" cũng chưa có), khu vực trên quả đất, mà mười mấy năm trước đây chẳng biết vì sao tôi lại bỗng xuất hiện ở đúng ngay vào vị trí hiện đang là thủ phủ của nó, — xưa hơn cả thời Lép Tan-xtôi rất nhiều, kéo dài từ phía nam cách Biển Đen một quãng, gồm cả Bê-la-rút-xi-a và một phần lớn đất đai U-krai-in-na, phía tây là biển Ban Tích, phía bắc là biển Bạch Hải, và mở rộng tiếp về phía đông bắc, đã là vùng đất đai được chia thành nhiều lãnh địa, gọi là Công Quốc; mỗi Công Quốc thuộc quyền sở hữu của một ông hoàng, gọi là Công Tước, và được chuyển giao theo quyền thừa kế; Công Tước lại chia Công Quốc của mình thành những miếng nhỏ hơn, gọi là Thái Ấp, và giao cho những người thân thích với mình làm chủ, gọi là các Hầu Tước; một cách hình thức, thì mỗi Công Quốc lại phải trực thuộc sự quản lý của một Đại Công Tước nào đó, nhưng các Công Quốc đều có hệ thống chính quyền riêng, thậm chí tiền tệ riêng, nên thực chất cũng không khác gì một quốc gia tự trị.
Thời kỳ cát cứ của các Công Tước này kéo dài phải quãng hơn hai trăm năm, đến đầu thế kỷ mười bốn thì Công Quốc Mát-xcơ-va, mà trung tâm của nó chính là thành phố Mát-xcơ-va bây giờ, bắt đầu đấu đá quyết liệt với hai Công Quốc lớn khác là Công Quốc Tờ-ve-rơ ở phía tây bắc nó, và Công Quốc Thành Phố Dưới Thấp ở phía "đông — đông bắc" nó, để giành cho được quyền sở hữu Lệnh Bài Công Quốc Đại Hãn.
Sở dĩ có thứ lệnh bài "Đại Hãn" nghe lạ tai như thế, là vì cuối thế kỷ mười ba, các Công Tước Nga đã phải đầu hàng Đế Quốc lớn nhất trong lịch sử loài người, là Mông Cổ, một cách tương đối nhục, — tuy họ không bị Thành Cát Tư Hãn lột mất quyền hành, nhưng phải chịu thần phục và triều cống cho Mông Cổ; Tốc Bất Đài, một trong bốn ái tướng của Thành Cát Tư Hãn, khi đó đã còn kê ván gỗ lên trên đầu các Công Tước Nga để mở tiệc ăn mừng chiến thắng; tan tiệc, có sáu Công Tước đã bị đè chết.
Có Lệnh Bài Công Quốc Đại Hãn, Công Quốc Mát-xcơ-va tiếp tục tìm cách mở rộng sở hữu đất đai và tập trung hóa quyền lực. Quá trình này, nếu tính từ sơ khởi của nó từ thế kỷ trước, thì đã diễn ra trong ngót ba thế kỷ, cho đến giữa thế kỷ mười sáu, năm 1547, Đại Công Tước Mát-xcơ-va là I-van IV Va-xi-lê-vích, còn nổi tiếng trong lịch sử là I-van "Khủng Khiếp", đã nhất thống các Công Quốc Nga thành một Vương Quốc Nga duy nhất, và trở thành Sa Hoàng đầu tiên.
— Cứ theo sử sách mà nói, thì nước mày chỉ ngon, nếu có một bậc cùng hung cực ác đứng ra cầm trịch, chờ xem lần này sẽ là ai.
Sau sự kiện ở Đường hầm Trai-kốp-xki, Phi Long đã bảo anh Kốt-xchi-a như vậy; sở cứ đầu tiên của anh chính là Sa Hoàng I-van Khủng Khiếp, rồi đến Pi-ốt I A-lếch-xây-ê-vích, tức Pi-ốt Đại Đế, và I-ô-xíp Xta-lin.
Mới mười bảy tuổi khi lên ngôi Sa Hoàng, Sa Hoàng I-van Khủng Khiếp sống được năm mươi tư năm và có năm người con trai. Người con cả mới một tuổi đã chết đuối; người thứ hai bị bố trong lúc hai bố con cãi nhau lỡ tay đánh vỡ đầu chết lúc hai mươi bảy tuổi; người thứ ba là Phê-ô-đo kế vị ngai vàng, lấy hiệu là Phê-ô-đo I; người thứ tư chết từ lúc sơ sinh; người con thứ năm là Đờ-mi-tờ-ri lúc tám tuổi đang chơi một trò chơi dân gian thì lên một cơn động kinh, đã tự đâm một cái đinh hình vuông vào cổ mình và chết, — dư luận cho rằng cậu bị thuộc hạ của Ba-rít Ga-đu-nốp, người em vợ của anh trai Phê-ô-đo ám hại.
Sa Hoàng Phê-ô-đo I hai mươi bảy tuổi lên ngôi, sống được bốn mươi mốt năm, là một Sa Hoàng yếu kém về năng lực trị vì, không có con trai, mà lúc chết cũng không để lại di chúc, — các trọng thần trong triều chỉ hiểu mang máng là ông muốn để cho vợ kế vị ngai vàng, còn quyền bính thì trao cho Giáo Chủ I-ốp và người em vợ, chính là Ba-rít Ga-đu-nốp.
Để tránh bất ổn, và đề phòng Ba-rít Ga-đu-nốp soán ngôi, các đại quý tộc đã đưa vợ Phê-ô-đo I là I-ri-na lên ngôi; nhưng được có một tuần thì Nữ Hoàng quyết định cạo đầu đi tu. Sau đó, cũng là theo đề cử của Nữ Hoàng, Hội Đồng Toàn Cõi — na ná như Quốc Hội ngày nay, với đại diện của mọi tầng lớp trong xã hội, trừ nông nô — đã bầu Ba-rít Ga-đu-nốp làm Sa Hoàng.
Vậy là kết thúc Triều đại Ri-u-rích, — kéo được hai đời.
Sa Hoàng Ba-rít Ga-đu-nốp lên ngôi thì ở ngoài bắt đầu xuất hiện tin đồn Hoàng Tử Đờ-mi-tờ-ri còn chưa chết, — việc Ba-rít Ga-đu-nốp lên ngôi là phi pháp và trái với đạo trời. Có một người là Lgie-đmi-tờ-ri, tuyên bố mình chính là Hoàng Tử Đờ-mi-tờ-ri "may mắn sống sót", hứa hẹn cắt đất đai và tìm được sự ủng hộ quân sự của Ba-lan và Lít-va. Năm 1604, liên quân của Lgie-đmi-tờ-ri ồ ạt vượt qua biên giới phía tây bắc nước Nga.
Trong lúc cuộc chiến đang còn bất phân thắng phụ, sức khỏe của Sa Hoàng có dấu hiệu sa sút trầm trọng, và tại thời điểm khốc liệt nhất, thì Sa Hoàng chết bệnh, — tai và mũi lúc chết đều xuất huyết, nên thiên hạ đã kháo nhau những chuyện tự đầu độc vì tuyệt vọng, và bị đầu độc bởi những kẻ thù chính trị.
Sa Hoàng Ba-rít Ga-đu-nốp bốn mươi sáu tuổi lên ngôi, sống được năm mươi ba năm, truyền ngôi cho con trai là Phê-ô-đo, mười sáu tuổi, lấy hiệu là Phê-ô-đo II. Sa Hoàng Phê-ô-đo II vừa kế vị thì lòng quân đã sinh biến, và nhiều phần quân đội đã ngả theo "Hoàng Tử" Lgie-đmi-tờ-ri, rồi ngay Tổng Tư Lệnh cũng phản bội Sa Hoàng. Quân phản bội đánh tan quân trung thành ở làng Krôm-mư và tiến về Mát-xcơ-va, thì dân chúng Mát-xcơ-va, được chính quyền quý tộc nhắm mắt làm ngơ, đã nổi dậy, xông vào Điện Krem-linh bắt nhốt cả Sa Hoàng lẫn mẹ và chị gái ông. Hoàng Tử Lgie-đmi-tờ-ri còn chưa tới Mát-xcơ-va thì hai mẹ con Sa Hoàng đã bị thắt cổ chết, — ở ngôi vỏn vẹn có tháng rưỡi mấy ngày.
Vậy là kết thúc Triều đại Ga-đun-nốp, — tính cả một tuần đầu và hơn một tháng rưỡi cuối, thì cũng kéo được ba đời.
Hoàng Tử Lgie-đmi-tờ-ri lên ngôi Sa Hoàng, lấy hiệu là Lgie-đmi-tờ-ri I, là bắt đầu một thời kỳ, mà sau này các sử gia gọi toẹt luôn là "Thời kỳ Loạn lạc". Vương triều Lgie-đmi-tờ-ri I mang nặng định hướng "Ba-lan", và tầng lớp quý tộc Mát-xcơ-va không phải ai cũng thừa nhận Lgie-đmi-tờ-ri như một Sa Hoàng hợp pháp, — họ đã đồn thổi về sự tiếm xưng.
Được độ gần một năm, Sa Hoàng Lgie-đmi-tờ-ri I cưới vợ, là con gái một đại quan Ba-lan, — một trong những thế lực chính đã giúp Sa Hoàng đánh vào nước Nga, (việc cưới xin này đã được giao kèo trước, với các điều khoản về quyền thừa kế của cô dâu). Lúc cưới, vào đêm mười sáu rạng ngày mười bảy tháng Năm năm 1606, lợi dụng bối cảnh hỗn loạn do xung đột giữa cư dân Mát-xcơ-va với những người Ba-lan đến dự cưới, phe quý tộc đối lập do Công Tước Mát-xcơ-va Sui-xki đứng đầu đã tổ chức bạo động, kéo vào cung tìm bắt Sa Hoàng. Sa Hoàng chạy chốn, định trèo qua cửa sổ, ai dè trượt chân, rơi từ cao hơn ba chục mét xuống, gãy mất chân và xương ngực, nhưng chưa chết, được lính Bộ binh Súng dài phát hiện thấy và tìm cách bảo vệ. Bộ binh và quân bạo động đã cãi nhau một lúc lâu, cuối cùng Sa Hoàng bị giết chết hẳn, bằng kiếm và kích. Xác của Sa Hoàng sau đó còn bị lột quần áo rồi vứt ba ngày ngoài chợ, cho dân chúng chửi rủa, ném đá, và bôi bẩn, rồi mới đem chôn vào nghĩa trang dành cho những kẻ vô gia cư.
Ngày mùng một tháng Sáu phe đối lập đưa Công Tước Va-xi-li I-van-nô-vích Sui-xki lên ngôi, lấy hiệu là Va-xi-li IV. Tác vụ chấp chính đầu tiên của Triều đình mới là chính thức buộc tội Ba-rít Ga-đu-nốp là thủ phạm sát hại Hoàng Tử Đờ-mi-tờ-ri.
Việc quan trọng tiếp theo là phải ra sức củng cố lại quân đội sau những thất bại ê ẩm trước những lực lượng quân sự ủng hộ Lgie-đmi-tờ-ri I, — nhiều điều lệ của quân đội Nga đã được sửa đổi trong quãng thời gian này, bắt chước theo nguyên mẫu của quân Đức.
Trong khi đó thì xu hướng ly khai triều đình càng lúc lại càng tăng, đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa của Ba-lốt-nhi-kốp vào năm 1607. Chưa dập hẳn được Ba-lốt-nhi-kốp thì lại xuất hiện thêm một người, Lgie-đmi-tờ-ri II, tuyên bố mình mới đích thực là Hoàng Tử Đờ-mi-tờ-ri "may mắn sống sót". Lgie-đmi-tờ-ri II dấy binh, tháng Năm năm 1608 tại thành phố Bôn-khốp đánh tan quân đội Sa Hoàng, vây "nhốt" Sa Hoàng ở Mát-xcơ-va; đánh Mát-xcơ-va chưa được, bèn dựng lên ở làng Tu-sin-nơ — ngay góc tây bắc Mát-xcơ-va — một cái trại, "Trại Tu-sin-nơ", làm Thủ Đô mới cho triều đình mới của mình.
Bị nhốt ở Mát-xcơ-va, cho đến cuối năm ấy, triều đình Va-xi-li IV tiếp tục đánh mất nhiều vùng lãnh thổ. Đầu năm sau, năm 1609, triều đình phải ký với Thụy Điển một thỏa ước, chịu cắt tỉnh Ka-ren-la cho Thụy Điển để mượn quân đội, và còn phải trả tiền cho lũ lính đánh thuê, vốn là nòng cốt của quân đội này. Quân triều đình sau khi được tăng cường, cũng chiếm lại được khá nhiều đất bị mất, đến cuối năm thì giải tán được "Trại Tu-sin-nơ"; nhưng việc ký kết với Thụy Điển đã khiến cho Ba-lan — kẻ thù thâm căn cố đế của Thụy Điển — nổi giận, và ngay từ tháng Chín năm ấy, vua Ba-lan Xi-ghi-dmun-đa III đã xua quân xâm phạm bờ cõi nước Nga, phong tỏa thành phố Xmôn-len-xcờ.
Tháng Ba năm sau, năm 1610, quân triều đình tiến về giải vây cho Thủ Đô Mát-xcơ-va; vào được Mát-xcơ-va, thì chuẩn bị đến cứu Xmôn-len-xcờ; nhưng đúng vào thời điểm đó thì vị tổng chỉ huy quân đội, viên Thống Soái tài năng và quả cảm, Công Tước Mi-kha-in Xka-pin-Sui-xki, người cháu họ xa và là con đỡ đầu của Sa Hoàng, bất ngờ ngã bệnh, vật vã hai tuần, rồi qua đời ở tuổi hai mươi tư, — nhiều người đương thời, và nhiều sử gia, lại thiên về giả thiết chính Sa Hoàng đã tìm cách đầu độc ông.
Quân quyền sau đó được trao cho Đờ-mi-tờ-ri Sui-xki, người em bất tài của Sa Hoàng. Cuối tháng Bảy năm ấy, Đờ-mi-tờ-ri Sui-xki bị thua quân Ba-lan một trận tan nát ở làng Klu-sin-nơ, thuộc phụ cận Xmôn-len-xcờ. Quân Ba-lan thừa thắng còn đang tiến về Mát-xcơ-va, thì biết tin này, các quý tộc Mát-xcơ-va đã tổ chức đảo chính, phế bỏ và cưỡng ép Sa Hoàng Va-xi-li IV phải cạo đầu đi tu; rồi họ tuyên bố quy thuận Hoàng Tử Ba-lan Vla-đi-xláp IV. Cuối tháng Chín, quân Ba-lan kéo vào Mát-xcơ-va, Va-xi-li IV bị giao nộp, rồi bị đưa về Vác-sa-va như một tù binh, bị quản thúc và chết ở đó cuối năm 1612, — ở ngôi bốn năm, sống được sáu mươi năm.
Sau khi hạ bệ Sa Hoàng Va-xi-li IV vào tháng Bảy, các quý tộc Mát-xcơ-va, đứng đầu là Công Tước Mxchi-xláp-xki, đã lập ra một chính phủ lâm thời, gọi là "Bảy Thế Tộc", bản chất chỉ là một hội đồng với đại diện của bảy dòng họ quý tộc lớn, và quyền lực chỉ giới hạn trong những bức tường thành Mát-xcơ-va. Sau khi quy thuận Ba-lan, và để những người ngoại xâm đặt chân vào Điện Krem-linh, thì Bảy Thế Tộc, từ chỗ là kẻ hợp tác với địch, thực ra đã trở thành một thứ con tin.
Tình trạng cướp bóc và bạo hành của những đội quân Ba-lan trên khắp các thành phố nước Nga, cộng với bất đồng tín ngưỡng sâu sắc giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga, đã khơi dậy thái độ thù địch với người Ba-lan. Ở phía tây bắc và phía đông nước Nga, có nhiều thành phố đã đứng lên lập ra chế độ tự trị, không chịu tiếp tục quy thuận Vla-đi-xláp.
Đầu năm 1611, từ Mát-xcơ-va, Giáo Chủ Ghê-rmô-ghen đã gửi cáo thị tới khắp các thành phố, kêu gọi nhân dân chống lại ách thống trị của Ba-lan. Cáo thị đến thành phố Ri-a-dan, nhà quân sự Pra-kốp-pi Li-a-pun-nốp bèn đứng ra tập hợp những người Nga yêu nước, tổ chức nên Vệ Quốc Đoàn Nhân Dân, để đánh Ba-lan, và tiến về giải phóng Thủ Đô. Được nhiều người hưởng ứng và liên quân, ngày mười chín tháng Ba, quân Vệ Quốc Đoàn đã đến ngoài tường thành Mát-xcơ-va; khoảng một tháng sau, thì làm chủ được Thành Phố Trắng và một phần Thành Phố Trung Hoa, — hai khu lớn của Thủ Đô.
Dự định tổ chức lại mình theo cấu trúc nhà nước, Vệ Quốc Đoàn Nhân Dân đã dựa theo biên chế quân đội để lập lại Hội Đồng Toàn Cõi, gồm nhiều thành phần. Hội Đồng bầu ra chính phủ mới, đứng đầu là Pra-kốp-pi Li-a-pun-nốp, Thủ lĩnh Cô-dắc sông Đông I-van Da-rút-txki, và Công Tước Đờ-mi-tờ-ri Tờ-ru-bét-xkôi.
Tiếp tục tăng cường vây hãm và ráo riết công đánh quân Ba-lan, nhưng nước sông với nước giếng, — nội bộ Vệ Quốc Đoàn bắt đầu nảy sinh bất hòa giữa thành phần quân đội quý tộc ưa tôn trọng quy củ và quân Cô-dắc vốn chỉ quen làm gì tùy thích. Biết vậy, người Ba-lan đã âm thầm phát tán những tờ cáo thị, nói về âm mưu tiêu diệt người Cô-dắc của Li-a-pun-nốp. Gần cuối tháng Sáu, người Cô-dắc lừa cách chém chết Li-a-pun-nốp. Sau sự việc này, đa phần quân đội quý tộc bỏ đi, còn quân Cô-dắc, do Da-rút-txki và Tờ-ru-bét-xkôi chỉ huy, vẫn tiếp tục bao vây Krem-linh, nhưng không làm được gì thêm.
Tới tháng Chín năm ấy, ở Thành Phố Dưới Thấp, Ku-dma Mi-nhin, một người xã trưởng làm nghề bán thịt, cũng đứng lên kêu gọi mọi người và tổ chức ra được một đoàn quân, và cũng lấy tên là Vệ Quốc Đoàn Nhân Dân. Ku-dma Mi-nhin đã mời Công Tước Pa-gia-rờ-xki làm người chỉ huy quân sự cho Vệ Quốc Đoàn này.
Tháng Hai năm sau, năm 1612, Vệ Quốc Đoàn của Ku-dma Mi-nhin chiếm được thành phố I-a-rớt-xláp — một đầu mối giao thông quan trọng, — rồi đóng quân lại đó để củng cố lực lượng. Đến cuối tháng Tám, Vệ Quốc Đoàn tiến quân về Mát-xcơ-va; tháng Chín, đánh tan một đoàn quân Ba-lan mười hai nghìn người của viên chỉ huy Khát-kê-vích, đang định đến giải vây cho quân Ba-lan ở Krem-linh.
Ngày hai mươi hai tháng Mười, Vệ Quốc Đoàn dưới sự chỉ huy của Ku-dma Mi-nhin và Công Tước Pa-gia-rờ-xki đã giải phóng toàn bộ Thành Phố Trung Hoa, đuổi quân Ba-lan rút hết vào Krem-linh.
Ngày hai mươi sáu tháng Mười, chỉ huy quân Ba-lan đồn trú ở Krem-linh ký thỏa ước xin hàng, và thả những người quý tộc Nga đang bị câu thúc làm con tin ra; hôm sau thì toàn quân Ba-lan kéo nhau ra hàng.
Đến thế kỷ mười chín, đầu năm 1818, dưới thời Hoàng Đế A-lếch-xan-đrơ I, tại Quảng Trường Đỏ đã tổ chức một cuộc duyệt binh trọng thể của quân cận vệ, nhân dịp khánh thành tượng đài hai đại anh hùng giải phóng Mát-xcơ-va này, — tượng đài đúc bằng đồng, Công Tước Pa-gia-rờ-xki ngồi bên trái, tay trái tì lên cái khiên, tay phải chống kiếm, xã trưởng Mi-nhin đứng bên phải, tay phải giơ lên trời, tay trái cùng nắm thanh kiếm với Công Tước. Tượng đài khi đó đã được chọn vị trí rất cẩn thận, và đặt ở trước Cửa Hàng Tổng Hợp Quốc Gia "GUM", hầu như đối diện với Lăng Lê-nin từ phía bên kia quảng trường; nhưng vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi này, đã có những ý kiến cho rằng Quảng Trường Đỏ là chỗ vẫn duyệt binh, mà binh bây giờ có nhiều xe pháo hiện đại chứ không như ngày xưa, và tượng đài nằm ở chỗ đó rất là vướng; cuối cùng tượng đài bị rời ra đầu quảng trường, đặt trước Nhà Thờ Thánh Va-xi-li Khờ Dại.
Giữa tháng Mười Một, Công Tước Pa-gia-rờ-xki và Công Tước Tờ-ru-bét-xkôi — một trong ba người đứng đầu chính phủ Vệ Quốc Đoàn thứ nhất — gửi cáo thị tới khắp các thành phố, triệu tập mỗi nơi bảy đại biểu về Mát-xcơ-va tổ chức đại hội để bầu Sa Hoàng mới. Được tin, vua Ba-lan Xi-ghi-dmun-đa III lại kéo quân tới Mát-xcơ-va; nhưng đoàn quân này bị chặn lại ở thành phố Vô-lô-ka-lam-xkờ, không thể tiến binh được, đành quay về.
Tới tháng Một năm sau, năm 1613, đại diện mọi tầng lớp, cả của nông dân, đều đã có mặt ở Mát-xcơ-va, và đại hội này là một trong những đại hội đầy đủ và đông đảo nhất trong lịch sử nước Nga, — có cả đại biểu của những tộc dân có tóc màu đen (Nga đầu đen), chuyện này trước không có.
Bối cảnh, thành phần, và số lượng như vậy, không khó hình dung tính chất quyết liệt và mức độ gay gắt của cuộc bầu cử. Cuối cùng, đại hội bầu được Sa Hoàng mới là Mi-khai-in Phê-đô-rô-vích, lấy hiệu là Mi-khai-in I, một người mặt mũi giống hệt như I-van Khủng Khiếp, được cái đỡ quạu hơn.
Đấy là Sa Hoàng đầu tiên của triều đại Ra-man-nốp, triều đại có thể nói là huy hoàng nhất trong lịch sử nước Nga.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):