tưởng niệm trước mộ cụ Võ Quang Nghiêm |
Ngày 14/10, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hòa vào lòng đất mẹ tại núi Thọ (Quảng Trạch, Quảng Bình) thì cách đó hơn 100km, hàng ngàn con tim tin yêu, kính trọng vị tướng của dân tộc tìm về quả đồi ở Lệ Thủy để viếng thăm hai ngôi mộ của song thân Đại tướng.
Bác nói giọng Lệ Thủy đặc sệt
Nơi thân phụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ là Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Lệ Thủy — nằm trên một quả đồi mặt hướng ra cánh đồng phì nhiêu và dòng sông Kiến Giang, còn lưng tựa vào ngọn đồi thoai thoải với rất nhiều cây cối xanh tươi, thanh bình. Và ngay ngoài tường rào của Nghĩa trang Liệt sĩ này là phần mộ của cụ bà Nguyễn Thị Kiên — thân mẫu của Đại tướng.
Sau lễ an táng Đại tướng tại núi Thọ kết thúc vào chiều tối 13/10, từ trong đêm cho đến sáng 14/10, hàng đoàn người đã đổ về làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) để tìm thăm, dâng hương lên mộ phần của song thân Đại tướng.
Trên từng ngôi mộ, những đóa hoa tươi được xếp đầy, những nén hương thơm được thắp lên như muốn nói lên những lời cảm ơn chân thành đối với những người đã có công sinh thành và nuôi lớn người con vĩ đại của quê hương, đất nước.
Ông Lê Viết Lĩnh — người đã 10 năm làm quản trang — nghẹn ngào: “Tôi đã được gặp bác Giáp vào năm 1998 khi cùng đoàn công tác của huyện ra Hà Nội thăm bác. Khi nghe bác mất, tôi lặng đi như mất người thân trong gia đình.
“Chính giây phút này, được thắp nén hương lên mộ song thân Đại tướng, tôi muốn dành tất cả tình cảm yêu quý, kính trọng của mình đối với vị Đại tướng giản dị, giàu tình cảm, nhất là với người và đất Lệ Thủy.
“Xa quê, ra Hà Nội đã mấy chục năm trời, vậy mà bác vẫn nói giọng đặc sệt Lệ Thủy quê nhà. Bác kêu mọi người lại gần bác để chụp ảnh kỷ niệm tại nhà riêng của bác...”
Hai ô đất trống, cánh cửa xây lại và nhân cách vĩ đại
Ông Hoàng Gia — Trưởng đài Phát thanh-Truyền hình huyện Lệ Thủy — nói: “Người dân Lệ Thủy luôn dành một tình cảm rất đặc biệt cho Đại tướng với hai từ thân quen “bác Giáp”.
“Những ngày diễn ra lễ tang bác Giáp, ở các chợ trên địa bàn huyện, người mua hương hoa nói “mua để thắp hương và lập bàn thờ cho bác Giáp” là người bán không nhận tiền. Với người dân quê, tình cảm của họ có thể không nói được thành lời, nhưng những hành động của họ đã thể hiện những tình cảm đặc biệt mà không một lời nào có thể mô tả được”.
Chúng tôi lặng người khi gặp cụ Nguyễn Thị Ngân (72 tuổi, ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) lặng lẽ một mình mang hai nhành hoa huệ và nén hương thơm thắp hương lên mộ song thân Đại tướng.
Trong nước mắt chảy dài và tiếng khóc nấc nghẹn, cụ kể “tôi ở một mình nên không đi xa thắp hương ở mộ bác Giáp được, tôi muốn lên đây, thắp hương cho hai cụ để thể hiện lòng thành của mình”.
Ông Phạm Hữu Thảo — Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy — nói với phóng viên: “Là người con quê hương, ai cũng muốn tự mình đem một nắm đất quê hương hòa vào huyệt mộ Đại tướng, nhưng cũng có nhiều hành động để thể hiện tình cảm của mình với Đại tướng thương yêu. Chúng tôi muốn lên đây để gửi lời biết ơn vô hạn Đại tướng đến với đấng sinh thành”.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Lệ Thủy — nơi có phần mộ của liệt sĩ Võ Quang Nghiêm (thân phụ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) — phóng viên đã rất bất ngờ khi thấy khu mộ dành cho các liệt sĩ anh hùng còn để trống một ô.
Người quản trang nơi đây đã cho biết: “Đây chính là ô phần mộ mà lãnh đạo huyện Lệ Thủy trang trọng dành cho thân phụ Đại tướng. Nhưng Đại tướng đã nói rằng, ba tôi là liệt sĩ, có phải anh hùng mô mà đưa vào khu anh hùng”. Thế là liệt sĩ Võ Quang Nghiêm “nằm” ra ngoài.
Chưa hết, ngay bên cạnh phần mộ thân phụ Đại tướng, lãnh đạo huyện lại tiếp tục dành một ô trống cho phu nhân là cụ bà Nguyễn Thị Kiên. Nhưng rồi, ô đất trang trọng đó vẫn tiếp tục là ô đất trống cho đến tận bây giờ, vì “mẹ tôi có phải là liệt sĩ mô mà các chú đưa vô nghĩa trang liệt sĩ huyện”, như lời bác Giáp nói. Và do vậy, ngay sau Nghĩa trang Liệt sĩ — nơi có mộ phần của thân phụ Đại tướng — là phần mộ của thân mẫu Đại tướng nằm ngoài tường rào.
Ông Hoàng Gia chỉ cho chúng tôi xem một ô trên tường rào với dấu tích được xây bít lại ngay sau phần mộ của liệt sĩ Võ Quang Nghiêm, rồi kể: “Nguyên nơi đây là cánh cửa mở một lối đi để thuận tiện ra phần mộ của thân mẫu Đại tướng. Nhưng về quê, Đại tướng nói: “Mộ mẹ tôi là việc riêng của gia đình, không nên mở cửa trên tường rào công trình chung như vậy”.
Ông Gia kể câu chuyện rồi nói: “Bác Giáp là một con người rất đỗi giản dị, đời thường với dân quê, nhưng là một nhân cách quá vĩ đại”.
(Lâm Chí Công — báo Lao động)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...