Vụ việc Huyền Chip - cô bé sinh năm 90 đi du lịch bụi qua 25 nước chỉ với 700 USD ban đầu và xuất bản 2 tập sách kể lại hành trình của mình đã làm xôn xao báo giới và mạng xã hội trong tuần qua.
Người hâm mộ, kẻ chê bai, đủ cả. Nói chung, ở xã hội xứ An-nam với đa phần cần lao não phẳng, chưa một lần đi khỏi biên giới của đất nước hình chữ S này thì chuyện như vậy đã là như cơm bữa. Chẳng gì xa xôi, mới gần đây thôi, những vụ việc như bà Tưng, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, cơm 2k hay trên Facebook của Bill Gates đã nói lên điều đó.
Về quan điểm riêng của người viết, việc cô bé này làm được những điều như trên rất đáng khâm phục. Nó thể hiện được bản lĩnh, tư duy, khả năng tự học hỏi và khả năng thích ứng với những môi trường sống mới lạ, điều mà hầu hết các bạn trẻ của xứ An-nam chưa có và chưa làm được.
Tuy nhiên, có những điều cô bé này cũng nói lên hơi quá (đến mức có thể cho là nói phét), và dĩ nhiên người đọc nhận ra sự phi lô-gic trong đó. Điều đó cho thấy sẽ có rất nhiều sự thật mà cô bé không muốn đưa vào trong sách, dẫn tới sự phi lô-gic nói trên.
Chuyện của cô bé, người viết không muốn bình luận thêm, và coi như một chuyện rất bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, việc liên quan đến cô bé này thì bắt buộc phải viết ra.
Đó chính là chuyện ông GS Nguyễn Lân Dũng tham gia giới thiệu sách và trả lời trước báo chí về cô bé. Phải nói đây là một sự nâng bi (theo nghĩa bóng) một cách thô thiển và thiếu tự trọng của một ông già đã 76 tuổi, có đủ học hàm học vị (GS.TS, NGND), có một thời gian dài tham gia nghị trường.
Tại sao người viết lại phải nói nặng nề như thế? Vậy, hãy xem ông này đã nói những gì.
Tại buổi họp báo giới thiệu sách của cô bé (19/9), ông này phát biểu trước báo giới: “Đừng để Huyền Chip lấy trai Tây”. Một câu nói thể hiện sự hiểu biết về xã hội và phông văn hóa của ông này rất kém và rất tự ti dân tộc.
Người viết đã có rất nhiều bài phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận người Việt, cũng làm việc không ít với Tây, cũng đi lượn được vài nước văn minh. Điều ai cũng biết là đâu cũng có người giỏi, người dốt; đâu cũng có nơi văn minh, nơi lạc hậu; đâu cũng có người giàu người nghèo;… Mặc dù, cũng phải ghi nhận về cơ bản đàn ông Tây (nói chung) ít tính xấu hơn đàn ông Việt, họ sống có trách nhiệm với gia đình, với xã hội nhiều hơn đàn ông Việt.
Nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông Tây là chuẩn mực mà đàn ông Việt phải hướng đến, cũng không có nghĩa là đàn ông Việt kém đàn ông Tây.
Ấy thế mà ông GS này lại phát ngôn một câu như một cái tát vào mặt “trai Việt”. Chả lẽ cả xứ An-nam này không có một chàng trai chưa vợ nào đủ xứng đáng với một cô bé 23 tuổi nhan sắc ở mức trung bình yếu, chưa có trình độ chuyên môn, chưa có bằng cấp chuyên môn và chỉ nổi tiếng khi đi du lịch bụi ở nước ngoài với sự trợ giúp của truyền thông?
Tầm là GS, cựu nghị, đã đi hơn 40 nước trên thế giới (như ông ta khoe), ai lại nói “Dốt” đến thế!
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Tiếp đến trả lời phóng viên Infonet, ông này nói về cách viết của cô bé này: “có những câu văn mà tôi nghĩ là các nhà văn không viết nổi” và “Đọc xong cuốn này, tôi có cảm giác các nhà văn, nếu nói hơi quá là phải thấy xấu hổ, nói đúng hơn là phải thấy tủi thân”.
Người viết chưa thấy các nhà văn lên tiếng, hay là họ không thèm chấp câu nói hạ tiện này của ông GS? Mặc dù không phải là nhà văn, cũng chẳng thừa thời gian để khóc mướn. Nhưng người viết thấy ông GS này hình như bị “sướng quá hóa rồ”.
Không biết ông đã đọc được mấy quyển sách của các nhà văn xứ An-nam mà dám so sánh như vậy? Và mặc dù ông đã già, nhưng vẫn còn nhiều nhà văn gạo cuội của nước nhà già hơn ông.
Là nhà giáo, nhà khoa học, ai lại phát ngôn hàm hồ đến như vậy!
Vẫn trên Infonet, ông lại nói: “Và điều quan trọng nữa đọc xong cuốn sách, ta thấy mình lớn lên. Bản thân tôi năm nay 76 tuổi rồi mà cũng thấy lớn lên”. Quan điểm riêng của người viết, ông này nói một câu cực kỳ thiếu tự trọng và trách nhiệm.
Không biết những thế hệ học trò của ông sẽ nghĩ gì khi phải học với một người thầy “chưa chịu lớn” này?
Không hiểu những đồng nghiệp của ông sẽ nghĩ gì khi khi đã trót trao đổi chuyên môn, học thuật trong giảng dạy, nghiên cứu với một người “chưa chịu lớn” này?
Không biết những người dân đã tín nhiệm bầu ông làm đại biểu quốc hội sẽ nghĩ gì khi đã trót đặt niềm tin vào người “chưa chịu lớn” này?
Và không biết nhân dân sẽ nghĩ gì về nền giáo dục nước nhà khi có một ông GS.TS.NGND “chưa chịu lớn” này?
Không hiểu 2 cuốn sách tự sự của một cô bé đi du lịch bụi ghê gớm đến mức nào? Hay vì một lý do “bùa mê thuốc lú” gì đó khiến một ông GS 76 tuổi nhảy cẫng lên khi phát hiện ra mình đã lớn lên sau khi đọc nó, cứ như là Archimedes trần nhồng nhộng chạy khắp nơi khoe đã tìm thấy nguyên lý của lực đẩy?
Chỉ có thể nói một câu: “một sự nâng bi quá trơ trẽn”.
(Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet)
Vẫn trên Infonet, ông lại nói: “Cuốn sách của Huyền Chip ngồn ngộn thông tin” và “Thật đáng tiếc cho những ai chưa đọc cuốn sách này”.
Không hiểu một ông GS đã từng viết sách có hiểu nghĩa của từ “ngồn ngộn” này là gì không nữa? Và cũng không hiểu ông lấy tiêu chí gì để phán xét những người chưa đọc cuốn sách này?
Nói ra không phải để khoe khoang, người viết cũng đã đọc tầm vạn quyển sách: hay có, dở có, triết có, lý luận có, hiện thực có, ảo tưởng có,… Thế nên người viết chả thấy có gì “đáng tiếc” đối với những ai chưa đọc sách này. Một cuốn sách bình thường, chỉ ở mức cung cấp thông tin, hình ảnh, pha chút mạo hiểm và chút tự sự cá nhân của một cô bé đi du lịch bụi.
Kẻ “đáng tiếc” phải là ông GS này mới đúng!
Không biết có phải từ khi rời nghị trường, ông ít được truyền thông chú ý nên muốn thông qua sự kiện này để tìm lại chút hình ảnh của mình trong con mắt cần lao?
Hay vì một lý do gì mà không ai biết, chỉ một mình ông biết?
Cho dù vì bất cứ lý do gì, thì cũng không đáng để một người “đức cao vọng trọng” như ông tự trét bùn (đáng ra phải dùng từ nặng hơn) vào mặt mình như thế.
Trước đây, người viết vẫn kính trọng ông trên giác độ ông là người đi trước, có nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu, để lại nhiều hình ảnh đẹp trong nghị trường.
Nhưng sau những phát biểu về cô bé Huyền Chip, người viết đành phải dẹp sự kính trọng đó sang một bên để nói với ông câu này: “Ông thật đáng thương, thưa GS!”.
(@ by Baron, 2013)
(Bài viết của tác giả Bau Trinh Xuan)
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...