Chú 9 và chú Hưng

Kính gửi Chú Nguyễn Ánh 9 và những ai đang quan tâm đến bài báo phỏng vấn chú 9 mấy ngày gần đây!
Bản thân Đàm Vĩnh Hưng đã quá quen với những khen, chê của dư luận. Nên thực cũng thấy bình thường trước những lời nhận xét mang tính chà đạp, bôi nhọ từ phía những người không thích mình. Miệng lưỡi thế gian cay nghiệt, một khi đã ác cảm, đã ghét thì nói gì, làm gì cũng ghét, nay nhân dịp "mượn gió bẻ măng" để ầm ĩ, lan truyền thì cũng chẳng có gì khó hiểu.
Lẽ ra, Hưng sẽ im lặng, đã muốn làm vậy. Nhưng thật khó. Khó không phải cho Hưng, vì Hưng. Mà vì khán giả của Hưng, những bức xúc tột cùng của Fans ở khắp mọi miền, sự tức giận của những khán giả lớn tuổi, hoang mang của các fans nhí... và hơn hết, là danh dự của những "giải thưởng" chất ngất trong căn phòng đang lưu giữ những vẻ vang của nghề nghiệp của Hưng, buộc Hưng phải lên tiếng.
Thưa Chú! Với một người tài hoa như Chú, "hiền lành" như chú trong mắt anh chị em nghệ sĩ bấy lâu nay thì không biết lần này chú có bị "cài" hay "dẫn dắt" bởi người viết bài hay không? hay bài viết đã bị sửa chữa? cắt ghép như lần "tai nạn" của chị Bảo Yến? Đàm Vĩnh Hưng vẫn mong chú bị rơi vào trường hợp này!
Nhưng nếu đó là những lời chú phát biểu thì thật tiếc cho chú với hình ảnh đẹp dễ thương, hiền lành trong suốt bao nhiêu năm qua chú mải công "giữ gìn" nay tan biến và Đàm Vĩnh Hưng cho đó là hình ảnh của Ngụy Quân Tử thưa chú. Và nếu đúng, thì cũng đã đến lúc chiếc mặt nạ đó phải được tháo xuống bởi chính chú!
Đàm Vĩnh Hưng xin được gửi đến chú vài điều thắc mắc:
1/ Vì lý do gì, "một người không phải là ca sĩ đúng nghĩa" theo lời chú nói về con lại khiến chú và con trai chú là nhạc sĩ Nguyễn Quang liên tục điện thoại năn nỉ mời con hát trong các chương trình của chú, từ Việt Nam tới hải ngoại??? thậm chí phải nói lý do "chương trình từ giã sân khấu của chú?"????.
2/ Giữa các cuộc vui chơi của giới văn nghệ sĩ & doanh nhân, tại sao chú luôn xung phong đàn cho con hát, thậm chí hào hứng hát bè cho con???.
3/ Chú đang cố ý đánh giá hàng triệu người nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng là khán giả gì vậy chú?.
4/ Những giải thưởng nghề nghiệp cao quý con đã nhận được từ các hội đồng nghệ thuật uy tín, phải chăng là có vấn đề về trình độ & lỗ tai thẩm mỹ âm nhạc khi trao giải cho con?
5/ Tại sao khi gặp những ca sĩ như tụi con mà chú đã đề cập thì lần nào chú cũng dang tay ôm tụi con, khen ngợi đủ điều... vậy lúc đó chú là ai??? Là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hay kịch sĩ Nguyễn Ánh 9? Con và những đồng nghiệp của con muốn biết sự thật từ chính chú nói ra?
Đàm Vĩnh Hưng cũng đã suy nghĩ rất kĩ trước khi gửi những lời này đến mọi người và đặc biệt là chú 9. Đàm Vĩnh Hưng biết đây là cơ hội cho những người ghét mình có cớ lên tiếng nói Đàm Vĩnh Hưng ăn miếng trả miếng, hỗn hào, vô phép... Nhưng xin thưa, Đàm Vĩnh Hưng sẽ không bao giờ quan tâm, thậm chí xem thường những lời nhận xét cay nghiệt cố tình chà đạp mình bởi vì ghét chứ không cần biết nhận ra đâu là đúng, sai và đâu là lý trí!
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu Hưng làm gì sai với con cháu mình thì cũng sẽ không bao giờ lấy 2 chữ "Người Lớn" ra để mà thoải mái vùi dập, hoặc biện minh bào chữa "cả vú lấp miệng em".
Hưng biết, người lớn cũng có dăm ba kiểu người lớn, con nít cũng vậy thôi. Tuy nhiên, không thể cứ là người lớn thì muốn nói gì cũng được và bắt mọi người phải chấp nhận cái sai của mình. Đàm Vĩnh Hưng không nằm trong danh sách những đứa trẻ chỉ biết cúi đầu dạ vâng với những điều bất công, nghịch lý để rồi mang lấy nỗi uất hận, oan ức đó trong lòng mình mà không thể gột rửa...
Đàm Vĩnh Hưng xưa nay luôn công bằng với tất cả mọi người, ngay cả với chính người nhà ruột thịt của Hưng mà làm sai, cũng phải xử lý đúng người đúng việc theo tinh thần "Thượng Tôn Pháp Luật". Là nguyên tắc và quan điểm sống của Hưng. Bởi Hưng nghĩ, tất cả chúng ta đều nhận ra nhau là Con Người hết mà?
Một ví dụ nhỏ trong sinh hoạt gia đình của Hưng, đó là việc nghiêm cấm tuyệt đối không ai được sử dụng những từ như Ô sin, người ở ...khi nói về những người đang giúp việc trong gia đình mình, dù là khi người đó không có mặt. Mình cần họ và họ cần mình, nếu họ may mắn, có phần số tốt thì họ đã là mình rồi, chứ không phải giúp mình như thế. Mình nói gì, làm gì có đặt tâm trạng mình vào họ và gia đình họ hay không??
Đôi lời của Hưng, cũng là thay mặt cho tiếng nói của rất rất nhiều khán giả, bạn bè, đồng nghiệp để gửi đến chú 9. Con hứa với chú 9, từ nay trở đi con sẽ không bao giờ hát bài nào của chú mặc dù con chưa bao giờ nhận được một lời nói nào của chú kiểu như chú đã trả lời phỏng vấn "năn nỉ con đừng hát nhạc của Bố".
Bố ơi, Bố có biết chữ Bố nó bao dung, rộng lượng và trân trọng thế nào không? Đã vậy, Bố lại còn là nghệ sĩ nữa thì sự bao dung rộng lượng và nghệ sĩ tính kia phải còn gấp đôi ba lần những ông bố bình thường chứ ạ?
Mặc dù người xưng Bố trước tiên chính là Chú chứ không phải Đàm Vĩnh Hưng. Con biết, con hỏi Bố là dư thừa vì lẽ ra Bố có thể sinh ra được con tới 2, 3 lần. Nhưng có lẽ vì con cảm thấy mình thật đau khi bẽ bàng nhận ra "không lẽ Bố mình là ngụy quân tử hay sao?". Con không muốn tin.
Đêm qua, sau khi đi hát về, Hưng có đọc được một status của Đại tá, nhà thơ Hồng Thanh Quang – Phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân viết trên trang Facebook của anh. Đại ý rằng: "Càng là nghệ sĩ thì càng phải thận trọng khi nhận xét về nghệ thuật của đồng nghiệp dù họ có thể lớn tuổi hay ít tuổi hơn mình! Thực tế từng cho thấy, có những nghệ sĩ sáng tạo rất đỉnh nhưng lại kém thuyết phục khi định đóng vai nhà phê bình...".
Thực đáng để suy ngẫm vô cùng!
— Có thâm niên 60 năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
— Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sĩ.
— So với thế hệ trước như ông, giới ca — nhạc sĩ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói?
— Hồi xưa, người nhạc sĩ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sĩ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sĩ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.
Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh... nhưng bây giờ những ca sĩ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sĩ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút... nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!
— Những ca sĩ được phong hàng diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc?
— Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, thua một ca sĩ nghiệp dư hát vì hát không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sĩ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi! Ca sĩ cũng phải hát "nhập vai" như vậy mới ra ca sĩ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sĩ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sĩ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.
Mỹ Tâm chỉ hát nhạc pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác. Mỹ Tâm cũng có những ca khúc hát không tới, gặp bài nào hát tới mới hay, như Cây đàn sinh viên, Ước gì...
Mỹ Tâm hát chỉ hợp với tuổi trẻ. Về tính nghệ thuật thì Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết.
Mỹ Tâm được cái là may mắn rơi vào đúng thời điểm không có ai cạnh tranh, từ đó nổi tiếng và khi nổi tiếng rồi thì rất khôn khéo đầu tư vào hát, múa, sắc đẹp để giữ vị trí.
Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi! Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa... cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát, lại không được.
Khi diễn tả nội tâm, Hồ Ngọc Hà diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật. Ca sĩ hát phải biến mình thành nhân vật trong ca khúc mới hiểu nỗi đau làm sao. Không lẽ, ngoài đời mình buồn là phải hét, gào thét? Đâu phải vậy!
— Với các giọng ca nam đang nổi tiếng như Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng... ông đánh giá thế nào?
— Bằng Kiều cũng giọng tốt như Trần Thu Hà nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Thành ra, Bằng Kiều hát bài Buồn ơi chào mi của tôi khiến khán giả ở dưới sững sờ luôn! Tính lại thì hiệu quả sân khấu có nhưng tôi mở băng ra nghe thì phải nghe Tuấn Ngọc hay Xuân Phú, Trọng Bắc hát.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sĩ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu!
Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo "con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm". Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói "nhưng con thích hát nhạc bố...", tôi nói "nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn".
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu!
— Ngoài danh ca Tuấn Ngọc thì những giọng ca nào khiến ông hài lòng nhất?
— Giọng nữ thì tôi thích Ngọc Anh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà... Nguyên Thảo nếu tiếp tục hát như ngày xưa thì rất hay. Ngày xưa, Nguyên Thảo hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó vào kỹ thuật như Mỹ Linh để khoe giọng và vô tình giết chết tình cảm.
Vừa rồi làm đĩa than của tôi có 2 bài Nguyên Thảo hát. Cách đây 6 năm, Nguyên Thảo hát Buồn ơi chào mi xuất thần luôn, nhưng giờ Nguyên Thảo để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm không còn, so ra khác hẳn.
Giọng nam thì ngoài Tuấn Ngọc còn có Trọng Bắc, Lê Hiếu... Tuấn Hiệp lúc trước hát tốt, tôi thích nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất.
— Nhưng rõ ràng trên thị trường, những giọng ca này không phải nổi tiếng nhất, được khán giả ưu ái nhất. Theo ông vì sao có nghịch lý này?
— Nhiều ca sĩ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.
— Với những đánh giá này, phải chăng gu thưởng thức âm nhạc bây giờ của khán giả quá khác với ông, bởi đơn cử, Đàm Vĩnh Hưng đang được phong là ‘ông hoàng nhạc Việt’?
— Không phải! Nếu đem so sánh Tuấn Ngọc với Đàm Vĩnh Hưng, người ta vẫn thích nghe Tuấn Ngọc hát nhiều hơn, đúng không?
Nghe Tuấn Ngọc hát thấy nó khác liền, hát ra là cảm xúc đến với người nghe chứ không phải gắng gượng. Tại vì Tuấn Ngọc đã sống trong bài hát đó, khi hát Tuấn Ngọc để tâm trạng vào bài hát, nói lên tâm trạng của nhiều người. Ví dụ khi mình bị người yêu bỏ, nghe Tuấn Ngọc hát Buồn ơi chào mi, nghe nó đã lắm!
Tuấn Ngọc vẫn là giọng ca số một dù tuổi tác, thời gian làm cho giọng của Tuấn Ngọc không còn được đẹp như ngày xưa nữa, nhưng cái xúc cảm vẫn là Tuấn Ngọc và xúc cảm càng ngày càng sâu hơn.
— Vậy theo ông, thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?
— Đây là vấn đề lớn, cả một thế hệ chứ không phải đơn giản, ăn thua là cách giáo dục của gia đình với con em làm sao. Nếu trong một gia đình chỉ có tối ngày đi kiếm tiền thì tinh thần nghệ thuật của họ chết rồi, bị tiền bạc chi phối hết.
Thành ra, họ cũng không chăm sóc con cái, cứ cho tiền là xong. Họ cũng ỷ lại tiền, đưa con vào trường này trường kia, mặc con muốn làm gì thì làm.
Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.
— Sau 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều ông mong muốn nhất là gì?
— Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sĩ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng. Mình hãnh diện là người Việt Nam không thua ai hết.

"Hưng ơi, con đừng hấp diêm nhạc của bố nữa, tội nghiệp bố lắm."

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Unknown bi bô...

Attention: Video là do dao_hoa_daochu thêm vào.

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...