Lúc đó là khoảng gần nửa đêm, đội của anh Kốt-xchi-a (không hiểu sao anh lại sung, hay là được sung, vào đấy, — trực quan, thì trông anh có vẻ "ngoại cuộc" hơn cả) được điều ra bảo vệ chiến lũy ở tận ngoài kia, trên Vành đai Vườn tược, — cứ chạy thẳng vào đại lộ Ka-li-nhin, gặp phố to cắt ngang đầu tiên, đấy là phố Trai-kốp-xki, một khúc của Vành đai Vườn tược.
Mật độ người quanh đây lúc này đã đông hẳn hơn so với hồi chiều, và số người đứng xếp trong các hàng cũng nhiều hơn. Theo tình hình các hoạt động xúc tiến chuẩn bị, và theo các nội dung bàn luận, thông báo, trao đổi, cái nào cũng có vẻ như chính thức, thì cuộc tấn công lẽ ra đã phải diễn ra lúc ban ngày, kiểu gì cũng sẽ được triển khai vào đêm nay. Không ngừng có những tiếng la hét nhộn nhạo và tương đối to vọng vào từ phía con đường nhỏ chạy ngang trước mặt Nhà Trắng, và cứ lúc lúc, ở đó lại nổi hẳn lên những tiếng hô khẩu hiệu đồng thanh, kiểu "Tự do! Tự do! Tự do!.."
Khoảng nửa tiếng nữa trôi qua, theo thông báo truyền miệng, thì xe tăng đã sắp sửa đến đây, chúng đang di chuyển theo đại lộ Ka-li-nhin, và — tôi không nghe thấy, nhưng nghe nói là — đã nghe thấy tiếng súng nổ.
Tôi vẫn không nghe thấy, nhưng mới vừa nhìn thấy, chênh chếch về hướng cầu Ka-li-nhin, nhưng ở tít đằng xa, có một vầng tròn sáng trưng bay vọt lên, rồi thong thả rơi xuống, lúc gần khuất khỏi tầm nhìn phía dưới, thì để rớt lại trên đường rơi một hai điểm sáng vuốt đuôi, — pháo sáng.
Trong bầu trời, không trung, và mặt đất quanh đây, lúc này, tôi phải thừa nhận là đang tồn tại một sắc thái khủng bố đậm đà như ngấm được vào người, nhưng mặc dù là nó lẫn vào đó, tôi lại phân biệt được tách riêng nó ra, riêng lắm, vì thứ này gây nên một cảm nhận tương phản, và rất không liên quan gì tới tất cả những thứ đang xảy ra khác, — mưa dường như ngớt, nhưng không khí ẩm ướt làm cho ánh sáng hơi mờ mịt, và tiếng nước rơi lách tách, đều đều (thực ra thì không đều đâu — vì mưa nhỏ, — nhưng liên tục và không dứt, nên vẫn làm cho người nghe thấy như vậy), không hiểu từ những vị trí khác nhau và như là không cố định nào, cứ luôn vẳng đến bên tai.
Và còn có một thứ âm thanh đều đều khác, đều đều hơn, nhanh hơn, và to hơn tiếng nước rơi, nhưng không phải bất định từ bốn phương tám hướng, và không độc cô tự tại được như vậy.
"Xin Chúa rủ lòng thương! Xin Chúa rủ lòng thương! Xin Chúa rủ lòng thương!.."
...
"Người đã chiến thắng những đoàn quân hắc ám, đuổi chúng khỏi bờ cõi Nước Nga: mong Người hãy quật ngã luôn mọi kẻ thù hiện hữu và vô hình đang nổi lên chống lại chúng con."
Cầu nguyện.
Lời cầu nguyện được một giọng nam trung ấm áp đọc lên bằng ngữ điệu đều đều hơn, dồn dập hơn, liền lạc hơn, nghe ngang ngang vì hình như người đọc cố giữ nguyên cao độ, và nhấn vào nhiều trọng âm hơn, so với ngôn ngữ nói thông thường, — tại một chỗ ở chân tường Nhà Trắng, có một hình chữ nhật nhỏ, giống một cái khung đã được căng vải để vẽ, nhưng chưa vẽ gì lên, được dựng nằm ngang, nghiêng nghiêng dựa vào tường, cao đến đầu gối; ở mép khung phía trên có hai ngọn nến cắm hai bên chiếu sáng ba khung ảnh Thánh nhỏ dựng dàn hàng ngang giữa chúng; một ảnh nữa cùng cỡ được dựng ở mép khung bên dưới (áp vào vải khung), cạnh ảnh này còn có một ảnh khác nhỏ hẳn hơn; khoảnh sân nền phía trước khung tranh có một ít hoa và nến, trông tương đối lung linh (một phần do nền và cảnh vật đều ướt át) nhưng ít nhiều lộn xộn; các cha cố, chắc là đến từ một nhà thờ nào đó ở gần đây, đã lập một Bàn thờ Chúa.
"Để lại vòng vương miện dễ lụi tàn của Vương quốc Trần Gian, Người đã lựa chọn cuộc sống tĩnh lặng, và vòng vương miện chính đạo bất diệt, để đăng quang trên Vương quốc Thiên Đường: mong Người hãy ban cả cho chúng con, những kẻ đang khiêm nhường cầu xin, một cuộc sống yên ả và thanh bình, và hãy phù hộ cho chúng con trong cuộc hành trình kiên định đến với Vương quốc Vĩnh hằng."
...
"Trước Bàn thờ Chúa, mong Người cầu nguyện cho tất cả những giáo đồ chính thống, và gìn giữ Chúa của họ bằng ơn huệ của Người trên thế gian, trên thể chất, trên đời sống lâu dài và muôn sự thịnh vượng, và chúng con sẽ mãi mãi ngợi ca và kính ngưỡng Chúa Trời ba ngôi rất thánh, Cha và Con và Thánh Thần, bây giờ và mãi mãi và cho đến muôn đời muôn kiếp. A-men!"
Những người tay cầm ngọn nến sáp ong mảnh mai (dài phải hơn gang, nhưng chỉ to bằng ngón tay út) cháy sáng, đang kính cẩn tụ tập trước Bàn thờ Chúa này, có lẽ đều là "giáo đồ chính thống" cả, — cách họ lẩm nhẩm đọc theo bác... mà chắc chỉ chú thôi... chú Cha Cố trẻ (cả mũ lễ, áo thụng, râu, ria, và tóc, đều đen tuyền, trông rất là đẹp trai và tốt bụng), và cách họ đồng thanh ngân nga ở cuối một vài câu, rất là đúng lúc đúng chỗ và đều, như đã qua tổng duyệt.
Với tôi mà nói, "đức tin" từ trước tới giờ chỉ là một khái niệm từ vựng; có sâu hơn chút nào, thì là Phi Long đã kể tôi nghe một ít về Chúa và Phật, — Phi Long có vẻ cũng biết kha khá, nhưng anh không phải người có tín ngưỡng: Chúa và Phật đối với anh, cũng như toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, nhạc, họa... đều là kiến thức cơ bản. Đại khái thì tôi thích Chúa hơn Phật, có lẽ vì tôi là người sinh trưởng ở châu Âu, nên "đầu trọc" gây nên ở tôi những cảm nhận có thể nói là trái ngược với những gì đó mà từ bi hỉ xả...
Nhưng giọng đọc đều đều có âm điệu, và ổn định giữa một bối cảnh bất an; vẻ hiền lành, thành kính, và cùng có một sự đồng cảm chung, động tác làm dấu thánh giá, của những người tay cầm nến; chú Cha Cố trẻ, đẹp trai và tốt bụng... tất cả đều làm cho tôi có thiện cảm lắm.
Nên tôi nghĩ ngợi, và những gì đã được hiển thị và cố tìm cho ra lý do gì đó để có thể nối vào với nhau, trong cơ chế suy luận của tôi, là tương đối mù mờ. Tất nhiên tôi hiểu là họ cầu Chúa Trời, hoặc Chúa Giê-xu, hay là những vị đã được phong Thánh nào đó, để các đấng đó phù hộ cho họ, — các đấng này, tùy thuộc môn phái và "hỏa hầu" riêng, đều sở hữu những quyền năng siêu nhiên nhất định nào đó.
Nhưng nếu Chúa phù hộ thật, thì sao những chuyện như chuyện này lại đang xảy ra?.. Hay có thể... bây giờ thì họ cầu, còn trước đây họ đã phạm phải những lỗi lầm nào đó, và chính Chúa lại đang phạt họ?.. Thế thì "phù hộ" đại khái cũng giống kiểu bố đánh, còn con thì vừa khóc vừa xin bố ơi bố đừng đánh con.
Ngay cả thế, thì chuyện bố phạt con này vẫn mù mờ. Phi Long đã kể tôi nghe về Nạn Hồng Thủy, anh bảo quả đất ngày xưa là một quả khác, rồi lúc phạt các con, Chúa đã nghiêng trục của nó đi ba mươi độ, làm cho nước trào lung tung, và quả đất thành ra quả bây giờ.
Nhưng làm thế thì con tốt con xấu gì cũng đều lụt chết ráo, — kiểu một người phạm tội chém cả nhà này, mục đích là để trừ hậu họa, nhưng Chúa mà cũng sợ bị báo thù hay sao? Không thì chả lẽ cả quả đất chỉ có mỗi ông già Nô-ê và một đám cầm thú là đáng được sống?
Mà thế nào cũng được, bất cần hiểu nguyên do, nếu cứ dính vài con vi-rút, là cài lại hết cả hệ điều hành, — thế thì Chúa có khác gì anh Xéc-giô tôi?
Hẳn là Chúa không muốn giống anh Xéc-giô, — lần sau, Chúa không cài lại hệ điều hành, mà điều con trai mình xuống, chuyên để cho vi-rút ăn, thay vì ăn những người khác. Phi Long bảo trong lúc đợi chờ Giu-đa dẫn vi-rút tới ăn mình, Chúa Con, là Chúa Giê-xu, đã phân vân và hoảng hốt vô cùng; sợ đến vãi mồ hôi, Chúa Giê-xu đã gọi cho bố ba lần liền để xin, nhưng không ăn thua.
Lúc đó chắc ngài còn chưa biết là mình có thể phục sinh, mà phục sinh rồi, thì hình như còn ngon hơn...
Nếu thế chẳng thà chết quách!
Nhưng như chúng tôi đây thì liệu có phục sinh được không? Đã đành, về lý mà nói thì chúng tôi cũng đều là con của Chúa cả... Nhưng nói gì nói, con đàn thì làm sao mà bằng được con cầu tự?..
Tôi chợt phì cười, — tôi nhớ có lần anh Xéc-giô chăm chú ngồi nghe Phi Long kể:
— Đến ngày thứ bảy Chúa quyết định nghỉ, nhưng Người chợt nhớ ra là còn một việc phải làm nốt. Người đến bên mép Thiên Đường, ngồi xuống, và đầy sảng khoái, Người bèn ị một bãi to. Thế là trên đời có người Tàu.
Anh Xéc-giô bảo là hồi trước Phi Long có chơi với mấy sinh viên Tàu, — nói gì nói, người Việt người Tàu vốn là giống gần gũi. Có lần đang đú thì đàn bị đứt dây "thứ ba từ dưới lên", Phi Long bèn chạy xuống tìm một bạn Tàu của mình, tên là Thao, — ở chỗ Thao đúng là còn một cái dây đàn mới. Mấy tháng sau, Thao nhắc trả dây đàn, Phi Long đã ngồi đờ đẫn toàn thân ra mất một lúc, y hệt Lã Bố gặp phải Điêu Thuyền. Từ đó — trả dây đàn xong — anh không chơi với các bạn Tàu nữa.
Càng đêm, không khí ở Nhà Trắng càng sặc mùi "trận địa". Những người lớn đều đang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, chắc mường tượng được là cầm ô thì chiến đấu sẽ bị vướng, nên tôi thấy nhiều người đã thay ô bằng áo mưa. Trẻ con, chẳng vào "biên chế" nào cả, nên loại "đại hiệp" độc lai độc vãng như tôi tự thấy tốt nhất nên làm sợi dây nối một vài biên chế có liên quan, tức là làm liên lạc giữa những người nhà tôi, — theo Phi Long kể, thì cha đẻ của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam quê anh vốn cũng là một cậu bé liên lạc, tên là Kim Đồng.
Từ lúc đội của anh Kốt-xchi-a ra Vành đai Vườn tược, đã có mấy lần báo động chuẩn bị chiến đấu, làm cho tim trong lồng ngực mọi người — tôi cứ suy từ mình ra thế — nện thình thịch, nhưng rốt cuộc lại toàn là báo động giả.
Khi người ta chờ đợi một điều gì, cho dù đó là điều không nên xảy ra, chỉ cần chờ đủ lâu, sẽ đến một lúc, mà người ta mong nó xảy ra, thậm chí là càng nhanh càng tốt, — không biết những người lớn thì sao, còn tôi quả thật đã có một tâm trạng chính xác là như vậy.
Là phúc thì không phải họa, là họa thì không thể tránh.
Đằng nào cũng đánh nhau, chẳng thà đánh quách cho xong!
Nhưng đến lúc tôi nhận thấy anh A-li-ô-sa đang phải rất cố để không tỏ ra căng thẳng và bảo hai anh em đi tập hợp nhóm nhà tôi lại, thì vẫn chưa thấy triệu chứng đánh đấm gì thật sự. Lúc ấy đã mờ sáng, trời mưa lưa thưa, tôi bảo anh A-li-ô-sa cứ ở đây, chờ tôi đi gọi mọi người, chạy ù cái xong ngay, vì suốt đêm tôi đã chạy đi chạy lại đến thuộc lòng rồi.
Chưa bao giờ tôi thấy giọng anh A-li-ô-sa lại lập cà lập cập thiếu ổn định như vậy, — anh thông báo với chúng tôi là đội trưởng của anh nhận được tin đã có người hy sinh ở chiến lũy ngoài Vành đai Vườn tược. Lập tức, tất cả chúng tôi đều rơi vào — và đều hiểu là chúng tôi đang cùng ở trong — một trạng thái tâm thần hệt như của anh A-li-ô-sa. Và... tốt nhất là không nói gì thêm, chúng tôi vội vàng kéo ra Vành đai Vườn tược.
Và ở đó chúng tôi đã nhìn thấy một vũng máu.
Chỗ đụng độ nằm cách Nhà Trắng chỉ khoảng hơn nửa cây số, chúng tôi đến nơi quãng hơn sáu, hoặc là gần bảy giờ sáng, trời lúc này mưa nặng hạt, tiếng mưa rơi lộp độp nghe rất rõ ngay cạnh mình; vũng máu nằm kéo dài từ mép lề đường, chênh chếch khoảng ba mươi độ sang phải, loang lổ giống như hình bản đồ thế giới được trải rộng rồi kéo dài thêm ra theo chiều ngang, nên gây cảm giác méo mó rất rõ; màu máu đã khô, nhưng máu ướt, vì trời mưa. Trước vũng máu, khoảng một bước chân về phía lòng đường, có một chiếc khăn tay trắng, với những họa tiết mảnh mai và đường viền đều xanh màu trắc bách diệp, để mở, trên có một bó hoa nhỏ, hai bông, màu tím nhàn nhạt, hình như là hoa cúc, khăn cũng nhỏ nên hoa nằm thò chân ra ngoài mặt đường nhựa.
Cách vũng máu màu anh đào này một quãng, có một chiếc xe bọc thép nằm lệch lạc, trên có bảy, tám người đứng lố nhố; vỏ xe màu xanh quân dụng nhiều chỗ đã cháy thành đen thui; sườn xe phần ngay trên xích sắt bên phải bị tróc cả vệt, hở hết lớp sơn phủ, màu đỏ da cam, ở bên trong; ngay cạnh bánh xích có một cái xô, và những mảnh vải rách ướt sũng và cháy xém nằm vung vãi; những mảnh vải như vậy, và một ít que sắt, còn giắt đầy vào vòng bánh xích ở phía đầu xe, lúc tôi lại gần, thì có một chú lớn đang thò tay giật một miếng vải ra, nhưng không được. Đằng sau xe này có số hiệu tương đối to sơn bằng sơn trắng: 536.
Đại lộ Ka-li-nhin chạy từ trung tâm thành phố ra đây theo hướng từ đông sang tây. Phố Trai-kốp-xki (thuộc Vành đai Vườn tược) chạy từ Quảng trường Khởi nghĩa ở phía bắc xuống, chui xuống dưới đại lộ, chui lên, rồi chạy thẳng tiếp về hướng Quảng trường Xmôn-len, — chỗ chui dưới đại lộ là Đường hầm Trai-kốp-xki.
Đội của anh Kốt-xchi-a tới Đường hầm Trai-kốp-xki đúng lúc từ phía Quảng trường Khởi nghĩa nổi lên nhiều tiếng súng. Những người mới đến, và những người đang ở đấy, đều đổ xô về hướng tiếng súng; rồi họ lại chạy ngược trở lại ngay khi nhìn thấy mười bốn chiếc xe bọc thép đang lừ lừ tiến về phía đường hầm, vừa đi vừa bắn đạn lửa lên trời, — đạn lửa là loại đạn phát sáng và tạo thành vệt đuôi khói dài suốt đường bay, đại loại bộ đội pháo binh có thể dùng loại đạn này để xem vệt đường đạn mà ngắm bắn cho chính xác.
Những chiếc bọc thép này là xe Bê-Em-Pê — không phải Bê-em-vê, — là loại xe chiến đấu của bộ binh, mặc dù được trang bị đến cả tên lửa chống tăng, nhưng nếu gặp phải xe tăng thật của chú Xê-rô-ga gày, thì xe tăng chắc chỉ "bùm" phát, có khi là em đi ngay; nhưng trong hàng "không phải tăng" thì bọn này cũng là hạng thật sự có uy tín: nặng gần hai mươi tấn, được trang bị hỏa lực mạnh, và những khí tài tối tân, chúng đắt tiền hẳn hơn các loại bọc thép thông thường, ngoài tổ lái ba người, thì mỗi xe có thể chở được một tiểu đội bộ binh cơ động khoảng bảy, tám người.
Cho nên giữ nguyên đội hình ngay ngắn, tiếp tục bắn đạn lửa lên trời, trên hai trăm rưởi tấn sắt thép có thể tự động di chuyển ấy cứ lừ lừ chui xuống Đường hầm Trai-kốp-xki, như thể trên đường xuống đấy chẳng hề có mấy chiếc xe bồn phun nước đang cố tình nằm cản trở, cùng với những chướng ngại vật "hạng ruồi" của "quân tự vệ".
Và chú Xê-rô-ga gày thì không có ở trong đường hầm.
"Theo thông tin tác chiến đã nhận được, thì họ sẽ không bắn,.." — chú chỉ huy của anh Kốt-xchi-a có vẻ tin chắc như vậy. Nhưng "không bắn" thì sao chứ, — bắn thì người chết chắc, còn không bắn thì người chặn được xe bọc thép à? Tôi còn nhớ như in cái lắc đầu lặng lẽ của chú Xê-rô-ga gày lúc tôi hỏi chú về chiến lũy chống tăng. Tất nhiên, bọn Bê-Em-Pê này thì không bằng tăng được, nhưng công xuất động cơ của chúng cũng phải bốn, năm trăm sức ngựa, — bao nhiêu người thì mới đủ sức chặn một đoàn xe bọc thép mười bốn chiếc: khỏe bằng cả một đàn sáu, bảy nghìn con ngựa? Vả lại một bên là thịt, một bên là sắt, — đây đâu phải chơi kéo co, hay là đấu txu-mô.
Nhưng những chiến sĩ dân binh bảo vệ Nhà Trắng dường như đã chẳng hề phân vân... hay là chẳng hề cân nhắc, — trong đầu họ, những người đang có mặt tại Đường hầm Trai-kốp-xki, hình như chỉ có mỗi một suy nghĩ đã được khẳng định: họ sẽ chặn xe bọc thép lại để bảo vệ Nhà Trắng.
Và trong số những người ấy, những người không có đạn lửa, không có đạn thường, không có súng, nhưng "sẽ chặn xe bọc thép lại", có anh Kốt-xchi-a tôi, một trong những sinh viên xuất sắc nhất của một trường đại học lớn nhất nhì đất nước.
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
(Đọc tiếp)