Lập Trình Viên II (53)

Nhưng hẳn là trên đời sẽ chả có vị Chỉ huy Sư đoàn nào dạy chú Xéc-gây nói tiếng mẹ đẻ, còn ông En-txin thì có bao giờ lại coi chú như là em ruột chứ? Có điều nếu tôi cãi Phi Long, hay A-nhi-a, hay thậm chí cãi cả đôi, thì tệ nhất cũng chỉ đến dỗi nhau là cùng, mà dỗi đương nhiên cũng rất tạm thời thôi. Còn chú Xéc-gây thì khác đấy, — sai một li ở đây, có thể đi thẳng ra tòa án binh... mà cục diện này, nếu là trong phim, thì một loạt đạn bắn hạ ngay tại chỗ sẽ là một thực tế hiện hữu hẳn hơn.

Tôi không biết chú Xéc-gây đã nghĩ những gì, và chú có phải do dự nhiều không; tôi cũng hoàn toàn không hình dung được nếu là tôi thì tôi sẽ phải làm sao; nhưng buổi tối, lúc chú đã cho sáu chiếc xe tăng của mình đến trấn giữ các vị trí trọng yếu để bảo vệ khu vực Nhà Trắng, tôi đã tin chắc là tôi cũng sẽ làm như vậy.
Hôm ấy về nhà tôi trên phố, ai nấy gọi điện về nhà xong, A-nhi-a còn nhấp nhổm mấy lần, định về ký túc xá, đến nỗi anh A-li-ô-sa xuýt nữa đã làm ầm lên, chị mới thôi; một lúc, chị gọi về nhà Xvét-ka, dặn dặn dò dò tương đối lâu, — hai người họ, nhà đều ở gần trường. Rồi chắc đã phần nào yên tâm về "ký túc xá", chị với Vê-rôn-na mới vác cái túi du lịch "bảo bối" to bát xụ đi khắp quanh khu nhà tôi, và quyên về được một túi "căng-tin" đầy ự.
Và anh A-li-ô-sa, cả Vê-rôn-na nữa, đã bàn chuyện "trực chiến" ban đêm; nhưng Hội nghị Bình Than lần này, chưa ai hô "Sát Thát!", cũng chưa có ai kịp bóp nát quả cam nào, thì mọi định hướng chiến lược đều đã bị cắt ngang bởi tiếng ngáy hồn nhiên của anh Xéc-giô, — rõ thật "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", thật khó mà phản đối lại một "tiếng lòng" chân tình đến nhường ấy, cho nên tất cả cùng đồng thuận ngủ ở nhà.
Nhưng "tâm chi thanh" chân tình thì chân tình thật, nhiều khi không hẳn đã phải là theo khát vọng của chính người ta, — sáng hôm sau, anh Xéc-giô có lẽ đã là người phải chịu tiếc nuối sâu xa nhất.

Thúy Kiều là chị Thúy Vân,
Từ Hải thích nhất là chân Thúy Kiều.

Anh Xéc-giô của tôi thì thích nhất là đàn đúm dã ngoại, và trong khung cảnh ngái ngủ, tương đối mịt mờ và ướt át của buổi sớm tinh mơ, thì khó thể không nhận ra những dấu tích quen thuộc quanh khu vực Nhà Trắng, — đã có những đám "bập bùng" suốt cả đêm.
Tôi đang định trêu anh Xéc-giô một câu, thì Vê-rôn-na — đang đi bên phải, trước tôi một chút — bỗng đột ngột lùi một bước chênh chếch, tay trái quờ ra, gần như vịn vào tôi; người như Vê-rôn-na không phải dễ hốt hoảng, nên tôi nắm lấy cánh tay chị, bước vượt lên, và... rất cố gắng để không lặp lại những gì chị vừa mới làm.
Đó là mép ngoài của một "bức tường" hơi nghiêng nghiên và chênh chếch, chỗ cao nhất phải quá đầu, được dựng lên bằng những tấm tôn, sắt gỉ, mặt bàn, đứng được nhờ những que chống xiêu vẹo và đa chủng loại; tường dựng chếch khoảng phần ba góc vuông và mép tường bên trong nép vào chân tòa nhà, tạo thành một phần diện tích "kín đáo", phía mở ra ngoài của diện tích này được che chắn sơ sài và mang tính "quy ước", bằng vài thứ bao tải, cánh tủ gãy, thanh gỗ gác nghiêng nghiêng, còn chỗ tôi đang đứng — chỗ hở giữa hai "bức tường" trên — là "cửa".
Trong "nhà", có sáu... bảy người nằm bất động, mắt nhắm nghiền.
Đấy là suy nghĩ của tôi đã tự khẳng định theo tác động của hiện trạng, vì thực ra tôi chỉ nhìn thấy hai cặp mắt nhắm nghiền, — có hai người nằm nghiêng, còn lại đều nằm sấp, chen chúc, trên những gì đó giống như những tấm xốp trắng dày khoảng mươi phân và phẳng, được lót dưới đất rồi phủ một cách vá víu những tấm vải rách nhưng thuộc loại vải dày và tương đối rộng lên trên; người nằm ngoài cùng, mặc áo gió vải bóng màu chì thẫm và quần âu màu tro, ngoại trừ nửa cánh tay phải gập vào thì nằm sấp thẳng và ngay ngắn như đã được sắp xếp và chủ ý cân chỉnh, hai chân đi dày da vàng nhạt có vẻ xịn nhưng cũ rích và đã giẫm bừa vào bùn, chĩa thẳng vào chân tôi, gần chính xác như tôi bây giờ bước lên một bước dài, rồi đứng nghiêm và đổ sấp người xuống.
Tôi còn đang á khẩu thì có thứ gì động đậy. Vội lắc nhẹ đầu một cái... tôi thở phào, — một người nằm giữa đám, áo khoác pha ni-lông màu đen dài trùm mông, hai ống quần bò bạc phếch và bẩn nhét vào trong hai cổ giày cao của đôi dày da đen đế to tổ bố, đang chống cùi tay nhổm dậy, đầu tóc đen và bù xù, dài và hơi quăn, ngọ ngoạy bên này, bên kia, rồi lại loay hoay nằm sấp xuống gần y nguyên như cũ: các chiến sĩ tự vệ Nhà Trắng sau một đêm dài "bập bùng" trực chiến, hẳn mới đặt mình chợp mắt chưa được lâu.
Người nước tôi hình như có xu hướng thích nằm sấp ngủ, — cả tôi, anh A-li-ô-sa, anh Kốt-xchi-a, và nhất là anh Xéc-giô đều hay nằm ngủ kiểu này, không giống Phi Long: tôi chưa thấy anh nằm thế lần nào.
Được cái, "Người vui cảnh có buồn lâu bao giờ?", anh Xéc-giô không phải loại người buồn lâu, và buổi sáng hửng thêm một chút, thì không khí "dã ngoại" — có thể nói là — sôi nổi đã quay ngay trở lại Nhà Trắng.
Theo mật độ hiện có và tốc độ kéo đến, thì người sẽ đông hẳn hơn hôm qua, và không biết có phải vì ở chân tòa Nhà Trắng — tức là "bên mình" — đã xuất hiện thêm những chiếc xe mặc dù nhỏ thôi, còn không to bằng một chiếc xe tải, nhưng đúng là xe bọc thép, có nòng pháo hẳn hoi, quanh xe có những người lính mặc kiểu quân phục nhìn cũng thấy ngay là rất "tinh nhuệ", hay không, mà hôm nay trông ai cũng vui vẻ hẳn hơn, và cười nhiều, chứ không băn khoăn, đăm chiêu, ngơ ngác, bất an, hớt hải... như hôm qua.
Tôi hỏi, và biết được những chú bộ đội — nhiều chú đang phì phèo thuốc lá — mặc đồ rằn ri và còn đeo trên mình những thiết bị gì đó lỉnh kỉnh trông rất là ác chiến kia là lính dù thuộc sư đoàn dù 106 do thiếu tướng Lê-bét đích thân dẫn đến đây, — nếu lính dù đúng là kiểu ở trong phim hành động... trước khi kịp "chỉnh đốn" ngay lại suy nghĩ này, thì trong tôi đúng là đã có mong muốn được xem họ đánh nhau thật ở đây.
Sau một ngày đêm cố thủ, và không xảy ra chuyện gì đáng kể cả, xem ra đã có một tiếng thở phào trong tất cả mọi người, — theo biểu hiện mà nói, thì tâm trạng chung hoàn toàn có thể diễn tả bằng một từ "nhẹ nhõm", và không ai có vẻ sợ cả. Tôi cũng vậy, — có cái gì đó, không biết vì sao, nhưng đúng là giống như "mọi chuyện đã qua".
Nhưng người đông, thì dù có cùng tâm trạng, cách bày tỏ bằng hành động cũng sẽ theo những chiều hướng khác nhau. Cho nên trong lúc A-nhi-a vừa quệt mồ hôi trán vừa liên tục cắt thịt cắt bánh và xếp chúng vào nhau làm bút-te-brốt tại một điểm dịch vụ căng-tin; còn Vê-rôn-na quanh quẩn gần đấy, túc trực một vỏ hộp sắt tây tròn to, luôn mồm cảm ơn những người đã bỏ tiền vào, lúc nào tiền dềnh lên gần đến miệng hộp, thì lại cầm cái vỏ bình cô-ca loại một lít rưỡi ấn lên để đằm chúng xuống; thì có những người đã về nhà lôi ở đâu ra những chiếc áo khoác dài tre-rkết-xka với những ống tuýp để đựng thuốc súng gắn dọc áp sát liên tiếp vào nhau, thành hai băng ở hai bên ngực, những chiếc mũ lông to bè ra ở phía trên theo chiều ngang, thậm chí cả dao găm dài nghêu đút trong vỏ chạm trổ hoa văn đeo lủng lẳng ở thắt lưng, rồi đóng nguyên cả bộ như thế vào, trông chả khác gì những thủ lĩnh cô-dắc thực thụ, cầm thêm lá cờ ba vệt trắng, xanh da trời, đỏ, rồi cứ đi vòng vòng khắp quanh tòa nhà, — chắc họ là nghệ sĩ, tôi đoán thế. Trong lúc anh Xéc-giô hăm hở dán một cái tranh rộng cả mét, nền đỏ tuyền, trên có hình bóng đen của một thứ trông giống như cái dương vật, cũng chả cách điệu nữa, lên tường — mặt sau — Nhà Trắng, rồi bặm môi viết nguệch ngoạc chữ "I-a-dốp" lên cái hình kia, ngay bên cạnh đấy đã có một bức khác đúng như thế, nhưng chữ là "I-a-nai-ép", — ông này là Phó Tổng Thống Liên Xô, còn ông I-a-dốp là Bộ Trưởng Quốc phòng, đều là thành viên của cái ủy ban gì đó về tình trạng đặc biệt, mà ông En-txin đã tuyên bố là bất hợp pháp kia (chả là tiếng nước tôi, "thành viên" và "dương vật" là hai nghĩa khác nhau của cùng một từ), — thì cách đấy mười lăm hai mươi bước chân, tiếng đàn ban-giô, kèn tờ-rom-pét, và loại kèn ba-rít-tông gì đó dùng để đệm bè trầm, bỗng rộn ràng vang lên: các nhạc công đường phố đã kịp kéo cả dàn (chắc là) thẳng từ phố A-rờ-bát qua đây.
Và có một hoạt động vẫn nhất quán suốt từ hôm qua tới giờ: xây dựng chiến lũy, — hôm nay, đã có nhiều mảng gạch và đá lát nền ở chỗ này, chỗ khác được cậy lên và khuân đến để gia cố các chiến lũy, cũng có thể để xếp sẵn ở đấy, làm "củ đậu bay".
Không khí vui tươi nhộn nhịp này tiếp diễn được hết buổi sáng; đến đầu giờ chiều, trời vẫn âm u, ẩm ướt, và yên ả, nhưng tất cả mọi người đều đã chuyển sang tâm trạng phấp phỏng chờ đợi một cơn bão lớn, — Nhà Trắng sắp bị tấn công.
Tin này đã được lan truyền với đầy đủ đặc trưng của một thông tin chính thức.
Tại một trong những cánh cửa mở vào tòa Nhà Trắng có một chú mặc đồ công an, thắt cà-vạt hẳn hoi nhưng không khoác áo ngoài, và rất là lỉnh kỉnh — bao súng lục ở hông, một khẩu AK quàng trên vai phải, lại còn một cái xà-cột có quai đeo to bản khoác chéo qua người, cũng từ bên vai phải, đè cả lên cà-vạt, — đứng canh chừng; tôi vội lại gần (vì vừa nghe tin tấn công) thì thấy chú này trẻ măng và thư sinh như một nghiên cứu viên, đeo kính cận, và đeo hàm thiếu úy; tôi chưa kịp hỏi gì chú thì đã nghe lao xao từ sau lưng:
— Có biết lúc nào bắt đầu tấn công không cậu? — Có mấy bác lớn hơn cũng đang lại gần.
— Chỉ có thông tin như thế, — chú công an khẽ lắc đầu, — chính xác và cụ thể hơn thì không.
— Có tin gì về việc họ đang điều quân cận vệ tới đây không?
— Không, không có tin gì cả.
— Các cậu sẽ theo lệnh ai?
Chú công an, không biết là vô tình hay hữu ý, đã nhìn thẳng về phía trước, trong tư thế nghiêm, như đứng chào cờ, rồi nói như không phải đang nói chuyện với người khác, mà đang đọc lời tuyên thệ:
— Theo lệnh của Chính Phủ Nga.
Lúc chú nói câu này, tôi mới nhìn thấy khẩu AK của chú, băng đạn được quấn băng dính nhựa màu trắng, trên có viết chữ màu mực xanh: "Của chúng ta".
Có những điểm dịch vụ mới mọc lên, — na ná như căng-tin của A-nhi-a, nhưng trên tường, cao hơn đầu người, có dán những tờ giấy trắng, trên vẽ một dấu cộng to và đậm màu đỏ. Tại một điểm như thế, tôi được một cô béo, tóc cắt ngắn, đeo kính cận, mặc váy và khoác áo gió, phát cho một cái khẩu trang to bằng vải xô trắng, đã được tẩm nước xô-đa, thấy bảo là dùng để phòng lựu đạn cay; tôi hỏi cô béo:
— Cái này chống được khói cay à cô?
Cô nhìn tôi, cười lành lành:
— Làm sao cô biết được?
Bữa tối, không thấy anh Kốt-xchi-a về chỗ tập kết, và có vẻ như ai cũng tránh không nhắc đến cuộc tấn công sắp xảy ra; tôi hình dung là không ai muốn nói đến chuyện "lui quân" về nhà cả, và trong mỗi người — cũng như tôi — đều quẩn quanh một tia hy vọng là "cuộc tấn công" ấy dù sao cũng sẽ chỉ là tin đồn.
Đêm.
Cuộc tấn công mà chúng tôi đã chờ đợi suốt cả buổi chiều vậy là vẫn chưa xảy ra.
Mưa nhiều hẳn, có thể nghe thấy tiếng nước rơi, và tiếng nước đã đọng vào đâu đó rồi mới rơi, mọi người lại giương ô lên lố nhố; trong bối cảnh nhộn nhạo theo kiểu nghiệp dư, được chiếu sáng lấp loáng một cách không chủ ý, chủ yếu là ánh sáng hơi vàng vàng hắt từ trong tòa nhà ra, cộng thêm — có lẽ chỉ là cảm giác được chiếu sáng bởi — ánh sáng từ những cột đèn cao áp ở mãi ngoài đường, tôi đã nhìn thấy anh Kốt-xchi-a.
Gày gày, và cao dong dỏng, chiếc áo gió thể thao màu ghi sáng quen thuộc cùi tay đã gần sờn nhưng chính hiệu nai-ki phéc-mơ-tuya kéo kín một nửa, hở ra ngực áo và cổ áo sơ-mi ca-rô "trắng — xanh chì", anh Kốt-xchi-a tôi đang đứng rất nghiêm chỉnh trong một hàng các anh khác, ở ngay trước (bên trong) cái chiến lũy — đã to cao hẳn và có nhiều thanh gỗ lực lưỡng hơn so với hôm trước — của anh Nhi-ka-lai; có một anh (hoặc chú) to cao vạm vỡ, mặc bộ quần áo hệt như của anh Nhi-ka-lai, nhưng mặt mũi giống trong phim hành động hơn, tóc vàng húi cua, tay đeo một cái đồng hồ kim loại to và sáng lấp lánh, đang đi đi lại lại phía trước (dọc theo) hàng người họ. Nhìn thấy tôi, anh Kốt-xchi-a gật gật đầu và cười mép.
— Tôi báo trước, chuyện này có thể rất nguy hiểm. — Chú to cao vừa thong thả nện cồm cộp gót giày da cao cổ, vừa nói, cũng thong thả, không to, nhưng dõng dạc. — Mục đích: không để cho xe bọc thép tiến về Nhà Trắng.
— Những chiến lũy ngoài đó, chỉ cần họ quay nòng vào nổ một phát, thì tanh bành ngay. — Người đứng ngay cạnh, bên trái anh Kốt-xchi-a lên tiếng; anh này chỉ cao đến mắt anh Kốt-xchi-a, cũng mặc áo gió, nhưng không phải gió thể thao, và là loại áo nội địa, sáng màu hơn áo anh Kốt-xchi-a, có hai túi ngực to hình hộp có nắp vuông, vạt áo phanh hẳn ra; căn cứ vào cách nói mà đoán, thì chắc anh phải biết chuyện "tanh bành" này thật.
— Theo thông tin tác chiến đã nhận được, thì họ sẽ không bắn, cho nên chúng ta chỉ cần giữ chân họ lại thôi, giữ lại bằng mọi cách; để làm thế cần phải có các chai xăng, và mọi người đừng quên mang theo giẻ rách. — Chú chỉ huy giải thích. — Còn bây giờ: Bên phải, quay!
— Xin lỗi... anh!
Đấy là anh Kốt-xchi-a của tôi, — chú chỉ huy vừa hô "quay!", Kốt-xchi-a bèn quay sang trái, và vòng quay thì không được gọn gàng cho lắm, nên va nhẹ vào anh "tanh bành", anh kia cười khẽ.
— Đi đều, bước! — Chú chỉ huy không rõ là có cười tí nào không, nhưng có vẻ chú đã chờ anh Kốt-xchi-a quay lại cho đúng hướng, rồi mới ra lệnh, nhưng bằng một ngữ điệu tương đối nhẹ nhàng. — Phải nhanh lên một chút, các đồng chí, bọn xe tăng cũng đang chuẩn bị xuất phát.
Lúc đó là khoảng gần nửa đêm, đội của anh Kốt-xchi-a (không hiểu sao anh lại sung, hay là được sung, vào đấy, — trực quan, thì trông anh có vẻ "ngoại cuộc" hơn cả) được điều ra bảo vệ chiến lũy ở tận ngoài kia, trên Vành đai Vườn tược, — cứ chạy thẳng vào đại lộ Ka-li-nhin, gặp phố to cắt ngang đầu tiên, đấy là phố Trai-kốp-xki, một khúc của Vành đai Vườn tược.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...