Lập Trình Viên II (50)

Lên khỏi bến tàu điện ngầm Krát-xnơ-prét-xnhen-xkai-a, chúng tôi đến được Nhà Trắng cũng phải gần chín giờ sáng, — còn sao lại Nhà Trắng, thì đây là "trực giác" của các anh tôi, nhất là anh A-li-ô-sa, theo hiện trạng mà nói thì cũng phải là của rất nhiều người Mát-xcơ-va khác.

Khu vực Nhà Trắng vẫn vào ra tự do, và có tương đối đông người đang đi lại; tôi để ý thì chưa thấy có đứa nào giống tôi, — toàn người lớn, ai cũng có một vẻ nghĩ ngợi và nghiêng ngó. Ngay trước mặt tôi có một chú mặc đồ cảnh sát không mũ — quần xám và áo sơ-mi xanh hàng không nhàn nhạt, — vai bên phải khoác một khẩu súng máy đen đen, chắc là AK, nhưng không thấy báng, tay phải cắp súng, tay trái đút túi quần, chú đứng quay lưng về phía tôi, và nhìn vào tòa nhà. Hơi chếch qua trái, ra xa hơn, có hai chú khác mặc quân phục bộ đội, nai nịt gọn gàng, đi giày cao cổ, nhưng cũng để đầu trần, và cũng đứng nhìn tòa nhà, — súng hai chú này đeo có báng hẳn hoi, chắc đúng là AK.
Tôi đang có một cảm giác đề phòng vì vừa đến đây đã gặp nhiều súng quá, thì có một cô tóc xoăn quấn đũa, để vương vãi tương đối bừa bãi, mặc váy ca-rô ô trắng ô đen, khoác áo gió hồng nhạt không đóng phéc-mơ-tuya, tay xách một cái túi pa-két ni-lông đen nhăn nhúm, tất tả chạy xen vào tầm nhìn giữa tôi và hai chú bộ đội. Tôi vừa thấy lại hai chú, thì cô này vung tay lên, chỉ chênh chếch qua phải, hét:
— Kia! Họ đến kìa!..
Rồi cô đảo người, chấp chới lao theo tay chỉ, — ở đó có một đám đông đang đứng quây lấy lối vào phía sau Nhà Trắng; đông nhưng họ đứng thành dãy dài, nên qua những chỗ hở ra trong dãy người, vẫn có thể nhận ra một chiếc ô-tô đen, nặng nề, chắc là Vôn-ga, đang lừ lừ bò vào dưới tán cửa vuông, rồi gọn gàng quành trái, chui vào tòa nhà. Nó quành, tôi mới trông thấy một chiếc nữa giống như nó đang chạy ngay đằng trước, — không biết cả đoàn thì có mấy chiếc.
Tới gần, — chúng tôi chạy theo anh A-li-ô-sa, — theo những gì nghe được, thì đấy là ông En-txin đến.
Ông En-txin lúc ấy mới làm Tổng Thống nước tôi được có hơn hai tháng.
Thế thì chả ăn thua, — đến ông Goóc-ba-trốp làm Tổng Bí Thư bao nhiêu lâu, còn làm Tổng Thống, Tổng Thống Liên Xô hẳn hoi, suốt từ đầu năm trước, cũng còn đang bị bắt cóc, chả biết hiện sống hay chết, nữa là...
Nhưng ông En-txin còn thế, thì tôi đến đây làm gì? — Tôi không muốn hỏi các anh chị tôi, vì chuyện này đúng là rất khó nghĩ, và như thế là phải, và hẳn là không chỉ với riêng tôi. Trên đường đi thì cảm giác tự không rõ ràng về hành vi của chính mình này đỡ hơn, — đang có một cái chủ đích cụ thể là đi đến đây. Nhưng giờ thì đến rồi...
— Ngoài kia xe tăng đầy đường!
Trong đám người đang vội vã đi qua, hấp ta hấp tấp, chênh chếch từ phía sau lưng tôi, có một chú kính trắng gọng nhựa to kếch xù, mặc quần bò cũ bạc phếch, áo thun nâu dài tay bên trong áo sơ-mi đuôi tôm cộc tay trắng nhờ nhờ, vạt áo bay phấp phới vì cúc không cài, vừa chỉ tay về phía trước và nói to lên như vậy. Đám chú bác này bộ dạng trông như mới chui ra khỏi một cái phòng thí nghiệm nào đó ở ngay gần đây, — nhiều người đeo kính trắng, có người mặc áo vét, nhưng trông vẫn rất xộc xệch, và có những người khoác áo dài như áo bác sĩ, nhưng màu xanh công nhân tối và cũ, và trông nhàu nhĩ hẳn hơn.
Tôi đang định kéo tay anh A-li-ô-sa, bảo đi xem xe tăng, thì "bẹt" một phát, đã có một cánh tay khác vỗ lên vai anh:
— Các đồng chí ơi, mau đến ngay, chỗ này có người đang ăn trộm ô-tô, nhanh lên...
Rồi vội vàng, cánh tay này tóm lấy áo "đồng chí" A-li-ô-sa và lôi đi ngay.
Đang bắt cóc Tổng Thống, súng máy AK, "xe tăng đầy đường", tự nhiên lại "ăn trộm ô-tô"... tôi vừa bắt đầu bực mình, thì đã phì cười, — người đang ra sức lôi kéo anh A-li-ô-sa này mặt mũi nhớn nhác sợ sệt như trẻ con sắp ăn đòn, mái tóc màu cà-phê va-ni được gài lên cho hở tai, ngọn tóc chấm vai, người khoác một cái áo chẽn không cổ, trắng nhờ nhờ, ngắn cũn cỡn, vải dày nhưng cộc tay, trong mặc váy dài lùng phùng in lộn xộn những hoa cải hoa cà, chân đi dép lê xỏ ngón loẹt quẹt, tay phải tóm cổ một cái túi lưới màu boóc-đô, trong đựng những gì không rõ (bọc trong giấy báo); và xác định lại thêm một lần, thì cô này... chắc chỉ chị này, đúng là bụng chửa.
Ở đằng sau Nhà Trắng có một cái công viên nhỏ rất là đẹp và "cổ tích", đại khái chủ ý làm chỗ cho trẻ con chơi. Tôi nhớ nhất là có hai con rùa đá to nằm lổm ngổm trên mặt đất, — có một lần tôi đã ngồi trên mai một con, hút xì-gà, và cảm thấy mình chẳng khác gì là một nhà hiền triết Phương Đông.
Nhưng đấy là phía ngoài.
Còn trong địa phận Nhà Trắng ở chỗ này có một căn nhà phụ hai tầng đứng quay mặt vào Nhà Trắng. Trước nhà phụ này có chỗ để xe. Đi đến đấy, chị chửa bèn bỏ ngay anh A-li-ô-sa ra, khom người xuống và thận trọng men theo dãy xe con đang đỗ. Đến gần cuối dãy, chị vụt bước nhanh hơn, rồi nhổm người lên, hét:
— Ê ê! Ê!.. Làm gì đây?! Định ăn trộm xe hả?!...
Không biết anh A-li-ô-sa với những người lớn thế nào, chứ tôi thì giật mình thật, — chuyện này vốn đang đậm màu trào phúng. Anh A-li-ô-sa ngay lập tức đã ở bên cạnh chị kia, chúng tôi cũng đến ngay.
Đúng là có người đang thụp xuống và làm gì đó trong khoảng trống hẹp giữa hai chiếc xe đỗ. Đang mừng rỡ vì bắt được ăn trộm thật, tôi bỗng thấy hoảng ngay, — người đó đứng thẳng lên thì cao to hẳn hơn anh A-li-ô-sa, và căn bản, trông y rất là ác chiến, thoạt nhìn cũng có thể xác định không cần phải phân vân, là loại này rất thạo đánh nhau.
Mà tóc y cắt cao, và y còn mặc một bộ áo túi hộp cầu vai, thắt lưng da nâu to bản, quần túi hộp, và giày da cao cổ, — tôi không nghĩ đấy là quân phục chỉ tại vì bộ này vàng bệch màu vỏ bao xi-măng, có điều lấp ló giữa hai mép cổ áo lại đúng là những sọc ngang lính thủy của một chiếc may-ô lính chân chính.
May là không thấy y có súng, nhưng hai tay y, khỏe mạnh, tay áo sắn quá khuỷu, đang cầm một cái ống cao su đen đen... — trong đầu tôi tức thì hiện ra cả loạt những khuôn hình trong các phim Ý.
Quai hàm y trông vâm lắm, nhưng nó vừa động đậy thì trên má y bỗng xuất hiện lúm đồng tiền, và nụ cười của y hiền khô.
Thậm chí còn có vẻ hơi lúng túng, y so so hai cái đầu ống cầm ở hai tay với nhau, vừa hắng giọng vừa nói với chị chửa:
— Xăng này để mang lên chiến lũy, có việc cần mà... — Dưới chân y có một cái nồi nhôm to có quai xách.
Chị kia nghiêm mặt, giọng đầy nghi hoặc:
— Việc gì cơ chứ?
— H... — Anh "quân phục" nhìn nhanh chúng tôi, lúm đồng tiền động đậy, rồi quay lại chị, vừa nói vừa cười. — Em không xem phim à? Lấy chai sâm-panh, đổ xăng vào, — anh dùng tay diễn đạt lời nói, — cắm giẻ rách lên, đốt, rồi ném vào xe tăng.
Anh vung nhẹ tay lên, nhưng không ném gì vào xe tăng cả, mà tiện đà, khoát nhẹ một cái về phía chúng tôi:
— Đi! Lên chiến lũy! Tất cả lên chiến lũy... Mà em... — anh nhìn chị chửa, ngần ngại... — đang có bầu à?
— Thì sao chứ, không được phép à? — Chị này hình như sợ không được lên chiến lũy thật.
— Sao chồng em cho em đến đây? — Anh vui vẻ hỏi.
— Em đâu phải xin phép ai! — Giọng chị hình như có hơi xẵng một chút.
Không biết chị Ô-li-a — chị tên Ô-li-a — thế nào, còn tôi thì đã tương đối thất vọng khi nhìn thấy cái "chiến lũy" của anh Nhi-ka-lai — tên anh là Nhi-ka-lai. Tôi cứ tưởng chiến lũy thì chí ít cũng phải nấp và bắn nhau được, đằng này...
Diện tích sân lát đá bằng phẳng và rộng rãi trước cửa mặt tiền tòa Nhà Trắng nằm ở mức "tầng hai" so với mặt đất, cho nên từ lối vào chính diện của khu vực Nhà Trắng, muốn đi thẳng lên đấy phải theo một lối bậc thang rộng, và dài nữa, — giữa chừng có đến ba lượt chiếu nghỉ.
Trên chiếu nghỉ đầu tiên, mọi người đã khuân đến những khung sắt hàng rào di động — ống sắt tròn uốn thành khung hình chữ nhật nằm ngang, góc bầu bầu, cao gần tới ngực, có chân để tự đứng được — và xếp liền vào nhau thành một dãy chắn ngang, rồi gác chéo lên đấy, đa số chĩa ra phía ngoài và tất cả đều xiên xẹo, có lẽ là tất cả những thanh gì tương đối dài mà họ có thể nhặt được, hoặc là tháo dỡ được ở quanh đây, bất kể đấy là thanh sắt tròn, sắt khung, gỗ thanh, gỗ tấm, thang sắt...
Và cái "chiến lũy" càng lúc càng lởm chởm hơn, — mọi người vẫn đang hồ hởi, tấp nập, với bộ dạng đầy lo toan và phấn chấn, tha lôi tiếp các thanh và tấm kim loại và gỗ đến chất đại vào đấy. Cái này đúng như đã được viết ở đâu đó trong — có lẽ là — sách giáo khoa: "Không khí lao động khẩn trương và sôi nổi".
Có điều cái chiến lũy "khẩn trương và sôi nổi" này, theo như hiện trạng mà nói, dù có thể gây khó dễ cho ai đó muốn đi qua, nhưng chỉ cần đẩy mạnh một cái, không chừng nó có thể lăn kềnh ra ngay, còn nếu định nấp vào đấy mà bắn nhau, có khi ở ngoài chả cần phải ngắm, cứ táng đại một phát thẳng vào cái thân chiến lũy trống huyếch hoác này, đạn văng lung tung, kiểu gì ở phía trong cũng có người ôm bụng lăn ra.
Anh Nhi-ka-lai với chị Ô-li-a hớn hở đem túi bánh nướng nhân bắp cải — cái túi lưới của chị Ô-li-a hóa ra đựng bánh — lách qua một chỗ chiến lũy cố tình để hở, vào bên trong để "khao quân" rồi, thì anh A-li-ô-sa bảo:
— Bây giờ tùy nghi di tản, ai ở đây thì ở, không thì đi xem xét xung quanh, nhớ là cứ chẵn giờ đồng hồ — anh gập cổ tay trái, đập đập vào mặt đồng hồ — thì phải về đây điểm danh. Đim-ma ở đây xây chiến lũy với anh...
— Đừng điểm danh ở đây. — Anh Kốt-xchi-a bảo. — Chỗ này điểm nóng... Tốt nhất là tập kết chỗ "ăn trộm xe" ban nãy.
Mọi người đều nhất trí, nhưng dáng chừng không ai muốn "ở đây xây chiến lũy" cả, nên chỉ còn lại hai anh em, thì tôi gãi đầu, bảo anh A-li-ô-sa:
— Anh A-li-ô-sa, em cũng đi xem xét xung quanh nhá, em sẽ cẩn thận mà.
Anh A-li-ô-sa quay trước quay sau, nhìn rộng ra vòng ngoài, có vẻ cân nhắc, rồi cũng gật đầu, chỉ dặn lại tôi:
— Phải nhớ giờ điểm danh đấy!
Anh vừa khuất vào kẽ chiến lũy hở mà hai người kia mới mang bánh qua, — chỗ này do một anh khác cũng mặc "quân phục" như anh Nhi-ka-lai, nhưng đầy đủ cả một chiếc mũ nồi màu thanh thiên, trước mũ có gắn một phù hiệu gì đó tròn tròn xinh xinh vẽ hai màu trắng và đỏ mào gà, đứng canh chừng, — thì tôi vội vàng trèo ngay lên bậc thềm đá ngoài cùng phía bên phải (có bốn bậc "bậc thang" dày dặn như vậy viền lấy mỗi bên lối đi bậc thang, bậc này tôi đứng một mình, còn mấy bậc phía trên, nằm trong chiến lũy, thì đã có nhiều người đứng, toàn người lớn, trời mưa be bé, nên có người che ô, và có mấy người đeo nhiều thứ lỉnh kỉnh đen đen, chắc là phóng viên), ngó nghiêng xung quanh, và hình dung ra ngay là mình sẽ "đi xem xét" ở đâu.
Bọn A-nhi-a với Vê-rôn-na thực ra tốt nhất là nên ở lại đây xây cái chiến lũy của anh Nhi-ka-lai, — dù là "điểm nóng", nhưng nó chắc chỉ thuộc loại "hạng ruồi", cùng lắm là "hạng gà", trong nhan nhản các chiến lũy, chắc đều tự phát, đang tấp nập mọc lên khắp bên trong, bên ngoài, và lân cận chu vi khu Nhà Trắng này.
Bọn hạng nặng tất nhiên phải ở ngoài đường, — để chặn xe tăng.
Nhà Trắng nằm ở ngay mé ngoài, đúng về hướng mặt trời lặn của Vành đai Vườn tược. Ở đây nó lại nằm ở ngay mé ngoài, quay mặt thẳng vào một chỗ lượn vòng tương đối gấp và rất là cách điệu của sông Mát-xcơ-va. Từ con đường nhỏ chạy ngang trước mặt nhà, đi qua một bờ cỏ rộng thoai thoải, là xuống đến đường bờ sông. Về phía tay phải — nếu đứng quay mặt vào sông, — con đường nhỏ này chạy đến hết địa phận Nhà Trắng thì bị một khối nhà to và cao chắn ngang ở phía bên kia con đường cắt vuông góc với nó (con đường chạy viền bên phải Nhà Trắng); còn con đường vuông góc này thì rướn thêm một đoạn rồi mở vào đường bờ sông. Cho nên nếu muốn lập chiến lũy, thì chỉ cần dấn thêm một chút qua phải theo đường bờ sông, rồi chặn ngang ở đấy, thì góc này thế là kín mít.
Họ làm đúng như thế thật!
Nhưng tôi hầu như vẫn chả có tí cơ hội nào để kịp hân hoan về khả năng chiến lược "Thừa Tướng đoán việc như thần" của mình, — chiến lũy mà thế kia, thì chỉ chặn được ô-tô đang lưu thông một cách bình thường là cùng, chứ nếu đánh nhau, thì e là chả ngăn được, đấy là chưa nói xe tăng.
"Chiến lũy" này chỉ có mấy thùng gỗ vuông vuông, là những loại tủ gì đó kiếm được ở đâu, bị vật nằm ngang cách quãng ra giữa đường, chỉ cao khoảng đến đùi; và những thanh gỗ mộc, kiểu gố cốp pha, với những thanh cả sắt cả gỗ bé hơn và lộn xộn khác, đã được cố xếp ngang ra để che chắn khoảng trống giữa các thùng gỗ; ở đầu chiến lũy phía vỉa hè bên trong, có mấy bác đang phấn khởi đẩy đến mấy thùng rác, loại thùng sắt hình chữ nhật sơn màu xanh lá non, cao đến bụng, dưới có gắn bánh xe.
Giữa đường, bên ngoài chiến lũy, có hai bác mặc quần áo như kiểu mặc đi dạo, ngực đeo nguyên cả tờ giấy A4 có in hình Tổng Thống En-txin, đang đứng giơ tay chỉ trỏ, chắc đang bảo mấy người ngồi trong mấy chiếc xe con bị chặn lại ở đấy quay lại đi đường khác.
Tôi cũng quay lại và đi ngược về phía đầu đường bên kia, dù tôi thấy rõ là mình đang đi như một cái máy vận hành theo thủ tục có sẵn, — sau khi tận mục sở thị "tầm vóc" của hai cái chiến lũy tọa lạc đều tại những nơi trọng yếu cả kia, quả thực tôi cũng không còn tò mò hay kỳ vọng gì với các chiến lũy quanh đây nữa.
Chiến lũy với chiến sĩ đấy, kể cả là có mấy khẩu AK kiểu "bảo vệ", với một nhóm mũ nồi xanh kiểu "dân sự" đang tự chế bom xăng, nếu đánh nhau nghiêm túc thì có gì mà phải phân vân về chuyện thắng thua đâu?
Châu chấu, ngay có là "Chấu Tử Long", thì cũng đá thế quái được xe?!
Anh Xéc-giô nói đúng rồi: "Cứ kệ mẹ nó!"
Nhưng sao Phi Long với anh A-li-ô-sa chẳng hẹn mà lại cùng đồng thanh khẳng định là "Không kệ được!"?
Có cái quái gì mà không kệ được? Đánh nhau là việc của bộ đội, công an, cùng lắm là của bảo vệ, chứ có phải của dân thường đâu... Mà Phi Long hôm nay cũng ấm a ấm ớ sao sao, nói thế, rồi lại ở nhà chứ có ra đây đâu...
Được, nói gì thì binh tình trước mắt chắc vẫn chưa hề hấn gì ngay được, tí nữa điểm danh, tôi sẽ bảo mọi người về ngay ký túc xá cho bằng được, — anh Xéc-giô chắc sẽ ủng hộ tôi, còn A-nhi-a với Vê-rôn-na, "yểu điệu thục nữ" mà chiêm ngưỡng một vòng ba cái đống lởm chởm nhốn nha nhốn nháo tự biên tự diễn này xong, không nản chí mới là lạ... cả bất quá thì...

Nguyễn Du cứ khóc đoạn trường,
Thúy Kiều cứ đứng bên đường Nguyễn Du.

A-li-ô-sa, Kốt-xchi-a hai anh thích thì cứ việc mà xây chiến lũy, anh Xéc-giô thích thì xin mời cứ té nước theo mưa, anh Phi Long thì vô tư đi, cứ thoải mái mà ngẫm ngợi với dặn dò nhắn nhủ... còn tôi đơn giản là sẽ dẫn hai chị về. Về ký túc xá, ở đấy cùng nhau uống trà Ấn-độ nóng, ăn bánh bút-te-brốt, mà xem ti-vi, thì mới thật ấm cúng và thích thú... mà căn bản là lành, sẽ đỡ lo hẳn hơn.
Chứ như giờ... Trong đầu tôi cứ loáng tha loáng thoáng bóng dáng của một thằng bé...

"Ta ngã xuống đường,
Lỗi tại Vôn-te!"

Nó đã hát như thế, rồi ăn đạn, lăn ra chết ngay trên đường phố Pa-ri, — thứ gần nhất với (có lẽ cũng duy nhất về) "chiến lũy đường phố" mà tôi biết, là "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô, nên không lạ là thằng Ga-vơ-rốt này, với cái giỏ đựng đạn của nó, cứ chạy qua chạy lại, và càng lúc càng rõ lên trong ý nghĩ của tôi... chỗ chiến lũy đấy cũng có mỗi nó là trẻ con... Mà hồi ấy hình như chưa có xạ thủ bắn tỉa, thậm chí súng có khi còn chưa có kính ngắm...
Nhưng vừa quyết định dứt khoát là sẽ về chỗ tập kết ngay... thì ngay trước mặt tôi đã là cái ngã tư mênh mông rải rác những cột đèn cao áp một ngọn cong cong cao nghêu và gầy guộc, nằm ở góc bên trái, phía trước, khu vực Nhà Trắng.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...