Lập Trình Viên II (49)

Điện thoại ở phòng bên không có người trực, mà nếu có, thì cũng sẽ có những người này, người kia "đang bận lắm ạ... không thể nghe điện thoại được", — hôm nay chú Gô-ga nào đó ở ngoài phố chắc sẽ phải đợi chờ tương đối lâu.



*
*     *


— Chào cậu!
Âm thanh rất là xởi lởi này lẽ ra phải làm giật mình, nhưng tôi đã giật mình, nên không giật mình tiếp nữa, — khoảnh khắc trước đấy, tôi đã ngửi thấy mùi của "hệ thống âm thanh", mùi mà tôi đang nhớ nhung lắm, lẫn trong rất nhiều mùi tuyết.
"Cạch cạch, cạch cạch cạch..." — Vẫn liên tục rê qua rê lại giàn pháo hai khẩu và tới tấp nhả đạn vào những con trông vừa giống nhện, vừa giống ong, lại vừa giống như những cái đầu bò, đang chuyển động vòng vèo và loạn xị ngậu, tôi nghếch mắt nhanh một cái:
— Ồ, chào!
Rồi tôi lại chuyên chú "cạch cạch..." tiếp một cách vô cùng là mê say, — đang khóc ngằn ngặt, vớ luôn được một vú sữa to, mà lại nín ngay, thì còn gì là cốt cách?
— Tớ trên tàu điện, thì thấy cậu đang đi vào đây...
"Cạch cạch cạch...", tôi gật gật đầu, và định chỉ thế thôi... nhưng cuối cùng vẫn phải đưa mắt lên nhìn nó một cái, — nó vẫn sống động... và vẫn nhìn cố định vào tôi như vừa xong. Tôi nhoẻn cười, giương mắt một cái, rồi vội cúi xuống "cạch cạch..." tiếp.
— Đim-ma, điểm số của tớ ấy,.. cậu... bây giờ cậu chữa cho tớ, có được không?
— Tớ... cũng chẳng biết nữa. — Tôi ậm ừ.
— Tớ... hôm trước tớ cũng buồn cười thật, lẽ ra tớ phải để cho cậu sửa.
Tôi lại nhìn nhanh một cái, — chắc nó vừa đưa tay phải lên vuốt tóc, tôi rất nhớ cái động tác ấy, ở góc nhìn này, cái tai nho nhỏ, cái xương hàm thanh tú, rồi đến cái cằm xinh... quả nhiên là duyên ghê gớm; tôi nhún vai theo kiểu vô can:
— Giờ thì khó nói lắm. Tớ có muốn, chả chắc đã làm được.
— Sao thế?
— Sao?.. Chắc họ đổi mật khẩu rồi.
— H... Cũng có thể chưa mà... Hay là cứ thử xem?
"Cạch cạch..." — tôi tự rê hai khẩu pháo vào hứng lấy một chùm đạn to mà mấy con "đầu bò" vừa vãi ra... "Ùm!" — tiếng nổ dội lên, ầm vang trên nền những tiếng "chíu chíu...", một nắm lửa đỏ bùng sáng tại đáy màn hình, hai khẩu trọng pháo cùng mất tăm mất tích chẳng còn đến một pích-xeo!
— C... — Tôi buông hai tay như thể bị hất ra, văng một từ, không thành tiếng nhưng nhìn mồm thì ai cũng sẽ biết là từ gì đấy.
— Nào!.. — Nó nài nỉ. — Đi,.. Đim-mớt-trờ-ka!
Tôi nhìn nó:
— Ừ, thử xem vậy.
Vừa nói, tôi vừa chỉ chỉ tay vào màn hình:

-RESULTS-
SHOTS FIRED: 364
NUMBER OF HITS: 222
HIT-MISS RATIO: 61.0%

Rồi cau mày, dứ dứ ngón trỏ về phía nó.
Nhưng nom nó chẳng có vẻ gì là "hối lỗi" cả.
— Được rồi, tớ sẽ mua kem đền cậu!
Vừa tuyên bố thế, nó vừa sáp ngay vào, cầm tay tôi lôi đi, và cười rạng rỡ như thể người đang bước vào cửa chỗ đánh ghêm này không phải là thằng béo mặc bộ đồ thể thao Tàu màu cô-ban tươi "khoang" hồng thẫm kia, mà chính là Mai-cơn Giắc-sơn vậy.
Rạp Xpút-nhích ngày trước làm gì có chỗ đánh ghêm.
Mà dù có hay không, thì cái rạp chiếu phim Xpút-nhích ngày ấy cũng không giống với cái rạp chiếu phim hiện giờ.
Cuộc sống của tôi có hai người Phi Long, A-nhi-a được chừng gần hai năm, thì vào một buổi tối mùa xuân, anh An-tôn đến bên tôi lúc tôi đang ngồi xem vi-đi-ô Lý Tử Long ở căn hộ trên phố, — anh tôi chắc vừa ngoài phố về, còn tươi mùi vốt-ka Thủ Đô, mùi xì-gà Cô-hi-ba Cu-ba, và mùi xe Bê-em-vê, lúc ấy đã khuya.
— Tô-sa, anh đá được quả này không? — Tôi vội hỏi; lúc ấy, anh Lý vừa lao người vào tung một cước đá dúi dụi một đối thủ cao hơn anh đến gần cái đầu, và mặt có vết sẹo trông rất là dữ; vừa nói, tôi vừa tua ngược băng hình lại. — À... mới cả đá thế này là không dùng kỹ xảo chứ?
— Đá thật, nhưng mỗi anh Lý đá được thôi. — Anh tôi nhìn tôi, môi anh có nét cười. Những câu hỏi như thế, anh tôi ít khi trả lời thẳng.
Anh kéo cái đôn lại, ngồi xem với tôi hết cuộc đánh nhau, đến lúc có một anh giám trận, tay áo trắng thắt một cái dây vải sọc vàng sọc đen, ngồi xuống thò tay sờ vào cổ đấu thủ mặt sẹo đang nằm thẳng cẳng trên mặt đất, rồi quay lại phía giám khảo, đưa bàn tay lên ngang cổ mình, làm động tác cứa ngang nhẹ một cái, thì anh tôi lấy cái điều khiển, dừng hình lại.
Ngồi quay lại, anh cúi đầu nhìn sàn nhà, rồi nhìn tôi:
— Mai anh đi sớm. — Anh cắn môi. — Ra nước ngoài. Lần này lâu.
Lúc anh còn chưa nói, tôi đã thấy thảng thốt, mà không rõ vì sao; còn lúc đó thì trong lòng tôi đã nhộn nhạo hết cả lên, — anh tôi vẫn đi, có lúc đi lâu, có lúc đi nước ngoài, nhưng chưa bao giờ anh dặn dò tôi theo cách như vậy.
Tôi cố giữ vẻ ngoài cho điềm tĩnh nhất, — ở cạnh anh An-tôn tôi mà lại lóng cóng lập bập thì sẽ bôi bác lắm, — và cố không vội hỏi gì cả. Nhưng chắc trông tôi vẫn thế nào đó, nên giữa hai chân mày gần như giao nhau của anh tôi dường như đã thoáng một vết nhăn dọc.
A-nhi-a bảo anh An-tôn là người có ngoại diện nam tính nhất mà chị biết, — tôi hình như giống anh tôi có mỗi màu mắt. Tôi không phải con gái như A-nhi-a, nhưng quả thật anh tôi là người duy nhất ở trên đời mà trong mọi trường hợp, bất kể tâm trạng đang thế nào, chỉ cần ở bên anh, là tôi lập tức thấy thoải mái và yên ổn vô cùng, giống như từ anh tôi tỏa ra một sự che chở, — không biết với những người khác thì sao, chứ với tôi thì nó luôn tuyệt đối kiên cố.
— Giờ em chưa là người lớn, Đim-ma à. — Tai tôi lùng bùng, nhưng tôi vẫn nghe rõ anh nói. — Nhưng có nhiều chuyện, em bắt đầu phải biết cách tự lo cho mình. Nếu anh lâu về, có chuyện gì, em phải hỏi A-nhi-a. Và hỏi Phi Long... nếu nó còn ở đây.
Lúc ấy tôi không líu lưỡi, nhưng phải cố để không nói gì cả, — có một cảm giác rời rã yếu ớt sao đó, đang dâng lên rất nhanh từ bên trong, hay là bỗng ập rất nhanh từ đâu đến, tôi không phân biệt được, chỉ biết là rất khó kiểm soát nó, và nếu tôi nói gì lúc đó, thì e rằng sẽ không thể mà kiểm soát được nữa.
Hình như anh tôi đã nói gì đó nữa với tôi lúc tôi vòng tay ôm cổ anh, nhưng lúc ấy thì tai tôi đã ù hẳn, tôi chẳng còn nghe thấy gì.
Anh tôi đi, thì tôi hiểu ngay là cuộc sống của mình sẽ có thay đổi lớn. Cho nên khi bắt đầu nhận thấy những thay đổi trong đời sống thành phố, thì tôi cũng không xác định rõ được là đấy đúng là nó bắt đầu thay đổi thật, hay thực ra nó đã bắt đầu thay đổi từ trước, nhưng chỉ đến giờ, với một tâm thần mẫn cảm hơn, tôi mới nhận ra.
Mà thực ra có mẫn cảm hay không, thì tôi vẫn ang áng mường tượng được là dù cuộc sống này có lớn bằng trời, thì đối với một thằng người còn chưa lớn hết, nó bất quá cũng chỉ là một khoảnh vuông vuông cỡ bằng miệng giếng mà thôi. Cái nhãn quan nhìn đời của một đứa mươi mười mấy tuổi, chủ yếu là phải thông qua những người lớn gần gũi với nó — mặc định là bố mẹ, trong trường hợp tôi, thì đấy là mấy người anh chị lớn, — còn những gì nó tự nhìn, thứ nhất là ít, thứ hai là chả chắc đúng.
Khôn như Khổng Khâu, còn phải "tam thập nhi lập", nói gì phàm phu!
Khi ấy tôi cũng có hình dung, là những người lớn trong xã hội đang gặp phải nhiều vấn đề về vật chất, mà đấy lại là thứ tôi không mấy để ý, — kể từ lúc tự đi chơi được, so với các bạn, tôi luôn là đứa "giàu có" nhất, lúc Phi Long xuất hiện trước mặt tôi, tôi đang phì phèo một điếu xì-gà Cô-hi-ba, điếu đấy hình như bằng cả nửa tháng lương sinh viên của anh. Anh An-tôn tôi lúc nào cũng có nhiều tiền.
Cho nên cả khoảng thời gian mà những người lớn thường nhắc đến bằng những từ ngữ to và nặng ấy, tôi nhớ rõ có ba chuyện.
Gần năm mới — tức là cuối năm ngoái, — anh Xéc-giô ở ngoài phố về, vứt phẹt cái túi to lép kẹp xuống sàn, nhăn nhó:
— Không rượu, không thịt! Tất! Đi khắp cả rồi, Tết này chắc Tết suông!
"Koạch!" — Anh Kốt-xchi-a chọc mạnh cái bút bi xuống mặt bàn, anh A-li-ô-sa vụt nhổm dậy, thọc hai tay vào túi quần, rồi đứng im phăng phắc, mắt kính trắng nhìn tuyết trắng qua hai lớp kính cửa sổ.
— Mai Xéc-giô vào ốp Việt Nam mua rượu thịt với tao. — Phi Long, vẫn gõ lạch cạch, nói như nói với bàn phím. — Mà à... — Anh bỏ bàn phím, quay lại anh Xéc-giô. — Mình còn bao nhiêu tiền rúp, mai mày vét hết đi... mà... nếu phụ huynh ở nhà còn tiền rúp, bọn mày cũng về vét hết đi. Đem đi mua đô.
Anh cười:

"Ăn kêu, đi chậm, hay cười,
Vét hàng bách hóa, là người Việt Nam."

Đọc xong, anh dịch nghĩa hai câu thơ cho các bạn nghe, — chắc anh muốn làm mọi người phấn chấn lên một chút, nhưng hình như cũng không ăn thua.
Nhưng vẫn có rượu thịt ăn Tết, nhưng vừa Tết xong, thì rượu thịt chỉ qua một đêm đã đắt lên ba bốn lần.
Lúc Phi Long chuẩn bị về nước, thì rượu thịt đã tăng giá đến gần chục lần; chuyện thứ hai mà tôi nhớ rõ, là Phi Long đã bảo anh A-li-ô-sa:
— Mình vẫn còn đồ mà. Hết tiền thì bán đi tiêu. Hết hẵng hay. Ăn thua quái gì, chết làm sao được?! Có thế đã chết, thì tao phải chết lâu rồi, mày làm sao có khái niệm về tao?!
Còn hiện giờ thì cả tháng lương sinh viên của Vê-rôn-na chỉ ăn được có một ngày.
Giá cả thay đổi mà làm người lớn chết đói được, đương nhiên là gây sốc rồi; còn dễ nhớ những thứ liên quan đến Phi Long, thì tôi vẫn thế; nhưng nếu chỉ chọn ra một chuyện để kể về khoảng thời gian lủng củng ấy, tôi sẽ chọn một chuyện khác.
Cuối mùa hè, vâng lời A-nhi-a, tôi cắm cổ xào xáo cố rút ngắn khoảng cách kiến thức giữa hai trường học cũ mới, — tôi sẽ chuyển trường. Cuối tuần, cả đám anh chị tôi kéo nhau đi ngoại ô chơi, tôi cũng cố cương quyết không đi, — một là tôi đang lo thật, hai là tôi cũng muốn thể hiện quyết tâm của tôi. Tối Chủ Nhật, tôi học cũng khuya, nhưng tôi đi ngủ, thì A-nhi-a vẫn chưa về.
Sáng Thứ Hai, tôi dậy, thì chị đang ngồi trong bếp, áo quần tề chỉnh, dung nhan ngăn nắp, tách trà nóng bốc hơi nghi ngút, người thì đăm chiêu, đầu hơi cúi, ngón tay lúc lúc lại gõ lên mặt bàn. Chú Mi-khai-in đang ở Đức, cô Ma-ri-na chắc vừa đi đâu, A-nhi-a bảo tôi:
— Nghỉ học, hôm nay giải lao, sửa soạn nhanh, phải qua ký túc xá ngay.
Trên đường đi, A-nhi-a giải thích sơ bộ lý do tôi nghe. Chị em tôi đến, thì đã thấy anh A-li-ô-sa đứng với một đám các anh khác ở hành lang lối vào tầng một, đang bàn luận một cách tương đối nhốn nháo và nhiều xúc cảm. Lên tầng sáu, còn chưa đến cửa, tôi đã nghe tiếng anh Xéc-giô, cũng cùng một ngữ điệu như vậy:
— Hay là cứ kệ mẹ nó?!
— Không kệ được! — Anh A-li-ô-sa bước dấn lên, vừa đẩy cửa vào vừa nói, hầu như đồng thanh với Phi Long ở trong phòng.
— Vê-rôn-na với Kốt-xchi-a đến bây giờ. — Anh A-li-ô-sa tiếp. — Làm gì đây, chúng mày?!
"Chúng mày", nhưng mắt anh nhìn Phi Long.
— Phải xác định chỗ nào là tâm điểm, rồi phải có mặt tại đấy... Bọn mày phải có mặt tại đấy, tao thì... — Phi Long nhìn A-nhi-a, nhìn tôi, rồi quay lại A-li-ô-sa, anh thở phù một cái. — Tao chả làm gì cả.
Anh A-li-ô-sa nhìn Phi Long, hình như ngỡ ngàng, nhưng không nói gì.
— Tao... Một người Việt thò mặt ra đấy, chỉ làm sinh rắc rối không cần thiết. — Vừa nói, Phi Long vừa nhìn sang tôi; bất giác, tôi nhìn sang A-nhi-a.
Tôi quay lại thì anh đang nhìn sàn nhà, rồi anh bảo tôi:
— Em cũng nên ra đấy.
Anh quay sang A-nhi-a, thì A-nhi-a đến ngồi ghé bên mép giường, cạnh anh.
Phi Long hình như đang lủng củng thế nào đó, — về chuyện này tôi có lẽ dễ "cộng hưởng" hơn những người khác.
— Anh đi cùng... — anh cười với tôi, nhưng tôi thấy có phần gượng gạo... — có khi em sẽ phải bảo vệ anh đấy.
Lên khỏi bến tàu điện ngầm Krát-xnơ-prét-xnhen-xkai-a, chúng tôi đến được Nhà Trắng cũng phải gần chín giờ sáng, — còn sao lại Nhà Trắng, thì đây là "trực giác" của các anh tôi, nhất là anh A-li-ô-sa, theo hiện trạng mà nói thì cũng phải là của rất nhiều người Mát-xcơ-va khác.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...