Lập Trình Viên II (43)

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook






ĐIM-MA





— Èo, tao thì sẽ chả bao giờ đánh được thế!
Giọng thằng Mê-chi-a vừa có vẻ trầm trồ, lại vừa chán nản, — nó đang đỏ lừ khắp toàn thân. Chi tiết, thì cả người nó hiện chỉ có hai màu đen và đỏ: Tóc, lông mày, lông mi, hốc mắt, nửa sống mũi, ria, chỗ hở giữa hai môi, khoảng cổ dưới cằm, khóe cổ áo, thì đen sì; còn những chỗ khác thì đỏ lừ, một sắc đỏ hết sức lợt lạt và u ám, gọi là ma quái cũng được.
Vả mọi thứ quanh nó lúc này đều thế cả, kể cả tôi, cả thằng Phê-đi-a, với thằng Giê-nhi-a, lẫn cái khay nước to tướng đang hơi sóng sánh ngay bên cạnh chỗ tôi ngồi, — đây là đang ở trong phòng rửa ảnh của trường tôi.
— Chơi được tất! — Lấy một ngữ điệu khẳng định, tôi bảo nó.
Tôi vừa chơi một đoạn — từ chỗ "Anh muốn em, anh muốn em, anh muốn em..." — trong bài "Michelle" của ban nhạc "Beatles", bằng cái đàn ghi-ta "mậu dịch" của thằng Mê-chi-a, — tôi chơi theo kiểu "bán cổ điển" học theo táp nhạc cho ghi-ta mà Phi Long đã chép lại.
Theo cách thằng Mê-chi-a ngoảnh nhìn hai thằng kia, thì đầy vẻ thiếu tin tưởng, nên tôi thêm:
— Tao chỉ học mò theo táp cũng đánh được, giờ mày vừa có táp, vừa có tao...
— Táp là gì? — Nó hỏi.
— Táp là kiểu na ná như khuông nhạc, — tôi nhìn sang thằng Phê-đi-a, nó không có vẻ băn khoăn, — nhưng theo cách đơn giản là vẽ cả sáu cái dây đàn ra, rồi đánh dấu chỗ bấm... phím bấm ở trên đấy bằng số.
— Nhưng mà... — Thằng Mê-chi-a gãi đầu, chắc là nhăn nhó nữa, tôi hình dung ra vẻ nhăn nhó của nó, nhưng không nhìn rõ, vì chỉ có hai màu đỏ đen. — Tay bấm lủng củng quá, kiểu như... — nó giơ tay trái, tự nhòm nhòm bàn tay đang ngửa ra, mấy ngón tay cùng vặn vẹo — không đủ ngón.
— Đủ! — Tôi phì cười. — Mà... kể cả là không đủ... một thằng không đủ, thì ở đây có bốn thằng cơ mà!
Giờ thì đến lượt thằng Phê-đi-a phì cười, nhưng vừa bắt đầu cười, thì nó nghệt ra ngay:
— Ờ... bốn thằng, bốn cái đàn, thì đánh thế nào? Đánh cùng một lúc... đồng... như hát đồng ca à?
— Phải chia nhau ra chứ! — Tôi nói, vẻ thành thạo. — Một thằng đánh bát, một thằng đánh lít, với một thằng... à còn hai thằng thì quạt ch... — tôi đang nói "quạt chả", thì nhớ ra là mấy thằng này hoàn toàn chẳng biết ở Hà Nội nướng chả ra sao, nên tôi vung tay lên xuống mấy nhịp, như đang đệm đàn, nhưng không chạm vào dây — thì đánh chát bùm bùm... đại khái thế.
Tôi nói còn chưa hết câu, thì đã có hai câu hỏi vang lên cùng một lúc:
— Bát là gì?
— Chia nhau thế nào?
Câu đầu là thằng Mê-chi-a, câu sau là thằng Phê-đi-a.
Nếu cứ tiếp tục thế này, thì uy tín — chủ yếu là do thằng Mê-chi-a tạo dựng cho — của tôi chẳng mấy mà sẽ bị suy suyển một cách nghiêm trọng. Lúc đầu, thật bụng tôi chẳng hề nghĩ đến chuyện "uy tín" này, nhưng bây giờ nếu làm mất nó, tôi lại ngại bẽ mặt, vả lại tôi cũng tiếc lắm chứ, tiếc thật lòng.
Thằng Mê-chi-a gặp tôi ở Nhà Văn Hóa trường A-nhi-a hôm trước, thì hôm sau, hầu như cả lớp đều biết chuyện "Đim-ma lớp mình đánh đàn với Mác-tin Na-di-mốp hẳn hoi". Mấy đứa con gái An-giê-lích-ka, La-ri-xa... đều nhìn tôi với ánh mắt rất khác, — Cla-ra thì khỏi nói rồi. Mà khoái nhất, là bọn Giê-nhi-a với Phê-đi-a hai thằng đều tỏ ra rất là hưng phấn, — nên mới có buổi hẹn hò "ra mắt" hôm nay.
Tôi nhăn mũi, phẩy tay:
— Ngón tay thì chả sợ thiếu, những thứ bát, táp, vân vân... tập thì khắc biết, tất nhiên, nói gì, cũng phải tập tương đối. Nhưng mà, — tôi lại nhăn mũi, phẩy tay thêm phát nữa, — đấy không phải là cái quan trọng nhất đâu. Quan trọng nhất là... — Chuyện này tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tử tế, nhưng hiện phải có cái để nói, mang máng cũng được, đâm lao là thằng Mê-chi-a, nhưng thằng phải theo lao bây giờ, là tôi. — Phải có cái gì đó... một cái ý gì đó của mình... để mà thể hiện ra.
— Cụ thể... thì là ý gì của mình? — Thằng Phê-đi-a hỏi.
— Thì... — Tôi ngắc ngứ. — Cụ thể... Tao cũng chưa biết. Chỉ cảm thấy phải có cái gì đấy, nó phải... chứ nếu không thì...
Tôi so vai, xòe cả hai bàn tay ra, nhưng quả thật không biết nói gì nữa, may mà thằng Giê-nhi-a đã hỏi:
— Thế có chỗ nào, như ở trường nhạc ấy, dạy về cái này, cái của mình này không?
— Đấy, — tôi quyết định nói đại, — chuyện ở chỗ là không có!
Tôi nói quả quyết lắm, nhưng chỉ thế có lẽ chưa đủ, bây giờ phải có chuyện để phân tán sự chú ý của chúng nó ra khỏi cái khẳng định không chắc chắn lắm này; từ đầu, tôi vẫn cố không "viện dẫn" anh Mác-tin để khỏi mang tiếng là phải "về gọi anh", nhưng cố gắng nào e là cũng đều có những giới hạn cả...
Hình như tôi vẫn đang phân vân, thì mồm tôi đã tự nói:
— Anh Mác-tin bảo, lúc đầu họp nhau được một nhóm, tập chơi; chơi, chủ yếu cố nhại theo băng, thấy xuôi xuôi, thì thích lắm, mặc dù tiếng Anh có bài toàn hát nhại, không hiểu lời; rồi ở trường hễ có dịp này dịp khác, thì luyện kỹ một hai bài rồi lên "biểu diễn"; diễn vài lần, hóa ra cũng hoàn toàn không tệ, được mọi người hâm mộ hẳn hoi. — Tôi thở dài, cắn môi. — Nhưng như thế được một ít, thì chán, không còn thấy có nhiệt tình tập tành gì nữa...
— Rõ rồi! — Giọng thằng Mê-chi-a mừng rỡ; vừa nói, nó vừa cầm ngón cái và ngón trỏ tay phải vào nhau, dứ dứ về phía trước. — Họ không tìm được đường nét sáng tạo riêng!
Thằng Phê-đi-a nhìn nó, miệng đã bắt đầu ngoác ra, nhưng nụ cười dừng ngay ở đấy, rồi chuyển thành giống như một cái nhếch mép rộng, — thằng Giê-nhi-a đang nói bằng giọng nghiêm túc:
— Chuyện này rất khó. Có cái của mình để nói đã khó. Để người khác muốn nghe còn khó nữa. Mình phải biết được thứ hay hơn so với nhiều người. Về bản chất, tự chính mình phải là những người thật hay.
Nó nhìn thằng Phê-đi-a, — đây là kiểu hỏi bằng mắt, rõ ràng hai thằng quen thảo luận với nhau, — thằng kia giống như trong lúc nghe đã đón ý và chuẩn bị xong câu trả lời, nên nói ngay như không cần nghĩ:
— Sợ gì! Khó dễ, thì cũng phải bắt tay vào để có hình dung cụ thể. Phải lao động chứ. Mình sẽ luyện tập. — Nghiêng người, hớt bàn tay trái lên ngang tầm mặt, ngón cái vểnh lên, ngón trỏ duỗi thẳng, như khẩu súng lục, đầu ngón trỏ lồng trong một vòng dây mềm, cuối vòng dây lủng lẳng một cái chìa khóa ống to cồ cộ, nó cười. — Xtu-đi-ô hoàn toàn nằm trong quyền hạn phân phó của chúng ta...
"Kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch".
Tôi nhớ Phi Long, lúc nói chuyện về thơ Trung Quốc đời Đường, đã bảo: "Tai người, nếu nghe bảy tiếng đều đều liền tù tì, hình như sẽ tự động đặt trọng âm vào tiếng thứ tư", — lúc này tôi đang nghe thấy đúng như vậy.
Bảy cái gõ dõng dạc lên cánh cửa gỗ làm cho chúng tôi cả bọn — chắc thế — bốn đứa cùng giật nảy mình; nụ cười, một lần nữa lại tắt đi giữa chừng trên môi thằng Phê-đi-a; rất nhanh, thằng Mê-chi-a nhổm dậy, nhoài người lên mặt bàn, một tay vịn vào đùi thằng Phê-đi-a đang ngồi trên đấy, tay kia với qua mép bàn phía trong, sát tường, — ánh sáng đỏ phụt tắt.
"Kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch kịch".
Lần này là chín tiếng liền, nhanh và mạnh hơn, còn vang lên trong bóng tối tuyệt đối, nên dù không còn làm giật mình nữa, nhưng lại khiến cho hoàn cảnh bị một không khí khủng bố bao trùm; lẫn vào với hai tiếng cuối là một giọng đàn ông:
— Mở cửa ngay!
Nghe tiếng — chắc là — thằng Mê-chi-a thì thào gì đó rất nhanh và lộn xộn, tôi đang cố phân biệt, thì một khoảng sáng dựng đứng hình chữ nhật đã bừng lên, trong đấy có một bóng đen giống như bóng trẻ con, nhưng to.
— Họ đang rửa ảnh cơ đấy!
Thằng Mê-chi-a chắc đã không quên treo cái biển "Đang rửa ảnh" ra ngoài cửa.
Những tiếng này vang lên cùng với một tiếng "tách" nhỏ, và theo phản xạ tự nhiên, tôi đã có một cảm giác phấn khởi, vì ánh sáng bừng lên và mọi thứ bỗng thật là sáng sủa.
— Ảnh gì vậy, hả, các cậu? Ảnh hút thuốc chứ gì? — Câu hỏi không có vẻ khủng bố, nhưng bác Bô-rít đang nhìn chúng tôi bằng cái nhìn đầy cân não.
Tuổi năm mươi — cộng trừ, — tóc nâu, thực ra thì là đang bắt đầu hói, nhưng trông lại giống như trẻ con đang mọc tóc máu; quần nâu nhờ nhờ, cũ rồi, nhưng — chắc là mới — được là cháy li; áo bay màu ô-liu sẫm cài kín cổ, cùng thời hạn với quần; ngoài khoác một chiếc áo len không cổ, hai vạt, không cài cúc, màu lính thủy đánh bộ nhưng tối gần như đen, hai khuỷu tay có hai miếng da chắc đúng là đen, hình quả trứng; mọi đường nét ở bác Bô-rít đều có vẻ tròn tròn, mặc dù bác chỉ hơi bụ thôi, không gọi là béo tròn được.
Bác Bô-rít có vẻ thuộc loại lành, nhưng lành chắc là thường đi đôi với dát, mà những người dát thì hay sợ những thứ mơ hồ; và "Có nên tha cho những học sinh vi phạm kỷ luật — dù là vi phạm nhỏ, nhưng lại rành rành ra — hay không?" thì quả là một chuyện đúng sai rất mơ hồ; còn nếu như đã sợ kiểu thế, thì lại dễ sinh phản ứng; cho nên bác Bô-rít lúc này, dù trông vẫn hiền lành — vì người lành thật, thì có muốn làm ra dữ tợn cũng không dễ — nhưng rõ là không có nhiều thiện cảm.
Trong mấy đứa bọn tôi, không lạ lắm là thằng Mê-chi-a là thằng thạo môn thanh minh thanh nga nhất:
— Dạ không, bác Bô-rít. — Đứng tì mông vào mép bàn, người chùng xuống, tay trái buông thõng, tay phải chống nạnh, mặt mũi đầy vẻ oan ức, nó đáp.
Bác Bô-rít đảo mắt nhìn quanh, môi mím lại, mũi hít hít mấy cái, thành hẳn tiếng "xịt xịt...", rồi cất giọng đầy nghi hoặc:
— Tin các cậu được không, hả?
— Dạ được ạ, — thằng Mê-chi-a ghếch ghếch bàn tay trái, cứ ghếch một cái thì vai bên đấy lại nhún một cái, — bọn cháu hút thuốc trong toa-lét ạ.
Bác Bô-rít đút hai tay vào túi quần, bước mấy bước lại gần, miệng cười cười, kiểu cười "thành thạo":
— Còn giờ học thì sao? Sao các cậu dám bỏ tiết?
Thằng Mê-chi-a nhíu mày, mắm môi, nhìn xuống mũi bàn chân, thế là phải đến lượt thằng Phê-đi-a:
— Giờ Sinh Vật ạ, hôm nay làm ở phòng láp, bọn cháu quên không ghi lại lịch.
— À. — Bác Bô-rít gật gù. — Chơi rong hóa ra là tốt hơn làm thí nghiệm Sinh Vật, hả?
— Dạ... Theo quan điểm lý thuyết thì đúng là không tốt, nhưng thực nghiệm lại chứng tỏ rằng trong một số trường hợp thì đây là phương án tối ưu và đem đến một hiệu quả học tập tương đối cao, vì ở phòng láp thì thực tế cho thấy là ít nhiều sẽ khó nhận ra những người vắng mặt hơn, và thủ tục điểm danh nói chung diễn ra hoàn toàn không mang tính thường xuyên, nhưng nếu như có mặt, ngồi lù lù ở đấy, thì lại rất dễ gây chú ý, dễ bị nhận ra, chỉ cần lóng cóng một chút, là mặc định có thể coi như cầm chắc điểm hai...
Thằng Phê-đi-a tuôn ra liền một mạch một đống trơn tru về câu từ và ngữ điệu nhưng tương đối bát nháo và loanh quanh về nội dung, là nó phải có chủ ý của nó, nhưng bác Bô-rít hóa ra không phải chỉ biết cười theo kiểu "thành thạo", — hai tay vẫn đút túi quần, bác theo dõi bài diễn văn của thằng Phê-đi-a một cách chăm chú, vừa nghe vừa gật gật đầu... bất ngờ bác bước tới một bước, hơi cúi người, vòng tay trái ra phía sau lưng thằng Phê-đi-a, và tóm ngay trúng cần của chiếc đàn ghi-ta mà tôi đang tì một tay lên ngọn để giữ cho đứng thẳng — núp — ở phía sau thằng Phê-đi-a.
— Cậu... định khua môi múa mép đánh lạc hướng tôi à? Các cậu đang làm cái gì ở đây? Hả? — Giọng bác Bô-rít chưa đến nỗi gay gắt, nhưng ngữ điệu rõ ràng đã "cứng" hẳn hơn, nhất là tiếng "Hả" cuối cùng.
Giờ thì phải tới lượt thằng Giê-nhi-a:
— Bác Bô-rít, thực ra là bạn Đim-ma Grút-skốp — nó ra hiệu về phía tôi — đang giảng cho chúng cháu về âm nhạc hiện đại...
— Ồ... — Bác Bô-rít nghiêng hẳn đầu qua một bên để nhìn tôi "toàn cảnh" hơn phía sau lưng thằng Phê-đi-a. — Vậy là giảng viên cơ đấy! Như các cậu à... thì còn phải nghe bài giảng của người khác nhiều, rồi hãy tính chuyện giảng bài của mình! Bài của các cậu, những thứ mà các cậu nghĩ, trước mắt chả có ai thèm quan tâm đâu!
Không biết ba thằng "ma cũ" kia thế nào, chứ tôi thì quả thực chưa bao giờ tôi hình dung bác Bô-rít lại có thể "đáo để" như thế.
— Bác Bô-rít I-u-rê-vích, — dù đã hình dung hay chưa, thì thằng Giê-nhi-a cũng rõ ràng là không thích chuyện này, — ở lứa tuổi bọn cháu, tuy chưa phải người lớn, nhưng có nhiều thứ, cũng không hoàn toàn còn là trẻ con nữa...
— Như Gri-ba-e-đốp đấy bác, — tôi đang muốn nghe thằng Giê-nhi-a nói tiếp, thì thằng Mê-chi-a, chắc nghĩ mình đã đón được ý thằng kia, vội lanh chanh xen vào, kiểu theo voi hít bã mía, — bằng tuổi bọn cháu đã học xong đại học, và biết những năm ngoại ngữ rồi...
— Còn Pút-skin, — thằng Phê-đi-a, có lẽ đã nhận ra ngay chiều hướng có lợi, nên tiếp tục ngữ điệu diễn giả, nhưng còn cao giọng hơn trước, chồng chéo tiếp thông tin lên, — thì từ lâu đã được cụ Đê-rờ-gia-vin để ý tới, và ủng hộ một cách vô cùng nhiệt liệt...
— Bằng tuổi bọn cháu, — không nhịn được, tôi cũng té nước theo mưa, — Giôn Lê-nân đã lập ban nhạc riêng, chỉ vài năm sau thì đã thành Bít-tơn danh bất hư truyền... đấy ạ!
Tôi không chủ ý, nhưng có lẽ lòng tự ái của tôi đã bị động chạm ít nhiều khi bác Bô-rít có ý bỉ bai "giảng viên âm nhạc hiện đại", cho nên nó đã tự động "kích hoạt" Giôn Lê-nân.
Nhưng trái với kỳ vọng của thằng Phê-đi-a — nếu như đúng là nó đã kỳ vọng như thế, — bác Bô-rít, Bô-rít I-u-rê-vích, tuyệt chẳng có biểu hiện gì là bị bối rối trước lối tấn công dồn dập từ nhiều hướng của chúng tôi, — mắt sáng lên đầy hứng thú, và với một vẻ hoàn toàn không ngán đương đầu, bác giơ cao mấy ngón tay phải lên trước mặt, lưng bàn tay nhấn nhẹ một cái về phía chúng tôi:
— Thế đấy! Những ví dụ của các cậu mới hay chứ! — Bác cười. — Các cậu lưu ý cho. — Tay phải bác lại nhấn một cái. — Họ toàn là những thiên tài cả đấy!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Nhưng thằng Mê-chi-a, không hiểu có ngỡ ngàng tí nào không, nhưng rõ ràng mải "theo lao", nó đang rơi vào tình trạng điếc không sợ súng:
— Thế bác biết gì về chúng cháu nào? — Khoanh hai tay lên trước ngực, nó hếch cằm, nhìn bác Bô-rít như nhìn một người nông dân. — Có khi sau này, bác sẽ tự hào vì đã từng quen biết với bọn cháu!
— Hứ... — Nhắm tịt hai mắt, chân mày kéo lại thành một nét hoạt kê, bác Bô-rít vừa cười không thành tiếng nhưng hồng hết cả đôi má bụ bẫm, vừa lắc lắc đầu.

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Lập Trình Viên II (42)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Di như thế, chủ yếu không phải để tắt thuốc, — anh Ngạn tiễn tôi lên tận đây, hẳn nhiên không chỉ để hút thuốc và búng đầu lọc vào tường.

Hơi cuối đã phải là một hơi dài, nên anh Ngạn phì hết khói trong phổi ra thì được một vầng mù mịt; cắn môi, khịt mũi nhẹ một cái, cuối cùng anh — cũng — mới cất lời:
— Tất cả những chuyện này... — Anh thở nằng nặng. — Nếu có thể... giá chú Cao không biết, là tốt nhất.
— Anh yên tâm, em không...
Hơi lạ, là tôi quả thật hoàn toàn chẳng thấy thắc mắc chút nào chuyện sao lại phải "thiếu rõ ràng" như thế, mà chỉ muốn nói gì đó ngay, và thật dễ nghe, để anh Ngạn không bị cảm thấy khó xử; nhưng anh Ngạn đã ngắt lời tôi:
— Chú Cao đã cẩn thận dặn anh, là không được để em... phải biết tới những chuyện này. Đây là tự anh. — Anh Ngạn nhìn tôi, rồi lại nhìn xuống khoảng tối bên dưới ở phía ngoài sân thượng. — Tại anh lo lắm.
— ...
— Trận bài tuần tới, tiếng là hơn thua có vẻ như nặng về danh dự, nhưng muốn nói thế nào, thì không có tiền, thật nhiều tiền, làm sao chơi được canh bạc như vậy. Đánh kiểu đó, thì tiền tố coi là vô hạn định, và không chỉ để thanh toán, mà trực tiếp là một thứ quân bài luôn. Đó là chưa nói, loại người như họ, có nhiều thứ là quan trọng với người khác, nhưng họ thì sẵn sàng bất chấp; sát phạt tới lúc đỉnh điểm, chỉ cần có chút tỉ lệ cơ hội, là họ sẵn sàng mang cả tay chân mắt mũi ra đặt cược để ép nhau ngay; nếu cần nhiều tiền, cần giấy tờ thế chấp tài sản, đất đai, thì phải có người chống lưng, đảm bảo cho họ về tài chính. — Anh Ngạn thở dài. — Lần này, chú Phiên phải nhờ đến chú Cao.
Lúc về, anh Ngạn bảo tôi:
— Anh về nghen, hảo hán.
Không biết có phải vì là "hảo hán" hay không, mà anh Ngạn về đã được một lúc, tôi vẫn không thấy buồn ngủ chút nào. Bây giờ mà rượu nữa... mồm miệng e đã lợt lạt mất rồi; may vẫn có hai bao Marlboro đỏ dính ở đầu tút, tôi bóc một bao đem ra chỗ hai anh em vừa đứng, ngồi lên gờ bê tông, thõng hai chân ra ngoài, châm thuốc hút.
Hồi còn bé, có lần Hà Nội bị động đất nhẹ, tôi và mấy đứa "chiến hữu" đã háo hức kéo nhau ra trạm xá xem một anh sinh viên Lào bị gãy chân, — anh này đang ngồi "thõng hai chân ra ngoài" trên lan can tầng hai, nên bị rơi tọt xuống lúc động đất.
Sau vụ đấy, bọn trẻ con chúng tôi có xu hướng tranh nhau ngồi "thõng hai chân ra ngoài" ở trên nhà gác hơn, — trẻ con thích mình dũng cảm.
Về sau tôi vẫn hay ngồi như thế, nhưng tôi đã được học toán xác suất, và xác định là con người ta không nên sợ những gì có xác suất rất thấp.
Sau những chuyện lạ lùng xảy ra với tôi, Kốt-xchi-a — vốn cũng đồng quan điểm "không tránh xác suất thấp" với tôi — đã bảo tôi ngay, và rất nghiêm túc, là trường hợp của tôi có khi lại rất phải để ý những xác suất kiểu này. Tôi ừ hữ cho chúng nó đỡ lo, — thực ra, liên quan đến "trường hợp của tôi", đầu óc tôi đã mệt mỏi lắm, hầu như không còn khả năng nghĩ tiếp nữa.
Anh Ngạn đã bảo "loại người như họ".
Có thể nói tất cả mọi người, mỗi người đến một lúc nào đó đều sẽ phải đối mặt với vấn đề mưu sinh. Chú Phiên khi đó, phấn khởi với tài năng bài bạc trời phú của mình, đã nghĩ đấy sẽ là một cách mưu sinh rất tốt. Những người bài bạc cứ việc sát phạt lẫn nhau, ai tính toán giỏi hơn thì thắng, kiếm được tiền, và không làm ảnh hưởng gì đến những người — không bài bạc — khác. Đến lúc hiểu ra việc có thể tồn tại trong giới cờ bạc chỉ với khả năng tính toán thuần túy chân phương, là hoàn toàn viễn tưởng, thì chú Phiên đã phân vân. Nhưng sự phân vân đó, như chú nói, chẳng qua cũng giống như một chiếc lá khô giật mình xoay ngang ra giữa dòng nước chảy. Sau nữa, cứ khách quan mà nói, thì kỳ nghệ đúng là một môn kiến thức tổng hợp bao hàm nhiều hiểu biết tế vi khó thể phủ nhận là tuyệt hay và rất có sức hấp dẫn, — nó là thứ kiến thức "gây nghiện".
Và chú Phiên thì lại đúng là một con nghiện chân chính, thuộc hàng phải lâu lâu mới có một.
Nên "chiếc lá" quả thật không thể dừng lại được, theo đúng nghĩa đen. Nhưng cuối cùng cũng chính nhờ thuộc tính "bất khả dừng" này mà ngành kỳ bẽo mới bị thiếu vắng đi một tay cự phách.
"Chuyện này cũng giống như một người chạy đua," chú Phiên đã kể với tôi, "tới lúc gần cán đích, thì trong thâm tâm lại nổi lên một mong muốn "phá đám" không thể nào kiềm chế được. Cái đó như một thứ bản năng, mạnh hơn mọi năng lực tự chủ. Khi đó mọi cảm giác đều vô cùng linh mẫn, giống như mình có thể làm chủ được mọi thứ, tất cả đều theo ý mình muốn, và việc theo đuổi tới tận cùng thứ cảm giác linh mẫn đó trở thành việc duy nhất mà mình sẽ làm, tất cả những chuyện khác đơn giản là không còn tồn tại nữa.
"Một người chạy đua tới lúc sắp sửa cán đích chợt nhận thấy đó mới là lúc mình đang chạy đúng theo cách chạy mà mình thích nhất từ trước tới giờ, có thể đạt tới tốc độ cao nhất chưa từng có, và điều duy nhất anh ta muốn, ngay lập tức và không thể cưỡng lại được, là chạy theo cách đó và đạt tốc độ. Không còn vạch đích, không còn cuộc thi, không còn đối thủ, không còn kỷ lục, không còn trọng tài, không còn điền, không còn kinh, không còn khán đài...
"Một người chạy đua gần tới đích thì bỏ đường chạy, chạy lung tung khắp sân bãi, lên cả khán đài, quệt ngã mọi thứ trên lộ trình... thì có lẽ sẽ bị nhốt vào nhà thương điên. Còn một tay kỳ bẽo trong một trận chơi lớn... cậu hình dung thử coi."
Tôi lại cười ảo não, nhưng lần này thoải mái hơn, vì được ảo não một cách công khai, không phải âm thầm như lúc đang nghe chuyện.
Chú Phiên, dù là thông tuệ và lịch duyệt thế, nhưng hẳn có nằm mơ thì cũng chẳng bao giờ chú ngờ được, là trong số — chắc rất không nhiều nếu có — những người từng nghe chuyện của chú, thì tôi chính là người hiểu chuyện hơn cả.
Tôi chưa từng coi cuộc sống là thứ đơn giản — nếu có, thì chuyện đó hẳn cũng phải đã lâu lắm. Tôi, một cách rất cá nhân, còn gặp phải — hay gặp được (?) — một chuyện, mà ngay cả con người quảng bác tuyệt vời nhất là thày Đét-lam yêu quý của tôi cũng phải cho là chuyện phức tạp khó hiểu số một. Nhưng ngay lúc này đây, cảm nhận rất rõ ràng là mình đang lều phều trên một bề nước mặt nông choèn còn cuộc sống với những gì đang diễn ra ở quanh tôi là một cái biển không biết còn sâu tới đâu nữa, vẫn gây cho tôi một ấn tượng lạ lùng đến thảng thốt.
Và lẫn trong trực giác "lều phều", chới với vì bị cách tương đối xa những gì — có thể — đang tồn tại ở những chiều sâu và những góc cạnh bên dưới, giữa sự phân vân xa gần thật giả đầy lạ lẫm và vô lý so với các chuẩn mực tôi vẫn quen lấy để định hướng, có một nỗi bất an lúc đầu chỉ rất mơ hồ giống như một nhận thức là nó đang tồn tại đâu đó ở đấy, nhưng rồi nó lớn lên rất nhanh, vượt lên mọi thứ khác, và hầu như tức khắc choán hết tâm trí tôi...
Mai Phương.
Tôi nhìn thấy Mai Phương rất rõ: áo dài trắng, gương mặt trắng xanh đang cáu giận, lông mày nhíu lại, quai hàm động đậy, môi trên nhướng lên... giữa đám đông nhốn nháo... Và tôi chợt hiểu là nỗi bất an thực chất vẫn luôn ở đấy, chỉ là chưa bao giờ tôi nhìn nhận nó một cách rõ ràng và đầy đủ như lúc này.
Trong cái quang cảnh đó, và không có tôi bên cạnh, Mai Phương sẽ thế nào?
Từ trong thâm tâm, ở tôi chưa bao giờ xuất hiện suy nghĩ mình là cái gì đó quan trọng lắm, chưa nói một chỗ dựa gì đó, đối với nó, chỉ đơn giản tôi rất hiểu là nó đã quen với sự có mặt của tôi, — cũng như tôi, với sự có mặt của nó. Tôi luôn thấy thật dễ chịu khi ở bên nó, và nó — chắc — cũng vậy (ít ra tôi chưa từng nhận thấy biểu hiện khác). Như ngay hiện giờ đây, ngày ngày gặp nó, cùng nói những chuyện, cùng làm những việc mà cả hai anh em đều rất quan tâm, và đều có thể — và rất hiểu cách — chia sẻ với nhau, thì cả hai anh em tôi đều thấy thích lắm. Chúng tôi — từ lâu — đã quen như vậy, và hình như cả hai đứa — hay chỉ mình tôi (?) — đều chưa bao giờ nghĩ là đến một ngày nào đó chúng tôi sẽ vĩnh viễn không còn có thể tiếp tục như vậy được nữa. Và đó thực ra là một ngày rất xác định, — độ nửa năm nữa tôi đi, và Mai Phương và tôi...
" Anh... với em sau này cũng thế."
Giật mình, tôi lắc vội đầu mấy cái; hôm ấy nghe nó nói thế, tôi đã phấn khởi về chuyện Sao Hôm, Sao Mai, còn ngay lúc này đây, tôi tuyệt chả còn muốn hôm mai gì sất, — tôi đang thật sự hoảng hốt. Sao có thể thế được? Tôi với nó, và không bao giờ còn gặp, không bao giờ ngồi cạnh, và cầm tay nhau, và ngó nghiêng, nghe ngóng, và rủ rỉ, và cười thích thú nữa? Không, chuyện này... Tôi sẽ bị nhớ nó lắm, sẽ buồn lắm, chuyện buồn này thì tôi đã rất biết...
Đột ngột, như bất ngờ bị đập một cái, tôi bỗng hình dung rõ ràng một chuyện, và hình dung này đã đến cùng với một xúc cảm bối rối sâu xa, — bối rối vì khó xử, khó xử vì không hiểu, và sự không hiểu này, rất cụ thể và trực tiếp, nhắc nhở về một thứ giống như lỗi lầm cá nhân, hoặc là thiếu sót, hay chí ít, là sự kém cỏi trong nhận thức.
Tôi chưa bao giờ thấy lo lắng cho A-nhi-a cả.
Trước giờ, thật vậy, luôn là A-nhi-a lo lắng cho tôi. Sao có thể thế?!
Tất nhiên, tôi sang nước A-nhi-a học, đại khái đã na ná như một người Mèo khăn gói ra Hà Nội học trường Bách Khoa, — một người Mèo, "Giàng A Long", ở Bách Khoa Hà Nội, nói chung, và hoàn toàn đúng đắn thôi, sẽ gây quan tâm hơn so với một người Hà Nội ở Bách Khoa Hà Nội. Rồi còn chuyện những người Mèo ở Hà Nội hay bị công an mang súng đến kiểm tra chỗ ở, kiểm tra giấy tờ, bắt nằm úp mặt xuống đất, hay đứng úp mặt vào tường... Và sau tất cả, là những chuyện rất lạ lùng đã xảy đến với tôi...
Những cái đó không có gì là khó hiểu. Khó hiểu, là tình cảnh "lo lắng đơn phương" này đã tồn tại trong suốt từng ấy thời gian, mà tôi hoàn toàn không hề để ý đến nó.
Chỉ vừa rồi, khi cảm nhận rõ, là nếu phải xa Mai Phương lâu, thì trên tất cả những chuyện buồn, nhớ... ở tôi sự lo lắng bất an sẽ là nỗi niềm lớn nhất, là tôi thật sự muốn luôn có thể ở bên nó vào những lúc cần thiết... thì theo một phản xạ so sánh nào đó, tôi mới chợt ý thức rành mạch đặc trưng vô ưu đến mức thảm hại trong tình cảm của mình đối với A-nhi-a.
Tôi rất muốn nghĩ tiếp chuyện này, nghĩ cho thật ngay ngắn. Nhưng vừa muốn như vậy, vừa thở ra một hơi dài, đuổi hết khói thuốc ở trong phổi ra, thì dường như, cùng với luồng khói thuốc có mùi hơi khen khét, y như đã được thỏa thuận từ trước, mọi kiểu sức lực: cơ học, tinh thần, cảm tính, lý tính... cũng cùng nhau đồng loạt rời bỏ thân thể — và những gì tôi và những người khác đều không nhìn thấy nhưng lúc nào cũng phải luôn có ở đấy, và có liên quan mật thiết với thân thể — tôi. Trùm lên tất cả mọi cảm giác, suy nghĩ, mong muốn.., trùm lên và đè xuống bằng một sức nặng hình như không gì cưỡng lại được, là một sự mỏi mệt vô biên.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Lập Trình Viên II (41)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Chú Phiên gật đầu, nâng chén rượu nhấp một ngụm nhỏ, mím môi thở sâu một hơi, rồi cố định ánh mắt vào tôi, chú hỏi:
— Vậy người khác có thể dạy được không?

Tôi thở dài, — mô-đun "dạy — học" vốn trước giờ chỉ là chương trình sử dụng "nội bộ" của mấy đứa chúng tôi, nên hoàn toàn không có mật mã truy cập gì hết; chưa kể cả hệ thống đều là chúng tôi vừa dùng vừa tự phát triển tiếp, nên dù phần này Kốt-xchi-a làm là chính, nhưng đứa nào cũng cũng có thể mở xuộc-cốt ra mày mò nếu tự thấy cần, rồi nói lại với những đứa khác.
— Người khác có thể sử dụng chương trình dạy, — tôi bảo chú Phiên, — nhưng còn có dạy được không... Chuyện này thực ra rất phức tạp. Nếu không được hướng dẫn... cháu cũng không hình dung là có ai đó lại có thể tự mày mò mà làm được. Chỉ có điều, — tôi thở dài thêm lần nữa, — trên ổ cứng cũng có tài liệu hướng dẫn, không chi tiết lắm, nhưng tương đối đủ về chức năng. A... mà tài liệu không phải bằng tiếng Việt, là tiếng Nga.
Tôi không nói với chú Phiên chuyện có thể sửa trực tiếp xuộc-cốt, — hệ thống này, nói gì thì cũng chi chít những thuật toán đĩnh đạc, có những thứ quả thật không phải ai cũng làm cho chạy ở trên máy tính được, nó không phải chương trình "Chào Thế Giới!", ngay bọn tôi tự đọc lại mã chương trình do chính mình viết, nhiều khi còn chả hiểu gì, nên tôi nghĩ có đứa dở hơi mới đi vùi đầu vào tìm cách "làm chủ" cái đống mã nguồn đấy.
Chú Phiên gật gù, nhưng theo bối cảnh thì chắc không phải là tâm đắc hay tán đồng gì, có lẽ chỉ xác nhận đã nghe đủ nội dung được nói. Rồi chú hỏi:
— Còn những gì đã có, dữ liệu có sẵn đó, đã có gì liên quan tới...
Vừa nói, chú vừa làm động tác xòe bài, nên thấy tôi gật đầu thì chú không nói hết câu.
Tôi lại thở dài, tôi đang nhìn thấy gương mặt thật thà với cặp mắt trong xanh màu nước biển, đang ngơ ngác, — giật mình vì bị làm phân tán bất chợt giữa lúc đang mải lóc đóc với những hàng chữ màu xanh lá cây đang phát sáng dày đặc trên khắp màn hình tối đen, — của chàng Xéc-giô, bạn tôi.
Hệ thống này có "hiểu biết" về bài bạc, dĩ nhiên rồi! Nhưng hiểu biết tới đâu, thì quả thực tôi cũng không biết.
Và tôi vừa thở dài, thực ra là vì "hiểu biết" này của hệ thống, hay vì tôi đang nhớ Xéc-giô, nhớ các bạn của tôi?
Hay còn vì một nguyên do mơ hồ nào khác nữa, mà tôi ít nhiều đã cảm nhận được, có lẽ là theo một cơ chế cảm quan đối lập hay là tương phản nào đó, lúc tôi vừa gặp lại đôi mắt xanh, trong sáng như mắt trẻ con của Xéc-giô?
Vẫn ý thức được như thế là vô lý, nhưng rất rõ ràng, tôi thấy mình như người có lỗi, tôi bảo chú Phiên, mà vẫn nghĩ tiếp về cảm giác thiếu lô-gích này:
— Chú đến phòng máy đi, — tôi nhìn anh Ngạn, không thấy có dấu hiệu phản đối, — cái chương trình ấy tất cả bọn họ cộng lại cũng không bằng cháu, mình có thể vừa sửa, vừa nâng cấp chương trình tập trung vào môn này, và thử nghiệm trước các thứ...
Chú Phiên cười, nụ cười có vẻ vui, nhưng chú lại lắc đầu, xua tay:
— Không cần phải vậy, và không... à không, cậu chớ hiểu lầm, là mới gặp thiệt, nhưng với người như cậu, tôi... tất tần tật sẽ không vòng vo một chút nào hết. Có điều, mình thật sự không cần, và không nên làm như vậy.
— ... — Sao lại "không nên" nhỉ? Tôi thắc mắc lắm, và dù không nói, nhưng biểu hiện chắc là rất rõ ràng.
— Ở đây sẽ có hai chuyện đáng lưu ý. Thứ nhất, đối với hệ thống này, cậu là sư phụ, người khác có ai làm cho hệ thống này hoạt động tốt như cậu được. Còn không thể không tính thêm chuyện về phương diện tâm lý, thì cậu sẽ luôn muốn làm cho nó làm việc càng tốt hơn, đặc điểm tâm lý này không phải lúc nào cũng có thể làm chủ được. Nên nếu cậu giúp tôi làm các thực nghiệm, thì giữa hệ thống thực nghiệm và hệ thống mình phải đối đầu sẽ có một mức độ chênh lệch, và sẽ là theo chiều hướng bất lợi đấy.
Tôi hiểu tinh thần, nhưng chưa kịp suy nghĩ chi tiết để dẫn tới một khẳng định "thông suốt", nhưng tôi vẫn gật đầu, — với tôi, chú Phiên đã là một người rất có uy tín.
— Thứ hai, — tôi gật đầu, chú Phiên mới tiếp, — ở đây mình nên tránh cách tiếp cận trực tiếp "kỹ thuật". Làm như vậy là tự mình chủ động đặt mình vào thế bị động. Chỉ trừ phi bất đắc dĩ lắm, mà tình thế đó, — chú Phiên xua tay, — khi nào mới tới lượt chứ.
Vẫn hiểu là so với một người như chú Phiên, thì về phương diện này, khả năng phân tích của tôi là non nớt, và như thế là hoàn toàn bình thường, nhưng tôi vẫn lúng túng, và tôi thấy mình nói:
— Nhưng đã biết là có ca-mê-ra như thế, thì mình có thể vô hiệu hóa nó bằng cách... om bài... chỉ nhìn chân thôi, hay là... — tôi làm động tác như vừa đè sấp mấy quân bài xuống mặt bàn, vừa vén mép lên xem — một cách kín đáo thôi.
Tôi nói, mà vẫn hình dung được văn cảnh nhuốm màu sắc "luyên thuyên", cầm đèn chạy trước ô-tô của mình. Nhưng chú Phiên theo dõi rất chăm chú, rồi vừa cười một cách thoải mái, vừa gật gật gù gù, chú bảo:
— Có câu "Không muốn người ta biết, trừ phi mình đừng làm". Mình dù không hành nghề, nhưng ít nhiều đã có tham gia, thì nhất cử nhất động đều sẽ lưu lại dấu vết ở nơi này, nơi khác. Họ là kỳ bẽo thứ thiệt, thậm chí... — chú Phiên nhướng mắt một cái — thứ dữ, có gốc có danh có môn có phái, có thực lực hẳn hoi; những nơi đó thể nào cũng dắt dây tới được mạng lưới hành nghề của họ; nếu muốn, họ hoàn toàn có thể thu thập được mọi thông tin, và tìm hiểu về mình. Thói quen của tôi thế nào, tác phong bài bạc ra sao, lúc này có lẽ họ đều đã nắm rõ cả. Chưa nói chuyện mình đối phó một cách lộ liễu, chỉ cần biểu hiện của mình có dấu hiệu ít nhiều sai khác, là họ sẽ cảnh giác đề phòng và thay đổi phương cách đối phó ngay.
— Phải đổi cách, thì họ cũng bị... mất thế rồi.
— Trừ phi tình thế phải phát sinh bất ngờ lắm, còn không, có đổi cách này, cách khác, thì cũng đều là những chiến thuật đã được họ nghiên cứu trù bị trước cả rồi. Cho nên trong trường hợp đó, khả năng người bị động nhất, sẽ là mình.
Thế này không được, thế kia không được... cảm giác giống như người có lỗi lại dâng lên, làm tôi rất không thoải mái. Và không biết có phải chú Phiên đoán được tâm trạng của tôi không, hay đấy là do tôi bị tác động ám thị, nhưng tôi nghe giọng chú Phiên giống như đang an ủi:
— Giờ thì cậu cứ yên tâm. Quan trọng nhất là đã có đủ thông tin, và có thể phân tích để xác định đúng bản chất sự việc. Mà đã xác định được, thì kiểu gì sẽ có cách đối phó. Chỉ còn một điểm mấu chốt, là phải cân nhắc lựa chọn cho được một cách thật sự... — chú Phiên nhún vai, xòe hai tay, nói như thốt lên — Nó phải tựa như một giai nhân vậy!
Trông chú Phiên quả thật đang như một người có tâm trạng thoải mái vì đã giải đáp được hết những thắc mắc, thậm chí đã thông suốt cả cách giải quyết. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, sau cả câu chuyện dài chú đã kể tôi nghe, thì bộ dạng như vậy của chú lại làm tôi lo lắng. Vẫn biết nội tình những chuyện này mình hoàn toàn không thạo, nhưng không kìm được, tôi hỏi:
— Chú Phiên, thực ra chuyện... đánh nhau này có thật cần thiết không ạ?
Chú Phiên tròn mắt nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên, rồi trầm ngâm chút ít, rồi chú nói, thì tôi có cảm giác thực ra chú có sẵn câu trả lời, nhưng đã phải tìm cách để trả lời:
— Cần hay không cần, nên hay không nên, những chuyện này nhiều khi không thể cân nhắc thật... cho đến ngọn nguồn được đâu cậu.
Tôi sợ chú Phiên đã không thật hiểu ý tôi:
— Đúng ra ý cháu là... Nếu chú thắng họ, thì liệu... có gì nguy hiểm không ạ? Ý cháu là... — Bàn tay phải tôi lúng túng làm một điệu bộ chỉ chỉ vào mình, tôi muốn nói đến chuyện "nguy hiểm tính mạng", nhưng thấy khó diễn đạt thẳng ra như thế.
Nhưng chú Phiên có lẽ đã hiểu ngay ý tôi, mặc dù chú không trả lời trực tiếp vào câu hỏi:
— Sau chuyện này, bất kể thắng bại gì, thì chuyện đứng chân ở quận Tư của Trúc Liên Bang cũng đâu thể như trước nữa. — Chú nhìn tôi, như có điều cân nhắc. — Yên ả, ở chừng mực nào đó thì đi một nhẽ. Còn như đã bắt đầu chủ động làm một chuyện có thể gây ra sự chú ý, thì bản chất bạo phát đặc trưng của họ sớm muộn gì... rồi lại chứng nào tật nấy thôi. Mà như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều người khác. "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá", Sài Thành này, nói gì thì cũng đâu đã phải chỗ ai muốn vô thì vô, muốn làm chi thì làm?
Ánh sáng lợt lạt, mặt trăng bềnh bệch vẫn còn hơn nửa vầng bên trái, nhưng chỉ hơn được một chút, nên trông rất méo, và vẫn chưa thẳng ở trên đầu. Nghe rõ tiếng gió, nhưng không nghe tiếng xe, — đã một lúc rồi.
Đêm hẳn phải muộn đáng kể.
Sân thượng lát gạch mộc, viên gạch vuông, rộng, hàng gạch sau so le nửa viên so với hàng trước; bụi bặm nhiều phen ướt đi khô lại, và rêu nhiều, nên trông như sân ở nhà cũ, dù nhà này không cũ; mặt sân khô khốc, — cơn mưa hồi chiều đã không quệt vào khu vực này.
Anh Ngạn búng mẩu thuốc xuống chân gờ bê tông — sân thượng này xây không chủ ý để lên sinh hoạt, nên không có lan can, chỉ có một gờ bao bê tông vuông cạnh, dày cỡ tường đôi, có thể hơn, cao tới khoảng nửa bắp chân, viền quanh, — mẩu thuốc đập vào thành bê tông đứng, bật xuống đất, bắn tung tàn đỏ, lăn ra, anh Ngạn đưa mũi giày di di.
Di như thế, chủ yếu không phải để tắt thuốc, — anh Ngạn tiễn tôi lên tận đây, hẳn nhiên không chỉ để hút thuốc và búng đầu lọc vào tường.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Không nên đuổi học em Vy

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Sau khi Ban giám hiệu trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ, Quảng Nam) ra quyết định cho nữ sinh lớp 8 Nguyễn Thanh Vy nghỉ học một năm vì đăng bài hỗn, dám gọi thày cô là "bọn thầy cô", ở trên facebook, thì bên cạnh những ý kiến cho rằng không thể chấp nhận được một học sinh đã dám đăng bài thóa mạ thày cô lên facebook, cũng có nhiều ý kiến khác phản đối quyết định đuổi học học sinh 1 năm, cho rằng đó là một thất bại trong giáo dục, làm như vậy là vô tình sẽ đẩy học sinh đến chỗ càng mất dạy thêm, bản thân Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam cũng cho rằng quyết định đuổi học này là quá nặng, hiện tại Sở đã yêu cầu Phòng GDĐT Tam Kỳ báo cáo gấp và gửi toàn bộ hồ sơ kỷ luật em Nguyễn Thanh Vy về Sở để họp xem xét xem làm như vậy có đúng hay không.

Em Vy không được đến trường, đang phải cặm cụi tự học lấy ở nhà

Xin mạo muội gửi đến lãnh đạo Sở GDĐT Quảng Nam vài ý kiến đóng góp như sau:

Không nên đuổi học em Vy. Chỉ còn mấy ngày nữa là em Vy theo học ở trường được 8 năm. Việc em Vy đến học ở trường là do bố mẹ em đưa đến, còn nhà trường tiếp nhận em vào học là làm theo đúng chức năng của mình, bản thân em Vy không tự chạy chọt xin xỏ để được học ở trường, và em cũng không thoái thác nhiệm vụ học tập mà gia đình và nhà trường, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng và năng lực của em, đã tin tưởng chọn em, và giao cho em. Vì vậy, nên để cho em Vy tiếp tục nhiệm vụ học tập của em như em đã làm trong suốt 8 năm qua.

Bốt bài lên facebook, tức, trót gọi thày cô là "bọn thầy cô", hỗn, nhưng với trách nhiệm chính trị của một học sinh, nếu như "bọn thầy cô" thấy cần, thì em Vy hẳn cũng đâu có tiếc gì một lời xin lỗi? Đều là con Rồng cháu Tiên cả, đâu phải chỉ người lớn Việt Nam mới biết xin lỗi? Vậy hà cớ gì phải đuổi học em?

Ban giám hiệu nhà trường không nên đuổi học em Vy, bởi kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia sẽ là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái giữa học sinh, gia đình, và giáo viên, sẽ rối nội bộ...

Không phải cứ bốt vài bài lên facebook, cứ hỗn một tí, cứ bị thóa mạ một tí là đem nhau ra phê bình, kiểm điểm, kỷ luật, đuổi học. Giáo dục cũng như việc nhóm bếp lò. Phải nhóm lên, tạo hơi ấm, khi đó củi khô củi ướt đều sẽ cháy cho bằng hết.

Ấy mới là quan điểm cách mạng, là phương pháp giáo dục nhân văn.

P/S: Đợt này miền Bắc đang có rét đậm, rét hại kéo dài, có nơi đã xuống tới 5 độ C, Hà Nội đang cháy hàng thiết bị sưởi, học sinh các trường đua nhau nghỉ học lũ lượt; trước mắt, em Vy ở Tam Kỳ nếu có phải nghỉ học một ít, thôi coi như là chia lửa với miền Bắc, gửi nắng cho các em ở ngoải, cũng tốt. Nhưng đợt rét này hình như chỉ còn kéo dài đâu có 10 ngày nữa thôi, vậy lãnh đạo Sở GDĐT Quảng Nam có họp xem xét gì thì cũng không nên họp lâu quá, nên có quyết định sớm, — cái gì thái quá cũng không tốt, nắng, mà gửi đi chỗ khác quá nhiều, cũng vậy.

Tuyên Ngôn Học Tập

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

TUYÊN NGÔN HỌC TẬP

Hỡi toàn thể học sinh các trường đã, đang và sắp đ.c pik!


Tất cả học sinh đều có quyền học tập.
Tạo hóa cho ta những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được học, quyền được học nữa, và quyền được học mãi.
Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Quyền lợi Học Sinh của hiệu trưởng các trường đọc nhân dịp khai giảng năm học 2011-2012.

Suy rộng lớn ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các học sinh của trường đều có quyền học tập, học sinh nào cũng có quyền học, quyền học nữa, và quyền học mãi.
Thế mà bao tháng nay, các giáo viên bộ môn lợi dụng quyền học tập của học sinh để đàn áp chúng ta phải thi lại, học lại, và thậm chí là lưu ban.
Hành động của họ trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Chúng ta muốn an lành, chúng ta phải nhân nhượng.
Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, giáo viên của trường ta càng lấn tới, vì họ quyết cho chúng ta thi lại, học lại, lưu ban một lần nữa.

Chúng ta phải đứng lên.
Bất kỳ học sinh nào, dù nam hay nữ, dù thông minh hay đần độn.
Không phân biệt béo gầy hay cao thấp, không lăn tăn giàu có hay nghèo hèn.
Hễ là học sinh trong trường thì phải làm tất cả mọi cách để có kết quả thi tốt.
Ngày thi đang đến gần, cuộc chiến giữa học sinh và giám thị ngày càng khốc liệt.
Chúng ta muốn kết quả cao, chúng ta phải nhân nhượng.
Nhưng càng nhân nhượng, giám thị càng lấn tới.

Không!
Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu bị thi lại, không để phải lưu ban.
Bất kỳ giai hay gái, bất kỳ cá biệt hay gương mẫu, không phân biệt xấu đẹp, chúng ta phải đứng lên đấu tranh.
Ai có sách dùng sách, ai có vở dùng vở, không sách không vở thì dùng định luật ta-liếc và định lý pí-ta-ngó.
Ai có phao thì dùng phao, không có phao thì nhìn đứa ngồi bên mà chép.
Không chép được thì đi chạy điểm, không chạy điểm được thì thi lại, mà thi lại thì phải học tất cả các cách để thi lại cho thật tốt.
Chúng ta phải chiến đấu vì sự nghiệp đi thi của mình.

Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam
Nhân danh bộ GD-ĐT cả nước
Nhân danh các trường trong nước
Nhân danh chi đội 9A
Nay kêu gọi toàn thể học sinh kháng chiến!

Khuyến cáo: Khi quay cóp phải thuận theo 6 điều như sau: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng.
"Nhân" là gì? — Là khi bạn bè quay cóp bị bắt, phải tỏ ra thông cảm và làm ra vẻ mặt an ủi, — đó gọi là "Nhân".
"Nghĩa" là gì? — Là khi mình quay cóp mà có trót bị bắt, thì thà chít cũng không khai bạn bè mình ra, — đó gọi là "Nghĩa".
"Lễ" là gì? — Là đừng bao giờ đạt điểm cao hơn người vừa chỉ bài cho mình, như vậy lần sau mới có hy vọng sẽ được chỉ tiếp, — đó gọi là "Lễ".
"Trí" là gì? — Là trong khi thi cử phải quan sát triệt để chỗ đứng của giám thị, đồng thời tập trung tinh thần chăm chú lắng nghe từ bốn phương tám hướng các đáp án của bạn bè, — đó gọi là "Trí".
"Tín" là gì? — Là đừng bao giờ nghi ngờ đáp án trong khi quay cóp, phải luôn tin tưởng sâu sắc rằng đáp án trong tài liệu là chính xác, — đó gọi là "Tín".
"Dũng" là gì? — Là cho dù giám thị đi tới đi lui ngay bên cạnh thì mặt vẫn không đổi sắc, cứ điềm nhiên quay cóp tiếp, — đó gọi là "Dũng".

Nguồn: Tranh cãi việc nữ sinh bị đuổi học vì Facebook

Lập Trình Viên II (40)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Tôi nghe thấy anh Ngạn thở ra một hơi, còn chú Phiên thì ngồi yên nhìn tôi, tôi hơi lúng túng, nhưng tôi nghĩ là tôi không để lộ ra ngoài. Cuối cùng chú Phiên cầm cái phong bì bưu kiện lên:
— Cậu coi đi.
Bức ảnh thứ nhất là một bức ảnh không có nội dung.
Thường thì sẽ chẳng có ai nâng máy ảnh lên chụp mà lại chẳng vì một lý do gì cả, — đã bấm máy, đại khái là phải có muốn chụp một cái gì đó. Thế nhưng tôi vẫn thường gặp nhiều bức ảnh không có nội dung, — người chụp chắc vẫn nghĩ là có, nhưng những người khác nếu xem thì không thể cảm nhận được nội dung mà người chụp muốn có ở trong ảnh ấy. Dù môn nhiếp ảnh là môn tôi không chơi, vì không thấy hứng thú lắm, nhưng với những gì tôi có biết về hội họa, thì có lẽ cũng sẽ không có gì là "tự sướng" cả, nếu tôi vẫn nghĩ mình là người biết xem ảnh. Nhìn một bức ảnh không có nội dung thì cũng kiểu như nghe một đoạn nhạc mà toàn nhạc đệm, chẳng phân biệt được thực ra là người ta muốn chơi giai điệu gì. Bức ảnh này là từ hè bên phải một con đường hai chiều chụp chéo cánh sẻ sang phía bên kia vào luồng xe chạy ngược lại, — tương đối đông và toàn xe máy, — trong khi ở luồng xe xuôi bên này không có chiếc nào chạy qua thị trường của máy ảnh cả.
Bức thứ hai cũng vậy.
Nhưng chéo cánh sẻ từ trái qua phải; và con đường chỉ là một lối đi thẳng tắp, tương đối rộng rãi và râm mát, lát gạch bê-tông tấm vuông và rộng, ở giữa một khu vườn có nhiều cây to, cao và thẳng, gốc quét vôi trắng, mọc tương đối thưa, trên một bãi cỏ rộng xanh rì, (theo hiểu biết ít ỏi của một kẻ dốt đường như tôi về thành phố này, tôi đoán đây chắc là trong công viên Tao Đàn, hoặc ở chỗ có nhiều cây cối cạnh Nhà thờ Đức Bà); còn thay vì những người đi xe máy thì ở đây là những người đang ngồi la liệt và thảnh thơi, ngồi bệt, dọc theo mép bên kia — đa phần là ngồi lên sống bê tông viền theo mép — lối đi, người đọc báo, người nói cười vui vẻ, và uống những cốc cà-phê, nước ngọt gì đó.
Trong bức ảnh thứ ba, tôi nhận ngay ra người quen: Tóc ngắn, áo sơ mi sọc, màu nước dưa, quần bò xanh công nhân; người ngồi bên phải khuôn hình, trên ghế nhựa thấp có tựa đúc liền, màu thiên thanh, bên chiếc bàn nhựa cùng loại nhựa đúc như ghế, nhưng màu đỏ hồng điều; trên bàn có chiếc cốc thủy tinh đựng — theo màu sắc thì chắc là — cà-phê sữa, và một chiếc siêu nhôm nhỏ, cao, sáng trắng, núm vung đậy và quai cầm bằng nhựa đen; người ngồi kiểu đùi phải vắt lên đùi trái, tay trái cầm thìa lơ đãng quấy cà-phê, cùi tay phải tì lên đầu gối, bàn tay chống cằm, ôm lấy má, mắt nhìn sang bên trái khuôn hình; hậu cảnh là những bàn cà phê khác, kê rộng rãi vì ở chỗ rộng rãi, đều có người ngồi; giữa đám bàn cà phê nhô lên một chiếc cọc cao, sơn màu xanh hòa bình, trên ngọn hơi giống như chiếc ô nhưng chỉ có gọng mà không có vải, và có những chiếc lồng chim móc vào các gọng ô.
Tôi vội lật lại hai bức ảnh trước, và lúc này mới nhìn ra: trong bức đầu tiên người này đeo khẩu trang và ngồi sau xe máy, còn trong bức thứ hai thì ngồi lẫn vào đám đông.
Nhìn ra người, nhưng tôi vẫn chả hiểu gì cả.
Nên tôi vội giở bức ảnh thứ tư.
Hình như vẫn là chỗ giải khát ngồi bệt trong bức thứ hai, nhưng chụp từ một góc khác. Cận cảnh có hai người ngồi cạnh nhau: Người tôi quen giờ mặc quần bò bạc, áo thun màu cà phê, ngồi lên bờ viền lối đi, cạnh một chiếc ba-lô dày dặn màu xanh dương viền đen, hai chân hơi khoanh vào nhau, bạnh ra; ngồi kế bên — bên trái theo chiều ngồi — là một thanh niên tóc cợp gáy, rẽ rõ ngôi nhưng trông vẫn bờm xờm, khuôn mặt gầy sạm nắng, chắc hơn tôi vài tuổi, mặc áo phông xanh công nhân, trên ngực bên phải in hình lô-gô gì đó tròn tròn, màu trắng, quần ka-ki cộc đến đầu gối, có túi hộp phồng ra hai bên, ngồi duỗi thẳng hai chân song song nhau, cạnh chân trái cũng có một chiếc ba-lô, và một chiếc cặp, đều màu đen, và đều vứt lăn lóc ra đất.
Và trên đùi mỗi người họ đều đang ngất ngưởng một thứ đồ đen xì và xa xỉ vô độ: một chiếc... — cái lô-gô cheo chéo chổng ngược ba chữ ba màu sọc ngang kia — láp-tốp IBM ThinkPad.
Tôi giật mình.
Giật mình chắc không phải vì láp-tốp xịn quá, cũng không phải vì người quen của tôi trong ảnh là Tú, — cô gái đã tháo ổ cứng máy tính của tôi ở văn phòng, trong đoạn băng mà anh Ngạn đã cho tôi xem, — nhưng là vì lý do gì khác, thì tôi cũng không biết; chỉ hình như, rất mang máng, rất mơ hồ, tôi đã thoáng có một linh cảm gì đó, và theo chiều hướng không tốt...
Thế nào thì những dữ liệu trực quan này cũng làm cho trí não tôi tò mò lắm, và những lúc như vậy, tôi biết nó làm việc rất chăm chỉ và thật sự hiệu quả.
"Ổ đĩa cứng trong máy tính, máy tính của tôi.., Tú, người bạn trai có liên quan đến máy tính.., chú Phiên, trận đấu ở sòng bạc quận Tư..."
"Kỹ thuật cờ bạc bây giờ đã thay đổi nhiều"! — Câu nói này tự động vang lên trong đầu tôi, rành rọt như một lời khẳng định.
Trong phong bì không còn gì khác, ngoài bốn bức ảnh; để chúng lên bàn, lên trên chiếc vỏ phong bì, tôi nhìn thẳng vào mắt chú Phiên:
— Có gì liên quan đến máy tính ở sòng bạc quận bốn, phải không ạ?
Nụ cười của chú Phiên tôi nghĩ có thể gọi là "trìu mến" được, nhưng — hình như — chú đang định nói, thì bàn tay phải của tôi đã làm một điệu bộ ngăn lại, — phải rồi, ý nghĩ của tôi đang đi phải nói là nhanh, theo một mạch tương đối rõ ràng, và tôi chuyển nó thành ngôn ngữ:
— Họ, rất có thể là... dùng ca-mê-ra theo dõi... — tôi xòe lòng bàn tay trái trước mặt, dùng ngón trỏ phải vạch vạch ngang lên nó, đồng thời liếc mắt nhanh một cái qua vai, về phía sau, — và...
Đôi đồng tử trong mắt chú Phiên co lại; tôi nhíu mày, đập khẽ lưng mấy ngón tay phải lên lòng bàn tay trái, thở ra một hơi:
— Dùng phần mềm máy tính để hỗ trợ, nếu cần!
Chú Phiên khẽ nâng bàn tay trái một chút, chênh chếch ngửa lên, giống như hưởng ứng, cũng giống như tán thành; chú hít sâu vào một hơi, thở ra, chuyển ánh mắt qua anh Ngạn; anh Ngạn — ngước mắt chênh chếch — nhìn lại chú Phiên, gật gù.
Trong giọng nói của chú Phiên dường như có âm sắc nhẹ nhõm:
— Có thêm suy luận của chuyên gia, thì khả năng này coi như khẳng định. Cậu giai này, — chú Phiên gõ ngón trỏ tay trái lên xấp ảnh, — đúng là làm kỹ thuật ở sòng quận Tư. — Chú lắc đầu cười khổ. — Tôi đã hỏi kỹ cậu Ngạn về chuyện con gái anh Cao, với những gì liên quan tới cậu, vậy mà nghĩ ngợi lung lắm, sau cùng vẫn phải chấp nhận mức phỏng đoán năm ăn năm thua. Thành thử...
— Thế mà chú không hỏ... không bảo cháu ngay. — Tôi vui vẻ ngắt lời chú Phiên, đoán là chú lại sắp nói về chuyện phải "mời cậu cất công tới đây".
Chú Phiên nhìn tôi:
— Cảm ơn cậu nhiều. Những gì cậu đang làm ở trên máy tính, với chuyện này, nó sẽ hoạt động như thế nào?.. Nếu như... theo cậu thì người như tôi cũng có thể hiểu được.
Tôi thấy mình sôi nổi:
— Cái này cũng đơn giản thôi mà chú. Đại khái... thứ mà cái ca-mê-ra nhìn thấy... tức là dữ liệu hình ảnh ấy ạ, nó sẽ được cho đi qua một cái lưới có rất nhiều nút phân bổ theo cả chiều rộng và chiều sâu. — Tôi đã cân nhắc nhanh, trước khi dùng hình dung trực quan này, vì thật ra nó không chính xác lắm về nguyên tắc, nhưng nó dễ mường tượng, và có thể dựa vào nó để mô tả phần nội dung chính, quan trọng hơn. Trong ánh mắt chú Phiên, tôi không nhận ra những gì có thể liên quan đến cảm giác bối rối, nên tôi yên tâm trình bày tiếp. — Dựa theo một kho dữ liệu có sẵn, ở trên cái lưới này, đã hình thành sẵn những vệt đường đi, mỗi vệt sẽ dẫn tới một cái đích là một đối tượng đã có tên, đã có mô tả bằng những thuộc tính đặc trưng. Dữ liệu đang được cho đi qua lưới, sẽ tự tìm đường để đi theo một vệt có sẵn mà gần giống với mình nhất. — Tôi thấy chú Phiên nhíu mày, nhưng lại gật gật đầu, có vẻ rất hứng thú. — Nguyên tắc chính, về cơ bản... thì chỉ thế.
— Vậy... những dữ liệu có sẵn thì thế nào?
— Dạ, cấu trúc cũng tương đối phức tạp...
— Ý tôi muốn hỏi là chúng... có sẵn, tức là từ đâu mà chúng lại có sẵn được?
— À vâng... — Tôi cười, thấy thích, vì chú Phiên đã tự động định hướng về phía nội dung chính. Nhưng chưa chuẩn bị đến phần này ngay, nên tôi phải tìm nhanh một cách diễn đạt. — Chẳng hạn như bây giờ chú muốn nó nhìn được cái chén này, — tôi nhấc chén rượu lên một chút, lúc đầu là định nhấc lên đặt xuống, nhưng vì trong lòng đang thấy thích thú, nên tôi lưỡng lự một tí, rồi đưa nhanh lên môi, đổ hết rượu vào miệng. Anh Ngạn phì cười, cầm chai rượu, lại rót đầy chén, — chú phải có vài mẫu... chụp ảnh cái chén từ vài góc độ, rồi đưa ra trước ca-mê-ra cho nó xem, và điền cho nó những tham số cần thiết. Đấy là mình dạy nó, còn nó học. Học xong, thì trên cái lưới của nó sẽ có một vết đường đi mới... vâng, dẫn tới đối tượng mới, là cái chén này. Từ đây về sau, nếu nhìn thấy cái gì na ná như cái chén này, nó sẽ bảo đấy là cái chén.
— Na ná tới mức nào?
— Cái đấy phụ thuộc vào việc mình dạy nó đến đâu. Mình cho nó xem nhiều ảnh hơn, điền cho nó nhiều tham số hơn, thì nó nhìn sẽ chính xác hơn.
— Nhưng... — Chú Phiên nhíu mày, ngón trỏ tay trái nhịp nhịp mấy cái. — Rốt lại, nó vẫn chỉ là cái máy.
Tôi giải thích tiếp (dù không hình dung rõ lắm, đấy là chú Phiên hỏi tôi, hay đang tự nói với mình):
— Tất nhiên... cũng chỉ có thể tới một mức nào đó, — tôi cười, nụ cười chắc sẽ có vẻ hơi ngượng nghịu, — mà cũng chưa thể gần lắm so với mức một trăm phần trăm đâu ạ. Hơn nữa... lúc nó nhìn, để chính xác thêm được một ít, thì lại phải lâu hơn nhiều. Ở máy tính, chuyện lâu này là rất đáng kể. Mà độ chính xác càng cao, thì tỉ lệ này sẽ càng... nghịch. — Tôi cố diễn đạt cho đơn giản, vừa nói vừa nhìn chú Phiên, và theo tôi thì chú đã hình dung được.
Nhưng tôi mới nghĩ thế, thì chú lại có vẻ bối rối:
— Có điều... giờ tôi đưa nó hình cái ly, — chú đưa tay phải, ngón cái và ngón trỏ làm giống như đang cầm một tấm ảnh vuông, và gí vào một chỗ tưởng tượng, — nếu nó lại lầm ngay đó là một thứ na ná mà nó đã học rồi, thì làm sao nó học thứ mới?
— À vâng, — chuyện này nếu chú Phiên không hỏi, chắc tôi cũng không nhớ ra là cần giải thích, — học và nhìn là hai chế độ làm việc khác nhau... mà cứ coi là hai chương trình khác nhau cũng được.
Chú Phiên gật đầu, nâng chén rượu nhấp một ngụm nhỏ, mím môi thở sâu một hơi, rồi cố định ánh mắt vào tôi, chú hỏi:
— Vậy người khác có thể dạy được không?

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):