Lập Trình Viên II (39)


"Tuy nhiên, lại vẫn có một chuyện mà ngay cả một tay kỳ tài như Hồng Quảng Hào cũng không thể lường trước được.
"Người trong giới kỳ bẽo đa phần đều biết vị sư phụ này dù sớm thành tài song vẻ như chẳng hề có ý muốn khai môn lập phái, nhưng tới lúc tuổi đã ngoại tứ tuần lại miễn cưỡng thu nhận một lượt ba đệ tử, và đấy cũng là lần duy nhất; nhưng ba người đệ tử thì biết rằng mình còn có một người sư huynh, vả còn là học trò tâm đắc nhất của sư phụ.
"Chuyện này, ngoài họ ra, chỉ có một số rất ít người cũng biết, và mặc dầu đây vốn là thứ chuyện dễ bị tọc mạch, nhưng suốt mấy chục năm vẫn không được đồn thổi, có lẽ là vì người đệ tử yêu này thứ nhất là đã theo thày học nghệ theo cách của một đệ tử "tục gia", thứ hai là sau này, về căn bản anh ta lại cũng không theo nghiệp kỳ bẽo. Và cả hai việc này đều có khởi điểm trái ngược với mong muốn cá nhân, — chính là sư phụ đã khuyên anh ta nên làm như vậy."
Hai ngón tay chú Phiên lại với lên chén rượu vẫn còn đầy, nhưng lần này không xoay nó, chỉ với lên, rồi để im ở đấy; chú Phiên cũng ngồi im, nhìn chén rượu trong suốt bằng cái nhìn im lặng; chú không cười, nhưng có một nụ cười — hay chí ít là một niềm vui — ấm áp dường như đã thoáng qua trên gương mặt chú, khi chú lại tiếp tục câu chuyện của mình:
— Chắc chỉ có thể giải thích được bằng một chữ "duyên", nhưng những mối quan hệ có điểm đặc biệt, khác với thông lệ, như mối quan hệ sư đồ này, thường lại chính là những mối quan hệ sâu sắc, và gần gũi nhất, động chạm nhất tới một thứ bản chất vẫn ẩn sâu trong một người, thứ bản chất mà chúng ta sẽ rất muốn mình đúng là, và được là như vậy. Những người thân thuộc biết chuyện, đều phần nào hình dung được mối duyên sư đồ này, nhưng người hiểu nó nhất... có lẽ nhì — chú Phiên cười, nụ cười mỉm, nhanh, nhưng thật tươi — thì đúng hơn, là tôi.
"Bởi tôi chính là người đệ tử đó."
Chú Phiên nhìn tôi, tôi tròn mắt nhìn lại chú, anh Ngạn — hình như — cười. Rồi mắt vẫn để nguyên, nhưng hơi nheo lại một chút, nhất là mắt trái, bàn tay phải đưa lên, làm thành hình súng lục, tôi hơi nghiêng người hướng nòng súng về phía cửa ra vào, vẩy nhẹ hai cái, đồng nhịp khẽ phát ra hai tiếng "chực chực" qua kẽ răng; chú Phiên cười, so vai khẽ một cái, gật đầu, vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt cố định; nên tôi cười cười, nhướng mũi một cái, — hầu như ngay từ đầu, những suy nghĩ của tôi ít nhiều đều đã bị đeo bám bởi một thắc mắc, nhưng ngay vào lúc này tôi lại muốn hỏi về một chuyện khác hơn:
— Nhưng chú đâu có theo nghề này..?
Chữ "này", bất giác tôi phát âm nhỏ lại và giống như dở chừng, dụt dè, — tôi chợt nhận ra mình đang diễn đạt một câu hỏi không theo văn phong miền Bắc.
Chú Phiên nhìn tôi, mắt chú hình như đã thoáng một nét ngạc nhiên, — không hiểu vì văn phong hay vì câu hỏi của tôi:
— Không theo... cũng đâu có nghĩa là... — Khẽ nhún vai như để diễn đạt nốt, chú nhướng mắt một cái.
Và có lẽ đã đọc thấy ở tôi biểu hiện gì đó giống như thái độ thiếu tin tưởng, chú nói thêm, với một nụ cười:
— Đệ tử tâm đắc nhất cơ mà!
Ánh mắt chú chuyển sang anh Ngạn, nhưng gần như cùng lúc ấy, bàn tay anh Ngạn đã khẽ đặt lên vai tôi, — hoặc nên gọi là một cái vỗ vai "dài", — và lập tức, theo một diễn biến nội tâm nào đó thật tự nhiên, tôi thấy yên lòng. Sau mấy lần nằm mê thấy anh Ngạn, — người thật, mà tôi vẫn đang tiếp xúc hàng ngày, — đạn găm đầy mình, máu me, lộn cổ từ trên một chiếc tàu xuống nước, thì với tôi, anh Ngạn đã trở thành... giống như một sự thuyết phục lớn, tôi nghĩ là trong nhiều chuyện.
Soát nhanh lại một lượt các ý nghĩ, tôi trở lại với thắc mắc chính, nhưng tôi còn chưa diễn đạt nó thành lời thì chú Phiên đã đứng lên; hai bàn tay — đúng hơn là đa số các đầu ngón tay — vẫn ở trên mặt bàn, chú nhìn anh Ngạn, rồi nhìn tôi; hình như chú đã định nói gì đó, nhưng lại thôi, chỉ đưa hai tay lên, nhịp nhịp trong không khí, rồi lại đưa ngón trỏ tay phải lên, lại nhịp nhịp, rồi chú đi về phía ánh đèn vàng yếu nhưng rất sáng vì tương phản, chỗ người ngồi quay lưng ra, đang làm những việc sổ sách gì đó, ở góc trong cùng gian quán.
Lúc quay ra, tay chú Phiên cầm một chiếc phong bì, không phải bì thư, mà là kiểu phong bì bưu kiện, to khoảng cỡ A4, bằng giấy bìa, màu cát nâu. Một cách tự nhiên, tôi thấy tò mò về thứ đựng trong đấy; nhưng chú Phiên chỉ đặt chiếc phong bì qua một bên trên mặt bàn, ngồi xuống, nhìn chúng tôi, rồi nói tiếp, nên tôi lại nghĩ nó có khi chỉ là vật ngẫu nhiên, không cần liên quan đến chuyện đang nói; chú Phiên vừa cười vừa hơi nhăn nhó:
— Tuần trước tôi hẹn đánh nhau rồi, tuần sau đánh, mà chưa đánh thì mình đã bị ba chỗ hạ phong nhỡn tiền.
Tôi nhìn anh Ngạn, nhưng chẳng thấy anh có biểu hiện gì.
— Thứ nhất là, — chú Phiên tiếp; — không sợ một vạn, chỉ sợ vạn nhất; những chuyện bất ngờ, không lường trước, tới lúc biết rồi thì sẽ bị phòng ngừa chu đáo hẳn hơn. Thứ hai, lần này mình phải chơi trên sân khách...
— Sân khách tức là phải qua... — Không kìm được, tôi hỏi luôn, vừa nói vừa úp bàn tay phải, ngón cái quặp vào, hơi nghiêng người đưa một đường cong cheo chéo lên từ mặt bàn.
Nhưng chú Phiên đã lắc đầu:
— Không, đánh ở đây thôi, nhưng vẫn là sân khách. Thứ ba, — chú tiếp luôn, như để tôi không kịp thắc mắc thêm, — kỹ thuật cờ bạc bây giờ đã thay đổi nhiều.
— Bọn... à người Sinh-ga-po... à là... người Hồng-kông... họ có sòng bạc ở đây ạ? — Cố nhớ cho đúng tình tiết trong câu chuyện tương đối nhiều mắt xích và dích dắc đã nghe, tôi thắc mắc.
— Người Sinh-ga-po có lẽ không có, người Hồng-kông chắc cũng vậy... — Chú Phiên nói chậm, như vừa nói vừa nghĩ; rồi chú thở ra một hơi. — Nhưng chuyện này liên quan tới Trúc Liên Bang.
Cả câu chuyện này, quả thật có quá nhiều thứ mà tôi hoàn toàn chả có khái niệm gì cả, nên đến lần này, tôi chỉ ngồi im và chờ. Chú Phiên nhìn sang anh Ngạn, anh Ngạn khịt nhẹ một cái, rồi nói bằng ngữ điệu đều đều:
— Lá trúc phiêu phiêu từng phiến lượn, cát bay vạn dặm đất liên bang.
Đều đều, nhưng không khó nhận ra đây là hai câu thơ; theo thói quen, tôi thầm kiểm tra, và cảm thấy hài lòng vì hai câu này đúng niêm luật.
— Trúc Liên Bang là băng đảng xã hội đen lớn nhất ở Đài Loan. — Chú Phiên tiếp tục. — Khoảng giữa những năm tám mươi, vì lạm sát lỗ mãng, bị nhà đương cục Đài Loan phối hợp với cảnh sát Mĩ tập trung thanh trừng triệt để, băng chủ bị kết án chung thân, băng đảng hầu như tan rã và kiệt quệ.
"Một mặt, dư đảng Trúc Liên Bang vẫn tính chuyện tìm đất sống ở ngoài lãnh thổ Đài Loan. Mặt khác thì Hồng-kông, thiên đường xã hội đen, trước sau gì sẽ bị trao trả về đại lục, nên các trùm hắc đạo Hồng-kông cũng phải tính trước chuyện tìm bãi đổ bộ, xuất khẩu tội phạm. "Sạch sẽ" thì tìm cách qua Anh, Ca-na-đa. Còn số "có vấn đề" thì nhiều đối tượng nhắm tới Đài Loan, và một trong các phương án tiếp cận là tìm cách vực dậy cái xác Trúc Liên Bang.   
"Tay Quảng Hào này là thành viên Trúc Liên Bang."
— ...
— Bây giờ đã hẹn đánh nhau tại sòng lớn nhất thành phố, bảo là lớn nhất Việt Nam cũng được, sòng này nằm ở quận Tư, và có phần của Trúc Liên Bang.
— Nhưng như thế... sao không chọn một chỗ... trung gia... trung lập ạ? — Ở tôi xuất hiện rõ ràng một cảm nhận bất công của một cổ động viên đội nhà.
— Tới khiêu chiến, thì phải chấp nhận hạ phong. Vả lại từ đầu gã Hào này cũng toàn đấu sân khách cả. Giờ tới phiên mình, cũng là phải thôi...
— Lô-gích thì... cũng không hẳn. — Tôi nghĩ đến một bài toán tối ưu. — Vì ở những trình độ... trọng số khác nhau...
Tôi không diễn đạt hết, vì thấy chú Phiên đã vừa cười mỉm, vừa gật đầu mấy cái liền, có vẻ thú vị:
— Cậu hình dung phân minh lắm. — Nói thế thì giống một lời khen, nhưng không hiểu sao, vừa mới gật đầu, chú Phiên lại khẽ lắc đầu khi nói câu này. — Cậu có đọc Kim Dung, đúng không?.. Ờ, trong những câu chuyện đó, vẫn có những e-pi-dốt cao thủ hẹn hò quyết đấu, rồi tới lúc gặp, một người lại lạnh lùng quay lưng bỏ đi, ném lại một câu: "Ngươi đang thọ thương, về chữa cho lành, ngày này tháng sau gặp lại." — Chú Phiên cười. — Công bằng, và cao thượng. Và người đọc thích võ lâm ở trong truyện có một phần lớn là vì những tình tiết như vậy. Còn trong đời thực, những chuyện hành xử đó tôi nghĩ vẫn có. Cả trong "võ lâm" thực ở ngoài, có thể cũng có. Nhưng trong nghề cờ bạc, tôi chưa từng biết tới những chuyện tương tự. Với dân kỳ bẽo, chỉ có thắng, thua, lợi, hại, mới là quan trọng. Cho nên người ta cao thượng chỉ trong trường hợp chắc thắng mười mươi. Còn không, thì sẽ chẳng có gì hết, ngoài bốn chữ "Bất Chấp Thủ Đoạn".
Bất giác, tôi cũng xoay chén rượu của mình một cái. Câu chuyện này càng lúc... cấu trúc hệ thống càng khó vẽ bẹt ra trên giấy một cách tường minh ngay; mà đầu óc tôi, thì từ lúc thày Đét-lam của tôi bắt đầu dạy tôi những thứ thật sự khó hình dung, thật sự phức tạp, thì tôi đã nhận ra ngay là những thứ như vậy rất lôi cuốn nó.
— Chú Phiên, — tôi tìm cách diễn đạt một câu hỏi có bộ dạng không quá tọc mạch, — sòng bạc lớn nhất... nước, — tôi xòe ngửa bàn tay phải ra, như đang thanh minh, — như nước mình... ở vào lúc như bây giờ, thì phải hình dung thế nào ạ?
— Bất hợp pháp, tất nhiên, các sòng đều bất hợp pháp. Còn lớn... thì đương nhiên không thể so sánh với Đại Thế Giới rồi, nhưng nếu so với nhiều sòng lớn thời trước giải phóng, thì cũng tuyệt không thua sút, nếu không muốn nói là còn có phần quy mô hơn. Ăn thua tính bằng bạc triệu. Đủ kiểu sát phạt. Đủ loại dịch vụ tại chỗ: cho vay, cầm đồ, mại dâm giải đen... An ninh nhiều lớp, không mảy may chần chừ nếu phải chơi nặng tay. Có nhiều phương án và nhiều lối thoát hiểm. Chỉ tiếp khách quen, khách được giới thiệu, và đã được thẩm tra kỹ lưỡng.
— Nhưng mà... kiểu những chỗ chơi nhỏ, thì cháu hình dung được, còn một sòng chơi tiền to như thế, thì kể cả tuyển người để chơi với nhau, thì cũng làm sao giữ kín được..?
— Đã bất hợp pháp, thì lớn bé gì chả phải lo lót. Bé thì lót bé, lớn thì lót lớn. Như sòng này, thì trong sổ lương của nó, chưa nói cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra, tới lãnh đạo công an thành phố đảm bảo cũng không thể không góp mặt.
Nếu là nghe người khác kể, trong một bối cảnh nào đó khác, nhiều khả năng tôi sẽ thấy giống như đang ngồi nghe thông tấn vỉa hè, thời sự xe ôm, nhưng ngay lúc này, vì biết cụ thể đây là người thật việc thật, nên tôi đang có một cảm giác khác, một hỗn hợp thứ thật thứ giả trộn lẫn theo một cơ cấu tương đối lạ lùng.
— Còn Trúc Liên Bang, — chú Phiên vẫn đang nói tiếp, — thì ra khỏi Đài Loan, ngoài việc tìm cách trực tiếp có phần ở những nơi làm được ra tiền, với giới làm ăn người Đài Loan ở nước ngoài, họ còn có mạng lưới "thuế vụ" riêng: những người này tháng tháng đều phải nộp cho họ một khoản tiền, nếu như muốn người nhà mình ở Đài Loan được yên ổn. Cách làm tiền của Trúc Liên Bang, nói chung trắng trợn hơn so với đa phần các tổ chức bang hội khác. Quá khứ nhiều phen điêu đứng của họ, đều do chuyện này mà ra, nhưng rốt cuộc thì nó vẫn tồn tại, thậm chí phát triển thành một đặc trưng riêng.
Ý nghĩ này đến, cùng với một cảm giác không thoải mái — như cảm giác có lỗi, — vì bây giờ nó mới đến. Tôi nhìn chú Phiên, lúng túng vì không hình dung được liệu có nên hỏi thế này hay không, — những chuyện này quả thật tôi không thạo:
— Chú Phiên, thế thì... chú tham gia thế này có phải... có sợ... có nguy hiểm không ạ?
— Có lẽ là lo, lo lắng để tìm cách giải quyết thôi, chứ không phải sợ. — Nói vậy, nhưng chú Phiên lại thở dài. — Nếu sợ, thì nên sợ từ lúc muốn đi theo thày cơ.
Chú Phiên cười, nhưng lúc chú nhìn tôi, thì trông chú lại đã hoàn toàn không giống người vừa cười:
— Cho nên, dù là chuyện này phải hãn hữu lắm mới có thể tính đến, thêm nữa, thì tôi, và nhất là cậu Ngạn, cũng đã cẩn thận, nhưng nếu như cậu không muốn dây dưa vào, thì đơn giản là chuyện sẽ kết thúc ở đây, — coi như anh em chú cháu mình hẹn nhau ăn uống, trò chuyện vui vẻ, và tôi kể cậu nghe một câu chuyện, thế thôi...
Tự nhiên tôi nói luôn:
— H... không, có gì chú cứ bảo cháu, cháu chẳng ngại gì đâu. — Thực ra tôi đang ngại nhất việc chú Phiên có thể đã hiểu nhầm câu hỏi "có sợ không" của tôi, còn chuyện có ngại dây dưa vào không, thì tôi chả kịp nghĩ, mà có nghĩ, tôi đồ là cũng không thể nghĩ cho thông, nên sẽ chẳng quyết định được nên thế nào; những gì tôi đang nói là không "thật thà", nhưng thật sự tôi cũng không hình dung được là tôi sẽ nói khác đi, còn tại sao lại thế, thì tôi không biết.
Tôi nghe thấy anh Ngạn thở ra một hơi, còn chú Phiên thì ngồi yên nhìn tôi, tôi hơi lúng túng, nhưng tôi nghĩ là tôi không để lộ ra ngoài. Cuối cùng chú Phiên cầm cái phong bì bưu kiện lên:
— Cậu coi đi.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...