Cửa vừa mở, thì cảm giác là ca nhạc không chỉ ập ngay vào tai, mà là ập ngay vào cả người.
Chính xác hơn, không phải ca nhạc, mà là ka-ra-ô-kê ập ngay vào người.
Tại tôi vẫn không hòa hợp được ka-ra-ô-kê — vì nó có sau — với "ca nhạc" (khái niệm mà tôi vẫn có).
Trước đây, đến nhà văn hóa trường tôi tập đàn, thường khi tôi đến, thì đã có những người đến trước tôi; nên lúc tôi lên tầng hai, thì ở đấy cũng đang hay có ca nhạc, khe khẽ, và lộn xộn: thử dây, thử đoạn, học được mẩu nhạc mới, bài mới, đem khoe với nhau...
Nhưng mỗi lần bước lên tầng hai nhà văn hóa, tôi có một cảm giác khác, hoàn toàn không giống như khi bước vào phòng ka-ra-ô-kê.
Một cô gái, tâm tình với người yêu, và cười.
Một người, chợt nhìn thấy một thứ nực cười — ví dụ đang đi ngoài đường thì gặp hai con chó tơ nhau, — và cười.
Đều là cười, nhưng không giống nhau.
Nếu kể chuyện là có một cô gái, tâm tình với người yêu, và cười, lăn ra, va vào đá rụng mất hàm răng trên, — thì chuyện nghe gượng gạo.
Nhưng nếu kể chuyện là có một người, đang đi ngoài đường thì gặp hai con chó tơ nhau, và cười, lăn ra, va vào đá rụng mất hàm răng trên, — thì chuyện có vẻ lại không gây cảm giác thiếu tự nhiên lắm.
Khi tự nhiên có những ý nghĩ này, tôi đã suy luận là nếu so sánh, thì ca nhạc ở tầng hai nhà văn hóa và nụ cười của cô gái chắc cùng có chung một đặc điểm, là ở trong đấy có nhiều thứ liên quan đến khía cạnh nội dung tình cảm và tinh thần của người ta hơn.
Cũng không hiểu những ý nghĩ so sánh kia tại sao lại đến trong đầu tôi, nhưng chúng đã đến rồi, thì sau một vài lần nhìn người khác hát ka-ra-ô-kê, và bị liên tưởng ngay đến hình ảnh người ấy đang hát, phấn khởi, lăn ra, va vào cạnh bàn rụng mất hàm răng trên, thì tôi tự hiểu là bản thân tôi nói chung sẽ không hát ka-ra-ô-kê nữa.
Nên tôi đã cười nhăn nhăn mũi, và gãi đầu, lúc anh Quân vui vẻ nói chuyện điện thoại xong, — anh Quân đang vừa nhai vừa chăm chú quệt tiếp một miếng thịt sống vào mù-tạc thì bác trung niên tất tả mang tới một cục điện thoại rời, bảo có người gọi đến tìm anh, — quay lại, giọng phấn khởi:
— Vừa hay, bọn này nhộn cực, Bưu chính Viễn thông, mới Hà Nội vào, đang ka-ra-ô-kê, lát mình qua luôn!
Anh nhìn tôi, lắc lắc đầu:
— Đúng "thằng nhà quê về tỉnh"! Bọn nó không gọi, chú cũng vẫn phải đi chơi tiếp với anh cơ mà!
Cậu giai sơ-mi đen bảo anh Quân:
— Anh ơi, hôm nay anh có...
— Gọi cái Thương Quảng Ngãi... À, đây là khách víp của anh, — anh Quân ra hiệu về phía tôi, — liệu sắp xếp cẩn thận.
— Dạ, anh yên tâm... Em xin anh. — Cậu đón lấy tờ tiền giấy vừa ló ra trong tay anh Quân, đẩy cánh cửa mở ra hết cỡ, hơi rời bàn tay khỏi cánh cửa nhưng vẫn cữ tay ở đấy một tí để yên tâm là cánh cửa đã nằm im, rồi mới bỏ hẳn tay ra, cười với chúng tôi. — Các anh chơi vui ạ.
Có hai thứ đập ngay vào mắt tôi.
Một cái lưng trần.
Anh Quân đứng trước mặt tôi, nhưng anh thấp, nên tầm nhìn của tôi không bị che chắn lắm, và trong một thoáng, tôi đã thật sự ngỡ ngàng theo cách rất "cơ khí" về chuyện vì sao cái lưng lại có thể trần như thế.
Hai mép vải tách nhau ra ở sau lưng, chỗ tầm eo, cái lưng hoàn toàn trần, rồi đến một mớ tóc màu nâu; cái lưng không ngừng uốn éo, những sợi tóc hất qua hất lại, chắc chúng che mất một cái dây buộc ở gáy, nên đã làm tôi thắc mắc như vậy.
Cô gái mặc chiếc váy dài — hở hết lưng — màu xanh cổ vịt này đứng quay lưng ra cửa, và đang liên tục vặn vẹo chắc là tự ngẫu hứng — vì động tác trông hơi lung tung, — theo tiếng nhạc mở tương đối to và chỉ sau khoảng ba nhịp trống cái thì sẽ thấy ngay một cảm giác về sự lặp đi lặp lại đơn điệu.
Và một lão vạn chài đang hát.
Đấy là cái đầu tiên hình thành trong ý nghĩ của tôi, khi trông thấy người này. Người này nếu cởi trần, mặc quần âm lịch — có lẽ nên bạc một chút — xắn lỏng và cao lên như quần đùi, có thể chít thêm chiếc khăn trên đầu, và đứng trên bãi biển hoặc bờ sông thì thật sự sẽ khó nghi ngờ rằng sông biển, con cá, con tôm không phải là cái nghiệp của ông ấy.
Đầu hói, bầu bầu, chỉ có một ít tóc sợi được chải vắt ngang qua, mặt bầu bầu, người bầu bầu, bờ vai bầu bầu, cả hai cánh tay cũng có vẻ vòng vòng bầu bầu; người đang ngồi nhưng vóc như vậy thì biết là không cao, và các đường nét đều có một vẻ đậm và cục mịch.
Áo sơ-mi cộc tay, mỏng và trắng tinh, xơ-vin, — chắc là công chức. Lại đã đứng tuổi và ngồi "chính tọa" thế kia, tại một chỗ hưởng thụ thế này, — chắc là quan chức. Nhưng da thô và rất đen. Tôi và Xéc-giô có lần đã cãi nhau kịch liệt về chuyện khi một người da đen uống rượu vốt-ka thì lòng bàn chân có đỏ lên không, — nhưng đây không phải người da đen, đây là nước da thô và rất đen của một người da vàng đã đứng tuổi.
Nước da ấy đang ửng lên, và đôi mắt hai mí, dài bình thường, nhưng hơi hẹp, cũng đang ánh lên những tia long lanh không ổn định, — cùng là do tác dụng của một lượng kha khá cồn trong máu.
Mắt chăm chú nhìn về phía trước, mặt hân hoan, môi trên hơi lẹm vào so với môi dưới, miệng hé mở, người ấy đang say sưa hát.
"Em hãy nớ nụ cười tươi xinh
Như cánh hoa xuân chào riêng anh
Noi-ói nhau-au ngàn lời qua đôi mắt xanh.
Ta hát chung tiếng ca vang dội..."
Bài "Tình ca" của nhạc sĩ Hoàng Việt.
Bài này hát hay nhất có lẽ là chú Trung Kiên, nhưng nếu nhắc đến nó, là từ một nơi nào đó ở sâu trong lòng tôi lại văng vẳng ngay một giọng hát khác, một giọng hát mê mải trong tiếng nhạc đệm của hầu như duy nhất một cây đàn oóc-gan, — là giọng bác Quốc Hương. Chất giọng, và cả cách phát âm tiếng Việt của bác Quốc Hương tôi đều thấy hơi quê quê, và tôi đều không thật thích, nhưng bài "Tình ca" bác hát, không hiểu theo cơ chế nào, lại tự động được ghi vào lòng tôi một cách rõ ràng hẳn hơn các phiên bản khác.
Chú "vạn chài" kia có lẽ cũng tầm tuổi chú Trung Kiên, nhưng giọng chú không phải tê-no, và hơi ê a.
Nhưng chú hát say sưa.
Điểm đặc trưng của hát ka-ra-ô-kê là khi hát thì mắt nhìn vào chữ — lời bài hát — chạy trên màn hình. Không phải vì khiếm thính, với một số người thì cũng không phải vì không thuộc lời bài hát, nhưng đã hát ka-ra-ô-kê, thể nào cũng nhìn chữ chạy.
Nhìn như thế một lát, thể nào cũng chăm chú.
Tâm trí người ta hay để ở chỗ mắt nhìn, nhất là nhìn chăm chú. Nếu đấy là nhìn vào ai đó, và nói, cười, để giao tiếp; hay là nói gì đó về thứ mà mình đang nhìn; thì cái đó sẽ nhất quán một cách tự nhiên.
Còn nếu không phải như thế, còn nếu mắt một nơi, mồm và mặt một nẻo, thì các động tác nói, cười lúc ấy sẽ bị vô hồn, và rất dễ mang một vẻ cơ học đơn thuần, trông rất máy móc.
Máy móc, vốn là máy móc, nên máy móc máy móc thì cái đó sẽ nhất quán một cách tự nhiên.
Nhưng người, vốn không phải máy móc, nên người máy móc thì cái đó sẽ có khi mang một vẻ ngây dại, có thể ngây dại đến mức trông kinh kinh.
Căn phòng ka-ra-ô-kê rộng rãi được chiếu sáng — chắc là ít nhiều có thiết kế bài bản — bằng ánh sáng trong trẻo dễ chịu màu vàng nhạt, tiếng "Tình ca" nổi lên trên nền những tiếng chuyện trò và cười đùa khe khẽ, cả giọng nam và giọng nữ, vui vẻ và láo nháo một cách có kiềm chế, — có nhiều người đang ngồi ở trong ấy, nam nữ lẫn lộn, viền theo ba mặt chân tường phía bên trong, quay ra ngoài này, có người cũng đang chăm chú xem chữ chạy, có người nhìn và cổ vũ cô gái đang vặn vẹo tùy hứng cạnh chiếc ti-vi, có người nhổm đứng lên, có người nhìn chúng tôi, có người nhìn lẫn nhau. Và ngay sau tấm lưng con gái để trần, ngay sau cảm nhận rất nhanh "lão vạn chài", thì cái khoảnh khắc ngây dại trông kinh kinh của người đang ngồi hát ở "chính tọa" đã ngay lập tức đập thẳng vào hệ thống cảm giác của tôi; và khó thể phân biệt đấy là do mình nó, hay vì nó đã thêm một lượng méo mó thừa đủ vào chuyện mấy cậu giai dẫn đường, chuyện anh Quân bỗng hát trong thang máy... chỉ biết gần như tức thì tôi đã thấy tay mình đang ở trên vai anh Quân:
— Mình vào đây làm gì, hả anh?!
(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
http://philong58.blogspot.com/2012/03/lap-trinh-vien-ii-chuong-2-ban-ep-ay-u.html
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
http://philong58.blogspot.com/2011/12/lap-trinh-vien-ii-chuong-1-ban-ep-ay-u.html
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html
Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).
Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...
Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...