Lập Trình Viên II (30)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Cái thứ khí sắc lạ lùng ở trước trán Mai Phương, không hiểu sao lại đang "rực rỡ" ngay ở trên đỉnh đầu tôi.



*
*     *


Trên-ến đỉnh Trường-ường Sơn ta hát bài-ài ca...
Gưi tới quê nhà bao la...
Biển xanh sóng vô-ỗ hiền hòa...

Anh Quân bỗng hát, và tôi bỗng có cảm giác thật lạ lẫm.

Vì anh và tôi đang đứng trong thang máy; ba bên (trừ cửa) là gương, gương từ nửa người lên đến trần; cả gương, cả loại vật liệu bóng (loang lổ vàng, đen, nâu đỏ, — chắc muốn bắt chước vân đá) lát tường bên dưới gương, cả tay vịn tròn (bằng gỗ vàng bóng lộn, hai đầu bịt đồng sáng loáng) chạy ngang dưới các mép gương, cả sàn lát đá màu đen các-bon — mặt sàn có ba hình tròn (với những họa tiết phức tạp bên trong) được ghép bằng đá nâu nhạt, — và các chi tiết ghép nối, viền... ở bên trong thang máy đều hết sức kỹ càng và tỉ mỉ; nhưng buồng thang máy nông choèn: rộng bình thường, nhưng dẹt có một tí, hai người đứng dọc là đã hơi phải ních nhau.

Và anh Quân vốn không hát và — vì — không biết hát; tôi thấy anh hát đây là lần đầu tiên.

Và trong thang máy ngoài hai anh em tôi ra còn có một người nữa, — người lạ.

Một cậu thanh niên tuổi chừng mười sáu, mười bảy, đứng cao hơn anh Quân nửa cái đầu, chắc cậu cao khoảng trên mét sáu; nước da cậu hơi tối, nhưng mắt cậu sáng, gọi là long lanh cũng được, chỉ không biết vì sao, tôi lại có cảm giác hoàn toàn không thoải mái khi nhìn thấy ánh mắt long lanh ấy, có thể là nó long lanh quá, hay thế nào đó; đầu tóc cậu bờm xờm và hơi có sắc đỏ, nhưng cả bờm xờm và đỏ đều không tự nhiên, chắc là gôm, xịt, nhuộm; cậu mặc áo sơ-mi cộc tay màu trắng vẽ hoa lộn xộn màu xanh cô-ban và màu mắm tôm, trông rất "bèo tây", do chất vải và cách may nên áo sơ-mi nhưng mặc trông giống áo thun, chỉ là có đủ hai vạt cài cúc và có đuôi tôm; chiếc quần bò xanh thẫm và bạc không đều của cậu có hai chiếc túi sau tụt hẳn xuống phía dưới mông, tôi nhìn không quen nhưng không biết đấy là kiểu quần như thế, hay vì cậu mặc trễ quá nên trông như thế; chân cậu đi giày lười màu đen, không tất.

Có một cái gì đó meo méo rất rõ, khi vừa nhìn cậu trai này. Có lẽ tại lưng cậu hơi dài, đầu gối hơi thấp, và bắp chân hơi cong, — hình như hồi nhỏ cậu phải lao động nặng.

Còn bây giờ cậu làm ở đây.

Dưới tầng một, cậu chờ chúng tôi ở cửa thang máy, và nói — thực ra là hô lên — với chúng tôi:

— Em chào các anh ạ!

Cậu mời chúng tôi vào thang máy, rồi vào cùng và bấm cho chúng tôi lên tầng năm.

Cửa thang máy mở, tôi tưởng cậu sẽ ra cùng, nhưng tôi thấy anh Quân chìa tay cho cậu, trong tay loáng thoáng màu xanh công nhân, — là tờ hai chục ngàn; gần như cùng một lúc với động tác tay của anh Quân, cậu vừa hô:

— Em chúc các anh chơi vui ạ!

Vừa hai tay lễ phép đón lấy tờ tiền.

Hóa ra từng công đoạn đã được phân nhiệm rõ ràng, ai có việc nấy, — ở ngoài cửa thang máy đã đang đứng sẵn một cậu khác, bộ dạng na ná, nhưng sơ-mi là sơ-mi dài tay màu đen may bằng loại vải sợi hóa học có dệt lẫn — một ít — những sợi kim tuyến bạc lấp lánh, và trông cậu có phần tự nhiên hơn cậu trong thang, cả cách nói năng cũng vậy:

— Chào hai anh, mời hai anh đi lối này. — Vừa nói cậu vừa chìa tay dọc theo hành lanh chạy ngang qua, về phía bên phải thang máy.

Đầu hành lang phía đằng này tối lờ mờ.

Lúc cửa thang máy mở ra thì những tiếng nhạc, tiếng hát í ới đã nghe văng vẳng, be bé thôi nhưng tương đối nhiều và láo nháo, có những đám tiếng lộn xộn bất ngờ to hẳn lên, rồi lại bé ngay đi.

Lại vừa có tiếng to hẳn lên, nhưng to hẳn hơn, vì cánh cửa vừa được mở ra ở ngay trước mặt chúng tôi.

Mai Phương, anh Ngạn, và tôi, ba anh em vừa ở Cà Mau về được vài ngày; sáng nay anh Quân gọi điện thoại đến văn phòng, bảo hôm trước gọi, nhưng tôi không có nhà, và hẹn tôi đi ăn trưa.

Hồi còn ở trường, những lúc vui chuyện, tôi vẫn nghe mọi người kể về tính phàm ăn của anh Quân, nhưng mãi đến hôm nay hai anh em đi ăn trưa cùng, tôi mới thực sự có được trực quan cụ thể. Chuyện bông lơn cũng có thể làm cho người ta nhớ lâu, nhưng nhớ kiểu đấy chỉ là nhớ khái niệm; còn trực quan, nếu làm cho người ta nhớ lâu, thì là nhớ những chi tiết thật, và vì những chi tiết ấy gây được ấn tượng.

Anh Quân hẹn tôi đến một cái quán ở trên đường Điện Biên Phủ, hình như — tư duy địa lý của tôi dốt nói chung, và dốt đường nói riêng — ở quận Bình Thạnh. Bữa trưa tương đối nhiều bia và đặc biệt — ít ra là với tôi — nhiều thịt; nhiều về lượng, về chủng loại, và về độ khác thường — (có lẽ lại) ít ra là với tôi.

Một bữa ăn thịt ba con thì chắc tôi đã ăn rồi, nhưng ba con cùng lạ lẫm kiểu như thế này thì chưa.

Con thứ nhất là chuột đồng.

Hình như tên đầy đủ là "Chuột đồng Cao Lãnh"; năm con, đều to tương đối, làm lông, mổ bụng vứt ruột, chặt cẳng chân tay, chặt bớt đuôi chỉ còn một mẩu, phanh bẹt ra, nướng vàng, rồi đặt nằm sấp dàn hàng ngang trên một chiếc đĩa to, dưới lót mấy lá rau xanh, hình như là lá diếp ngô.

Anh Quân ướm ướm bàn tay nhỏ nhưng đầy đặn dọc theo vết chém ngang nách năm con chuột — có hai vết chém ngang như vậy, một vết ngang hông, — nhìn người đàn ông quãng tuổi trung niên, là người đã bưng đĩa chuột ra, lắc lắc đầu:

— Đã bảo đừng chặt.

Bác kia cười vẻ biết lỗi:

— Em xin lỗi, nhà bếp nó quên.

Lúc anh Quân bảo chuột đồng, tôi nghĩ ngay đến "gà đồng", nên đã hỏi theo kiểu đấy, nhưng anh Quân giương mắt lên:

— Chuột tức là chuột, gà vịt ếch nhái gì?!

Được cái thịt con "chuột tức là chuột" này cũng dễ ăn, gần gần như thịt gà.

Con thứ hai là kỳ nhông. Anh Quân nhớ chuyện "gà đồng", nên đã giải thích ngay:

— Đúng cái con đổi màu ấy.

Sáu con mà trước đấy nghe đồn là có thể đổi màu, giờ cũng nướng, nằm tồng ngồng — không hiểu sao trông tồng ngồng hẳn hơn bọn chuột, có khi vì bị lột da, — cong queo, chen chúc nhau trên đĩa, thân hình mảnh mảnh như cá, nhưng dài thượt, vì đuôi chúng to, và cả đuôi và chân sau đều rất dài.

Không biết có phải là nhờ lần này nhà bếp đã không quên hay không, nhưng bọn này đều được toàn thây, không bị chém ngang nách hay hông.

Anh Quân có vẻ hài lòng lắm, còn tôi chỉ nhớ thịt con này hơi xơ xơ, cũng không phân biệt được là giống con gì hơn: cá, hay thú?

Con thứ ba thì anh Quân khỏi cần lăn tăn "chặt" với "đừng chặt", — con này chúng tôi phải ăn "đụng" với nhiều người khác, không bày cả con lên đĩa được, một con cũng không, đừng nói năm, sáu.

Tại con này là cá sấu, "cá sấu tức là cá sấu", "đúng là cái con cá sấu ấy".

Bác trung niên bưng ra hai đĩa to; một đĩa thịt nướng, trông bộ dạng thì chắc là nướng cả miếng rồi thái, rồi bày lên đĩa cùng với một củ tỏi to nguyên vỏ, chắc cũng được nướng cùng, và một đĩa nhỏ xíu đựng mù-tạc chua; đĩa to kia thì đầy thịt sống, sống nguyên, trên có rắc nhiều gừng và ớt, đều thái chỉ, và một ít rau mùi, thịt sống này cũng chấm mù-tạc, nhưng là mù-tạc hăng.

Cá sấu, cả cá sấu nguyên con và thịt cá sấu, tôi đều chưa từng nhìn thấy — không tính trong phim, — nên tôi giương mắt lên ngắm hai đĩa thịt này.

Đại khái miếng thịt, thớ thịt trông na ná như thịt bò, hình như đĩa thịt sống sáng màu hơn thịt bò một chút, nhưng đĩa thịt nướng thì lại thâm sì.

Anh Quân bảo "Bổ lắm!", tôi ăn mấy miếng thịt nướng thì thấy dai dai như thịt bò già, còn vị thì không rõ rệt, tôi cũng không biết là có giống thịt bò nướng hay không, vì thịt bò già dai thì tôi nhớ theo kiểu "khái niệm quen", còn thịt bò nướng thì quả thực đã rất lâu rồi tôi không ăn, — kể từ cuộc "Ngoại ô muôn năm!" đầu tiên, Xéc-giô đã giương mắt lên với tôi: "Dở hơi à, mà đi nướng bò với lợn, trong khi có cừu?!", và cả chuyện dã ngoại nói chung và chuyện thịt nướng nói riêng này, thật sự tôi hết sức khâm phục chàng Xéc-giô bạn tôi.

Còn thịt sống thì tôi không dám ăn; anh Quân gọi tôi là "thằng nhà quê về tỉnh".

Trong câu chuyện lúc trưa, anh Quân mấy lần bảo tôi "như chú bây giờ là vững đấy, có cái nhà băng to tướng bên mình", tôi nghe không hiểu lắm, tôi có nghĩ ngay đến chuyện tôi với Mai Phương và gia đình nó, nhưng chú Cao, theo những gì tôi biết và hình dung, thì không giống một cái nhà băng to tướng lắm, nên tôi nghĩ anh Quân bây giờ là người làm ăn, có thể đấy là một kiểu thuật ngữ làm ăn gì đó mà các anh hay dùng ở đây, tôi cũng không thấy tò mò, nên không hỏi gì cả, nhưng không hiểu sao trong nhiều chuyện đã nói, có vẻ tôi lại nhớ chuyện này, có khi phải gần nhớ bằng chuyện anh Quân đã một mình ăn hết cả đĩa thịt sống.

Cửa vừa mở, thì cảm giác là ca nhạc không chỉ ập ngay vào tai, mà là ập ngay vào cả người.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Chuyện cười (19)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






CHUYỆN CƯỜI
(Tập 19)





Một chàng trai tóc nhuộm xanh đỏ sặc sỡ đứng ở bến xe buýt.

Một lát, có một người đứng tuổi lại gần và đứng nhìn anh chằm chằm một cách căng thẳng.

Hơi khó chịu, nhưng anh cố vui vẻ:

— Cụ khốt ơi, cả đời cụ chưa bao giờ làm một cái gì đó khác lạ hay sao?!

— Rồi, có lần tôi đã lẹo một con công và giờ tôi đang rất phân vân không biết cậu có phải con giai tôi không?


o0o

Download cả chùm "Chuyện cười (19)" [15KB]:

Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me():
1) Chạy Chương trình me():
2) Bấm nút "Thư viện" => me() mở giao diện tủ sách (bướm bay)
3) Bấm nút "Thêm truyện mới" => me() mở giao diện "Open File"
4) Chọn file ".lcd" vừa download, bấm "Open" (hoặc click đúp) => me() cho quyển sách vừa chọn vào thư viện
5) Chọn truyện trong thư viện (danh sách), bấm "Mở ra đọc" (hoặc click đúp)

Một bà lão Do Thái đang ngồi ngắm đứa cháu chơi trên bãi biển thì một làn sóng khổng lồ ập đến và cuốn cậu ra xa. Bà lão cầu xin:

— Cầu Chúa, xin người hãy bảo vệ đứa cháu trai duy nhất của con! Con cầu xin Người, hãy mang nó trở lại!

Và một làn sóng lớn kéo đến và thả cậu bé lại trên bãi biển. Bà lão ngước mắt lên trời:

— Lạy Chúa toàn năng, ban nãy nó đội một chiếc mũ!


o0o

Rùa bơi trên dòng sông, rắn nằm trên lưng rùa. Rắn nghĩ: "Cắn nó — nó vứt mình xuống". Rùa nghĩ: "Vứt nó xuống — nó cắn". Và chúng cùng bơi.

Vậy hãy uống, vì tình bạn của nữ giới.

'

o0o

Hai chú uống rượu "Vì trên đầu chúng ta có mái nhà..." blah blah... Bỗng một con rắn bò đến và cắn một chú. Chú kia biết nọc con này sẽ tác dụng trong vòng 12 tiếng, nên đưa bạn vào nhà, để nằm trên đi-văng, và đi lại ngoài cửa chờ hết 12 tiếng.

Hết thời gian, vào phòng...


o0o

Ba người ngồi trong nhà tắm hơi: nhà báo, giám đốc nhà máy bia, và thợ đào đất. Mỗi người có một thứ lòng thòng: nhà báo — lưỡi, giám đốc — bụng, thợ đào đất — tay...


o0o

Một người vào quán rượu quen của mình sau một ngày làm việc nặng nề để thư giãn. Anh thấy người ngồi bên cạnh gọi một phát rượu mạnh và bia; làm một phát rượu mạnh, lùa nó bằng bia, rồi nhòm vào túi áo sơ mi. Việc này lặp lại vài lần, cho đến lúc anh tò mò không thể nhịn được...

Anh xích lại gần...


o0o

Giôn và Đa-vít là hai bệnh nhân tâm thần. Một lần, trong lúc dạo chơi, họ đi qua bể bơi của bệnh viện và Giôn bất ngờ ngã xuống nước ở chỗ sâu nhất. Anh chìm đến đáy và nằm im ở đấy. Đa-vít không chậm trễ đã nhảy xuống để cứu Giôn, anh lặn xuống đáy bể bơi và kéo Giôn lên.

Giám đốc bệnh viện sau đó đã đến để tìm hiểu hành động anh hùng của Đa-vít. Ngày hôm sau, các bác sĩ dẫn Đa-vít vào phòng giám đốc...


o0o

Xêm và Giôn vào rừng cưa gỗ. Giôn sơ ý cưa đứt cánh tay. Xêm bình tĩnh cho cánh tay vào túi ni lông, rồi đưa Giôn và cánh tay đứt đến bác sĩ phẫu thuật.

— Các cậu thật may mắn. — Nhà phẫu thuật bảo Xêm. — Tôi là một chuyên gia nối tứ chi. Hãy trở lại sau bốn tiếng.

Xêm trở lại sau bốn tiếng và nhà phẫu thuật bảo...


o0o

Một nhà sư một hôm đi xuống phố và nhìn thấy một cậu bé bé tí đang cố bấm chuông cửa một căn nhà ở bên kia đường.

Nhưng cậu bé còn nhỏ quá và chuông cửa là quá cao để cậu có thể động đến.

Sau khi theo dõi những nỗ lực của cậu bé một lúc, nhà sư tiến về phía cậu...


o0o

Một cặp mới cưới chuyển đến căn nhà mới của họ.

Một hôm chồng đi làm về, vợ bảo:

— Anh yêu, anh biết không, ở buồng tắm ở tầng trên có một ống nước bị hở, anh có thể chữa được không?

— Em trông anh giống ai, — giống thợ sửa ống nước à?..

o0o

— Bố ơi, "confident" (tin chắc) và "confidential" (bí mật) khác gì nhau?

— Hm... Con là con trai bố...

Chuyện cười (18)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook






CHUYỆN CƯỜI

(Tập 18)






Người phát minh xe máy Ha-li Đây-vít-sơn, A-thua Đây-vít-sơn, chết và lên tới Thiên Đường; ở cổng, Thánh Pi-tơ bảo:


— Vì anh đã là một người tốt như vậy, và những chiếc mô tô của anh đã thay đổi thế giới, phần thưởng của anh là anh có thể rong chơi với bất kỳ ai anh muốn ở trên Thiên Đường.


A-thua nghĩ một phút, rồi nói:


— Tôi muốn được rong chơi với Chúa Trời.


Thánh Pi-tơ đưa A-thua tới Ngự Phòng, và giới thiệu với Chúa Trời.


Chúa Trời nhận ra A-thua, và bảo:


— Ồ, vậy anh là người, mà đã phát minh ra xe máy Ha-li Đây-vít-sơn đấy hả?


— Vâng, chính là tôi. — A-thua thưa.


Chúa Trời bình luận:


— Ờ.., nhưng mà có cái quái gì là lớn lao trong việc sáng chế ra một thứ đứng không vững lắm, gây ồn, và gây ô nhiễm, và không thể chạy mà không có đường chứ?


A-thua ngượng đỏ hết mặt, và ức lắm, nhưng vẫn nhớ đây không phải là đang họp với nhân viên, mà là Thiên Đường, nên cố giữ giọng từ tốn, bảo với Chúa Trời:


— Tha thứ cho tôi, nhưng ngài không phải là người phát minh ra đàn bà hay sao?


— A.., đúng là ta đấy. — Chúa Trời nói.


— Ờ.., — A-thua tiếp, — Như một người chuyên nghiệp nói với một người chuyên nghiệp, thì ngài cũng mắc một số lỗi rất lớn về thiết kế trong phát minh của ngài:


"Thứ nhất, có quá nhiều mâu thuẫn trong những thứ nhô ra ở ngoại vi.


"Thứ hai, cái này kêu luyên thuyên luôn mồm khi chạy với tốc độ cao.


"Thứ ba, bộ phận phía sau quá mềm và rung lắc quá nhiều.


"Thứ tư, chỗ đổ xăng quá gần ống xả.


"Thứ năm, chi phí bảo hành đắt đến mức vô nhân đạo!!!"


— Hm... có thể anh đã thắng được vài điểm... — Chúa Trời bảo. — Nhưng hãy đợi đấy!


Chúa Trời đi đến bàn để máy tính, ngồi vào gõ lạch cạch, và máy tính in ra một băng giấy dài. Chúa Trời cầm băng giấy, đọc qua, rồi đưa cho A-thua:


— Ờ.., có thể là phát minh của ta có nhiều lỗi thật, nhưng theo những số liệu này, thì số người cưỡi phát minh của ta, nhiều hơn của anh nhiều.



o0o

Download cả chùm "Chuyện cười (18)" [12KB]:

http://www.mediafire.com/?af4nuz694r1ocmw

http://tiny.cc/qzdnew


Hướng dẫn cách dùng tủ sách của me():

1) Chạy Chương trình me():

2) Bấm nút "Thư viện" => me() mở giao diện tủ sách (bướm bay)

3) Bấm nút "Thêm truyện mới" => me() mở giao diện "Open File"

4) Chọn file ".lcd" vừa download, bấm "Open" (hoặc click đúp) => me() cho quyển sách vừa chọn vào thư viện

5) Chọn truyện trong thư viện (danh sách), bấm "Mở ra đọc" (hoặc click đúp)


— Vì sao đàn ông thấy đầu óc sáng láng hơn trong lúc lẹo nhau?


— Vì đang được cắm vào một thiên tài.


— Vì sao đàn bà không nháy mắt trong lúc lẹo nhau?


— Vì...



o0o


Một ông già đến gặp Pháp Sư để hỏi xem Pháp Sư có thể gỡ bỏ cho mình một lời nguyền mà mình đã phải sống cùng trong suốt 40 năm.


Pháp sư nói:


— Có thể bỏ, nhưng ông phải nói với ta thật chính xác những...



o0o


Sau khi khám kỹ, bác sĩ nói với Đây-vít:


— Sức khỏe anh tốt. Anh có bất kỳ vấn đề lo lắng nào về y học muốn hỏi tôi không?


— Thực sự, là có đấy. — Đây-vít nói. — Sau khi lẹo nhau với vợ tôi thường bị nóng và đẫm mồ hôi, và rồi, sau khi lẹo tiếp lần nữa, tôi lại thường bị lạnh và cóng.


Sau khi khám cho vợ Đây-vít, Rô-bớt-ta, bác sĩ nói...



o0o


Ở trang trại có một con gà con và một con ngựa, hai con rất thích chơi cùng nhau.


Một hôm trong lúc chơi đùa, ngựa bị rơi vào bãi lầy và bắt đầu tụt xuống. Kinh hoàng, vì chết đến nơi, ngựa hí lên với gà, giục gà đi gọi người chủ trại đến cứu!


Gà hốt hoảng ba chân bốn cẳng chạy về trang trại.


Đến nơi, nó vội tìm khắp mọi ngóc ngách, nhưng vô ích, người chủ trại đã đi vào thị trấn cùng với chiếc máy kéo duy nhất.


Chạy cuống cuồng chung quanh, gà chợt trông thấy chiếc xe máy Hác-lây. Chìa khóa vẫn cắm trong ổ, gà vội kiếm một sợi dây dài rồi rồ máy tăng tốc, hy vọng kịp đến cứu bạn mình.


Ở bãi lầy, ngựa kinh ngạc, và hạnh phúc, thấy gà phóng tới trên chiếc Hác-lây sáng ngời, và nó đã cố cắn được đầu sợi dây mà gà ném cho nó.


Buộc chắc đầu dây kia vào ba-đờ-xốc sau xe Hác-lây, gà đã cho xe từ từ chạy về phía trước và, với sự trợ giúp của chiếc xe máy phân khối lớn, nó đã cứu được ngựa!


Hạnh phúc và hãnh diện, gà cưỡi Hác-lây trở về trang trại, và người chủ trại, lúc trở về, cũng không hề biết gì.


Tình bạn giữa hai con vật càng trở nên khăng khít: Bằng hữu thân thiết nhất!


Vài tuần sau, gà con bị rơi xuống một hố bùn to, và cũng bắt đầu bị tụt dần xuống, và kêu khóc, bảo ngựa hãy cứu nó!


Ngựa nghĩ ngợi một giây, rồi bước qua...

Lập Trình Viên II (29)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

"Và bằng cách ấy cũng có thể giúp trị thương.

"Thể chất anh Ngạn rất tốt, và lòng ham sống cao lắm; chữa lành mấy vết thương thì anh ấy ở lại trong chùa với ông. Khí sắc của anh ấy có điểm khác so với đa số mọi người; ông cũng đã ít nhiều có hình dung, nhưng sau mới tìm hiểu rõ; anh ấy là người Chăm-pa, Chăm-pa không pha phách gì cả. Về tố chất, anh ấy rất có thể là người chọn được theo pháp môn.

"Ông chưa chọn, nhưng trong mấy năm, ông cũng đã dạy anh ấy đủ thứ, như một đệ tử tục gia. Anh Ngạn thích những thứ ông dạy, chăm học lắm, và học cái gì cũng nhanh, có thứ nhanh hơn ông ngày xưa, vài thứ là nhanh hẳn hơn, mặc dù trường hợp của ông, sư phụ nói, cũng là lâu lâu mới chọn được một. Theo lời sư phụ, thì pháp môn này xuất phát từ Tây Tạng, lúc dạy anh Ngạn, thì ông nhận thấy nó có vẻ phù hợp với nguồn gốc Ấn Độ Giáo, hơn là Phật, Đạo..."

Ông gật đầu với những dấu hiệu thắc mắc mà ông đã nhận thấy ở tôi:

"Lúc ông Ngô Quyền bẫy giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thì người Chăm-pa đã độc lập được hơn bảy trăm năm rồi; người mình còn đang làm nô lệ cho người Tàu, thì văn hóa Chăm-pa đã phát triển rực rỡ. Họ thờ thần Si-va... một vị thần Ấn Độ Giáo, một nhà hiền triết, với sức mạnh bạo liệt của một chiến thần; Si-va là thần thượng cổ, cũng như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông ở Tàu..."

— Phục Hy mà... suốt từ hồi Hà đồ, Lạc thư ấy ạ? — Tôi hỏi.

— Đúng rồi. — Ông xác nhận.

Tôi không hỏi gì nữa, nhưng có vẻ như ông vẫn có ý chờ tôi, — tôi đang cố sắp xếp cho thật ngăn nắp câu chuyện không tuyến tính từ nhiều góc độ mà tôi đang nghe, và tôi chắc sẽ không bao giờ quen được cách nói chuyện với một người thật sự có thể nhận biết được rất nhiều thứ mà thông thường thì phải là rất riêng của tôi, diễn ra ở trong tôi.

"Ông nội của tiểu Phương... Ừ, ông nội "nuôi" của tiểu Phương," một lát, ông kể tiếp, "từ lâu, ông ấy vẫn là người luôn hỗ trợ tài chính cho ngôi chùa nơi ông xuất gia, ông với ông ấy cũng có chút giao tình. Ông ấy mất, thì anh Cao tiếp tục những gì ông ấy vẫn làm, một cách rất là chu đáo.

"Anh Ngạn gặp anh Cao một lần, thì bắt đầu hỏi han ông rất nhiều. Cũng qua những chuyện đó, thì ông hiểu là những gì đang ở trong lòng anh Ngạn lần này sẽ thật khó mà lưu luyến cảnh chùa.

"Khoảng hơn một tháng sau, thì ông nói chuyện với anh Cao, rồi bảo anh Ngạn đi theo anh ấy.

"Tiểu Phương khi ấy còn bé," ông nâng ngang bàn tay lên, ước lượng chiều cao, chiều cao của một đứa bé chừng bốn, năm tuổi, "và có đôi mắt rất sáng."

Có một câu hỏi thành hình ngay trong suy nghĩ của tôi một cách tự nhiên, nhưng tôi phần thì rất muốn hỏi, phần lại rất không muốn làm gián đoạn câu chuyện đang sắp đến đoạn chính; nhưng cuối cùng tôi sắp hỏi, thì bàn tay ông, mát và mềm, còn hơn cả tay Mai Phương, đã đặt lên lưng bàn tay tôi, mấy ngón tay ông vỗ mấy cái nhẹ nhẹ; ông kể tiếp:

"Pháp môn mà sư phụ đã dạy ông có chín tầng, khi ấy ông đã luyện được đến tầng thứ bảy.

"Bây giờ người ta cũng hay nói đến tâm linh, đến thiền, viết cả các loại sách dạy thiền, trong đấy thường dạy mọi người tập trung tinh thần, bài trừ tạp niệm, để đầu óc trống rỗng, nếu không trống được thì hãy tập trung vào một ý nghĩ nào đó... Còn các học giả xã hội học cũng viết các loại sách khuyên người ta cách sống, trong những sách đấy thì hay bảo mọi người nghe theo tiếng gọi trái tim mình... đại để như vậy.

"Ông thì không thể hình dung được là có ai đấy làm theo những cách như thế mà lại có thể tìm đến được với một cảnh giới tinh thần nào đó tốt hơn được. Vì những loại sách ấy không chỉ được ra cho người ta cách làm thế nào để phân biệt được đâu là tạp niệm, đâu không phải tạp niệm, đâu là tiếng gọi trái tim — nếu như muốn gọi như thế, — đâu không phải là tiếng gọi ấy. Mà đã không phân biệt được như thế, thì làm sao biết bài trừ cái gì, biết đi theo cái gì chứ?

"Nếu người ta có thể phân biệt được, thì đã chả cần anh nói; còn như người ta đã không phân biệt được, thì anh nói nhăng cuội với họ về những thứ mà bản thân anh cũng không hiểu như thế, chẳng những đã không giúp được gì, lại còn khiến cho người ta thêm lẫn lộn, và dễ làm sai hơn.

"Tâm lý con người hay có xu hướng biến những thứ mà mình không hiểu thành những thứ cao siêu. Thực ra loài người coi những thứ mà mình không hiểu là cao siêu, thì là bình thường. Nhưng khi một ai đó trong xã hội loài người thích dùng cách tiếp cận như vậy với các vấn đề của mình, thì lại phải xem lại. Vì nhiều khi anh không hiểu chỉ đơn giản là vì bản thân anh dốt.

"Còn theo những gì sư phụ đã truyền dạy, và ông đã phần nào chứng nghiệm, thì trong một người có hai phần... hay nói theo cách hình tượng hơn, trong một con người có hai con người khác nhau. Người thứ nhất lớn lên từ tính chất người riêng của chính con người đã được sinh ra, còn người thứ hai...

"Người thứ hai là một mớ tạp niệm.

"Nếu như không phân biệt được, nếu như con người thứ hai át đi con người thứ nhất, thì cháu có thể sống hết cuộc đời mình giống như một học sinh đến trường thi và cặm cụi làm bài, nộp bài, và yên tâm, vui vẻ vì mình đã làm bài tốt, rồi đến khi công bố điểm, mới ớ ra là mình đã lạc đề.

"Quả đất ngày càng đông dân, chẳng phải cũng giống như trường thi ngày càng đông thí sinh, vì ngày càng có nhiều thí sinh cứ thi đi thi lại mãi mà vẫn không đỗ? Và có phải khu vực nào trên quả đất càng có nhiều học sinh dốt, thì trường thi càng đông?

"Khi tọa thiền và rơi vào được cảnh giới ở tầng thứ bảy, nếu có một niệm phát sinh, thì có thể phân biệt được rõ ràng đấy là chánh niệm hay tạp niệm, và có thể an định được ở chánh niệm, tức là làm con người đúng theo tính chất người riêng của mình. Nếu tới được cảnh giới ở tầng thứ tám, thì không chỉ trong lúc tọa thiền, mà những lúc khác cũng có thể được như vậy, nhưng trạng thái này rất dễ bị phá vỡ.

"Muốn ổn định, vững vàng, thì phải lên được tầng thứ chín. Ở tầng thứ chín, cháu có thể toàn tâm toàn ý làm bài thi, nếu như có trượt, thì cũng không phải vì lạc đề."

Ông ngừng lời, nhìn tôi, nhưng có phải là ông nhìn tôi không? Hay chỉ là... có lẽ ông đang chìm trong những suy nghĩ riêng, và trong lúc ấy thì mắt ông để về hướng tôi?

Một lát, ông mới bắt đầu lại, nhưng, có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi biết ông, tôi nhận thấy trong giọng nói của ông giống như có một nét mệt mỏi:

"Anh Ngạn đi rồi, thì những lúc tọa thiền, cứ sắp rơi vào cảnh giới ở tầng thứ bảy, thì thay vì những gì vẫn diễn ra mà ông đã biết, bây giờ ông chỉ cảm thấy trong lòng cực kỳ buồn bã. Sự buồn bã khó tả này tràn ngập, xâm chiếm, lấn át mọi thứ, và tất cả dừng lại ở đó.

"Cả đời, chưa bao giờ ông gặp phải cảm giác... đến như vậy. Buồn bã đến rợn người, đến toát mồ hôi lạnh, đến có thể phát sợ, có thể hoảng hốt lên được; nếu như là trước đây, thậm chí có thể dẫn tới tẩu hỏa nhập ma; nhưng ở tầng thứ bảy thì định lực của ông đã vững; và ông cũng đã kiên trì lắm. Nhưng chuyện này lặp đi lặp lại, và ông phải hiểu là mình không thể tiếp tục theo cách như vậy nữa."

Ông lại nhìn... mắt ông lại để về hướng tôi, và ông thở dài, — ông thở dài?

"Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn. "Ngạn" là cái tên ông đặt cho nó. Đưa nó từ quỷ môn quan về, ông đã vui mừng lắm. Biển khổ mênh mang, quay đầu là bờ. Nhưng bờ đấy là của ai? Của nó? Hay của ông? Thế thì đâu mới là biển khổ? Biển khổ là ở chỗ nào?"

Lần này ông im lặng lâu; rồi khi nói, thì giọng ông đã trở lại như lúc ban đầu:

"Anh Ngạn đi, rồi ông cũng đi. Quãng chừng hơn một năm sau, thì chị Sương tìm đến, rồi ở lại luôn, ở lại với ông, như là đứa con gái của ông.

"Được gần tám năm, thì hai mắt của tiểu Phương... Mới rồi, cháu đã muốn hỏi ông. Nhưng chuyện này... nó thật sự ở ngoài khả năng của ông. Bệnh viện họ bảo không chữa được, nhưng, hẳn rồi, từ lúc mắt em bắt đầu mờ dần đi, thì ông đã cố xem bệnh cho em; ông và chị Sương đã ở Sài Gòn suốt những ngày ấy.

"Hai mắt em cứ càng mờ đi, thì huyệt Ấn Đường của nó..." — ông gật đầu xác nhận là tôi nhận đúng huyệt — "lại càng sáng rực lên.

"Nhưng khí sắc ở đấy lạ lắm. Ông chưa bao giờ nhìn thấy khí sắc như vậy, cũng chưa từng nghe sư phụ nói qua. Kính quỷ thần nhi viễn chi, — ông chỉ có thể làm theo những gì mà ông đã được học, được chứng nghiệm, được biết, hoặc có thể suy luận một cách nghiêm cẩn, và không dám bất chấp mơ hồ mà động chạm đến bất kỳ cái gì có thể liên quan tới thứ khí sắc lạ này. Mà những cách ông có thể làm thì..." — ông lắc đầu — "không có tác dụng gì cả, hoàn toàn không, và bản thân chuyện này cũng thật lạ lùng.

"Và ông vẫn rất lưu tâm, nhưng chỉ mãi đến khi... nhưng lần thứ hai, người thứ hai mà ông gặp, cũng có một khí sắc y hệt như thế...

"Chính là hôm mà ba anh em con đến đây."

Không lạ là đêm nay tôi bị mất ngủ, hoặc tôi phải được làm bằng một thứ vật chất đơn giản hơn. Thực ra trong lúc nghe chuyện ông, tôi đã luôn lưỡng lự, đã muốn kể hết cho ông nghe tất cả câu chuyện rất không bình thường về chính tôi.

Một mình ôm cái đấy, quả thực cũng nặng lắm!

Gặp được một người như ông để mà chia sẻ, khỏi cần nói là tôi đã mừng đến thế nào; sở dĩ tôi lưỡng lự, là vì tôi còn muốn cố — lô-gích, thì việc này đương nhiên không thể dễ — sắp xếp cái "hệ thống" của tôi (đúng hơn, phải nói là cái "hệ thống" đang chính là tôi đây) và hệ thống của ông vào với nhau, theo một cách nào đó, mà có thể hợp lý; bởi vì theo bản năng suy luận mà thày Đét-lam yêu quý của tôi đã rèn luyện tôi, thì đây rất có thể sẽ là những góc nhìn khác nhau của cùng một hệ thống, và nếu trực giác của tôi không sai, thì "hệ thống" của tôi sẽ nằm ở cấp độ sâu hơn.

Và bỗng, sự lưỡng lự đã hoàn toàn biến mất:

"Chính là hôm mà ba anh em con đến đây."

Âm vang, và đảo lộn tất cả: đảo lộn cả hệ thống — đang định — sắp xếp của tôi, và đảo lộn toàn bộ suy nghĩ, đúng hơn, đảo lộn tất tần tật những gì có ở con người tôi.

Cái thứ khí sắc lạ lùng ở trước trán Mai Phương, không hiểu sao lại đang "rực rỡ" ngay ở trên đỉnh đầu tôi.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Lập Trình Viên II (28)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Học — "hành" — cho được cách gỡ hai quả đấy, thì anh Ngạn thật sự cóng.

Chị Sương — đúng ra chúng tôi, kể cả anh Ngạn đều phải gọi "cô" Sương, nhưng vì vài lý do, trong đó có một lý do hết sức thuyết phục, là về ngoại diện, ngoại hình, mà nói, thì cô Sương thực sự là một người đàn bà không có tuổi, cho nên tất cả chúng tôi đều gọi "chị" Sương, và thấy hết sức bình thường — là người Hoa trăm phần trăm. Bố mẹ chị đều là người Hoa, đều thuộc lớp người vất vả, cùng qua đây sinh sống, gặp nhau, lấy nhau, và có chị Sương.

Lúc chị Sương còn chưa thể nhớ được gì, thì bố chị mất. Hơn mười năm sau thì đến mẹ chị. Mới mười ba, mười bốn tuổi, chị Sương đã sống chung với một ông tá Pháp. Năm 1954 ông tá Pháp cút, chị Sương sống chung với các ông tá, ông úy, nhưng của Mỹ. Các ông Mỹ cút nốt, thì chị Sương mở một quán cà-phê nhỏ; cô chủ quán cà-phê ấy hiền lành, chịu thương chịu khó, và là một đầu mối buôn bán chợ đen.

Công việc chợ đen này dựa vào một quan hệ tình cảm với một người lính ngụy từng nhập ngũ, là lính thuộc trung đoàn 44, sư đoàn 23, vùng II chiến thuật; rồi đào ngũ; rồi lại nhập ngũ, làm lính mũ nồi nâu của liên đoàn 21 biệt động quân.

Người lính ngụy này tên Vinh, là anh họ — con chú con bác — của anh Ngạn, cũng là người đã cẩn thận dạy anh Ngạn cách gỡ hai quả mìn kia.

Cho nên chị Sương đã tìm cách — dựa vào quan hệ với các ông tá, ông úy... của Việt Nam — gửi vào cho hai người họ được hơn bốn nghìn đô. Quản giáo ở trong trại có người nhận số tiền ấy.

Và họ đã có một kế hoạch.

Trước ngày hẹn ba hôm, ở ngoài bãi mìn, anh Ngạn đã đào lên được một quả "xanh nước biển thẫm"; anh sắp vặn cái chốt mìn, thì ở bên cạnh bỗng phát ra một tiếng nổ lớn, đất bay tung tóe, lửa vàng rực và khói xanh biếc mù mịt bốc lên.

Trong lúc bò trên bãi mìn và dùng một cái que sắt nhọn chầm chậm xăm từng mũi xuống đất để dò mìn, anh Vinh đã làm nổ một quả.

Nổ banh xác.

Chỉ bị hất văng đi, nhưng nhìn thấy anh Vinh nát bét, anh Ngạn đã lao chạy lung tung trên bãi mìn như một thằng điên.

Không đạp nổ thêm quả nào, nhưng anh bị nhốt lại.

Người quản giáo nhận bốn nghìn đô đã đưa anh Ngạn ra khỏi chỗ nhốt, và giúp anh có được một chỗ ở trên một chiếc tàu nhỏ.

Anh Ngạn vừa lên kịp, chiếc tàu bèn vượt biên.

Ban đêm, ngồi chen chúc giữa những người khác, anh Ngạn vẫn đang tiếp tục lẫn lộn giữa hai tình cảm: đau đớn, và vui mừng, — thì đèn chiếu sáng trưng.

Một chiếc tàu khác, không biết từ đâu, bỗng lù lù xuất hiện; tàu này không to hơn tàu anh Ngạn, nhưng chạy nhanh lắm; và đèn vừa bật lên, thì súng nổ liên hoàn, — bên đấy toàn những người đang nã tiểu liên.

Anh Ngạn kịp nhảy xuống nước, nhưng chưa tới nước thì đã bị mấy viên đạn xuyên vào người, — hoặc là bị đạn xuyên nên nhào xuống nước, anh Ngạn không phân biệt được.

— Ba viên. — Ông vừa nhắc lại với tôi (chuyện này ông đã kể). — Không viên nào trực tiếp giết được người, nhưng tình trạng lúc ấy, nếu bảo là cửu tử nhất sinh, thì đúng là nói an ủi. Nhưng người ta vào lúc như vậy, có nhiều thứ lại có thể nhìn thấy rất rõ... — Ông nhận thấy nét hoang mang trong ánh mắt tôi. — Chuyện này liên quan đến "pháp môn" ông vừa nói.

Tôi bất giác thay đổi cách ngồi, còn ông vẫn ngồi im, nhưng ông nhìn tôi rất chăm chú, có vẻ ông đang có điều cân nhắc.

Cuối cùng ông chớp mắt một cái, rồi nói:

"Ông là người được chọn để theo pháp môn này. Chọn, tức là tiền bối chọn ra hậu bối, sư phụ chọn ra đệ tử, mà thực ra nói "chọn" là chưa hẳn đúng, vì quan trọng nhất là phải tìm cho được người thích hợp, và người như thế không nhiều, thật sự không nhiều. Còn cách họ chọn, là nhìn. Nhưng họ nhìn không giống như chúng... không giống như những người bình thường khác.

"Những người đã tu tập có thành tựu pháp môn này thì họ có thể nhìn thấy thêm nhiều thứ ở người xung quanh.

"Một người, là liên quan đến một mớ năng lượng. Có bảy trung tâm năng lượng, một cái ở đỉnh đầu, một cái ở dưới cùng... huyệt Hội Âm," — ông gật đầu xác nhận là tôi hiểu đúng, — "và năm cái chạy theo xương sống.

"Mỗi trung tâm liên quan đến một loại năng lượng khác nhau, và từ mỗi trung tâm này tỏa ra một đám mây có hình dạng và màu sắc khác nhau, một đám cũng có thể có nhiều màu khác nhau, bao quanh thân người.

"Những đám mây này có tính chất vật chất khác nhau, cho nên có thể nhìn thấy được bao nhiêu trong số đấy là phụ thuộc vào thành tựu tu tập."

Ông nhìn tôi, bất ngờ phì cười:

— Cháu càng nghe càng bán tín bán nghi, bây giờ thì gần như không tin rồi, nhưng cháu ngại, nên chưa để lộ ra.

Mặt tôi nóng ran, ông lại cười:

— Với cháu thì chúng "trong suốt", còn... khoảng gần một năm trước khi gặp anh Ngạn, ông đã nhìn được cả bảy đám.

Tôi giật thót mình, — theo nghĩa đen, giật thành động tác hẳn hoi, — có một ý nghĩ còn chưa kịp thành hình đã lập tức bật ngay ra thành lời:

— Những thứ... những thứ mà... ở trong cháu... Có phải... — tôi khoát tay, "viền theo" khoảng không vô hình quanh mình — hiển thị... không ạ?

Ông lại nhìn tôi, nhíu mày một tí, rồi gật đầu:

— Tiểu Phương hay tấm tắc kể chuyện học của cháu. Cả nó cũng giỏi lắm.

Vừa nói ông vừa đưa bàn tay trái lên, lòng bàn tay ngửa ra, hướng về phía ánh trăng; tôi vội vàng nhìn theo hướng bàn tay chỉ, nhưng chả thấy có gì cụ thể ở đấy mà nó có thể chỉ vào cả; còn đang hồ đồ thì mắt tôi trố ra:

Trong ánh trăng vằng vặc có một chiếc lá đang rơi từ trên cao xuống theo một quỹ đạo kỳ quặc, không giống như rụng, không giống như bị gió thổi, nó cứ bay còng còng không theo hướng gió, vòng vào trong căn chòi, và rơi lên lòng bàn tay trái đang chìa ra ấy.

Lá, không tự rụng theo kiểu như thế.

Ông đưa chiếc lá cho tôi, lại gật đầu:

"Giờ thì cháu tin thật rồi.

"Biểu hiện ra, nhìn thấy được, và nếu tu vi đủ thâm hậu, thì có thể tác động vào.

"Và bằng cách ấy cũng có thể giúp trị thương.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Lập Trình Viên II (27)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

— Lúc gặp anh Ngạn ở bờ biển, ông đang là Thượng Tọa, còn anh Ngạn đang là... hơn chín phần là một xác chết, có khác, chỉ một chút hơi thở như có, như không.



*
*     *


Đêm.

Trời đen và sạch.

Trăng rất cao nhưng nhìn hơi xiên vẫn thấy.

Trăng trông như miệng tách cà-phê ca-pu-chin-nô kiểu Pháp đánh bằng kem va-ni, dưới ánh sáng đèn đường và đèn hắt ra vỉa hè từ những cửa sổ to của một căn quán rộng được chiếu sáng bằng đèn điện dây tóc.

Trăng như thế thì nước nhiều.

Nước ngập cao lên những chân chòi dựng ở mép nước, nước kêu lõm bõm không ngừng, và trong tiếng rào rào lúc to lúc bé của cả ban đêm thì tuy không thể tách bạch ra được nhưng cảm nhận vẫn rất rõ là có tiếng nước.

Ngày mai ba anh em tôi sẽ về thành phố.

Đợt "Nghỉ cái đã!" — theo chỉ đạo của chú Cao — này tuy không dài, nhưng chắc sẽ làm tôi nhớ lâu.

Chơi ở đây thoải mái quá! Nhất là từ lúc tôi bắt đầu thích "nghịch bùn".

Nhưng khi nhìn trăng mà đã tự động liên tưởng đến cà-phê vỉa hè trong tranh của Van Gốc, thì chắc là lòng người cũng bắt đầu nhớ phố rồi.

Cái gì "Tùy ngộ nhi an", tức là biết thuận theo chuyện gặp phải mà yên ổn, quả là không hề đơn giản! Trừ phi người ta sinh ra đã phải thật là cục mịch; không thì muốn "Tùy ngộ nhi an" nhất định phải tập. Mà tập thì... không hề đơn giản!

Cho nên câu hỏi của tôi bây giờ bật ra một cách hầu như hoàn toàn tự động:

— Ông ơi, sao hồi ấy ông lại bỏ chùa?

Ông đang ngồi trên sàn đước, chân co chân khoanh, một phần chân khoanh và cánh tay trái đặt trên đấy nằm trong ánh trăng.

Thực ra tôi luôn có một cảm giác ái ngại khi hỏi ai đấy những câu như thế, — tôi thấy nó có vẻ giống như thò tay vào nội tâm của người khác, chạm thẳng vào những chỗ mà rất có thể người ta hoàn toàn không muốn chạm đến, và như thế thô bạo.

Nên tôi đã rất thoải mái trong lòng khi nghe ông nói, vì ông không hề trầm ngâm như tôi đã ngại, và cách ông nói đơn giản:

— Anh Ngạn đi theo chú Cao một thời gian, thì việc tu tập theo pháp môn của ông bị trục trặc.

Câu chuyện — chủ yếu là ông kể và tôi nghe — giữa hai ông con tôi, đã bắt đầu ở chỗ sàn đước bên bờ nước này, rồi cứ thong thả chắp nối các đoạn vào với nhau, bây giờ cũng đã tương đối dài và phong phú — phức tạp nữa, nhưng cũng đã ít nhiều trọn vẹn — về tình tiết, từ cái hôm mà lần đầu tiên trong đời tôi đã bắt được cua bể nói chung, và cua "gạch son" nói riêng ấy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong quãng thời gian cuối của một giai đoạn thuộc loại khốc liệt nhất trong lịch sử nước tôi. Những người lớn ở nước tôi, sau cả một tệp dày toàn những trang sử yếu đuối, đến giai đoạn này, cuối cùng cũng đã tập trung được nhau lại, và cùng khơi dậy được một ít sức lực, tạm đủ để giành lấy chính quyền từ tay bọn người đến từ nước khác, gắng gỏi cố chống lại thù trong giặc ngoài, rồi tiếp tục bồi dưỡng chút sức lực ấy, mà tổ chức trường kỳ kháng chiến thành công, rồi lại buộc phải bước vào, và đã bước ra như những người chiến thắng trong một cuộc chiến mới, một cuộc chiến ác liệt chưa từng thấy (thậm chí là trong lịch sử nước tôi), để đánh đuổi một lũ người bẩn thỉu, — bọn man dợ vô nhân tính này lại đến từ một nước khác nữa, nước này chuyên lấy việc đi ăn cắp, ăn cướp của người khác làm kế mưu sinh, — và thống nhất đất nước.

Bố mẹ tôi đều là những điển hình cơ bản của lớp trí thức trưởng thành từ sau cuộc cách mạng, nhưng lại đều xuất thân từ lớp người có tôn ti trật tự ở trong xã hội cũ. Cho nên trong bối cảnh vất vả nhọc nhằn mang tính lịch sử của cả một dân tộc ấy, tôi vẫn lớn lên giữa các yếu tố có thể tạo nên ý nghĩa hầu như đầy đủ nhất của khái niệm "Gia Đình". Và với một đứa trẻ con, thì đây có lẽ là thứ quan trọng nhất. Còn chuyện ấm ức vì đòi cái này cái kia không được, thì trẻ con ở hoàn cảnh nào hình như cũng đều sẽ như vậy, — tất nhiên tôi vẫn hiểu là phải có sự khác nhau, nhưng, như tôi đã nói, chắc nó không phải quan trọng nhất.

Cho nên làm trẻ con tôi thấy rất thích!

Chắc một phần vì cả hai việc chủ yếu nhất, vất vả, nhọc nhằn, và gian khổ nhất ở nước tôi hồi ấy, là kiếm sống và đánh giặc, thì tôi đều không phải trực tiếp tham gia.

Thực ra, về việc kiếm sống khi ấy, thì tôi đã bắt đầu có những cảm nhận, cũng có thể coi là trực tiếp được, về sự nhọc nhằn của nó, nhưng mới rõ được một ít, thì tôi đã đi học ở nước ngoài, mà ở đấy thì lại rất đầy đủ, ít ra là theo nhu cầu và suy nghĩ của tôi bấy giờ.

Còn việc đánh giặc, thì mọi suy nghĩ của tôi về nó chỉ được hình thành từ những thông tin gián tiếp, những thông tin này có được từ những nguồn mà đến lượt chúng nói chung cũng lại gián tiếp tiếp, cho nên mặc dù năm cuối phổ thông tôi được giải nhì học sinh giỏi lịch sử của thành phố, nhưng đến lúc vào đại học, và theo học thày Đét-lam yêu quý của tôi được một thời gian, bắt đầu hiểu được cách học kiến thức, thì tôi biết ngay là hình dung về việc đánh giặc ấy của tôi là tương đối lơ mơ.

Cho nên mới bắt đầu câu chuyện, thì tôi nhận ra ngay những cảm giác rất "trực tiếp".

Anh Ngạn đã trực tiếp tham gia vào cả hai việc ấy.

Học giỏi, và rất giỏi Anh ngữ, còn chưa học hết phổ thông, anh Ngạn đã đi làm phiên dịch cho quân đội Mỹ.

Mỹ thua năm 1975, Kít-xinh-giơ rủa: "Why don't these people die fast?" ("Sao những người này không chết cho nhanh?")­, — "những người này" là những người Việt Nam Cộng Hòa.

Kít-xinh-giơ nhận giải Nô-ben Hòa Bình năm 1973 vì đã có công đưa quân Mỹ ra khỏi Miền Nam Việt Nam; còn anh Ngạn vào trại cải tạo, ở đấy ai may mắn thì đi làm ruộng, không may thì đi gỡ mìn.

Anh Ngạn may.

Một buổi sáng, các trại viên mắt mũi còn kèm nhèm đang đứng xếp hàng — hàng lố nhố thôi — điểm danh, để chuẩn bị ra đồng, thì một chiếc xe tải to thông thốc chạy vào trong sân, trên thùng xe có một người quản giáo đầu đội mũ cối, tay đeo băng đỏ, vai khoác AK.

Một nhóm trại viên — đứng ở hàng đầu, được chỉ định nhanh — đến khiêng từ trên thùng xe xuống hai người chết và một người thoi thóp — chắc cũng sắp chết, — đều máu me đầm đìa.

Chiếc xe đã chở họ về từ bãi mìn.

Ba trại viên được chỉ định ngay tại chỗ để thay: một người đang bị phạt, và hai người đến điểm danh muộn.

Hôm ấy trại viên "1007" đến điểm danh muộn, — anh này tên Phước.

Hồi ấy tên anh Ngạn là Phước.

Mìn có rất nhiều loại.

Có quả như một cục sắt gỉ, trông hơi giống — ngắn hơn — một bắp ngô to, nhưng có cuống dài, nửa bắp ngô được trồng thẳng xuống đất, và có một sợi dây thép căng là là mặt đất, móc vào cuống ngô, — chắc để chờ Việt Cộng không biết, đi đá vào dây, là nổ banh xác; — lúc gỡ quả này, phải nhẹ nhàng lần theo sợi thép, đến được chỗ cuống ngô, rồi khéo léo gỡ sợi thép ra khỏi chỗ móc vào cuống.

Có quả là một cái hộp tròn và bẹt, màu xanh nước biển thẫm, được chôn nông ở ngay dưới cỏ và lớp đất mặt, — quả này chắc Việt Cộng phải đạp trúng lên trên, thì mới nổ banh xác; — phải nhẹ nhàng bới được quả này lên, nâng niu, rồi cẩn thận vặn một cái chốt ở bên thành hộp, kêu "pạch" một cái.

Học — "hành" — cho được cách gỡ hai quả đấy, thì anh Ngạn thật sự cóng.

(Còn nữa)

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ):