Phim "Trời sập" 2012 - (Điệp viên 007, phụ đề tiếng Việt, download được)

3 ý kiến, và ý kiến từ facebook

SKYFALL
Đạo diễn: Sam Mendes
Sản xuất: Michael G. Wilson, Barbara Broccoli
Dựa theo James Bond của Ian Fleming
Diễn viên: Daniel Craig, Javier Bardem, Ralph Fiennes, Naomie Harris, Bérénice Marlohe, Albert, Finney, Judi Dench
Âm nhạc: Thomas Newman
Xưởng phim: Eon Productions
Phân phối: Metro-Goldwyn-Mayer, Columbia Pictures
Ngày phát hành: 23 October 2012 (Luân-đôn, công chiếu), 26 October 2012 (Anh), 9 November 2012 (Mĩ)
Thời lượng: 143 phút
Nước sản xuất: Anh, Mĩ
Chi phí: 150−200 triệu đô

Lòng trung thành của Giêmx Bôn đối với cấp trên M của mình được thử thách khi quá khứ của bà này trở lại để săn tìm bà. Tổng cục 6 Tình báo Quân đội MI6 đang bị tấn công, điệp viên 007 phải tìm bằng được và vô hiệu hóa mối đe dọa, không quan trọng là chính mình sẽ phải trả giá như thế nào...

Phim có phụ đề tiếng Việt.

Địa chỉ download (chia thành 11 đoạn): 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

Ăn nhiều thịt - Xu hướng hung hăng của nước Việt

1 ý kiến, và ý kiến từ facebook

ĂN NHIỀU THỊT — XU HƯỚNG HUNG HĂNG CỦA NƯỚC VIỆT
(Joel Brinkley — Giáo sư báo chí tại Đại học Stanford, cựu phóng viên ở nước ngoài được giải thưởng Pulitzer, tờ New York Times)


Chó
Bạn không phải mất nhiều thời gian ở Việt Nam trước khi bạn nhận ra một điều gì đó không bình thường. Bạn không nghe thấy có chim hót, không nhìn thấy có những con sóc bò lên những thân cây hay những chú chuột chạy vội chạy vàng trong đống rác. Không có những con chó ra ngoài dạo chơi.
Trên thực tế, bạn hầu như không thấy có những động vật hoang hay động vật nuôi nào hết. Chúng đã đi đâu cả? Bạn có thể bị bất ngờ, biết rằng: Đa số đã bị ăn thịt.
Tất nhiên, cũng như với phần lớn các quốc gia trong vùng, những con hổ, những con voi, những con tê giác và những động vật lớn khác đều bị buôn bán tới Trung Quốc. Trong việc này, tất nhiên, Việt Nam khó thể một mình một kiểu — mặc dù Quỹ Động vật hoang dã Thế giới mô tả nước này như kẻ ác hoang dã vĩ đại nhất thế giới.
Các báo cáo khác nhau chỉ ra là người Việt Nam giết nhiều tê giác để lấy sừng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Người Trung Quốc quý những cái sừng ấy vì những phẩm chất y học huyền bí của chúng — cũng như rất nhiều các bộ phận thân thể các động vật ngoại lai.
Việc buôn bán động vật giải thích sự khan hiếm những con hổ, những con voi và các thú vật lớn khác. Nhưng còn những con chim và những con chuột thì sao? Phải rồi, người ta ăn những con đấy, cũng thế, như hầu hết những động vật sống ở đó. Ở Đà Nẵng vào tháng Giêng, tôi đã thấy một người bán hàng ven đường với những cái bát đầy những con chuột chết để bán — bộ lông của chúng đã được bỏ đi nhưng những phần khác còn nguyên vẹn — sẵn sàng để nấu nướng.
Mùa xuân năm ngoái, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đã báo cáo là vài giống vượn Việt Nam, một phần của họ khỉ không đuôi, "là gần — một cách hiểm họa — tới sự tuyệt chủng" — tất cả (chỉ trừ một ít) trong chúng đã bị ăn thịt.
Tất cả những chuyện này nêu lên một câu hỏi hay ho. Người Việt đã là những người ăn thịt qua nhiều thời đại, trong khi những láng giềng Đông Nam Á của họ — Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Mi-an-ma — trên quy mô rộng rãi đã để cho giới động vật hoang dã của họ được yên ổn.
Ở mỗi trong số các nước khác này bạn thấy những bầy chim mà vắng mặt ở Việt Nam, cùng với những chú chó và mèo nuôi đông đảo. Ở đó, người ta ăn cơm, là chủ yếu, và với nhiều người trong phần lớn các quốc gia đó chế độ ăn uống của họ chỉ hơn thế một chút.
Việt Nam luôn luôn là một đất nước hung hăng. Nó đã đánh 17 cuộc chiến với Trung Quốc kể từ khi giành được độc lập hơn 1,000 năm trước và đã xâm chiếm Cam-pu-chia nhiều lần, lần gần nhất là vào năm 1979. Trong khi đó, các quốc gia về phía tây của nó trên một quy mô rộng rãi đã là thụ động trong những thế kỷ gần đây.
Nhiều nhà nhân loại học và sử học cho rằng sự khác biệt là do những nguồn gốc của quốc gia. Việt Nam ra đời từ Trung Quốc, trong khi Ấn-độ gây ảnh hưởng rất nặng đến các nước khác — hai dân tộc với những tính cách khác biệt mạnh, ngay cả bây giờ.
Vậy đấy, đương nhiên chuyện đó đã góp một vai trò nhất định. Nhưng tôi sẽ tranh luận rằng đấy là vì người Việt Nam đã ăn thịt thường xuyên qua nhiều thời đại, thêm một lượng pờ-rô-tít đáng kể vào chế độ ăn uống của họ, việc này cũng giúp giải thích những xu hướng hung hăng của quốc gia — và sự tương phản sắc nét với những người láng giềng của nó.

Giáo sư Joel Brinkley
Ngay hiện giờ, món ăn được ưu ái là chó. Trên thực tế, thịt chó một cách đặc biệt đã được đánh giá cao. Nó đã được coi là một món đặc sản vì nó được bảo là chứa nhiều pờ-rô-tê-in hơn các loại thịt khác. Với người Việt Nam, có một tập quán là bất cứ khi nào bạn có vận đen bạn phải ăn thịt chó để thay đổi số phận của bạn. Nhưng bạn không được ăn nó vào đầu tháng âm lịch, — điều trái ngược sẽ xảy ra. Bạn sẽ thực sự mang tới vận đen.
Bây giờ, dù sao, truyền thống đang va chạm với hiện đại — và phép tắc vì vậy đã thay đổi. Ba mươi năm trước, sẽ là bất hợp pháp để nuôi một con chó cảnh. Chính phủ đã giữ cách nhìn là thịt chó đã là một sự ưu tiên về dinh dưỡng không thể bị bỏ qua. Quan điểm này vẫn còn có sự liên quan, mặc dù chính phủ đã bãi bỏ luật từ nhiều năm trước.
Trên thực tế, đến ngày nay, lái xe theo xa lộ, sẽ không có gì bất thường nếu thấy một chiếc xe tải có thùng rộng và không cao chở những con chó cuộn tròn trong những chiếc lồng nhỏ chất thành đống, sáu lồng theo chiều cao, tám lồng theo chiều sâu, ra chợ — na ná như cách gà được chuyên chở tới những lò mổ ở phương tây.
Nhưng hiện giờ, Việt Nam đang là một quốc gia phát đạt nhanh; hơn một nửa dân số ra đời sau chiến tranh Việt Nam (mà họ gọi chiến tranh chống mỹ). Thu nhập bình quân đầu người khoảng 3,400 đô, cái đấy có thể không có vẻ nhiều lắm nhưng là cao hơn so với ở đa phần các nước láng giềng. Và tầng lớp trung lưu càng tăng thêm, thì họ càng bị ảnh hưởng phương tây — nhặt nhạnh từ truyền hình, phim ảnh, Facebook, Twitter và những thứ còn lại.
Cùng với chuyện đó thì cũng xuất hiện một mong muốn mới ở một số người: nuôi động vật cảnh. Cho nên bây giờ bạn sẽ thấy, lúc này lúc khác bất chợt, một chú chó ở chỗ này hay chỗ khác, uể oải trước cổng nhà ai đó — nhưng dưới con mắt thận trọng của chủ nó. Thậm chí hiện giờ, khi mà Việt Nam đang đổi mới và trưởng thành một cách nhanh chóng, nếu chó đi loăng quăng quá xa khỏi nhà, một ai đó sẽ tóm cổ nó rồi dọn món chó vào bữa ăn.
Tới thăm Việt Nam, nhiều khách phương tây thất vọng. Như một blogger phương tây diễn đạt: "Tôi có thể hoàn toàn một cách trung thực nói đấy là thứ khủng khiếp nhất tôi từng thấy."
Tôi không thể tán thành hơn.

Lập Trình Viên II (45)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Thằng Phê-đi-a đứng ngay dậy...

Lập tức tôi có một cảm giác vui vui, nhưng mới nhìn mặt nó, thì tôi phải vội vàng lên tiếng ngay, — nếu như cần phải "chơi cứng", thì tốt nhất nên để tôi:
— Thưa thày Vích-to Xi-ghít-dmun-đô-vích, — đúng là tôi chẳng có cảm xúc gì cả, khi bắt đầu gọi tên lão này, — sao thày không hỏi em một cách đơn giản, đúng như một thày giáo, hỏi một học sinh, ạ?
Lão Vích-to có vẻ như chỉ chờ có thế:
— À, là tại sau sự kiện quen biết trực quan và ngắn ngủi vừa rồi, em đã gây cho tôi một ấn tượng không hề đơn giản.
Tôi nhìn lão:
— Tên họ em là Grút-skốp.
— À, có phải em... là học sinh... ở chỗ khác chuyển về đây?
— Dạ đúng, trước em học...
— Tôi hiểu, tôi hiểu rồi... — Lão ngắt lời tôi. — Vậy là ở trường cũ, em đã quen tiêu khiển theo cách như vừa rồi?
— Thưa thày, đấy không phải là tiêu khiển ạ.
Lão dang hai tay:
— Tôi hiểu, tôi hiểu... Nhưng chúng tôi ở đây không quen giải trí theo lối vô tổ chức như vậy. Em ngồi xuống... — Lão hướng ngón trỏ tay trái về phía thằng Phê-đi-a, rồi chúc ngón tay, nhấn một cái, chỉ xuống đất. — Xa-vít-xki, ngồi xuống.
Tất cả những chuyện đứng lên ngồi xuống và đối đáp của tôi đều diễn ra trong sự quan hoài sâu xa của Cla-ra, — nó đã ngồi quay hẳn lại, dõi nhìn tôi chăm chú. Còn tôi đã phải cố không nhìn nó, cũng như không nhìn vào bất kỳ chỗ nào xung quanh, — nhìn như thế nói gì thì cũng sẽ gây nên một ngữ cảnh "cầu viện".
Còn bây giờ mà không nhìn thì lại tệ.
Tôi quay về phía nó, nó liền nghiêng đầu nhẹ một cái sang phải, rồi ghếch mắt về phía bên trái, — lão Vích-to đang cặm cụi viết tên họ của tôi, "Grút-skốp", vào chỗ còn trống bên cạnh hình thằng người trên cùng, ở trên bảng, — nó nhăn mũi một cái, vẻ đầy khó chịu. Tôi nhìn nó, cười mỉm, rồi, cũng ghếch mắt về phía lão Vích-to, tôi chuyển nụ cười ấy thành một nụ cười nhếch mép đầy khiêu khích, rồi lại nhìn nó, tôi gật đầu hai phát; nó nở nụ cười rất tươi, dù là không thành tiếng, rồi vui vẻ quay lên.
Nhớ đến vẻ sợ sệt ban nãy của cái Ta-nhi-a, thấy buồn cười ở trong bụng, tôi quay sang nhìn nó. Nhưng nó, giống như đã quên hẳn những chuyện lủng củng vừa rồi, — và sự có mặt của tôi bên cạnh, — đã đang cắm cúi làm gì đó với một chiếc lọ đựng nước.
Hóa ra tóc nó bản chất là có màu cỏ khô, tức là lạt hơn, so với trong ý nghĩ của tôi, — vì cái đuôi sam dày như một bông lúa mì to và chín của nó thỉnh thoảng lọt vào trong vùng mắt tôi nhìn. Bây giờ nhìn nghiêng thì không rõ nữa, nhưng từ lúc cùng quay lại bàn sau, tôi đã nhớ được như in là mắt nó trong lắm, và cực kỳ xanh, mà xanh hơi lạ, xanh như chỗ sọc đậm nhất trên vỏ của một quả dưa hấu (mà phải là dưa già khụ), nhưng còn thẫm hơn, sẫm hẳn lại, nên có thể sẽ có một ý nghĩ mang máng, như đấy là một màu sắc phi tự nhiên, — cho nên tôi mới dễ nhớ ngay, và nhớ rõ như thế, có lẽ thế. Má của nó, da mỏng và trắng và rất mịn màng; khóe miệng nó hơi hé mở, không biết có cười tí nào thật không, nhưng trông tươi như cười; mắt nó chăm chú, lông mi cong cong và nhìn nghiêng thế này thì thấy mát rười rượi (chắc vì dày, nhưng chắc không chỉ vì dày), lông mày nó vẽ thành một nét hơi gãy nho nhỏ vì nó đang nhíu mày lại một chút, cả mi và mày đều cùng một tông màu như tóc, nhưng đậm đà hơn...
Tôi đang tự khen mũi nó xinh và ngây thơ, thì bất ngờ nó quay lại.
Theo một phản xạ nào đó rất nhanh, tôi đã nghĩ ngay là mặt nó bây giờ sẽ phải đỏ lên. Nhưng trái với suy nghĩ đầy "kẻ cả" của tôi, nó nhìn thẳng vào tôi bằng một ánh mắt yên bình, trong vắt, ở trong đấy dường như đang khe khẽ xôn xao những tia sáng thanh thanh nhè nhẹ... Hay tại tôi và nó đang ngồi theo hướng cửa sổ, và ở ngoài kia đang là một ngày đông trong sáng, và tôi vừa chui ở trong phòng tối ra... đằng nào thì tôi cũng sẽ không phân biệt được, — tôi đang bị bối rối rất nặng nề...
Còn nó, trông thì "Thiện tai!" thế, hóa ra lại ác... mà cái kiểu "đánh người ngã ngựa" thế này, thì phải gọi là cùng hung cực ác: Trong lúc tôi đang phải rất cố để — và cố hy vọng là — niềm bối rối của mình không bị "lên sóng truyền hình", thì nó nhoẻn cười với tôi, — cười có một ít thôi, nhưng nom duyên kinh khủng. Tức thì sống chết mặc bay, — đê vỡ tan tành! Hai bên cổ tôi rôm cắn râm ran, mặt tôi hẳn phải đỏ vụt lên, nhục quá... may quá, nó chỉ cười mỉm một cái... một cú nốc-ao vùi dập như thế, rồi quay đi ngay, lại tiếp tục chăm chú với cái lọ đựng nước bằng thủy tinh của nó.
Nhưng nội tình tôi vẫn tiếp tục nhốn nháo toàn diện, — liệu nó có phải là đang chăm chú thật không đây, hay là nó lại đang có những suy luận xoi mói nào đó có trời mà biết ở bọn con gái, về cái bộ dạng lục thần vô chủ, ngẩn ngơ (chắc là) đến tội nghiệp của tôi...
— Trong lịch sử đầy biến động của khoa học, — vẻ như rất hài lòng vì đã bôi bôi trát trát hoàn chỉnh được bốn "thằng người" với tên họ đầy đủ (chuyện này hẳn đã phải gây được những xúc cảm khoan khoái bệnh hoạn và cục bộ), lão Vích-to đang thăng hoa với "khoa học" Sinh Vật của lão, — những khái niệm mới đôi khi nảy sinh một cách hoàn toàn tình cờ...
Đang dang rộng hai cánh tay dài thô kệch để giúp cho "khoa học" Sinh Vật thêm sinh động, chợt lão dừng phắt lại, mắt lão trố ra như đang gặp được một điều kỳ thú, miệng lão cười, trông vui vẻ, nhưng đầy nét gian:
— Cô... vâng, thưa cô Đa-ra-phê-ép-va!
Những lời này của lão vang lên với âm hưởng của một tiếng sập cầu dao, khiến cho cả hai cái đài đang rôm rả một cách có kiềm chế — nhưng e có phần tin tưởng thái quá về năng lực tự điều chỉnh vô-lum — ở ngay trước mặt tôi, ngay tức khắc bỗng trở nên câm lặng không khác gì là hai mớ sắt phế liệu.
Năm nay Cla-ra lớn phổng hẳn lên nhưng tóc vẫn tiếp tục dài quá vai, mái tóc có màu quả thông khô và kể cả có buộc lại hay không thì trông vẫn rất là xốp ấy lúc này đang xõa gần hết sang phía mái đầu bên trái, — tóc xõa như vậy, đầu ngoảnh sang phải, khuỷu tay trái trên mặt bàn, những ngón tay trái lùa vào khu vực tai và chân tóc ở thái dương, rồi ngả đầu lên bàn tay ấy, đấy vốn là một tư thế "nói chuyện riêng trong giờ học" thuộc hàng kinh điển, (cái Na-ta-sa cũng đang "kinh điển" theo chiều ngược lại).
Bị tóm cổ và "tắt đài" như thế, nhưng Cla-ra quả không hổ là "thân trải trăm trận", — thong thả một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, tuyệt không bất thường trong cử động, nó quay mặt về phía quầy ba, hàng mi dài không trang điểm chớp chớp mấy cái, rồi mở to cặp mắt màu dưa chuột muối (mắt Cla-ra hay cái là ngay cả lúc mở to, trông vẫn có vẻ như hơi nheo nheo), nó ngước nhìn lão Vích-to không khác gì là Xcác-lét đang ngước nhìn Rét Bất-lơ.
Nhưng Rét Bất-lơ bảo:
— Đây là nội dung bài học lần trước, cô hãy cho chúng tôi biết, tại sao những nốt sần ni-tơ lại bám vào rễ cây?
Xcác-lét nói gì đây?
Xcác-lét cắn môi, rồi — giống như — nhoẻn cười, "cho biết":
— H... có thể là... Tình yêu ạ!
Gái quá! — Có lẽ không khí láo nháo, và, nói gì thì nói, dù là theo một cách lạt lẽo và gượng gạo, vẫn ít nhiều có sắc thái hài hước, đã làm cho nó sinh chủ quan mà không hình dung ra bản chất đầy gian nguy của hoàn cảnh... Thật là nhờn không phải lúc!
Bọn nó cười ồ hết cả lên.
Nhưng lão Vích-to rõ ràng đã không lường tới tình huống này, — lão bị bất ngờ, mặt lão nghệt ra, rồi lão giương mắt lên, hỏi lại:
— Tình yêu?!
— ...
— Đa-ra-phê-ép-va, em hãy giải thích rõ hơn. Rất có thể, là còn có những điều gì đó giữa các nốt sần và rễ cây, mà em biết, còn chúng tôi thì không.
Có vẻ như lão Vích-to đã cố làm chủ được tình thế, còn Cla-ra thì bắt đầu hoảng, — nó vẫn cười cười, nhưng gượng gạo:
— Dạ, không ạ.
— Em không biết? Phải rồi, em không biết câu trả lời, vì trong giờ học em đã không chú ý nghe giảng. Đa-ra-phê-ép-va, hai điểm!
Tôi thở phào, — thực ra tôi đã ang áng đến một kết cục bi thảm hơn. Còn Cla-ra, có lẽ nó vẫn nghĩ chuyện này sẽ không nhất định là phải dẫn đến một kết cục không có hậu nào đó, nên nó đã bị bất ngờ; nhưng bất ngờ thì cứ bất ngờ thôi, chứ hai điểm Sinh Vật ở trường này, nói chung sẽ khó có thể khiến cho loại như Cla-ra phải cóng, — nên nhìn lão Vích-to và nhún nhẹ vai một cái, nét mặt nó thật ra đúng là còn có những dấu hiệu vui vẻ.
— Trở lại với bài học ngày hôm nay, đã có đủ nhiều những sự lẫn lộn về một vấn đề lớn của Sinh Vật học: Vấn đề sinh sản vô tính. — Sau khi cho được một điểm hai, có vẻ lão Vích-to đang hưng phấn tợn. — Có em nào ở đây có thể cho tôi biết, ai đã là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về sự sinh sản vô tính..?
Tự bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ với chính bản thân, tôi thấy từ miệng mình đã văng ra hai từ.
Nhỏ, gần như lẩm bẩm thôi, nhưng cái Ta-nhi-a ngồi cạnh tôi đã vội vàng cúi mặt xuống, mím môi lại, và má nó hồng lên rất nhanh, còn ở bàn trên, cơ khổ, hai đứa Na-ta-sa và Cla-ra thì gần như ngay tức khắc đã rung hết cả người lên. Mà cười như thế... thậm chí còn nhanh hơn ý nghĩ của tôi, cái Na-ta-sa vừa "phì phì...", thì Cla-ra đã phát thành tiếng ròn tan.
"Sinh sản", — đang viết (chắc thế) dở tiêu đề "Sinh sản vô tính" lên bảng, lão Vích-to vội vàng quay lại:
— Ai đang cười gì vậy..? Đa-ra-phê-ép-va, có gì đáng buồn cười ở đây?!
Vậy là xẵng giọng thật? — Đến như thế này thì lão Vích-to hẳn không còn mảy may khát khao sáng tạo thêm ra một ngữ cảnh hài hước châm biếm dớ dẩn nào đó của lão nữa.
Còn Cla-ra thì phải hết nhờn rồi, nhưng... tôi nhớ anh Xéc-giô có lần từng quả quyết rằng cười là theo một cơ chế thần kinh thực vật, còn anh Kốt-xchi-a lại khẳng định đấy là do vô thức, hai người cãi nhau, thì Phi Long, theo thói quen mà anh vốn ưa thích, bèn lôi giấy bút ra, hì hục ngồi vẽ một cái lưu đồ "cười" tương đối phức tạp theo quan điểm của mình, cãi nhau như vậy thì nói chung sẽ không dẫn đến một kết luận nào, hay đúng hơn, sẽ dẫn đến ba kết luận liền, nhưng cười, rốt cuộc, cho dù về bản chất có là theo cơ chế nào đi nữa, thì trong đấy cũng đều sẽ có những khu vực mà người ta không thể tự điều khiển được... cho nên Cla-ra có cố lắm thì cũng chỉ có thể dừng lại được một tí ti, và rất gượng gạo, rồi lại tiếp tục cười thành tiếng, mà còn ròn rã hơn.
Nhưng nó vẫn hình dung được cười như thế thì sẽ buồn cười, nên nó bị khó xử, và nó nhìn xuống mặt bàn, nhìn lên bảng, rồi lại nhìn xuống, rồi — là tất lẽ dĩ ngẫu thôi — nó đưa mắt về phía "đồng chí nấp trong đống rơm", tức là tôi...
— Vậy đấy! — Không rõ "Vậy đấy!" này là lão nói với Cla-ra, hay với tôi nữa. — Được rồi... Grút-skốp, có thể cậu sẽ cho chúng tôi biết, ai là người đầu tiên đề xuất ý tưởng về sinh sản vô tính?
Là lão tự chuốc lấy thôi... bọn Cla-ra, Na-ta-sa, và — nhất là (?) — Ta-nhi-a đều đã nghe rõ cả, tôi còn làm gì khác được... ai bảo lão thích hỏi đích danh?
Nên tôi thản nhiên, giương mắt nhìn lão, và nhắc lại hai từ kia, nhưng theo ngữ điệu câu hỏi:
— Vợ thày?
Tức thì, ầm lên một cái, bọn lớp tôi nhất loạt cười phá ra như vỡ chợ, tiếng thằng ôn Gô-sa nghe còn rõ hẳn "Ha ha..."
— Grút-skốp! — Phản ứng chậm hơn một nhịp so với học sinh, lão Vích-to xỉa ngón tay chỉ thẳng vào mặt tôi, rồi xỉa ra cửa. — Ra khỏi lớp! Hai điểm! Ra khỏi lớp ngay!!

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):
Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):

Lập Trình Viên II (44)

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

— Hứ... — Nhắm tịt hai mắt, chân mày kéo lại thành một nét hoạt kê, bác Bô-rít vừa cười không thành tiếng nhưng hồng hết cả đôi má bụ bẫm, vừa lắc lắc đầu.

Má vẫn còn hồng lên lúc mắt đã mở dần được ra, bác vừa cười vừa lắc lắc đầu y như thế lúc cánh cửa phòng thí nghiệm Sinh Vật khép lại sau lưng thằng Phê-đi-a — đúng là bác lại không nhịn được cười, chứ không phải bác cố tình "diễn", — và với một thái độ trịnh trọng phải (vì sự hoạt kê vẫn chưa thể hết hẳn) gia tăng thêm bằng một động tác tay chìa ra trước ngực (tay phải, vì tay trái còn xách đàn ghi-ta), bác cất lời, vẫn phải cố giữ để không thành vừa cười vừa nói:
— Tha lỗi cho tôi, thưa thày Vích-to... ờ...
Tức thì, cả bọn lớp tôi quay hết lại, và đồng thanh, cùng nhấn mạnh từng chữ một, kéo dài ra:
— Xi-i-i ghi-i-ít dmu-u-un đô-ô-ô vi-i-ích!
Bác Bô-rít thì chắc không phải một người hay quên, nhưng việc bác luôn bị ngắc ngứ khi phát âm phần phụ danh theo tên cha, của các thày cô trong trường, thì từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng có lẽ đã không còn là của cá nhân bác, mà là của cả trường tôi, đến nỗi bây giờ chắc không phải chỉ có bọn nó, mà ngay cả chính bác Bô-rít cũng tự cảm thấy thích thú với trò xướng họa này.
Nên bác có vẻ hài lòng:
— Phải rồi! Vậy thày cho phép... Ở đây có bốn bạn học sinh này thành ra là...
— Đang tắm nước lạnh! — Một giọng nói ông ổng cất lên, là thằng Gô-sa, thằng ôn vô duyên và nhạt như nước ốc; rồi cũng có mấy đứa cười ồ lên theo.
Bác Bô-rít đưa mắt về phía ấy, nhưng gần như không để ý gì tới thằng ôn:
— ... thành ra là đang vắng mặt trong giờ Sinh Vật. Vậy xin phép thày, để cho các trò này được vào lớp.
Phòng Sinh Vật đại thể thì cũng như các phòng học, nhưng ở trên mỗi mặt bàn học gần như luôn thường trực sẵn một chiếc kính hiển vi, và còn sẽ có các loại những ống với lọ gì đó — thay đổi tùy theo nội dung bài học.
Điểm khác nữa là bàn giáo viên, — bàn này ở đây cao hơn và dài thượt, còn dài hơn cả bảng, nên mặc dù mặt bàn cũng rộng nhưng trông vẫn giống như quầy rượu. Ở đầu cùng bên phải — nhìn từ phía chúng tôi — mặt "quầy", cũng có một cái vòi nhỏ cong cong như cái cán ba-toong nhưng uốn vòng rộng hơn, mạ kền sáng loáng, nhưng chỉ là vòi nước thường, chứ không phải vòi bia. Còn trên mặt quầy cũng có những đồ đựng bằng thủy tinh, nhưng không phải cốc tách hay ly, mà là những bình và lọ có nắp, to bé khác nhau, bên trong ngâm những tiêu bản động thực vật gì đó bằng một thứ dung dịch trong suốt, có thể là cồn, hoặc phoóc-môn, hay một loại chất lỏng bí hiểm nào đó khác. Những lọ này vì sao đó luôn gây cho tôi một cảm giác bệnh hoạn không thoải mái, nên tôi không thích bằng mấy cái hộp mi-ca trong suốt hình chữ nhật, mỗi hộp đựng một bộ xương khô — chắc là làm bằng nhựa, màu ngà ngà, giả vờ là xương — của một trong mấy con: cá, cóc (hoặc ếch), khủng long (bé thôi), chim (hoặc gà, khả năng nhất là gà chọi, vì có chân dài)...
Nhưng thứ mà tôi thích nhìn nhất trong phòng này, là những bức ảnh râu ria, — có hai bức như vậy trong số nhiều ảnh người, thú, chim, cá, cây, cỏ... được treo hoặc dán trên khắp các mặt tường.
Bức thứ nhất là ảnh một ông lão có bộ râu giống hệt Lép Tan-xtôi, và tóc có thể cũng giống, nhưng không nhìn thấy, vì ông đội mũ phớt đen. Nhưng mũi ông nếu so với Lép Tan-xtôi thì lép vế hẳn, và nhìn vào ảnh thì rất có cảm giác là chính vì lý do "mũi bé hơn" này mà ánh mắt ông mặc dù thông minh, nhưng lại mang một nét buồn rười rượi.
Mắt ông lão trong bức ảnh thứ hai thì không hề buồn, dù râu ông chỉ ngắn bằng nửa, có khi chỉ bằng một phần ba, râu Lép Tan-xtôi. Mũi ông cũng không hề to hơn mũi ông buồn rầu, nhưng cái nhìn của ông vui vẻ và sáng suốt, — rất đồng gam với vầng trán rộng và mái tóc bạc trắng chải ngược ra sau, — trông có vẻ như ông hiểu, phấn khởi, và ít nhiều hãnh diện, vì dù rằng râu ông ngắn hơn, nhưng ria mép của ông lại dày dặn, đường nét, và vểnh lên hai bên thật oách, oách hơn nhiều so với cả hai ông kia.
Hình như ông là ông Páp-lốp, còn ông buồn rầu kia là Đác-uyn.
Cứ theo một cách "râu tóc" mà nói, thì thực ra ở trong phòng này còn có một ông râu tóc nữa, mà theo một cách cục bộ, thì còn nổi tiếng hơn cả hai ông kia, — ông này là ông Vích-to Xi-ghít-dmun-đô-vích, thường gọi là ông Vích-to "Kinh Kông", chính là ông thày dạy Sinh Vật quý hóa của chúng tôi.
Tuổi ngoại tứ tuần, hầu như luôn mặc những bộ vét may bằng loại vải dày sẫm màu và không cài cúc áo, với những chiếc sơ mi màu sáng nhưng không phải trắng, và không thắt cà-vạt; tóc nâu, dày, vừa đủ bờm xờm (dù đã chải) kín tai, kín gáy; lúc nào cũng đầy đủ cả ria lẫn râu quai nón, đều cùng màu với tóc, râu dài đủ để mượt, ôm lấy quai hàm; ông Vích-to "Kinh Kông" thật ra là một thày giáo giỏi. Ở gần như bất kỳ một trường nào đó khác, hẳn ông hoàn toàn có thể trở thành một nhân vật danh giá. Nhưng ở trường này, một cách hồn nhiên trong sáng và đầy oan ức, tự dưng ông bị rơi vào cảnh lấy lẽ. Ở đây, chỉ trừ loại dở thằng dở ông, đang học phổ thông đã hì hục tính chuyện xây dựng "sự nghiệp", kiểu như thằng ôn Lu-ka, còn tất cả những đứa khác thì chả đứa nào coi môn Sinh Vật của ông "Kinh Kông" là môn học chính hết, — ngay thằng "thần đồng" Giê-nhi-a cũng không phải ngoại lệ.
Còn ông "Kinh Kông", nếu như để Phi Long nhận xét, thì sẽ là loại người "Chất thắng văn tắc dã", — khi mà chất phác thì nhiều, còn văn nhã thì ít, thì con người thành ra cục mịch và thô kệch.
Người như thế mà ở vào chỗ thuần phác thì có khi cũng ổn, nhưng nếu lại bị "kẻ đắp chăn — kẻ lạnh lùng", thì sẽ dễ có những biểu hiện đơn giản và cụ thể nhất của sự tức giận, và nếu chuyện đó kéo dài, thì con người ấy dễ trở thành lỗ mãng và ưa mỉa mai.
Được cái ông "Kinh Kông" nói gì thì cũng là thày giáo, nên ông không bị lỗ mãng trong điều kiện thông thường.
Lúc ấy, đứng đúng chính giữa, phía sau "quầy ba", ông "Kinh Kông", thày Vích-to đã có vẻ cáu, — chắc vì hôm nay thày đã không làm thủ tục điểm danh, — nhưng thày vẫn giữ được một ngữ điệu tương đối ôn tồn:
— Tại sao lại "thành ra" như vậy, hả bác Bô-rít? — Thày nhấn mạnh hai chữ "thành ra".
Thái độ của bác Bô-rít giống như một nhân viên đang báo cáo tiến độ công việc với thủ trưởng:
— Theo như hiện trạng... tức là hiện trường, và theo như tự khai của họ, thì em này... học trò này — bác Bô-rít, đã chuyển cây ghi-ta qua tay phải, đứng tránh một chút sang trái, đưa tay trái chỉ rõ vào tôi — đã giảng bài giảng về âm nhạc.
— Vậy ư? — Thày Vích-to rõ ràng đang cố tạo ra một vẻ tiếc rẻ kịch tính. — Có cần phải thế không?! Đáng bực thật, khi hai bài giảng của chúng ta lại trùng thời gian, đồng chí đồng nghiệp thân mến! Bây giờ hay là... đồng chí sẽ làm quen chúng tôi với đề cương bài giảng của đồng chí, hay đồng chí sẽ tham gia vào giờ học của chúng tôi?
Trong suy nghĩ của tôi lúc này, tôi đang thấy cái nhìn trầm tĩnh của anh An-tôn tôi, tôi đáp, giọng lạnh nhạt:
— Sẽ tham gia.
— Cảm ơn đồng chí nhiều, — thày Vích-to, chắc đã phải ít nhiều cụt hứng vì vẻ điềm nhiên của tôi, nhưng vẫn tiếp tục diễn, — đồng chí không hình dung được tôi mừng đến thế nào đâu! Vậy mời... các đồng chí ổn định chỗ ngồi.
Bác Bô-rít nhìn thày Vích-to, nét mặt bác rất tươi tỉnh, nhưng sẽ khó hình dung được đấy là do mọi chuyện này có vẻ như đã có một kết cục ổn thỏa, hay vì lúc này, cuối cùng bác lại đã có thể quay trở lại với trò xướng họa mà bác vốn yêu thích:
— Một lần nữa, xin lỗi đã làm phiền thày, thưa thày Vích-to... ờ...
— Xi-i-i ghi-i-ít dmu-u-un đô-ô-ô vi-i-ích! — Bọn lớp tôi lại đồng thanh.
— Vâng, đúng như vậy! — Hài lòng ra mặt, bác Bô-rít xách cây ghi-ta "mậu dịch" của thằng Mê-chi-a rời khỏi phòng học.
Với tâm trạng của một "đồng chí đồng nghiệp thân mến", ở tôi lúc này, mọi thứ đều ít nhiều bị thong thả hơn so với bình thường, nên khi tôi nhìn quanh để "ổn định chỗ ngồi", thì ở đằng trước chỉ còn lại có một chỗ trống, — bên phải, bàn thứ hai, dãy trong cùng. Vẫn còn các chỗ khác phía mạn cuối lớp, nhưng như hiện tại mà nói, thì đương nhiên chả đời nào mà tôi lại chịu "lẩn" xuống dưới đấy cả.
Hơn nữa, còn có người đang nhô bàn tay lên để chỉ chỗ cho tôi, — Cla-ra đang ngồi bên trái, bàn đầu, ngay trên bàn kia, cùng với một đứa nữa là cái Na-ta-sa. Hai đứa này mà ngồi cùng, thì chuyện cứ phải là như ngô rang pháo nổ, — ngồi sờ sờ ra ở ngay bàn đầu, nhưng lại giúi vào góc trong như thế, là cả một chiến thuật.
Vậy là trước mặt tôi là Na-ta-sa, Cla-ra, sau lưng là thằng Lu-ka, với cái Lu-i-da, còn cạnh tôi, thì là con bé nhà quê Ta-nhi-a Pê-tờ-rốp-na.
Tôi mới ngồi xuống, thì nghe giọng con gái từ đằng sau:
— Làm ơn cho hỏi, muốn nghe bài giảng của ngài, thì phải ghi danh ở đâu, thưa giáo sư?
Tôi thong thả quay lại, nhìn đứa vừa léo nhéo (cái Lu-i-da), thì thấy cái Ta-nhi-a đã quay lại trước tôi, và cũng đang nhìn đứa kia; tôi quay lại thì nó chuyển cái nhìn sang tôi, rồi mắt nó có một vẻ sợ sệt, — chắc là cách tôi nhìn con kia không được hiền lành cho lắm.
Lu-i-da là một con bé xinh xắn có mái tóc vàng sáng chớm vai, đường ngôi rẽ ở giữa, cả đuôi tóc phía dưới và tóc mái đều ôm vào trong, tròn tròn; hình như nó con nhà giàu, và nó có vẻ khôn ranh. Lúc này tôi trông nó như một bà già tinh quái. Tôi cất giọng khinh mạn:
— Ghi cái gì, ranh con!
Cặp mắt ốc của nó — đang phấn khởi với trò đùa của mình — lập tức đờ ra, nó vội hít một hơi dài, như vừa bị dìm nước, — cả đời nó chắc chưa bao giờ bị kém vỗ về đến như vậy. Ánh mắt nó rụt lại, sượng sùng, rồi lấm lét chuyển sang thằng Lu-ka đang ngồi bên cạnh.
Tôi vừa quay lên, thì nghe thằng kia nói, — sau lưng, nhưng tôi cũng hình dung ra cái vẻ chững chạc và đầy tự tin của thằng ôn:
— Thưa ngài nhạc trưởng, tại cơ sở đào tạo của chúng ta, kiểu đối đãi như vậy với phái đẹp không được khuyến khích đâu.
Chậm rãi quay lại, nhìn thấy cặp môi dày của nó, nghĩ đến khóe miệng giống hệt A-lanh Đê-lông của mình, tôi cười khảy một cái bằng mũi, rồi khẽ lắc đầu một cách ngạo mạn, tôi lẳng lặng quay lên.
Nhưng tôi còn chưa kịp thưởng thức hết cảm giác hài lòng, thì đã nghe từ phía sau quầy ba vọng xuống:
— À... còn tên họ của đồng chí là gì, thưa giáo sư?
Nhìn lên bảng, tôi biết ngay là chuyện này rốt cục vẫn chưa thể chấm dứt ở đây.
Ở phía bên phải, cách mép bảng một quãng, đã có bốn hình người to khoảng gần bằng bàn tay, được vẽ viền bằng phấn trắng, — theo kiểu vẽ bóng người, có đầu tròn và chân tay tù, như trên biển báo giao thông (hay trên cửa toa-lét công cộng?), bốn hình xếp dọc từ trên xuống. Bên cạnh (bên phải) mỗi hình, tính từ dưới lên, lần lượt (đã) là "Va-rva-rin", "Ko-ren-nhép", "Xa-vít-xki", — tên họ của các thằng Mê-chi-a, Giê-nhi-a, và Phê-đi-a.
Đang gí cục phấn vào bên cạnh hình "thằng người" trên cùng, và chăm chú nhìn tôi, quả thật khó hình dung là lão Vích-to này còn muốn giở thêm trò ngớ ngẩn gì nữa.
Lão nói "thưa giáo sư", thì xung quanh có nhiều đứa cười ồ lên. Tôi thong thả đứng dậy, (cũng) chăm chú nhìn lão, nhưng không nói gì.
Cứ đứng nhìn nhau với học sinh như thế, ắt là vô duyên, nên lão quay sang dãy bên kia, và hỏi bằng ngữ điệu cố làm ra vẻ hóm hỉnh:
— Xa-vít-xki, đồng chí làm ơn nhắc đồng chí giáo sư, xem tên họ của đồng chí ấy là gì.
Thằng Phê-đi-a đứng ngay dậy...

(Còn nữa)
Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 3):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 2):

Truyện "Lập Trình Viên II" (Phần II — Chương 1):

Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Đầy đủ):