Lập Trình Viên II (23)

Cô Ma-ri-a nhìn nó, ánh mắt cô giống như đọng lại một chút, rồi cô lắc đầu:


— Con tin vô tội, Lu-ka ạ.



*
* *



Nhà Văn Hóa vẫn thế.


Tất nhiên tôi không vô lý tới mức khó chịu với nó vì nó vẫn thế, nhưng cảm giác thì vẫn có, chỉ là khó diễn đạt được rõ ràng đấy là cảm giác gì, — quả thật đã lâu lắm rồi Phi Long không còn đánh đàn ở đây, và lâu lắm rồi A-nhi-a không còn lặng lẽ nhìn xiên đi đâu đó khi chị Lút-mi-la trong lúc hỏi han thực khách cứ vừa đứng đung đưa vừa vịn một tay vào vai anh.


Tầng hai trống trơn, chỉ có hai người ngồi trên hai chiếc ghế tựa, quay mặt vào nhau, ở trên sân khấu nhỏ; chỗ ấy không sáng lắm và có nhiều màu đen, nên hai người hầu như bị lẫn vào khung cảnh sân khấu cùng với mấy chiếc chân mi-crô đứng lỏng chỏng.


— Sí, sí la, la son, son pha... Đấy... — Một người nhìn nhìn người kia. — Bên này đánh thế, thì bên ấy đánh "mì pha son la si mí rê", rê thăng.


Người kia làm theo, người này gật gù, rồi bảo:


— Tiếp, bên này đánh "lá, lá son, son pha, pha mi", bên ấy "sì sì đô rê mi pha son"...


Cả thảy có bốn câu nhạc như thế.


Nhưng đến lúc chơi khớp lại liên tục một lượt thì người chơi những câu nhạc bè đệm — "bên ấy" — bị "ngắc ngứ" ở câu cuối cùng.


Anh hơi ngẩn ra một tí, giơ ngón tay trỏ ra hiệu cho người kia "đừng nhắc", rồi nhẩm lại — trên đàn — các câu nhạc của mình.


Nhưng đến câu cuối, thì lại vẫn quên...


— Đồ son đồ son mi đồ sì.


Người kia vẫn ngồi im "theo yêu cầu"; đấy là tôi không nhịn được, nên đã buột mồm nói ra.


Cả hai người họ đều khẽ giật mình, vì họ đang mải đánh đàn nên không để ý tôi đến. Anh Va-lô-đi-a — "bên ấy" chính là anh Va-lô-đi-a — đánh "kiểm tra" lại những nốt nhạc tôi vừa đọc, rồi ngoảnh nhìn tôi cheo chéo, vui vẻ, nhưng hơi ngạc nhiên một cách thật thà:


— Sao biết?


Người gày gò; tóc nâu xõa xuống chớm chùm cổ áo, lượn sóng thoải mái, đường ngôi giữa; râu quai nón cùng màu với tóc, hai bên viền theo xương quai hàm đã tỉa cho mảnh bớt, ria và râu cằm thì mặc kệ, đều dài, râu cằm vểnh ra gần giống như râu dê; anh Va-lô-đi-a vẫn mặc nguyên bộ yêu thích: quần bò xanh mực viết, tươi, và bạc đồng bộ, áo phông cổ tròn màu da cam, rồi đến sơ mi bò đuôi tôm, ngoài là áo vét bò; sơ mi và vét đồng bộ màu sắc và độ cũ mới với quần; sơ mi hôm nay cài cúc.


Nhưng cái đàn hôm nay thì lạ.


Tôi liếc nhìn nhanh: đấy là cái đàn Suzuki mặt màu va-ni nhạt, có một vết đen to và méo bằng mi-ca mỏng, gần giống như hình giọt nước nằm ngang, nằm ôm lấy bên dưới lỗ thoát âm, là loại đàn thông thường, trên mặt đàn ở phía dưới tay gảy có hai nút vặn tròn màu trắng, tức là trong thùng đàn có gắn sẵn thiết bị cảm ứng, chỉ cần cắm dây giắc vào tăng âm là đánh thẳng tiếng ra loa.


Nhưng cái đàn này chắc đã được tự chế thêm, và còn bởi bàn tay chuyên gia, tại tôi thấy ở lỗ thoát âm còn gắn chồng chéo thêm đến hai cái pích-cắp cảm ứng, hai loại khác nhau. Nếu là nguyên bản từ nhà sản xuất, không ai lại để tồng ngồng chướng mắt như thế cả.


Tôi cười, trả lời anh Va-lô-đi-a:


— Thì... lô-gích thì phải thế!


— Lô-gích thì phải thế, nghe quen nhỉ? — Người kia, vẫn lặng lẽ nhìn nhìn tôi, bỗng hơi nghênh đầu, liếc mắt sang hỏi anh Va-lô-đi-a.


Anh không biết tôi, nhưng tôi biết anh.


Cũng ôm một cây ghi-ta gỗ, nhưng chỉ là một trong mấy cây ghi-ta "mậu dịch" vẫn dùng để tập tạm ở đây; cũng nguyên một bộ bò: quần bò cổ điển, thắt lưng da nâu to bản, khóa đồng tròn, áo sơ mi bò dài tay, xơ-vin, măng-sết cài cẩn thận, cả áo quần đều màu chì thẫm và trông đều như mới tinh; tóc hung sẫm cợp gáy, dày dặn, nhưng trông rất gọn ghẽ, ôm kín tai; cặp kính bốn mắt: hai mắt cận trắng và hai mắt đen có thể lật lên lật xuống, gọng kền sáng loáng, đĩnh đạc trên sống mũi; anh Mác-tin là cựu sinh viên trường này, và bây giờ là một cây ghi-ta chuyên nghiệp, chỉ thỉnh thoảng anh mới qua đây chơi.


Cho nên lúc anh lại quay lại, hai mắt kính đen hướng vào tôi rồi dừng lại bất động, khóe miệng giống như có nét cười, thì tự nhiên tôi có cảm giác giống như bẽn lẽn. Anh Va-lô-đi-a vui vẻ:


— Em thằng Phi Long đấy.


— Em Phi Long? Nhưng Phi Long nó... — Một vệt nhăn thẳng kéo khẽ hai chân mày lại gần nhau hơn một tí, và khóe miệng anh Mác-tin thoáng một nét lơ lửng.


Vẫn còn "bẽn lẽn", tôi giải thích:


— Là... nghĩa đệ ấy ạ.


Anh Mác-tin nghiêng hẳn một bên đầu xuống như hoàn toàn nghe chưa rõ, rồi giọng anh rất biểu cảm, nhưng khó nói là "cảm" gì:


— Hả?! Nghĩa đệ?!


Tôi chưa kịp bối rối, thì "Đốp! Đốp! Đốp!", anh đã vỗ tay liền ba tiếng to, rồi nhìn tôi từ trên xuống, rồi từ dưới lên, rồi anh cười nở rộng cả hai hàm răng trắng đẹp và đều, — ngoại trừ hai chiếc ở giữa hàm trên hơi to một chút, — một nụ cười rất là sảng khoái, anh gật gù:


— Là thật hẳn hoi đây!.. Hay! Hay nhỉ!


Tôi đang ngượng nghịu thì may anh Va-lô-đi-a đã bảo:


— À đây, anh nhắn em lên... — Anh móc từ túi ngực bên trong áo vét bò ra một cái phong bì dày cộm, đến nỗi nắp không đủ kín, chìa cho tôi. — Tiền đánh đàn lần trước. Chia làm năm phần hộ anh, rồi lấy một.


Tôi nghệt mặt ra, rồi ngần ngừ, và tôi thấy có rôm cắn mặt, chắc mặt tôi phải hơi đỏ:


— Anh Va-lô-đi-a, em... sao lại... em không lấy đâu.


Anh Va-lô-đi-a mới chỉ cười cười, chưa kịp nói gì, thì anh Mác-tin đã một tay tóm lấy tay tôi, một tay tóm lấy cái phong bì, rồi đặt phong bì vào tay, giọng nói vui vẻ, nhưng lại giống như ra lệnh:


— Đã lên đánh, thì phải lấy tiền, thế mới là người lớn!


Tôi gãi đầu, rồi đành cầm lấy cái phong bì, ngồi bệt xuống, bày hết tiền ra sàn, và đếm. Giữa chừng ngẩng lên, tôi thấy anh Mác-tin đang nhìn tôi, đầu lắc lắc mấy cái, cười tủm tỉm.


Tôi nghe giọng anh Va-lô-đi-a hào hứng:


— Nó hát được đấy.


— Đương nhiên. — Anh Mác-tin nói như biết rồi. — Đã đánh diễn được, tuổi ấy làm sao mà ngồi học đàn chay?


Có tiếng bật lửa kim loại kêu "tích" một cái trong trẻo, rồi mùi thuốc lá bốc lên khét khét; tôi đã bỏ hẳn hút thuốc từ lâu, nhưng vẫn nhận ra mùi thuốc "Lạc đà", — loại thuốc này nặng.


Tôi chia tiền thành năm tệp mỏng trên sàn xong, ngửng lên nhìn anh Va-lô-đi-a, chưa kịp nói gì, thì anh đã bảo:


— Lấy một đi, còn lại cứ để đấy anh.


Tôi cất tiền vào túi xong, thì anh Mác-tin hỏi:


— Em đọc nhạc được không?


Tay anh đang cầm một tờ A4, chắc là gập tư, vừa giở ra; lại thấy mặt hơi nong nóng, tôi rụt rè:


— Em chỉ dò theo đàn được thôi, mà... chậm lắm.


Anh Mác-tin phẩy tay, cười:


— Ừ, học cái đấy ngại, — anh lại phẩy tay tiếp, — mà chưa quan trọng.


Vừa nói, anh vừa rướn người ra phía trước một chút, tay trái cầm tờ A4, hơi xoay ngang ra, tay kia vẫy tôi lại.


Hơi lóng cóng, tôi vội vàng sán đến.


Vừa chỉ theo các ký hiệu hợp âm trên khuông nhạc, anh Mác-tin vừa bảo tôi:


— Đây, vòng gam nó như thế này: rê thứ — son thứ, la bảy — rê thứ, rê bảy — son thứ — rê thứ, mi bảy — la bảy — rê thứ... Hình dung ra chưa? Cái này anh vừa viết, giai điệu đơn giản, mà ngắn thôi.


Anh lại lướt ngón tay theo lời hát ở dưới khuông nhạc, lướt đến đâu, hát đến đấy; hát nho nhỏ, nửa như nói, kiểu hát "giải thích", lúc lúc lại nhìn tôi, nên hát hết cả bài — chính xác là hết đoạn một — mà vẫn không giống như là đã hát một bài.


Thấy tôi có vẻ đã hình dung được, anh nhìn tôi, hát lại khe khẽ mấy câu đầu của đoạn điệp khúc, — không hát "giải thích" nữa, — bàn tay phải đưa nhè nhẹ trong không khí theo nét nhạc.


— Lô-gích thì phải thế. — Anh cười.


Rồi hơi đột ngột, anh chìa tờ A4 về phía tôi, bảo:


— Diễn thôi!


Tôi lại hơi nghệt ra, nhưng lần này tôi có cảm giác rất thoải mái, chứ không thấy rôm cắn tí nào.


Người ngày xưa bảo:


"Phấn hồng để tặng giai nhân,

Bảo kiếm chờ mong anh hùng."


Cây đàn ghi-ta "mậu dịch" thì kể cả miễn cưỡng cũng khó mà gọi được là "Bảo kiếm", nhưng lúc kêu lên ở trong tay một bậc chuyên nghiệp có số má như anh Mác-tin, thì nó bỗng như có đến bảy phần anh khí, tuyệt không giống như một thanh kiếm cùn.


Và bài hát đúng là dễ nhớ và dễ hát, nên tôi hát hết bài mà không hề bị ngập ngừng hay lạc giai điệu một chỗ nào, và càng hát thì lại càng có cảm giác như đang hát một bài mà tôi đã hát quen.


Nhưng ngay cả thế thì thái độ của anh Mác-tin vẫn khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.


Anh cứ nhìn cố định vào tôi, còn nhíu cả mày, tay thì cứ gảy đi gảy lại đoạn điệp khúc, cuối cùng khua nhanh hợp âm kết bài một cái mạnh và chặn ngay dây lại, rồi bảo tôi:


— Nhạc cảm tốt quá, mà không phải giả vờ. Có yêu có vỡ thật rồi cơ? Hả em?..


Tôi ngớ ra, rồi lập tức hình dung được ngay, — tại lúc hát, vì sợ hát sai trước mặt anh Mác-tin, nên tôi đã rất chăm chú vào việc hát, giờ nghe anh nói, tôi mới chợt hiểu...


"Anh đi một năm, mà có thể hai...

Mà có thể mãi mãi

Em sẽ mất một người bạn..."


Mặc dù đây là lời một người con trai nói với một người con gái lúc chia tay cô trên sân ga để ra chiến trường, nhưng khi hát những câu hát cụ thể kia, thì trong lòng tôi hẳn là có những chỗ đã tự cảm ứng mà bị động chạm đến.


Nhưng — cho nên — tôi thấy rất lúng túng trước câu hỏi của anh Mác-tin...


— Đim-ma, hây Đim-ma!


Chợt tôi nghe tiếng người gọi, — may mà đúng lúc ấy, — lại còn bô bô rất to.


Giật mình quay lại, tôi nhìn thấy thằng Mê-chi-a đang đứng nửa trong nửa ngoài ở giữa khung cửa kính nhà hàng, mặt mũi hớn hở, tay vẫy rối rít.


Tuyệt không có khái niệm sao mà đột nhiên nó lại xuất hiện như một thứ rất không hợp cảnh ở đấy, nhưng cảm giác của tôi vẫn là rất mừng rỡ, tôi vội bảo anh Mác-tin (nhưng vẫn không đưa lại tờ A4 cho anh):


— Bạn em.


Rồi tôi — xuýt nữa thì chạy — thong thả bước về phía thằng Mê-chi-a.


Nó bước hẳn ra khỏi cánh cửa kính, nhìn tôi, hai mắt đen vẫn giương lên như mọi khi, nhưng lần này trông còn có vẻ gần giống như vừa mới xem phim kinh dị; nó hỏi, phần thì giống như sợ sẽ nhận được một câu trả lời phủ định, phần lại giống như ngại vì mình đã hỏi như thế:


— Kia chẳng phải là Mác-tin... Na-di-mốp đấy chứ?


— Đích thị! — Tôi bảo nó.


Bỗng thấy muốn thị oai với nó, nên tôi sợ nó sẽ hỏi thêm nhiều thứ mà tôi — vì không "thân thiết" với anh Mác-tin như nó tưởng (chắc thế), nên — không biết, vì vậy tôi hỏi luôn sang chuyện khác:


— Làm gì mà ở đây thế?


— À, — nó hơi xoay người liếc về phía sau, — ăn uống, tụ tập tí...


Nó đã có vẻ lưỡng lự, trước khi bảo tôi:


— Nhập hội tí đi, có Lu-ka, Ghen-na-đi, Đi-na, An-giê-lích-ka, Lu-i-da.


Tôi không xã giao, và trước mắt bọn ở lớp tôi sờ sờ là một đứa nhạt nhẽo với những chuyện giao du, mà nếu có giao du, thì mấy đứa vừa được liệt kê chắc còn là những lựa chọn cuối cùng; và ngược lại, hẳn là bọn kia, nếu không phải là xã giao, thì cũng chẳng có đứa nào hoan nghênh tôi cả; thằng Mê-chi-a chắc không phải không hình dung được, nhưng tôi đoán nó lưỡng lự không phải vì thế, mà vì nó nghĩ đến lựa chọn giữa một bên là bọn nó, và một bên là anh Mác-tin.


Nên tôi thuận nước đẩy thuyền, chìa tờ A4 ra trước mặt nó:


— Để dịp khác đi. — Tôi nhún vai, cố giữ cho giọng nói đều đều và vô cảm. — Đang phải tập bài mới của anh Mác-tin.


(Còn nữa)



Truyện "LẬP TRÌNH VIÊN" (Phần I — Cả bộ đầy đủ)
http://philong58.blogspot.com/2012/02/lap-trinh-vien-ca-bo-ay-u.html

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...