Lập Trình Viên II (4)

"Rầm"... đúng lúc ấy, tôi nghe thấy một tiếng "rầm" rất to ở sau lưng, rồi tiếng nhốn nháo, có cả tiếng thất thanh, — đã có cái gì đấy đổ gãy rất mạnh.


Ở tôi đã hình thành thói quen đặt mình vào vị trí của Mai Phương; lúc như thế này chẳng hạn, tự động, rất nhanh, tôi hình dung ngay đến chuyện mình không thể nhìn thấy gì, và đang nghe thấy những âm thanh đầy "biến cố" xung quanh; nếu là tôi, tôi hình dung là mình sẽ rất giật mình, và sẽ hoảng hốt lo lắng lắm. Cho nên xảy ra như vậy, thay vì giật mình ngoái cổ lại một cách tự nhiên theo phản xạ, thì tôi nhìn Mai Phương trước, — khó có thể nói chuyện này đã được luyện tập, vì tôi với nó đâu phải tâm điểm của các biến cố, nhưng nếu nói chuyện này đã được "tự nhủ" rất nhiều thì không sai.


Nhưng vẻ mặt nó không hề có biểu hiện hốt hoảng hay lo lắng, mà có vẻ rất cáu giận; tôi thấy nó nhíu mày, quai hàm động đậy, viền bờ môi trên — hai khóe miệng và cái gờ viền lấy bờ môi trên của nó luôn gây cho tôi cảm giác chúng tồn tại độc lập với phần còn lại của cả bờ môi ấy, với cả cái miệng, với cả khuôn mặt, và chúng có một khả năng biểu cảm sinh động rất riêng — hơi nhướng lên.


Nhất thời tôi không mường tượng được gì về cơn giận của nó, nhưng yên tâm là nó không bị hốt hoảng, tôi ngoảnh lại phía sau.


Đúng là có một chiếc bàn bị đổ, nhưng thế này là phải đổ văng ra, đến nỗi mặt bàn bị giật bung, chỉ còn dính lắt lẻo một chốt vào bộ chân bằng sắt ống không còn bị mặt bàn giữ nên đã tự động xếp lại; tiền giấy tung tóe; ở chỗ lẽ ra cái bàn phải đứng, bây giờ đang có hai người.


Một người béo bệu, đầu cua, mặc com-lê sẫm màu không cài cúc, sơ mi trắng không cà vạt, đang nằm ngửa sóng sượt, kêu lên ẹ ẹ những gì lộn xộn nghe không rõ.


Người thứ hai, tôi nhận ra là người bên trái trong ba người dẫn đầu nhóm khách ban nãy, đang tì một đầu gối lên bụng người đang nằm, một tay bóp cổ, một tay đang ra sức nhét một nắm súc sắc vào mồm đối phương...


Một cảm giác rất không thoải mái xộc lên, đầu tôi đã chẳng nghĩ gì cả, tôi chỉ vội đưa tay Mai Phương cho Nhất Phi, bảo nó: "Coi chừng đại tỷ!", rồi tôi bước nhanh đến chỗ hai người kia, tôi cũng chưa kịp nghĩ đến đấy mình sẽ làm gì, chỉ biết là...


Nhưng tôi không cần phải nghĩ.


Có người chặn tôi lại. Anh Ngạn — dáng người thanh, thoạt trông như một thư sinh, nhưng nhìn kỹ thì thấy chắc chắn và có sức, da hơi ngăm ngăm, mũi dọc dừa, mắt hai mí nhưng trông giống như một mí, tóc không dài, nhưng tóc mai không bị cạo cắt ngang, com-lê xanh thẫm màu đêm rừng rậm, sơ mi lụa trắng ngà, cà vạt màu nâu non vải bóng bàng bạc thắt rất không chặt — đã đứng giữa tôi và hai người kia, tay phải anh (phía tôi đứng) hơi dang ra, chặn nhẹ lên ngực tôi, mắt anh nhìn xuống, nhưng đưa một chút qua bên tôi, tôi nghe anh nói:


— Ngừng tay!


Nhưng chắc không phải nói với tôi. Người đang cầm nắm súc sắc ngẩng lên, rồi quẳng những con súc sắc xuống sàn, phủi phủi tay, đứng lên. Anh Ngạn cúi xuống đưa tay trái cầm tay kéo người đang nằm dậy, gạt y đứng qua một bên. Vẫn không nhìn ai, anh hỏi:


— Chuyện gì?


Người vừa cầm súc sắc xốc lại áo, hai mắt nhìn lành lạnh và một ngón tay trỏ thẳng băng đều hướng về phía người béo bệu:


— Thằng bệu này chơi bài không tiền, ném cái chìa khóa xe ra, bố láo!


Anh Ngạn còn chưa nói gì, tôi đã nghe thấy một giọng nói quen:


— Xin lỗi, xin lỗi nghe anh Dương!..


Là bác Bang đang vội vàng rẽ mọi người, lật đật bước tới; bác nhìn người béo bệu, nghiêm giọng hỏi:


— Có nợ tiền anh Dương không?!


Người kia phụng phịu:


— Không có.


Bác Bang vỗ nhẹ vào vai "anh Dương", lại nói:


— Xin lỗi, xin lỗi nghe anh Dương, có gì bỏ quá cho.


"Anh Dương" nhìn bác Bang, rồi lại chỉ mặt người béo:


— Chưa xong đâu, thằng bệu!


Bác Bang cười "nhăn nhó", gật gật đầu:


— Thôi được rồi, anh Dương, để hôm khác mới tính, hôm nay vui vẻ, mỗi người chơi thêm vài ván đi!


Có người vịn vào tay tôi, tôi quay lại, — Mai Phương và Nhất Phi đã đến cạnh tôi.


Mai Phương rất ít khi cáu giận, — mà theo cách nghĩ của tôi thì lẽ ra nó phải ngược lại, cho nên tôi lại càng thấy thêm yêu mến nó, thậm chí, khó phân biệt là chủ ý hay vô thức hay bao nhiêu phần này bao nhiêu phần kia, tôi biết là tôi đang học nó, — cho nên chuyện này, nếu có, thì không khó nhận ra. Nhìn nó, tôi biết nó đang bực bội khó chịu lắm. Tôi nắm bàn tay nó, nó lại bảo:


— Mình đi đi!


Nhưng ngữ điệu lần này khác hẳn lần trước.


Tôi bảo:


— Ừ.


Nhất Phi đang ở đây, nhưng cái câu "bằng hữu chào nhau lúc chia tay" tâm đắc của tôi thì không còn phù hợp nữa trong bối cảnh này, nên tôi đang nghĩ một cái gì tự nhiên thôi nhưng tôi lại muốn là đừng thông thường quá, để nói với nó, thì bỗng tôi nghe có người gọi:


— Phi Long, hây, Phi Long!


"Bãi chiến trường" mới rồi giờ đang tạo ra một khoảng trống tạm thời; ở "bờ" bên kia, có một người béo và trông bề thế, nhưng vóc hơi nhỏ, mặc một bộ com-lê nền nã màu hoa xa cúc nhàn nhạt, được may rất khéo trong trường hợp như vậy, đeo cặp kính trắng dày cộp, đang giơ tay ra hiệu cho tôi.


Một cảm giác khó xử đột nhiên choán lấy tôi, tôi bảo Mai Phương: "Chờ anh một tí", rồi vội bước nhanh qua "bờ" bên kia.


— Ôi, anh Quân! — Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhưng đầy đặn đang chìa ra.


— Chú về hồi nào?


— Bảo vệ xong em về ngay, năm nay. Anh...


Tôi đang vừa nói vừa nghĩ câu để hỏi thì anh đã vỗ vai, ngắt lời tôi:


— Đưa anh cái cạc vi-dít, bây giờ nói ngắn làm sao hết chuyện?


Anh cười, tay đưa cho tôi cái cạc vi-dít màu xanh nhã, thẫm hơn một ít so với màu com-lê đang mặc, trên cạc in một cái lô-gô hình một con chim mỏ vàng rơm, lưng và cánh xanh lính thủy, bụng trắng, thân hình uốn vòng cách điệu thành một chữ "C" tròn xoe, và in những hàng chữ màu trắng nhờ nhờ, phông chữ không chân, hiện đại, — mắt anh nhìn qua "bờ" bên kia.


— Em chẳng có cạc... — Bình thường tôi vẫn không có cạc vi-dít, nhưng lúc này tự nhiên tôi thấy mình lúng túng.


— Em đọc anh số liên hệ. — Trong tay anh đã có một chiếc máy tính tay Casio màu xám, hình chữ nhật bầu bầu, có màn hình mở lên như quyển sổ nhỏ; chắc máy này nhiều chức năng, và có sổ địa chỉ.


Tôi đọc số điện thoại ở phòng máy tính, anh lấy một ngón tay thoăn thoắt chọc bàn phím Casio kêu bíp bíp... lại vỗ vai tôi, bảo: "Anh sẽ gọi sau!", bắt tay, nhìn qua "bờ" bên kia, rồi quay người bước nhanh về phía mấy bàn có người ngồi, ở bên trong, vừa đi vừa giơ tay vẫy ai đó.


Mấy chiếc đèn lồng đỏ treo ngang thành một hàng dưới khung cổng sắt vuông vắn sơn màu lục sẫm đã bật sáng. Trời chắc đã mưa, sân và mặt đường đều ráo hoảnh, và đêm lấp lánh hơn. Nhưng không có gió, còn không khí nóng và ngột ngạt. Nhà hàng này thuộc loại to, nên vỉa hè, đoạn ở trước cổng vào, bị cắt ngang và hạ thấp xuống bằng với mặt đường để tiện cho ô tô vào ra. Ngay góc vỉa hè bị cắt, phía bên trái cổng nếu đi ra, có một thân cây có vẻ thuộc loại vỏ nhẵn, trông lực lưỡng nhưng thanh mảnh, vì cao vút. Nhét bộ tú-lơ-khơ Nhất Đổ Thiên Sầu giúi vào tay tôi ban nãy vào túi ngực áo vét, tôi đang định dẫn Mai Phương vòng qua gốc cây đấy rồi đi tiếp theo vỉa hè phía ấy, thì nó níu tay tôi:


— Đi qua bên kia!


Bàn tay thon thả và tôi biết là mềm mại đang chỉ chênh chếch sang bên kia đường, về hướng ngược lại.


Sang đường, đến chỗ theo hướng tay chỉ, nó lại chỉ cho tôi dẫn nó rẽ vào một cái ngách nhỏ, rồi cứ thế đi theo một lối đi không ngoằn ngoèo lắm, nhưng bé tí, len giữa các ngôi nhà, có vẻ đều là nhà ở; vừa đi nó vừa hỏi tôi chỗ này có phải như thế này, chỗ kia có phải như thế kia không; tôi bảo nó:


— Này, nhỡ bây giờ nó cụt rồi thì sao?


Nó cười, níu chặt tay tôi hơn:


— Thì lại cảm phiền huynh đài đưa kẻ thân bất do kỷ này quay trở lại.


Tôi luôn có một cảm giác rất không thoải mái những lúc nó nói kiểu như thế; và, dù biết là tôi hiểu nó nhiều, tôi cũng không thể xác định được là những lúc như thế nó nói đùa hay thật như thế nào. Cũng may là nó rất ít khi nói theo cách như vậy.


Và may là lối đi không cụt, và chúng tôi bước ra một đường phố thẳng băng chạy ngang qua trước mặt. Nói chung đường phố thì đều thẳng, nhưng đường phố này trông "thẳng băng" hơn, chắc vì hai bên đường, dọc theo mép vỉa hè, trồng hai hàng cây cao vút, — giống với cây lúc nãy trước cửa nhà hàng, — những cây này có thân thẳng tắp và từ tít trên cao mới bắt đầu có lá, nên trông chúng như được kẻ bằng thước; và phố, ở trong "bản vẽ kỹ thuật" ấy, trông cũng như được kẻ bằng thước.


Phố này tôi đã nhận ra, chân tôi tự động rẽ trái, chợt nhớ ra, tôi hỏi:


— Này, những cây cao vút trồng ở phố này là cây gì?


— Gọi là cây... hì... — nó cười, phát âm uốn lưỡi rất cẩn thận, — cây dầu rái.


Thấy người tôi rung rung, — tôi cười, — nó bảo:


— Gọi cây dầu là được rồi.


Rồi tự nhiên nó thở dài. Tôi nhìn nó. Ngữ cảnh này tôi biết, và rất không thích, bảo là sợ cũng được. Nên một lát, tôi với nó chỉ đi và im lặng. Nhưng nó nép vào tôi nhiều hơn. Rồi nó nói:


— Cái người bị đánh ban nãy ở sòng bài là chú Bảo em.


Tôi gần như đã thở phào, — không phải loại chuyện mà tôi sợ.


— Ông nội để lại gia sản cho ba người con: ba em, chú Trí, và chú Bảo. — Nó tiếp. — Ba em là đại ca, nhưng ba chỉ là con nuôi của ông nội. Chú Trí trong ảnh trông đẹp trai như tài tử xi-nê, ông nội cho chú đi học bên Pháp, chú học giỏi hơn tất cả sinh viên cùng khóa ấy, ba em bảo, chú là một người phong nhã, lịch lãm, và rất cơ trí, sắc sảo. Nhưng ông nội mới mất được hơn một năm thì chú bị tai nạn xe hơi trên xa lộ Biên Hòa; xe chú đâm thẳng vào một chiếc xe tải nhà binh, họ bảo chú ngủ quên lúc đang lái xe. Lúc ấy em đang ở trong bụng mẹ.


Rồi nó lại thở dài:


— Còn chú Bảo thì không nên người. Chú là giọt máu của ông nội, nên ba em buồn lắm, nhưng ba cũng chẳng biết làm thế nào. Ba em chỉ hết sức dặn dò mọi người, từ mẹ em, em — nhất là em, — cho đến tất cả những người thân gần như bác Bang, anh Ngạn... là dù có thế nào thì cũng phải hết sức chiếu cố cho chú Bảo. Còn chú ấy... Anh cũng thấy rồi đấy.


Lại im lặng một lát, rồi nó hỏi, như chợt nhớ ra:


— À, mà về nước cũng được một thời gian rồi, sao anh vẫn chưa liên hệ với anh... với những người như anh Quân. — Giọng nó đã vui vẻ.


Tôi sang học năm thứ nhất thì anh Quân đang làm luận án tiến sĩ. Lúc Mai Phương cùng tôi và cùng với ý định còn tương đối mù mờ của tôi dành cho nó bay sang trường tôi, thì anh đã về nước. Nhưng anh Quân là một trong những người học giỏi nổi tiếng trong sinh viên ngoại quốc trường tôi; anh là một trong những thần tượng — lâu lâu mới có người nổi bật hẳn lên như thế — trong sinh viên Việt Nam du học ở bên ấy nói chung, và, tất nhiên, của sinh viên trường tôi nói riêng; cho nên Mai Phương đã được nghe chuyện về anh; ban nãy tôi bảo là anh Quân, thì nó nhớ ra ngay.


Nếu tôi viện một lý do, thể nào nó cũng nghĩ là tôi phải vì chuyện của nó nên không có thời gian cho những việc khác, cho nên, không muốn lắm, nhưng tôi thấy tốt nhất là cứ có thế nào thì nói thế, nhưng tôi cũng muốn nói cho đơn giản nhất:


— Anh Quân ngày xưa từng là thần tượng của anh. Nhưng về sau lại hết... lại không phải nữa. Nên gặp và nói chuyện, tự nhiên anh thấy... anh nghĩ là anh sẽ lúng túng.


Nó gật đầu, rồi nói ngay sang một chuyện khác:


— À, nhân thể, em quên chưa dặn, những lúc không ở công ty, có ở đâu khác, thì cứ để em với anh Ngạn lo.


Lúc ấy tôi với nó đã đi gần đến đầu phố, phố cắt ngang phía trước to và tấp nập xe pháo hẳn hơn phố này. Tôi cốc nhẹ đầu nó:


— Anh bao nhiêu tuổi rồi, Sài Gòn này có to bằng...


— Không, — nó ngắt lời tôi, — không bàn cãi, để em là để em, anh hứa đi!


— Ờ, anh hứa! — Tôi chả hiểu gì, nhưng vẫn hứa.


— Thế được. Phải dặn thế. Vì... ví dụ như phố này, — nó hơi ngoái lại, chỉ tay ra đằng sau, dọc theo con phố chúng tôi đang đi, — thì anh Ngạn bảo không ở được. Không được ở thì đúng hơn. Chuyện này A-nhi-a không dặn, nhưng em phải lo. Chà... gió thổi mát quá, qua đường thôi...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...