Lập Trình Viên II (3)

Nhất Đổ Thiên Sầu lại bụm hai tay quanh mép cái bát tô. Nó nhắm tịt cả hai mắt lại, nhưng động tác mở bát thì vẫn thuần thục như cũ, nhưng nó không đặt bát xuống ngay, mà cứ cầm cái bát úp lửng lơ như thế, chỉ nghiêng đầu tránh cái bát, rồi hé mắt nhìn xuống lòng đĩa.


Lúc đấy bọn trẻ mới reo ầm lên, có đứa nhảy tưng tưng. Không hiểu sao chúng đã không reo lên ngay, — rõ ràng chúng đều nhìn thấy lòng đĩa trước khi Nhất Đổ Thiên Sầu mở mắt ra.


Đúng là "Ba-a-a trá-á-ái bà-à-àu" thật, nhưng tình cảnh này thì... không phải "cho ta".


Tôi chưa kịp thấy phản ứng tiếp theo của Nhất Đổ Thiên Sầu — mà tôi đang chờ một cách rất ái ngại nhưng vẫn tò mò — thì Mai Phương đã đưa bàn tay đặt lên đúng đống tiền ở chỗ bàu rượu; tôi thấy bọn trẻ đã im lặng ngay; miệng Mai Phương cười tươi rói, tay kia, tôi đã lại thấy nó cầm một tập phải hơn chục cái bao lì xì "thằng quan"; tôi vẫn không hiểu nó găm tiền với bao lì xì ở đâu, — nó mặc áo dài.


Nó nhoài người, thế là cả hai tay nó đặt lên trên cả đống tiền và tập bao lì xì, nó khẽ nhấn nhấn hai bàn tay, rồi đứng thẳng lại, mặt nó như chưa hề tươi rói, nó cung tay, trịnh trọng:


— Cảm phiền Giáo Chủ!


Tôi vừa nhíu mày, thì đã thấy Nhất Đổ Thiên Sầu cũng cung tay, nhịp một cái về phía Mai Phương, rồi, vẫn để nguyên tay như thế, — nên trông thái độ có phần lạnh lùng, — nó quay sang bên cạnh:


— Đại tỷ hậu ân, Tư Tả Sứ, đem chia đều cho giáo chúng!


Tư Tả Sứ — áo phông trắng vằn đỏ — cũng vội vàng cung tay:


— Giáo Chủ anh minh!


Bọn trẻ, cũng không hiểu có phải cố nhịn hay không, — trông chúng trang nghiêm thật sự, — bây giờ mới lại nhảy nhót reo ầm lên tiếp. Tư Tả Sứ cười toe toét, nhoài người ôm đống tiền và bao lì xì, rồi vừa chen về phía đầu bàn, vừa gom tiền trên mặt bàn về phía ấy, — chỗ đấy có khoảng trống rộng hơn.


Nó bắt đầu mở các bao lì xì để móc tiền ra, thì Mai Phương ghé tai tôi:


— Mình đi đi!


Lúc ấy trong đầu tôi tự nhiên đã xuất hiện ngay được một câu rất hợp ngữ cảnh bằng hữu chào nhau lúc chia tay, thích quá, tôi vừa định cung tay thì Nhất Đổ Thiên Sầu đã nhanh hơn tôi, — tay nó vẫn đang để như thế.


— Long huynh, tiểu đệ vãn sinh hậu học, bây giờ mạo muội bày ra một đổ cuộc, mong được thỉnh giáo Long huynh.


Câu thì không phải câu hỏi, nhưng mắt nó nhìn xeo xéo, ngước lên, là đang hỏi tôi. Cạnh tôi, Mai Phương đã đứng im, có vẻ chăm chú. Cái câu tôi vừa nghĩ ra hay thế, mà lại không được dùng, còn thế này... thật tình tôi bí, không tìm được ra cả từ, lẫn cách xếp từ thành câu để đối đáp cho trôi "dòng" này; rất may là ngay lúc đầu óc tôi đang lộn xộn không xử lý kịp, thì có một câu rất đa dụng chợt lóe lên, mừng quá, nên gần như nó bay thẳng ra miệng tôi luôn:


— Chúng tôi rất được hân hạnh!


Chính là khẩu quyết để đời của Xuân tiền bối... Xuân Tóc Đỏ.


Tôi còn đang thích chí về cái khẩu quyết đa di năng này, thì Nhất Đổ Thiên Sầu đã nhanh nhẹn quài tay móc từ túi quần sau ra một bộ bài còn đựng trong hộp, nhưng đã bóc ni-lông, — là bộ bài tú-lơ-khơ "Xe đạp" thông thường, có vẽ nhiều họa tiết rắc rối màu xanh công nhân đậm, nổi lên là hình thiên thần cởi truồng, bài trông còn mới, chắc là của Tàu. Bằng một động tác thuần thục, nó lấy bài ra khỏi hộp, tay trái nắm phía dưới tụ bài, xoay đằng mặt quân bài về phía tôi, tay phải nó chụp lên trên, xòe nhanh ra mấy cây, tức là mấy cây ở "sau" cùng:


— Long huynh nhìn thấy những quân bài nào?


Tôi chăm chú lắm, nhưng giữ bộ mặt hớn hở như đang được tham gia một trò vui mới; tương đối thận trọng, nhưng lại nói vẻ mừng rỡ:


— Lần lượt là Át Bích, Át Nhép, Át Cơ...


— Vậy được!


Nó cụp phắt bộ bài lại, nhưng chia bài lại rất thong thả: ba cây bài nằm sấp cạnh nhau, thành một hàng ngang; nó thong thả điểm ngón tay trỏ từ trái sang phải:


— Át Bích, Át Chuồn, Át Cơ. Bây giờ Long huynh phải chú ý. — Nó nhìn tôi. — Tiểu đệ bắt đầu đây.


Dứt lời, hai bàn tay nó thoăn thoắt di chuyển ba quân bài ở trên mặt bàn.


Sau một loạt những hoán vị phải công nhận là cũng hết sức "ma" trận, ba quân bài lại trở về nằm thành một hàng ngang, giống như cũ.


Nó chìa bàn tay:


— Cây bài đỏ, Long huynh, mời!


Cách chơi các môn bài bạc của tôi trước giờ đều là dựa vào các cách tính toán và khả năng ghi nhớ. Về phương diện này, Xéc-giô có phần không được kỹ lưỡng và chi tiết bằng tôi, nhưng hồi trước nó lại nổi tiếng hơn tôi nhiều.


Vì nó biết nhiều kỹ năng.


Hồi đấy tôi ham chơi bài chủ yếu cũng vì tôi thấy trò này tốt cho việc luyện cách tính toán và ghi nhớ, cho nên mặc dầu mọi cố gắng thuyết phục của Xéc-giô, tôi vẫn chẳng hứng thú gì lắm với những ngón nghề của nó, một phần có lẽ còn là do cái đấy ít nhiều gây cho tôi một cảm giác "bàng môn tả đạo".


Nếu đánh cẩn thận, tử tế, thì tôi hay được nó. Nhưng đánh tử tế thì thứ nhất là phải đánh "thông tầm", mà "tầm" ở đây là phải có "đêm", tức là kiểu gì cũng phải bỏ học tương đối; thứ hai là đấy không phải lối chơi "đại chúng". Bỏ học thì có thể không phải chuyện lớn lắm đối với đại chúng, nhưng sinh viên chơi thì vốn ham ào ào "tả bổ xiểng". Cho nên trong đám bài bạc sinh viên, Xéc-giô nổi như cồn. Tất nhiên là nó thắng "tả bổ xiểng" nhiều, nhưng ngoài ra có một chuyện cũng phải kể đến, là những trò kỹ năng, tiểu xảo nói chung luôn gây được nhiều hấp dẫn với mọi người — cả người trực tiếp học và làm, lẫn người xem — hơn so với những lối nghĩ ngợi mất công.


Ba cây bài thì không thật khó nhớ. Nhưng Nhất Đổ Thiên Sầu, dù là có nhiều động tác thành thạo, nhưng vẫn còn bé; người còn bé thì nội tâm và ngoại diện nhất quán hơn, cho nên ván này không khó "ngửi" thấy ngay là nồng nặc mùi tiểu xảo!


Mà môn tiểu xảo thì tôi dốt!


Nên tôi vừa nao lòng nhớ đến cái vẻ thật thà ăn tiền các bạn của Xéc-giô, vừa cấp tập suy tính một phương án tối ưu — hồi trước "tả bổ xiểng", đấy là cách hầu như duy nhất tôi biết dùng để cố đối phó với Xéc-giô, và thua nhiều hơn thắng — để tìm con Át Cơ.


Khi không thể tìm được cách giải đúng mà vẫn phải cho ra kết quả, thì tôi dùng một cách giải sai nhưng tự mình có thể hình dung rõ ràng nhất.


Tôi vừa chốt lại cách "sáng sủa" ấy, thì Mai Phương bảo tôi:


— Em đã bảo rồi, đến đây thể nào sẽ phải chơi một trò ú òa dưới áp lực cao mà! — Giọng nó vui vẻ, nó dành cho Giáo Chủ một nụ cười đồng tình.


Tôi thấy cánh mũi hồng hồng của Giáo Chủ động đậy, — chiến thắng trong tầm tay, còn được đại tỷ thưởng thức, chắc là muốn cười vang lắm rồi! Nhưng mà...


"Em đã bảo rồi"... — Nó chưa hề bảo tôi thế!


Tức là phải giải mã tiếp: "trò ú òa", "dưới áp lực cao"... chủ thể, màu đỏ, màu đen...


Tôi cười nhăn nhó (để Giáo Chủ khỏi giục ngay), trong đầu vội vã xào đi xào lại những từ khóa đang chạy nháo nhào...


Chẳng có gì chạy vào đâu cả! Chắc lại phải...


Tôi đã gần như quay trở lại phương án của mình, thì... cơ khổ, căn bản tôi dốt tiếng Anh.


"Uhh Ahh", "Under Pressure" — ú òa, dưới áp lực!


Là cùng một an-bom, và ban nhạc ấy... cả bốn chú đều đen!


Tôi bèn đứng bò ra, chân thẳng chân chùng, hai cùi tay tì lên cạnh bàn, thành ra: ba cây bài ("ba chú" đều đen) úp ở giữa, Nhất Đổ Thiên Sầu với tôi thập thò hai bên, trông rất là "tâm tình"; tôi nhòm nhòm nó, nhe răng cười; trông nó đầy thắc mắc, nhưng nó cố giữ mặt nghiêm.


Tôi làm bấy nhiêu động tác, một là để có thể "nhìn gần" thằng bé một cách tự nhiên, hai là để câu giờ; giờ, thì thắng thua hoàn toàn là tùy ý tôi, nhưng nếu thắng không khéo, có thể tôi sẽ làm thằng bé bị mất mặt với lũ bạn nó, — thế thì tôi thua còn hơn, cho nên tôi phải cố nghĩ cho chu đáo.


Tôi bảo:


— Cây này... — Cây lẽ ra phải là Át Cơ đang nằm ở bên trái, theo phương án tôi giả thiết về cách tráo bài của thằng bé, thì cây này sẽ phải là Át Nhép; tôi gõ gõ ngón giữa tay phải lên đấy, mắt để nguyên, nhưng đảo con ngươi xuống, lắc lắc đầu, thở dài. — Không phải quân đỏ!


Câu cuối tôi nói nhanh, cùng lúc, tôi lật cây bài.


Đúng là cây Át Nhép.


Thằng bé nhìn tôi, liếm môi.


— Cây này... — Tôi lại gõ gõ ngón tay lên cây bài lẽ ra phải là Át Bích, và nhìn nhanh, nhìn thoáng một cái thôi, như không chủ ý quan sát, vào mắt thằng bé. Hệ thống thần kinh thực vật của nó làm việc đúng như tôi đã đoán.


Tôi lại nói nhanh:


— Cây này cũng không phải quân đỏ!


Cùng lúc, tôi lật nhanh quân bài... úp ở bên cạnh, — không phải cây tôi đang gõ ngón tay lên.


Là cây Át Bích.


Môi Nhất Đổ Thiên Sầu đã tách hẳn nhau ra, rồi để nguyên; tôi đứng thẳng lên:


— Át Cơ đây! — Tôi chỉ cây bài vẫn còn úp, rồi cung tay, tiếp luôn. — Đổ thuật cao minh, ngu huynh bất quá chỉ là may...


"Rầm"... đúng lúc ấy, tôi nghe thấy một tiếng "rầm" rất to ở sau lưng, rồi tiếng nhốn nháo, có cả tiếng thất thanh, — đã có cái gì đấy đổ gãy rất mạnh...


(Còn nữa)

Đã có 4 nỗi niềm tâm tư (không tính facebook),

Unknown bi bô...

Cùng nỗi buồn về bóng đá Sea Games, em muốn hỏi mọi người một chuyện. Lần trước anh Lãn bảo Nhật Linh và em là nếu chưa đọc Đông-ki-khốt-tê thì phải đọc, vì đấy là quyển được đọc nhiều nhất trên thế giới, sau Kinh Thánh. Nhật Linh đang đọc chưa hết quyển một, em đang bắt đầu quyển hai, nhưng thú thật là đọc oải quá, truyện viết từ hồi đấy bây giờ đọc hình như không thấy hay lắm. Bọn em muốn tìm anh Lãn để hỏi về chuyện này, thì dạo này y hoàn toàn mất hút. Thực ra quyển sách được đọc nhiều như vậy, mà mình đọc oải thế, thì có nên cố đọc không ạ?

Ps: Nghiêm túc.

Đim-ma bi bô...

Dặn dò kiểu má mì thế thì khó nói lắm. Nhưng đằng nào cũng tải hết một quyển rồi, thì nên cố nốt đi.

Ps: Quyển này anh đọc lại thấy rất hay, căn bản đọc từ hồi bé.

Nhật Linh bi bô...

"nên cố nốt đi."

Quyển này thì cố nốt. Nhưng còn những trường hợp khác tương tự (và không chỉ đọc sách) thì sao?

Phi Long bi bô...

@Thanh Thư, Nhật Linh - Cứ tự mình thấy nên thế nào thì làm thế.

(Ps: Tính y, đại khái có quý ai thì mới "tham luận" đấy. Còn với chuyện người ta nghe/không-nghe theo mình, y lại rất khách quan.)

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...