Lập Trình Viên II (2)

Mấy hôm trước thấy Mai Phương với bác Bang ngồi rôm rả nói chuyện dành riêng một phòng ở đây để làm "sòng bạc", tôi đã hơi ngạc nhiên, nhưng lộ ra mặt, nên bác Bang vỗ vai tôi:


— Hội, thì phải có bạc chớ?! — Rồi bác bảo Mai Phương. — Phương tết này giữ anh nó ở lại ăn Tết, xem từ con nít đến bà già đánh bạc suốt trong nhà ra tới vỉa hè cho biết.


Nhưng vừa thấy mặt tôi có nét hưởng ứng, bác lại lắc đầu ngay:


— Dà, không có ba thứ... tốn công đó, không mậu binh, tá lả, chỉ Tiến lên Nam là cùng!


— Bàu cua cá cọp! — Mai Phương cười tươi rói, xuýt xoa.


Là nó kể với bác Bang chuyện ngày xưa tôi cũng là một tay bài "cự phách". Nó kể, tất nhiên cũng theo cách ít nhiều khoa trương hứng khởi của nó, nhưng cũng không sai, — chuyện bài bạc sinh viên của tôi với Xéc-giô "một thời", hình dung của nó đúng là cũng không đầy đủ được. Theo ý kiến khách quan của Xéc-giô (nhớ mày quá mày ạ!), thì y cũng thích Tiến lên Bắc — tiến lên đồng chất đồng hoa — hơn Tiến lên Nam...


— Gì đấy? — Mai Phương lại đang khẽ giật tay áo tôi, nhắc.


Bây giờ ngồi kiểu "tâm truyền" này, tôi mải nghĩ gì, hay mải nhìn gì xung quanh, là nó nhận ra ngay; nó sẽ chờ một tí, — một khoảng thời gian mà nó tự tính theo ý nó là vừa đủ, còn nó tính theo kiểu "tâm truyền" như thế nào, tôi cũng không biết, nhưng tôi thấy hình như cũng hợp lý, — rồi sẽ giật nhẹ tay tôi để nhắc.


Tôi bảo nó:


— Có mấy vị chú bác com-lê cà vạt vừa mới đến, nhưng không tới bàn thượng tọa, đứng chào hỏi ngay ở cửa, rồi vội vàng vào "sòng bạc" ngay, hình như còn muốn rủ ba em vào cùng.


— Hì, bàu cua cá cọp! — Nó lại cười tươi rói.


Tôi chợt nhớ ra, hỏi nó luôn:


— Này, sao lại "bàu cua cá cọp"?


— Thì... gọi thế chứ sao?


— Anh thấy có bàu, cua, cá, tôm, gà, hươu, làm gì có cọp?


— À... — nhìn kiểu nhăn mũi của nó, tôi đoán nó biết câu trả lời, nhưng chắc cũng không tự tin lắm về đáp án, — "cọp" là đọc chệch của từ "cọc". "Cọc" là từ Việt cổ, ở đây cùng nghĩa với "cộc", "nọc"... kiểu đấy, chỉ những thứ cứng, nhọn, những con đực... — nó cười, cắn cắn môi, rồi nói nhanh, — tóm lại, là chỉ con hươu!


Nó nói thế, rồi vội vàng nhổm dậy, kéo tay tôi:


— Đi, đi qua đấy đi!


Bên trong "sòng bạc" hóa ra đầy người. Tôi dắt... Mai Phương dắt tôi thì đúng hơn, đến cửa, thì từ bên trong, lẫn trong tiếng cười, nói, hét, gọi, reo... ồn ĩ láo nháo, nghe rõ ra một giọng lanh lảnh:


— Nè, đặt xong lấy tay... đặt xong lấy tay nghe! Đặt vô, đặt vô!..


Mọi người láo nháo đứng xúm quanh những chiếc bàn hình chữ nhật hơi dài, loại bàn gấp có chân làm bằng sắt ống bắt chéo nhau; trong phòng chủ yếu là bàn, ít ghế; mùi thuốc lá khét khét không quen mũi tôi; phía bên trong cũng có những bàn ngồi...


— Cua cá nghe con, cua cá, cua cá-á-á!.. — Tôi đang ngó nghiêng, lại nghe thấy giọng nói vừa rồi lảnh lót. — Chà, cá tôm!..


Mai Phương giật giật tay tôi:


— Đi qua đấy! — Nó chỉ về hướng "cua cá nghe con" kia, tôi thấy nó phì cười, có vẻ rất thích thú.


Người nhiều, lại không ai đứng yên cả, nên tôi với nó phải đi hơi dích dắc một chút mới len đến được gần một chiếc bàn cao phải gần đến ngực những người đang đứng xung quanh.


Chiếc bàn vẫn đúng một loại với những chiếc khác xung quanh, bàn loại này cao chưa đến hông tôi, nhưng căn bản những người đang xúm quanh nó toàn là người thấp.


Trên mặt bàn là một tờ "bàu cua cá cọp" rộng, in hai màu đỏ và vàng trên nền giấy trắng; có sáu ô vuông viền hoa văn màu vàng chia đều thành hai hàng trên mặt giấy, theo chiều xuôi, tức là chiều "đứng" của họa tiết, từ trái sang phải, thì hàng trên lần lượt là hình hươu, bàu (bàu rượu làm bằng vỏ quả bàu), và gà, hàng dưới là cá, cua, và tôm. Đứng ở giữa quay mặt vào ngay bàu rượu là...


— Nè, đặt xong lấy tay nghe!..


Một thằng bé tóc ngắn, nhưng không phải mới cắt, nên tuy lởm chởm nhưng có nét mượt, mặt tròn xoe, tức là người hơi béo, nhưng trông cứng cáp, mặc một cái áo sơ mi cộc tay màu nhàn nhạt, hơi hồng hồng, cổ áo mới cứng, phanh ra, để hở phần ngực trẻ con đầy đầy, hình như áo bỏ ngoài quần, hai bàn tay với những ngón tay trẻ con hơi mũm bụm lại, giữ ba hòn súc sắc to. Nó đưa mắt nhìn mặt bàn, vừa nhìn vừa thành thạo hất những hòn súc sắc từ tay nọ qua tay kia mấy cái, rồi lại bụm hai bàn tay, xóc xóc, tròn mắt nhìn các bạn nó xung quanh, lại cất giọng lanh lảnh:


— Máu thì máu ha. Ba trái bàu cho ta, ba trái bàu cho ta! Ba-a-a trá-á-á-i b...


Tự nhiên nó dừng ngay lại, mồm và tay gần như cứ để nguyên dở chừng như đang như thế, mắt nó sáng lên, nhìn cố định vào ngay bên cạnh tôi.


— Đại tỷ! — Giọng nó mừng rỡ, nhưng tôi thấy mặt nó có vẻ ngượng ngượng, hình như còn thoáng đỏ lên.


Tôi ngoảnh sang, Mai Phương đang cười cười, nghiêng nghiêng đầu, lắc lắc...


Hai tay thằng bé lúng túng, nhưng rất nhanh, nó quay lại, bảo một đứa khác:


— Thằng Tư, kiếm bát dĩa mau!


Thằng Tư — gày gò, tóc cợp gáy, mặc áo phông trắng vằn đỏ cổ bẻ — nhanh nhẹn lách ra. "Ba trái bàu cho ta" giơ một ngón tay trỏ nói với bọn quanh bàn, như ra lệnh:


— Đâu, để nguyên đó!


Rồi nó lại nhìn Mai Phương, nhìn tay Mai Phương đang níu cánh tay tôi, đánh mắt sang tôi, rồi lại nhìn Mai Phương ngay, hỏi rành rọt:


— Đại tỷ, vị huynh đài này là..?


Thằng bé này, cái vẻ nhanh nhẹn, hăm hở, nhưng có dấu lặng, và ánh mắt "băng thông rộng" của nó, làm tôi thấy có chỗ, nhưng không xác định được là chỗ nào, ở trong người tôi, bị chạm đến và gây cảm giác, làm tôi nhớ đến một đứa khác; Mai Phương còn chưa nói gì, tôi đã vội chắp hai tay thành quyền:


— Không dám, tại hạ tục danh Phi Long, chẳng hay các hạ là..?


Tôi bắt như vậy mà đúng mạch ngay; mắt thằng bé sáng lên, nó cũng vội cung tay:


— Thì ra là Long huynh. Tiểu đệ Nhất Phi. Là cùng chữ "phi". Hạnh hội!


Tôi đọc Kim Dung cũng vào loại công phu, từ vựng dòng này tôi thuộc không ít, nhưng dùng, thì tất nhiên không quen; lúc ấy tôi muốn nói một từ gì đó, làm chức năng đáp lễ, nhưng nhất thời tìm không ra, lại rất không muốn lạc điệu, sợ làm thằng bé cụt hứng, nên tôi "bỏ trống" và đưa đẩy luôn sang chuyện khác:


— Nhất huynh đệ bôn tẩu, chẳng hay ngoại hiệu thế nào?


— Ngoại hiệu..?


— Vậy... — Chắc nó chưa có ngoại hiệu, tôi thò tay cầm một hột súc sắc (hột súc sắc "bàu cua cá" này không to bằng quân mạt chược, nhưng so với súc sắc "một nút — sáu nút" thì to hẳn hơn, cầm rất thích tay), ngửa lòng bàn tay, ướm ướm, làm ra vẻ nghĩ ngợi. — Chẳng hạn, súc sắc này có sáu mặt, có thể lấy ngoại hiệu là Lục Diện Ưu... — Tôi nhìn lướt qua, bọn trẻ con đều nhìn tôi rất chăm chú. — Mà, huynh đệ đứng chữ "Nhất", tốt nhất lấy ngoại hiệu chữ "Nhất", chẳng hạn, Nhất Tài Phú, Nhất Cục Bát Phương, hoặc là Nhất Đổ Thiên Sầu...


Thằng bé lắng tai nghe tôi nói, đến "Nhất Đổ Thiên Sầu", nó vội giơ phắt bàn tay trái, ngón tay trỏ chĩa lên:


— Nhất Đổ Thiên Sầu... Nhất Đổ Thiên Sầu, đa tạ lão huynh!


Mai Phương chợt quay về phía tôi, làm điệu bộ cung tay, vẻ mặt rất trịnh trọng, nhưng trong giọng nói thì có tiếng cười:


— "Thì ra là Long huynh, tiểu đệ Nhất Đổ Thiên Sầu Nhất Phi". — Nó nắm bàn tay phải thâm thấp trên mặt bàn, vểnh ngón cái lên, gật gật với "tiểu đệ". — Quả nhiên rất hay!


Nhất Đổ Thiên Sầu phấn khởi cung tay, nhịp nhịp, hình như định nói gì, thì ngay trước mặt nó lúc ấy đã hiện ra một cái bát tô, úp lên trên một cái đĩa, — thằng Tư áo phông trắng vằn đỏ đã trở lại.


Tôi thấy trong tay Mai Phương đã có một tập tiền một nghìn mới cứng cạo râu, — chắc nó đã nghe thấy tiếng bát đĩa đặt xuống bàn; nó đưa tiền cho tôi, ghé tai:


— Trừ bàu ra, anh đặt tùy ý.


Tôi chưa kịp nghĩ gì, tự nhiên đã thấy tay mình đặt hai tờ một nghìn vào ô phía trên, bên trái: "cọp" — hươu; chắc là tại câu chuyện "cọp — cọc — hươu" ban nãy.


Tiền đã đặt xong từ lúc "máu thì máu ha", nhưng Nhất Đổ Thiên Sầu — bằng một động tác thành thạo, rất nhanh, hé nghiêng miệng bát tô, ném ba hòn súc sắc vào, cầm bát đĩa lên vừa xóc xóc liên tục vừa đưa lên đưa xuống, về phía này phía kia như mời chào, bất ngờ đặt phắt xuống, rất nhẹ nhàng — vẫn hét theo thói quen:


— Đặt xong lấy tay nghe!


Nó cũng bỏ tay khỏi bát, hai bàn tay úp xuống, nhịp nhịp trước mặt như để trấn an; bọn xung quanh hét:


— Khui!


— Khui!


— Khui!


Nó xòe hai ngón tay cái và hai ngón tay giữa, khuôn lấy miệng cái bát úp, lại hét:


— Ba trái bàu cho ta! Ba-a-a trá-á-ái bà-à-àu!


Cùng với tiếng "bà-à-àu", hai tay nó khéo léo nhấc cái bát lên, đúng lúc ấy có một bàn tay, cổ tay đeo chiếc vòng đá xinh xinh màu trắng đục, chỉ thẳng vào lòng đĩa, tiếng một đứa con gái hét:


— Tôm!


Lòng đĩa lộ ra, Nhất Đổ Thiên Sầu bằng một động tác rất nâng niu, nhưng vẫn nhanh thoăn thoắt, nhẹ nhàng đặt cái bát tô sang bên cạnh, nhìn xuống, hét:


— Hai con cua! Một con nai!


Tôi thắng được hai nghìn, mừng quá, khoe với Mai Phương:


— Anh đặt vào "cọc", được hai nghìn.


Có tiếng con "Tôm" than vãn:


— Phá sản rồi!


Mai Phương cười, bảo tôi:


— Cờ bạc đãi tay mới!


Nhưng tôi thua tiếp bốn ván liền. Đến ván thứ sáu, tôi cầm ba nghìn đang định tùy tay đặt tiếp, thì Mai Phương níu tôi, nói nhỏ:


— Từ từ đã.


Nét mặt nó chăm chú, rồi nó bảo:


— Năm nghìn gà, hai nghìn cá


Tôi được ba nghìn: được gà, mất cá.


Lần sau tôi được năm nghìn cua.


Rồi được tiếp hai nghìn: năm cá, trừ ba cua.


Thêm mấy lần như vậy, rồi không thấy bị trừ nữa. Và tôi thấy bọn trẻ con bắt đầu đặt theo tôi. Cứ như vậy một lúc, thì Nhất Đổ Thiên Sầu đã thua tương đối.


Tôi chợt nhận thấy là bọn trẻ con bây giờ đặt tiền, nhận tiền đều có vẻ giống như đang làm thủ tục, — thực tâm, có vẻ chúng không còn để ý đến chuyện được thua nữa, chủ yếu chúng muốn "xem" tôi, tức là Mai Phương, chơi.


Còn Nhất Đổ Thiên Sầu tình trạng thật không khác gì cái máy rút tiền.


Nó vẫn tỉnh bơ, nhưng tôi bắt đầu thấy ái ngại cho nó, đúng lúc ấy Mai Phương lại níu tay tôi, nói khẽ, nhưng như reo lên:


— Bàu, đặt tất.


Tôi nhìn xếp tiền dày cộm trong tay, — đến một cọc rưỡi nhà băng, — ngần ngừ:


— Đặt... tất à?


— Đặt tất! Đặt đi!


Tôi nhìn Nhất Đổ Thiên Sầu bằng cái nhìn của một người có lỗi, rồi miễn cưỡng xếp cọc tiền ngay ngắn vào mép bàu rượu có thắt dây nơ đỏ chỗ ngấn giữa quả bàu.


Nhoáng cái, bàu rượu đã biến mất, — bọn trẻ con cũng ào ào chất tiền lên đấy, phè cả ra xung quanh, có đứa xếp sau còn giao hẹn: "Đặt bàu đấy!", — hình như bọn nó đều "dốc túi" ra đánh cả.


— Khui!


— Khui!


— Khui!


Bọn trẻ thúc giục, đứa chắp hai bàn tay trước ngực, đứa thì vung tay lên như đang hô khẩu hiệu, bộ dạng tất cả đều rất hưng phấn.


Nhất Đổ Thiên Sầu lại bụm hai tay quanh mép cái bát tô. Nó nhắm tịt cả hai mắt lại, nhưng động tác mở bát thì vẫn thuần thục như cũ, nhưng nó không đặt bát xuống ngay, mà cứ cầm cái bát úp lửng lơ như thế, chỉ nghiêng đầu tránh cái bát, rồi hé mắt nhìn xuống lòng đĩa...


(Còn nữa)

Chưa có bạn nào ý kiến ý cò gì cả (không tính facebook).

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...