I-u-li-a (2)

Nắng không có màu, lá cây màu vàng và màu đỏ, và vì ở đây — không biết có phải được trồng theo thiết kế hay không, nhưng trông có vẻ cân xứng — có những cây thông đứng xen giữa những cây khác, — đa phần đều là những cây thấp hơn, — cho nên vẫn có màu xanh.


Có những người đi lại, — cả thong thả, cả tất tả, — và ngồi — chủ yếu là từng đôi một, nhưng hình như đều không phải là đôi trai gái — trên những băng ghế sơn màu xanh da trời lác đác viền quanh khoảng trống rộng rãi hình tròn chung quanh tượng đài Lô-mô-nô-xốp.


Nhưng trong cả khoảng này thì chỉ có mình tôi là người.


Người đút một tay vào túi quần, đi vòng vòng chung quanh Lô-mô-nô-xốp. Ở hơi chếch về bên phải, phía trước mặt ông, trên nền gạch đỏ nâu, có những chữ màu trắng được viết to tướng và nguệch ngoạc:


“Дима + Таня = На всяком километре”


(“Đim-ma + Ta-nhi-a = Trên từng cây số”)


Đim-ma thì đúng là tên tôi, còn Ta-nhi-a, trong ngữ cảnh này thì hà huống lại có một mối liên hệ lô-gích nào đó, cho nên tôi dừng lại đọc, có cảm giác vui vui vì được trùng tên, nên nhoẻn cười, rồi bước một bước qua phải, tránh dòng chữ, rồi lại đi như cũ. Nhưng không biết có phải vì dòng chữ kia không, mà từ đầu tới giờ, bây giờ tôi mới nhận thấy trong lòng có một cảm giác giống như sốt ruột.


Nhưng bước vài bước thì cảm giác đó lại hết ngay, có thể vì lúc đó tôi bắt đầu nghĩ về chuyện những người chăm sóc khu “vườn — công viên” này hình như có phần hơi mẫn cán quá thì phải, vì tôi vừa đi vừa nhìn xuống mặt sân lát gạch, và trên cả vệt vòng vòng tôi vừa đi qua, — không giống như lúc ở trong lối đi thẳng, — tôi chả nhìn thấy một chiếc lá vàng nào cả... mà cũng có thể là...


Tôi vừa ngước mắt lên để ước lượng khoảng cách từ đây đến chỗ những thân cây thì thấy ngực bên trái khẽ rung... rồi có tiếng điện thoại kêu.


— Anh đi đến đâu rồi?


— Anh đang ngắm Lô-mô-nô-xốp, đã đến được một lúc...


— Hả?.. Lô-mô-nô-xốp nào?


— Lô-mô-nô-xốp mà... đứng trước trường ấy...


— Hi hi... không phải Lô-mô-nô-xốp ấy, Lô-mô-nô-xốp ngồi cơ, anh nhanh lên nhá.


— Lô-m... — Tôi chưa kịp hỏi lại thì cô đã cúp máy.


Lô-mô-nô-xốp ngồi?


Xuýt nữa tôi đã gọi lại thì có một ý nghĩ đã tự đến trong đầu...


Đào Phò, một lần về Hà Nội chơi, sang kể với tôi là lúc y kể cho Phi Long — một anh bạn chung của chúng tôi — nghe về tòa nhà thư viện mới của Trường Đại Học Tổng Hợp thì...


— Lão đại (Phi Long hồi đó còn là lão đại, đến lúc chúng tôi biết thêm một người nữa là Lãn Ông, thì y mới thành lão nhị) đã gần như ngất đi. Đến lúc hoàn hồn mới phều phào bảo: “Cái chợ! Ở đó từng có một cái chợ tuyệt vời, bán bia rất là ngon!..”


Cả Đào Phò, rồi đến tôi, đều đã vô cùng sửng sốt, vì cho đến giờ tôi — và có lẽ cả y — chưa từng gặp một ai mà lại thích sách đến như Phi Long. Đào Phò bảo ở nhà Phi Long có “cả một thư viện hùng tráng ngồn ngộn những sách”, “sách nhiều như gái thanh lâu”, “Kim Dung thì toàn bản chụp lại đóng quyển, dịch từ thời ngụy”, “cứ trốn ở trong đấy mà đọc, không chừng có thể cực khoái được đấy”, “Có cả mấy quyển da dê... Thêm ít “cảo thơm” nữa, có khi hết mẹ sách thiên hạ!”


Ở trước mặt tòa nhà thư viện mới này cũng có một pho tượng.


Cũng là tượng người, áo quần, tóc tai rất na ná như cái tượng đang đứng ngay trước mặt tôi đây, cả khuôn mặt cũng bầu bầu tròn trĩnh như vậy... và căn bản: ông này ngồi.


Nhưng ông này tuyệt đối không phải một nhà bác học, mà là một ông quan rất to, từng làm thống chế, chủ tịch hội đồng bộ trưởng... gì đó, đại khái thế, từ thời Ê-li-da-vét.


Đấy là Bá tước Pi-ốt I-van-nô-vích Su-van-lốp. — “Lô-mô-nô-xốp ngồi”.


Cũng có thể tôi đoán sai, nhưng chỗ đấy cũng ở ngay đây: chỉ cần đi bộ một chút về hướng Lô-mô-nô-xốp đứng đã đứng nhìn mãi từ bao nhiêu năm nay, đến hết khoảnh “vườn — công viên”, rồi chui xuống một lối đi ngầm bên dưới đại lộ Lô-mô-nô-xốp, là sẽ ngoi lên khoảnh sân lát đá gần giống như hình bát quái ở ngay trước mặt Bá tước Su-van-lốp. Cả tôi và Đào Phò đều rất quen thuộc khu này.


Nên tôi đi ngay, — cảm giác giống như sốt ruột hình như đã lại quay trở lại.


Khoảnh sân hình bát quái nằm trũng xuống, cho nên cách quãng — hai cái ở hai cạnh hai bên Bá tước (ông ngồi ở giữa một cạnh, quay lưng vào tòa nhà, đối diện với những bậc thang đi lên từ dưới lối đi ngầm, cũng là đối diện với tôi), thêm hai cái nữa ở hai cạnh kế tiếp bên trái và bên phải — có những lối bậc thang để đi lên khỏi nó.


Giờ này — vả lại thư viện mới — ở đây vắng ngắt.


Gió thổi thốc mạnh và mát.


Xa xa theo hướng lối bậc thang lên bên tay trái tôi có một đôi sinh viên trai gái nhưng chắc không phải yêu nhau đang vừa đi xa dần vừa trao đổi gì đó, — tôi nhìn thấy những động tác diễn đạt bằng tay nhưng không thấy các cử chỉ thân mật.


Còn ở chính giữa bậc thang trên cùng ở lối đi lên bên tay phải tôi, cao vút, là I-u-li-a.


Nhìn hai gót đôi guốc quai hậu ở dưới chân cô, tôi biết trong trường hợp này nếu leo lên đến đấy tôi cũng sẽ chỉ đứng đến thái dương cô là cùng. Huống hồ tôi đang đứng ở dưới này, còn cô đứng ở trên ấy. Nên cao vút.


Bộ quần áo bò bó sát lấy thân thể khỏe mạnh của cô. Nhìn kỹ thì không đồng bộ. Đều là xanh mực học trò, nhưng màu quần “chì” hơn màu áo, và bạc hơn, bạc phếch.


Cạp quần thấp, nên trông như không hề có cạp quần: vì con gái mà đôi chân như chân cô, theo phân loại của Đào Phò, thì y sẽ xếp cô vào “loại gái có chân mọc từ hông”. Đấy là cách y dùng để tả những cô gái có cặp đùi thẳng và mạnh khỏe, nên trông như liền lạc với mông “thành một thỏi thống nhất”.


Cạp áo bo vừa chạm cạp quần. Áo phanh ngực, còn bị vầng ngực mạnh mẽ bên trong đẩy căng cúc cài ra, cổ áo nếp nhỏ, màu áo mới và tươi hơn màu quần, tươi rói, tay áo dài, cũng bó lấy cánh tay, các móng tay đỏ thắm.


Tôi đứng tần ngần nhìn những mảng tóc dài — phải đến giữa lưng nếu nằm im — mượt mà màu gốc rạ đang mềm mại bồng bềnh trong gió; tôi biết, đôi guốc cao gót, chiếc quần bò bạc, và chiếc áo bò xanh mực tươi tắn, — đấy là ba thứ duy nhất bám trên người cô.


Cô là gái điếm, tôi ngủ với cô hai lần, cách nhau hai năm ba tháng, lần sau cách bây giờ một năm năm tháng.


Đấy là tất cả những gì tôi biết về cô.


Nếu cố bổ sung, thì lần sau cô béo hơn lần trước một chút, còn bây giờ, trực quan, thì cô không béo bằng lần sau, nhưng vẫn béo hơn lần trước.


(Còn nữa)

Mới có mỗi một bạn phát biểu (không tính facebook),

Unknown bi bô...

Chân tình quá. Thật là sâu sắc!

Giơ tay bi bô phát biểu bằng nick Google, WordPress...

Bi bô bằng nick facebook, Yahoo...