— Thế được. Phải dặn thế. Vì... ví dụ như phố này, — nó hơi ngoái lại, chỉ tay ra đằng sau, dọc theo con phố chúng tôi đang đi, — thì anh Ngạn bảo không ở được. Không được ở thì đúng hơn. Chuyện này A-nhi-a không dặn, nhưng em phải lo. Chà... gió thổi mát quá, qua đường thôi.
Từ lúc vào Sài Gòn, tôi vẫn ở luôn trong một phòng ở tầng trên cùng, trong tòa nhà của công ty chú Cao, ở quận nhất. Đây là chọn lựa — cũng là đề xuất — của tôi, sau khi tìm hiểu được là có thể như thế. Chú Cao, cô Lan, — nhất là cô Lan, — vẫn có ý muốn tôi ở luôn ở nhà cô chú, nhưng tôi không thấy thoải mái với phương án này lắm; tôi cũng không hình dung rõ lắm sao lại thế nữa, — vì như Mai Phương và tôi, thì tôi có ở như thế có lẽ cũng là chuyện hoàn toàn bình thường.
Hồi cô Lan chú Cao hai người vội vàng ra Hà Nội để gặp tôi dịp tôi về phép, tôi mới chỉ là một người quen gián tiếp của gia đình, và hoàn toàn chưa phải một người lớn; chính tôi khi đó thực ra cũng ngạc nhiên ra phết vì cô chú lại đồng ý cho Mai Phương đi theo tôi luôn. Lần này về, có thời gian trò chuyện nhiều, chú Cao mới kể là lúc đấy chú không lo lắng nhiều đâu, nhưng cũng chẳng thấy thoải mái gì lắm với chuyện ấy; là cô Lan đã thuyết phục chú, — cô Lan không hiểu sao lại rất ủng hộ, "cô là người Bắc, chắc cô hiểu cháu hơn." Cô Lan thì nhún vai, xòe tay, nhướng mắt... vẻ rất hài lòng, gọi là đắc ý cũng được, về mọi chuyện này, nhưng không bình luận, hay kể lại gì hết.
Lúc tôi nói với chú Cao là vào ở ngay trong công ty, chú Cao cứ nhìn cố định vào tôi một lúc, và gật đầu trong lúc đang nhìn.
Dịp này sắp sinh nhật công ty, có nhiều việc phải chuẩn bị nên ở đấy lộn xộn, và mọi người thường ở lại họp hành, tập tành muộn; tôi phần thì hào hứng được dịp chạy góp vui chỗ này chỗ khác, chơi thêm với nhiều người, phần thì bắt đầu lại có cảm giác không thoải mái thế nào đấy về chuyện mình đang ở ngay ở đấy; nhưng chưa nói gì thì Mai Phương với anh Ngạn đã đến chở tôi ra khách sạn ở, tôi chẳng có ý kiến gì, hai người họ cũng không giải thích.
Mai Phương vừa giục "qua đường thôi", nhưng tôi vẫn đứng yên ở mép vỉa hè.
Chắc nó sẽ nghĩ là đường đông.
Đường to cắt ngang thì đông thật, nhưng con phố mà chúng tôi vừa đi đến đây thì không đông, ở chỗ đầu phố này cũng không đông. Nhưng đi đâu với Mai Phương ngoài đường, đã thành thói quen, tôi luôn cẩn thận hơn mức bình thường. Đường không đông, nhưng đi qua đường không đông trong lúc tâm trạng không ổn định vẫn là không cẩn thận. Và tâm trạng tôi thì vừa mới bất chợt không ổn định.
Nhưng Mai Phương chắc cũng đã không nghĩ là đường đông, vì lúc qua đường xong, lại bước lên góc vỉa hè, rồi đi thẳng, ngang qua phía bên ngoài những khung kính hơi nâu nâu phía trong có nhiều bóng đèn vàng vàng của quán cà-phê rộng nằm ở ngay góc này, nó chợt hỏi tôi:
— Phi Long, thật sự... em nên nói nhiều đến chị A-nhi-a, hay nên nói ít... như thế nào thì... anh sẽ hơn?
Tương đối lủng củng, bằng vào khả năng diễn đạt của nó.
— Anh... thật sự anh cũng không biết nữa. — Một cách vô thức tôi nhắc lại từ nó nói.
— Phi Long, giá như... nếu như không có em...
— Phương, "nếu" cái gì?!! — Giọng tôi chắc phải hơi gắt. — Làm sao mà "nếu" thế được?!
— Sao không? — Tôi thấy giọng nó bướng.
— Em, và A-nhi-a, và anh, bắt buộc phải gặp nhau như thế, chuyện đã như thế, vì không thể không như thế!
— Sao lại không thể? Lúc ấy chẳng qua cũng như ném một viên súc sắc, có thể "Nhất", có thể "Lục", các khả năng như nhau.
— Không như nhau. Nếu ném ra "Lục", tức là xác suất ra "Lục" lúc ấy là trăm phần trăm!
— Xác suất lúc nào chả một phần sáu?!
— Một phần sáu là bài toán đã bỏ hết các điều kiện khác, chỉ tính mỗi con súc sắc thôi. Còn cụ thể lúc ném, trăng sao thế nào, trời đất ra sao, xuân hạ thu đông, mùa mưa, mùa khô, đêm, ngày, gió, mây, mưa, phố phường, người xung quanh, dây điện, ô tô, xe máy, điện thoại, tâm ý người ném, Thần, Phật, Tết, giỗ, mồng một ngày rằm, một con bướm vỗ cánh từ thế kỷ trước... còn có những cái gì tác động thế nào vào hòn súc sắc cụ thể vào lúc ấy, người có biết được đâu, người biết được bao nhiêu?! Một phần sáu là tính gần đúng theo một góc bé tí mà mình biết, thế thôi.
— Này... — Nó đứng hẳn lại, trông nó rất băn khoăn. — Anh... chuyện này thật ra anh... đã nghĩ hẳn hoi thật chưa đấy?
Tôi nghiêng đầu, chạm vào đầu nó:
— Nghĩ lắm rồi!..
Ý nghĩ và vẻ rất băn khoăn của Mai Phương; và có lẽ vì tôi nghiêng đầu — động tác này dễ gây cảm giác "lớn — bé", — và ngửi thấy mùi tóc và mùi nước hoa quen thuộc rất gần; tất cả khiến lòng tôi bỗng thấy nao nao ghê gớm. Đấy là một cảm giác đã quen, mà trong suốt mấy năm vừa rồi, trong một số ngữ cảnh cụ thể, nó vẫn luôn xuất hiện.
Lần đầu tôi biết đến nó, cũng là lần đầu tôi gặp Mai Phương. Cái ngày mùa hè vậy mà cách đây đã mấy năm rồi ấy...
Cho nên, thay vì tìm tiếp — như đã định — một đại từ nhân xưng theo một kiểu cách văn vẻ dành để gọi phái nữ để kết thúc cái câu đang nói ở trên, bất giác tôi quàng tay qua vai Mai Phương, kéo nó sát thêm vào mình, và rủ rỉ với nó:
— ... Em là muội tử tri kỷ nhất của anh, từ giờ em đừng có "nếu" kiểu như thế, anh bị giật mình lắm đấy.
Nó cũng hơi nghiêng đầu sang tôi, hít một hơi dài, rồi lắc đầu, vừa thở ra vừa nói:
— Lần trước sao anh bảo gió ở đây có mùi bột nghệ?
Tôi ngơ ngác một chút, rồi cầm bàn tay nó, vạch vào không khí trước mặt một đường từ trái qua phải, hơi chênh chếch từ dưới lên:
— Tại em bảo anh mùa này gió thổi vào thành phố theo hướng này.
— Hướng đấy thì sao lại bột nghệ?
— À, hướng đấy là từ... Ấn-độ dương.
Nó cười:
— Sao hồi trước anh không thích chơi với sinh viên Ấn?
— Không phải không thích, mà là không chơi được.
— Sao không chơi được?
— Hồi đấy anh với tứ ca em đi đánh bài, cứ đến lúc hai chiến sĩ về đi ngủ thì các bạn Ấn lại vừa ngủ dậy, quần áo ngủ trắng thướt tha, rủ nhau xuống dưới hầm để tắm nước lạnh buổi sáng. Lệch pha quá thế, chơi với nhau vào lúc nào được?
— Hì... Như Sao Hôm với Sao Mai...
— Ai Hôm, ai Mai?
— Hôm đánh bài, Mai đi tắm...
Đang vui vẻ nói như thế, tự nhiên nó thừ người ra:
— Anh... với em sau này cũng thế. Em... không muốn ở nhà đâu...
— Anh với em? Sao Hôm Sao Mai! — Tôi vội ngắt lời nó. — Hay thật đấy! Ờ, sao trước giờ anh không nghĩ ra nhỉ?! Sao tự nhiên em lại nghĩ ra cái hay thế?! Èo, hay quá!..
— Hay cái gì mà hay?! — Nó cáu.
— Sao Hôm và Sao Mai thực ra là cùng một ngôi sao!
— Anh đừng có biến báo, làm gì có chuyện ấy?!
— Là một ngôi thật mà. Đều là Sao Kim.
— Anh chỉ lung tung! Sao Hôm, Sao Mai, kẻ bên tây, người bên đông, không bao giờ gặp nhau, xa cách, cũng như Mặt Trăng, Mặt Trời...
— Không phải!.. Các cụ ngày xưa nghĩ chúng nó không bao giờ gặp nhau, tại cứ nhìn thấy ngôi này, thì lại không thấy ngôi kia. Em không thấy thắc mắc à? Làm sao mà nhìn thấy hai ngôi một lúc được, nếu nó chỉ là một ngôi?!
— Rõ ràng hai ngôi hai chỗ, còn cố nói một ngôi! Đúng là lý sự cùn!
— Anh nói thật mà! Nó ở một chỗ, còn các cụ ở hai chỗ, nên nhìn ra hai chỗ.
Nó lại thừ người ra, rồi chắc đã phân vân:
— Thế... sơ đồ như thế nào nào?
— Thì... đại khái Sao Kim nó cùng quay quanh Mặt Trời giống như Trái Đất, nhưng nó bay ở bên trong.
— Anh... thật đấy chứ? — Nó dứ dứ một ngón tay trỏ trước mặt, mặt nó nghiêm trọng, nhưng hình như nó phấn khởi. — Chuyện này, là không được nói dối đâu đấy!
Nó cắn môi, rồi lại có vẻ bán tín bán nghi:
— Có đúng là không nói dối chứ?
— Tuyệt đối không! — Tôi quả quyết. — Nếu như mà nói dối thì...
Ngón tay nó đã đặt nhẹ lên đúng môi tôi:
— Được, thế thì tuần sau Sao Kim sẽ mọc qua bên kia để nghe ca nhạc. — Rồi nó chỉ sang bên đường.
Ban nãy tôi với nó đi đến đầu phố, chuẩn bị sang đường, thì đã nghe thấy tiếng "ca nhạc", chủ yếu là tiếng trống bụp bụp, rồi cứ đi thì tiếng "ca nhạc" càng rõ dần lên.
Ở bên kia đường, đối diện với vỉa hè trước cửa khách sạn chỗ chúng tôi đứng bây giờ, tụt vào (vì vỉa hè bên ấy cũng rộng) và bị che khuất nhập nhèm đằng sau một mớ rất nhiều đường dây điện đen đen căng ngang (tức là căng dọc theo mép vỉa hè bên ấy), nhưng vẫn nhìn thấy tương đối dễ vì hai bên có hai cột đèn cao áp chiếu xuống, trên một cái biển rộng bản màu trắng chạy vồng lên theo hình cầu ở phía trên một cái cổng vào mà vòm cổng có hình như thế, là dòng chữ "Sân Khấu Ca Nhạc" cũng hình vòng cầu, màu xanh lá cây đậm, ôm lấy hai chữ "Trống Đồng" màu đỏ ở dưới, — đều là chữ in, to đậm.
Tiếng "ca nhạc", nhất là tiếng trống bụp bụp, đứng ở đây nghe tương đối rõ, mặc dù đường phố cũng đông; cho nên tôi lại hơi ngơ ngác một chút, lúc Mai Phương — đang tiếp tục thích thú với chủ đề "Sao Kim" — đột nhiên bảo tôi:
— Anh vào ngủ đi, em về đây.
Tôi ngoảnh lại thì một chiếc Tô-yô-ta Cờ-rao màu nòng súng to bè bè đúng là đang tấp rất nhanh — nhưng rất êm — vào lề đường. Cứ tiếp tục kiểu này, trước sau gì (có khi đã bắt đầu rồi) tôi cũng sẽ tự nghi ngờ tai tôi mất, — tôi nghĩ ngay cả có đặc biệt chú ý đi nữa, chắc tôi cũng không thể phân biệt được tiếng cái xe Cờ-rao kia trong mớ âm thanh "ca nhạc" và phố phường hỗn độn như thế này.
Anh Ngạn đưa Mai Phương về rồi, còn lại mỗi mình trên hè phố, thật sự tôi đã định rảo bước ngay qua bên kia đường; nhưng cùng lúc ấy tôi lại băn khoăn không biết bên ấy người ta có cho vào xem ca nhạc quá dở chừng thế không, và... rốt cuộc thì đi xem ca nhạc như thế nói gì thì nói cũng không có vẻ là một hành động tự nhiên cho lắm; cuối cùng tôi thọc hai tay vào túi quần, giương mắt lên mặc dù không chủ ý nhìn cái gì cả, hít một hơi dài, thở phì ra, rồi dũng cảm, bằng một động tác dứt khoát, quay người lại, và bước về cửa khách sạn.
Vì rời khỏi quầy lễ tân, là tôi sẽ chỉ còn một mình...
(Còn nữa)